Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Truyện Dài: Người Hành Khất Trước Cổng Tu Viện - Kỳ 5





Truyện Dài
NGƯỜI HÀNH KHẤT TRƯỚC CỔNG TU VIỆN
Trần Thế Huy

Kỳ 5





Thánh lễ an táng bà Hiền được Cha Bình chủ tế, rất đông các Cha, các Sơ và giáo dân tham dự. Khi nghe Cha Bình tóm tắt về cuộc đời của bà Hiền ai nấy đều cảm phục. Điều làm mọi người có mặt trong Thánh Lễ hôm ấy sửng sốt và ngạc nhiên, khi thấy các bô lão và các cháu bé ai cũng đội vành khăn trắng trên đầu. Nhiều người lấy làm lạ, nhưng rồi họ chợt hiểu ra khi nghe một vài em bé trong trại mồ côi nói:
- Nếu không có người mẹ thứ hai này, thì tất cả anh em chúng con đâu còn tồn tại trên đời này.
Họ đang cùng nhau tưởng nhớ và tiếc thương vị ân nhân, người đã cứu sống và giúp họ thoát khỏi vũng lầy đen tối trong cuộc sống, đã nuôi nấng và bảo trợ cho họ. Ai ai cũng đều xúc động khi nghe những tiếng khóc từ môi miệng các cháu bé…mẹ mẹ ơi. Loan nghĩ đó cũng là niềm an ủi lớn lao nhất dành cho mẹ mình, nhưng tiếc rằng bà không còn hiện diện để nghe và để chứng kiến.
Sau khi bà Hiền khuất bóng, ngày ngày ông Tân ngồi trên xe lăn nhờ người đẩy ra thăm mộ và đốt cho bà nén nhang, ông cũng thường xuyên lui tới thăm các cháu bé mồ côi, trò chuyện với những người già yếu, và ông lấy đó làm niềm vui của mình. Việc cơm nước hàng ngày cho ông, tạm thời đã có gia đình ông bà cố Mai giúp cho nên ít nhiều Loan cũng đỡ lo.

- Anh Tâm ơi, hôm nay thứ sáu, nhà dòng ăn chay kiêng thịt, anh nhớ chở rau sơm sớm nhé.
Tâm nhấc điện thoại lên khi nghe có tiếng chuông, biết là Loan gọi, Tâm vội vàng chạy xe đến vựa lấy rau. Vừa chuyển những bó rau lên xe Tâm vừa nhớ đến Phúc…Ôi chao! chỉ mới ngày nào đây mình và Phúc còn đứng bên nhau, thế mà đã hơn một năm rồi đấy. Và người cùng Tâm chuyển rau lên xe hôm nay không phải là Phúc mà là bà chủ vựa ít nói ít cười, gương mặt lúc nào cũng như hình sự, bề ngoài nhìn thấy vậy chứ thực ra bà ấy rất tốt bụng. Nhìn những bó rau xanh mơn mỡn, Tâm nghĩ khi xưa nếu mà rau có màu xanh như vậy là do đất tốt và bón bằng phân chuồng, nhưng bây giờ nhìn thấy nó có cái màu xanh của thuốc sát trùng, thuốc tăng trưởng…Chẳng biết nó sát trùng và tăng trưởng thế nào, nhưng khi đi vào cơ thể nó tàn sát hết cả ruột gan và giúp cho số người mắc bệnh rồi vĩnh viễn giả từ cõi thế tăng lên một cách chóng mặt, kinh khủng quá cái màu xanh chết người. Tâm sợ người ta phun nhiều thuốc bèn hỏi bà chủ vựa rau:
- Bà chủ ơi, rau này có thuốc không?
Bà chủ vựa nghiêm mặt lại nói với Tâm:
- Có chở hay không thì bảo, việc gì đến anh.
Tâm không chịu thua bà chủ vựa:
- Tui lo là lo cho các cháu bé và các cụ già ăn phải rồi bị bịnh.
- Chà anh xích lô hôm nay cũng nhân đức gớm.
Tâm tiếp tục cự cãi:
- Tui nói thiệt với bà, Thiên Chúa ban cho con người được tự do…Tự do làm điều thiện và tự do làm điều ác. Ai thiện thì thưởng và ai ác thì phạt thế thôi
Bà chủ vựa lườm Tâm:
- Thôi đi cha nội, làm như tui ác lắm hả.
Sợ muộn, Tâm cười rồi vẫy tay chào bà chủ. Trước khi đi vẫn không quên nói vọng lại một câu:
- Ác giả ác báo, hì hì.
Bà chủ vựa cũng đâu phải vừa:
- Đồ cà chớn, hôm nay thứ sáu bằng không thì chết với bà.
 Tâm đã từng nói với Loan về việc rau quả bây giờ người ta xài thuốc rất nhiều. Loan cũng biết chuyện này qua báo chí truyền thanh nhưng vì rau trong nhà dòng không đủ để đáp ứng, nên phải đi mua thêm bên ngoài. Do đó Loan dặn Tâm chỉ mua ở những nơi quen biết mà thôi, nhiều khi thấy Tâm hay nhắc nhở về chuyện này, vẫn biết là Tâm có ý tốt, nhưng đôi lúc Loan cũng giả vờ trêu Tâm:
- Đã xin Chúa chúc lành cho của ăn uống…thì ta cứ việc xơi cớ sao phải sợ, sao mà yếu nhân đức tin quá vậy.
- Thì đức tin của Tâm không bằng hạt cải, do đó Tâm đâu có dám xơi, hì hì.

Thời gian thấm thoát trôi, tính từ ngày bà Hiền mất đến nay đã được năm năm rồi. Năm năm kể ra đâu phải là quá dài, tuy nhiên nó cũng vẫn chưa thể xóa nhòa đi ký ức về bà Hiền nơi ông Tân và Loan được. Đối với ông Tân bây giờ thì ngày cũng như đêm, chung quanh ông toàn là bóng tối mịt mù. Đôi lúc ông cảm thấy quá cô đơn và buồn chán vì phải mất đi hai thứ quí giá nhất trên đời: ánh sáng và người mà mình yêu thương nhất. Ông biết là Loan dù đã cố gắng an ủi và chăm sóc cho ông rất nhiều, nhưng ông vẫn thấy thiếu thốn một điều gì đó, và đúng như người ta thường nói là con nuôi cha cũng không bằng bà nuôi ông, hơn nữa thì Loan đã đi tu, Loan có việc bổn phận của mình và đầu óc thì luôn bị chi phối nhiều việc khác ở trong dòng, nên ông Tân đâu dám đòi hỏi nhiều ở Loan. Thỉnh thoảng trong giấc ngủ chập chờn, người ta vẫn nghe thấy ông gọi tên bà, thấy ông trách cứ bà không chờ đợi ông đi cùng…Chứng kiến các việc đó Loan quyết định phải tìm mọi cách hòng đưa ba thoát ra khỏi vòng lẫn quẩn và u uất đó, nếu không chẳng sớm thì muộn ba cũng sẽ bị bấn loạn tâm thần.
Thỉnh thoảng Loan đưa ba vào nhà dưỡng lão cho ba làm quen với các cụ, cho ba thâm nhập vào đời sống của họ, với hy vọng qua đó ba sẽ nhận thấy không chỉ mình ba mà rất nhiều người chung quanh thua thiệt hơn ba về nhiều mặt, có thể ba sẽ bớt đi phiền muộn và sống lạc quan hơn.
Một hôm Loan hỏi ba:
- Ba có chịu vào nhà dưỡng lão ở với con và các cụ không?
Im lặng một lúc, chẳng biết ông đang nghĩ gì, đột nhiên Loan thấy ông lên tiếng:
- Thế ông Hoàng đã vào trong đó chưa?
Loan mỉm cười với ý nghĩ của ba:
- Bác Hoàng chưa vào đây được, bác ấy đang bận việc ở nhà.
Ông Tân không bằng lòng với câu trả lời của Loan:
- Vớ vẩn nào, ông ấy còn làm được gì nữa mà bận? Thôi được mai mốt  ba và ông ấy sẽ cùng vào.
 Loan hỏi lại ba:
- Vậy ba không vào đây ở với con gái cho vui à?
Càng ngày trông ông Tân càng lẫn hơn, tuổi già ít nhiều đã tác động đến con người ông:
- Ba chỉ thích ở với con gái biết uống bia rượu hay cà phê mà thôi, thế ba ở với con trai không vui hay sao mà phải ở với con gái mới vui.
Thực lòng Loan rất muốn đưa ba vào ở trong này để tiện bề chăm sóc, nhưng chưa biết phải làm thế nào để ông Tân chịu. Sợ rằng mai mốt ông bị ảnh hưởng bởi căn bệnh mất trí nhớ của tuổi già, rồi bỏ nhà đi lang thang. Và ông bà Hoàng đâu phải lúc nào cũng để mắt tới ông được. Nhiều hôm Loan trình bày việc này với họ, nhờ họ khuyên bảo với ba hộ, chẳng những ông Tân không tán đồng lại còn giận dỗi:
- Được rồi, nếu anh chị đuổi thì tôi đi.
Thật khổ cho ông bà Hoàng, sợ ông Tân hiểu lầm mọi chuyện rồi nghĩ quấy lại phải xuống nước năn nỉ:
- Vợ chồng tôi nỡ nào dám đuổi anh, chẳng qua là Dì Loan nhờ nói với anh thôi mà.
Ông Tân vẫn cứ lẩn thẩn:
- Hết anh chị giờ lại tới con Loan đòi đuổi tôi, bà ơi mau về mà xem nè.
- Không phải vậy đâu anh ơi, ai cũng muốn tốt cho anh cả. Ở trong đó với các cụ vui lắm, lại được gần con gái của anh.
Ông Tân lẩm ca lẩm cẩm:
- Các cụ có bia không mà bảo là vui, vậy thì tôi với anh mau vào trong đó uống đi, kẻo mấy cụ uống hết bây giờ.
Nghe vậy ông bà Hoàng chỉ biết lắc đầu với những ý nghĩ ngây ngô của anh bạn già:
- Thật là tội nghiệp…mắt đã bị mù, bả lại bỏ đi, giờ thì đầu óc lơ mơ, ăn nói lung tung chả nhớ gì cả.

Mấy hôm nay không hiểu vì lý do gì mà các chị phụ trách bên nhà dưỡng lão báo tin cho Loan:
- Chị Loan ơi, không hiểu sao mà mấy ngày hôm nay khi ăn xong các cụ kêu đau bụng và ói mửa, chúng em phải liên tục chuyển các cụ đi bệnh viện?
Nghe qua thì Loan cũng chẩn đoán sơ sơ là có lẽ do bị ngộ độc thực phẩm, khiến các cụ sốt cao và đi ngoài nhiều. Nhưng nó xuất phát từ khâu nào thì Loan chưa thể biết được, vì thật ra các chị có trách nhiệm trong này rất kỹ lưỡng và vệ sinh tốt, thực phẩm mang về bao giờ cũng ngâm rửa hòng tẩy đi bớt các loại phân bón và hóa chất còn tồn đọng. Tất cả từ thức ăn cho đến nước uống đều được khử trùng và nấu chín. Đang nhức đầu vì những chuyện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của mình, thì lại có tin báo từ bên cơ sở Lòng Chúa Thương Xót:
- Chị Loan ơi, bên này các em bé cũng bị tiêu chảy quá nhiều. Chúng em đã cho vào viện cả rồi.
Loan chán nản:
- Các chị chịu khó giúp em với, em đang tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục đây.
Bước xuống nhà bếp, Loan lần giở từng tủ đựng thực phẩm, nêm nếm kiểm tra từng món ăn, xem xét tất cả các loại rau củ và nước uống…Tất cả không có gì khác lạ, chỉ duy có món cá thu thì Loan nhận thấy nó nhơn nhớt và có màu xanh khác thường, Loan nghĩ…không lẽ là do đây…?. Loan chợt nhớ trước đây khi còn ở nhà, cá thu là món ăn khoái khẩu nhất mà ba và Loan thích, vì thế cứ cách vài ngày là mẹ lại mua về đãi hai ba con, và qua bàn tay chế biến khéo léo của mẹ, nào là cá thu sốt cà, cá thu chiên bơ tỏi, cá thu hấp cuộn bánh tráng…món nào ăn xong rồi cũng nhớ hoài và không thể nào quên được những mùi vị của nó. Ừ nhỉ, đúng rồi…Loan nhớ lại lúc đó nhìn những lát cá thu có màu đỏ tươi chứ không phải có màu nâu sẩm như Loan vừa thấy trong tủ. Loan cho miếng cá vào một túi ni-long màu trắng và mang ngay đến trung tâm phân tích và giám định thực phẩm, và kết quả thì đúng như dự đoán của Loan: cá do ngâm urê quá nhiều và do bán không kịp nên cá đã chuyển sang màu nâu sẩm và thịt thì bở. Trong phân urê có hàm lượng chì, thủy ngân rất cao và một khi nó đã thâm nhập vào cơ thể thì lượng urê sẽ gây ngộ độc rất cao... gây tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ. Nếu sử dụng nhiều và thường xuyên hải sản ướp phân urê có thể sẽ bị ung thư song ngộ độc thì không tránh khỏi: nhẹ là chóng mặt, đau bụng, nặng hơn sẽ nôn mửa, tiêu chảy, trường hợp cấp cứu không kịp thì tử vong, cũng may là các Sơ đã nhanh chóng chuyển các cụ và các em vào bệnh viện bằng không thì mọi chuyện sẽ trở nên rất tồi tệ và để lại nhiều tai tiếng cho nhà dòng.
Sau khi sự cố về vấn đề thực phẩm xảy ra, ban lãnh đạo dòng triệu tập các nữ tu gần xa về họp bàn hầu tìm ra một giải pháp cụ thể cho vấn đề môi sinh. Nhiều ý kiến cho rằng nếu nhà dòng hoặc các cộng đoàn nỗ lực tự túc được thực phẩm tại chỗ, thì sẽ giảm bớt được nhiều rủi ro. Loan cũng nêu ý kiến:
-  Ngày nay sự dữ đã tràn ngập khắp nơi, và nó đã chế ngự được con người, nó xui khiến người ta làm nhiều điều gian ác miễn sao đạt được tham vọng và quyền lực, nó vui cười trước cái chết của người khác và im lặng vô cảm trước nỗi thống khổ của đồng loại. Bây giờ không hiểu các chị khi đi ra đường có cảm giác gì không? Riêng em, em thấy kinh hãi khi phải bước chân ra ngoài, vì không riêng gì thực phẩm, nước uống mà ngay cả khí trời cũng đã nhuốm màu tang tóc do những luồng khói độc hại thải ra. Em kể cho các chị nghe câu chuyện này:
“ Em có quen một gia đình, và hầu như ngày nào đi chợ em cũng thấy bà vợ mua chuối và bánh mỳ, rồi vào một ngày nọ gặp bà vợ đi chợ, em lân la tới gần và hỏi:
- Ủa nhà cô không ăn cơm hay sao mà bữa nào cháu cũng thấy mua bánh mỳ và chuối vậy?
Mỉm cười với em, bà ấy nói rằng:
- Ông xã nhà tôi đã ba năm nay toàn ăn bánh mỳ và chuối.
Em hỏi lại:
- Ăn vậy làm sao mà đủ các chất cần thiết cho cơ thể?
Bà ấy nói với em thế này:
- Ông xã nhà tôi đọc báo và không hiểu người ta nói gì, thế là khuyên vợ bảo con là đừng ăn cái này, đừng uống cái kia…tôi nói lại với ông xã rằng: nếu mà phải kiêng những thứ ông nói thì nhịn đói chết cho rồi, ngay cả gạo tôi nghĩ là lương thực chính của dân nước mình, ông ấy cũng nói là gạo bây giờ làm bằng hạt nhựa gì đó…Thế là từ ngày ấy đến nay ông ấy chỉ xơi bánh mỳ và chuối mà thôi.
Lũ con nhà ấy thấy vậy cũng hùa với mẹ trêu ba:
- Ba à, hôm qua con đọc báo, con nghe nói chuối non người ta cũng ủ hóa chất cho mau chín và giữ được màu vàng tươi rất đẹp, ai ăn vào cũng mau an giấc ngàn thu.
Ông ba sửng cồ với lũ con:
- Có phải mẹ dạy tụi con xiên xỏ với ba phải không?
Lũ trẻ vẫn chưa chịu thua ba:
- Chắc là ba chưa đọc tới bài chuối rồi.
Nói xong chúng nó cười ầm cả lên, mặc cho ông ba ngồi trầm ngâm: nếu mà chúng nó nói đúng thì mình chỉ còn có nước ngậm sâm.
Cả nhà dòng đều cười vang vì câu chuyện mà Loan vừa kể, Loan nói tiếp:
- Câu chuyện này có thật đấy, và theo em nghĩ là ở ngoài đời bây giờ nhiều cái nó còn thật và ghê gớm hơn thế nữa. Không biết các chị nghĩ sao, chứ hôm nọ em ghé thăm các cháu ở trung tâm ung bướu, nhìn các cháu mà em thấy thương chúng nó quá, nhưng qua đó em cũng rất hận những người lớn đã làm nên và đã gây ra cho các cháu quá nhiều đau khổ! Các cháu còn bé bỏng quá, tội tình chi mà phải chịu đọa đày như thế.
Sau đó Loan trình bày tiếp với các chị:
- Từ lâu em cũng muốn nêu vấn đề này ra với các chị, nhưng chưa có dịp trình bày, tiện đây em cũng xin nói luôn: đó là để mở mang trí tuệ, giúp các em bé sớm nhận thức được các vật thể…em muốn mua thêm một số đồ chơi cho cơ sở. Nhưng như các chị thấy đó, tình trạng bôi hóa chất vào trong đồ chơi gây ra rất nhiều thứ bệnh cho các em nào là vô sinh, ung thư…Theo ý các chị thì sao?
Một chị nêu ý kiến:
- Để tránh tình trạng này thì trước mắt chúng ta sẽ không mua đồ chơi trôi nổi và rẻ tiền bày bán la liệt ngoài vỉa hè nữa, tạm thời chúng ta sẽ cho các em học tập và giải trí qua các loại tranh hình bằng giấy hoặc nếu có thể chúng ta sẽ liên hệ với các cơ sở mộc, em thấy họ tận dụng những mẫu gỗ thừa và tạo ra những món đồ chơi rất đẹp. Biện pháp này giống như câu chuyện ăn bánh mỳ và chuối, để né cơm gạo bị làm giả mà chị Loan vừa kể cho chúng ta nghe.
Mọi người vỗ tay tán đồng và cuộc họp được kết thúc.
Mọi việc nói ra, nghe qua tưởng chừng rất dễ nhưng đến lúc bắt tay vào làm thì nó mới nảy sinh muôn điều phức tạp. Và nếu không thực hiện thì khó lòng mà tránh khỏi những nguy cơ tiềm ẩn chết người do rau tưới nước bẩn, củ quả ngậm hóa chất, cá sử dụng nhiều hóa chất làm tươi và đồ chơi độc hại cho trẻ em. Vì thế các chị em trong các cộng đoàn đã động viên nhau vượt qua những khó khăn và cùng chung tay nỗ lực, chỗ này đào ao nuôi cá, nơi kia thì xây trại chăn nuôi heo gà, chỗ khác lại trồng và chăm sóc rau củ…Tuy vất vả nhưng các chị đều có chung một ước nguyện, là không phải nhìn thấy cảnh các cụ già tuổi đã gần đất xa trời và các em bé phải chịu quằn quại, vì mắc phải những căn bệnh trầm trọng do thực phẩm bẩn và độc hại gây ra.
Rồi ngày qua ngày nhìn thấy những đám rau xanh tốt ngút ngàn do được bón phân chuồng, heo gà cũng lớn nhanh như thổi, từng đàn cá dưới ao tung tăng quẫy đuôi…ai nấy đều vui mừng trước thành quả đạt được ngoài dự kiến.

Vợ chồng Tâm vừa mới mua được một chiếc xe tải loại nhỏ, ngoài những giờ chở hàng cho các chủ vựa, Tâm cũng dành thêm thời gian để cùng với Loan và vài chị Sơ khác rảo quanh các cộng đoàn thu gom những thứ mà các chị đã tự tăng gia sản xuất được mang về chế biến. Bữa nọ Loan đến gần và hỏi một cụ ông:
- Thưa cụ, dạo này dùng rau thịt do chúng con làm ra, cụ có thấy ngon hơn không?
Vừa nhai móm mém, cụ ông vừa trả lời Loan:
- Thưa Dì, dứt khoát là phải hơn rồi. Khi chưa vào ở trong này, tôi thấy có hai bà ngồi chơi và nói chuyện với nhau, một bà lên tiếng:  bây giờ chẳng biết ăn cái gì đây…thứ gì cũng có thuốc cả, nhớ lại khi trước cả nhà ngồi vào bàn ăn sau những giờ lao động vất vả, cười nói vui vẻ và chén cho đến khi nào bát đũa sạch sành sanh mới thôi.
Bà kia cũng nói thêm vào: lũ trẻ ở nhà nói với tôi là không ăn thì đói mà ăn vào con cứ ngỡ như mình đang đầu độc mình đó má ơi. Thật chán ghê, bữa cơm đầm ấm của gia đình nay còn đâu! hết rồi cảnh một chén nước mắm chung nhau chấm mút.

Nằm trên giường mãi vẫn chưa ngủ được, Loan cũng chả hiểu vì sao. Mọi sinh hoạt của cơ sở Lòng Chúa Thương Xót và nhà dưỡng lão vẫn êm xuôi và tốt đẹp, không còn phải lo lắng và bận tâm như những ngày đầu… Riêng ông Tân thì Loan sợ rằng lúc này bố mình có hơi bị quẩn trí rồi làm phiền ông bà Hoàng nhiều quá, nên Loan cũng đã thuê hẳn một người để lo việc cơm nước và chăm sóc cho bố. Mẹ thì cũng đã mồ yên mả đẹp rồi, nghĩ tới mẹ Loan mới sực nhớ lời bà nói trước khi chết:“con đừng để cha mẹ ruột của con vì thất lạc mất đứa con gái mà sống cũng như chết, thật tội nghiệp…” thì ra lâu nay vì quá bận rộn với công việc mà Loan quên khuấy những lời mẹ dặn.
Nghĩ là làm, Loan ngồi bật dậy bước lại bàn làm việc và mở máy vi tính lên. Trang đầu tiên Loan chọn là mục tìm kiếm người thất lạc…hết trang này đến trang khác nhưng vẫn không thấy có tin nào đáng quan tâm cả. Loan tiếc thầm phải chi ngày xưa gia đình nào cũng có được chiếc máy vi tính, và phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như bây giờ thì hay biết mấy, nghèo như chị đi mua ve chai cũng có điện thoại, em bé mới lên hai, lên ba ngồi gõ ai-bát sành điệu hơn cả cha mẹ của nó. Nếu được như vậy thì lúc mà Loan bị thất lạc, ba mình hoặc các anh em chỉ cần gõ vài chữ lên các trang mạng thì việc tìm kiếm trở nên quá dễ dàng.
Chuyện xảy ra có lẽ đã quá lâu nên thông tin không được lưu trữ trên máy, biết có cố gắng tới đâu cũng vô ích nên Loan xin phép bề trên về thăm bố. Mục đích của Loan là để hỏi bố cho rõ ràng về nơi chốn mà ông bà ấy đã gặp Loan. Loan chỉ sợ càng để lâu ngày ông Tân càng quên, lúc ấy thì mọi việc càng khó khăn còn hơn là mò kim đáy bể. Sau câu chào hỏi bố, Loan thưa:
- Ba ơi, trước khi chết mẹ có dặn dò con là cố gắng tìm ra cha mẹ ruột của con, sự việc hồi đó như thế nào ba còn nhớ không?
Ông Tân ngồi im lặng, dường như ông đang cố nhớ lại những gì trong ký ức. Hồi lâu ông nói:
- À phải rồi, có tiếng đứa bé khóc trong bụi cây, ba tiến lại vạch bụi cây ra, hết hồn khi thấy một đứa bé gái có cái bớt đỏ nho nhỏ ở trên má gần lỗ tai. Đứa bé đó chính là con đó.
Nghe ba nói Loan giật mình vì đã có đôi lần Loan nghe bác Hoàng và anh Tâm có nhắc về đứa con gái, đứa em gái có cái bớt đỏ bị thất lạc. Rồi Loan nhớ lại đã có lần Loan hiến máu cho anh Tâm có kết quả rất tốt, nhưng sau đó khi hiến máu cho ba mình là ông Tân thì lại không được, vì hai loại máu khác nhau. Hay là mình thử hỏi bác Hoàng một lần xem sao…
Nói là làm Loan vội qua nhà ông bà Hoàng:
- Cháu chào hai bác, hai bác khỏe không?
- Ô! Hôm nay điều kỳ diệu lại xảy ra với gia đình này khi có người đẹp của Chúa đến viếng thăm. Ông Hoàng đon đả chào mời Loan.
Loan mỉm cười với kiểu đón khách của ông Hoàng:
- Bác nói quá, hôm nay cháu về nhà có chút việc, tranh thủ ghé qua thăm hai bác, vì lâu rồi chưa được gặp hai bác.
- Cám ơn Dì Loan nhiều nhé. Ông Tân thế nào rồi? Hổm rày bác chưa ghé nhà thăm ông ấy.
- Dạ ba con vẫn khỏe, cám ơn bác.
Thấy ông bà Hoàng vui vẻ, sự ngần ngại của Loan cũng dần biến mất. Loan lễ phép thưa với ông bà ấy:
- À, hôm nay cháu đến đây ngoài việc thăm hai bác, cháu cũng muốn biết rõ hơn về câu chuyện sau đây, hy vọng hai bác sẽ giúp cháu.
Ông bà Hoàng thấy vậy lên tiếng:
- Dì Loan đừng ngại, nếu có thể được hai bác sẳn sàng giúp Dì ngay.
- Cháu chỉ sợ câu chuyện mà cháu sắp hỏi làm phật lòng hai bác, nếu có gì sai suất hoặc không phải xin hai bác lượng thứ cho cháu nhé.
- Ồ không sao, cháu khách sáo quá.
- Vậy thì cháu cám ơn hai bác nhiều. Và cháu xin phép được kể lại những gì mà mẹ cháu đã nói với cháu trước khi mất, bà ấy có nói với cháu chuyện này: … “con không phải là con ruột của ba mẹ, trong một lần di tản để tránh bom đạn và để tìm một nơi định cư mới, ba mẹ đã nhìn thấy con đang ngồi khóc trong bụi cây, quan sát chung quanh hồi lâu nhưng không thấy cha mẹ và anh chị em của con đâu cả, ba mẹ sợ để con ở lại một mình chẳng may gặp sự chẳng lành, vì tuy hồi đó tình hình bắt cóc trẻ em về bán cho người hiếm muộn, và mổ cơ thể lấy nội tạng không diễn ra nhiều như ngày hôm nay, nhưng biết đâu được. Cuối cùng ba mẹ quyết định dẫn con đi theo và khi đã ổn định chỗ ăn ở xong, ba mẹ có đi dò hỏi và tìm kiếm cha mẹ ruột của con nhưng không thấy, thế là ba mẹ nhận con làm con và nuôi cho đến ngày hôm nay…”
Loan nói tới đây thì ông Hoàng ngắt lời Loan:
- Lúc bà Hiền kể lại chuyện này cho Dì nghe có ai ở đó chứng kiến không?
- Dạ có ba cháu.
Ông Hoàng hỏi lại:
- Thế ông ấy có nói gì không?
Loan thưa:
- Ba cháu ngồi im lặng nghe mẹ kể và không nói gì cả, nhưng trông ông rất buồn.
Ông bà Hoàng sửng sốt và lấy làm lạ, dường như ông bà vẫn nghi ngờ và không tin những gì Loan vừa kể:
- Tại sao lại có chuyện như vậy được, hai bác quen biết với gia đình ông Tân lâu lắm rồi, từ ngày chiếc xích lô của bác đụng phải Dì, chắc Dì còn nhớ chứ?
Loan đáp:
- Vâng cháu vẫn nhớ.
 Ông Hoàng nói tiếp:
- Nhưng có bao giờ ông bà ấy nhắc tới chuyện này đâu, và ông bà Tân cũng nói cho bác biết là số ông bà hiếm muộn, chỉ có duy nhất một người con gái là Dì đây. Hồi đó bác không để ý những lời ông Tân nói, nhưng sau đó nhiều người nói lại thì bác mới biết là không có con thì mới gọi là hiếm muộn, đằng này ông bà Tân lại có một đứa con, hơn nữa bác nghĩ chuyện này đâu có gì đáng nói và cũng chẳng phải là việc của mình nên bác cũng thôi không nhớ tới nữa.
Ngừng một vài giây, đoạn ông nhìn Loan rồi hỏi:
- Nhưng tại sao hôm nay Dì lại hỏi hai bác về chuyện này?
Loan bắt đầu kể lại những sự việc mà khi còn ở trong bệnh viện đã nghe thấy ông Hoàng cũng như anh Tâm thổ lộ ra rằng gia đình có thất lạc một đứa con gái tên Thư, và nó cũng có một cái bớt đỏ giống hệt như Loan.
Sau đó Loan nói với ông bà Hoàng:
- Sở dĩ cháu muốn hỏi để biết thêm về đứa con gái của hai bác bị thất lạc thôi, ngoài ra thì nhiều người rất giống nhau, ngay cả trong dòng lắm khi cháu còn gọi lầm tên của các chị khác. Loan cũng nói thêm:
- Sở dĩ cháu muốn hỏi hai bác vì cháu cũng đang có dự tính là đi tìm lại cha mẹ ruột của mình, cháu thiết nghĩ thì dù sao cha mẹ của cháu cũng quá đau khổ vì bị thất lạc cháu, ngoài ra cháu cũng muốn những lời trăn trối đầy tâm huyết của mẹ nuôi được sớm thực hiện như lòng của bà hằng ước mong. Cháu xin hai bác thêm lời cầu nguyện để cháu sớm được tìm lại cha mẹ ruột của mình.
Nói tới đây Loan nghẹn ngào:
- Không biết là giờ này ba mẹ cháu…còn sống hay đã mất rồi?
 Nói xong Loan chào từ biệt,  ông bà Hoàng nắm tay Loan và nói:
- Cầu chúc Dì sớm gặp được cha mẹ ruột của mình. À khi nào có tin vui nhớ báo cho hai bác biết với nghe.
Loan đi rồi, ông Hoàng liền quay sang nói với bà Mai:
- Chuyện này tôi thấy nó kỳ lạ lắm đây.
Trở về tu viện Loan trình bày lại chuyện này với bề trên với hy vọng sẽ tìm ra được một giải pháp cho việc này. Loan cũng kể lại toàn bộ những sự việc xảy ra trong thời gian qua, bắt đầu từ lúc bị tai nạn rồi đến việc hiến máu cho Tâm và sau cùng là những gì bà Hiền đã cho Loan biết…
Xâu chuỗi lại các sự việc trên, bề trên dòng nêu ra vài vấn đề:
- Chị Loan cố gắng gặp vị bác sỹ lấy máu của mình và xin cho được chính xác kết quả nhóm máu của hai người, tức là của chị và chú Tâm.
Loan có phần do dự:
- Da thưa Chị Tổng, việc xét nghiệm máu thì ngày đó vị bác sỹ đã cho biết là hai người có cùng nhóm máu rồi ạ.
Và Chị Tổng nói thêm:
- Ngày trước thì y khoa thường căn cứ vào nhóm máu để xác định huyết thống, nhưng việc này cũng chưa chính xác cho bằng phân tích ADN, với phương pháp này kết quả xác định mối quan hệ huyết thống là gần như chắc chắn một trăm phần trăm.
- Nếu vậy thì em cần những loại mẫu gì thưa Chị? Loan hỏi.
Chị Tổng cho biết:
- Việc này chị Loan phải đến trung tâm xét nghiệm ADN. Họ sẽ cho chị biết nên phải làm gì.
Loan trở về phòng sau khi cám ơn Chị Tổng. Và Loan chưa biết mình phải bắt đầu từ đâu, sự nóng lòng muốn nhanh chóng tìm ra cha mẹ ruột của mình khiến Loan bối rối. Loan tính xin bề trên nghỉ phép vài tuần để có thời gian dò tìm những việc có thể liên quan đến mình.
Mọi việc tuy chỉ mới là dự tính, và Loan chưa kịp ngỏ lời với bề trên thì được lệnh thu xếp hành trang để chuẩn bị lên đường đến cứu giúp dân chúng ở đất nước Kenya:
- Chị Loan, sau khi xem xét các khả năng của chị và một vài chị em khác, hội dòng đã quyết định cử các chị đi phục vụ dân bên đó trong thời hạn là ba năm, vả lại họ cũng đang cần giúp đỡ nhiều về mặt y tế và các chị cũng đã được học hỏi và tập huấn về chuyên môn rồi, do đó hội dòng rất an tâm vấn đề này.
Loan trình bày thêm:
- Thế còn công việc ở nhà dưỡng lão và cơ sở Lòng Chúa Thương Xót?
- À việc này thì xin Chị Loan gấp rút hoàn chỉnh các loại giấy tờ và tổng kết các hoạt động trong thời gian qua cho nhà dòng nhé, cám ơn chị nhiều.
- Vâng em sẽ cố gắng.

Cuộc chiến tranh giành quyền lực ở lục địa châu Phi đã gây nên nhiều thảm cảnh cho người dân, lại thêm mất mùa khiến nạn đói hoành hành, tình trạng bạo lực gia tăng và dịch bệnh bùng phát không thể kiểm soát được. Đáp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và của hội đồng Giám Mục, Loan cùng một vài chị em khác vâng lời bề trên lập tức đáp chuyến bay sang đất nước Kenya để cứu chữa và giúp đỡ người dân nước này. Công việc ở đây quá bận rộn, Loan và các Sơ khác chỉ được nghỉ ngơi khi chung quanh mọi người đã an giấc, ngày nào cũng như vậy suốt từ sáng sớm cho đến tối mịt đã làm cho Loan không còn thời giờ để nghĩ đến việc đi tìm cha mẹ nữa, mặc dầu đôi lúc Loan có nhớ tới và tiếc thầm: không biết ngày nào mới nhận được khuôn mặt của cha mẹ và anh chị em mình.
Thời gian qua mau, mới ngày nào chân ướt chân ráo đến vùng lục địa châu Phi mà nay đã tròn hai năm. Nếu theo như dự tính thì Loan và các Sơ khác sẽ giúp ở đây chừng ba năm, nghĩa là chỉ còn một năm nữa mà thôi. Loan đang mơ tưởng ngày về sẽ được gặp lại ba, gia đình hai bác Hoàng, gặp lại những khuôn mặt thân quen và điều làm cho Loan háo hức chờ đợi nhất phải kể đến là Loan sẽ đi tìm cha mẹ ruột của mình, sẽ được ôm cha mẹ vào lòng cho thỏa nỗi chờ mong sau bao nhiêu năm lưu lạc, chỉ nghĩ tới đó thôi đã làm cho Loan mỉm cười sung sướng.
- Ô chào chị Loan, có gì mà trông nét mặt chị vui thế? Cho em ké với.
Loan giật mình vì ở đây, ngoại trừ có các chị em cùng dòng là nói tiếng Việt, còn đàn ông thì chưa có ai, mình có nghe lầm không nhỉ? Quay nhanh lại Loan giật bắn người khi nhận ra người đàn ông vừa chào mình chính là Cha Bình.
- Ơ..ơ…Sao Cha lại ở đây? Cha khỏe không?
Cha Bình tươi cười trêu Loan:
- Nhớ chị Loan quá nên mới mò sang đây.
Loan trêu lại:
- Mấy bà Sơ thì có gì mà nhớ, hay là Cha nhớ mấy hoa hậu lục địa đen hì hì.
- Nói chơi chứ, vâng lời Đức Cha, em qua bên này phụ giúp cho các cơ sở truyền giáo và chia sẻ lương thực cho người nghèo.
- Thế gia đình hai bác khỏe không?
- Cám ơn chị, mọi người vẫn bình thường. Mẹ em thì lúc nắng lúc mưa do huyết áp không ổn định.
- Xin lỗi Cha nhé, Cha có gặp ba của chị trước khi sang đây không?
Cha Bình đáp lời Loan:
- Tí nữa thì em quên mất, ông cố tuy có lẩn thẩn nhưng trông ông rất khỏe mạnh. Trước khi ra đi em chào ông cố, ông còn dặn dò em rằng: qua bên đó Cha nhớ nói với Loan dùm tôi là ăn ít ít thôi nghe, ăn nhiều lại bị ung thư bao tử giống bà đó. Thật tội nghiệp ông, căn bệnh của bà đã làm cho ông dè dặt trong việc ăn uống, chắc chị theo dõi báo chí hàng ngày chị cũng biết đấy, diện tích cả nước Việt Nam chưa bằng một tiểu bang ở nước Mỹ, nhưng số người bị bệnh ung thư lại cao hơn năm mươi hai bang của nước Mỹ cộng lại
- Không riêng gì ba của chị, mà cái vụ thực phẩm bị đầu độc này cũng đã gây cho dân mình nỗi sợ hãi kinh khủng, ngay cả chị giờ chỉ cố gắng, tại sao chị phải nói là cố gắng…vì ngồi vào mâm cơm bây giờ chị thấy thần chết đang rình rập ẩn hiện dưới những món chiên xào thơm phức, những quả trứng vịt kho tàu luôn ẩn chứa chất gây ung thư mà ở nước ngoài họ không dám ăn.
Cha Bình thấy Loan nói vậy thích chí cười to:
- Vậy là khỏi cần Giáo Hội khuyên bảo giáo dân một năm phải giữ chay hai ngày nữa, chị Loan đây là người tiên phong trong việc ăn chay trường.
Thấy Cha Bình trêu mình, Loan cũng không nhịn được:
- Chị cũng cầu mong sao nếu mai sau khi Cha chết thì cũng chết trên đồi Can-vê chứ đừng chết ở trung tâm ung bướu nhé hì hì.
Loan nói tiếp:
- Khi mới qua đây, nhìn cách sống cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây, chị nói với các Sơ đi cùng: cứ như vầy thì em sẽ chết đói mất thôi, nhìn thấy họ ăn uống bẩn thỉu, em không thể nào nuốt nỗi. Các Sơ thấy thế bèn nói với chị như vầy: họ ăn ở tuy hơi mất vệ sinh, chúng em cũng biết chứ. Nhưng nếu chị để ý kỹ thì thấy dân ở đây rất ít bệnh ung thư. Bởi vậy chúng em kết luận rằng: thà ăn uống bẩn thỉu nhưng thức ăn không hóa chất, không phẩm màu độc hại, không nhiều chất phụ gia…thì lá gan của mình nó sẽ thải hết cái dơ bẩn đi được, ngoài ra cứ thấy món này đỏ bóng, món kia xanh rờn, nhìn thấy nó đẹp, bắt mắt nhưng ăn vào thì sớm muộn gì cũng đi nhà thương, cũng chết. Ăn phải những thứ đó thì dù chị có được lá gan của ông trời thì các bác sỹ cũng bó tay thôi.
Đúng như Loan nói, tuy cuộc sống ở lục địa đen này không được có nền văn minh như tây phương…Họ không có ti vi tủ lạnh, họ không có những bữa ăn đầy cao lương mỹ vị, nhưng phải nói là trông họ rất khỏe mạnh. Loan đã có lần chứng kiến một vài người tát cạn nước ở vũng trâu đầm, một vũng nước đen đủi đục ngầu và hôi hám, sau đó họ bắt được một chú cá lóc. Không ai bảo ai dường như mọi thứ đã thành thói quen, chỉ cần vài nắm rơm đốt lên nướng sơ qua sơ lại là họ đã ngồi bên nhau ngấu nghiến ngon lành.
 Loan nói tiếp:
- Chị nhớ ngày xưa thỉnh thoảng mẹ mua cá tươi ở chợ về làm gỏi, chu choa gỏi cá sống ăn sao mà nó mát và ngon ngọt thế.
Loan quay qua hỏi Cha Bình:
- Nếu bây giờ có ai làm gỏi cá sống biếu Cha, Cha có dám ăn không?
Cha Bình lắc đầu:
- Ăn vào để chết thì ăn làm gì hở chị Loan, sao chị hỏi khó trả lời quá. Em chỉ dám ăn nếu như Chúa đã làm phép khi chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn.
Loan cười:
- Nghe Cha nói, chị cứ ngỡ mình đang sống cùng thời với Chúa Giêsu, Chị nghĩ bây giờ nếu đem bánh ra thì thiên hạ còn vui mừng, chớ đem cá ra không khéo lại bị chửi đấy.
Cha Bình vẫn chưa chịu thua Loan:
- Khổ quá chị ơi, cá này là cá ở biển hồ chứ không phải là cá ở biển Việt Nam đâu hì hì.

Thời gian phục vụ cùng với Cha Bình ở nơi đất khách quê người đã giúp cho Loan tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm trong việc chữa trị cho bệnh nhân. Một ngày nọ Loan thổ lộ câu chuyện về mình và về gia đình của mình cho Cha Bình:
- Chị luôn áy náy về chuyện này, không biết Cha Bình có thể giúp cho chị được không?
- Chuyện gì vậy, có quan trọng lắm không? Chị cứ nói, nếu được em sẽ giúp chị.
- Chị không phải là con ruột của ba Tân đâu.
Hết ông bà Hoàng giờ lại đến lượt Cha Bình trố mắt ngạc nhiên, và không tin chuyện này:
- Có thật không đấy? Hay là chị chăm sóc cho mấy người ở đây rồi bị lây nhiễm?
- Không, chị nói nghiêm túc mà.
Loan kể lại hết mọi chuyện đã xảy ra cho Cha Bình nghe như đã kể với ông bà Hoàng. Cha Bình nói:
- Nếu đúng như chị nói, thì hãy đợi sau khi kết thúc chuyến đi này trở về lại Việt Nam em sẽ giúp chị, em có vài người bạn khi trước học cùng lớp, hiện  đang làm bác sỹ trong các bệnh viện.
Cha Bình nói tiếp:
- Việc đầu tiên rất đơn giản là thử máu của chị và ông cố Tân.
Loan ngắt lời Cha Bình:
- Nghe chị kể nè: khi chạy tránh bom đạn ở biên giới tây nam, ba chị bị mù mắt và mất máu rất nhiều. Bệnh viện họ yêu cầu người thân trong gia đình cho máu, chị nghĩ mình là con và các bác sỹ đã lấy máu của chị để tiếp, nhưng sau đó không ai có thể tin được là máu của chị lại không thể tiếp cho ba mình.
- Tại sao lại có thể như vậy được…chuyện này xưa nay hơi hiếm đấy và gần như là khó xảy ra.
- Và không riêng gì chị, ngay cả Anh Tâm, bác tài xế của nhà dòng và các chị em đi cùng cũng đều như thế cả, máu của họ không phù hợp để xử lý, chỉ duy nhất có một chị nữ tu là có cùng nhóm máu với ba chị mà thôi.
Cha Bình nói:
- Vậy là ông cố ở nhà thuộc loại máu hiếm rồi.
- Đúng như Cha nói. Chị còn nghe họ giải thích là những cặp vợ chồng nếu thuộc nhóm máu hiếm này, chỉ nên sanh duy nhất một đứa con vì những đứa sau sẽ rất khó khăn hơn. Riêng bà Hiền mẹ của chị thì bị té ngã khi đang mang thai do đó thai bị chết lưu, và sau đó mẹ nói là ba bị hư thận không còn khả năng nữa.
- Thật tội nghiệp cho ông bà cố và chị. Nghe chị kể, em nghĩ có thể bà cố đã nói hết những gì cần nói rồi.
Chỉ còn vài ngày nữa Loan và Cha Bình sẽ trở về quê hương, chấm dứt những chuỗi ngày gian khổ trong việc giúp đỡ người dân ở lục địa châu Phi. Vui mừng vì được về thăm lại mái nhà xưa, nhưng Loan thấy rất khó để nói lời chia tay với các người già yếu bệnh tật, các em bé mồ côi ở đất nước này. Biết sắp sửa phải rời xa Loan, các Sơ và Cha Bình, họ ngồi buồn rơm rớm nước mắt và chả thiết gì ăn uống. Loan thấy thương họ vô cùng, nhưng biết làm sao bây giờ. Nắm tay các cụ và xoa lên đầu các em bé, Loan an ủi họ:
- Hy vọng sẽ có ngày Dì lại được đến đây với mọi người, Dì chỉ về nhà nghỉ phép ít hôm thôi mà.
Chuyến bay chở mọi người vừa đáp xuống phi trường, Loan đưa mắt nhìn thì nhận thấy mọi người ra đón đầy đủ cả, duy chỉ thiếu mỗi một bà Hoàng. Thấm khô những giọt nước mắt vui mừng của ngày đoàn tụ, hỏi thăm sức khỏe của mọi người xong. Loan nhìn anh Tâm:
- Sao Loan không thấy bác gái đâu cả?
- Mẹ Tâm vừa mới nhập viện.
Loan hoảng hốt:
- Bác gái bị sao vậy? hôm qua Loan nghe Cha Bình báo tin Bác ấy vẫn khỏe và đang trông chờ Cha trở về.
- Sáng sớm nay thức dậy, mẹ bước xuống giường chưa kịp đứng thẳng người lên thì ngã vật xuống đất. Đưa mẹ vào bệnh viện phát hiện huyết áp lên cao, giờ đang nằm phòng cấp cứu, không biết có nặng lắm không.
- Hay là mình nói với bác tài chạy xe thẳng tới bệnh viện luôn được không?
Tâm đáp:
- Cám ơn Dì Loan, nhưng hiện thời thì bệnh viện chưa cho người nhà vào thăm, do đó mọi người tranh thủ ra sân bay chốc lát, chỉ còn cháu Chi ở lại bệnh viện, phòng khi có việc phải cần tới người nhà, Dì Loan yên chí. Sau chuyến bay đường dài chắc có lẽ Dì cũng đã khá mệt rồi, thôi Dì về nghỉ cho khỏe, chúng ta sẽ nói chuyện sau và lúc khác Dì ghé thăm mẹ Tâm cũng được.
Qua ngày hôm sau khi đã báo cáo lại tình hình ở Kenya cho bề trên, Loan xin phép đi tới bệnh viện để thăm bà cố. Lúc này mọi người cũng đã ở đây đông đủ, bà cố vẫn chưa tỉnh và đang nằm phòng chăm sóc tích cực. Cha Bình hỏi thăm vị bác sỹ là bạn học cũ hồi trung học, hiện đang chịu trách nhiệm ở phòng này, vị này cho biết tình hình bệnh của bà cố không mấy khả quan, vả lại bà cố cũng đã cao tuổi nên việc chạy chữa gặp nhiều khó khăn, nếu có qua khỏi thì việc bị bán thân bất toại là khó tránh khỏi. Cha Bình nói với bác sỹ bạn:
- Dù có như thế nào cậu cũng cố gắng giúp mình nhé, việc chạy chữa nếu cần gì thì cậu cho mình biết, gia đình sẽ cung ứng đầy đủ. À cũng sắp đến ngày họp lớp rồi, năm nay mình sẽ có mặt vì thời gian vừa qua đi công tác ở châu phi nên đành cáo lỗi với các bạn, hy vọng cậu cũng sẽ có mặt trong ngày đó.
- Mình không dám hứa trước, nếu ngày đó bà cố khỏe mạnh thì sẽ là rất vui phải không Cha.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: