Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

VẪN CÒN ĐÓ MỘT MỐI TÌNH: SAO-BIỂN.


VẪN CÒN ĐÓ MỘT MỐI TÌNH: SAO-BIỂN.
 Trần thế Huy 72 

Tôi vẫn còn ngái ngủ tuy rằng vừa mới nhấp xong ly cà phê…sữa mẹ bề trên đưa cho. Sau khi đã kiểm tra xăng nhớt, đèn còi…tôi đề máy xe. À may quá, tí nữa thì quên mất cái khâu quan trọng nhất là xem lại coi mấy cái đèn xi nhan nó còn nhấp nha không; cẩn thận không thừa, nhưng đôi khi cẩn thận cũng thừa đấy anh em ơi, vì…
“ Đã gần 12 giờ đêm, sau khi ngồi uống cà phê với Hưng 72 tại bến Bạch Đằng Sài Gòn, trước khi Hưng chuẩn bị lên đường về lại Mỹ quốc. Tôi và Lê tú Bổ,( người chuyên môn ‘ấp’ trứng cho vợ, mà anh em vừa được thưởng thức hôm hội ngộ SG&PC 2014 vừa qua) chào giã từ Vợ chồng bạn Hưng. Vì đã  biết rõ cái gu của các ngài hay đứng tại ngã tư ‘vồ’ mấy em chuyển hướng trái phải không xi nhan ở Biên Hòa, nên tôi cũng cảnh giác bật đèn lên, qua khỏi ngã tư Tôn đứt Thắng, và ra khỏi lằn ranh của người đi bộ, tôi vội tắt cái kèn báo tín hiệu vì giữa đêm khuya mà nghe nó bíp bíp nhức cả đầu; bỗng đâu trước mặt tôi xuất hiện một đám người vừa từ trong lùm cây bước ra: phải…trái, trái… phải gì cũng mặc kệ, cứ đưa ba trăm nghìn tiền Hồ ra cho quan, không có là bị giữ xe…oan Thị Mầu!”
Tới công viên Chợ Sặt, ngay trước mặt Nhà Thờ Hà Nội, tôi đứng chờ Bác Châu 60 và bác Chinh 69. Không thấy bác Châu, tôi í ới:
- Đi tới đâu rồi Bác?
- Kẹt rồi, đêm thì Bả quấy…giờ thì con nó quấy, nó bắt tớ chở ra bến xe.
Thiệt là tội cho bác í, hết cái cảnh “ sang nhờ dzợ- sướng nhờ con” rồi, tuổi như bác giờ nhiều người đã hiu hiu rồi bác ơi.
Thôi thì tôi và anh chinh 69 phải đi trước vậy, mà khổ nỗi cái ông Chinh nhà này chạy chậm còn hơn rùa, nhìn đồng hồ km, tôi thấy mới có 40, 50 và 60km/h, thế mà ổng bảo là tôi chạy nhanh quá, ổng nhìn đồng hồ xe thấy lên tới 120km/h lận, vậy là ổng teo luôn không dám rồ ga( hổng biết teo cái gì? hahaha), đúng là chiếc xe có cái đồng hồ cổ vô giá. Nhắc tới đồ cổ, kể ra thấy cũng ngồ ngộ, tôi có cái con xe phu-chờ( future) đời đầu, ngồi lên xe thấy cũng sướng thật, bởi vì nhiều em hay nhìn lắm, nhưng anh em biết tôi bực mình vì chuyện gì không; ai đời các em í nhìn tôi xong rồi cười, tôi cứ ngỡ rằng mình đẹp trai đáo để và tôi đang chờ một lời khen từ những đôi môi đỏ chót kia:
- Xe của anh đẹp quá!
Than ôi! Bây giờ tôi mới biết, đồ cổ thì có giá, người cổ thì chỉ có vất đi. Bởi vậy cho nên khi nghe mấy cô bán hàng dạo rao ‘đổi đồ củ lấy đồ mới xài’, tôi chỉ vào bà nhà mình, các cô ấy cứ bỉu môi nguýt dài, hahaha.
Xe chạy đến Bàu Cá, chợt nhớ đến anh Cư 63, tôi và anh Chinh ghé vào:
- Chào ông anh, ủa sao giờ này chưa đi còn ngồi xem tivi?
Không biết anh ấy có triền miên không khi nghe anh nói:                      
- Đi đâu? Tớ đang bị…dịch.
Hú hồn tôi nhìn ngắm dung nhan của anh Cư thật kỹ, thấy da thịt cứ đỏ ửng như bò tái, nổi mụn khắp người.
- Anh bị sida hả?!
- Nói gì ghê vậy, tớ bị dị ứng, chắc là hồi trước ‘nốc’ nhiều quá, cho nên bây giờ mới bị xì.
Thầy thuốc vườn Chinh 69 thì cứ chỉ cây này lá kia, tôi chỉ nói nhỏ cho bác ấy nghe:
- Bác uống chưa đủ nên nó xì, bây giờ uống thêm chắc chắn nó sẽ…bung luôn hihi.

Rồi cũng trải qua được hơn năm chục cây số đường dài, nghe thấy mùi vịt là biết đã sắp đến nhà anh Tư Đ..t 72. Kia rồi, tấm băng rôn Mẹ Sao Biển đã giăng ngang trước cổng, giúp tôi không đi lộn chỗ như mọi khi. Người anh đầu tiên mà tôi gặp là anh Nhị Bói ở Ninh Hòa:
- chào anh, anh phẻ không?
Nhìn kỹ mặt anh Nhị Bói, thấy còn hơi hom hóp, tôi bỏ nhỏ:
- Ủa em tưởng là anh đi bơm má rồi.
Anh Nhị vẫn giọng cười đặc trưng có một không hai kha kha kha. Ờ nhỉ, bơm má lũ trẻ ngon hơn bơm má mình hihi.
Kẻ gần người xa rồi cũng đến đông đủ, thật vui khi biết rằng các Cha Hữu 62, Cha Thái 62 và Cha Hùng 64 tuy bận nhưng cũng đã có mặt với anh em trong ngày hội ngộ thường niên.
V ˜
Đã đến giờ anh em chuẩn bị tới Thánh Đường tham dự Thánh Lễ tạ ơn. Hàng chữ đầu tiên : NHÌN SAO NHỚ MẸ đập vào mắt tôi khi vừa bước chân vào khuôn viên Thánh Đường giáo xứ Bảo-Thị, ngay trên tượng đài Đức Mẹ. Phải nói rằng người đã có ý tưởng viết ra câu này rất hay, với cái nhìn của tôi thì nếu như cứ mỗi lần nhìn ngắm một ngôi sao, tôi lại nhớ đến Người Mẹ trên Trời của tôi…Vậy thì Mẹ, Mẹ ơi! Ước chi nỗi nhớ Mẹ của con cũng được nhiều, nhiều, nhiều và hằng hà đa số như các vì sao trên vũ trụ.
 Gx.Bảo-Thị, một vùng đất thuần nông tọa lạc ở giáo phận Xuân-Lộc, nơi được mệnh danh là đất đỏ miền Đông. Chao ôi vùng đất thật mến người, mùa khô chỉ cần một cơn gió nhẹ, chuyển mùa chỉ cần một cơn mưa phùn nhẹ…là bạn đã mang trên người hàng tá hạt bụi và hàng hàng ký lô đất bazan dẻo quẹo. Có việc tôi phải vào vùng đất này, ai thì tôi không biết, chứ cứ nhìn các thiếu nữ mười tám đôi mươi, đâu cần phải sơn son vẽ phấn làm gì…hai gò mà các em lúc nào cũng ửng đỏ, móng tay móng chân cũng không cần phải trét, tất cả đều được nhuốm lên một màu đỏ( còn những cái khác có đỏ, đen hay không tôi hổng biết à nghen), màu đỏ của quê hương, màu đỏ của tình đất và tình người. Và ngay cả bức tượng Đức Mẹ sừng sững trên cao nơi tượng đài cũng…đỏ. Vị Lm. Chánh xứ tuy ít ra ngoài, chỉ quanh quẩn trong nhà xứ và ngoài Nhà Thờ , mà cái lỗ mũi cũng…đỏ luôn hehe. Phần tôi, khi xong việc trở về nhà, vừa bước chân vào cổng con vàng đã lồng lên inh ỏi, vì nó đâu có nhận ra ông chủ của mình nữa, đứa cháu nội mở to mắt nhìn thật kỹ xem có phải ông mình đó không? Hahaha, ôi đỏ!

Thằng bạn tôi, Lê tú Bổ, tên cúng cơm mà anh em trong lớp 72 vẫn thân thương trìu mến khi nhắc tới: Tư Địt. Nghe tới cái tên này tôi liên tưởng chắc có lẽ nó bị no hơi sình bụng kinh niên…lâu quá quên rồi, tìm hiểu kỹ mới hay cái liên tưởng của mình cũng khá chính xác, vì hồi đó nó mà ‘khạc’ thì chỉ có rafale chớ không bắn tỉa haha. Xin lỗi anh em, đùa chơi tí thôi nhưng là chuyện thật 100%.Anh Tư Địt nghe đâu quê tận Quãng Nôm, trời tối nếu mà nghe các điệp khúc: chi mô, rứa hả…thì biết đích thị là anh Tư chứ không ai khác.
Sau giải phóng tự nhiên hắn bặt tăm khỏi vùng đất Vĩnh Cẩm( Cam Ranh), vài chục năm sau do một sự tình cờ tôi mới biết hắn đã yêu một cô em Bắc kỳ 54 không nhỏ, và cư ngụ ở chốn này. Nghề nghiệp chính là đỡ đẻ cho lũ vịt và soi trứng cho vợ…
- Bổ ơi, mày soi trứng của mày cho thiệt kỹ, tao tính lấy dzìa cho mấy em ở Sài Gòn. Anh bạn Sinh dòi 72 nhắc nhở. 
Rồi sau đó nghe đâu mấy cô chuyên hàng xuất khẩu ở công ty của bạn Hữu Cường 72 khen lấy khen để:
- Trứng của anh Bổ ngon hơn trứng của anh Sinh, hahaha.
Và rồi mấy cô bác sỹ bạn của Phan Hưng 72, làm ở bệnh viện Từ Dũ cũng xuýt xoa:
- Trứng của anh Bổ hết sẩy, chị Bổ khéo lựa ghê, hihi.
Khen trứng của anh Tư nhiều, nhưng không rõ mấy bà bác sỹ ấy có ký hợp đồng trứng anh Bổ, cho bệnh viện phụ sản để giải quyết ba cái dzụ hiếm muộn hay không? Ai muốn biết xin mời bắc thang lên hỏi ông trời dùm, hihi.
 Vậy là Sao Biển nhà mình có nhiều trùm lắm anh em ơi: trùm gà 74, trùm đàn…74, trùm trứng 72 .v.v.
˜   V  
Thánh Lễ tạ ơn được diễn ra trong bầu khí linh thiêng và ấm áp, cùng đồng tế với Cha Thái 62, có Cha Hữu 62 và Cha Hùng 64. Với lời mở đầu NHÌN SAO NHỚ MẸ, Cha Thái đã ôn lại cho anh em những hình ảnh xưa củ khi còn ngồi trong mái trường Chủng viện , nhắc nhở anh em nhiều trong cuộc sống gia đình. NHÌN SAO NHỚ MẸ nhưng cũng nên nhớ tới CÔ BỒ ở nhà, để cuộc sống gia đình luôn trong ấm ngoài êm.


Sau Thánh Lễ tạ ơn do Các Cha Sao Biển đồng tế, chợt nhớ tới bác Châu, tôi bèn đảo mắt kiếm tìm, may quá bác ấy đang đi cùng bác Nhị, bác Hoàng 60.
- Xe tớ bỗng dưng bị hư sửa mất gần hai giờ mà không tìm ra bệnh.
Bác Nhị lên tiếng:
- Có khi nào tại bugi?
Nghe vậy tôi cũng chêm vào:
- Tại sao trước khi đi bác không nói bác gái dũa cái bugi cho.
Anh em nghe thấy thế cười ồ lên, chút xíu nữa thì bác Nhị lăn xuống bậc hè hahaha.
Bóng chiều đã xế, những cái nắm tay thân tình trước giờ chia tay nghe lòng bồi hồi. Các Cha và các anh em rồi cũng lên xe quay về chốn cũ. Bỏ lại…Hẹn mai…Mùi hương sầu riêng ngạt ngào như quyện lấy, như níu kéo những bước chân đi…văng vẳng đâu đây lời ca như nhắc nhở, như thổn thức… “Năm châu bốn bể vẫn là anh em…Ra đi xa vời nhưng lòng chưa xa…sướng vui buồn đau có Mẹ vỗ về.
Đất đỏ Miền Đông Bảo Thị 2014.

                                                                      Trần thế Huy 72 

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

HÃY THA THỨ CHO CHA



HÃY THA THỨ CHO CHA

Trần thế Huy 72

Lang thang trên dòng đời, có dấu chân của những người Sao Biển, hòa nhịp cùng với những tấm lòng
nhân ái, bằng mọi cách và bằng mọi giá...bảo vệ sự sống cho mọi người, cách riêng cho các thai nhi. Mỗi giây phút qua đi, là một sinh linh bé bỏng bị tước bỏ sự sống, do sự vô tâm, vô tính của những người làm cha, làm mẹ! Ước mong…

… Đừng…đừng mà Anh, Em muốn dành chuyện đó cho tới ngày cưới của đôi mình.

Bỏ qua những lời năn nỉ tha thiết cùng với ánh mắt khẩn khoản nài xin của người yêu, Hùng như một con thú dữ đang đói mồi…vồn vã, dồn dập ép Hoa phải cho mình thỏa mãn cơn thú tính…


Thời gian qua mau, cái thai trong bụng Hoa ngày một lớn dần, khi biết người yêu của mình đã mang thai, cùng với áp lực của Bố Mẹ, Hùng khuyên Hoa nên phá bỏ cái thai ấy đi, vì nếu không nó sẽ cản trở hết mọi công việc và dự tính trong tương lai…và Hùng cho rằng hãy còn quá sớm để nghĩ tới chuyện con cái .


Riêng với Hoa thì tuy mọi việc đã xảy ra ngoài ý muốn, nhưng không vì thế mà nàng dễ dàng phá bỏ sinh linh bé bỏng trong bụng mình…Vốn sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, ngay từ thuở bé Hoa đã hấp thụ được một nền giáo dục nghiêm khắc và nề nếp, tính tình của nàng lại hiền hòa dễ mến, Cha Mẹ đã đặt rất nhiều kỳ vọng nơi nàng nhưng giờ đây tất cả đã tan thành mây khói; những cơn giận dữ cùng những lời đay nghiến chửi rủa ngày đêm…sự thờ ơ lạnh nhạt của Hùng ngày càng lộ rõ…đôi khi nàng suy nghĩ làm sao mà mình có thể sống nỗi nếu không đủ can đảm để cố gắng vượt qua và chấp nhận một sự thật phũ phàng?! Đứa bé trong bụng là con của mình và của Hùng, nó có tội tình gì mà mình phải giết bỏ nó. Câu chuyện mà nàng đọc qua trên một tờ báo nọ đã cho nàng câu trả lời:

“… cho đến bây giờ vẫn là một ngày không thể quên với bà Hương. Sáng sớm tinh mơ, khi ra chợ bán rau, bà Hương bỗng thấy ở góc chợ chỏng chơ một túi nilon màu đen được buộc rất cẩn thận. Tò mò mở ra, bà giật nảy mình, ngã ngửa. “Tôi không thể tin vào mắt mình một hài nhi bị kiến bâu đen sì nhưng vẫn còn thở thoi thóp, mắt trừng trừng nhìn tôi. Sau hồi trấn tĩnh, tôi phủi lũ kiến, bế đứa bé lên mà bảo rằng: ‘Cháu ơi, đây là do bố mẹ cháu bỏ rơi, bà thấy cháu tội nghiệp nên cứu vớt thôi!”. Ngay sau đó, đứa bé ọ ọe được vài tiếng rồi qua đời…”

Câu chuyện trên đây đã giúp Hoa rất nhiều trong việc quyết tâm giữ lại cái thai, dù bị Cha Mẹ mắng chửi đánh đập…dù Hùng có đe dọa sẽ bỏ đi…

Cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Việt minh và quân đội viễn chinh Pháp ngày càng leo thang. Giữa bốn bề ầm ì bom đạn, giữa sự sống và cái chết đang chen nhau trong từng tấc đất… đứa bé đã chào đời trong căn chòi lá nhỏ rách nát khét mùi thuốc súng. Ôm đứa con bé bỏng mà mình đã phải chịu bao điều đắng cay tủi nhục, Hoa cảm thấy như chưa bao giờ mình sung sướng hạnh phúc như lúc này…tên của đứa bé là Nguyễn chinh Chiến đã phần nào nói lên tất cả.

Trời đã về chiều, Hoa để con ngủ trên võng và đi ra bờ suối để giặt đồ, nhìn con mũm mĩm say giấc nồng, Hoa tạm quên đi bao ưu tư mệt mỏi, cứ ngỡ những giây phút hạnh phúc của tình mẫu tử sẽ mãi mãi êm đẹp…Bùm! một tiếng nổ lớn vang lên rất gần, và một mảnh đạn pháo từ đâu bay đến đã cướp mất bàn tay trái của Nàng, máu tuôn xối xả đầm đìa, mắt nàng hoa lên quay cuồng…lảo đảo…nàng ngã vật xuống đất, đôi môi khô khốc nứt nẻ mấp máy…con tôi…con tôi.

Tỉnh lại trong bệnh viện, Hoa đưa tay quờ quạng tìm xem bé Chiến có nằm bên mình không, loay hoay một lúc không thấy gì cả, nàng yếu ớt thốt lên: con tôi, con tôi đâu rồi? Nghe tiếng nàng, cô y tá bế đứa bé tới và đặt nằm cạnh bên nàng, theo sau cô là một người đàn ông, sửng sờ giây lát…Hoa nhận ra Hùng, người đã phản bội mình và là Cha của bé Chiến

- Anh còn đến đây làm gì nữa?

- Tôi đến đây để chào Hoa. vài hôm nữa tôi sẽ theo gia đình di cư vào Nam.

- Đó là chuyện của Anh, không can hệ gì đến Mẹ con tôi.

Tiếng khóc oe oe của đứa bé đã cắt ngang câu chuyện giữa hai người…Ôi thói đời đen bạc, ôi lòng dạ bất nhân…mặc cho vết thương trên tay Hoa đang rỉ máu, mặc cho đứa con bé bỏng ngây thơ tội nghiệp của mình đang khóc đòi ăn, Hùng chẳng mảy may xúc động và quan tâm, nén cơn đau Hoa cố gắng nắm nghiêng lại choàng tay ôm lấy con, đôi mắt nàng đỏ hoe:

- “ Nín đi con yêu dấu của Mẹ, tội nghiệp con tôi…có cha mà cũng như không.” Nghe thấy thế Hùng vội quay lưng bỏ đi.



Thời gian dần trôi, bé Chiến ngày càng lớn nhanh trong sự chăm sóc vỗ về của mẹ, nhìn ngắm con, sự đau khổ và bực bội trong Hoa ngày càng nguôi dần, với một bàn tay còn lại, vẫn biết sẽ là rất khó khăn trong sinh hoạt đời thường, trong công việc…nhưng không vì thế mà giữa hai mẹ con ngơi ngớt tiếng cười đùa.

Tiếng trống khai trường đã điểm, xúng xính trong bộ quần áo mới được là thẳng tắp, Chiến hớn hở theo mẹ đến trường, trước khi ra về nàng đặt nụ hôn lên má con mà hai hàng nước mắt chảy dài…

- Ủa sao mẹ lại khóc? Tan học chiều con về với mẹ ngay mà.

- Ờ…ờ ấy là mẹ nhớ con.

Nhưng bé Chiến còn quá bé bỏng để hiểu thấu được những nỗi đau thầm kín của mẹ, nhìn chung quanh thấy con người ta có Cha có Mẹ…còn con mình! Có cái gì nghèn nghẹn chặn ngay cổ họng của Hoa.

- Mẹ ơi, ngày mai nhà trường làm lễ tốt nghiệp, Mẹ phải mặc đồ thật đẹp đi dự với con nghe.

- Ừ… ừ. Mẹ sẽ đi mà.

Từ trên khàn đài tiếng loa phóng thanh vang lên:

- Chúng tôi xin mời phụ huynh và em Nguyễn chinh Chiến, thủ khoa toán học của trường.

Những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt, Chiến và Mẹ từ từ bước lên khán đài, sau khi cúi đầu chào khán giả, Chiến nắm lấy cánh tay trái của Mẹ đưa lên mặt và hôn tới tấp; sau đó Chiến giơ cánh tay đã mất bàn tay của Mẹ lên cao, cả rừng đám đông người như chết lặng khi nghe Chiến nói:

- Xin cảm ơn Trời đã ban cho tôi một người Mẹ tuyệt vời…và cánh tay của Mẹ tôi tuy không còn nguyên vẹn, nhưng đã chở che bao bọc và ôm ấp cả cuộc đời tôi, những gì tôi có được ngày hôm nay chính là nhờ Mẹ tôi.

Và một lần nữa Chiến lại hôn lên cánh tay tật nguyền của Mẹ, đó đây bên dưới khán đài nhiều người đưa tay lên mặt, quệt vội…



Chiến tranh ngày một khốc liệt…Cũng như bao chàng trai khác, Chiến phải từ giã Mẹ lên đường nhập ngũ. Hôn vội lên mái tóc của Mẹ nay đã bạc trắng vì bụi thời gian, Chiến lao vào mặt trận.

Nhờ có kiến thức qua những năm đại học, cuộc đời binh nghiệp của Chiến cũng khá là thăng hoa, giờ đây chàng trai bị cha mình bỏ rơi năm xưa, đã là một vị tướng oai phong lẫm liệt, đánh đâu thắng đấy, danh tiếng lẫy lừng.

Rồi chiến tranh cũng kết thúc, một ngày nọ…Đám đông đứng tràn cả hai bên đường, tên tội phạm ma túy bị điệu đi giữa hai hàng lính và người đi sau cùng là Chiến, chỉ huy cuộc hành quyết hôm nay.


Chen lẫn trong đám đông người, Hoa cũng có mặt để xem việc hành xử , khi tên tử tù đi ngang qua trước mặt mình, Hoa nhận thấy người này rất quen thuộc. Nàng suy nghĩ mãi mà không ra…Ừ nhỉ, sao ông ta lại giống Hùng vậy? Cố len lỏi tới thật gần để nhìn cho kỹ, cả người Hoa run bắn lên, không còn nghi ngờ gì nữa…tên tử tù ấy chính là Hùng, người tình năm xưa của Nàng…cớ sao lại xảy ra tình cảnh trớ trêu này?! dù ông ta có tội lỗi đến đâu, mình cũng không thể để con trai mình mang tội giết Cha, bây giờ phải làm sao để nói cho Chiến hay biết mọi chuyện…

Những người lính có nhiệm vụ thi hành án đã xếp hàng ngay ngắn chờ lệnh của Chiến. Sau tiếng hô: nghiêm.. những cây súng đã được giơ lên và nhắm thẳng hướng tên tội phạm đang đứng.

Một…hai…từ trong đám đông một người phụ nữ lao ra và ôm chặt lấy tên tội phạm, cả pháp trường như nghẹt thở…tiếng người phụ nữ hét lên:

- Chiến ơi, đừng bắn…người này chính là Cha của con. Chiến lao vội tới khi kịp nhận ra Mẹ mình:

- Sao Mẹ lại làm như vậy? người này có đúng là Cha của con không?

Tấm khăn bịt mặt đã được tháo bỏ, bộ mặt ông ta trơ tráo, xanh mét vì sợ hãi. Đưa tay chỉ vào Mẹ, Chiến nhìn người đàn ông và sẳng giọng:

- Này ông kia, ông có nhận ra người này là ai không?

Thay cho câu trả lời của Chiến, người đàn ông quỳ mọp xuống đất:

-Trăm lạy, ngàn lạy bà…xin bà bỏ qua cho tôi, tội của tôi đáng chết lắm. Quay qua Chiến, người đàn ông thổn thức:

- Đã bao năm qua vì ích kỷ, vì muốn trốn tránh trách nhiệm…nên Cha đã từ chối con và muốn Mẹ con phải giết bỏ con, Cha không đáng sống trên cõi đời này nữa, trước khi Cha phải chấp nhận hậu quả do Cha đã gây ra…Cha xin con hãy tha thứ cho Cha.

Chiến lạnh lùng đáp trả:

- Mẹ tôi… phải, chính Mẹ tôi đã chấp nhận tất cả mọi nổi khổ, nhục nhã do Ông gây ra để tôi được sống. Và hôm nay cũng chính Mẹ tôi…Mẹ tôi đã làm tất cả để bảo vệ sự sống cho ông, người đã phản bội mẹ tôi và gây ra cho Mẹ tôi biết bao đau khổ…Trời ơi! Tôi biết phải làm sao bây giờ? vì tôi không thể giết chết kẻ thủ ác khi mà kẻ thủ ác đó lại chính là…Cha mình!

Trần thế Huy 72







Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

DẪU CHO THỜI GIAN.


DẪU CHO THỜI GIAN.
Trần thế Huy 72

Năm 1966, theo gia đình lánh xa vùng chiến tranh, khởi đi từ Thị xã Tuy-Hòa, điểm dừng chân cuối cùng mà gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác định cư, đó là mảnh đất mà ngày hôm nay, dẫu bao thăng trầm của cuộc sống, cùng với bao đổi thay của thời cuộc…Nó vẫn hiền hòa và yên bình như cái tên nó vẫn đang mang: Giáo xứ Hòa –Yên.

Vị Linh Mục đầu tiên có công lớn trong việc thành lập ra xứ đạo này không ai khác, chính là Cha Gb. Nguyễn quang Minh, bác ruột của mẹ tôi…

Rời bỏ ngôi trường Đặng đức Tuấn(Tuy –Hòa)khi đang theo học dở dang chương trình lớp hai, do đó vào đến trong này tôi phải học lại từ đầu, nhưng vì là trại định cư mới thành lập, nên chưa có trường, cạy cục mãi, ba tôi mới xin cho tôi theo học tại một ngôi trường nhỏ ở khu Bãi Giếng, cách nhà tôi khoảng ba cây số, thời ấy làm gì có sẵn xe máy như bây giờ, nên việc cuốc bộ vài ba cây số đi học là chuyện nhỏ…kể ra lũ trẻ bây giờ học hành sướng thật, xe đưa xe đón tận ngõ, tận trường.

Tuổi thơ ở Hòa-Yên là quãng đời đẹp và đã để lại nhiều kỷ niệm nhất trong tôi, và nó cũng là nơi mang đến cho tôi một sự kiện hết sức đau lòng, đó là sự ra đi của mẹ tôi vào mùa hè năm 1970, khi ấy tôi đang chuẩn bị thi cuối cấp tiểu học.

Đã có một lần tôi đã đề cập với anh em về những kỷ niệm của tôi ở giáo xứ Hòa-Yên trên TTSB trong bài viết ‘Thương về Hòa-Yên…nhớ Sao Biển’. Hôm nay, tôi cũng muốn kể lại cho anh em nghe vài kỷ niệm nho nhỏ, của những ngày đầu xa rời quê hương Hòa-Yên, để bước chân vào Tcv. Sao Biển.

…Năm 1970, sau cái chết của Mẹ, tuy có buồn chán, nhưng ba tôi vẫn bắt tôi phải tiếp tục đi học (Chị cả tôi phải nghỉ học để trông đàn em 5 đứa). Vừa xong chương trình đệ thất tại trường trung học tư thục của Cha Nhã ở giáo xứ Hòa-Nghĩa. Cậu tôi là Nguyễn ngọc Điều Csb67, nhân chuyến về nghỉ hè đã khuyên tôi nên đi tu…thực tình lúc ấy tôi chả nghĩ gì tới đi tu cả. Vâng lời Cậu, tôi cũng khăn gói quả mướp sánh vai cùng một số bạn trong xứ đi thi. Một buổi sáng Chúa Nhật nọ, sau khi rao lịch phụng vụ trong tuần xong, thì Cha xứ công bố danh sách hai em đã đậu vào Tcv. Sao Biển gồm có tôi và Đậu la Lam (cháu của Đậu Hiệu Csb65), nghĩ cũng buồn cười, mấy thằng bị rớt cứ ganh tị với tôi: chỉ có cháu của Cha mới đậu được! Đúng là suy nghĩ…như trẻ nhỏ hihi.

Rồi cũng đến cái ngày phải gĩa từ những trò nghịch ngợm của tuổi thơ, để bước chân vào sống ở cái môi trường nghiêm khắc, ăn nói thì luôn luôn có người để ý, đi đâu cũng có người nhìn (Xin Hương Hồn Cha Giám Đốc Phanxicô. Assisi thứ lỗi cho con), và cái nhìn mà bọn tôi sợ nhất là qua tấm kính cửa sổ: đôi mắt với gọng kiếng trắng của Cha bề trên Sùng lúc ẩn lúc hiện, không thấy thì thôi, chứ nếu bất chợt nhìn lên cánh cửa sổ gần tấm bảng đen mà trông thấy, không biết anh em thì sao chứ riêng tôi sởn gai ốc lạnh hết người, nhất là vào những giờ học tối trước lúc đi ngủ. Rồi đến giờ Pháp văn của Ngài vào chiều thứ bảy hàng tuần, bọn tôi sợ đến nỗi cứ cúi mặt xuống, tì sát cằm vào mặt bàn học, và lấy quyển sách dựng lên phía trên để che, nhưng càng che thì càng bị …chiếu tướng. Và rồi cũng đến lượt tôi bị chiếu, không những bị chiếu một lần mà bị chiếu liên tiếp hai lần, bí quá đành phải chép phạt…mấy trăm câu, giờ học với Ngài căng thẳng đến nỗi bọn tôi chỉ mong sao mau chóng có tiếng chuông điện reo báo hết giờ! Hôm nay ngồi viết bài này, nghĩ lại tôi vẫn…thấy sợ! đúng là xăm mình.

Rồi đến Cha Láng nhạc sỹ, bọn tôi sợ nhất là ‘bàn tay của Chúa’ của Cha, sao mà có những cái véo ngắt ở vùng da bụng đau đến…khờ người (hèn chi mà lũ trẻ ở trong xứ, cứ hễ gặp tôi ở ngoài đường, trong khuôn viên nhà thờ là kéo nhau chạy thật xa, miệng la lối om sòm: ông Huy kìa, ông ấy véo bụng đau lắm làm các bà, các cô đứng cầu khấn cùng Đức Mẹ, các Thánh có vẻ khó chịu vì miệng thì đọc nhưng lòng phải suy tới cái sự nghịch ngợm của lũ trẻ, trong đó tôi là người bị ném nhiều cái nhìn mang hình viên đạn nhất) …. Tuy thế, nhưng tôi vẫn thích Cha Láng hơn là bề Sùng, vì Cha rất vui, tôi nhớ lúc ấy đám chú tiểu Hòa-Yên tụi tôi đi tựu trường rất sớm, lên thăm Cha trước tiên, bao giờ Cha cũng kêu đi mua mực nướng gói sẵn trong các bịch nhỏ, sau đó Cha lấy chai bia con cọp ra và bọn tôi cũng được nhậu ké vài hớp. Năm 1974, tôi trở lại trường quá sớm, vội nhảy lên thăm Cha, Cha bảo tôi về phòng cất đồ, nghỉ ngơi tí xíu rồi Cha dẫn ra Nha Trang coi bộ phim ‘Tora’, nhưng sau đó thấy tôi nằm ngáy khò khò ngon quá, Cha không nỡ gọi đành phải đi xem một mình, tiếc quá!

Năm 1972 Dòng Kín có mừng lễ Kim Khánh của Mẹ bề trên, tôi may mắn được lọt vào trong tốp ca của tiểu chủng viện qua hát mừng lễ, và sau đó các Dì lại quả cho rất nhiều bánh kẹo và nước ngọt, ở chủng viện lúc ấy được cái dzụ này hơi bị hiếm.

Phải nói là Cha Láng có đôi tai rất thính, thời gian đầu mới tập bài ‘trăng mờ Dalat’ có lẽ tôi còn là chú chim họa mi mới ra ràng, và khi sắp đến ngày tổng diễn văn nghệ, chỉ cần lướt sơ qua, Cha đã nghe thấy có giọng của ‘ngan đực’ khàn khàn đục đục đâu đây, hú hồn, làm thằng nhỏ tui phải cố hát bằng giọng mũi mới trụ lại được trong nhóm văn nghệ của Cha.

Trong các môn học thì ngoài môn Việt văn, tôi rất thích học chương trình Anh văn do Cha Láng phụ trách, vì Ngài thường ‘chế biến’ các cú pháp thành những câu thơ hoặc bài hát rất là dễ thuộc. Không biết tôi nhớ có chính xác không…hình như là vào kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt năm lớp 7, tôi được anh Đậu quang Khánh 71, hồi đó nghe đâu rằng anh Khánh là con đỡ đầu của Cha Láng. Anh ấy có cho tôi một tờ đề thi tiếng Anh mà khi trước lớp của anh đã thi, cầm tờ đề thi này, tôi không chắc là nó sẽ được lặp lại, nên không để ý lắm…Nhưng rồi có một hôm, tình cờ tôi vào phòng quay ronéo ở lầu một ngay trên phòng Cha Ngọc quản lý, nhìn vào đống giấy bị loại bỏ do in sai, do mực nhòe (hồi ấy làm gì có máy in hiện đại như bây giờ), táy máy tôi lấy vài tờ ra xem thử, mừng như bắt được vàng…ô hô! Đề thi tiếng Anh đây rồi. Thế là cả lớp tôi chuyền nhau ‘học tủ’. Không rõ làm sao mà Cha biết được và thế là Cha đã âm thầm đổi đề thi vào giờ phút chót làm bọn tôi trở tay không kịp, mặt đứa nào đứa nấy buồn xo vì: ‘bể tủ’ hihi

Trở lại với chuyện của mấy thằng tui ở xứ Hòa-Yên… thì sau khi đã nhập học được một thời gian, Cha bề trên có gọi tôi lên và nói là xứ của con còn thiếu một người, sao không thấy nhập học? Sau đó Cha cho tôi về trình báo lại với Cha xứ, và người bị lọt sổ đó chính là Định mập. Trước khi vào chủng viện thì tôi và Định mập không chơi với nhau vì Định mập học ở lớp dưới.

Sau khi Định mập tựu trường muộn, ba đứa thuộc giáo xứ Hòa-Yên chúng tôi bắt đầu trở nên thân thuộc với nhau. Nhưng trong ba thằng Hòa Yên theo học ở chủng viện Sao Biển, phải nói là Định mập biết khá rành rẽ nhiều món ăn chơi hơn tôi và Đậu đèn (la Lam), thi thoảng Định mập rủ tôi tối đến, ra ngay phía sau nhà Thầy Nhạc tập hút thuốc lá, hôm khác lại rủ đi ăn cắp dừa khô. Những lúc về nhà nghỉ hè hoặc nghỉ lễ, Định mập lại rủ tôi đi tập đánh bi-da, phải nói là tôi rất vụng trong trò chơi này, banh không rơi xuống đất thì cũng thụt trật lất, và ngay cả đến hôm nay dzợ con đề huề rồi mà lâu lâu vẫn…thụt trật lất hề hề. Rồi đến khi bước vào năm học thứ ba, thì Định mập không thèm tu nữa chia tay tụi tôi dzìa nhà với mẹ.

Năm bảy nhăm, Vì thời cuộc ‘ở hổng nỗi ’ngoài nớ, tôi theo gia đình trôi dạt vào tận tỉnh Đồng Nai…Và mãi cho đến gần cuối thập niên 90, tôi mới có dịp trở về Hòa-Yên, để bốc mộ thân mẫu về an táng trong huyện Nhơn Trạch, hầu mẹ con được ở gần nhau. Sau khi dò hỏi kỹ càng, tôi có nhờ thằng em con bà Dì ruột dẫn lên nhà Định mập, thằng em cho biết lúc này ‘gã mập của lớp tôi’ đang chăn heo; trong vai người đi mua heo con, tôi cố gắng nhập vai lái heo cho đúng bài bản, và tôi phải giả vờ sao cho Định mập khó lòng nhận ra mình.

Tới nhà Định mập thấy gã đang say giấc nồng…sợ rằng không còn thời gian, vì tối nay tôi phải quay trở về Đồng Nai, tôi bèn giục thằng em cứ gọi Định mập dậy. Không biết Định mập có còn nhận ra tôi không?! mà tôi và Định mập ngồi ngã giá heo ngon lành, chẳng hiểu có phải vì bị phá giấc ngủ trưa? hay vì gặp người khách mua heo khó tính cứ kèo nèo giá cả khắt khe! Nên nét mặt Định mập có vẻ lạnh lùng, ít cười và không vồn vã, cuối cùng vì thời gian có hạn, tôi đành phải thổ lộ: Định ơi, mày không nhận ra tao hả? Huy đây, Philatô của lớp đây…Có lẽ vì thời gian xa cách đã quá lâu, nên khi gặp lại chắc có lẽ gã mập cứ nghĩ tôi là dân lái heo thứ thiệt haha. Vì thời gian quá ít ỏi và kế hoạch sẽ ghé thăm những đứa bạn hồi tiểu học, trung học của tôi ở Hòa-Yên ngày trước, đành phải gác lại.

Tiếng hát của cô ca sỹ thanh Tuyền được phát ra từ chiếc loa trên xe, gợi lại những dòng nhạc cũ mang lại cho tôi nhiều nhớ nhung tiếc nuối:…Dù bụi thời gian có làm mờ đi kỷ niệm của hai chúng mình, tôi cũng không bao giờ, không bao giờ quên… đâu!

Thời gian vẫn thế thôi…sáng, trưa, chiều, tối. Ngày hôm qua sẽ không bao giờ trở lại…nhưng nếu chúng ta đừng đánh mất thời gian tươi đẹp của quá khứ, thì tôi nghĩ rằng mọi chuyện về: Mẹ Sao Biển, ngôi trường Sao Biển, Các Cha, Thầy Sao Biển, anh em bạn bè Sao Biển sẽ không bao giờ bị ‘chìm xuồng’ theo năm tháng.

Trong thời gian theo học chủng viện, nói chung mỗi người một hoàn cảnh, riêng tôi, ông già tôi lại có quan niệm là cứ để yên cho nó tu. Do đó tôi không thấy ông ghé thăm tôi vào mỗi sáng chủ nhật như bao nhiêu người khác, hay chí ít một năm một lần cũng được. Và thăm hay không tôi cũng đâu có quyền đòi hỏi vì đó chỉ là chuyện nhỏ, cái điều lớn lao và quan trọng là lo cho tôi được vào đây ăn học là quá đủ rồi…riết rồi tôi không còn thiết nghe tiếng loa gọi mời nữa, thôi đành phải chấp nhận như là một bức tranh của đời mình vậy, mẹ mất sớm, phải xa lìa chị em ruột, sống cô đơn một mình và cố tìm lấy niềm vui nơi anh em bè bạn cùng lớp, cùng trường. Cũng có đôi lúc nhìn những anh em bạn bè, cứ mỗi sáng chủ nhật nghe loa phát thanh gọi từng tên một ra nhà khách có người nhà cần gặp, mà cảm thấy tủi thân, lòng buồn vô hạn…Trong số các bạn với hoàn cảnh thuận lợi, là nhà ở gần quanh trường, có người nhà vào thăm hỏi thường xuyên, ngoài sự động viên an ủi của gia đình, gởi cho chút quà bồi dưỡng là bánh, là kẹo, là chút dăm-bông để thêm tí dinh dưỡng cho bữa ăn, thật là thú vị. Tuy không có người nhà ra thăm, nhưng thi thoảng tôi cũng được một vài người bạn chia sẻ cho chút quà ấy, nhưng người bạn mà tôi nhớ nhất, đó là Hưng, nguyễn phan Hưng, ở Qui Nhơn. Thú thật lần đầu tiên tôi mới biết thế nào là bánh trung thu, nhấm nháp vị ngọt ngào của bánh và cắn vào miếng mỡ heo béo ngậy…tôi thầm cảm ơn bạn ấy đã hào phóng và cho tôi biết thế nào là bánh trung thu, mà xưa nay tôi chỉ được nhìn thấy trên sách vở, hình ảnh…Rồi có những anh em còn nghịch ngợm đến nỗi mang cả kẹo dừa, đậu phộng da cá vào nghiền ngẫm trong Nhà Nguyện, quỳ ngay bên cạnh nghe thoang thoảng mùi thơm, thèm muốn chết nhưng hổng dám xin, bụm hai tay che miệng lại làm như là đang khấn cầu, để giấu đi những giọt nước miếng chực tràn ra khỏi miệng. Nhắc đến Nhà Nguyện tôi sực nhớ đến câu đáp ca mà ngày hôm nay thỉnh thoảng vẫn được đọc, cứ nghe đến đó là tôi mỉm cười một mình. Tôi không nhớ chính xác câu ấy được xướng lên vào dịp lễ nào, nhưng đại ý của câu ấy là thế này: phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. Thế mà bọn trẻ chúng tôi cứ gào to lên rằng: Phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết sảy. Thiệt tình nếu Chúa mà biết lũ trẻ chúng tôi ngây thơ đến như vậy thì chắc có lẽ Người sẽ ‘không thể cho chúng đến với Ta’ đâu hihi!

Nhìn lại quãng đời tuổi thơ đã đi qua, với hoàn cảnh sớm mất mẹ, tôi là người trai trưởng trong gia đình chỉ sau bà chị cả, do đó phần nào trong suy nghĩ của tôi lúc nào cũng dành rất nhiều tình thương cho chị và các em. (tôi kể ra chuyện này có lẽ nhiều anh em sẽ cười…nhưng tôi nghĩ là anh em sẽ không cười lăn, mà là cười phục cái thằng nhóc này…):

Hồi ấy tôi còn nhớ rất rõ là vào những bữa điểm tâm sáng với bánh mỳ, chủng viện thường hay phát cho mỗi chú lúc thì hộp bơ đậu phộng, khi thì một hộp dâu Mỹ( có người gọi là hộp lam), thay vì ăn, nhưng nghĩ tới chị em ở nhà, tôi bèn giấu nó dưới gầm bàn và sau đó mang lên phòng ngủ và cứ thế…sau dăm bảy tháng đi học, khi được về nghỉ hè hoặc lễ, tết… tôi trở về nhà với va-ly nặng trĩu các hộp dâu Mỹ làm quà cho chị em. Nhìn các em tươi cười bên món quà nho nhỏ ấy, tôi thấy lòng mình chan chứa một niềm vui.

Năm 1974, lớp tôi lúc này chỉ còn lại chưa tới ba mươi người, phải nói là cả một sự cố gắng để đứng vững được cho tới ngày này. Trong lớp vì tôi là người nhập học muộn so với lứa tuổi của mình, và cùng với một vài anh em khác như Chí Maisen, Phùng bá Lộc (có thể còn vài bạn khác), tuổi đời so với những anh em khác là đã hơn một, hai tuổi…do đó những thay đổi về tâm sinh lý, như nhà thơ Huy Cận đã viết: ‘Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn…đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ’nó tuy ngấm ngầm nhưng cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc học và những suy nghĩ về đời tu, lắm lúc tôi trộm nghĩ dậy thì cũng có nghĩa là dậy sóng…những con sóng lòng rộn lên làm tim mình thổn thức, mơ màng, tưởng tượng…cái chuyện này tôi đã nghe cậu tôi là Nguyễn ngọc Điều csb67 ngâm nga, khi gặp Cậu sau một thời gian tôi xa chủng viện, lúc ấy Cậu đang học và giúp ở Hòa-Yên, và quả là không sai khi tình yêu lên tiếng ở lứa tuổi học trò:


“…yêu em anh xé vở học trò- đêm khuya cắn bút làm thơ anh tỏ tình…”

Thú thật với anh em, lúc còn ở chủng viện, tôi cũng khoái viết thư, như là một hình thái để trút bớt cái nhơ nhớ, mà mình vẫn không hiểu rõ là nhớ cái gì? tưởng cái gì?…Nhưng rồi thư đến thư đi đều phải nằm trong ‘vùng kiểm duyệt’, sợ rằng sau đó có lỡ văn ngu chữ xấu và lời thư bị ẩm ướt, thì phải khăn gói quả mướp mà ra đi theo tình mộng thì nguy to, chắc có lẽ nhiều anh em khi đã đến tuổi như tôi, cũng đã ra đi vì những cái trăn trở trên, nhưng rồi sợ thiên hạ cười: đi tu nhớ Bu lũ trẻ lại về. Thế là phải cúi đầu cố gắng tâm phục khẩu phục và lo dọn dẹp cơn sóng lòng đang âm âm ỉ ỉ…ôi cái thay đổi tâm sinh lý cũng ghê thiệt!

Thời gian này lớp tôi được bố trí học ở căn phòng cạnh nhà bệnh, không biết vì vô tình hay cố ý, mấy đứa lớp tôi gồm: Cường, Huy, Lam và Khôi(?) xin phép các Cha cho làm một cái bồn hoa ngay phía sau lớp học( nhìn ra sân banh cát nhỏ), loay hoay mãi mà mấy đứa tụi tôi vẫn chưa làm xong…Thế rồi một ngày nọ, bồn hoa kỷ niệm vẫn còn dang dở thì chúng tôi đã phải vĩnh viễn ly biệt khỏi ngôi trường yêu dấu. Những đôi dép Trường Sơn đã lạnh lùng, tàn nhẫn xóa tan đi những dấu chân Sao Biển. Ngày hội ngộ 2008, tôi đã có dịp vào trong sân trường, đi ngang qua nơi mà trước đây tụi tôi đã dự tính lưu lại một bồn hoa kỷ niệm của lớp, lòng tôi không khỏi bồi hồi xao xuyến, mẹ Việt Nam ơi, mẹ Sao Biển ơi, bao giờ con mới được trở lại. Lặng lẽ theo chân một người bạn tặng cho Thầy hiệu trưởng đang quản lý trường nghệ thuật cuốn sách: ‘nửa thế kỷ Sao Biển qua ảnh’ tôi chỉ biết nhìn thầy hiệu trưởng với ánh mắt như cầu cứu van xin:

Thầy ơi, dù có xây dựng sửa sang gì…xin thầy cố gắng giữ lại dùm chúng tôi những hình ảnh về ngôi trường yêu dấu nhé.

Thầy hiệu trưởng mỉm cười nhìn tôi: vâng…Vâng để đó hay vâng để phá! Thời gian sẽ trả lời tất cả. Bài ca mà anh Đậu Hiệu 65, mỗi khi ôm đàn với khuôn mặt đỏ gay vì cung hát quá cao, và gân cổ thì nổi lên như những con giun đất làm tôi cứ phải mỉm cười mỗi khi nhớ tới, nhưng sao giờ đây nghe nó mằn mặn như muối xát trong tâm tư của những người con Sao Biển đang lầm lũi trên đường đời: Mal! Au fond du coeur. Oui, j’ai mal.

Trần thế Huy 72

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Gặp lại bạn sau 40 năm


THƠ VÈ CON VỊT...
KỂ CHUYỆN TƯ ĐỊT
THĂM TRUNG LUÂT SƯ.

40 năm đã trôi qua
mình với Tú Bổ xuống ngã 3 ông Đồn
Bởi nghe  thằng bạn chung "Dòng
Ngày xưa Sao Biển" về ăn đám "cười"
Xe mình vừa mới đến nơi
Đã thấy bạn ngồi ở cửa nhìn ra
Sau màn ôm, vỗ... thiết tha
Ngó vào trong nhà đã thấy mồi, bia
Cụng ly trò chuyện tía lia
Chuyện xưa, chuyện cũ nọ kia tưng bừng
Nhẹ nhàng bay hết 2 thùng
Tay chân quờ quạng linh hồn tái tê
Mình thì "đô" yếu nên phê
Đoạn sau không rõ nên thề im hơi
Bác nào muốn biết "hiệp hai"
Hỏi Trung với Bổ lai rai tâm tình.
                                         
                                                     canhken.



TỚ LÀ TRUNG, KHÔNG PHẢI TRUNG SĨ, TRUNG ÚY, TRUNG TÁ
TRUNG TƯỚNG...MÀ CŨNG CHẲNG PHẢI TRUNG LUẬT SƯ.
CHỈ LÀ TRUNG...TRUNG UNG DUNG TÀ TÀ...hàhàhà.
THUỐC LÁ VN PHÊ GHÊ...PHÊ NHƯ CON TÊ TÊ.
MỜI CÁC CẬU 1 LON...BIA VN CŨNG NGON NHƯ GÁI 1 CON.
À!! VN  CÓ CÂU KHẨU HIỆU : GIA ĐÌNH CÓ 2 CON VỢ( xuống hàng)
CHỒNG HẠNH PHÚC.
chỗ này ở đâu vậy? cho tớ tham quan tí.



TÚ BỔ: " Xuống chỗ tớ, 1 ôm 10 chứ không thèm 1 ôm 2 đâu.
Phải như vậy tớ mới có trứng bán chớ...hehehe"




Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Hai Lúa Sao Biển ở khách sạn.


Những câu chuyện vui tưởng rằng không mà…có

Hai Lúa Sao Biển ở khách sạn.

Trần thế Huy 72

Chuông điện thoại reo vang, nhấc vội chiếc máy lên tôi chợt mỉm cười, đầu dây bên kia sau vài câu xã giao thăm hỏi, thằng bạn học năm xưa vừa trở về từ Mỹ Quốc, hẹn tôi lên Sài gòn chơi. Ok. Vẫn biết lâu lâu bạn bè nhớ tới, rủ nhau đi chơi, đi nhậu…nhưng sao tôi vẫn cứ e dè ngại ngùng, e dè vì
tuy lúc trước cùng mài đũng quần trên ghế nhà trường, ăn chung một mâm, học chung một lớp…nhưng bây giờ nếp sống và văn minh tây phương đã đồng hóa và thay đổi hoàn toàn những người xưa năm cũ ấy, cả trong suy nghĩ, cái nhìn và lối sống…nên cái việc đầu tiên tiếp xúc đương nhiên là bỡ ngỡ thôi. Rồi với điều kiện kinh tế tương xứng với sức nguồn lao động con người đã bỏ ra, cộng thêm vào đó sự chênh lệch giữa hai giá trị đồng tiền, nên đôi khi ít nhiều cũng đã làm tôi có chút ngại ngùng…Nhưng thôi nghĩ chi lắm cho nó mau già người, cho nó làm nhạt phai tình bạn, cứ đi tới đâu hay tới đó, bạn bè nó quá tốt với mình mà.

Mà kể cũng hay, ai đời đang ở trong mái nhà tole cũ lụp xụp, chỗ xiêu chỗ vẹo, đùng một cái nghênh ngang bước qua bước lại trong cái khách sạn 5 sao, làm thiên hạ trố mắt nhìn, cứ nghĩ bọn tôi là đại gia haha, nhưng nếu nhìn cho kỹ hoặc gặp người tinh ý, thì những cái móng chân vàng khè và những đôi gót sen nứt nẻ và đen thui như đám ruộng gặp hạn mùa khô thì họ sẽ biết là đang gặp các đại gì đây liền…

Thiên hạ hay trêu hạng người chân lấm tay bùn rằng ‘cái thứ nhà quê lên tỉnh’, ấy thế mà thật, bọn tôi đúng là đám nhà quê thứ thiệt, không lai tí nào. Bởi thế cho nên rằng thì mà là mới có chuyện kể…

* Sau khi đã nhận phòng và sắp xếp nhân sự xong, tôi bèn tháo bỏ bộ đồ ăn nói của mình ra, gọi là đồ ăn nói vì năm thì mười họa, hoặc lễ lớn, hoặc đi chơi đây đó…tôi mới diện vào một lần. Lân la mở cửa nhà tắm ra, loay hoay mãi tôi vẫn không sao mở được vòi nước để rửa mặt, chả hiểu vì sao mình lại vụng thế, hay là hết nước rồi? bất chợt tôi nhìn thấy cạnh bồn cầu, có cái ống nhỏ và ngay đầu có gắn một cái vòi. À..có cái này xài tạm cũng được đây. Nghĩ là làm, tôi bèn lấy cái vòi đưa lên trước mặt để xem lại cho chính xác và muốn thử xem có nước hay không? Úi dzời ơi không ngờ cái vòi nước mạnh thế! Tôi chỉ mới vừa đưa tay bóp nhẹ, nước từ trong vòi bắn mạnh ra làm tôi tối tăm mặt mũi và bị sặc nước ho sặc sụa. Than ôi! Từ trước giờ ở nhà mình chỉ dùng mấy cái gáo dừa để múc nước thôi mà. Thiệt tình.

Vừa ho vừa cố kể lại câu chuyện trên, những thằng bạn ở cùng phòng ôm bụng cười bò. Đó là ngày thứ nhất của Hai Lúa.

* Bước sang ngày thứ hai của Hai Lúa ở khách sạn…

- Hello, mấy cậu chuẩn bị tắm rửa rồi đi ăn cơm tối.

- Ok Ok.

Chao ôi sướng quá! Mấy đời mà được đắm mình trong cái bồn to tráng men trắng toát, cứ nghĩ tới ở tivi chiếu mấy cô đào nằm trong đó, bên trên còn trải những cánh hoa thơm trắng muốt bập bềnh, là đã thấy cảm giác lắm rồi. Hô…biến…trong phút chốc trên người tôi chẳng còn gì để nói. A lê dzô! Khi đã ngồi trong bồn rồi, tôi lại gặp trục trặc với cái vòi nước, không hiểu vì sao mà tôi cứ nhấc vòi lên thì nước chảy ào ào ra, nhưng nước gì mà nóng thế, cứ như là nước dùng để vặt lông vịt vậy, làm sao mà tắm đây? Với lấy chiếc điện thoại trong túi quần, tôi hỏi mấy thằng bạn trong phòng nhưng chắc là chúng nó chơi xỏ mình hay sao đây mà thằng nào cũng cứ bảo là em chả…em chả. Bực mình tôi nhấn số gọi nhân viên phục vụ:

- Hello, nước trong phòng tắm 603 trục trặc, xin cho người sửa.

Có tiếng gõ cửa, choàng vội chiếc khăn tắm vào người tôi đi ra mở cửa:

- Nước nó mần răng hở anh?

Cô nhân viên phục vụ xinh đẹp người Huế vừa bước vào vừa hỏi. Chút sửng sờ tôi… tôi cứ tưởng người phục vụ là nam…thế có chết không ấy chứ! Tranh thủ vừa trả lời tôi vừa đưa mắt liếc nhanh xem cái khăn choàng có bị hở sau lòi trước không? Êm rồi, vừng ơi có mở ra thì mở, chứ khăn ơi đừng có mở ra lúc này nghen, tội chết!

Bắt chước giọng Huế của cô gái, tôi mỉm cười:

- Răng mà nước nóng rứa!

- Tại anh nọ chịu vặn qua màu xanh xanh nì. Rứa anh có bị bọng không?

- Nọ có răng mô, cám ơn em…

Răng thì ai mà không có, nhưng lọt vào tình thế này thì quê quá, làm sao tôi còn dám nhe răng!

* VÀ ô la la…cười người chớ vội cười lâu, tôi tưởng chỉ có mình ên là lúa...

Sau khi giũ sạch bụi đời, tôi lên giường nằm xem tivi chờ N… tắm xong rồi đi ăn cơm luôn thể. Bỗng cửa phòng tắm xịch mở, N… bước ra mặt nhăn nhó:

- Sao kem đánh răng hôm nay đắng quá, súc miệng hoài mà không hết!

Trên tay cầm cái lọ màu xanh lá cây, nó quay sang hỏi H..

- Đây có phải là lọ kem đánh răng không?

H..trả lời tỉnh bơ:

- Thì cái lọ màu xanh đó.

Nhưng có lẽ là H..bị nhầm, vì trong đó có hai lọ cùng màu xanh, lọ to là xà phòng và lọ nhỏ là kem đánh răng. Nghi ngờ tôi bèn nhảy xuống khỏi giường và đến gần N…

- Trời ơi! Sao cậu lại lấy xà phòng đánh răng?

- Dzậy hả?!

Thế là cả ba thằng tôi ôm bụng cười lăn cười bò, thằng bạn Việt kiều thấy rộn bước qua, biết chuyện, tưởng chúng tôi đùa nó chắp tay vái vái hahaha.

* Nhưng nào đã hết… Và hôm nay là ngày thứ ba của đám Hai Lúa bọn tôi ở khách sạn.

Về lại khách sạn sau chầu nhậu đã đời, thôi thì trước khi đi ngủ tắm cái cho mát đã. T…nhanh chân bước vào nhà tắm trước. Nhưng rồi…

- Quái lạ, không biết nó có bị lên tăng-xông không mà tắm lâu thế. Sốt ruột tôi áp tai vào cửa phòng tắm nhưng cũng không nghe thấy tiếng nước chảy, hú hồn tôi vội gõ cửa, có tiếng từ trong vọng ra:

- Ày ày, sắp xong rồi.

Khi tất cả đã yên vị trên giường, T…liền quay sang than thở:

- Cái vòi tắm bị hư, bực cả mình!

H…lên tiếng:

- Lúc nãy trước khi đi tớ tắm có sao đâu.

- Ủa, thế sao lúc tắm tớ vặn mãi mà không thấy cái vòi hoa sen có nước, phải ngồi gục xuống tắm cái vòi xả bên dưới.

- Vậy chắc là cậu kéo cái nút ở van nước lên hả?

- Ừ!

- Thế thì vòi hoa sen không có nước là phải rồi. Hahaha.

Thiệt là tội nghiệp, tắm cái kiểu đó gãy cổ sớm. Bọn Hai Lúa tôi lại được một trận cười văng cả miểng ra chăn ra gối hahaha.

Sau chuyến đi chơi thật vui và thật buồn cười ngoài dự kiến, bọn tôi mới thấy: kinh nghiệm là một lần ngu thật…chứ không phải ngu giả nữa các bạn ơi. Cám ơn bạn bè nước ngoài đã cho bọn tôi được ít nhiều những lần trải nghiệm…

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Một công trình của Xuân Hùng 72.


Thánh Anphong –  một hối nhân

Bắt nguồn từ một ý tưởng của Thánh An Phong :"Tôi không để cho một người nào rời tòa giải tội mà không được hưởng ơn ích gì". Nghệ sĩ Xuân Hùng, một điêu khắc gia nhiều năm gắn bó với chất liệu đất, đã gởi các cảm xúc của mình trên những mảnh đất sét, tưởng rằng vô tri vô giác nhưng chuyên chở dạt dào lòng sám hối khiêm nhu.
Thánh Anphong - một hối nhân
Thánh Anphong – một hối nhân – tác giả NĐK Xuân Hùng
Tác phẩm "An Phong – một hối nhân" đã được hình thành với một tốc độ nhanh nhất kể từ khi ông đọc được tác phẩm "Hồi ký mùa thu", khi bàn tay của ông nhào nặn và gọt ấn những cảm xúc vào đất. Dùng chất liệu đất sét, điều thánh thiêng đã trở nên gần gũi thân quen với người Việt, cách nung hở theo truyền thống của người Chăm và nung kín với rơm rạ theo truyền thống của người Kinh, phối hợp cả hai cách, tác phẩm mang dấu ấn rất hồn Việt.
Ông diễn tả một An Phong vững chãi, bản lĩnh và cương nghị trong thế đứng của một tâm hồn đang quỳ, trong thế vươn lên từ đen tối vào nơi sáng tỏ và phô diễn từng chi tiết mạnh mẽ gây cảm xúc lan tỏa cho người xem. Toàn bộ tác phẩm trong cái thế đồng quy mà tâm là đôi bàn tay úp lại trên ngực của lòng thương xót..
Đôi bàn tay trong mầu nhiệm thập giá úp lên ngực
Đôi bàn tay trong mầu nhiệm thập giá úp lên ngực
Đôi tai dài phúc hậu theo quan niệm của đông phương huyền bí, gương mặt sáng với chiếc mũ sọ diễn tả thế giới thượng lưu của An Phong, nhưng Xuân Hùng đã táp đất vào làm đôi chân trở nên thô ráp, đôi chân của kẻ lữ hành lang bạt đã kéo An Phong lại với người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả. Xuân Hùng muốn nói về "nhà nguyện ban đêm" của An Phong trên mọi nẻo đường phố ở Napoli. An Phong xuất thân từ giới giàu có trí thức, nhưng An Phong thuộc về người nghèo, người bị bỏ rơi.
Đôi tai dài theo quan niệm của Đông phương huyền bí
Đôi tai dài theo quan niệm của Đông phương huyền bí
Gương mặt sáng cảu thánh Anphong
Gương mặt sáng của thánh Anphong
Chiếc mũ sọ
Chiếc mũ sọ Giám mục – diễn tả thế giới thượng lưu của Anphong
Đôi chân trần đen đúa, thô ráp của người lao động, người nghèo của Anphong
Đôi chân trần đen đúa, thô ráp của người lao động, người nghèo của Anphong
"Bài giảng của anh em phải đẩy đươc người ta đến tòa giải tội", An Phong đã hướng dẫn con cái mình như thế, nhưng để đẩy được người ta đến tòa giải tội, chính mình phải kinh nghiệm và sống kinh nghiệm hối nhân. Đức Giáo Hoàng Phanxico khi được hỏi ngài là ai, không ngần ngại ngài trả lời "tôi là một tội nhân". An Phong đã gục xuống trước mặt Chúa, ôm lấy mầu nhiệm thập giá và phó thác cuộc đời cho Đức Trinh Nữ Maria trong tư cách là một hối nhân.
Biểu tượng của sự tha thứ và hòa giải
Biểu tượng của sự tha thứ và hòa giải
Đức Maria  - Trạng Sư cho các hối nhân
Đức Maria – Trạng Sư của các hối nhân
Nghệ sĩ Xuân Hùng đã tặng tác phẩm này cho Dòng Chúa Cứu Thế nhân dịp mừng lễ Tổ phụ năm 2014 (1/8/2014). Cám ơn ông với cái nhìn của một tín hữu về Cha Thánh. Cám ơn ông về một "bài suy niệm" đậm đà hữu ích và cần thiết cho anh em DCCT trong dịp chuẩn bị mừng lễ Thánh Tổ.
Tượng thánh Anphong được đặt tại phòng chung của Cộng đoàn
Tượng thánh Anphong được đặt tại phòng chung của Cộng đoàn Sài gòn
Lm. Vĩnh Sang, CSsR.
--