Trần Thế Huy 72
Ve ơi ca chi bài vĩnh biệt
Để ngàn đời ta hận tiếng ve ngân
Cuộc chơi nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Và nó đã kết thúc thật phũ phàng khi chúng tôi phải miễn cưỡng rời nhà mẹ, vĩnh viễn xa lìa những ước mơ, những lý tưởng cao đẹp… Để đến hôm nay, mai sau, nỗi buồn nhớ nhung tiếc nuối những kỷ niệm của đời chủng sinh mãi ray rứt trong tôi.
Sóng biển xưa bịn rịn bước chân người
Người đi rồi sóng giỡn với ai đây
Thôi nhé sóng đừng buồn đừng khóc nữa
Vỗ càng nhiều càng vỡ nát lòng ta!
Trong tôi vẫn còn ấn tượng mạnh về cuộc thi môn giáo lý ngộ nghĩnh với câu hỏi: "Thiên thần là đàn ông hay đàn bà?" và bài trắc nghiệm trí nhớ gay go về tiểu sử cuộc đời của Đức giám mục F. X. Nguyễn Văn Thuận. Để trở thành chú tiểu, tất cả chúng tôi phải cố gắng làm bài và phải vượt qua vài trăm thí sinh. Cám ơn Chúa, Mẹ, tôi đã được toại nguyện sau khi hoàn thành tốt bài trắc nghiệm trên. Gaudium et Spes. Thế là tôi đi tu.
Bỡ ngỡ ngơ ngác trước cổng trường như bao người khác, bịn rịn chia tay những trò nghịch ngợm của tuổi thơ, biết nói gì đây, vui buồn lẫn lộn. Những ngày đầu sợ các cụ thì ít, nhưng buồn vì xa nhà thì nhiều. Bạn bè tôi không ít đứa đêm nào cũng thút thít, riêng tôi thì không dám nói mình can đảm anh hùng, nhưng có lẽ nước mắt tôi đã khô đi, vì trước khi vào trường tôi đã khóc thương và ngàn đời vĩnh biệt người mẹ hiền yêu quý. Cuộc sống ở Sao Biển tôi không nhắc lại làm chi nữa, vì những ai đã một lần đi qua, đều có những kỷ niệm gần như nhau.
Tháng 5 rợp trời hoa phượng đỏ, chúng tôi thường bảo nhau đây là tết của học trò, cái cảm giác sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết… đời học sinh ai mà không thích thế. Ai không thích dỏng tai nghe ve sầu ngân nga, nhấm trên môi cánh phượng đỏ chua chua.
Nhưng năm nay trường tôi phải đón hè sớm. Khi ve sầu chưa kịp lên tiếng hát, cánh phượng trên cây còn ẩn mình trong áo nụ, kể cả bài thi cuối lớp vẫn chưa xong.
Lần này cũng như bao lần đã qua, nhưng vội vã hơn những lần trước. Tất cả chúng tôi thu xếp bút nghiên hành trang, không ai bảo ai, gương mặt người nào cũng buồn xo. Có lẽ ai nấy đều cảm nhận đây là lần cuối cùng bên nhau dưới mái trường yêu dấu.
Lịch sử sang trang thật rồi, mở mắt ra đã thấy cuộc đời mình đổi khác. Thất vọng, chán nản, buông xuôi.
Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước
Dòng đời còn đó dòng tu đâu còn?
Hụt hẫng chơi vơi giữa dòng đời oan trái, nơi mà mãi đến hôm nay, nó vẫn ngày ngày nhấn chìm tôi thật nghiệt ngã. Ôi ngả rẽ cuộc đời đau đớn quá.
Hai mươi chín năm đã trôi qua, quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để làm cho chúng tôi những mái đầu xanh trở thành đầu bạc và cũng không ít bạn bè tôi từ thằng trở thành ông, trong đó có tôi. Nhanh thế đấy: chú tiểu tôi ngày xưa nay đã là ông ngoại.
Người xưa thường nói: "Tu là cõi phúc. Tình là giây oan. Đời là bể khổ". Thấm thía thật, ngày nào cũng có sự khốn khổ của ngày đó… Khổ đến nỗi đêm về tôi vẫn nằm mơ thấy mình đang cuốc đất, giơ lên hạ xuống, cuốc liên tục. Vợ con giật mình thức giấc: "Anh làm gì rộn vậy?" Tôi tỉnh queo trả lời: "Anh đang cuốc". Dụi mắt nhìn kỹ thấy vợ bị tay cuốc vểu môi đang nhăn nhó xuýt xoa. Biết nói gì hơn.
Tôi trở lại thăm trường vào một tối mưa dầm tháng tám. Cảnh cũ đã thay đổi nhiều không như tôi vẫn tưởng. Mẹ Sao Biển không còn đứng đợi để ôm ấp các con yêu vào mỗi chiều thứ bảy nữa. Ngôi nhà nguyện nơi chúng tôi gửi gắm tất cả tâm tình giờ là con đường mà ngày qua ngày những vết xe lăn cùng bao bước chân vô tình đua nhau giẫm đạp, dày xéo. Nơi mà 29 năm về trước, trạm giao hoà giữa đất trời, giữa Thiên Chúa và nhân loại. Sân bóng rổ cạnh nhà nguyện cũng không còn nữa. Cái sân ngày xưa tôi rất ghét, vì tuy ở đấy không nuôi ếch, nhưng đã vào chơi là phải chụp. Giờ đây làm sao tôi quên được khi tắm rửa bất chợt sờ lên những vết sẹo sần sùi, lồi lõm và xấu xí. Thế mà ngày ngày nó vẫn nhắc nhở cho tôi bao kỷ niệm của Sao Biển dấu yêu. Làm sao nói hết Sao Biển ơi!
Mưa biển Nha Trang hoà với những giọt mưa lòng mằn mặn trên môi. Ngoái nhìn dấu cũ trường xưa một lần cuối, nghẹn ngào.
Vĩnh biệt nhé Sao Biển. Thương mãi người ơi!
Ghi lại chút cảm xúc nhân một chuyến về thăm Nhà Mẹ Sao Biển
Trần Thế Huy 72
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét