Thứ Hai, 12 tháng 11, 2007

Cọp 72

(Huy ơi, đọc bài cậu viết mới chợt hiểu lịch sử của mấy tấm hình, mình cho nó vô bài viết này nhé. Mong cậu không chấp :) hưng

Cọp 72
Huy Năm Cọp 72

Mấy em tiếp viên nhà hàng phục vụ lớp 72 cười hóm hỉnh. Một em nghe giọng nói như là người Huế, nhẹ nhàng, ngọt ngào kéo ghế ngồi cạnh tôi và thắc mắc hỏi:
- Răng em chộ lớp các eng họp mặt toàn là nam, nỏ có nự?!
Bọn tôi khúc khích trả lời:
- Phại, hồi nớ đi thi nự rớt hết - rứa em hỏi mần chi? mới có nam không mà đã đụ chệt, có nự nựa chắc chệt luôn ! hì hì …


1. Nha Trang đang vào mưa, những cơn mưa áp thấp kéo dài lê thê, ẩm ướt, gây khó chịu và dơ bẩn. Tuy thế nó vẫn không ngăn được những đứa con của Mẹ Sao Biển từ khắp phương xa lũ lượt quay về dưới mái nhà Đại Chủng Viện (ĐCV) hân hoan đón mừng lễ Sinh Nhật Mẹ.
Trong chúng ta, những ai đã từng đi qua trường Tiểu Chủng Viện Sao Biển một lần sẽ không thể nào quên được ngày trọng đại ấy: Ngày mùng tám tháng chín. Cũng vì lẽ đó, dù mưa, dù gió, tôi và một người bạn ở Đồng Nai xa xôi, lặn lội về Nha Trang, cùng với những anh em lớp CSB 72 là lớp học cũ của bọn tôi hồi trước, tề tựu quây quần tại ĐCV tham dự Thánh lễ, trao đổi tâm tình và … nhậu.
Bẵng đi một thời gian rất lâu, kể từ ngày đó, ngày mà con xa Mẹ, Mẹ xa con. Ôi trường xưa đã mất! Tuy thời gian sống với nhau không nhiều, nhưng cũng không nỡ nào đánh mất và bỏ quên những gì của "một thời để nhớ, một thời để thương" ấy được.

Do vậy, vào dịp lễ Sinh nhật Mẹ năm 2000, lớp CSB 72 bắt đầu đi tìm lại những khuôn mặt đã mất đi để hội tựu … và thế là từ đó đến nay đã tròn 6 năm, không năm nào mà lớp CSB 72 không cùng nhau "quậy" tại ĐCV vùng Nha Trang. Đức Giám và các Cha lớp trên nhìn xuống khen ngợi, các Thầy và các chú lớp dưới nhìn lên rằng: " Các anh ngon quá, chịu chơi thiệt" . Cũng bởi vì được khen và được tiếng chịu chơi thiệt (chứ ai lại chơi dỏm), lần hồi lớp CSB 72 đã "quyến rũ" được Cha Minh cời 66 (xin lỗi đàn anh nhé, vì nếu không gọi tên cời ra thì nhiều kẻ không biết và dễ lầm, vì lớp em cũng có một tên Minh nhưng là Minh già hồ), rồi đến Cha Điện 69 và Cha Hoá (mới ra lò). Thế là lớp CSB 72 bọn tôi được tiếng là chơi Cha (thích rủ các Rev. nhậu), còn việc các Cha khoái nhậu chung với lớp CSB 72 thì tôi không được rõ … Mặc kệ, chỉ biết rằng các ảnh chơi tới bến, không chịu thua thằng 72 nào hết là ngon cơm rồi. Lắm lúc vào bàn nhậu, " bần tăng thì ăn cơm Chúa, múa tối ngày" , còn bọn bần tục tụi tôi thì thuộc loại "ma chê quỷ hờn" , do đó vài ly đầu còn khập khiễng so le chưa ăn ý, nhưng khi đã ngà ngà rồi thì tăng với tục, nói theo kiểu của M.C. Long Vũ trong chương trình Chiếc Nón Kỳ Diệu của đài truyền hình VTV3: "chữ T có một chữ T" , cả hai cùng ăn khớp còn hơn là keo con voi. Mà khổ nỗi mấy cái thằng 72 không được làm cha bị trời bắt làm bố, nói toàn chuyện độc, chuyện trời ơi đất hỡi không hà, thật quá xá lắm: "Trẻ không tha, già không thương, dở dở ương ương làm tuốt" , đến nỗi tôi phải nói với anh Minh 66 và anh Điện 69:
"Nếu mấy thằng này mà xưng các loại tội đó, anh cứ buộc lại, đừng tha. Tha càng nhiều, tụi nó phạm càng nhiều! Toàn những tội khoái phạm".
Thế là bị phản phé ngay lập tức: "Không sao cả, nếu giải tội cho bọn em, các anh chỉ cần giải cho một thằng là đủ rồi, bắt nó đền tội bao nhiêu, tụi em cũng sẽ đền tội bấy nhiêu, OK".
Các anh ấy chưa hiểu hết ý, cứ "no, not", tụi CSB 72 liền bộc bạch:
"Dễ hiểu mà cũng đỡ mất thời gian cho các anh, vì tụi em cùng phạm một loại tội giống nhau!"

Thế là cha con, anh em cùng hì hì vang rền. Được cái đi nhậu chung với các cụ không sợ, vì chú ba Hoá (LM mới) tuyên bố rất vui vẻ và cởi mở: "Các anh cứ nhậu thoải mái (có lẽ ý là có thầy đây…) đừng sợ chi cả, vì trước khi đi em đã mang theo …dầu (chắc là dầu gió) có gì đặng xừ ức xức." Lại một trận cười ra nước mắt, khá khen cho kẻ hậu sinh. Xưa kia Thầy chí thánh bảo các con đừng lo chi hết, còn bây chừ thầy cả lo xa quá, hì hì, đức tin con để nơi mô?!

2. Vì Đại Chủng Viện nằm gần biển cho nên năm nào cũng được mừng lễ với cái gu hải sản, do bị bách hại dữ dội nên Thuỷ Tinh mới gào lên: "Trời thương bần tăng nhưng cua cá ghét bần tăng … kệ" . Mồi nhắm đã đầy đủ nhưng khổ nỗi họ đã hết rượu bia rồi! Gặp Cha Mai Hứa, quản lý ĐCV, Huy tôi bèn xin cha làm phép lạ hoá mấy chai bia không thành có, Cha mỉm cười đáo để:
"Đợi các chú say đã, khi đó ta không cần phù phép, nước cũng là bia và bia cũng là nước".
Tiêu rồi, chả trông mong gì được nữa, cứ cũng qua cũng lại thế này, đớ lưỡi luôn… hết ý kiến.
"Nói vậy thôi chứ, nhìn ánh mắt van lơn cầu khẩn của các chú cha không thể làm ngơ được, Chúa Giêsu khi xưa thì: "Ta thương đoàn chiên đói khát không người dẫn dắt, hãy đưa bánh và cá cho ta" , nay quay sang báo Ma Soeur:
- Ta thương các chú hết bia, mau mau mang thêm mấy chai lên đây nữa, đặng ta cho kẻ khát uống.
Cám ơn Chúa Mẹ trước, cám ơn Cha sau cả cám ơn Ma Soeur nữa. Phần tôi nâng ly bia vàng óng lên nhìn thấy ở phía bên kia ly gương mặt tươi cười của Cha Quản lý ĐCV Sao Biển sao mà dễ mến, dễ nhìn, sao mà dễ xinh (bia) thế!
Vừa cạn xong ly bia cuối cùng trên bàn cũng là lúc giờ cơm của ĐCV kết thúc, các Cha, thầy nhanh chóng đứng lên đọc kinh cám ơn, nhanh đến nỗi bọn bần tục tụi tôi chưa kịp nuốt hết thức ăn! Thế là vừa ngồm ngoàm vừa nhìn nhau, vừa cười vừa đọc kinh. Thật quá quắt cho cái lớp CSB 72: chỗ nào cũng vừa cả.

3. Cơm rượu đã no say, cả lớp 72 lừng khừng kéo nhau tìm gặp các ân sư cũ đặng hỏi thăm. Cám ơn Chúa Mẹ đã gìn giữ các ngài không sao cả, vẫn còn nguyên si… Chỉ có một cái khác là thời gian đã phá tan hết những gì của ngày xưa, để hôm nay nhìn lại, chao ôi, đầu tóc các ngài đã bạc phơ, gương mặt các ngài cũng đã mất hết sức trẻ, nhăn nheo thấy thương làm sao.
Gặp lại Cha Phó Giám đốc ĐCV Nguyễn Chí Cần, anh ruột của Nguyễn Thành Kính lớp 72 bạn học cùng bọn tôi, cả bọn láo nháo (khi lớp 72 nhập nhọc, ngài đang còn là thầy giáo):
- Thầy còn nhớ bọn em không? Chắc quên rồi, còn bọn em không thể nào quên được.
Cha mỉm cười: "Cám ơn các em đã nhớ tới tui."

Bọn 72 bắt đầu kể lể: "Phải, bọn em làm sao quên được khi những ngón tay bị thầy couper bằng thước đã hơn 30 năm vẫn chưa hết sưng… giống như "vết hằn trên lưng con ngựa hoang", nhìn vào là thấy nhớ liền, nhớ thầy ghê…"
Cha nhoẻn miệng: "Cứ hễ gặp là mắng vốn: bị chặt… bị chặt…"
- Thầy thông cảm nghen, bọn em thích sống lại kỷ niệm … sợ thầy.
Nói thế chứ ráng giữ mồm giữ miệng nhé lớp 72, chọc phá quá mai mốt các Cha không mở cổng ĐCV cho vào dự lễ … và kể cả cửa nhà ăn cũng không mở luôn … cho dù có gào rát cổ họng: "Vừng ơi… mè ơi, hãy mở ra" … Cũng chả ăn thua gì, đến lúc đó các con chỉ có MO, mau mau nói lời xin lỗi đặng các Cha tha cho bảy mươi lần bảy và còn được các Ngài xoa đầu mà khen rằng thì là mà: "Cái lớp 72 này ngoan gớm!"

4. Giã từ Đại Chủng Viện, lớp CSB 72 lại cùng nhau quây quần, tâm tình. Tưởng chuyện gì quan trọng, hoá ra lại nhậu … nhậu gì?, nhậu ở đâu? Thế là lại vài két bia, vài con khô mực, và đĩa cầy nướng… Mệt quá đi thôi, kẻ dzô thì ít mà ra thì nhiều - lần này nhậu cũng rất vui vì có hai đàn anh nhậu cùng là Cha Minh 66 và Cha Điện 69. Các ảnh uống đã thiệt, cứ on ót… bầy em chịu thua luôn, xin quỳ hai gối chống hai tay mà tâm phục, khẩu phục… Thế mới biết các Cha dài hơi, giảng nhiều thiệt, cứ hết ly này đến ly khác: một … hai … ba… dzô sơn trạch. Nói theo kiểu của đàn anh nhị Bói 58 "dzô sơn trạch" nghĩa là dzô sạch trơn, ha ha… Xíu nữa quên mất, lại còn có hai đàn anh lớp trên thuộc dạng "cha đời đời" tham dự mà lúc đó do xỉn quá nên người viết quên tên mất rồi, tiếc thật… See you again, next year nhé.

Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ và kể cả không quên lối về … nhà xứ. Gì thì gì chứ anh Minh 66 rất hay, bia sắp hết, nhìn đồng hồ ảnh nói phải về làm lễ giỗ, anh em nằn nì: "Về bên ấy anh làm lễ giỗ có một mình ên buồn chết, thôi ở lại đây anh em mình giỗ đông hơn, vui hơn" . Ảnh lắc đầu nguây nguẩy: "Không chơi, không chơi… đừng cám dỗ ta… khà khà" . Thật khá khen cho các anh đã cầm cày hổng thèm ngoái lại.

5. Tàn tiệc nhậu, anh em lớp CSB 72 kéo nhau về Thanh Hải tìm lại dĩ vãng, nhìn cái bờ đê chắn sóng biển bằng bêtông mà vào năm 1972 anh em cũng được góp phần đổ giọt mồ hôi vào đấy … thấy buồn, thấy tiếc và thấy muốn khóc làm sao ấy! Đưa tay mân mê từng cục đá, nhớ lại vài câu thơ của nhà thơ Hạ Tri Chương mà nghĩ lòng đau dạ nát:
"Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mạo tồi,
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?

Tạm dịch:
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao
Trẻ con nhìn lạ, không chào
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?


Sau đó cả lớp CSB 72 lấy máy ảnh ra đua nhau chụp lại khoảng trời mà trước đây vào những đêm trăng … anh em cứ chạy ra rồi lại chạy vào né tránh từng đợt sóng biển như muốn trào lên níu kéo những bàn chân nhỏ bé.

Trời chiều Nha Trang sắp mưa, nhưng anh em lớp CSB 72 vẫn ngồi đó như để hồi tưởng – như để nghĩ suy. Phần tôi ngước mắt nhìn lên ngọn núi hình cô gái nằm xoã tóc ở phía Ba Làng (Đồng Đế) nhớ lại hai câu tuyệt cú "Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ, Em nằm xoã tóc đợi chờ anh" mà lòng bồi hồi dâng lên niềm cảm xúc: "Chao ôi ! mới đó mà…" Bất chợt nhìn thấy thằng bạn nằm trên bờ đê chắn sóng của Tiểu chủng viện khi xưa, không bỏ lỡ cơ hội, bèn gợi lên chút tâm tình:
"Chú tiểu nằm chờ bên bờ tiểu,
Tìm hoài chẳng biết tiểu nơi mô.



6. Một năm chỉ có và được một lần "mẹ bề trên" cho đi thoải mái vì có lý do chính đáng - thế là lớp CSB 72 tranh thủ họp mặt liền một lúc 3 đến 4 ngày. Phải nói những anh em nào bận công chuyện hoặc làm biếng đi thì lỗ, nhưng đôi lúc đi được cũng quá khổ (!) vì lúc nào cũng phải ăn, phải nhậu, nhậu đến nỗi quắc cần câu. Thế là sợ nước hỏng dám tắm, cứ thế 3, 4 ngày, quần áo bắt đầu lên men. Cũng may tôi có mang theo chai dầu gió, chứ không chắc bị viêm mũi mất. Ngửi dầu xong, tôi bèn quay sang trêu anh em khác: "Mấy hôm nữa về nhà giặt đồ xong, để nước giặt lại bảo bà xã đi chợ mua mớ rau cải về cắt bỏ vào ngâm là chua lòm, ăn được ngay – giòn rụm nhậu hết ý, quá đã … hì hì…


7. Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày 9/9 lại có Nguyễn H. Cường từ Sài Gòn bay ra muộn màng. Kể ra hắn cũng chịu khó cho cái tình bạn cũ thật: vừa bỏ công việc, vừa mệt, lại phải mất khá nhiều tiền đãi ngộ cho cái đám bạn làm ăn độc gặp chị … xui. Cám ơn hắn nhiều.

Nguyễn H. Cường vừa ra tới nơi, anh em lại hò nhau lên Cầu Đà thuê ghe ra Hòn Tằm ngao du. Biển xanh ngắt, lăn tăn vài con sóng nhỏ thật tuyệt. Ra đến nơi, việc đầu tiên là anh em tắm cho bớt … chua cái đã - tiếp theo Dương đầu mục (thời Chúa Giêsu hắn là Pharisiêu đấy) bày bia bọt, thức ăn ra đặng anh em nhậu (trước khi xuất hành Phari Dương đã đi chợ rồi).

Khi đã sừng sừng, anh em CSB 72 rủ nhau đánh bóng chuyền …. Đã hơn 30 năm không chơi nên tay chân ai nấy đều méo mó cả rồi, đánh vào sân không đánh mà cứ nhè vào chỗ các bà đầm, me Mỹ nằm tắm nắng mà đánh! Thế có chết không chứ lị - ma quỉ cám dỗ quá mà thằng cu ơi, tay chân thì ở trong sân còn mắt thì cứ để ở chỗ …đó… đó thì làm sao mà chuyền được, trật hoài à. Thôi chịu thua các bố, cho con xin hai chữ bình an.

Tuy thế, trận cầu này rất là sôi nổi, khán giả ta thì ít nhưng khán giả tây ba lô xem rất đông, lại còn vỗ tay cổ vũ và cười ha hả rầm cả lên cho những đường banh có một không hai, hay nhất thế giới. Đánh bóng chuyền mà ngã lăn lộn, uốn éo, nhìn cứ như là đang nhảy hiphop, đáng được ghi vào sách kỷ lục Ghi-net.


8. Lớp CSB 72 chúng tôi rời Hòn Tằm về lại Nha Trang dưới cơn mưa tầm tã. Vì bị mưa gió hất mạnh nên tất cả đều dồn về một bên, do đó chiếc ghe chạy nghiêng hẳn qua một mé, nhìn cứ như là film hành động … Nam mô bồ tát cứu khổ cứu nạn, chúng con không phải là cascadeur và chúng con cũng chưa muốn nói lời trăng trối với biển.

Ghe cập bến cũng là lúc trời hết mưa, nhìn kỹ lại thấy anh em CSB 72 giống như đoàn quân bại trận bị đánh tan tác chạy về. Thằng thì cà thọt, thằng thì đi hai hàng …nhăn nhăn nhó nhó trông thật buồn cười – À ra là thế, chuyện cũ ấy mà: cứ sau mỗi kỳ nghỉ hè, tựu trường rồi lại xúm vào chơi thể thao, do đó Cha nào, Thầy nào và chú nào cũng đau chạng ba… Chắc lớp 72 cũng đau như rứa … ui dza!!!

Về đến điểm tập kết, anh em tắm rửa giặt giũ xong lại ngồi quây quần với nhau, nhưng lần này không phải để nhậu mà để chuyền nhau chai dầu nóng. Thiệt là tội nghiệp, mới xa nhà mẹ Sao Biển có 30 năm mà đã hết xíu quách rồi, khớp chân, khớp tay khô cứ như là hết nhớt vậy. Đi qua đi lại nghe nó nghiến kẽo kẹt mà nổi gai ốc! Hết thời rồi, xuân xuân ơi, xuân hỡi, xuân ơi…


9. Tôi cùng với hai thằng bạn là Trần Tiến Cảnh và Lê Thanh Trùng giã từ Nha Trang trên chuyến xe đêm lúc 23g trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh, vì trước khi lên xe đã bị uống chia tay rồi. Bị nhà xe lừa, cuối cùng tôi và Trùng phải ngồi ghế súp (ghế thấp để ở hàng giữa xe). Thật tội nghiệp, đã ba ngày không ngủ chút mô, giờ muốn tranh thủ cũng không có chỗ dựa, hai thằng ngồi nói chuyện mặc cho người ngả nghiêng theo nhịp độ lắc lư của chiếc xe. Bên này tôi cố gắng kềm giữ lại, thế mà cũng có lúc tưởng chừng như sắp ngã vào người cô gái ngồi cạnh. Phía bên kia Trùng cũng đang vận dụng nội công để ngồi thiền cho vững, vì nếu không, chẳng may mà ngã vào ông già ngồi bên cạnh, vừa ngủ vừa nghiến răng ken két, lại còn cầm cái gậy thì thế nào cũng được xơi mấy hèo…

Rồi cũng đến lúc ba anh em tôi chia tay ai về nhà nấy, lòng ước hẹn ngày họp mặt năm tới, tuy rằng quá mệt mỏi, quá ngất ngư … nhưng dù có thế nào đi nữa chúng tôi cũng không thể quên được ngày Sinh nhật Mẹ và ngày họp mặt lớp thường niên.

Mong sao "dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Nha Trang…" nơi có nhà Mẹ Sao Biển yêu dấu và có anh em con Mẹ Sao Biển mến thương.

Huy Năm Cọp 72


Lời cuối cho bạn: Khi những dòng chữ trên đây chưa kịp lên mạng Tâm Tư Sao Biển, thì tôi và các bạn lớp CSB 72 nhận được hung tin: Bạn Lê Thanh Trùng đã vĩnh viễn lìa xa cõi thế vào rạng sáng ngày 26/01/2006 (tức ngày 27/12/2005 Âm lịch).
Trùng ơi, nhớ khi xưa tụi mình còn học bên nhau, văng vẳng bên tai lời ngạn ngữ: partir, c'est mourir un peu (đi là chết ở trong lòng một tí). Ngày ấy tụi mình đâu có để ý tới và đâu có đứa nào cảm nhận hết nỗi buồn của kẻ ở người đi, nhưng giờ thì … Rồi đây vẫn còn những ngày lễ Sinh nhật Mẹ, vẫn còn những ngày lớp mình họp mặt, và vẫn còn những chuyến xe đêm… nhưng bạn đâu còn nữa …hết rồi. Than ôi, giây phút bên nhau nay còn đâu! Bạn ra đi để lại trong lòng bạn bè bao nỗi đau chia ly và một cảm giác hụt hẫng vì sự mất mát quá lớn.
Xin được mượn lời một ca khúc để tưởng nhớ bạn: "còn gì buồn hơn nỗi buồn đã mất người bạn (yêu)"


Không có nhận xét nào: