Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

CHÚ LỪA HÔ-SAN-NA

Hồng Lê



Đó là một ngày oi bức! Cái oi nồng đặc trưng trước khi chuyển sang mùa mưa của vùng Trung Cận Đông. Cây cỏ khô cằn. Khắp nơi chỉ nhìn thấy toàn đá là đá, muốn tìm một bụi cây núp bóng cũng khó!

Chú lừa non đang đứng ở một hẻm núi còn chút cỏ xanh, bần thần không muốn ăn uống gì! Kể ra, một con lừa khác ở vị trí chú bây giờ hẳn sẽ khoái chí lắm. Đây là một chỗ trũng có mạch nước ngầm nên còn cỏ. Chủ của chú đã lấy gai lấp lối vào nên mọi người không tìm được chỗ này.

Chủ của chú cưng chú lắm! Chú chưa phải cõng ai bao giờ. Chỉ mới tuần vừa rồi, khi cậu chủ buộc chú ở đầu ngõ để xong việc sẽ dẫn chú đi ăn thì có một người đến dắt chú đi. Người đó dẫn chú đến trước mặt một vị dáng dấp đĩnh đạc, uy nghi. Người ta đỡ vị kia lên lưng chú rồi đi vào thành phố. Chú ngỡ như đời chú được sang trang mới. Dân chúng túa ra chung quanh và tung hô vang dội. Ai nấy mặt mày hớn hở, tay cầm cành lá thiên tuế như đón rước một Đức minh quân. "Hôsanna! Hôsanna!" Tiếng tung hô vang dậy khắp thành. Nhìn vẻ mặt phấn khích của họ, chú tưởng chừng họ đang chuẩn bị tôn vị này lên làm Vua. Như vậy, chú sẽ trở thành chú lừa hoàng gia. Đời chú sẽ sang trang: Chú sẽ được mang yếm cổ thật đẹp, lục lạc vàng ròng… Chú sẽ được ăn yến mạch loại thượng hạng, được ngủ nệm cói và có thêm tấm chăn rơm lúc Đông về… Chú sẽ…

Mà thôi, chú cũng chẳng tưởng tượng thêm được gì! Cuộc đời có phong lưu thì cũng là đời của một chú lừa. Kể ra, chủ của chú cũng quá tốt với chú rồi! Nhưng, mỗi khi nhớ lời lão lừa già chú lại thấy lo lo…

----o0o----

Lão lừa già sống như một nhà hiền triết trên sườn núi bên kia sông Gioóc đan. Thỉnh thoảng lão xuống sông trầm mình hàng giờ, rồi lên bờ nằm tư lự ngắm dòng sông chảy xuôi, ngắm đoàn người bôn ba qua lại, ngắm lũ trẻ nghịch nước… Dòng nước tuy hiền hòa nhưng cũng lắm lúc nhấn chìm mọi thứ! Chú lân la làm quen, hóa ra lão biết rất nhiều chuyện và quen khá nhiều người. Lão khen chú tốt tướng, mập mạp. Chú khoe chủ của chú là cậu Akháp tốt bụng. Mấy đứa bạn chú phải thồ hàng thuê từ sáng sớm đến tối mịt, trong khi chú chỉ nhởn nhơ chơi đùa, lại được ăn cỏ tươi, uống nước giếng Giacóp. Lão chỉ cười! Mà nụ cười của lão trông xấu tệ, hàm dưới méo xệch qua một bên phô bộ nướu xám xì không còn cái răng; trông giống mếu hơn giống cười. Chú gặng hỏi mãi sao lão lại cười, lão mới lửng lơ: “Nhọc nhằn chưa chắc đã xấu, nhàn hạ chưa chắc đã tốt!” Lão hỏi chú tên gì, chú nói chú chưa nghe nói loài lừa có tên. Người ta chỉ cần ra lệnh cho lừa ‘đứng, quỳ, nhanh, chậm, rẽ phải, rẽ trái…’ chứ đâu có cần nói chuyện với chúng. Lão lại hỏi: “Con nói chủ của con tốt, không bắt con làm việc gì. Vậy hắn có nói chuyện với con không?” Chú tắc tị. Trầm ngâm hàng giờ, lão lại buông một câu: “Ta biết có những người chuyên vỗ béo lừa để bán qua Ai cập. Những con lừa này không được làm việc nặng, thường xuyên ăn cỏ tươi thì thịt mới mềm và thơm… Những con lừa này lại càng không cần có tên!” Chú hơi hoang mang, nhưng cũng giả tảng hỏi lão: “Thế ông có tên không? Sao ông lại sống cô độc như loài thú hoang vậy? Ông có biết Ai cập ở đâu không?” Lão lừa già cười khẩy rồi quay lên núi…

Tuy nhiên, một ngày đẹp trời nọ, chú cũng được nghe chuyện đời của lão lừa già:

Lão đã có hơn ba mươi năm tuổi, cái tuổi rất hiếm hoi của loài lừa. Lão đã từng có một cái tên. Nhà chủ lão rất nghèo nhưng tốt bụng, họ thường nói chuyện với lão và cư xử với lão như một người bạn. Cũng phải thôi! Bởi lão đã từng cõng bà chủ lúc thai nghén đi xa hàng trăm dặm về quê ông chủ để khai sổ bộ. Họ không có chỗ trú thân nên phải ra hang đá giữa đồng trú tạm, và chính lão đã thở những hơi đầu tiên để sưởi ấm cậu chủ mới lọt lòng. Rồi sau đó, họ phải qua lánh nạn bên Ai cập, cũng chính lão gồng gánh đường xa. Bà chủ ái ngại nhìn mớ đồ chất chồng trên lưng lão, không dám trèo lên. Lão hiểu ý nên cứ nằm mẹp chờ bà chủ leo lên mới chịu cất bước. Nghĩ tới câu ‘thân lừa ưa nặng’ lão bỗng bật cười: Miệng đời cứ độc địa vậy thôi chứ có con lừa nào ưa nặng bao giờ! Ông chủ thật tội nghiệp, ông ít nói nhưng quan tâm từng cử chỉ, thái độ của mọi thành viên trong gia đình – trong đó tất nhiên có cả lão. Có bữa, lão bị trượt chân khi băng qua sườn núi. Đến chỗ nghỉ, ông vội vàng nhóm lửa hơ chân cho lão, xoa dầu ô liu và dùng lá trắc bá diệp bó chân cho lão. Lão vẫn còn nghe đau nhưng không dám rên, sợ ông chủ lo lắng. Bỗng đâu, cậu chủ bị ọc sữa, ông chủ vội vàng chạy lại hứng lấy và đem đến xoa chân cho lão. Thật y như phép tiên! Bàn chân lão nhẹ hẳn ra và nghe khỏe như chưa từng bị trặc vậy. Sau này, lão có bày bài thuốc này cho vài người bạn. Khi họ bị trặc chân, họ cũng rình những đứa bé bị ọc sữa để đến xoa chân vào chỗ sữa đó, nhưng vô hiệu! Họ cho là lão bị ‘hâm’…

Bà chủ thật nhu mì và dịu dàng! Bà luôn để ý khẩu phần ăn của lão, hôm nào lão biếng ăn là bà biết ngay. Một miếng đường, chiếc bánh lúa mạch, mấy trái vả… Cứ thế, bà chủ chăm sóc lão như một đứa con. Có hôm lão sốt nặng nằm mê man, lão mơ hồ thấy bà chủ bồng cậu chủ đến ngồi bên lão, lão cảm nhận được từng giọt nước mắt ấm nóng của bà chủ rơi trên mặt lão, bàn tay mềm mại của cậu chủ xoa trên đầu lão. Sáng hôm sau, lão tỉnh dậy trong một cảm giác rất thư thái, nhẹ nhàng… Lão vươn chân trước ra gõ lộp cộp trên thanh gióng chuồng để ra hiệu cho ông chủ, lão muốn được đi thồ gỗ ngay! Bà chủ đến bên chuồng xoa đầu lão, bà biết lão đã khỏi bệnh nhưng vẫn dỗ dành: “Thôi, con nghỉ thêm một bữa nữa đã, vội vàng chi. Làm cả đời chứ có phải ngày một ngày hai đâu!” Ông bà chủ của lão quả là tuyệt vời! Nhiều sóng gió vậy đó, khó khăn vậy đó, khổ cực vậy đó; mà chưa bao giờ có tiếng nặng nhẹ với nhau. Dường như ông bà nhìn nhau là đã hiểu ý nhau vậy!

Lão luôn cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được sống trong gia đình này. Lão còn tự cho rằng mình sung sướng hơn lừa của các bậc đế vương nữa kia… Còn cậu chủ thì ‘trên cả tuyệt vời’! Cậu rất thích nô đùa cùng lão trên ngọn đồi trước nhà, nhưng cậu không bao giờ nghịch ác như những đứa trẻ khác. Không bẹo tai, không giật đuôi, thậm chí không bao giờ đếm răng của lão – điều mà hầu hết các đứa trẻ khác đều làm vì tò mò. Cậu có tài leo lên lưng lão lúc nào lão chẳng biết, thậm chí lão chẳng có cảm giác có một sức nặng nào đó đè trên lưng. Nhưng khi lão nằm xuống cho cậu leo lên, lão cố sức cách mấy cũng không đứng lên được, y như cõng một quả núi trên lưng vậy! Biết cậu chủ trêu, lão nằm im giả bộ thiu thiu ngủ… Cậu chủ liền vuốt ve lão: “Thôi, đừng giận mà! Để ta kể cho anh nghe chuyện này hay lắm! Anh biết không? Tổ tiên nhà anh đã chết rồi mà còn đánh bại được một đội quân hùng mạnh đó.” Lão nghếch mũi lên ngay: “Cậu chủ phỉnh tôi hả?” Cậu chủ cười cười, rồi cậu kể cho lão nghe chuyện Samson đánh tan quân Phi-li-tinh chỉ bằng một chiếc xương hàm lừa. Lão phản biện ngay: “Đó là nhờ ông Samson chứ có phải nhờ cái xương hàm lừa đâu!” Cậu chủ vặn lại: “Ông Samson cũng chỉ là con người, làm sao đánh lại nguyên một đội quân hùng mạnh? Ông Samson chỉ là công cụ của Chúa, và cái xương hàm lừa cũng là công cụ của Chúa.” Cậu chủ có lối nói thật khác người và nặng sức thuyết phục. Lão cũng cảm thấy lâng lâng hãnh diện khi cậu chủ kể câu chuyện đó cho lão nghe…

Những ngày tháng tươi đẹp rồi cũng qua mau… Ông chủ mất đi lúc lão cũng đã xuống sức, bà chủ và cậu chủ vẫn nuôi lão mà không cần lão phải làm gì! Rồi cậu chủ quyết định rời nhà đi diễn thuyết. Trước khi đi, cậu dẫn lão qua bên kia sông Gioóc đan và dặn dò: “Anh cứ lên sườn núi phía trước, có một cái hang ở đó, cỏ sẽ đủ cho anh ăn suốt bốn mùa. Giờ anh đã già, không ai muốn bắt anh để giết thịt đâu! Ba năm sau, nếu còn sống, anh sẽ có cơ hội nhìn tôi lần cuối khi họ đem xác tôi đến táng ở đó.” Không hiểu sao, lão cảm thấy cậu chủ lúc này như một Đấng có uy quyền, lão cứ răm rắp làm theo mà không hề phản kháng nửa lời, dù trong thâm tâm rất lấy làm kỳ lạ!


----o0o----

Nghe chuyện của lão lừa già xong, chú lừa non thấy mình như trưởng thành hẳn ra, hiểu đời hơn lên. Chú không còn ngưỡng vọng chủ của chú như trước. Chú nhận ra có một khoảng cách mơ hồ nào đó! Chủ của chú mặc dù có tốt với chú, nhưng không có những cử chỉ ưu ái và gần gũi như chủ của lão lừa già đối với lão. Chuyện xảy ra dồn dập trong một tuần qua cũng khiến chú suy nghĩ nhiều và trầm tư hẳn đi! Con Người từng cưỡi lên lưng chú và được tung hô, giờ đang bị điệu đi dưới kia. Mới lúc sáng, chú thấy Người lê thê lếch thếch đi giữa hai hàng lính từ Đền thờ sang dinh Tổng Trấn, mình đầy máu me, tay buộc lòi tói, trên đầu còn quấn một vành gai… Chú chưa hề thấy cảnh này bao giờ! Và chú cũng không thể tưởng tượng nổi là con người lại có thể đối xử với nhau như thế; huống hồ đây là Người mà họ mới tôn vinh chỉ cách đây có mấy ngày…

Đó chính là nguyên nhân chú lơ là đám cỏ xanh dưới chân. Không khí ngày hôm nay thật ngột ngạt! Chú có cảm giác nghèn nghẹn trong lồng ngực: “Không biết lão lừa già có thấy cảnh này không?” Dù sao thì chú cũng thấy cuộc đời của lão lừa đẹp quá! Cuộc đời chú chỉ bình yên chứ không có những phút giây hạnh phúc thăng hoa như lão. À, có chứ! Nhưng chỉ ngắn ngủi thôi. Cái lúc Con Người ấy cưỡi chú vào thành, bên cạnh niềm hãnh diện được đi giữa rừng người trong tiếng hoan hô vang dậy, chú còn cảm thấy một niềm hạnh phúc dâng trào như một nhân vật được chọn để làm nên lịch sử. Khi được chạm vào Con Người ấy, chú thấy như có một luồng điện chạy xuyên suốt khắp châu thân khiến chú cảm thấy mạnh mẽ hơn lên, dũng cảm hơn lên! Và khi được trả về cho chủ, chú thấy như thiếu thốn thứ gì đó vô cùng cần thiết cho chú. Hồi sáng, khi nhìn thấy cảnh Con Người ấy bị điệu đi như vậy, chú đã tức giận lao thẳng vào đám lính đá túi bụi. Mọi người la lên: “Con lừa điên! Con lừa điên!” Chủ của chú đã phải ra năn nỉ họ và dắt chú về. Có lẽ họ bận chú mục vào Con Người ấy nên cũng không mấy quan tâm đến chú và không khó dễ gì với chủ của chú… Chú muốn hét to lên: “Tôi không điên! Các người mới là đồ điên!” Nhưng âm thanh phát ra chỉ là tiếng ‘be, be’ não nuột. Chú thoáng thấy Con Người ấy nhìn chú, cái nhìn thật trìu mến thiết tha! Qua cái nhìn ấy, chú tin chắc Con Người này chính là cậu chủ của lão lừa già. Không thể có đến hai Con Người tuyệt vời như vậy được, chỉ có một mà thôi!

Chú tìm một gò đất cao để nhìn xuống xem sự thể bên dưới thành thế nào. Hình như họ lại điệu Con Người ra khỏi dinh Tổng trấn từ nãy giờ rồi. Lần này họ đi đến ngọn đồi Sọ phía bắc thành. Đây là nơi người ta xử tử tội nhân. Thế là Người phải chết ư? Chết như một tội nhân ư? Chú thật không hiểu loài người như thế nào nữa! Nhưng, sao chẳng thấy Con Người ấy đâu cả? À, Người kia rồi! Mà sao Người đi như bò thế kia? Ơ, hình như Người còn phải vác một cây Thập giá bằng gỗ to lắm. ‘Thân lừa ưa nặng’ như chú mà cũng không nghĩ rằng mình thồ nổi một cây gỗ to như thế! Chú chợt thấy cay cay nơi khóe mắt… Chú chợt muốn qua bên kia núi để thăm lão lừa già, kể lão nghe mọi chuyện để vơi bớt nỗi niềm nặng chình chịch trong tim chú hồi sáng giờ.

Bỗng, có tiếng gọi mơ hồ như từ xa xăm vọng lại: “Hô-san-na! Hô-san-na!” Chú lắc lắc đầu, không tin ở tai mình. Chẳng lẽ những người dưới kia vừa đi xử tội nhân vừa tung hô vạn tuế? Mà âm thanh từ dưới xa tít đó không thể nào vọng lên tới đây được! Một cảm giác nhột nhột dưới chân trước khiến chú cúi nhìn xuống: Một chú kiến càng đen trùi trũi đang bò lên chân chú, cái đầu lắc lư, bộ râu ngoắc ngoắc đầy thiện cảm: “Hô-san-na! Anh là Hô-san-na đó phải không?” Hô-san-na? Tên chú đó ư? Chắc có sự hiểu lầm gì đây? Nhưng chú chỉ ngoắc ngoắc tai chứ không trả lời. Gã kiến này thuộc loại lém lỉnh và mau miệng: “Mấy hôm trước, họ hàng tôi đang kiếm ăn giữa thành thì dân thành bỗng dưng túa ra ào ạt; may là tôi kịp xen dưới chân anh mới không bị dẫm lên. Đi dưới bóng chân anh, tôi thấy người người đứng hai bên đường đón anh đi qua, miệng hô vang: Hô-san-na, Hô-san-na. Tôi đoán chừng là họ kêu tên anh.” Chú biết ngay là gã kiến kia lầm to, nhưng bây giờ mà giải thích cho gã hiểu thật không dễ dàng gì! Hơn nữa, chú đang buồn bực và tâm trạng không được thoái mái lắm. Giá như lúc khác, có lẽ chú đã “tám” với gã cả ngày. Chú buông thõng: “Anh lầm tôi với ai rồi!” Gã kiến vẫn tiếp tục bi bô: “Sao mà lầm được, tôi nghe mùi chứ có phải nhìn bằng mắt thôi đâu! À, mà tên anh hay thật đấy! Tôi chưa từng nghe có con lừa hay con kiến nào có tên. Mà đây lại là một cái tên nghe thật sang trọng!” Chú lừa trả lời giật cục: “Phải, vì lúc đó ngự trên lưng tôi là một Đấng vô cùng sang trọng!” “Ngự trên lưng anh ư? – Gã kiến chưng hửng – Cũng phải thôi, cái bóng của anh tôi còn chưa thấy hết thì làm sao thấy được Đấng ngự trên lưng anh. Dù sao thì được làm quen với anh cũng là vinh dự lớn nhất đời tôi rồi!” Chú lừa nheo nheo mắt… Thế đấy, ‘được làm quen với anh là vinh dự lớn nhất đời tôi rồi’! Vậy, cái vinh dự của chú còn to ngần nào khi chính Đấng ấy ngự trên lưng chú. Chú tỏ giọng thiện cảm với gã kiến: “Tôi đang định đi thăm một người bạn già. Anh có muốn đi cùng tôi không?” Gã kiến nhanh nhảu: “Sẵn sàng! Ờ mà tôi đang đu trên chân anh đây mà, anh đến đâu thì khắc tôi đến đấy thôi.”

Chú lừa thẫn thờ đếm từng bước nặng nhọc về phía sườn núi nơi lão lừa già cư ngụ. Ở chỗ này, chú có thể nghe rõ tiếng la hét phẫn nộ từ phia đám đông, chú còn nghe như có tiếng búa đóng vào đinh chát chúa. Ngực chú quặn thắt! Bước chân như càng nặng hơn...

Trời bỗng kéo mây vần vũ, sấm chớp nổi lên liên tục như muốn xé nát bầu trời ra làm nhiều mảnh, chung quanh tối đen như mực, cách nửa bước chân đã không thấy gì! Chú nhắm hướng hang lão lừa già mà rảo bước theo quán tính vì e trời sắp đổ mưa to. Trời hơi hửng sáng trở lại khi chú vừa đến trước cửa hang, không gian lặng như tờ đến nỗi chú nghe rõ cả tiếng thở phập phồng của gã kiến càng. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ có mặt lão lừa già ở đây! Chú tiến sâu vào bên trong… Một hình dáng gầy còm nằm trong một góc khuất. Chú lại gần quan sát: Lão lừa già đã quy tiên, trên khuôn mặt còn đầm đìa nước mắt…

Lão đã sống một cuộc đời hạnh phúc và đầy ý nghĩa, nhưng khi chết lại bi thương đến thế ư? Chú đứng lặng người không biết bao lâu! Tiếng gã kiến thì thào lôi chú về thực tại: “Bạn anh chết rồi! Ông ấy là ai vậy?” Chú nghiêm giọng: “Ông ấy là một vĩ nhân! – Nghẹn ngào một lát rồi chú tiếp – Ông ấy vĩ đại vì đã được phục vụ những con người vĩ đại!”

Thế là, không có ai để chia sẻ nỗi buồn với chú nữa rồi!...

À không, còn chứ! Còn gã kiến càng bên cạnh đây. Chú thầm thì kể cho gã những chuyện của lão lừa già, rồi những chuyện chú vừa trải qua, và giải thích từ Hô-san-na là do người ta tung hô Đấng ngự trên lưng chú chứ không phải tên chú, Đấng ấy giờ đã bị xử tử dưới kia… Gã kiến vẫn cứ bướng bỉnh: “Nhưng tôi gọi anh bằng cái tên Hô-san-na vẫn được chứ có hề gì đâu. Tôi thích thế!” Chú không thèm cãi, chầm chậm bước ra cửa hang. Trời đã sáng hẳn trở lại. Không hề có cơn mưa nào! Đoàn lính xử phạm nhân đang lục lục kéo về thành, ai nấy cúi đầu lặng lẽ. Trông dáng đi thất thểu của họ giống một đoàn binh bại trận trở về!

Phía đồi Sọ, có ba cây Thập Giá mới nổi lên in đậm trên nền trời chiều đỏ quạch…

Không hiểu sao, gã kiến càng bỗng hét toáng lên: “Hô-san-na! Hô-san-na!”

Không có nhận xét nào: