Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2013


HAI chế độ rồi... vẫn chạy rong             
NGÀN muôn nỗi khổ cứ lòng vòng
MƯỜI người hết chín người thất nghiệp
HAI lần xin việc cũng chẳng xong




QUA NĂM MỚI HY VỌNG :

HAI thời vận nước, vẫn ung dung
NGÀN đô dằn túi tạm đủ dùng
MƯỜI năm dành dụm, giờ thong thả
BA chìm bảy nổi, cứ thong dong







     CHỈ CÒN HƠN MỘT TIẾNG ĐỒNG HỒ NỮA LÀ QUA NĂM 2013.
     EM XIN KÍNH CHÚC CÁC BÁC VÀ GIA ĐÌNH MỘT NĂM MỚI 
     THẬT NHIỀU BÌNH AN VÀ SỨC KHỎE.


Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Chúc mừng GIÁNG SINH ANH EM &GIA ĐÌNH

Anh em thân...

Nhân dịp Giáng Sinh 2012 và Năm Mới 2013. Gia đình mình xin kính chúc Anh em và gia đình một mùa Giáng Sinh& Năm Mới thật bình an và hạnh phúc.
Bây giờ đã là 14 g ngày 21/12/2013. Vẫn không có gì xảy ra, xin tạ ơn Thiên Chúa vì thế giới này thực sự vẫn còn tồn tại và mãi mãi được bàn tay uy quyền của Người che chở và gìn giữ.

CảnhHương

MERRY CHRISTMAS AND HAPPY NEW YEAR



Tin Vui





Anh em thân.

Qua điện thoại của Dương và nhờ mình thông báo :
Gia đình bạn SB 72 Giuse Lê văn Phú và Maria Phan thị Minh Nguyệt,

sẽ tổ chức lễ Tân Hôn cho
Phaolô Lê Bảo Duy (trưởng nam) kết duyên với Anna Nguyễn thị Hồng Nga (thứ nữ).

 
Thánh lễ hôn phối cử hành vào lúc 4g30 sáng ngày 31/12/2012 tại nhà thờ gx Vinh Trang, Cam Ranh.
Tiệc Cưới sẽ tổ chức lúc 11g ngày 01/01/2013 tại tư gia nhà Phú, giáo xứ Vinh Trang, Cam Ranh.

Phú rất muốn gởi thiệp cưới cho anh em, nhưng vì không thể biết hết địa chỉ nhà, địa chỉ email, điện thoại v..v Nên nhờ mình thông báo và Dương sẽ thay mặt Phú gọi điện gởi lời mời tới anh em.

Mong anh em cố gắng tham dự bởi vì ngày 01/01 quá đẹp nên sẽ quá kẹt nếu không cố gắng.

Canhken

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

SB72 Đoàn Xuân Hùng và Triển lãm mỹ thuật Khánh Hòa 2012

Đa dạng sắc màu cuộc sống


Với 50 tác phẩm của 29 tác giả, triển lãm mỹ thuật Khánh Hòa 2012 đã mang đến cho công chúng yêu hội họa những sắc màu đa dạng của cuộc sống.

Diễn ra từ ngày 1 đến 15-12 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (số 5 đường 2-4, Nha Trang), Triển lãm mỹ thuật Khánh Hòa 2012 là dịp để các họa sĩ trong tỉnh giới thiệu đến công chúng những thành quả sáng tác mới nhất của mình.

Phong cách đa dạng

Bước vào không gian triển lãm, điều người xem dễ cảm nhận đó là sự đa dạng, đa sắc của các tác phẩm hội họa. Mỗi tác giả một phong cách, mỗi tác phẩm chuyển tải một thông điệp riêng về cuộc sống. Vẫn là những đề tài quen thuộc về quê hương, đất nước, cuộc sống thường ngày, thiếu nữ, tình mẫu tử..., nhưng qua nét cọ của mỗi họa sĩ đã mang đến những cách thể hiện khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho triển lãm. "Đến xem triển lãm năm nay, tôi thấy các tác phẩm đã có sự đầu tư hơn. Đó không chỉ là những nét mới trong cách thể hiện, những nội dung chủ đề quen thuộc cũng trở nên sinh động, hấp dẫn hơn", anh Ngô Anh Tùng (đường Đặng Tất, TP. Nha Trang) chia sẻ.

Công chúng xem tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Đoàn Xuân Hùng.
Công chúng xem tác phẩm sắp đặt của họa sĩ Đoàn Xuân Hùng.

Tại triển lãm, đa số các họa sĩ vẫn đi theo phong cách của mình. Họa sĩ Lê Văn Duy với những ký ức tuổi thơ đầy mộng mơ, hồn nhiên, trong sáng qua chùm tranh Tuổi thơ 1, 2, 3. Bộ tứ Tĩnh vật hoa của họa sĩ Bùi Văn Quang vẫn là những nét vẽ giàu nội lực, thể hiện cái nhìn sâu sắc về cuộc sống. Chất liệu acrylic tiếp tục được họa sĩ Nguyễn Hữu Bài sử dụng để thể hiện các tác phẩm của mình (Vết thời gian, Ao làng). Họa sĩ Trần Mạnh Đức tạo dấu ấn riêng bằng những tác phẩm giàu chất thơ. Ba bức tranh cùng chung tên gọi Mùa gọi mùa của anh để lại ấn tượng đối với người xem. Với họa sĩ Trần Hà, anh lại nhìn cuộc sống từ góc nhìn văn hóa dân gian. Có lẽ vì thế, các tác phẩm của anh luôn bắt mắt, gần gũi với công chúng. Quan họ, Tây Nguyên, Ảo vọng mùa xuân là những minh chứng sinh động cho phong cách đó của anh. Trong triển lãm lần này, họa sĩ Nguyễn Liêu đã thể hiện sự thay đổi trong phong cách của mình. Bút pháp mạnh bạo, ý tưởng sâu sắc, màu sắc ấn tượng là cảm nhận chung của người xem đối với các tác phẩm Hợp sức, Bù nhìn và ngựa, Bù nhìn cầu mưa, Cầu phúc của anh. Họa sĩ Đoàn Xuân Hùng lại mang đến tác phẩm sắp đặt bằng gốm với tên gọi Hãy giúp đỡ lẫn nhau vì hòa bình...

Không chỉ phong phú, đa dạng trong phong cách, triển lãm lần này còn cho thấy sự đa dạng trong hình thức thể hiện. Các tác phẩm được thể hiện chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu, nhưng đan xen với đó là những chất liệu như acrylic, gò đồng, kết hợp acrylic với sơn dầu... Đa phần tác phẩm là tranh, nhưng vẫn xuất hiện những tác phẩm sắp đặt, điêu khắc của hai họa sĩ Lê Vũ và Đoàn Xuân Hùng, tạo điểm nhấn cho không gian triển lãm

Sân chơi ý nghĩa

Triển lãm mỹ thuật Khánh Hòa hàng năm là một sân chơi ý nghĩa đối với các họa sĩ. Đây là nơi tạo điều kiện để các tác giả công bố tác phẩm mới của mình, đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng. Chính vì thế, yêu cầu của triển lãm không quá cao. "Với mục đích tạo sân chơi cho các họa sĩ, chúng tôi không bó buộc về đề tài, chất liệu, hình thức thể hiện. Các họa sĩ đã mang đến triển lãm những tác phẩm mới nhất của mình với phong cách riêng", họa sĩ Bùi Văn Quang - Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Khánh Hòa cho biết.

Ngoài các tác phẩm của những họa sĩ là hội viên Chi hội Mỹ thuật Khánh Hòa, triển lãm còn có sự xuất hiện của các tác giả chưa là hội viên như họa sĩ Nguyễn Đông (tranh cổ động Giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc), Trần Trọng Thắng (Nữ sinh), Nguyễn Quốc Thắng (Thiếu nữ)...

Với một triển lãm được diễn ra hàng năm, triển lãm mỹ thuật Khánh Hòa đã trở thành sân chơi cho các họa sĩ và cũng là nơi góp phần "ươm mầm" mỹ thuật tương lai.


Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Chia Vui

Phước Thiện, những ngày tháng 10

Bạn không nhiều may mắn
bao năm trời lận lận
căn nhà cũng lao đao





mái rách dột tứ bề

vách nhà bao xiêu vẹo

Tượng Chúa buồn...đâu mất
Mẹ không chổ...dung thân
Nay nhờ bạn giúp sức

móng đá chẻ cho chắc

cát dồn nền thiệt...căng

 từơng xây gạch lỗ ống

tráng vách bằng xi măng

nhà khang trang vuông vứt
"Tượng Chúa...gầy hơn xưa"

Cầu xin Chúa chúc lành

cho gia đình may mắn
nụ cuời mãi trên môi

Lớp 72 chung vui.
xin âm thầm ghi nhận
tấm lòng nguời bạn ấy
đã nhiều lần bao dung

Coi thêm hình ở đây
https://plus.google.com/photos/109452783261411358874/albums/5819923692423308657?banner=pwa

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

CHÚ LỪA HÔ-SAN-NA

Hồng Lê



Đó là một ngày oi bức! Cái oi nồng đặc trưng trước khi chuyển sang mùa mưa của vùng Trung Cận Đông. Cây cỏ khô cằn. Khắp nơi chỉ nhìn thấy toàn đá là đá, muốn tìm một bụi cây núp bóng cũng khó!

Chú lừa non đang đứng ở một hẻm núi còn chút cỏ xanh, bần thần không muốn ăn uống gì! Kể ra, một con lừa khác ở vị trí chú bây giờ hẳn sẽ khoái chí lắm. Đây là một chỗ trũng có mạch nước ngầm nên còn cỏ. Chủ của chú đã lấy gai lấp lối vào nên mọi người không tìm được chỗ này.

Chủ của chú cưng chú lắm! Chú chưa phải cõng ai bao giờ. Chỉ mới tuần vừa rồi, khi cậu chủ buộc chú ở đầu ngõ để xong việc sẽ dẫn chú đi ăn thì có một người đến dắt chú đi. Người đó dẫn chú đến trước mặt một vị dáng dấp đĩnh đạc, uy nghi. Người ta đỡ vị kia lên lưng chú rồi đi vào thành phố. Chú ngỡ như đời chú được sang trang mới. Dân chúng túa ra chung quanh và tung hô vang dội. Ai nấy mặt mày hớn hở, tay cầm cành lá thiên tuế như đón rước một Đức minh quân. "Hôsanna! Hôsanna!" Tiếng tung hô vang dậy khắp thành. Nhìn vẻ mặt phấn khích của họ, chú tưởng chừng họ đang chuẩn bị tôn vị này lên làm Vua. Như vậy, chú sẽ trở thành chú lừa hoàng gia. Đời chú sẽ sang trang: Chú sẽ được mang yếm cổ thật đẹp, lục lạc vàng ròng… Chú sẽ được ăn yến mạch loại thượng hạng, được ngủ nệm cói và có thêm tấm chăn rơm lúc Đông về… Chú sẽ…

Mà thôi, chú cũng chẳng tưởng tượng thêm được gì! Cuộc đời có phong lưu thì cũng là đời của một chú lừa. Kể ra, chủ của chú cũng quá tốt với chú rồi! Nhưng, mỗi khi nhớ lời lão lừa già chú lại thấy lo lo…

----o0o----

Lão lừa già sống như một nhà hiền triết trên sườn núi bên kia sông Gioóc đan. Thỉnh thoảng lão xuống sông trầm mình hàng giờ, rồi lên bờ nằm tư lự ngắm dòng sông chảy xuôi, ngắm đoàn người bôn ba qua lại, ngắm lũ trẻ nghịch nước… Dòng nước tuy hiền hòa nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm mọi thứ! Chú lân la làm quen, hóa ra lão biết rất nhiều chuyện và quen khá nhiều người. Lão khen chú tốt tướng, mập mạp. Chú khoe chủ của chú là cậu Akháp tốt bụng. Mấy đứa bạn chú phải thồ hàng thuê từ sáng sớm đến tối mịt, trong khi chú chỉ nhởn nhơ chơi đùa, lại được ăn cỏ tươi, uống nước giếng Giacóp. Lão chỉ cười! Mà nụ cười của lão trông xấu tệ, hàm dưới méo xệch qua một bên phô bộ nướu xám xì không còn cái răng; trông giống mếu hơn giống cười. Chú gặng hỏi mãi sao lão lại cười, lão mới lửng lơ: “Nhọc nhằn chưa chắc đã xấu, nhàn hạ chưa chắc đã tốt!” Lão hỏi chú tên gì, chú nói chú chưa nghe nói loài lừa có tên. Người ta chỉ cần ra lệnh cho lừa ‘đứng, quỳ, nhanh, chậm, rẽ phải, rẽ trái…’ chứ đâu có cần nói chuyện với chúng. Lão lại hỏi: “Con nói chủ của con tốt, không bắt con làm việc gì. Vậy hắn có nói chuyện với con không?” Chú tắc tị. Trầm ngâm hàng giờ, lão lại buông một câu: “Ta biết có những người chuyên vỗ béo lừa để bán qua Ai cập. Những con lừa này không được làm việc nặng, thường xuyên ăn cỏ tươi thì thịt mới mềm và thơm… Những con lừa này lại càng không cần có tên!” Chú hơi hoang mang, nhưng cũng giả tảng hỏi lão: “Thế ông có tên không? Sao ông lại sống cô độc như loài thú hoang vậy? Ông có biết Ai cập ở đâu không?” Lão lừa già cười khẩy rồi quay lên núi…

Tuy nhiên, một ngày đẹp trời nọ, chú cũng được nghe chuyện đời của lão lừa già:

Lão đã có hơn ba mươi năm tuổi, cái tuổi rất hiếm hoi của loài lừa. Lão đã từng có một cái tên. Nhà chủ lão rất nghèo nhưng tốt bụng, họ thường nói chuyện với lão và cư xử với lão như một người bạn. Cũng phải thôi! Bởi lão đã từng cõng bà chủ lúc thai nghén đi xa hàng trăm dặm về quê ông chủ để khai sổ bộ. Họ không có chỗ trú thân nên phải ra hang đá giữa đồng trú tạm, và chính lão đã thở những hơi đầu tiên để sưởi ấm cậu chủ mới lọt lòng. Rồi sau đó, họ phải qua lánh nạn bên Ai cập, cũng chính lão gồng gánh đường xa. Bà chủ ái ngại nhìn mớ đồ chất chồng trên lưng lão, không dám trèo lên. Lão hiểu ý nên cứ nằm mẹp chờ bà chủ leo lên mới chịu cất bước. Nghĩ tới câu ‘thân lừa ưa nặng’ lão bỗng bật cười: Miệng đời cứ độc địa vậy thôi chứ có con lừa nào ưa nặng bao giờ! Ông chủ thật tội nghiệp, ông ít nói nhưng quan tâm từng cử chỉ, thái độ của mọi thành viên trong gia đình – trong đó tất nhiên có cả lão. Có bữa, lão bị trượt chân khi băng qua sườn núi. Đến chỗ nghỉ, ông vội vàng nhóm lửa hơ chân cho lão, xoa dầu ô liu và dùng lá trắc bá diệp bó chân cho lão. Lão vẫn còn nghe đau nhưng không dám rên, sợ ông chủ lo lắng. Bỗng đâu, cậu chủ bị ọc sữa, ông chủ vội vàng chạy lại hứng lấy và đem đến xoa chân cho lão. Thật y như phép tiên! Bàn chân lão nhẹ hẳn ra và nghe khỏe như chưa từng bị trặc vậy. Sau này, lão có bày bài thuốc này cho vài người bạn. Khi họ bị trặc chân, họ cũng rình những đứa bé bị ọc sữa để đến xoa chân vào chỗ sữa đó, nhưng vô hiệu! Họ cho là lão bị ‘hâm’…

Bà chủ thật nhu mì và dịu dàng! Bà luôn để ý khẩu phần ăn của lão, hôm nào lão biếng ăn là bà biết ngay. Một miếng đường, chiếc bánh lúa mạch, mấy trái vả… Cứ thế, bà chủ chăm sóc lão như một đứa con. Có hôm lão sốt nặng nằm mê man, lão mơ hồ thấy bà chủ bồng cậu chủ đến ngồi bên lão, lão cảm nhận được từng giọt nước mắt ấm nóng của bà chủ rơi trên mặt lão, bàn tay mềm mại của cậu chủ xoa trên đầu lão. Sáng hôm sau, lão tỉnh dậy trong một cảm giác rất thư thái, nhẹ nhàng… Lão vươn chân trước ra gõ lộp cộp trên thanh gióng chuồng để ra hiệu cho ông chủ, lão muốn được đi thồ gỗ ngay! Bà chủ đến bên chuồng xoa đầu lão, bà biết lão đã khỏi bệnh nhưng vẫn dỗ dành: “Thôi, con nghỉ thêm một bữa nữa đã, vội vàng chi. Làm cả đời chứ có phải ngày một ngày hai đâu!” Ông bà chủ của lão quả là tuyệt vời! Nhiều sóng gió vậy đó, khó khăn vậy đó, khổ cực vậy đó; mà chưa bao giờ có tiếng nặng nhẹ với nhau. Dường như ông bà nhìn nhau là đã hiểu ý nhau vậy!

Lão luôn cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được sống trong gia đình này. Lão còn tự cho rằng mình sung sướng hơn lừa của các bậc đế vương nữa kia… Còn cậu chủ thì ‘trên cả tuyệt vời’! Cậu rất thích nô đùa cùng lão trên ngọn đồi trước nhà, nhưng cậu không bao giờ nghịch ác như những đứa trẻ khác. Không bẹo tai, không giật đuôi, thậm chí không bao giờ đếm răng của lão – điều mà hầu hết các đứa trẻ khác đều làm vì tò mò. Cậu có tài leo lên lưng lão lúc nào lão chẳng biết, thậm chí lão chẳng có cảm giác có một sức nặng nào đó đè trên lưng. Nhưng khi lão nằm xuống cho cậu leo lên, lão cố sức cách mấy cũng không đứng lên được, y như cõng một quả núi trên lưng vậy! Biết cậu chủ trêu, lão nằm im giả bộ thiu thiu ngủ… Cậu chủ liền vuốt ve lão: “Thôi, đừng giận mà! Để ta kể cho anh nghe chuyện này hay lắm! Anh biết không? Tổ tiên nhà anh đã chết rồi mà còn đánh bại được một đội quân hùng mạnh đó.” Lão nghếch mũi lên ngay: “Cậu chủ phỉnh tôi hả?” Cậu chủ cười cười, rồi cậu kể cho lão nghe chuyện Samson đánh tan quân Phi-li-tinh chỉ bằng một chiếc xương hàm lừa. Lão phản biện ngay: “Đó là nhờ ông Samson chứ có phải nhờ cái xương hàm lừa đâu!” Cậu chủ vặn lại: “Ông Samson cũng chỉ là con người, làm sao đánh lại nguyên một đội quân hùng mạnh? Ông Samson chỉ là công cụ của Chúa, và cái xương hàm lừa cũng là công cụ của Chúa.” Cậu chủ có lối nói thật khác người và nặng sức thuyết phục. Lão cũng cảm thấy lâng lâng hãnh diện khi cậu chủ kể câu chuyện đó cho lão nghe…

Những ngày tháng tươi đẹp rồi cũng qua mau… Ông chủ mất đi lúc lão cũng đã xuống sức, bà chủ và cậu chủ vẫn nuôi lão mà không cần lão phải làm gì! Rồi cậu chủ quyết định rời nhà đi diễn thuyết. Trước khi đi, cậu dẫn lão qua bên kia sông Gioóc đan và dặn dò: “Anh cứ lên sườn núi phía trước, có một cái hang ở đó, cỏ sẽ đủ cho anh ăn suốt bốn mùa. Giờ anh đã già, không ai muốn bắt anh để giết thịt đâu! Ba năm sau, nếu còn sống, anh sẽ có cơ hội nhìn tôi lần cuối khi họ đem xác tôi đến táng ở đó.” Không hiểu sao, lão cảm thấy cậu chủ lúc này như một Đấng có uy quyền, lão cứ răm rắp làm theo mà không hề phản kháng nửa lời, dù trong thâm tâm rất lấy làm kỳ lạ!


----o0o----

Nghe chuyện của lão lừa già xong, chú lừa non thấy mình như trưởng thành hẳn ra, hiểu đời hơn lên. Chú không còn ngưỡng vọng chủ của chú như trước. Chú nhận ra có một khoảng cách mơ hồ nào đó! Chủ của chú mặc dù có tốt với chú, nhưng không có những cử chỉ ưu ái và gần gũi như chủ của lão lừa già đối với lão. Chuyện xảy ra dồn dập trong một tuần qua cũng khiến chú suy nghĩ nhiều và trầm tư hẳn đi! Con Người từng cưỡi lên lưng chú và được tung hô, giờ đang bị điệu đi dưới kia. Mới lúc sáng, chú thấy Người lê thê lếch thếch đi giữa hai hàng lính từ Đền thờ sang dinh Tổng Trấn, mình đầy máu me, tay buộc lòi tói, trên đầu còn quấn một vành gai… Chú chưa hề thấy cảnh này bao giờ! Và chú cũng không thể tưởng tượng nổi là con người lại có thể đối xử với nhau như thế; huống hồ đây là Người mà họ mới tôn vinh chỉ cách đây có mấy ngày…

Đó chính là nguyên nhân chú lơ là đám cỏ xanh dưới chân. Không khí ngày hôm nay thật ngột ngạt! Chú có cảm giác nghèn nghẹn trong lồng ngực: “Không biết lão lừa già có thấy cảnh này không?” Dù sao thì chú cũng thấy cuộc đời của lão lừa đẹp quá! Cuộc đời chú chỉ bình yên chứ không có những phút giây hạnh phúc thăng hoa như lão. À, có chứ! Nhưng chỉ ngắn ngủi thôi. Cái lúc Con Người ấy cưỡi chú vào thành, bên cạnh niềm hãnh diện được đi giữa rừng người trong tiếng hoan hô vang dậy, chú còn cảm thấy một niềm hạnh phúc dâng trào như một nhân vật được chọn để làm nên lịch sử. Khi được chạm vào Con Người ấy, chú thấy như có một luồng điện chạy xuyên suốt khắp châu thân khiến chú cảm thấy mạnh mẽ hơn lên, dũng cảm hơn lên! Và khi được trả về cho chủ, chú thấy như thiếu thốn thứ gì đó vô cùng cần thiết cho chú. Hồi sáng, khi nhìn thấy cảnh Con Người ấy bị điệu đi như vậy, chú đã tức giận lao thẳng vào đám lính đá túi bụi. Mọi người la lên: “Con lừa điên! Con lừa điên!” Chủ của chú đã phải ra năn nỉ họ và dắt chú về. Có lẽ họ bận chú mục vào Con Người ấy nên cũng không mấy quan tâm đến chú và không khó dễ gì với chủ của chú… Chú muốn hét to lên: “Tôi không điên! Các người mới là đồ điên!” Nhưng âm thanh phát ra chỉ là tiếng ‘be, be’ não nuột. Chú thoáng thấy Con Người ấy nhìn chú, cái nhìn thật trìu mến thiết tha! Qua cái nhìn ấy, chú tin chắc Con Người này chính là cậu chủ của lão lừa già. Không thể có đến hai Con Người tuyệt vời như vậy được, chỉ có một mà thôi!

Chú tìm một gò đất cao để nhìn xuống xem sự thể bên dưới thành thế nào. Hình như họ lại điệu Con Người ra khỏi dinh Tổng trấn từ nãy giờ rồi. Lần này họ đi đến ngọn đồi Sọ phía bắc thành. Đây là nơi người ta xử tử tội nhân. Thế là Người phải chết ư? Chết như một tội nhân ư? Chú thật không hiểu loài người như thế nào nữa! Nhưng, sao chẳng thấy Con Người ấy đâu cả? À, Người kia rồi! Mà sao Người đi như bò thế kia? Ơ, hình như Người còn phải vác một cây Thập giá bằng gỗ to lắm. ‘Thân lừa ưa nặng’ như chú mà cũng không nghĩ rằng mình thồ nổi một cây gỗ to như thế! Chú chợt thấy cay cay nơi khóe mắt… Chú chợt muốn qua bên kia núi để thăm lão lừa già, kể lão nghe mọi chuyện để vơi bớt nỗi niềm nặng chình chịch trong tim chú hồi sáng giờ.

Bỗng, có tiếng gọi mơ hồ như từ xa xăm vọng lại: “Hô-san-na! Hô-san-na!” Chú lắc lắc đầu, không tin ở tai mình. Chẳng lẽ những người dưới kia vừa đi xử tội nhân vừa tung hô vạn tuế? Mà âm thanh từ dưới xa tít đó không thể nào vọng lên tới đây được! Một cảm giác nhột nhột dưới chân trước khiến chú cúi nhìn xuống: Một chú kiến càng đen trùi trũi đang bò lên chân chú, cái đầu lắc lư, bộ râu ngoắc ngoắc đầy thiện cảm: “Hô-san-na! Anh là Hô-san-na đó phải không?” Hô-san-na? Tên chú đó ư? Chắc có sự hiểu lầm gì đây? Nhưng chú chỉ ngoắc ngoắc tai chứ không trả lời. Gã kiến này thuộc loại lém lỉnh và mau miệng: “Mấy hôm trước, họ hàng tôi đang kiếm ăn giữa thành thì dân thành bỗng dưng túa ra ào ạt; may là tôi kịp xen dưới chân anh mới không bị dẫm lên. Đi dưới bóng chân anh, tôi thấy người người đứng hai bên đường đón anh đi qua, miệng hô vang: Hô-san-na, Hô-san-na. Tôi đoán chừng là họ kêu tên anh.” Chú biết ngay là gã kiến kia lầm to, nhưng bây giờ mà giải thích cho gã hiểu thật không dễ dàng gì! Hơn nữa, chú đang buồn bực và tâm trạng không được thoái mái lắm. Giá như lúc khác, có lẽ chú đã “tám” với gã cả ngày. Chú buông thõng: “Anh lầm tôi với ai rồi!” Gã kiến vẫn tiếp tục bi bô: “Sao mà lầm được, tôi nghe mùi chứ có phải nhìn bằng mắt thôi đâu! À, mà tên anh hay thật đấy! Tôi chưa từng nghe có con lừa hay con kiến nào có tên. Mà đây lại là một cái tên nghe thật sang trọng!” Chú lừa trả lời giật cục: “Phải, vì lúc đó ngự trên lưng tôi là một Đấng vô cùng sang trọng!” “Ngự trên lưng anh ư? – Gã kiến chưng hửng – Cũng phải thôi, cái bóng của anh tôi còn chưa thấy hết thì làm sao thấy được Đấng ngự trên lưng anh. Dù sao thì được làm quen với anh cũng là vinh dự lớn nhất đời tôi rồi!” Chú lừa nheo nheo mắt… Thế đấy, ‘được làm quen với anh là vinh dự lớn nhất đời tôi rồi’! Vậy, cái vinh dự của chú còn to ngần nào khi chính Đấng ấy ngự trên lưng chú. Chú tỏ giọng thiện cảm với gã kiến: “Tôi đang định đi thăm một người bạn già. Anh có muốn đi cùng tôi không?” Gã kiến nhanh nhảu: “Sẵn sàng! Ờ mà tôi đang đu trên chân anh đây mà, anh đến đâu thì khắc tôi đến đấy thôi.”

Chú lừa thẫn thờ đếm từng bước nặng nhọc về phía sườn núi nơi lão lừa già cư ngụ. Ở chỗ này, chú có thể nghe rõ tiếng la hét phẫn nộ từ phia đám đông, chú còn nghe như có tiếng búa đóng vào đinh chát chúa. Ngực chú quặn thắt! Bước chân như càng nặng hơn...

Trời bỗng kéo mây vần vũ, sấm chớp nổi lên liên tục như muốn xé nát bầu trời ra làm nhiều mảnh, chung quanh tối đen như mực, cách nửa bước chân đã không thấy gì! Chú nhắm hướng hang lão lừa già mà rảo bước theo quán tính vì e trời sắp đổ mưa to. Trời hơi hửng sáng trở lại khi chú vừa đến trước cửa hang, không gian lặng như tờ đến nỗi chú nghe rõ cả tiếng thở phập phồng của gã kiến càng. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ có mặt lão lừa già ở đây! Chú tiến sâu vào bên trong… Một hình dáng gầy còm nằm trong một góc khuất. Chú lại gần quan sát: Lão lừa già đã quy tiên, trên khuôn mặt còn đầm đìa nước mắt…

Lão đã sống một cuộc đời hạnh phúc và đầy ý nghĩa, nhưng khi chết lại bi thương đến thế ư? Chú đứng lặng người không biết bao lâu! Tiếng gã kiến thì thào lôi chú về thực tại: “Bạn anh chết rồi! Ông ấy là ai vậy?” Chú nghiêm giọng: “Ông ấy là một vĩ nhân! – Nghẹn ngào một lát rồi chú tiếp – Ông ấy vĩ đại vì đã được phục vụ những con người vĩ đại!”

Thế là, không có ai để chia sẻ nỗi buồn với chú nữa rồi!...

À không, còn chứ! Còn gã kiến càng bên cạnh đây. Chú thầm thì kể cho gã những chuyện của lão lừa già, rồi những chuyện chú vừa trải qua, và giải thích từ Hô-san-na là do người ta tung hô Đấng ngự trên lưng chú chứ không phải tên chú, Đấng ấy giờ đã bị xử tử dưới kia… Gã kiến vẫn cứ bướng bỉnh: “Nhưng tôi gọi anh bằng cái tên Hô-san-na vẫn được chứ có hề gì đâu. Tôi thích thế!” Chú không thèm cãi, chầm chậm bước ra cửa hang. Trời đã sáng hẳn trở lại. Không hề có cơn mưa nào! Đoàn lính xử phạm nhân đang lục lục kéo về thành, ai nấy cúi đầu lặng lẽ. Trông dáng đi thất thểu của họ giống một đoàn binh bại trận trở về!

Phía đồi Sọ, có ba cây Thập Giá mới nổi lên in đậm trên nền trời chiều đỏ quạch…

Không hiểu sao, gã kiến càng bỗng hét toáng lên: “Hô-san-na! Hô-san-na!”

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

CHUYỆN MƯA NẮNG NGÀY XƯA

Hạng B Tác Phẩm Văn Xuôi



CHUYỆN MƯA NẮNG NGÀY XƯA

Cảnh Ken


(Kính tặng Cha Giuse Vũ Đức Hiệp, nguyên chánh xứ GX Xuân Đường)

Cái nắng trưa hè…

cuộn theo từng cơn gió nóng, trải dài trên mái tôn càng làm cho bầu không khí trong căn nhà thêm ngột ngạt. Dựng cái cuốc vào góc tường, anh Năm với tay lấy tờ báo, quạt lấy quạt để như muốn xua tan đi cái oi nồng- "Tí ơi ! con đi mua cục đá về uống”

Anh vừa nói vừa đưa tay mở cánh cửa sổ, một ánh nắng chói lóa hắt từ phía bên kia đường chiếu vào mắt anh.

À ! thì ra là mái tôn của nhà Cha mới đây mà.

Tháng Hai vừa rồi, khi Ngài về nhận xứ, giáo dân đã dựng một căn nhà 4x6, sát bên ngôi nhà thờ gỗ để Ngài cư ngụ. Nhìn cũng là lạ, cạnh ngôi nhà thờ cũ kỹ là căn nhà xứ, tận dụng từ những tấm ván dư và tôn cũ, còn để lại hồi làm nhà thờ tạm. Chỉ có ba tấm tôn mới lọt vô thôi, trông thật buồn cười khi nằm chen giữa những tấm tôn cũ đã rét vàng.

Cầm ly trà đá của cu Tí đưa, anh Năm uống một hơi dài, cái màu vàng vàng và vị đăng đắng thật tỉnh cả người, rồi anh ngả lưng xuống cái ghế bố sờn vải, ly trà đá mát lạnh làm vơi hẳn đi sức nóng ban trưa đang hành hạ anh - “Năm nay coi bộ hạn hay sao mà nắng dữ quá!”

Anh chặc lưỡi nói một mình, rồi nhìn bâng quơ qua bên nhà Cha xứ, anh thầm nghĩ :

“chắc bên nhà cha nóng lắm, mái tôn thấp chưa đóng la phông…lại còn mặc cái áo dòng đen nữa, thật là khổ”

Nghĩ lại ngày mới đến nhận xứ, chắc Ngài thấy ngán lắm…cái xứ gì đâu mà đèo heo đèo hút , đi lại khó khăn. Mưa lầy, nắng bụi. Nhớ lại ngày đón Cha mới chỉ có mỗi ông Ban hành giáo và vài người ở gần đó, chẳng chuông chẳng trống gì cả, thật là buồn. Nhìn dáng cha cao và gầy, giáo dân cũng hơi lo.

-chẳng biết Ngài có chịu cực khổ ở chốn rừng thiêng nước độc này được hay không đây?

Bỏ nhà cửa, gia đình đi tu, đấy cũng là một hy sinh to lớn rồi. Giờ về nhận xứ mới, có khác nào con gái về nhà chồng, xuôi theo mười hai bến nước. Trúng nhà chồng nghèo là thấy một trời vất vả rồi. Anh Năm chợt nhớ lại lần trước khi kể cho chị Năm nghe sự so sánh này, khi ấy chị đã rầy anh quá trời. Chị cho rằng như thế là xúc phạm các Cha, đâu phải cứ đi nhận xứ là đi làm dâu. Đó là con đường mà các ngài đã chọn, cho dù có gian nan vất vả, nhưng đó chính là sự chuẩn bị cho đoàn chiên hạnh phúc nước trời mai sau.

“Tí ơi ! ra đây ba nhờ chút. Con đi mua cho ba một cục nước đá nữa đi, mua cục to to nghe"

Thằng Tý ngạc nhiên “ủa! đá hồi nãy con mua vẫn còn mà”

Anh Năm dặn con : “thì cứ mua cho ba đi, con nhớ để vào cái giỏ ba treo trên vách đó”

Cầm giỏ nước đá trên tay, anh Năm cũng hơi ngần ngại khi phải gõ cánh cửa mà anh biết chắc chỉ khép hờ. Biết nói như thế nào nhỉ! anh đang phân vân... bỗng cánh cửa mở ra

“Có việc gì không cậu?”

Chưa bao giờ anh Năm lại đứng gần Cha xứ đến thế!

“Dạ ! dạ…con thấy trời nóng quá… nên…”

Cha xứ quàng vai anh kéo vào nhà:

“thì cậu cứ vào trong nhà cho khỏi nắng đã.” Sau khi ngồi vào chiếc ghế gỗ, anh Năm mới lên tiếng :

“con thấy nhà xứ thấp, lại lợp tôn chắc nóng lắm! nên...nên con mang cục nước đá này…con nghĩ chắc để dưới giường lúc cha nghỉ trưa sẽ mát hơn”

Nghe nói đến đây, Cha đã cầm lấy tay anh…hai cha con cùng xúc động vì những cảm giác ngọt ngào, mát mẻ của tình yêu thương. Sau đó, hai cha con tâm sự về những vất vả khó khăn phần hồn, phần xác của giáo xứ…Ngài đã phác họa ra những thay đổi cần thiết để giáo xứ ngày một tiến triển, nào là phải xây dựng đền thờ tâm hồn trước tiên bằng các buổi tĩnh tâm, thánh lễ sáng chiều, các buổi học hỏi về giáo lý, các giờ chầu Thánh Thể…rồi sau đó mới tính đến chuyện xây dựng lại nhà thờ, nhưng cũng phải ưu tiên cho các Giáo Họ ở xa trước đã…

“À, cậu đi xe ôm lâu chưa, có đủ sống không? Thu xếp công việc vào làm tông đồ giúp Cha nhé!”

Hai Cha con bàn tính việc giáo xứ cho đến khi tiếng chuông đồng hồ báo 4 giờ, chuẩn bị cho thánh lễ chiều. Cha cầm cái giỏ của anh Năm nãy giờ để cạnh bàn, đưa lên rồi cười, nói :

“Đời linh mục của tôi rồi cũng sẽ tan đi, nhưng tôi hy vọng nó sẽ đem lại sự mát mẻ cho những tâm hồn khô cằn, xin gởi lại cho cậu. Tôi tuy mất giấc nghỉ trưa, nhưng bù lại tôi đã có được sự cảm thông và hiểu biết thêm về đoàn chiên của mình, như vậy là tôi lời quá rồi phải không cậu?”

Cũng từ ngày đó, vì ở gần nhà thờ, anh Năm đã chứng kiến những lời Cha xứ nói với anh đều trở thành hiện thực. Gần 20 năm sống gần Ngài, anh vẫn thấy nơi Cha một cuộc sống thật giản dị, một cuộc sống như hết mình vì giáo dân. Một cuộc đời mà hầu như đã tan đi và đem lại suối mát ngọt lành cho đoàn chiên mà Chúa đã trao.

Mấy hôm nay trời bỗng nắng như rang! thèm một trận mưa cho thật mát. Anh ngồi tư lự ngẫm chuyện, lòng miên man nghĩ tới những trận mưa rừng khốc liệt. Chợt ùa về trong tâm trí anh chuyến xe ôm kỷ niệm trong ngày mưa gió đó…


Hôm ấy đã 2h30 chiều.

Đang thiu thiu ngủ trưa. Một tiếng sấm rền vang làm anh tỉnh cả người.

-Thôi! chắc đem xe vào nhà cho rồi, ai mà thèm đi đâu vào lúc này nữa.

"Khoan, khoan cất xe đã. Anh đi đội 4 được không? Giúp cho tôi một chuyến nhé!"

Chưa kịp nhìn xem ai, anh Năm phản ứng tự nhiên:

"Phía đội 4 đang có mưa kìa, ngày mai đi được không Bác?"

"Thôi Cậu chịu khó tí, chở Cha vào đội 4 làm lễ xong là ra ngay ấy mà. Trong đó chắc mưa nên họ không ra đón Cha được. Cậu ráng giúp cho Cha nghe!"

Thấy Vị linh mục lúp xúp trong chiếc áo tơi mưa, anh Năm ngượng ngùng vì lời từ chối mới xong.

- Dạ, dạ...Cha chờ con tí, con tưởng ai nữa chứ!

Anh thầm nghĩ: “thử chở Cha đi xe ôm một lần cho biết, chở dân đi xe ôm và chở linh mục đi xe ôm có gì khác nhau không?" Thế là anh nhẹ nhàng phấn chấn hẳn lên.

Và rồi dưới cơn mưa lất phất, chiếc cub cánh én như chao đảo dưới bầu trời âm u. Con đường mòn đất đỏ nhỏ hẹp lằng ngoằng, trong cơn mưa phút chốc đã trở thành bùn nhão, trơn như bôi mỡ. Trước mặt, một cành cao su bị gió quật ngã nằm choán cả con đường. Anh Năm vội vàng giảm ga né sang bên trái..."rầm" bánh xe chồm leo lên một mô đất trơn, nên đã hất cả hai Cha con xuống đường. Anh Năm hoảng hốt vì con mương nước chảy xiết đang ở kế bên thân ngã sóng xoài của Ngài, không khéo Ngài nhào xuống đó thì...khốn

Kinh nghiệm chạy xe ôm, và đã nhiều lần bị trơn té nên anh Năm ngồi dậy ngay. Nhìn về phía sau, anh ngạc nhiên khi thấy Ngài đã đứng dậy từ lúc nào. Chỉ có hai ống quần lấm lem bùn đất đỏ, hai tay vẫn giữ cuốn sách lễ và cái túi nylon đựng áo lễ... thấp thoáng một xâu chuỗi Mân Côi. Anh Năm thầm nghĩ : thì ra bàn tay đặt trên vai anh cứ thỉnh thoảng động đậy là vì Cha đang lần hạt. Chắc vì lẽ đó nên dù ngã xe mà Ngài vẫn không bị sao cả!

- Cha đợi con xì bánh xe một chút cho đỡ trơn. Con cứ sợ Cha bị ngã rồi không vào làm lễ được thì nguy to.

- "Cậu yên tâm, trước khi đi tôi đã cầu xin Đức Mẹ và Thánh Giuse gìn giữ rồi. Dù có té cũng không sao mà!"

- Mưa to quá! đường rừng núi rất nguy hiểm, mai Cha vào cũng được mà.

-"Nghĩ đến họ đang khao khát thánh lễ, dù tôi có té đến năm ba bận, cũng phải gượng dậy mà đi tiếp cậu ạ!

Thế rồi trong suốt buổi lễ chiều hôm ấy, anh Năm cứ mãi suy tư về vị linh mục mới này.

Nơi làm lễ là mái hiên của một gia đình giáo dân. Dưới những tấm bạt nylon cũ, là những chiếc nón lá, những gương mặt chân chất mùi quê, sạm đen vì vất vả mưu sinh trên mảnh đất mới khai hoang. Họ đang đói khát Lời Chúa và quây quần chờ đợi Vị Chủ Chăn.

Còn với anh Năm, lần đầu tiên mới cảm nhận được sự dân dã của thánh lễ nơi vùng quê. Ở đây, khung cảnh thật giản dị. Trên bàn thờ trải tấm khăn đơn sơ, cặp nến chế bằng tim đèn dầu đã tắt vì gió...vài cánh hoa bướm mỏng mảnh cắm trong chiếc ly gốm thô, chắc cũng chỉ mới hái vội trước sân nhà ai đó! Các em thiếu nhi đi chân đất, quần áo sờn cũ lấm lem. Các cụ già co ro, thỏa mãn trong trong vạt áo nâu đen đã cất kỹ lâu ngày, nay được dịp mang. Các nam nữ độ tuổi lao động đang tranh thủ trở về từ những nương rẫy xa, hối hả mong chờ thánh lễ mỗi tuần một lần vào chiều thứ bảy.

Tuy vậy, Thánh lễ lại hết sức trang nghiêm, sốt sắng. Mọi người ai cũng cảm thấy ngọt ngào thấm đẫm Lời Chúa. Có lẽ vì nỗi khao khát có một vị Chủ Chăn ở lại hằng ngày, đã làm cho họ trở nên thánh thiện hơn chăng?

Trên đường về, tuy mưa đã dứt nhưng đường vẫn còn trơn. Anh Năm cho xe chạy chầm chậm, thế là Cha con tha hồ trò chuyện. Ngài tâm sự về những trăn trở, những lo lắng của đời sống giáo dân, nhất là về mặt tinh thần. Họ vẫn còn nghèo, nghèo lắm! Ngài mơ ước sẽ xây cất cho họ một ngôi thánh đường khang trang, sẽ đào tạo những giáo lý viên, để dạy dỗ các em thiếu nhi. sẽ tạo điều kiện để tất cả các em được đến trường, được học hết cấp 2, cấp 3 và được tiếp tục học đại học.

Cũng từ hôm ấy, anh Năm hay được chở Ngài đi công tác mục vụ ở các Giáo họ lẻ, và nhiều nơi khác nữa. Khi thì nắng bụi mịt mù hốc hác, lúc thì mưa sình lầy lội bết bê. Nhưng anh cảm thấy vui vui, vì được đóng góp chút công sức vào công việc hữu ích của ngài và của giáo xứ.

Một thời gian sau đó! Anh Năm lại làm tài xế xe ôm đường dài, chở Ngài đi xin tiền xây nhà thờ. Đúng là có đi, mới có biết những trăn trở lo lắng của một vị linh mục trước một cánh đồng truyền giáo còn sơ khai, thiếu thốn. Gặp người quen thì không sao, vì còn được sự giúp đỡ không ít thì nhiều. Ngại nhất là những người chỉ biết mình qua lời giới thiệu, họ nhìn hai Cha con với ánh mắt đầy nghi ngại. Mà nghi ngờ cũng phải, vượt cả trăm cây số, nắng gió làm cho hai Cha con bơ phờ mệt mỏi. Họ nào biết mình là ai? Khi nhìn thấy vẻ khó chịu trên ánh mắt của họ, anh e chắc rằng: "xôi hỏng bỏng không". Thế nhưng chỉ qua năm, mười phút, cuộc trò chuyện đã trở nên vui vẻ cảm thông. Khi trở ra xe, Ngài nói với anh:

"thế là thánh Giuse đã nhậm lời rồi, tí nữa cậu ghé vào chỗ bán vật liệu hôm trước nhé...ngày mai ta lại xây tiếp."

Cứ như thế, xong nhà thờ đội 4, rồi lại xong nhà thờ đội 2, giờ lại đang xây nhà xứ, rồi tiếp đến là nhà thờ đội 1. Ngài cứ âm thầm lặng lẽ cầu xin, Mẹ Maria và thánh Giuse cứ khẽ khàng chuyển lời đến cùng Chúa.



Đã hơn hai mươi mùa mưa nắng đến…rồi đi!



Biết bao mầm non đức tin Ngài ươm trồng, cũng đã vào đời trở thành người hữu ích cho xã hội, cho Giáo hội.

Giáo xứ bây giờ nề nếp từ trên xuống dưới, các hội đoàn hăng say giúp đỡ nhau cùng phục vụ, và sống Lời Chúa.

Mấy hôm nay trời lại nắng nóng!

từng cơn gió khô gắt đem cái nóng vào tận trong nhà. Tuy nhà thờ và nhà xứ xây cao đã che chắn bớt ánh nắng cho nhà ông, nhưng ông Năm vẫn mang chiếc ghế ra ngồi ngoài hiên cho thoáng. Bé Hương, đứa cháu nội mới 3 tuổi, hai tay ôm chai nước suối trong tủ lạnh ra mời. Một tay đón cháu, một tay ông cầm chai nước bốc hơi mát lạnh…Hình như qua cái chai nước trong suốt đang bốc hơi lạnh kia, ông bỗng lại thấy hình ảnh mái tôn nhà xứ ngày nào đang hiện ra. Bỗng dưng ông chợt thèm một ly trà đá có màu vàng vàng, đăng đắng thưở xưa ấy. Ông lại nhớ đến cái buổi trưa hè, khi ông qua nhà Cha với cái giỏ đựng cục nước đá thật to.

Vâng! xứ đạo bây giờ đã thay da đổi thịt, đẹp lắm rồi! Mảnh đất hoang sơ nay đổi mới hẳn, ngôi nhà thờ, nhà xứ được xây dựng khang trang. Giáo xứ cũng thánh thiện hơn nhờ tâm hồn sống đạo của đàn chiên đoàn kết trên dưới một lòng.

Lòng ông chợt nao nao, thương về Cha xứ cũ giờ đã ở một Giáo xứ khác. Ngài cũng đang chăm chỉ miệt mài xây dựng những đền thờ tâm hồn ở nơi ấy.

Thấy đứa cháu đang mở to mắt nhìn mình, ông Năm mỉm cười nói :

- Ông đã già rồi phải không cháu?

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

ƯỚC MƠ CỦA BA CÂY TÁO


Hạng B Tác Phẩm Văn Xuôi



ƯỚC MƠ CỦA BA CÂY TÁO.
Cảnh Ken

Ngày xửa ngày xưa, ở một vùng đất hoang vắng có ba cây táo mọc lên cạnh nhau. Dưới cái nóng gay gắt của mặt trời miền thảo nguyên bao la nắng gió, thỉnh thoảng mới có được vài cơn mưa ghé thăm chốc lát. Bởi vậy ba cây táo lớn lên rất chậm, sức sống của chúng chỉ thể hiện qua những cành lá lưa thưa và hình như cũng chẳng đủ sức để đơm hoa kết trái. Có lẽ bao nhiêu chất bổ dưỡng được hút lên từ mặt đất, chắc chỉ vừa đủ nuôi cái thân cây xù xì ghi dấu bước thời gian. Khách bộ hành có đi qua, cũng rất ít người dừng chân dưới bóng ba cây táo. Dừng làm chi, bởi bóng mát đâu có bao nhiêu. Dừng làm gì, bởi họ từng nghe kể rằng : ba cây này được mọc lên từ hạt của nửa trái táo còn lại, mà khi xưa ông Adong đã vội quăng khi nghe tiếng Chúa gọi trong vườn địa đàng.

Thế rồi một ngày nọ, ba cây táo đã kể cho nhau nghe về ước mơ của mình. Cây bé nhất nói với hai cây kia rằng :

- Em chỉ mong ước được làm một cái máng cỏ đơn sơ thôi. Bởi thân em ngắn ngủn thế này thì có làm gì được. Thôi thì làm một cái máng chứa cỏ, để đêm về cũng được ấm áp đôi chút trong hơi thở của đám bò lừa.

Cây thứ hai cũng chia sẻ nỗi niềm của mình :

- Em thì lại thích được ngao du sông nước, em muốn trở thành một chiếc thuyền lênh đênh chỗ nọ, chỗ kia cho thỏa thích.

Nghe hai cây em bày tỏ, cây táo còn lại cũng hăng hái thổ lộ ước mơ của mình :

- Còn anh, anh chỉ muốn được mọc thẳng hướng lên trời, như một dấu chỉ, như một cái mốc, để mọi người có thể nhận biết từ xa. Đấy! ước mơ của anh chỉ thế thôi.


Thời gian rất dài lặng lẽ đi qua, ba cây táo vẫn cứ sống trong cằn cỗi, vẫn mong chờ mơ ước của mình được thực hiện. Một hôm có anh mục đồng ghé qua, ngắm nghía ba cây táo. Sau một hồi, anh nhìn cây táo thấp nhất và thầm nghĩ :

Chà chà, cái cây này ngăn ngắn, chắc làm cái máng ăn cho cái đám gia súc là vừa đây.

Thế là cây táo bé nhất, qua bàn tay cưa kéo, đục đẽo của anh mục đồng đã trở thành cái máng chứa cỏ. Cuộc đời nó cứ êm ái, dần trôi trong tiếng nhai nhóp nhép của bò lừa. Vào một buổi tối mùa đông nọ, cái máng cỏ bỗng giật mình khi thấy có hai người lạ đi vào trong căn lều, nơi nhốt súc vật của anh mục đồng. Người đàn ông sau khi dọn dẹp cho gọn, đã bước đến bên nó. Ông ta cẩn thận lau chùi và chọn lấy ít rơm rạ sạch sẽ lót vào. Sau đó mới thấy ông ta dìu một người phụ nữ đang mang thai bước đến gần bên nó. Nó ngạc nhiên vì chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ô hay ! bên ngoài trời sao lại bừng sáng và nghe như có tiếng hát rất du dương nhỉ ?

Xa xa có tiếng lóc cóc, lách cách của đàn chiên bò đang đi về chuồng. Rồi bỗng có tiếng khóc oe oe của một em bé vừa chào đời, lại có cả tiếng ru à ơi dịu dàng trong đêm thanh vắng. Chuyện gì thế nhỉ, cái máng cỏ đơn sơ đã trở thành cái nôi cho em bé nằm ngủ. Vẫn những hơi thở ấm áp quen thuộc của chiên bò như mọi đêm, nhưng giờ đây, sao nó cảm thấy như có một sự huyền nhiệm đang lan tỏa trong căn lều đơn sơ này. Làm sao mà nó hiểu được chuyện gì và biết được em bé nằm trong máng cỏ là ai. Nó chỉ có cảm giác rất sung sướng, rất tuyệt vời trong khung cảnh tuy đơn hèn nhưng thật kỳ diệu.

Nó cố gắng nằm im để không làm cho Bé Hài Nhi thức giấc. Ô kìa ! miệng Bé đang mỉm cười trong giấc ngủ thiên thần. Đám bò lừa vây quanh cũng nhẹ nhàng phà hơi thở ấm. Cái máng cỏ lim dim theo tiếng ru à ơi của người Mẹ. Nó cảm thấy một niềm hạnh phúc tuyệt vời vô cùng, kể từ khi nó được làm cái máng cỏ đơn hèn. Ước mơ thật nhỏ bé ngày xưa mà sao bây giờ đã trở thành một niềm hạnh phúc bất tận. Bên ngoài trời có tiếng hát rất du dương mà giờ nó đã nghe rõ :

“Vinh danh Chúa Cả trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.”


Một thời gian nữa lại trôi qua, cây táo thứ hai đã lọt vào mắt của một bác ngư phủ vào một buổi chiều hè. Bác ta cũng đo đo, ngắm ngắm một hồi lâu. Thế rồi bác ta chặt nó xuống, đem về nhà xẻ ra và đóng thành một chiếc thuyền như mơ ước của nó. Vậy là từ dạo ấy, nó tha hồ được rong ruổi trên sông nước. Một ngày kia, sau chuyến đánh cá, nó ghé vào bờ để chở một Người Đàn Ông trung niên và nó được chèo ra khỏi mé sông một chút. Chẳng hiểu Người Đàn Ông đó nói chuyện gì, nhưng có rất đông người : già, trẻ, trai gái lớn bé đều rất chăm chú lắng nghe Ông ấy nói.

Rồi một đêm kia, nó cùng thức suốt với mấy bác ngư phủ để đánh cá mà chẳng lưới được tí cá nào. Mấy bác ngư phủ chán nản chèo nó vào bờ. Nó lại gặp Người Đàn Ông lúc trước và nghe Ông ta bảo : hãy chèo ra và thả lưới bên phải thuyền. Có một bác lầm bầm :

“úi dào ơi, vất vả cả đêm mà chẳng có gì ! giờ lại bảo thả lưới bên phải với bên trái!”

Tuy vậy các bác vẫn vâng lời và lần ấy nó suýt bị chìm vì chở nhiều cá quá. Ai cũng rất ngạc nhiên về mẻ cá lạ hôm ấy, bởi họ là những ngư phủ đã dày dạn kinh nghiệm. Họ ngạc nhiên cũng phải, vì có đời thưở nào mà lũ cá lại tập trung gần bờ nhiều như thế.

Thế rồi có một lần như thế này nó mới sợ chứ. Nó nhớ rất rõ, bởi đêm ấy thật là một đêm hãi hùng trong đời nó. Trong cơn sóng gió khủng khiếp, nước biển hồ đã mấp mé tràn vào người nó, cả người nó ướt sũng, nghiêng bên này, ngả bên kia trong cơn sóng dữ. May thay, hôm đó nó cũng chở Người Đàn Ông kỳ lạ kia. Mấy bác ngư phủ tuy dạn dày trong phong ba bão tố, vậy mà giờ đây hoảng hốt phải cầu cứu, van xin trong khi Người Đàn Ông đó vẫn bình thản yên ngủ. Sau một con sóng ập qua, cả người nó đã kêu lên răng rắc như sắp vỡ tan trong luồng sóng hung bạo. Ấy thế mà khi Người Đàn Ông đó chỉ nói như ra lệnh. Thật lạ lùng thay, cơn sóng gió cuồng phong đã tan biến như chưa hề đã xảy ra. Ông ta là ai vậy nhỉ ? làm sao mà chỉ với một lời nói đã khiến cho sóng gió phải vâng nghe!

Ôi ! nó làm sao biết được Người ấy chính là Vua của cả đất trời, vậy thì có sá gì một cơn cuồng phong trên mặt biển. Nó chỉ cảm nhận được sự bình an vững tâm khi có mặt Người Đàn Ông ấy trên thuyền. Ngày xưa, với ước mơ được rong ruổi trên sông nước, nó đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Còn bây giờ, niềm hạnh phúc như được nhân lên gấp bội, khi nó được chở Ông ấy đi khắp miền sông nước bao la, có Ông ấy bên cạnh thì chẳng còn phải lo lắng sợ hãi điều gì.

Lại một quãng thời gian nữa qua đi, cây táo còn lại càng cảm thấy buồn vì nỗi cô đơn. Ôi ! sao ước mơ của mình vẫn mãi chỉ là mơ ước. Mấy hôm nay, bầu trời u ám nhưng vẫn không có một giọt mưa nào chịu rơi xuống. Mà hình như trong thị trấn đang xảy ra chuyện quan trọng lắm. Nhiều đoàn người tụm năm tụm ba bàn tán xôn xao về một biến cố gì đó. Cây táo cố chăm chú lắng nghe để quên đi nỗi buồn chán mà cũng chẳng hiểu được gì. Bởi khách lữ hành, họ chỉ đi ngang qua chứ có ai thèm nghỉ lại dưới cái bóng cô đơn của nó đâu. Lúc trước, khi còn đủ cả ba anh em mà chưa ai thèm nghỉ dưới bóng mát của chúng, huống hồ bây giờ chỉ còn mỗi mình nó.

Ấy vậy mà một chuyện kỳ lạ đã đến trong cuộc đời nó. Nó còn nhớ rõ hôm ấy là buổi trưa ngày thứ sáu, một tốp người hùng hổ tới vây quanh nó và bảo với nhau rằng :

-Ồ! cái cây này được đây, chặt nó xuống làm hai khúc, rồi đóng lại thành cây thập giá”.

Lại có tiếng một người bảo :

-Cây này còn tươi, nặng vác sao nổi?

Nghe vậy, cây táo bủn rủn thầm nghĩ : ôi thôi thế là đời mình tàn, ước mơ là một cây cao hướng lên trời, là cột mốc cho ai ai cũng phải nhìn. Thế mà bây giờ lại phải làm cây thập giá cho người tử tội treo lên. Ôi ! thật là khốn khổ cho thân tôi.

Thế nhưng mọi suy nghĩ của cây táo đã dần dần thay đổi, kể từ khi nó thấy người đàn ông tử tội đó được dẫn ra từ trong thành. Khắp người Ông ta bê bết máu, máu từ cái vòng gai trên đầu, máu từ các vết roi đòn từng vệt ngang dọc khắp cả người. Chỉ còn thấy mỗi ánh mắt hiền từ, chịu đựng. Cây thập giá bằng gỗ táo được đẽo gọt sơ sài, hai người lính khiêng đặt lên vai ông ta. Cây táo như cảm nhận được sự đau đớn của ông qua lớp da xù xì của nó. Nó thật sự hối tiếc vì chính sức nặng của nó đã ghìm chặt bước chân ông ta. Nó cảm nhận được gánh nặng của nó qua mỗi bước chân loạng choạng. Biết làm sao bây giờ đây ? Đã ba lần ông ngã, đã ba lần nó thấy sự đau đớn tột cùng trong ánh mắt nhẫn nhục của ông. Máu của ông đã thấm vào da thịt nó, nó đau xót thầm ước rằng :

-Bây giờ tôi chỉ mong ước được là một cành khô, một cành khô thật nhẹ và êm ái thôi. Để chia sẻ phần nào với nỗi đau của Người Đàn Ông kia.

Đường lên ngọn đồi còn khá xa, sợ rằng Người Đàn Ông sẽ chết vì không còn đủ sức vác thập giá. Đám quân lính đã kêu một người đi đường vác dùm. Lên tới đỉnh đồi, đám lính đã xô Người Đàn Ông nằm lên thập giá. Từng nhát búa đóng ghim những chiếc đinh sắt dài vào chân tay ông ta. Mũi đinh nhọn xuyên qua tay chân người tử tội, ngập sâu vào thớ gỗ táo. Máu và nhựa cây hòa lẫn với nhau thành những vệt đỏ bầm, đặc quẹo.

Cây táo thập giá cùng với Người Đàn Ông được dựng lên. Sức nặng của thân người làm cho các dấu đinh như xé toạc các vết thương. Cây táo chua xót thầm nghĩ : thế này là đau đớn lắm đây, không biết ông ta còn chịu được bao lâu nữa ? Giữa lúc ấy, trời đất bỗng tối sầm lại, sấm chớp nổ rền vang với những tia sét rạch ngang dọc khắp bầu trời. Người đàn ông ngước lên và nói “sao Cha nỡ bỏ con” rồi ông ta tắt thở. Đám đông và quân lính khi chứng kiến những sự việc ấy có vẻ sợ hãi. Có mấy người lính bảo với nhau rằng :

-Chúng ta đã giết oan người vô tội rồi… Người này chính là Con Thiên Chúa đấy.

Nghe vậy cây táo thập giá bàng hoàng chợt hiểu :

-Ôi! chẳng lẽ đây chính là ước mơ của tôi đây sao. Lẽ nào tôi đã được đứng giữa trời đất với Con Thiên Chúa. Từ đây nhân loại sẽ ngắm nhìn và tôn thờ Đấng mà tôi đang là giá đỡ của Người. Ôi ! thật là sung sướng và hạnh phúc cho thân phận của tôi. Ước mơ của tôi, ước mơ nhỏ bé của tôi nay đã trở thành sự thật rồi…

Lạy Chúa !

Quả táo ngọt ngào tình yêu mà Chúa tặng ban thưở khai thiên lập địa, đã trở nên nỗi nghẹn ngào khi loài người chúng con cắn chung với lòng bội phản. Hạt táo ngày xưa ấy, những tưởng rằng sẽ tan đi trong cõi hư vô. Thế nhưng với tình yêu vô biên Chúa. Hạt táo ấy với những mơ ước dường như rất đơn sơ bé nhỏ, cho dù cũng đôi khi ngã lòng trông cậy, đã dần dần lớn lên trong ân sủng, … Cái máng cỏ mọn hèn, cái thuyền gỗ mong manh, cây thập tự sù sì gai góc. Đó là tất cả những ước mơ thật tầm thường trên trần thế của ba hạt táo. Thế nhưng qua bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, những ước mơ ấy đã được thánh hóa, đã được mời gọi cộng tác trong công cuộc cứu độ trần gian của Thiên Chúa.

Lạy Chúa !

Khi con còn nhỏ, ước mơ của con cũng nhỏ bé và cũng dần thay đổi theo thời gian. Khi con lớn lên, mơ ước của con cũng cao hơn, nhiều hơn. Khi thành công, lúc thất bại, con nào biết mọi biến đổi cuộc đời con đang được bàn tay quan phòng của Chúa nâng đỡ chở che. Khi nắng bên đời dần tắt, Chúa đã chuẩn bị cho chúng con buổi bình minh rực rỡ nắng mai. Khi ước mơ của con tưởng chừng như khô héo, lụi tàn. Chúa lại ban xuống hồng ân dạt dào khôn nguôi.

Xin Chúa cho những hạt giống ước mơ của đời Kitô hữu, luôn được phát triển mạnh mẽ, nhờ vào hồng ân bao la của Người. Bởi vì không có bàn tay thương yêu của Chúa dìu dắt, đỡ nâng, chúng con sẽ mãi mãi chỉ là những tạo vật mọn hèn, yếu đuối, và những ước mơ của chúng con, cho dù có cao xa đến đâu, cũng vẫn chỉ là mơ ước mà thôi…Amen.


Sao Biển

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Chúc Mừng Sao Biển 72

Chia xẻ với SB72 một niềm vui nho nhỏ từ Long Khánh.

Cảnh ken và MBT không biết viết cái gì trong cuộc thi giải "Văn Hóa Đất Mới" mà đi lảnh thuởng oai phong lẩm liệt tại ĐCV Long Khánh. Mời anh em coi hình và đóan thử nhé

Vài tấm hình chụp ngày 11/11/2012, kỷ niệm mừng 8 năm thụ phong Giám Mục của Đức Cha Đaminh Nguyễn chu Trinh giáo phận Xuân Lộc, và phát giải Văn Hóa Đất mới.

Xin chung chia niềm vui với gia đình Cảnh Ken





Lễ mừng 8 năm thụ phong Giám Mục của Đức Cha Đaminh Nguyễn chu Trinh

Họat cảnh: Nguời đàn bà ngọai tình



Không biết viết gì, giải gì...cho coi tí đi!

Nhớ cho coi bài viết nhé!



Chúc mừng SB72



Mời Coi Album ở đây
https://plus.google.com/photos/105761240569881911389/albums/5810178438043059649

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Linh mục Bác sĩ Augustinô Nguyễn Viết Chung


Các bạn mến:
Đọc được câu chuyện này của chị Thanh-Tùng, khóa Sơ Bộ Chuyên Khoa 4 (74-80) (website http://www.y-nha74.net/) đã lâu, nay gởi lên đây để hiểu được câu chuyện của một vị  linh mục đáng kính nể

Cảm ơn chị Thanh-Tùng đả cho phép gởi bài viết của chị lên blog này.

-------------------------------------------------
Chia Chuyên Khoa

Thân tặng linh mục Nguyễn Viết Chung,
các bạn Hoài Tâm, Ngọc Nga, Thanh Thủy, Hồng Trang, và Nguyễn Đình Vân.

"Chia chuyên khoa" vào năm thứ năm đối với một số sinh viên trong lớp chúng tôi là một biến cố to lớn, hay nói đúng hơn là một khủng hoảng. Vào thưở đó, với cái vốn liếng nhỏ bé, với kiến thức hạn hẹp về basic science, người nào bị đưa đẩy vào những chuyên khoa như Sinh Vật, Ký Sinh Trùng Sốt Rét, Sinh Hóa, Đông Y, Tâm Thần…là những người đau khổ nhất. Với cái cảm giác mình bị đẩy xa lìa với lâm sàng, cái khả năng chẩn đoán, biện luận và điều trị bệnh nhân bị giới hạn, chúng tôi thấy như cả một bầu trời sụp đổ. Cái cảm giác đi lùi dần vào cô độc, suốt ngày ngồi trước ống kính hiển vi, loay hoay với những ống nghiệm làm cho biết bao nhiêu người nản chí, thất vọng về tương lai của mình.

Ngày nay, trên đất nước này, nghiên cứu về basic science, về gene là những chân trời mới lạ, sớm nhất, đi trước cả điều trị. Đọc những tìm tòi nghiên cứu mới thấy được nhiều tiến bộ và lý thú hơn là đọc sách giáo khoa, cái mà chỉ vài năm đã trở nên lỗi thời. Nếu chúng tôi biết sớm điều này từ năm 1978 thì cuộc đời chúng tôi có lẽ đã đổi khác.

Một số bạn được chia vào những chuyên khoa như Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Mắt, Tai mũi họng thì coi như cá được nước hoặc được trúng số, đường công danh thênh thang rộng mở. Còn một số người trong chúng tôi bị rớt vào những ngành Anatomy, Đông Y, Ký Sinh Trùng, Sinh Vật…. bắt đầu những chuỗi ngày thất vọng, tiếc nuối và chán chường. Tôi được biết bao nhiêu là tâm sự của những người bạn thân, mỗi tâm sự là một mảnh đời đa dạng mang những đau khổ riêng của nó.

Chung và tôi là những người bị chia vào khoa Ký Sinh Trùng Sốt Rét. Chung là một sinh viên giỏi, chăm chỉ, chịu khó, không bao giờ quản ngại những việc khó khăn. Cái đáng quý nhất trong những đức tánh của Chung là hy sinh cho gia đình, bạn bè, bệnh nhân, quên cả bản thân mình. Chung có mẹ già mà vì một căn bệnh nào đó đã làm mờ đi cả hai mắt. Chung vừa đi học, vừa đảm nhiệm hết mọi việc trong nhà nuôi dạy cả đàn em. Ngày đó Chung rất thích ngành sản khoa. Theo Chung, người đàn bà (điển hình là mẹ của Chung) là người chịu thiệt thòi, chịu đựng mọi đau khổ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Những đêm trực ở bệnh viện sản khoa, Chung tận tụy với bệnh nhân, cố gắng học những kinh nghiệm, đọc nhiều sách, với hy vọng mang kiến thức mình giúp đỡ được nhiều người sẽ làm mẹ.

Mặc dầu bị chia vào Ký Sinh Trùng Sốt Rét, mỗi tối Chung vẫn đi theo bạn đến trực ở bệnh viện Từ Dũ. Còn tôi, mỗi ngày học Ký Sinh Trùng trong phòng thí nghiệm, mỗi tối tôi đi theo Hoài Tâm vào bệnh viện Chợ Quán để học Nhiễm. Cái cuộc sống mang hai thế giới của ngày và đêm, cái tiếc nuối hụt hẩng không được học những gì mình thích đã đem đến biết bao nhiêu trở ngại và đau khổ, chỉ vì mình không chịu chấp nhận sự an bài, và không bao giờ hài lòng với cái mình hiện có. Điều này kéo dài đăng đẳng suốt cả hai năm đến khi ra trường. Chúng tôi ngày đó không có buổi lễ ra trường trang trọng và hãnh diện như các lớp đàn anh.

Ra khỏi trường, tôi xin được đổi đi thật xa thành phố. Tôi chọn thành phố Cà Mau, với mục đích ra khỏi bốn bức tường của phòng thí nghiệm để vào lâm sàng có cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân. Đồng cảnh ngộ, Chung tình nguyện đi làm ở trại cùi Bến Sắn, cũng cùng mục đích được gần gủi và chia xẻ với bệnh nhân, những người đau khổ. Hiếm người muốn ở lại trường để làm Giảng Nghiệm Viên, tiếp tục trở thành giáo sư của trường.

Tôi xuống Cà Mau vào những ngày nước lớn. Bắt đầu trình diện nhiệm sở mới, vào bệnh viện mới nhận việc. Ở thành phố này vào mùa nước lớn thì tất cả nhà cửa ngập nước ngoại trừ chiếc cầu bắt ngang thị trấn. Mỗi ngày đi làm ra vào bệnh viện, phải lội nước lấp xấp, chân tôi bị nước ăn sưng tấy, cứ vài ngày hồi phục rồi vài ngày tái phát. Được vài tháng chịu đựng với cái ẩm ướt lầy lội này, tôi đào ngủ trở về Sài Gòn, biết là mình sẽ không được cấp bằng vì bỏ nhiệm sở. Rời bỏ thành phố này tôi chỉ tiếc nuối những chân tình của bệnh nhân, quang cảnh chợ nổi trên sông và những chuyến đò đầy ắp trái cây từ trong ruộng rẫy.

Về Sài Gòn, làm việc không lãnh lương được vài năm, tôi xin được bổ nhiệm đi một nhiệm sở khác. Lần này nhờ sự giới thiệu của Ngọc Nga, tôi vào làm việc ở bệnh viện Nhi Đồng Nai. Mỗi ngày lên xe đò đi làm việc ở Tam Hiệp, mỗi tối về lại Sài Gòn. Tình cờ một ngày tôi gặp lại Chung trên chuyến xe đi làm ở Đồng Nai, Chung kể lại chuyện sau mấy năm gian khổ ở Bến Sắn. Mấy năm qua đi, lý tưởng và bầu nhiệt huyết phục vụ của Chung đã từ từ nguôi xuống. Với lý tưởng của những ngày còn trên ghế nhà trường, muốn đem hết sức lực tài năng của mình để giúp và chia xẻ với người, Chung đã trải qua nhiều gian nan khổ cực. Ở cái xã hội nhỏ nhoi như trại cùi Bến Sắn, Chung đã chạm trán nhiều với thực tế. Con người ở trong một vũ trụ nhỏ bé cũng mang đầy những tệ trạng, cũng tham lam, hối lộ, ăn chặn ăn bớt của người dân, của bệnh nhân, cũng dẫy đầy cá lớn nuốt cá bé, ma cũ hiếp ma mới, chà đạp lẫn nhau mà sống. Trở về lại bệnh viện Da Liễu, rồi xin làm việc ở Đồng Nai, Chung lúc nào cũng hụt hẩng bởi cái lý tưởng hy sinh cho con người không còn chỗ đứng trong xã hội này. Chung vẫn làm rất nhiều việc thiện nguyện không ăn lương, mặc dầu sống trong tình cảnh nghèo khổ, có lúc phải đạp xích lô để kiếm tiền sinh sống. Lý tưởng tuy là một cái gì không thực tế, nhưng vẫn là một nhu cầu phải sống của Chung, lúc nào cũng giúp người, không oán hận cuộc đời đã bất công với mình. Tôi thì không được như vậy, lúc nào tôi cũng không an phận, không bằng lòng với cái mà định mệnh đã an bài cho mình.

Trong lớp tôi, có rất nhiều người vì không bằng lòng với chuyên khoa bị áp đặt đã bỏ học, hoặc bỏ nhiệm sở sau khi ra trường, hoặc ra đi. Tôi là một trong những người đã ra đi, bắt đầu lại từ đầu, ước mơ mình còn những ngày 20 tuổi, học những gì mình thích, làm những gì mình mong mỏi, quên đi rằng thời gian không còn cho phép mình nữa. Đôi khi nhìn lại quảng đời, thấy mình còn quá may mắn là còn được ước mơ, lý tưởng chưa đến nổi chết đi sau những tháng ngày vất vả. Trong những người bạn của mình có mấy ai được cuộc đời vừa ý?. Đọc những lời thư của Thủy "bao lần năm chìm bảy nổi rồi bây giờ mới ổn định", mới thấy là định mệnh xếp đặt, thấy ngậm ngùi. Đọc những lời của Hồng Trang "tưởng mình chịu nhiều đau khổ", nào ngờ chỉ là một trong những mảnh đời không vừa ý, thấy trái ngang.

Ngày tôi về Sài Gòn, nghe tin là Chung đã vào một dòng tu kín, tu hành xác hơn mười năm rồi. Tôi nghe nói rằng Chung tu rất khổ hạnh, ép mình chịu nhiều giới luật, làm việc bất kể ngày đêm, và rất hạnh phúc vớI lý tưởng mới. Có lẽ nơi đó Chung đã tìm được con đường mà Chung tìm kiếm bao nhiêu năm. Có lẽ nơi đó chỗ đứng của sự hy sinh quên mình được vững vàng nương tựa, không còn bị những tham ô cuộc đời làm vẫn đục, và cơ hội để phục vụ con người đau khổ của Chung không bao giờ sụp đổ nữa. Chung được thụ phong linh mục cách đây vài năm tại Sài Gòn.

Hai mươi sáu năm đã trôi qua, nhìn lại mình xấp xỉ tuổi năm mươi, mình đã làm được gì sau những trôi nổi của cuộc đời, có phải mình đã sai từ lúc mới bắt đầu: "chia chuyên khoa"?

Houston tháng 3, 2004
Bùi thị Thanh-Tùng


Đây là những tấm hình chị Thanh Tùng đã gởi hồi 2010.
Email của cha: augustinchung@gmail.com

Cha Chung và người dân làng Kom Tum- 2009


Cha Chung và người đàn bà cùi - Kom Tum, 2009
Một người bệnh cha Chung đang phục vụ- 2009

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

In Memoriam: Bạn Dũng Petit


Hôm nay là ngày giổ một năm của Dũng
Xin góp một lời cầu nguyện cho linh hồn người bạn học xưa.

*