Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2007

Thương về Hòa Yên nhớ Sao Biển

Trần Thế Huy 72

Múa võ đôi chiêu đã rớt đài
Ngoáy bút vài hàng đã cứng tay
Võ đâu phải tổ, văn chẳng cụ
Thế ra ấm ớ cái gì đây?
Ba mươi năm gác bút dẹp nghiên
Mãi lao đao cơm áo gạo tiền
Moi móc chán còn đôi ba chữ
Thông thứ nhé Tâm Tư Sao Biển

Còn gì nữa đâu mà khóc với cười. Hoà Yên còn đó Sao Biển còn đây. Nhưng những gì của hôm qua hôm nay đâu còn. Hãy cố quên đi để quá khứ không đè nặng tương lai, để hôm qua không trở thành nỗi bất hạnh, sự dày vò của hôm nay. Tôi muốn là người điên để không còn biết nhớ và để xua tan nỗi buồn, tôi phải là thằng say. Vì cả hai thằng điên, thằng say đều dễ cười dễ khóc.

Như đứa trẻ tập đi bước một, bước hai, người mẹ buông tay, con ngã sóng soài. Tôi chập chững bước chân vào Sao Biển, cũng bước một bước hai. Mẹ không buông tay ra nhưng đứng nhìn thời cuộc giành lấy và xô ngã con mình... Có lẽ Mẹ muốn những đứa con của Mẹ cũng sẵn sàng hai tiếng "xin vâng" như Mẹ đã từng. Nhưng Mẹ ơi... Khó quá!
Ngồi buồn, nằm buồn, suy nghĩ buồn: lục lọi trong quá khứ của mình chuyện cổ tích kể lại cho bá tánh nghe chơi.

Tôi có một người cậu mà anh em Sao Biển hay gọi là Bà Điều (Nguyễn Ngọc Điều 67). Trong đầu óc non nớt của tôi ngẫm rằng đã là bà thì tóc phải dài, ngực phải nở. Khi cần "…" thì ngồi. Đằng này hơi rối trí à nghen! Vì thấy cậu mình tóc không dài, ngực không nở, khi "ấy" thì lại đứng. Đích thị là Adam rồi, cớ sao lại gọi là bà? Dù bà hay bóng thì giờ đây cậu mình cũng bỏ cha bỏ mẹ đi làm cha của hai đứa trẻ xứ Kangaroo rồi.
Khi cậu đi tu thì tôi vẫn còn thích chạy rông, thích trần truồng tươi mát. Lớn lên chút nữa, biết ngài ngại trước phe kẹp tóc nên quần nghiêm áo chỉnh. Mỗi dịp hè sang cậu thường bày trò dạy Le Francais élémentaire, nhưng hồi đó tôi hay bực cậu về việc chuyên gia mở cửa "nhà nhỏ", chỉ cần một thanh tre mỏng đưa vào khe cửa là y như rằng "Vừng ơi, hãy mở ra", súng ống, đạn bom có gì mang ra triển lãm hết. Cậu bịt mũi, cháu bịt mồm cùng cười vang. "Chà, dân Sao Biển cũng nghịch gớm!", tôi thầm nghĩ.

Cậu tôi có một anh bạn mang dòng họ Đậu, cùng ở xứ Hoà Yên. Khi anh chàng họ Đậu học tiểu chủng viện Sao Biển thì tôi không để ý lắm, nhưng hình như sau đó thấy vườn Quy Nhơn đất lành, chàng họ Đậu bèn đáp thử. Tuy lúc này tôi còn nhỏ nhưng cũng thích nghe cậu tôi và anh chàng họ Đậu cứ tối đến ôm cây đàn guitar ra bên hông nhà xứ Hoà Yên nghêu ngao hát. Bài hát mà tôi nhớ nhất là bài: "Mal, au fond du coeur…" Có lẽ cung giọng hát quá cao, cộng với tiếng ồ của tuổi dây thì, và do phải lấy hơi nhiều, thế nên dù trời tối tôi vẫn cảm thấy mặt anh họ Đậu đỏ bừng và ở bên dưới cổ gân nổi to bằng ngón tay. Sau này bài hát được dịch sang Việt ngữ tôi mới biết ý nghĩa của nó là: "Đau, từ đáy trái tim...". Chậc, mới đi tu mà đã biết đau, "…ta buồn đau ...Oui j'ai mal". Excusez-moi. Chỉ là vô tình, chỉ là quá khứ, nhưng sao hôm nay nghĩ đến, ta nhớ về người. Ôi, kỉ niệm quá ư là đẹp, phải không anh Đậu Hiệu? Hello.

Năm 1966-70, tôi rất ư là sốt sắng trong việc "nhà cha", từ giúp lễ, dọn bàn thờ, đến quét rác, và ngay cả rình kẻ cắp lấy trộm tiền ở hòm dâng cúng Đức Mẹ v.v… Vì tiếp xúc nhiều với các bậc đàn anh là những kẻ hồi đó tôi thường gọi là "dị ứng với đàn bà", nên ít nhiều quan niệm về đời tu dần được hình thành trong đầu óc non nớt của tôi. Ngặt nỗi cha xứ Hoà Yên hồi đó là bác ruột của Mr. Điều 67 và của thân mẫu tôi. Cha J. B. Nguyễn Quang Minh lại rất ghét tôi… vì đã dám nhốt cha ở chuồng khỉ.
Số là như thế này, đã 4 giờ chiều, cha ra chuồng cho khỉ ăn. Sợ khỉ chạy mất cha vào bên trong và dặn dò tôi ở bên ngoài phải gài chốt chặt cửa lại. Huy tôi thưa vâng và ngồi gác cửa nghiêm chỉnh. Bỗng một thằng bạn học ôm trái banh đi ngang, thấy tôi ngồi một mình, tưởng bạn mình buồn nó bèn huýt gió gọi đi đá banh. Ham vui quên cả nhiệm vụ, mải nghe theo tiếng gọi của trái banh, Huy tôi phóng tót qua hàng rào. Trời đã về chiều, bóng vẫn lăn, chỉ đến khi trọng tài vườn thổi còi miệng "Thôi nghỉ", Huy tôi mới sực nhớ cha đang ở chung với khỉ. Không nói ra nhưng chắc anh em cũng biết sự thể sau đó như thế nào. Những người biết chuyện sợ cha nổi cơn thịnh nộ: xanh máu mặt, riêng tôi thì trốn biệt luôn, miệng "lạy Chúa, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa".
Tuổi dậy thì của tôi đã đến khi tôi còn ở Sao Biển. Tôi không còn trẻ con nghịch ngợm như trước nữa mà trở nên "mơ màng nghe chim hót trên cao"… Tôi cố gắng lột xác ép mình vào khuôn khổ để cha xứ vui vẻ mà quên đi câu chuyện thằng đó to gan nhốt cha trong chuồng khỉ.

Lớp tôi có một thằng bạn ở Hà Dừa, tên nó là Kỉnh, Nguyễn Thành Kỉnh. Nó có ông anh tên là Nguyễn Chí Cần. Nói tới Rev. Nguyễn Chí Cần thì tôi rất nhớ, lại nhớ dai nữa chứ, không thể nào quên. Người ta nói: "miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời". Huy tôi lại lắm chuyện cho anh em nghe: hôm ấy đang giờ học, lớp được bố trí ở trên lầu ngay sau hồ cá Đức Mẹ. Bàn tôi có ba người. Cả lớp đang im lặng, bỗng rầm: tôi tưởng động đất sập nhà rồi. Nhìn sang bên cạnh, cả hai thằng bạn cũng giống như tôi, đều chổng vó lên trời. Anh em biết sao hông? "Ghế bị gãy chân!". Thầy Cần trợn mắt lên sau đôi kiếng trễ, môi miệng vừa bặm vừa nhô ra, cầm cây thiết bản múa máy trước mặt bọn tôi: "Để tay lên đây, không tại gì hết". Bốn ngón tay trên bàn tay phải của tôi run lên sau cú couper nghiêng thước của thầy, không thể cầm bút viết được nữa. Một nỗi oan không nói thành lời, chu choa, miếng đòn đau nhất ở Sao Biển của tôi, cố cười nhưng cứ mếu, muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy ngược vào trong, cổ họng ực ực liên tục. Tức quá tôi thầm rủa "thầy Cần vừa xấu vừa ác như phù thủy, chắc không làm cha được đâu".
Do bị đòn đau vì cái ghế, cho nên từ đó về sau, trước khi an tọa tôi luôn phải quan sát ngâm cứu thật kỹ. Ăn trông nồi, ngồi trông ghế! Cám ơn thầy, vì xưa bị ăn đòn mà đến nay em còn nhớ đến thầy, nhớ bao công lao thầy dạy dỗ chỉ bảo cho chúng em. Ấm ức nhưng đa tạ, còn thầy, thầy còn nhớ chúng em không? Những thằng gãy ghế và gãy gánh giữa đường… tu.

Vịnh dừa Sao Biển
Tiếng gió biển vù vù suốt ngày đêm lay động lao xao những tàu dừa trong sân trường. Hàng dương cũng đua nhau réo rắt liên tục, hoà với tiếng sóng vỗ ầm ì ngoài bãi cát. Tuy phải nghe bao âm thanh hỗn độn rộn rã, nhưng phải nói là trời ban cho bọn nhóc tụi tôi phân biệt rất chính xác mọi thứ âm thanh. Trong đó phải kể đến tiếng động của quả dừa khô rơi xuống đất, không lầm lẫn vào đâu được, chính xác 100%. Quả dừa khô rớt xuống đã nằm yên một chỗ, tuy sốt ruột (vì sợ tiểu quái khác lấy mất) nhưng bọn tôi vẫn phải giả vờ ngủ say, lâu lâu lại hí mắt nhìn xem "lính gác" có còn đi qua đi lại trên phòng ngủ không. Êm rồi, chỉ cần vài phút chớp nhoáng, quả dừa khô đã nằm gọn trong châu thau giặt đồ dưới giường bên trên nguỵ trang bằng vài bộ quần áo bẩn.

Những thằng bạn cùng lớp cùng xứ: Trần Quốc Định, Đậu Đèn (la lam) và tôi là những con sâu dừa. Không biết dừa Sao Biển có xì ke không mà bọn tôi nghiền thế? Giờ ra chơi chỉ cần một quả bóng lăn ra khỏi vòng cấm là y như rằng chỉ trong chớp mắt, cả banh và dừa khô cùng nhau rơi xuống. Lần nào xưng tội cũng "thưa cha, con có tội ăn cắp... dừa khô", nhưng thú thật với anh em, bỏ không được dịp tội nhan nhản khắp cả sân trường Sao Biển.

Vịnh chuối đèo Rù Rì
Bữa cơm nào mà không có chuối, hôm nào trúng độ banh thì tha hồ ăn chuối của anh em bể độ. Thế mà bọn này vẫn thèm chuối, mà chuối ở đây là chuối cúng trong cái miếu nhỏ trên đèo Rù Rì. Đúng là đang tuổi ăn tuổi lớn, cứ tống hết vào bụng những gì xực được. Phần tôi thì tích cực trong việc ăn uống, nên vẫn hồn nhiên "giá mà có càng nhiều miếu càng tốt". Hic, giờ kể lại cho anh em nghe, tôi vẫn thấy ớn lạnh vì sợ các hồn ma bị tai nạn giao thông rờ gáy khi đang chạy xe: đòi chuối.

Kỷ niệm còn nhiều nhưng thời gian học ôn đã hết trang giấy ngày này năm xưa có hạn… xin tạm gác bút. Lời cuối, ngu Huy xin tạ từ và mong ước một điều trong các điều nhỏ nhất: dù có là gì đi nữa, xin hãy đừng đào hố sâu ngăn cách giữa linh mục Sao Biển và giáo dân Sao Biển, giữa giàu và nghèo, giữa ông và thằng, vì nếu không có giáo dân, linh mục sẽ chào "Chúa ở cùng… ai!" Và nếu… Than ôi! Sự thật hay mất lòng, nhưng có cái không thật mà chẳng mất lòng ai bao giờ!
Vì Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, anh em Sao Biển ơi!

Trần Thế Huy 72

Không có nhận xét nào: