Đôi khi, những người đang sống muốn cố quên đi những qúa khứ đau buồn là lúc họ tìm lại can đảm để sống cho khoảnh khắc hiện tại và thời gian dài kế tiếp. Thế nhưng, ký ức vẫn trở về mạnh mẻ, chế ngự và chiến thắng. Hai người anh cả, những cánh chim đầu đàn của Tiểu chủng viện Sao Biển Nha Trang đã vĩnh viển nằm yên oan nghiệt, từ lâu trong miền quên lãng: Linh mục Võ Kinh và Linh mục Nguyễn Luân.
Đôi bạn chân tình Kinh Luân đã có một thời rất dài sống gắn bó như hình với bóng, cùng đi cùng về ngay lúc thiếu thời lạ lẫm bước vào Chủng viện. Đến khi một người chết đi, người bạn kia cũng không vui để sống nữa, hình như họ hẹn nhau từ kiếp nào. Đôi bạn chân tình này sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nhỏ bé và nghèo nàn, hai nhà lúc đầu cách nhau 3 cây số, đến năm 1958, tình bạn đã kéo họ về ở gần nhau hơn, chỉ hơn 100m lúc đó thuộc giáo họ Hòa Huỳnh, Giáo Xứ Gò Muồng, Ninh Hòa; nay là giáo xứ Hòa Thanh,
Đá Bàn một địa danh tử thần nỗi tiếng ở những năm đầu sau 30 tháng 4 năm 1975, trại cải tạo Đá Bàn. Để nói về vùng quê nghèo nàn và nhỏ bé thời đó, khó ai có thể tưởng tượng, hình dung ra khung cảnh đời sống của người dân lam lủ khổ cực như thế nào. Nếu ai đã từng thấy một vùng Kinh tế mới, mới thành lập sau ngày giải phóng ở ven một khu rừng thưa lấp thấp nối liền đến chân núi, nhà cửa rất mộc mạc nằm cách nhau một vài trăm mét . Giáo họ Hòa Huỳnh thời đó có vỏn vẹn không quá 100 giáo dân kể cả lớn nhỏ. Nhà nguyện nằm chơ vơ một cỏi trên sườn dốc và nay đã nhiều năm " nền củ lâu đài bóng tịch dương", nhường chổ cho một ngôi thánh đường mới xa hơn vài cây số, chính thức ngang tầm một giáo xứ: Giáo Xứ Hòa Thanh, Đá Bàn. Nơi đây, người dân lương giáo sống chung nhau đông đúc, cuộc sống đi lên với nhiều đổi sắc so hơn nửa thế kỷ trước.Khi viết đến đây, người em nhỏ bé Sao Biển nhớ lại một câu bất hủ:" máu người tử đạo sản sinh những người có đạo", cái chết của hai người anh cả 57 vì tự do,công lý là hạt giống tin mừng cho mảnh đất xa lạ này.
Đôi bạn chân tình này, họ là ai? Chú Kinh ngày xưa là con duy nhất của một đôi vợ chồng nông dân, ông bà Hồng suốt đời sống rất lam lủ khổ cực, những khi nghỉ học ở Chủng viện, chú Kinh về nhà phụ cha mẹ xây bột làm bún đủ để bán lẻ cho vài người cần mua về nhà ăn, không phải quán xá nhộn nhịp như bây giờ. Cha mẹ chú Kinh thời đó thường hay bệnh tật, vì một phần ngôi nhà quá ẩm thấp, không đủ che mưa che nắng. Sân nhà đã chật hẹp, nhưng vì quá vất vả cha mẹ chú Kinh cho một người thuê làm quán hớt tóc.
Những năm tháng đi học, chú Kinh bỏ lại cha mẹ cùng ngôi nhà khiêm tốn để theo tiếng gọi của Chúa cùng lý tưởng truyền giáo mà cuối cùng ngài đã đạt như mong muốn. Những năm tháng dài học và tu đức ở Chủng viện, một chú Kinh bé nhỏ, loắt thoắt như ông Gia kêu đã có những ưu điểm, thành tích, tánh tình vui vẻ nhanh nhẹn. Ngoài ra, chú Kinh mang về cho Sao Biển những thành tích xuất sắc về thể thao nhất là bóng đá: nhiều năm liền chú Kinh là thủ quân của Chủng viện. Chắc hẳn các anh cả và những anh lớn Sao Biển hiểu rõ hơn thằng em này nhiều.
Mùa hè năm 1973 đánh dấu một vinh quang cho đôi bạn chân tình : Cha Kinh và Cha Luân thụ phong Linh mục cùng một thời điểm tại nhà thờ chánh tòa Đà Nẵng do Đức cha Chi tấn phong bên cạnh cha bảo trợ của hai tân Linh mục, cha Xuyên chánh tòa Đà Nẵng. Có một thời rất dài, cha Kinh phụ trách Giáo Xứ Lữ Gia nay là Phước Hòa, Nha Trang. Cũng nơi này cha chịu cảnh tù tội, rồi ra đi tìm đường sống trong cái chết ngoài biển khơi, không một người thân bên mình, ở tuổi không quá 40. Trong một lần gặp nhau tại quán cà phê Piano , tôi được nghe Hoàng Anh 73 (đang sống ở Na Uy) kể chi tiết về chuyến đi này .
Ngày nay , trên bờ biển Thanh Hải còn trơ lại vết tích của bức tường chắn sóng ngày xưa của TCV, trông như một tấm bia mộ chung của những anh em Sao Biển đã bỏ mình trong biển cả bao la.
Còn chú Luân thì sao? khi thấy được chú Kinh, đã hé mở thấy chú Luân đầy đủ ở đó, từ lúc thiếu thời đến khi làm Linh Mục. Chỉ khác nhau về vóc dáng, cao thấp, người trầm tĩnh người năng động; cuộc sống vật chất của gia đình chú Luân có phần khá hơn chú Kinh, cha chú Luân là một công chức, trưởng phòng hành chính Quận thời đó. Ông đã chết trong trại cải tạo Đá Bàn năm 1977, tình trạng mang nhiều bệnh tật và kiệt sức.
Khác hơn nữa, khi lên Đại chủng Viện đôi bạn chân tình mỗi người học một trường: thầy Kinh học ĐCV Xuân Bích Huế, thầy Luân học ĐCV GiuSe, đường Cường Để, Saigon. Năm 1973, sau khi thụ phong Linh mục, cha Luân được bổ nhiệm làm cha phó Hộ Diêm, rồi làm cha chính Giáo Xứ Thủy Lợi năm 1975.( Tìm hiểu thêm báo Vietcatholic).
Cũng nơi này, công việc mục vụ chưa được bao lâu, vào tháng 2 năm 1976, cha Luân bị bắt rất bí mật tại Nha Trang,tạm giam tại đây để lại bao nhiêu việc bề bộn ngổn ngang trong giáo xứ, cũng có kẻ buồn cũng có người vui, hoặc dững dưng ngay trong giáo hội của giáo phận. Cha Luân biền biệt ra đi mãi không về, lang thang qua các nhà tù trại giam, cuối cùng định cư ở trại giam A20, Xuân Phước, La Hai, Huyện Chí Thạnh, tỉnh Phú Yên; và chết tại đây hưởng đủ 11 năm tù, quá sớm với bản án chung thân, hưởng dương ở tuổi 42. Ngôi mộ cha Luân nằm thẳng hàng trên một sườn đồi cùng các tử tù khác,bên cạnh cha Vàng DCCT, người đã một lần đến vùng đất nghèo nàn của hai cha Kinh và Luân , sau một đêm giảng đạo tại một ngôi trường tiểu học, đã đưa về cho Chúa hơn 500 giáo dân, được rửa tội tập thể trong bàn tay cha Lạc giáo xứ Gò Muồng, Ninh Hòa. Cha cũng đã chết tại bệnh viện Phan Rang ở tuổi 52, lúc đang thụ án tại nhà tù Mỹ Đức, Phan Rang. Trở lại ngôi mộ cha Luân, chỉ có một tấm bia đá khắc tên Linh Mục Nguyễn Luân,nằm trước ngôi mộ bằng đất vun lên. Công an quản giáo trại giam biết bia mộ này do một người tù đã mãn án xin được lập để tưởng nhớ và đền ơn. Quạnh hiu, yên lặng và lạnh lùng như ngọn đồi Golgotha ngày xưa, sau giờ Chúa chết. Đến năm 1995 như một phép mầu, ngôi mộ đã được gia đình cải táng ,vì nhiều lý do nhạy cảm nên âm thầm mang tên " Phêrô Nguyễn Lý " ( Tên tộc của ông cố Philipphê ) nằm cạnh mộ người cha là Philipphê Nguyễn Luận tại giáo xứ Gò Muồng, sau tượng đài Đức Mẹ đã gần 25 năm nay.
Hôm đám tang Cha Giám Đốc FA Nguyễn Tôn Sùng tại Hộ Diêm, Nguyễn Ngọc Tuấn 74 kể lại trong giấc mơ đã gặp được Cha Luân. Tuấn có một ước mong cháy bỏng là xây cho cha một ngôi mộ.
KÝ ỨC SAO BIỂN không hẳn là một phóng sự, một tài liệu lịch sử hay tiểu sử về nhân vật, đôi khi
đề cao mang tính thiếu trung thực, nhưng ở đây góp nhặt những ký ức thật , giá trị thật tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua. Điều muốn nói hơn nữa, Ký ức cho ta thấy thân phận của hai người Anh Cả 57, đã có một mãnh đời oan nghiệt, không dám nói một uộc đời vì có đi hết cuối đời đâu? Nhìn những người Anh Cả 57 đang sống và những người Anh đầy sức sống, Ký ức mang đến sự nuối tiếc, ngậm ngùi cho thân phận ngắn ngủi, chưa thực hiện được bao nhiêu ước mơ, hoài bảo đã sớm lìa đàn ra đi trong một trận chiến bất cân sức. Không dừng lại ở đó, Ký ức mong mang đến cho những người Anh Cả, những người anh kế tiếp, những người em trong gia đình CSB Nha Trang niềm tự hào vì có những người Anh như thế, xứng đáng được tặng Danh Hiệu " Giòng máu Anh Hùng".
Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương lòng để tưởng nhớ đến hương hồn Hai Anh. Trên cao, nơi Vĩnh Hằng cùng với Chúa nhớ đến chúng tôi là những người bạn, những người em luôn hãnh diện và luôn sống can đảm vì đức tin và Công Lý, có Chúa và các Anh đồng hành.
Nguyễn ĐứcThắng 72