Trẻ Tui 72
Trong lớp Sao Biển 72, có lẽ Trẻ Tui là thằng được nắm trong tay quyển Tâm Tư Sao Biển sớm nhất từ hồi Me xừ Hoàng Nháy (Phước Thiện) cầm quyển 1999 bìa màu vàng photocopy. Ấy thế mà trải qua 6 năm chưa viết được gì để góp mặt. Cũng còn an ủi một điều là có Trần Thế Huy đại diện cho lớp 72. Ờ, mà "ông ngoại" Huy tẩm ngẩm tầm ngầm chuyên nghề "móc… dái" thiên hạ lại viết hay ra phết! Từ đó, Trẻ Tui "ngộ" ra một điều:
1. Dân ÉT BÊ đều có chất "nghệ":
Không kể một vài tay professional như Đỗ nhạc sỹ hay Trần ký giả…, hầu hết dân saobienians sau khi từ giã cơm Chúa chuyển sang ăn cơm… độn đều ít nhiều dính dáng đến arts như: vẽ vời, đàn địch, văn chương…
Có lẽ do khuynh hướng đào tạo chăng? Ngày xưa, giáo dục ở Chủng viện thiên về các môn khoa học xã hội như: Văn, Ngoại ngữ… Ngoại ngữ thì học đến 3 món, mà lại thiên về Văn học sử nữa chứ. Những môn Tự nhiên như Toán, Lý, Hoá… đám Trẻ Tui không giỏi lắm. Còn Sinh vật thì hầu như bỏ qua, đầu năm cũng lãnh một quyển Science Naturelle nhưng chỉ để xem hình vì không có Giáo sư dạy.
Điều đáng nói ở đây là ngay cả những chú có vẻ vai u thịt bắp, chơi thể thao "năm bờ oăn" khi tản mác về các giáo xứ đều giữ các functions quan trọng trong lĩnh vực Ca đoàn (tập hát), Khánh tiết (trang trí nhà thờ), hay Phụng vụ (soạn Hoạt cảnh, Diễn nguyện…). Ngay như Đức vít vồ xứ Thanh hiện nay, sau khi ngậm ngùi chia tay Học viện Pio X về Giáo xứ Song Mỹ, Ngài lãnh rất nhiều trách vụ trong đó có công việc tập hát Ca đoàn Thanh niên của Trẻ Tui, cũng… thành công vang dội! Hồi đó, Trẻ Tui đem chuyện này khoe các bậc trưởng thượng (tất nhiên là saobienians), thậm chí có vị còn tròn mắt ngạc nhiên: "Thằng… mà cũng biết tập hát hử?" Sau này, trên đường thiên lý, Trẻ Tui còn biết nhiều chuyện còn "động trời" hơn, như Bác Tôn Bếp 64 đã từng chế tạo ra cây đờn xylophone bằng các miếng nhôm cắt ra từ tấm "ri" sân bay của Mỹ, chơi bằng 2 cái muỗng cà phê. Hay như bác Trọng Vinh 71 có nhạc đăng trên TTSB Hè 2005 "cạnh tranh" cùng Đỗ nhạc sỹ, ngày xưa là cầu thủ có hạng ở Sao Biển. Bác là một trong số rất ít chú nhỏ được "đá" cùng các chú lớn những dịp thi đấu với các đội bên ngoài (bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá có đủ). Bác còn phụ trách TDTT khối chú nhỏ, chính vì thế trong mắt Trẻ Tui bác là một "siêu sao" về thể loại cơ bắp, và chỉ thế mà thôi! Ấy thế mà, đùng một cái… ngạc nhiên chưa? Viết đến đây, chạnh nhớ chuyện cũ: Khoảng tháng 8/2003, nhân kỷ niệm 30 năm giáo xứ Song Mỹ, Trẻ Tui có viết một bài đăng trên báo Công Giáo & Dân Tộc. Bác Ngọc Tâm 70 tình cờ đọc được liền "phôn" ngay cho Trẻ Tui lại còn "chua" thêm một câu: "Mới đọc qua đã nghe sặc mùi Sao Biển nên nhận ra ngay!" Tự hào quá, mình vẫn còn… Ét Bê Sờ Tai.
2. Dân ÉT BÊ rất tôn trọng truyền thống:
Cái này thì thú thật Trẻ Tui không hiểu do nền giáo dục mang tính bảo thủ hay do định hướng Tông truyền trong cái định chế gọi là "Triều" này (xin các bậc cao niên chỉ giáo thêm) . Chỉ biết rằng, khi đọc các bài của bác Khang Ba Làng, Trẻ Tui cứ ngỡ như các bác cũng cùng lớp với chúng tôi. Cũng lén hút thuốc, cũng nuôi quy, cũng rảy nhiệt kế để được vào anhphiếcmơri nghỉ học, cũng chiều chiều tắm biển tranh thủ bắt ốc bỏ vô lon sữa bò nấu lên cải thiện, cũng bơi qua Hòn Chồng (à, các bác có nhớ chiếc thuyền xanh làm cột mốc không nhỉ?). Ấy thế mà, Trẻ Tui hồi ấy cứ nghĩ rằng mình đang làm một điều gì bí mật và trí tuệ lắm! Niên khoá 73-74, bác Tôn Bếp về làm surveillant mới tiết lộ cho chúng tôi: "Tụi mày giống tụi tao ngày xưa… quá đỗi!" Và chính vì bác thương "ngày xưa" của bác mà đám Trẻ Tui có cơ hội tiếp tục sự nghiệp "tông truyền"… của bác Khang. Còn thầy Cần thì có lẽ không ưa "ngày xưa" nên đám Trẻ Tui thường xuyên lãnh đủ những sống thước bảng lên mu bàn tay. Cu Thăng (Hoà Nghĩa) trong một lần không nhịn được đòn đã trót… phọt "nguyên con" ra cửa miệng, đành… xách va ly lên phòng Bề Trên: cắt đứt sự nghiệp "tông truyền"! Có điều Trẻ Tui không hiểu là một truyền thống lâu đời như vụ "rảy nhiệt kế" mà sao cố Đề vẫn không phát hiện ra. Hay cố cũng "tông truyền" luôn (?)
3. Dân ÉT BÊ rất "quy tê tê" (Quân tử Tàu):
Trẻ Tui xin mạn phép được mở ngoặc một chút: Khái niệm Quân tử Tàu ở đây Trẻ Tui không dám so sánh với những nhân vật lịch sử như: Quan Công, Lưu Bị hay Nhạc Phi, Tống Giang.v.v… Các vị trên đều có thật và có dính dáng chút đỉnh đến chính trị, phân tích cái chất "quy tê tê" của các cụ không khéo gây nhiều tranh cãi, tốn thêm forum trên TTSB. Những "quy tê tê" mà Trẻ Tui muốn đem ra đối chiếu chỉ là những nhân vật huyền sử trong kiếm hiệp Kim Dung, mà ngày xưa ít ra hơn một nửa dân SB đều đã từng "quen biết" trong thời gian lén lút "luyện chưởng". Đây chỉ là những gã "quy tê tê" chuyên bôn tẩu giang hồ để hành hiệp, cố tránh các chuyện "thị phi".
Cái này thì Trẻ Tui không dám cả quyết rằng tất cả, nhưng phần đông anh em Ex mà Trẻ Tui gặp lại đều phảng phất một chút Quách Tỉnh, một chút Hồng Thất Công, một chút Vương Trùng Dương, thậm chí một chút… Độc Cô Cầu Bại! Có phải không, anh em saobienians? Về lĩnh vực này thì Trẻ Tui không dám chứng minh, chỉ xin các bác tự nghiệm thôi. Chỉ biết rằng, thỉnh thoảng Trẻ Tui gặp một vài anh em saobienians, nghe qua một vài tâm sự thì đều được biết cái tâm trạng hoặc hoàn cảnh mà các bác gặp phải đều phát sinh từ cái chất "quy tê tê" này mà ra. "Chấp nhận chịu thua thiệt hoặc an phận, tránh đua chen, ngại va chạm…" Và cũng nhờ cái chất "quy tê tê" mà anh em dễ thông cảm lẫn nhau. Từ thằng business bên trời Tây cho đến lão nông tri điền chưa ra khỏi thời kỳ củ khoai củ sắn, từ vị abbey đạo mạo đến chàng lãng tử như Hư Trúc "xếnh xáng". Vì bị ám thị bởi chất nghiệm sinh này, mà Trẻ Tui có thói quen khi gặp anh em Ét Bê nào thì đều liên tưởng đến một nhân vật Kim Dung (cái này cũng chẳng thể giải thích được, xin các bác xá lỗi trước). Ví dụ, gặp bác Khanh 67, Trẻ Tui không nghĩ đến Hư Trúc đại sư như bác tự nhận mà chỉ liên tưởng đến chàng công tử đất Cô Tô: Mộ Dung Phục. Gặp bác Thiện 70, Trẻ Tui lại liên tưởng đến gã Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký.v.v…
Vậy ai có nhu cầu lấy biệt hiệu từ những nhân vật Kim Dung, xin vui lòng liên hệ email address: luyện chưởng a móc giả nai chấm cơm. Với điều kiện account của các bác không có tiếng Đức, Đan Mạch hoặc tiếng… Lào! Hè.. hè… (Địa cười chè)
4. Dân ÉT BÊ đều có máu "uy mua":
Ai hổng tin điều này thì cứ việc theo dõi TTSB từ đầu đến cuối. Những danh xưng như meo đàn "chổi cùn" của lớp 65 đủ nói lên điều đó. Các bác tranh luận các vấn đề khá là nghiêm túc và mang tính "tàn cầu" mà cũng cứ "uy mua" (nhân đây, Trẻ Tui đề nghị thành lập thêm pho rum "cối xay" để các lớp khác tham dự cho vui). Mà cũng phải, trong điều kiện giáo dục ở petit séminaire ngày xưa, không "uy mua" làm sao tồn tại nổi? Thế là, "uy mua" or not to be! Lãnh một bạt tai của cha Giám Luật ư? "Tao vừa chơi pingpong với ông kẹ, bị cú revers! Hề… hề…" Bị cha Láng vừa dò bài vừa nhéo bụng ư? "Tao vừa siết bù loong trên phòng Bù Loóng!" (có bác nào còn nhớ biệt danh này của cha Láng không?) Bị một "thằng đàn anh" ủi cái đầu như chó gặm ư? Cứ vui vẻ bước vào phòng étude với một biệt danh mới như "chim chóc mào" hay "sư cọ" chẳng hạn! Dần dần, cái chất "uy mua" đi vào cuộc sống như một dấu hiệu để nhận ra nhau.
Có lần Trẻ Tui đang nghe một trưởng lão nói chuyện phiếm: "Tớ nghe bọn Tây chủ trương ngủ "nuy" mới tốt, máu lưu thông dễ dàng, nghe cũng khoa học. Nó còn khuyên, ai bị chứng mất ngủ cứ thử cách này xem, bảo đảm hữu hiệu. Tớ thử ngay, hoá ra nó nói dóc!" "Sao vậy?", Trẻ Tui hỏi ngay. "Tớ thuộc loại dễ ngủ đây. Mà "nuy" thử một bữa đành mất ngủ cả đêm. Nghiêng bên trái "nó" vật sang trái cái "bạch". Trở mình sang phải "nó" vật sang phải cái "bịch". Đang ngủ say còn tỉnh dậy vì… đau nữa là!" "Hề… hề…-Trẻ Tui chặn ngang- Bác đích thị là saobienians rồi!"
Hồi đức cố Nho được tấn phong Giám Mục, gặp bác Hoá 67, một trong những thần tượng của Trẻ Tui ngày xưa, bèn hỏi thăm: "Bữa nay ở đâu, anh Hoá?" Bác tỉnh bơ vuốt mái tóc bạc chải ngược ra sau: "À, đang coi xứ ở Võ Đắc!"
Rev. Ngô Mạnh Điệp cũng thuộc hàng "uy mua trưởng" khi về làm quản xứ Song Mỹ của Trẻ Tui, rất quan tâm đến các gia đình trẻ. Một lần, bác sinh hoạt gia trưởng bèn đặt cho Trẻ Tui một câu hỏi: "Từ khi cưới nhau đến nay, bạn đã xích mích với vợ mấy lần?" Trẻ Tui đáp ngay: "Thưa Cha, đúng 3 lần không hơn!" "Sao bạn nhớ rõ vậy?" " Thưa Cha, vì do 3 lần giải hoà mà con có được 3 nhóc. Vì thế, con xin phép mạo muội khuyên anh em đừng nên xích mích. Một sự nhịn là chín sự kế hoạch! Hễ có xích mích thì phải có giải hoà. Mà hễ có giải hoà là có sự… (đổ) vỡ." Bác Điệp không nhịn được cười và nhận ra tôi là "anh em" ngay sau đó, lúc đã vô trong nhà xứ: "Ê, cậu cũng Sao Biển phải không?"
Cải biên: "Người ta cứ dấu nầy mà nhận ra anh em là Sao Biển nầy, là anh em "uy mua" đi!"
Để Kết: Trẻ Tui còn nhận thấy ÉT BÊ còn nhiều SỜ TAI nữa như "trưởng ấu hữu tự". Cách nhau một lớp đã khôn ngoan hơn rất nhiều, cách nhau hai lớp nhất định phải là "anh em". Ra các trường ngoài, Trẻ Tui thấy không được vậy! Vì vậy, anh em cố gắng "tông truyền" để vài trăm năm sau vẫn còn nhận ra nhau kẻo cụ Tiên Điền nhổm dậy mà rằng:
"Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân tiếu Ét Bê"
Trẻ Tui 72
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét