Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

Ngày hôm qua

 
Ngày hôm qua
Piô X Lê Hồng Bảo 72

Gắn bó với mảnh đất Song Mỹ này ngót một phần tư thế kỷ rồi mà tôi cứ ngỡ mọi chuyện như mới hôm qua. Mới hôm qua đây thôi, người gọi tôi bằng cháu nhiều hơn lớp gọi tôi bằng anh. Hôm nay, lớp gọi tôi bằng chú nhiều hơn người gọi tôi là bạn. Dòng đời cứ vô tình trôi trong khi thằng tôi cứ hoài lãng đãng trong cõi vô tình…

Đã hai lần có cái vinh dự là người sưu tập tư liệu về Giáo Xứ: Một lần dịp kỷ niệm 40 năm Giáo Phận Nha Trang, đem triển lãm ngoài Đại Chủng Viện – Một lần kỷ niệm 30 năm Giáo Xứ… Thế mà lần nào tôi cũng thấy mình như người hiện đại đi tìm cổ tích, cảm thấy mình xa lạ quá với câu chuyện của cha anh! Đành rằng tôi chỉ là kẻ đến sau, nhưng chỉ kém vài năm, và lúc ấy tôi cũng đã là một thanh niên 20 tràn đầy sức sống! Hỏi vậy, nếu không ghi chép lại thì mấy ai còn nhớ tới?

Cảm nhận đầu tiên của một chàng trai thành phố về mảnh đất Song Mỹ này thật lạ: Ai nấy dường như rất thản nhiên trước những khó khăn đói kém của thời kỳ quá độ. Mọi người sống như trong một gia đình lớn: Nhà nào thu hoạch trước thì san sẻ cho xóm giềng những trái bắp sún, những mủng khoai còi, những rổ đậu non (bắp, khoai tốt thì để bán chứ chẳng dám ăn)… Làm thì đổi công cho nhau, nhưng cũng chẳng mấy ai so đo hơn kém. Một thanh niên như tôi quanh năm chẳng thấy tờ bạc xanh đỏ thế nào! Có một tật xấu rất dễ thương nơi người Song Mỹ thời ấy là "nói dóc". Hình như người ta cố tình nói dóc để tự bù đắp những thua thiệt cho mình. Ông tổ của "nghề" này tên là Lê Côi, ông có tật ở lỗ tai nên mỗi khi nghe ai đó nói hơi quá đáng thì sẽ bị một người trong bọn đến rờ lỗ tai và nói: "Thôi! "côi" vừa vừa, cha nội!".
Nhà thờ cũng thật lạ, tôi viết thư về cho bạn bè ở Nha Trang như sau: "Ở xứ mới của mình xem lễ kiểu Nhật – tức là ngồi dưới đất. Mái nhà thờ nằm trong lòng nhà thờ …" Vài đứa bạn tò mò đã lên thăm chơi để tận mục sở thị.
Đức Cha Linh (khi ấy còn là thầy), là thầy cũ của tôi khi còn ở Tiểu Chủng Viện, ngài rủ tôi vào Ca đoàn Thanh Niên do ngài phụ trách. Ngày trước ngày sau đã thấy thân nhau như anh em, chọc ghẹo nhau vô tư mà không hề sợ chạm tự ái! Hàng tuần cứ mong cho mau đến thứ Năm và thứ Sáu để được đi tập hát, được chuyện gẫu và chọc ghẹo nhau…

Song Mỹ có chín xóm tất cả, nghĩa trang được mọi người gọi đùa là xóm Mười, cõi chết được đồng hoá với cõi sống! Ba tôi cảm tác làm bài thơ sau:
Song Mỹ ta đây có xóm Mười
Công dân già trẻ độ sáu mươi
Không nói, không ăn, không tranh chấp
Chẳng lo, chẳng nghĩ, chẳng khóc cười
Đất cát chia đều ba thước đủ
Hòm rương một kiểu bốn tấm dư
Ai còn chưa có nơi nhập khẩu
Mau mau đăng ký đến xóm Mười


Mỗi khi nhà ai có tang, cả xóm xúm lại: người lo chặt tàu dừa dựng rạp, kẻ lo xẻ ván đóng hòm, thanh niên tự phân công nhau đi đào huyệt, làm nhà táng, khiêng hòm vì hồi đó chưa có xe tang. Nhà có đám cưới cũng vậy, hồi đó chưa có các dịch vụ cho thuê rạp và bàn ghế đám cưới; thanh niên chúng tôi giúp nhau đi mượn bàn ghế của hàng xóm khiêng về kê cho bằng, dựng rạp, chở nước, trang trí.v.v.., toàn cây nhà lá vườn! Xóm Một (tức giáo họ Phú Hòa) có một dàn trống của anh Phùng Ngọc Quý mà tha đi hết đám cưới nọ đến đám cưới kia! Toàn chơi ủng hộ chứ chẳng phải thuê mướn gì. Anh Hoàng Sử khi ấy phụ trách thanh niên, nên chuyên làm speaker, anh ăn nói lưu loát lắm!

Quản xứ lúc đó là Cha Giuse Đoàn Văn Liệu, dường như chẳng có bổng lễ là bao! Cha cũng phải làm thêm rẫy ruộng kiếm sống. Các sơ cũng vậy! Chúng tôi thỉnh thoảng cũng giúp vài công, chủ yếu là ham vui. Bà Nhất khi ấy là Bà Candide có một câu nói bất hủ: "Xin Chúa trả công…", vì Bà biết chúng tôi không bao giờ "dám" đòi công các sơ. Chúng tôi thường chọc Bà: "Bà ơi, mai nhà con cắt lúa rồi, Bà hỏi Chúa có rảnh không đi cắt giùm con một ngày đi!" Bà cười xuề xoà: "Để bà biểu mấy chị đi cho, nhưng tụi bay không được chọc phá mấy chị nghen!" Chúng tôi chắc lưỡi giả bộ tiếc rẻ: "Không được chọc thì thôi, thà Bà để mấy chị ở nhà còn hơn!"

Các hội đoàn đều gây quỹ bằng trồng khoai, sắn… Dịp Giáng Sinh cũng là mùa thu hoạch khoai lang, chúng tôi đào về đổ ở Nhà xứ rồi tối tập trung lại xắt phơi trên nền ngôi nhà nguyện đã sập (nhà nguyện này nằm ở trước khu nhà ở của các sơ hiện nay). Đây là dịp để một cậu bên Junior làm quen với một cô ở ca đoàn chiều, một chị ca đoàn sáng gặp gỡ một anh ca đoàn thanh niên… Mộc mạc nhưng ấm áp vô chừng! Chúng tôi thường đi làm sớm vì rẫy xa mà lại phải đi bộ, nên Cha Liệu chỉ làm lễ chiều. Lễ xong chúng tôi thường ngóng xuống dốc Huyện xem có chiếu phim không (bãi chiếu bóng nằm dưới Thương nghiệp, nay là trường Cấp III Trường Chinh). Có điện là có chiếu phim. Tuy vé rất rẻ nhưng chúng tôi cũng ít khi đủ tiền mua. Thế là có nạn… lậu vé! Một nhóm 7-8 người chỉ mua khoảng 3 vé, cho mấy cô đi trước, một cậu đi sau cùng giơ mấy cái vé lên cao ra vẻ ta đây có vé. Khi vào đến cổng thì… mọi việc đã rồi! Mấy anh soát vé cũng cười trừ thông cảm. Thật dễ thương!

Hồi đó chưa có nhà hai bên đường, "Trung tâm Thương Mại" nằm cả dưới chợ: lèo tèo vài quán nước mía. Ba đứa cuốc bộ xuống đến chợ uống chung một ly nước mía là "chuyện thường ngày ở huyện". Chủ yếu là được tản bộ tâm sự cùng nhau!
Chiếc cầu gãy ở Sông Ông cũng là một nơi chứa đầy kỷ niệm. Đầu cầu bên này là hai thân cây to nối với nhịp cầu ở giữa, đầu cầu bên kia là đoạn cầu thang bắt xuống… giữa dòng! Mỗi sáng đi làm phải kéo cộ bò qua sông; buổi chiều nếu có chở lúa khoai, lại phải vác qua rồi kéo cộ về. Đây là lúc một chàng trai gánh giùm gánh khoai qua sông cho một cô gái, một thôn nữ giặt hộ anh trai cày chiếc áo đẫm mồ hôi. Những hình ảnh man mác nét chân quê chỉ có trong thơ Nguyễn Bính! Nhiều hôm mưa to nước lớn, có khi kẹt lại bên kia sông ngủ ngoài trời. Những lúc ấy, dòng sông sao mà dữ tợn! Thế mà qua mùa nước lũ, con sông lại hiền hòa thân thiết làm sao! Một người bạn tôi đã từng nói: "Dòng sông Ông giống như một thiếu nữ, mỗi chiều về không ghé xuống tắm một phát lại thấy… nhớ!"

Thấm thoắt mà đã mấy mươi năm, chạnh nhớ một bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh: "Ngồi bên dòng sông nhớ đời mình. Một trăm năm sau sẽ còn ai?" Dòng sông Ông vẫn lặng lờ trôi, chúng tôi có đứa đã trở thành ông nội, ông ngoại… Một số người từng đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên mảnh đất này, đã về với đất. Lớp trẻ lớn lên không có những suy nghĩ như chúng tôi ngày xưa bởi xã hội đã đổi khác. Ai cũng lo cân, đong, đo, đếm để được bằng chị bằng anh, để con cái khỏi thua bè kém bạn… Đó cũng là một nét tích cực trong cuộc sống, khiến con người phải nỗ lực hơn để khỏi bị đào thải!

Nhưng nhiều khi, nhìn về dĩ vãng thấm đẫm tình người, thấy mình đang chai cứng đi từng ngày, không khỏi chạnh lòng! Hôm nay ghi lại đôi điều hoài niệm chỉ để nhắc nhau nhớ lại một thời, để con em có chút đồng cảm với lớp cha anh qua lời hát:
"Hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp…!"

Pio X Lê Hồng Bảo SB 72

1 nhận xét:

ttnbg nói...

Bảo ạ, đọc bài viết của cậu mà thấy lòng bồi hồi. Cậu viết hay thật. Hay thật!