Trần Thế Huy 72
Quá khứ có thể là nụ cười của hiện tại và cũng có thể là giọt nước mắt của tương lai…
Hè năm lớp 6, rời Chủng viện Sao Biển, tôi được gia đình cho phép bay ra Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, nghỉ mát. Thích quá, chưa muốn quay vội về vùng đất cát Cam Ranh chói nắng thuỷ tinh, tôi bèn giả vờ đăng ký ở lại học hè, tuy giả vờ nhưng học thật. Nơi tôi ở là nhà ông cậu, con chú bác với mẹ tôi, lúc này ông ấy đang làm nghề godautre, tuy ít nói nhưng nghiêm nghị.
Thời gian qua nhanh, mấy chốc mà đã hết nửa cái hè rồi, chẳng bao lâu nữa lại phải giã từ những trò vui thú, buồn ghê… Mãi suy nghĩ lo lắng vẩn vơ, tôi không kịp chuẩn bị tinh thần để đối phó với câu nói của thằng con ông cậu: "Mày ở đây ăn cơm chực nhà tao." Tức quá tôi quyết định nhịn đói. Thế là tới bữa ăn sau đó, tôi nằm dài trên giường, rồi đi lang thang ngoài sân không thèm ăn nữa, mặc cho các lời mời mọc réo gọi bên tai (cũng bày đặt tuyệt thực). Nhịn ăn từ sáng đến chiều, tôi đói xanh mặt; cuối cùng không thể chịu được nữa, tôi phải cố đấm ăn cơm. Nhưng lúc này trên mâm chỉ có cơm và chén nước mắm cay, cay ớt và cay nước mắt… Rồi thì cái cay nào cũng hết, như tuổi thơ dễ giận dễ hờn và cũng dễ quên. Nhưng tôi bỗng giật mình vì người lớn không dễ quên! Sau vài ngày xảy ra chuyện ấy, tôi quay về nhà và qua ông già tôi, tôi nghe được câu kết án của ông cậu vốn thủ cựu và cố chấp: "Thằng đó tự ái quá, không đi tu được đâu". Tôi không ngờ những người làm sư phạm lại không hiểu tí gì về tâm lý của từng lớp từng tuổi… Trẻ con mà! Đánh nhau cửa trước, chơi với nhau cửa sau; vừa mới cấu xé nhau xong đã đứng bên nhau… đứa chìa tay, đứa nuốt nước bọt, hau háu chia nhau miếng bánh, nếm vị ngọt của đường trộn lẫn với vị mằn mặn của giọt nước mắt còn đọng lại trên khoé mắt, khoé môi. Chúa Giêsu xưa xuống thế làm người cũng khoái cái ngây thơ hồn nhiên ấy: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta", hay: "Nước thiên đàng thuộc về những người như chúng". Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó thì tôi không có gì nói nữa; nhưng ba tôi hễ cứ mỗi lần bực tức là lại đưa cái tự ái trẻ con của tôi ra làm đề tài, khiến tôi ít nhiều có ác cảm với ông cậu, với ba tôi và với những người lớn.
Đất nước thay đổi làm tan tác mỗi người một phương. Anh em nào may mắn tốt số thì lọt vào phương đẹp, còn tôi thì tứ phương chẳng có phương nào! Xin đi học tiếp: nhà nghèo. Xin đi tu tiếp: tu gì mà tu, nhiều tự ái. Một câu nói lúc bực, một cái nhìn không thấu đáo, không cảm thông… đã làm ảnh hưởng không ít đến một con người; thậm chí hệ quả của nó đã cắt xén, đập tan và giết chết cả đời con người ta nữa (việc quá khứ đè nặng tương lai tôi đã đề cập đến trong TTSB xuân 2005).
Nếu mà hồi đó ai cũng cho rằng "Ối dzào, trẻ con mà!"..., nhưng không, sự nghiêm khắc của Nho, Lão, Khổng đã hình thành nên sự phong kiến, tạo nên một cái khuôn, một cái lề cứng ngắc bắt mọi người phải toa rập và không gì có thể thay thế được! Ngay từ khi còn ở Tiểu chủng viện Sao Biển, một lời phê quen thuộc "Ít cởi mở, ít hoạt động trong giờ chơi" đơn giản thôi, thế mà nó vẫn còn đeo đẵng tôi mãi đến hôm nay… Ngày đó, để xoá tan lời phê không biết là của Cha, của Thầy nào đã vô tình in đậm vào đầu, tôi đã cố gắng lăn xả chơi, chơi hết mình… để cuối cùng lãnh bao nhiêu cái thẹo ở mông, ở đầu gối, mà vẫn không sao lay chuyển được tình thế. Lần sau cũng như lần trước: Ít cởi mở, ít hoạt động trong giờ chơi; và thế là ông già tôi lâu lâu có chuyện lại: các Cha đúng… Ôi thành kiến!
Đối với bổn phận làm con, áo mặc sao qua khỏi đầu, ai mà không có đấng sinh thành. Biết rằng có nói ra cũng chẳng được gì thêm, không cứu vãn được chi nữa…nên lắm lúc để an ủi mình, tôi tự nhủ: thôi, ít nói là bạc, nhưng im lặng là vàng. Rồi cũng đến cái ngày tôi được làm cha. Đã là cha mẹ, ai mà không ước mong cho con cái mình thành đạt? Nhưng tôi dám nói rằng chỉ những người khi nghe con trẻ thỏ thẻ bên tai: Ba ơi, má ơi cho con đi tu, cho con đi học (không phải vì tôi ấm ức chưa đi được đến nơi đến chốn) mới cảm thấy thật không còn gì sung sướng và hạnh phúc cho bằng… Chẳng phải vì tôi háo danh, cũng chẳng phải vì tôi muốn được làm ông Cố để được thiên hạ bẩm thưa. Dù có tu được hay không được tu… thì ở đích điểm cuối cùng, con cái của chúng ta cũng trở thành những người hữu dụng cho xã hội, những người sống với đầy đủ nhân cách. Đó là điều tôi thấy đáng nói nhất và quí nhất, mặc dù vẫn biết rằng đã có một ít sâu tạo nên châm ngữ: nhất quỉ, nhì ma, thứ ba tu ra. Nếu ai nghĩ là "mèo khen mèo dài đuôi" thì sai lầm lớn... Trong số các Thánh của Giáo Hội Công Giáo đâu thiếu những vị Thánh có quá khứ lầm lỗi, xấu xa như Phêrô, Mađalêna, Augustinô… Nếu như bậc sinh thành hoặc bề trên của các Ngài mang nặng thành kiến và cố chấp (có thể hiểu nôm na như bệnh in trí), thì con đường nên Thánh của các Ngài không đơn giản, không dễ dàng. Thánh Phêrô không thể đứng đầu Giáo Hội nếu như Chúa Giêsu cố chấp tội nói dối, tội chối Chúa. Cũng như Mađalêna và Augustinô, nếu xã hội loại trừ, cha mẹ không quan tâm thì… Tuy yếu tố đó không là trở ngại chính (theo tôi, trở ngại chính là thiếu ý chí, không thắng nổi bản thân) nhưng nếu nhìn nhận theo chiều ngược lại, ít nhiều nó cũng là động lực góp phần để hình thành nên một đấng bậc cho xã hội. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đều có cái xấu và điều tốt. Chúng ta không thể ngồi im để cho cái xấu lên ngôi, nhưng chúng ta phải nhìn nhận đâu là điều tốt, điều nên làm, nên giữ lại hoặc phải thay đổi, phải canh tân…với ước mong thế hệ sau sẽ hay hơn, sẽ phong phú hơn.
Rút kinh nghiệm của bản thân, của người không được tu, không được học đến nơi đến chốn và của người làm cha, tôi không dám múa mỏ khoe môi, mà tôi chỉ ước chỉ mong chúng ta quan tâm nhiều hơn nữa khi con trẻ có sở trường, có ước nguyện, nhưng phải là những cái tốt điều hay, những cái hướng thượng... Đừng ngăn cản, đừng vùi dập những lý tưởng cao đẹp và cũng đừng sử dụng hơi quá quyền gia trưởng, kiểu "muốn nói ngoa làm cha mà nói", hoặc cứ tự cho là "phụ mẫu tiểu thiên địa" (cha mẹ là đức chúa trời con ) và thế là mọi cái cứ phải phải… Vẫn biết trong giáo dục: giáo bất nghiêm, sư chi noạ, nhưng cái đó còn tuỳ theo từng trường hợp, từng cá tính của mỗi con người thọ giáo... Như thế vô tình tự anh em mình, những bậc làm cha mẹ đã dựng nên rào cản, đã tự đào hố sâu ngăn cách trong việc giáo dục con cái và tệ hại hơn là mối quan hệ cha con bị sứt mẻ. Trẻ không dám gần cha, luôn tìm cách né tránh gặp mặt, không thích nghe và không muốn hiểu bởi lý do đơn giản: sợ. Đôi lúc tôi cảm nghĩ, trẻ khóc nhiều vì lỗi nó phạm thì ít, nhưng có lẽ…có lẽ vì những người làm cha mẹ phủ đầu chúng, trút cơn giận lên đầu chúng đủ kiểu đủ cách. Khóc vì hối hận sẽ dễ dàng hoán cải hơn là khóc vì bực, vì tức. Trẻ xin đi học, anh em bảo nhà nghèo; trẻ xin đi tu, anh em bảo phải là Thánh mới tu được (đã là Thánh thì ai cần tu nữa). Giật mình... hạt giống tương lai sẽ nảy mầm èo uột nếu người làm vườn hôm nay không chăm nước bón phân. Người bên Công Giáo chúng ta vẫn thường an ủi nhau: Chúa định… Tôi nói thật: không uống rượu thì làm gì có say, có đụng xe, bị chai gan…; không xài dao thì làm sao có đứt tay, có án mạng, bị đi tù; đừng đổ tội cho Chúa quá nhiều. "Nul n'est pas content de soi" có thể đúng với người luôn cố gắng muốn vươn tới phía trước, chưa đạt kết quả chưa hài lòng, và có thể sai với người an phận, tạm chấp nhận, bằng lòng với số phận mình.
Thời gian không ngừng trôi, ngày nào mà chả giống nhau: sáng trưa chiều tối…, nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị ngay từ khi còn có thể thì chắc chắn tương lai không những chính chúng ta hối hận, mà cả một thế hệ con cháu chúng ta sẽ như thạch sùng: tiếc nuối.
Trần Thế Huy 72
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét