Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

Truyện Dài: Người Hành Khất Trước Cổng Tu Viện - Kỳ 3


Truyện Dài
NGƯỜI HÀNH KHẤT TRƯỚC CỔNG TU VIỆN
Trần Thế Huy

Kỳ 3




Rồi ngày lại ngày qua trên chiếc xích lô, Tâm rảo quanh khắp mọi nẻo đường tìm khách, lắm hôm đạp xe chở khách mệt bở cả hơi tai, mồ hôi ướt đẩm hết vạt áo sau lưng, tuy vất vả nhưng kiếm được chút tiền về phụ giúp gia đình là vui rồi. Đến lúc này nghĩ lại, Tâm mới thấy thương cha mình và cảm phục trước sự hy sinh quá lớn của cha. Tâm thề hứa sẽ cố gắng sống tốt hơn để bù đắp lại biết bao công ơn cha mẹ đã nuôi dưỡng mình.

- Anh Tâm ơi, ngủ dậy chưa? Mau lên chở em đi chợ, muộn rồi đấy.
Tiếng gọi của cô hàng rau đã làm cắt đi giòng suy nghĩ của Tâm. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng tinh mơ là Tâm phải thức dậy đưa đón Phúc, cô em bán rau đến chợ, hôm nào chẳng may ngủ quên là cô ấy réo ầm cả lên, lắm khi đang ngon giấc mà bị phá đám, vợ Tâm cằn nhằn:
- Cô bé nào mà lắm mồm thế?!
Tâm cười toe toét:
- Người ta lắm mồm nhưng mình lắm tiền là ngon rồi phải không cưng.
Qua một thời gian bươn chải trên chiếc xích lô, Tâm đã có được một số mối lái quen thuộc và nhờ đó việc mưu sinh cũng đỡ vất vả hơn.
Sáng nay thức dậy trễ nên khi vừa đến chợ, những bó rau xanh mơn mỡn nhanh chóng được chuyền từ trên xe xuống, lắm khi vội vàng bàn tay cô ấy hầu như nắm trọn bàn tay của Tâm, Phúc nhìn Tâm mỉm cười:
- A cái anh này lợi dụng hén.
Tâm và cô ấy cùng cười vang. Nhưng lâu ngày những lần đụng chạm ấy ít nhiều cũng làm Tâm cảm thấy xao xuyến…
- Ủa anh sao vậy? Hôm nay đưa rau cho em độc làm rớt không à.
Rớt là phải, vì có lúc Tâm cứ mãi lo liếc trộm bàn tay Phúc, phải công nhận là cô ấy có bàn tay thật đẹp và mịn màng với những ngón tay thon thon và móng tay được sơn phết nhẹ màu hồng hồng, chứ không chai sần và nứt nẻ như bàn tay của vợ mình.
Chút cảm giác là lạ giữa hai người vô tình đã nảy sinh ra cái thứ tình cảm khá phức tạp. Cô ấy bỗng trở nên thẹn thùng, không còn tự nhiên như lần đầu nhờ Tâm chở rau nữa, và Tâm cũng vậy.
Phúc ngày càng tỏ ra yêu thương Tâm hơn, đâu phải là cô ấy không có duyên, nhưng Tâm chẳng hiểu vì sao ở cái lứa tuổi ngoài ba mươi mà cô ấy vẫn chưa có chỗ gối đầu. Nhìn vào ánh mắt đắm đuối của Phúc khi nhìn mình, Tâm thấy rất khó xử vì không ngờ lại rơi vào tình huống trớ trêu này.
Một ngày nọ, Phúc tươi cười leo lên xe đoạn quay lại nói với Tâm:
- Hôm nay đắt hàng hết sớm, anh đi chơi với em nghen.
Thấy Tâm ngập ngừng cô ấy nói tiếp:
- Anh sợ hôm nay chạy về ít tiền bị bà xã mắng phải không?
Tâm cuống cuồng trả lời:
- Không…không phải thế đâu.
Tâm chưa nói hết lời thì Phúc chồm lên và nhét tiền vào túi Tâm:
- Anh cầm chút này về mua quà cho cháu nhé.
Không riêng gì Tâm, mà ngay cả những người đàn ông khác, nếu một khi đã ở trong trường hợp của Tâm đều tìm mọi cách để chiếm đoạt và sở hữu thân xác của những người phụ nữ nhẹ dạ, cả tin hòng được thỏa mãn cái nhu cầu bỉ ổi của mình. Thích thú và say mê vì được Phúc, cô hàng rau biếu không cho một mối tình, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì Tâm tự thấy mình không thể làm điều thất nhân thất đức như vậy được, khi mà Tâm chỉ cần gật nhẹ đầu thôi là mọi sự sẽ không còn gì để nói nữa. Đôi khi ngồi bên Phúc, con thú trong Tâm như đang trỗi dậy, Tâm thấy rất hồi hộp và rạo rực trong lòng. Nhìn sang Phúc, dường như Phúc cũng đang háo hức, đang chờ đợi nơi Tâm điều đó. Không biết phải làm sao bây giờ, vì Tâm thấy rất khó để cưỡng lại cơn cám dỗ này. Phúc đang trống vắng và đang thèm khát. Nhưng nếu Tâm cố tình lấp đầy khoảng trống và bù đắp cho Phúc nỗi khát khao ấy, hóa ra Tâm đã làm hại cuộc đời cô ấy. Tránh né Phúc thì tội nghiệp và yêu thương Phúc thì càng gây đau khổ cho cô ấy nhiều hơn, suy cho cùng thì dù sao Tâm cũng đã có gia đình, Tâm không thể vì một chút ham muốn riêng mà phá vỡ hạnh phúc gia đình. Thật quá khó cho Tâm trong trường hợp này…bỏ cô ấy thì thương mà vương vào thì tội.
Phượng vợ của Tâm bây giờ vì bận công ăn việc làm, nên nàng cũng chẳng có nhiều thời gian để chăm lo sắc đẹp cho bản thân mình. Nhưng chính nàng là người đã cứu vớt Tâm ra khỏi vũng lầy tối tăm, đã cho Tâm thấy lại được những giá trị của cuộc sống, Nàng vẫn hết dạ yêu thương Tâm và lo lắng mọi thứ cho cái gia đình bé nhỏ này mà, Tâm không thể phản bội nàng.

Điện thoại trên đầu giường đổ chuông liên hồi, chờ một lúc vẫn thấy Tâm nằm yên không bắt máy, Phượng nghĩ có lẽ đêm qua vì phải chở hàng về muộn nên ngủ khá say, không muốn chồng bị phá giấc ngủ, Phượng bèn choài người sang nhấc máy, nàng chưa kịp gọi hỏi thì đã nghe đầu dây bên kia có tiếng nói:
- Anh Tâm ơi, sao mấy ngày nay anh đi đâu vắng mà không tới chở em đi chợ, nhớ anh muốn chết.
Phượng giật mình khi nghe những lời ong bướm của Phúc cô gái bán rau nói với chồng mình, nàng cúp máy định bụng để khi chồng thức dậy sẽ hỏi cho ra lẽ. Nhưng bỗng nàng thấy bàn tay của Tâm đặt nhẹ lên bờ vai của mình. Tâm ghé sát vào tai phượng thì thầm:
- Không ai có thể lấy mất tình yêu của chúng mình đâu em ạ. Những ngày qua anh không dậy sớm chở cô ấy đi chợ, vì anh chỉ sợ một giây phút nào đó, sự yếu đuối của mình sẽ làm tan nát hạnh phúc gia đình. Tuy cô ấy rất yêu anh, nhưng anh sẽ không chở cô ấy đi chợ nữa đâu em à, anh đã quyết định rồi, từ mai anh sẽ đi tìm mối khác vì anh không muốn mất em và con.
Những giọt nước mắt cảm động chảy nhòe trên mắt Phượng, làm thấm đẩm chiếc gối mà ngày cưới bạn bè đã tặng cho vợ chồng Phượng. Tâm vòng tay ôm lấy thân hình bé bỏng của vợ và nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên mái tóc của nàng, mái tóc đen mượt ngày xưa nay đã trở nên hung hung đỏ, xơ xác và đầy mùi của nắng, của mưa, của bụi đường:­­
- Em nằm nghĩ nhé, có lẽ giờ này khách hàng cũng đang chờ anh đấy.

- A..B..C…Ồ hôm nay con tôi đọc giỏi quá!
Loan vừa tập đọc cho Chi, tên của bé gái mới nhận vào ký túc xá được vài tuần nay. Con bé rất thông minh, lanh lẹ, và điều đặc biệt là bé Chi có đôi mắt sâu thẳm và rất đẹp. Nhìn đôi mắt ấy Loan thấy nó có vẻ quen quen, nhưng Loan không nhớ chính xác là mình đã gặp ở đâu. Mẹ cháu đi làm rất sớm, vừa tới cổng trường trao vội vàng bé Chi cho các Sơ là đạp xe đi ngay, vì thế chưa ai biết rõ về gia đình cháu bé cả. Nhiều lần cháu tranh giành đồ chơi với các bạn nhỏ, bao giờ phần thua cũng thuộc về cháu. Lúc ấy cháu chỉ biết ngồi khóc huhu. Loan thấy thế vội ôm cháu vào lòng dỗ dành:
- Thôi nín đi Dì thương, Dì sẽ lấy cho con đồ chơi khác.
Bé Chi vừa quệt nước mắt vừa nói:
- Không con chỉ thích con mèo kêu meo meo ấy mà thôi.
 Đoạn bé Chi nói tiếp :
- Con sẽ méc ba Tâm cho mà coi.
Nghe tới tên Tâm, Loan giật mình, không lẽ bé gái này là con của Tâm, cháu của bác Hoàng? ừ nhỉ, nhìn đôi mắt nó sao mình thấy giông giống đôi mắt của Tâm thế. Loan hy vọng khi nào có dịp thuận tiện sẽ hỏi thăm mẹ của cháu bé.
Một ngày nọ Loan cất tiếng hỏi bé Chi:
- Sao Dì không thấy ba chở con đi học?
- Dạ, ba con mắc chạy xích lô.
Và bé Chi nói tiếp:
- Xưa ông nội của con cũng chạy xích lô, nhưng độ rày ông già yếu nên để xe cho ba con chạy.
Lại thêm một sự trùng hợp khá là hy hữu. Loan đang tính hỏi bé Chi thêm vài câu nhưng bất chợt có tiếng khóc thét lên, một cháu nhỏ vừa bị té ngã, Loan vội vàng quay qua đỡ cháu đứng dậy đoạn nói với Chi:
- Thôi con học bài nhé, Dì sẽ nói chuyện với con sau.

Vừa chạy về sau một cuốc xích lô đường dài, chưa kịp lau khô những giọt mồ hôi chảy đầy trên trán, Tâm nghe có tiếng hát của con mình: ‘ Ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba…’ Tâm bước nhanh vào ôm con:
- Ô la la, hôm nay con gái của ba hát hay quá. Ai dạy con hát vậy?
- Dạ Dì Loan dạy con hát đấy.
Nhưng ngay sau đó bé Chi giẩy nẩy đẩy Tâm ra và nói:
- Ba đi tắm đi, người ba ướt nhẹp và hôi quá!
Sau khi tắm rửa xong, Tâm lại lên ngồi gần và chơi đùa với con. Bất chợt bé Chi quay lại hỏi ba:
- Ba ơi, Dì Loan nói với con rằng có muốn làm con Dì Loan không?
Tâm giật mình hỏi lại:
- Thế con trả lời Dì như thế nào?
- Dạ con nói là con muốn lắm nhưng sợ mẹ Phượng buồn. Và bé Chi nói tiếp:
- Dì ấy còn bảo với con là có cho Dì ấy đến nhà chơi không? Dì ấy muốn biết mặt ba. Và con còn nghe các Dì nói chuyện với nhau…
Tâm vội hỏi con:
- Vậy các Dì ấy nói chuyện gì?
Vừa cười chúm chím vừa nghiêng đầu ra dáng, bé Chi trả lời Tâm:
- Các Dì ấy hỏi Dì Loan là…con là con nhà ai mà đẹp gái thế? Đoạn bé Chi nói thêm:
- Con còn nghe Dì Loan nói nhỏ với các Dì rằng hình như bé Chi là con của người hành khất. Nghe thấy vậy các Dì ấy bèn hỏi Dì Loan:
- Có phải người hành khất năm nào vẫn hay đến xin trước cổng tu viện không?
Đoạn các Dì ấy phá lên cười:
- Làm sao mà chị biết được con bé là con của ông ấy, hay chỉ đoán mò…
Rồi con nghe  Dì Loan bào chữa như thế này:
- Vậy các chị cứ nhìn kỹ nét mặt của con bé xem, chẳng những đôi mắt nó rất giống người hành khất, hình như giống luôn cả tên họ.
Các Dì ấy vẫn chưa chịu thua:
- Làm thế nào mà chị Loan biết được tên của người hành khất đó?
Thấy Dì Loan đứng im, các Dì ấy tủm tỉm cười:
- Chà chị Loan nhà mình độ rày cũng bí mật dữ hén, hay là gặp phải người tình cũ hihi.
Và con thấy Dì Loan ngúng nguẫy:
- Các chị chỉ được cái giỏi trêu người khác.
Nghe con kể chuyện, Tâm thấy lòng mình nặng trĩu, chàng lo sợ những gì mình làm khi xưa, nếu con bé biết và hiểu rõ, nó sẽ xấu hổ và mang nặng mặc cảm về người cha tội lỗi của mình. Không biết Loan vô tình hay cố ý khi nói ra điều đó, những điều mà Tâm muốn chôn chặt và quên đi. Câu hỏi tiếp theo của bé Chi làm Tâm cảm thấy bàng hoàng xao xuyến và khó trả lời:
- Hành khất là gì hở ba? Mai mốt các bạn ăn hiếp con, con sẽ nói là ba tao là hành khất, ba tao sẽ đánh chúng mày thật đau.
Bé Chi vừa nói xong, Tâm cảm thấy mọi chuyện thật quá phũ phàng, lấy cớ nhức đầu, Tâm hôn con rồi vội vào phòng nằm nghĩ như để tránh né những câu hỏi của bé Chi, những câu hỏi như những nhát dao cắt sâu vào tim gan của mình.


Thời gian thấm thoát trôi nhanh, bé Chi cũng đã lớn mau qua sự yêu thương và chăm sóc tận tình của các Sơ. Nhờ sự động viên, khuyến khích và hướng dẫn của Loan, Chi đã tìm hiểu cặn kẽ và xin gia nhập dòng. Cuối cùng sau những ngày tu luyện miệt mài, Chi đã chính thức được công nhận là thành viên của hội dòng
 Ngày Chi bước lên bàn thờ tuyên khấn, điều làm Chi buồn nhất là ba lấy cớ bị ốm không tham dự được, và Loan tuy hôm ấy vì bận phải đi làm việc từ thiện ở vùng sâu vùng xa chưa về kịp, nhưng qua những gì Chi cho biết, Loan cũng hơi bất ngờ về sự thiếu vắng này, Tâm ốm thật hay chỉ giả vờ để tránh né khi phải đối diện với Loan và các Sơ, những người đã biết quá rõ về cuộc đời của Tâm. Theo suy nghĩ của Loan thì Loan biết rằng, sự thật lắm khi cũng làm cho người ta đau đớn, nhưng ở vào trường hợp này, cho dù có thế nào đi nữa, Tâm phải vui mừng trước ngày hồng phúc của con gái mình chứ?... đến lúc này Loan vẫn áy náy vì chưa thực sự biết nhiều về gia đình, về người cha và ông bà của bé Chi, hỏi thăm Phượng, mẹ của Chi thì bà ấy chỉ mỉm cười, dường như bà ấy cũng không muốn cho ai biết về thân phận của chồng mình. Riêng ông bà của Chi tuy mệt mỏi nhưng cũng đã cố gắng đi tham dự ngày vui của cháu mình, Loan chỉ tiếc lại là một dịp may hiếm có để mình nắm rõ được tình hình về gia đình của Chi bị bỏ lở.

Cơn đại dịch đang tràn về, lúc này khi bước chân ra khỏi nhà, ai cũng đeo khẩu trang che kín miệng mũi để tránh lây nhiễm như đã khuyến cáo. Đây thực sự là một nỗi khó chịu đối với Tâm, vì đạp xích lô đã mệt, lắm lúc phải thở bằng mồm, bây giờ lại phải đeo thêm cái khẩu trang, nhưng không làm thế thì thiên hạ đâu dám ngồi lên xe, họ cứ làm như mọi người là con virus sẵn sàng trao bệnh cho mình. Môi trường sống bây giờ khá là phức tạp, tình trạng ô nhiễm do con người gây ra qua nước thải, bụi khói, tiếng ồn đã ngày càng trầm trọng. Ở các nước văn minh tiên tiến, chỉ cần khạc nhổ bừa bãi ngoài đường hay tiện tay vất mẫu thuốc lá vừa hút xong xuống đường là bị phạt ngay. Riêng người dân trong nước mình, Tâm nhận thấy vấn đề ý thức bảo vệ môi sinh còn quá kém cỏi. Sáng sớm tinh mơ, bước chân ra đường đi lễ, nếu ai đó mắt kém hoặc quan sát không kỹ thì cái chuyện lê la đôi dép đầy phân chó vào nhà thờ là chuyện thường xảy ra, lắm lúc cả buổi lễ chia trí vì phải ngửi những thứ mùi khó ưa này, việc để một con chó đại tiểu tiện ngoài đường, lẽ ra chính quyền phải phạt thật nặng những người chủ của nó…Do môi trường sống không sạch sẽ thì cái việc xảy ra đại dịch này nọ là chuyện sớm muộn phải xảy ra thôi, không thể đổ hết lên đầu ông trời như nhiều người vẫn vu cáo. Bởi vậy cho nên không riêng gì đại dịch, mùi phân chó, mùi nước cống rãnh hôi thối của các gia đình xả ra chảy tràn lan trên mặt đường,dù muốn hay không cũng phải đeo khẩu trang bảo vệ cho bản thân trước đã.
 - Này anh xích lô, làm ơn cho tôi ra chợ huyện nhé.
Từ bên phía cổng nhà dòng, Loan cố gọi đến hai, ba lần, nhưng chẳng thấy Tâm nhìn sang. Phần Tâm do mãi suy nghĩ nên không nghe thấy tiếng gọi của khách hàng, chỉ đến khi anh xe ôm gần đấy lên tiếng:
- Anh Tâm ơi, mấy Dì phước gọi anh kìa.
Tưởng anh xe ôm nói chơi, nhưng khi đưa mắt nhìn sang bên kia đường, thấy có bàn tay ai đó đang vẫy, Tâm mới vội vàng đánh xe qua đường.
Hôm nay tới phiên Loan phụ trách nhà bếp, chiếc xe tải nhỏ mọi lần các chị vẫn đi chợ bỗng nhiên dở chứng, thế nên ngay từ sáng sớm Loan đã phải ra ngoài đón xe khác để đi. Leo vội lên chiếc xích lô mà không để ý bác tài ngồi sau tay lái là Tâm. Loan đưa tay lên nhìn đồng hồ, tỏ vẻ sốt ruột:
- Anh cố gắng chạy nhanh hơn dùm nhé.
Nghe giọng nói quen thuộc, Tâm chỉ dám nói tiếng vâng nhè nhẹ như thể sợ rằng Loan phát hiện ra mình.
Bình thường thì khi có khách trên xe, dù mệt mỏi nhưng giữa khách và Tâm thỉnh thoảng cũng trao đổi vài câu chuyện, thế mà hôm nay Tâm lại im thin thít. Khi đến chợ, thay vì trả tiền cho Tâm, sợ rằng phải chờ đón xe khác thì muộn giờ, Loan mỉm cười nói thêm:
- Anh cố gắng đợi cho ít phút, tôi sẽ ra ngay.
Đồ ăn thức uống đã chất đầy lên xe, Tâm cúi mình lầm lũi đạp, trên xe không ai nói với ai một lời nào. Đã gần đến cổng nhà dòng, Tâm vội kéo cái mũ sụp xuống che bớt khuôn mặt như thể sợ Loan nhận ra mình, sau đó bước xuống xe và khiêng phụ ít đồ cho Loan. Lúc trả tiền xe, Loan ngước mắt nhìn lên vô tình bắt gặp ánh mắt của người chạy xích lô, Loan bỗng giật mình vì ánh mắt sao mà quen quá, ánh mắt của người hành khất trước cổng tu viện, ánh mắt của Tâm, ánh mắt của bé Chi. Không muốn phải gặp thấy nhau trong tình thế này, Loan quay mặt lại và bước vội đi, quên luôn cả những đồng tiền dư chưa kịp thối.
- Chị ơi, tiền chị còn dư nè.
Trở lại chỗ lúc trước ngồi chờ khách, anh xe ôm bèn hỏi:
- Trúng mánh hén, chở các Dì phước là ngon rồi.
Tâm vội phân bua:
- Đâu có gì mà trúng mánh anh Tư, có điều hơi lạ là hôm nay khi trả tiền xe, Dì kia không đợi lấy tiền thối, tui có gọi nhưng Dì ấy làm như không nghe thấy và bước đi thật nhanh vào trong, tiền dư cả trăm chớ đâu phải ít…
Anh xe ôm cười đùa:
- Chắc Dì ấy bo cho anh đó.
- Bo gì mà bo nhiều vậy, theo tui biết thì các Dì ấy làm gì có nhiều tiền mà bo. Tui có con gái đi tu nên tui hiểu mà.
- Chắc là Dì ấy vội quá nên quên đó.Thôi mau mau trả công cho tui một ly cà phê đi hì hì.
Tâm và anh xe ôm đang nói chuyện bỗng nghe có tiếng xe máy phân khối lớn gầm rú ngoài đường. Mọi người vội nhìn ra thì thấy có hai chàng thanh niên cúi rạp mình phóng nhanh, khói đàng sau xe phun mù mịt đường và không lâu sau đó một chiếc xe bồ câu trắng của cảnh sát giáo thông vụt đuổi theo, Tâm nói với anh xe ôm:
- Chắc lại vi phạm giao thông hay cướp giật của ai rồi, chứ nếu không mà cứ chạy cái kiểu này sớm muộn gì cũng banh xác, và nguy hiểm hơn nữa là đụng phải người đi đường.
Anh xe ôm ra chiều bức xúc:
- Giới trẻ bây giờ chạy xe ghê lắm, cứ xem đường sá như là chỉ dành cho riêng mình, ngoài đường mà gặp tụi nó là mình phải mau tránh ra. Mà tui thấy tụi nó bây giờ ngang ngược lắm, đến cha mẹ nói nó còn không nghe nữa huống gì mấy anh cảnh sát giao thông.
Tâm ngắt lời anh xe ôm:
- Đồng ý là tuổi trẻ bây giờ chạy xe bạt mạng, nhưng đôi khi tui thấy tai nạn xảy ra cũng có phần do lỗi của mấy anh cảnh sát giao thông. Các anh ấy rất đúng trong việc thực thi và bảo vệ luật pháp, nhưng theo tui nghĩ có lúc cũng nên mềm dẻo một chút, chứ nếu các anh cảnh sát cương quá rồi nghĩ rằng với loại xe công vụ này, tụi mày có chạy đằng trời cũng không thoát được. Muốn răn đe chúng nó đâu cứ phải đuổi theo bắt cho bằng được rồi nộp phạt, rồi giam xe...Tâm lý sợ hãi đã tác động lên tay lái, và chúng nó phải chạy thật nhanh để trốn thoát, và tai nạn cũng đã xảy ra khá nhiều như anh thấy đó, báo chí cũng đôi lần đề cập tới vấn đề này rồi.
Tâm nói tiếp:
- Trong trường hợp này nếu gặp phải bọn cướp thì anh tính sao?
Anh xe ôm nghiêm mặt lại và khẳng định:
- Với tụi cướp giật giỏ xách dây chuyền, tui thiết nghĩ là nếu gặp tụi này, đừng nói chi đến mấy anh cảnh sát giao thông, gặp tui, tui cũng sẽ liều mạng với tụi nó một phen, nếu không tụi nó ngày càng lộng hành. Anh không xem tivi à, không riêng gì ở nước mình mà tui thấy cảnh sát giao thông ở nước ngoài cũng vậy, vì muốn bảo vệ tài sản cho dân, quyết bắt cho bằng được mấy tên tội phạm nhiều khi cũng bị thiệt mạng oan uổng.
Thấy anh xe ôm hôm nay nổi máu anh hùng, Tâm trêu tiếp:
- Hôm nào tui che kín mặt lại, kêu bà xã chạy đằng sau la cướp…cướp xem thử anh có dám đuổi hông?
- Cướp nào chớ cướp này thì bằng mọi giá, tôi phải cho nó về chầu diêm vương luôn haha.
Có tiếng gọi của khách, trước khi đề máy nổ anh xe ôm còn nói thêm:
- Khi nào anh bị bà xã mắng, anh nhớ là đừng xách xe ra đường nhé, chạy xe trong thái trạng bực tức, hoảng loạn, say xỉn…sứt đầu mẻ trán hay vô nhà đại thể là chuyện ợp-cơ (of course) thôi.
Tâm nói vọng theo:
- Ơ cái thằng cha nội này, hôm nay bày đặt xổ tiếng Anh tiếng em, mà nó làm thầy giáo hồi nào vậy ta.


- Cô ơi, bán cho tôi tờ Tin nhanh.
Trả tiền báo xong, Tâm đảo mắt tìm bóng mát để nghỉ trưa, bình thường Tâm cũng ít có thời gian để đọc báo, nhưng vì lúc này đang có giải bóng đá Euro, tuy Tâm không ham bắt kèo cá độ, nhưng cũng tò mò muốn biết đội nào vô địch. Nhà có tivi nhưng Tâm không theo dõi được vì mỗi khi đi làm về đến nhà thì mệt mỏi lắm rồi. Mở tờ báo ra, cái tít đầu tiên đập vào mắt Tâm là tai nạn giữa người đi xe máy và cô gái bán rau.
- Báo hôm nay có tin gì hay không anh?
 Mặc cho anh xe ôm cất tiếng hỏi, Tâm vẫn im lặng vờ như không nghe thấy gì cả, vì Tâm đang theo dõi và chăm chú với bản tin nói về tai nạn trên, mà nạn nhân bị tử vong tên là Phúc. Tâm giật nẩy người vội vàng ngồi lên cố đọc lại một lần nữa để xem mình có bị nhầm lẫn hay không?
Anh xe ôm ngạc nhiên không biết tờ báo đăng tin gì mà thấy Tâm vẻ như hoảng hốt vậy. Cứ ngỡ Tâm thắng độ banh liền hỏi:
- Chắc tối qua anh được kèo hả?
Tâm buồn bã lắc đầu:
- Kèo với cột gì, anh có biết cô Phúc bán rau mà tui hay chở đi chợ không? Cô ấy bị tai nạn chết rồi…
Lần này đến lượt anh xe ôm ngồi bật dậy, anh ta trố mắt nhìn Tâm:
- Giỡn chơi cha nội, tui mới thấy cô ấy sáng nay ngay cổng chợ.
Tâm thở dài nói với anh xe ôm:
- Anh có nhớ chiếc xe máy lúc sáng sớm do hai thằng thanh niên chạy không? Chúng nó vượt đèn đỏ bị công an đuổi theo, tới cổng chợ gặp lúc cô bán rau băng qua đường thế là húc thẳng xe vào cô ấy luôn. Thiệt là tội nghiệp, nhà cô ấy chỉ còn mỗi mẹ già, thương mẹ, cổ không đi lấy chồng, hứa sẽ ở vậy nuôi mẹ, giờ cổ mất đi lấy ai chăm lo cho bà cụ đây.
Trên đường trở về nhà, Tâm thấy lòng buồn rười rượi. Có lẽ nguyên do là vì Tâm không muốn mọi chuyện tình cảm bên ngoài chi phối hay rắc rối với gia đình của mình, nên đã cố gắng chủ động xa rời Phúc, mặc dầu Tâm biết rất rõ là việc này nó sẽ làm cho mình đau đớn khổ sở. Và chỉ mấy ngày không thấy nhau mà Phúc gặp tai nạn rồi. Phải chăng Phúc vì quá buồn chuyện của hai đứa mà chán nản lơ là, không để ý tới đường sá xe cộ hay là cô ấy tuyệt vọng để rồi dẫn tới…? Tâm không dám nghĩ tiếp nữa. Mọi việc rồi sẽ có chính quyền giải quyết, nhưng dù đúng hay sai thì cũng không còn cách nào để Phúc sống lại và để Tâm nói lời xin lỗi Phúc nữa rồi. Khi Phúc còn sống hai đứa thường quyến luyến bên nhau, chỉ cần một ngày không gặp mặt hoặc không nghĩ tới nhau, là cả hai đã thấy nhớ thương da diết rồi, còn bây giờ thì đành xa nhau mãi mãi, biết đến bao giờ mới được nhìn thấy nhau.
Thấy chồng buồn bã và không thiết gì tới ăn uống, Phượng tìm cách an ủi:
- Thôi anh à, giờ có buồn thì cũng thế thôi. Mọi sự coi như đã chấm hết từ đây. Từ lâu em vẫn biết là Phúc rất thương anh, và có thể nói là cô ấy cũng rất yêu anh. Theo em nghĩ, nếu anh vẫn còn quí mến và thương nhớ cô ấy, thì hãy thay cô ấy thăm hỏi, an ủi và nếu được thỉnh thoảng ghé nhà và chăm sóc cho mẹ cô ấy…Chắc ở nơi xa cô ấy sẽ rất vui.
Thấy Tâm yên lặng, Phượng nói tiếp:
- Trước kia có lần anh đã nói là anh không muốn vì tình cảm với cô bán rau mà mất em và con, anh còn nhớ không? Lẽ ra bây giờ anh phải vui mừng vì vợ và con của anh vẫn còn đây, vẫn yêu thương anh.
Lặng lẽ đưa tiễn Phúc về nơi an nghĩ cuối cùng, ông trời như cũng khóc thương người con gái bạc mệnh, gieo xuống những hạt mưa lâm râm. Nhìn mẹ của Phúc khóc ngất lịm bên quan tài của con khiến cho ai nhìn thấy cũng phải rơi lệ. Dìu bà bước tới phần mộ của Phúc, Tâm thấy đôi vai bà rung lên từng chập một, sau đó bà vuột khỏi bàn tay Tâm và ngã quỵ
Sau đám tang của Phúc, nỗi nhớ thương day dứt làm cho Tâm như người mất hồn, lắm lúc mang xích lô ra chạy khách đi đường giơ tay vẫy gọi, nhưng Tâm chẳng thiết tha gì nữa. Phượng vợ Tâm rất hiểu tình trạng của chồng, nàng không trách cũng không nói gì, vì nàng biết, có nói ra lúc này cũng chẳng được gì lại như châm thêm dầu vào lửa mà thôi, nàng hy vọng thời gian sẽ làm nguôi ngoai nỗi buồn của chồng mình. Hơn nữa theo Phượng nghĩ, tuy sự ra đi của Phúc để lại quá nhiều đau xót cho Tâm, nhưng đó cũng chính là cơ hội để giải thoát hai người khỏi cơn lốc ái tình, không còn phải vướng vào vòng xoáy tội lỗi nữa.

Bình, đứa con trai út của ông bà Hoàng đã tốt nghiệp đại học, qua bao nhiêu vất vả đợi chờ, cuối cùng mọi ước muốn của ông bà đã thành hiện thực. Không kỳ vọng Bình sẽ đi làm nuôi mình, nhưng thấy tương lai của con có phần tươi sáng hy vọng nó không phải vất vả lam lũ như ba mẹ và các anh chị của nó, chỉ nghĩ tới đó thôi là ông bà thấy vui mừng và an tâm lắm rồi. Một ngày nọ hai ông bà thấy Bình kéo ghế ngồi lại gần ông bà và nói:
- Thưa ba mẹ, con xin ba mẹ cho con đi tu.
Nghe con nói vậy ông bà Hoàng im lặng. Ngồi suy nghĩ một lúc ông Hoàng thong thả giải thích cho con:
- Con à việc đi tu là việc rất khó, nếu dễ thì giáo hội đâu đến nỗi thiếu vắng Linh Mục, con không thấy sao cả mấy ngàn giáo dân mà chỉ có một người Mục Tử, ngay cả xứ mình đang ở đây, đã hơn năm mươi năm thành lập nhưng cũng chưa có lấy một vị.
Bình đáp lời cha mẹ:
- Việc này con đã suy nghĩ kỹ rồi. Ở ngoài đời nếu cố gắng lắm con cũng chỉ lo được cho cha mẹ mà thôi, nhưng nếu Chúa thương chọn con, con sẽ giúp được rất nhiều mảnh đời bất hạnh cả về phần xác và phần hồn.
Nghe con nói vậy, ông bà Hoàng thiết nghĩ với trình độ học cao hiểu rộng của con, có lẽ nó đã suy nghĩ chín chắn rồi. Ông tiếp lời Bình:
- Nuôi con lớn lên, lo cho con ăn học, khổ cực đến đâu ba mẹ cũng chẳng lấy làm điều. Nay con đã có ý định như vậy ba mẹ rất mừng. Nhưng ba cũng nói trước cho con biết, đừng nghe người ta hát: “ ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ ai ơi” hoặc giả “ tu là cõi phúc” mà lầm tưởng nhé. Khi xưa ba cũng có một người bạn đi tu, đến khi làm Linh Mục, ba tới thăm chúc mừng và đùa với người bạn ấy rằng, từ đây sắp tới làm cha thiên hạ sướng ghê. Nhưng người bạn của ba nghiêm mặt lại và…
Bình sốt ruột muốn nghe ba kể tiếp vội hỏi:
- Và gì nữa ba?
Ông Hoàng mỉm cười và nói:
- Thong thả ba sẽ kể cho nghe…Rồi vị Linh mục bạn nói với ba như thế này:
- Anh đừng tưởng bở nhé, khổ lắm… khổ lắm!
Ba thấy thế cũng lấy làm lạ:
- Đi tu thì có gì mà khổ? Này nhé, không vợ không con ngay cả tiền bạc cũng không phải lo.
Nhưng ông ấy lắc đầu nguầy nguậy và ông ấy nói thêm một câu này làm ba nhớ mãi:
- Đời Linh Mục là một cuộc tử nạn trường kỳ.
Đoạn ông nói tiếp với Bình:
-  Đấy con thấy chưa, ba kể cho con nghe để con biết rằng, tuy Linh Mục không lập gia đình, đâu phải bận tâm về chuyện vợ con, lại càng không phải khổ cực vì mãi lo chạy kiếm tiền để chu cấp cho gia đình như ba mẹ và những người khác. Nhưng lại rất vất vả vì phải chế ngự, phải chiến đấu chống lại kẻ thù là tham sân si luôn tiềm ẩn bên trong mình, nói nghe thì dễ đấy con ạ, nhưng khi đã lâm trận rồi, cũng có kẻ thắng người thua như con thấy đấy. Con hãy cầu nguyện nhiều hơn để xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh nhé.
Nói và khuyên nhủ con như thế, nhưng ông bà Hoàng rất tin tưởng ở nó, vì ngay từ tấm bé thằng Bình đã thể hiện rõ nét là một đứa con chí hiếu, ngoan ngoãn.

Vừa đi học về đến nhà, bé Chi cất tiếng gọi nhưng không thấy ba đâu cả, nó bèn chạy ra ngoài hiên nhà nơi Tâm đang ngồi hút thuốc. Trông thấy ba con bé liền nói:
- Ba Tâm ơi, mấy hôm nay Dì Loan không dạy học cho con.
Tâm vội hỏi con bé:
- Thế Dì đi đâu mà không dạy?
Giọng bé Chi chùng xuống:
- Con nghe các Dì kia nói là mẹ của Dì Loan đau nặng lắm, Dì ấy phải vào nhà thương chăm sóc cho mẹ.
Độ rày hai gia đình cũng ít liên lạc, bởi vậy khi nghe con nói thế, Tâm cảm thấy lo lắng cho bà Hiền mẹ của Loan. Tâm đứng dậy và tìm gặp ông Hoàng:
- Ba à, con nghe cháu nói bà Hiền mẹ của Loan ốm nặng, ba thu xếp rồi hai cha con mình cùng vào thăm.
Hay tin ông Hoàng cũng sửng sốt không kém:
- Lạy Chúa tôi, tại sao lại ra nông nỗi này? Ba mới ghé nhà ông bà Tân tháng trước, thấy hai ông bà vui vẻ khỏe mạnh lắm mà. Thôi được rồi để ba đi mặc quần áo, còn con mau chạy ra tiệm tạp hóa đầu ngõ mua sữa và trái cây đặng vào thăm bác ấy.
Vì không gian bệnh viện quá rộng, nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, ông Hoàng tỏ ra mệt mỏi vì phải leo lên lầu bốn, lại xuống lầu ba mà vẫn chưa có kết quả. Chợt thấy có cô y tá bước lại gần, Tâm khẽ gọi:
- Cô ơi, phiền cô cho tôi hỏi bà Hiền hiện nằm phòng nào?
Cô y tá nhìn Tâm lắc đầu:
- Cả một cái bệnh viện rộng thênh thang này, và có rất nhiều bệnh nhân tên Hiền làm sao tôi biết hết được. Anh thông cảm lên trực ban hỏi nhé.
Tâm chán nản:
- Cám ơn cô nhiều.
Hai cha con ông Hoàng đang dáo dác tìm hỏi phòng bệnh nơi bà Hiền nằm điều trị. Bỗng Tâm nhìn thấy một người con gái dáng vẻ trông giống như Loan, đang bước đi cùng với một người đàn ông trạc tuổi như ông Hoàng ba mình. Cả hai bước đi rất nhanh, Loan đưa mắt nhìn thoáng qua nhưng không nhận ra Tâm có lẽ vì đã quá lâu không gặp. Tâm chưa kịp đuổi theo thì đã thấy ba mình tươi cười đứng trước mặt họ. Ông Hoàng đưa tay chỉ về phía Tâm, và cả hai đều quay lại nhìn. Thấy ba giơ tay ra dấu Tâm vội vàng bước lại gần, lúc này mọi người mới ồ lên vì đã nhận ra nhau. So với trước ông Tân nay đã già đi rất nhiều, những nếp nhăn hằn sâu trên khuôn mặt, tóc trên đầu cũng đã trắng nhiều hơn. Duy chỉ có Loan là vẫn không thay đổi, tuy bây giờ có chững chạc hơn trước, nhưng thời gian cũng không làm nhan sắc của nàng bị tàn phai. Loan vẫn trẻ đẹp như ngày xưa, làn môi lúc nào cũng đỏ và xinh như mộng, miệng Loan luôn nở một nụ cười tươi như hoa, đôi mắt vẫn đen và sáng long lanh. Tâm liền nhớ lại cũng đôi mắt này, ngày ấy đã mê hoặc và làm điêu đứng bao trái tim của các chàng trai làng, trong đó có Tâm…Tâm cứ đứng ngẩn ngơ nhìn khiến Loan bối rối:
- Loan giống người ngoài hành tinh lắm phải không, cớ sao anh Tâm nhìn Loan kỹ vậy?
Tâm ngại ngùng trả lời:
- Đâu có, Tâm đang nghĩ đến những ngày xưa thân ái.
 Loan cười đùa:
- Ô anh Tâm biết mơ mộng và làm thơ hồi nào thế…hihi.
Tâm chưa kịp trả lời Loan, thì đã nghe thấy tiếng ông Tân vang lên cắt đứt câu chuyện giữa hai người:
- Phòng bà nhà tôi nằm ở trên lầu hai, chúng ta lại đằng kia đi thang máy cho đỡ mệt.
Căn bệnh ung thư bao tử của bà Hiền đã bước qua giai đoạn hai, nó tiến triển quá nhanh làm cho bà mau chóng gục ngã, bà không ăn được gì cả, chỉ uống tí nước và sữa, do đó người bà gầy rạc hẳn đi. Trông thấy ông Hoàng và Tâm vào thăm bà rất vui đến ứa nước mắt, bà nói:
- Cám ơn cha con ông đã đến thăm, tôi thấy trong người khó chịu và đau đớn lắm, chắc không sống nỗi.
Ông Hoàng thấy thế vội an ủi bà:
- Ấy ấy bà chớ quá lo, mọi sự đã có Thiên Chúa xếp đặt. Bà chịu khó uống thuốc và ăn ngủ là sẽ chóng hết bịnh thôi.
Đến lúc này bà Hiền vẫn chưa biết là mình bị bệnh gì, vì theo lời khuyên của bác sỹ, cả ông Tân và Loan đều muốn giấu nhẹm, sợ bà Hiền biết sẽ làm cho bà bị sốc ảnh hưởng đến tâm lý, và việc chữa trị vì thế sẽ càng thêm khó khăn. Một vài người trong xứ đạo nghe tin cũng đến thăm, thấy vậy hai ông  cùng bước ra ngồi ngoài ghế đá trước cửa phòng để nhường chỗ cho khách.
 Ông Tân nói nhỏ như sợ bà Hiền nghe thấy:
- Như anh biết đấy, bà nhà tôi rất cẩn thận trong vấn đề ăn uống, bà ấy sống điều độ lắm, ấy thế mà tôi cũng không hiểu vì sao lại mắc phải căn bệnh quái ác này.
Nghe ông Tân nói, những nỗi bức xúc trong ông Hoàng lâu nay bỗng trỗi dậy:
- Thì như anh thấy đấy, thực trạng của xã hội ngày hôm nay đang đứng trước nguy cơ là ngày càng có nhiều người bị mắc bệnh ung thư, đủ các loại ung thư. Căn bệnh ung thư đã hủy hoại tuổi xuân, phá nát tuổi già và giết lần giết mòn ngay cả tuổi thơ. Nhìn những em bé mới lên hai lên ba nằm quằn quại trên giường bệnh, vì ung nhọt đang gặm nhấm cơ thể, không biết những người đã sản sinh ra các chất độc có hối hận không? Những người đã trộn hóa chất vào thực phẩm để kiếm lời bất chính có còn lương tâm không? Họ còn ác độc hơn khi bôi những chất nguy hiểm cấm sử dụng lên mọi thứ đồ chơi, là những sản phẩm giúp con em họ mở mang trí tuệ, giúp các cháu bé phát triển tốt về nhận thức. Người sử dụng, người tiêu dùng cứ vô tư ăn uống mà đâu có biết rằng mình đang tự đầu độc bản thân. Nhìn các cháu bé ngậm món đồ chơi trên miệng, những người tường tận chỉ biết lắc đầu thở dài ngao ngán…Các cháu đang ngậm phải căn bệnh ung thư vào người.
Ông Tân lắc đầu và như để trút cạn nỗi niềm ông nói tiếp:
- Trái đất này rồi cũng qua đi và mọi cái ở trên đó cũng cùng chung số phận với nó, ấy thế mà chỉ có những hạng người gian ác mới không nghĩ rằng mình rồi cũng sẽ phải qua đi, sẽ trở về hư không…Tiếc thay cũng một kiếp người.
Ông Hoàng như vẫn chưa hết bực dọc:
- Anh đọc báo thì biết, cướp của và giết một mạng người, đây là tôi chỉ nói một mạng người thôi nhé, đủ để lãnh án tử hình rồi. Thế thì có một loại người chuyên giết đồng loại của mình, và giết rất nhiều người bằng thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng và thuốc bảo quản trái cây, bảo vệ thực vật…Ăn vào người ta sẽ không chết ngay nhưng sẽ chết từ từ…Theo anh, anh nghĩ sao? Riêng đối với tôi, cái loại người này phải đưa cả giòng họ, cả ba đời ra tùng xẻo trước bàn dân thiên hạ.
Thấy ông Hoàng hôm nay nộ khí xung thiên quá, ông Tân tìm cách hạ nhiệt:
- Tội ai người đó chịu, cớ sao phải tru di tam tộc?
Ông Hoàng nhấn mạnh như để ông Tân thấy rõ:
- Vậy là anh chưa hiểu ý tôi. Này nhé: thằng bố pha thuốc, sai thằng con đi bán rồi nhờ thằng cháu nội đi lấy tiền dùm…cả ba đời cùng biết mức độ độc hại, cùng tham gia kinh doanh thu lời bất chính. Và như vậy thì từ bố đến con rồi tới cháu đều mang trọng tội, và phải cùng chịu một bản án giết người, xử bắn loại người này cho xã hội nó tốt đẹp hơn là điều mà ai cũng mong muốn.
Ông Tân thở dài:
- Không biết mai mốt tôi có bị giống bà nhà tôi không, vì mọi đồ ăn thức uống hai vợ chồng tôi đều chia sẻ cho nhau.
Ông Hoàng thấy ông Tân lo xa quá, ông nói như để đồng cảm với bạn mình:
- Đâu phải chỉ riêng mình anh mà cả hai chúng ta cùng…hãy đợi đấy hì.
Rồi cũng đến lúc phải chào mọi người ra về. Trên đường về Tâm hỏi ông Hoàng:
- Ba có thấy gì không?
Ông Hoàng như đoán trước được ý nghĩ của Tâm:
- Thấy gì? Thấy con Loan vẫn đẹp như xưa chứ gì.
 Ông nói tiếp:
- Trông ánh mắt của mày nhìn nó là tao biết hết.
Rồi ông chậc lưỡi:
- Giá mà hồi đó mày sống ngoan ngoãn đàng hoàng thì tao đã hỏi con Loan cho mày rồi.
Ông Hoàng vẫn chưa biết là Loan đi tu khi ông hỏi nhỏ:
- Ủa mà sao tao không thấy chồng con của con Loan đâu cả? Hổng lẽ bằng tuổi này mà nó chưa lấy chồng sao? Người như nó sao mà ế ẩm được.
Tâm thì tuy có vài lần gặp ở cổng nhà dòng, nhìn ánh mắt và nghe qua giọng nói, Tâm đoán người nữ tu ấy cũng có thể là Loan, nhưng vì khuôn mặt nàng bịt khăn che kín nên Tâm vẫn nghi ngờ chưa dám nói lên điều mình suy nghĩ với ba. Tưởng thằng Tâm con mình bị rầy la rồi giận dỗi không thèm nói, nên ông dịu giọng:
- Thôi chuyện lâu rồi, mà tao thấy mày lấy được con Phượng vợ mày cũng là hết sẩy rồi haha.

Trời vừa tảng sáng đã nghe thấy tiếng ông Hoàng oang oang trước cửa:
- Tâm ơi, hôm nay nghỉ chạy, để xe cho ba mượn.
Cứ nghĩ ông Hoàng lấy xe ra chạy tập thể dục, Tâm lên tiếng:
- Ba già rồi đi bộ thong thả nó khỏe hơn.
Ông Hoàng lại ầm ĩ:
- Tập gì mà tập, hôm nay ba chở một ông khách đặc biệt.
Tâm cười ồ lên:
- Khách nào mà dám ngồi xe ba thì gan hơi bị to đấy.
Tưởng ba nói chơi, một lúc sau Tâm thấy ông Hoàng đi ra cùng với Bình. Tâm mới sực nhớ hôm nay là ngày chú út vào chủng viện. Giơ tay vẫy chào anh, Bình mỉm cười:
- Tính nhờ anh chở đi, nhưng ba nói là ba muốn chở em đi cho nó thắm tình cha con…hì
- Thôi cầu chúc em đi bằng an, thỉnh thoảng ghé về thăm nhà nghen.
Lâu lắm nay lại được ngồi thử sức với con ngựa già của mình. Ông Hoàng leo lên xe và bắt đầu đạp, tay chân của ông hơi run nên thỉnh thoảng chiếc xích lô chao đảo. Bình thấy thế vội nói:
- Ba à, nếu ba mệt thì để con chạy phụ cho.
Ông Hoàng mỉm cười:
- Không sao, ba chạy được mà.
Đoạn ông nói thêm:
- Con tưởng xích lô dễ chạy lắm hả. Ba và anh Tâm của con khi mới tập chạy cũng té ngã nhiều lần. Thôi cứ ngồi yên đấy, không sao đâu.
Vừa tới cổng chủng viện, bạn bè của Bình chạy ra chào và nói:
- Không ai sướng bằng anh Bình nhé, được bố già chở đi học bằng xe xích lô.
Bình trêu lại các bạn:
- Hãy đợi đấy. Mai mốt tớ sẽ bắt các bạn gọi ba của tớ là ông cố xích lô cho mà xem.
Bình vừa nói xong các anh em chúng bạn vỗ tay cười ầm vang. Ông Hoàng thấy thế cũng vui lây:
- Thôi ông cố xích lô chào các chú đây.
Lại được một trận cười vang lên. Ông Hoàng cảm thấy trong người bỗng khỏe hẳn ra. Quay ngoắt đầu xe, ông vừa đạp vừa hát khe khẽ.
Trên đường trở về nhà, vừa chạy tới cổng nhà dòng Mến Thánh Giá, thì ông trông thấy có một chị nữ tu đang vẫy gọi, ông vội tấp xe vào lề, chị nữ tu tiến ra và chuẩn bị bước lên xe, ông Hoàng giật mình khi nhìn thấy người này. Ông lên tiếng:
- Loan, có phải Loan đó không?
Loan cũng sửng sờ không kém khi biết người chạy xích lô là ông Hoàng.
- Con chào bác, con là Loan đây.
Trông thấy Loan vừa ở trong nhà dòng ra, ông Hoàng liền hỏi:
- Thế cháu tìm ai ở trong đó?
Loan trả lời:
- Nhà cháu đây mà.
Ông Hoàng trố mắt nhìn Loan:
- Cháu nói xạo..à..mà cháu đi tu hồi nào sao bác không biết?
Loan chỉ nhìn ông mỉm cười không nói.
Phần ông Hoàng lúc đầu nghe nói, ông cứ tưởng là Loan đùa nhưng khi nhìn qua tướng mạo cũng như cách ăn mặc đơn giản của Loan, ông nghĩ có lẽ con bé nó nói thật, vì thời buổi bây giờ giới trẻ nó đâu có để kiểu tóc như Loan, quần áo thì luôn chạy theo các xu hướng thời trang Âu Mỹ, ra đường thì bôi son trát phấn chứ ai để mặt mộc thế kia.
- Thế ba mẹ cháu có nhà không?
 Loan phì cười sau câu hỏi như đùa của ông Hoàng:
- Đây là dòng nữ, ba cháu đâu có được…tu ở đây.
Thích thú vì câu nói của Loan, hai người cùng cười vang. Sau đó Loan hỏi nhỏ:
- Kỳ nọ cháu nghe nói bác đã nghỉ chạy xe rồi mà?
Ông Hoàng đáp lời:
- Thì đúng rồi, mấy năm nay sức khỏe kém nên bác nghỉ ở nhà. Mà cháu đang tính đi đâu bây giờ?
Loan ngại ngùng không biết tính sao…hổng lẽ bác ấy đã yếu mà mình ngồi yên trên xe coi sao được.
Thấy Loan ngập ngừng, ông Hoàng hiểu ý vừa cười vừa nói:
- Thôi cứ coi như bác tập thể dục vậy, cháu lên xe đi.
Sợ rằng mình không đi sẽ làm cho ông ấy buồn, rồi đâm ra nghĩ ngợi lung tung. Loan miễn cưỡng leo lên xe và nói:
- Bác cho cháu tới nhà trẻ ở đằng kia, cuối nhà thờ đó.
Cảm giác ngại ngùng lúc đầu cũng bớt dần, Loan tò mò:
- Thế lúc nãy bác chở khách đi đâu?
 - À bác chở thằng Bình con út của bác ấy mà. Hôm nay nó nhập học ở chủng viện.
Loan trố mắt:
- Thật vậy hả bác? Cháu có lời chúc mừng bác nhé.


Tưởng rằng nơi ở mới sẽ mang lại ấm no hạnh phúc cho gia đình. Thế nhưng đời mấy ai học được chữ ngờ, chỉ sống yên ổn được một thời gian thì xảy ra cuộc chiến tranh biên giới.
Nhìn lại cơ đồ đã gầy dựng sau chuyến di tản năm xưa, ông bà Tân một lần nữa lại phải đắng lòng rời xa nó. Làng trên xóm dưới đã có không ít người bị bọn lính diệt chủng pôn pốt sát hại, thôi đành phải chấp nhận bỏ hết của cải lại chỉ mong giữ được mạng sống. Ngoái nhìn cánh rừng cao-su mơn mỡn của gia đình bị tàn phá, những cành điều đang trổ hoa bị gãy đổ và héo úa sau mỗi trận càn quét, ông Tân thở dài chán nản. E rằng chần chừ sẽ rất nguy hiểm, Ông bà vội mang theo ít đồ dùng cá nhân chạy theo làn sóng người tị nạn.
Sau giờ cơm tối, trong chương trình thời sự trên ti vi, bắt gặp những hình ảnh trên Loan cũng rất lo lắng và sốt ruột cho ba mẹ. Xin phép bề trên, Loan tìm gặp ông Hoàng, hy vọng ông ấy có thể nắm rõ được tình hình chiến sự và vì là chỗ quen biết với gia đình, may ra ông ấy liên lạc được với ba mẹ của Loan.
Biết gia đình ông bà Tân đang khốn đốn vì phải chạy trốn bom đạn, biết Loan đang rất đau buồn về việc này…Và vì không muốn ân nhân của mình phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, ông Hoàng nói với bà:
- Chắc tôi phải lên đó xem sao…tôi cũng không yên lòng khi thấy gia đình ông bà Tân lâm vào cảnh này.
Bà Hoàng biết rõ, nếu để ông Hoàng đi lúc này sẽ rất nguy hiểm, vì bom đạn nó vô tình, chẳng may…bà không dám nghĩ tiếp nữa.
Nói xong, ông Hoàng qua mượn đỡ chiếc xe máy của vợ chồng đứa con gái rồi cùng với Tâm, hai cha con lên đường.
Từ xa đã nghe thấy tiếng súng, tiếng bom đạn ầm ì. Một dòng người như làn thác lũ cuồn cuộn xuôi về hướng đông, tiếng xe máy các loại gầm rú inh ỏi cùng với tiếng người hớt hãi gọi nhau, đã làm cho không gian núi rừng vốn yên tĩnh trở thành một bức tranh hổn độn ồn ào.
Hai cha con ông Hoàng đứng quan sát hai bên, dõi mắt nhìn thật kỹ dòng người như sợ ông bà Tân trà trộn vào trong đó và bị cuốn đi mất. Một người đàn bà trượt chân té ngã gần nơi ông Hoàng đang đứng, như một nghĩa cử quen thuộc ông Hoàng vội chạy lại và đỡ người đàn bà ấy lên. Người đàn bà ngữa mặt lên để cám ơn ông, nhưng thay vì cám ơn bà hét lên làm ông Hoàng giật mình:
- Anh Hoàng, có phải anh Hoàng đó không?
Sau giây phút định thần lại, ông Hoàng không ngờ mình gặp được bà Hiền trong tình huống này, và ông Tân cũng vội vàng bước lại gần, ông tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhận ra ông Hoàng, ông cảm động khi biết rõ về ý định của hai cha con ông Hoàng khi lên đây, mọi người ôm chặt lấy nhau mừng mừng tủi tủi. Sau đó vì thấy bà Hiền mệt mỏi và yếu, Tâm lấy xe chở bà Hiền đi trước, còn hai ông cùng nắm chặt tay nhau đi theo dòng người, đi được một quãng khá xa, ông Tân kéo tay ông Hoàng:
- Trời nắng quá, thôi anh em mình vào trong cái chòi kia nghỉ tạm.
Quả không sai với dự đoán của bà Hoàng…bom đạn nó vô tình…Tranh thủ lúc đang nghỉ ngơi, ông Hoàng bước ra sau vườn đi vệ sinh. Bất chợt ông nghe tiếng đạn cối réo trên đầu kèm theo sau là một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Hoảng hốt ông ngoái nhìn về phía sau, căn chòi tranh nơi ông và ông Tân vừa ngồi nghỉ bốc cháy ngùn ngụt. Lo sợ có chuyện không hay xảy đến với ông Tân, ông Hoàng vụt chạy lại căn chòi, miệng không ngừng kêu tên ông Tân:
- Anh Tân ơi…anh Tân…anh có sao không?

Trả lời ông chỉ có ánh lửa bập bùng và tiếng cây gỗ của căn chòi tranh cháy nổ tí tách. Qua làn khói mù mịt, ông thấy một bóng người vừa bò qua khỏi đám cháy, ông chạy lại và nhận ra người đó là ông Tân, lấy hết sức bình sinh ông vội bế xốc ông ấy chạy ra xa căn chòi đang hừng hực lửa. Mặt mũi ông Tân bê bết máu và đen nhẻm vì lửa khói.

(còn tiếp) 

Không có nhận xét nào: