Đức Mẹ Tà Pao
Ông Hai, bác Ba, chú Tư, dì Năm, cô Sáu, thằng Bảy đi lên GX Trúc Lâm, Hạt Phương Lâm, Giáo Phận Xuân Lộc chứng kiến sự lạ Đức Mẹ về…nhìn nét mặt ai nấy đều hồ hỡi phấn khởi làm Nhóc cũng háo hức và ước ao được một lần mãn nhãn.
Khép vội vàng cánh cửa xong, bầu trời bên ngoài cũng đã tối, Nhóc leo lên chiếc xe du lịch 12 chỗ ngồi trực chỉ lên GX Trúc Lâm. Sau hơn một giờ đồng hồ lăn bánh, kia rồi: GX Trúc Lâm đã sừng sững trước mặt. Đó đây từng tốp, từng tốp người lũ lượt kéo về phía cánh đồng mà sau này hỏi thăm Nhóc được biết tên cánh đồng ấy còn được gọi là "cánh đồng Cha". Một con đường đất lớn rộng cỡ 4m trải dài ra trước mặt, hai bên toàn là ruộng nước; lũ ếch nhái đua nhau kêu ồm ộp, Nhóc và thằng cháu (con bà chị vợ) tìm mãi mới có được một chổ để ngồi; tưởng là trời mưa lất phất, gió lạnh và nhiều muỗi sẽ thưa vắng ít người; nhưng không… Nhóc nghe lòng mình ấm lại và cảm động khi thấy đoàn lũ con cái đã không quản ngại đường xa, mưa gió, lầy lội… để đến tụ họp nơi đây: hầu mong được chứng kiến sự hiện hữu của Mẹ Trời đất đến với con cái loài người.
Ngồi hoài cũng mỏi, Nhóc và thằng cháu bèn ngả lưng xuống mép đường ruộng; chẳng màng chi tới bùn đất dơ bẩn dính vào quần áo. Chung quanh mọi người cũng bắt đầu nằm bệt cả ra đường. Trời đã về khuya; vì không có đồng hồ, nên Nhóc không có tí khái niệm nào về thời gian… có lẽ giờ này cũng muộn lắm rồi vì đôi mắt của Nhóc đã nặng trĩu…
Tiếng đọc kinh râm ran khắp nơi làm Nhóc bừng tỉnh hẳn. Nhóc bèn ngồi vụt dậy và dõi mắt theo hướng mà mọi ngưòi đang chăm chú… Từ trên bầu trời đen thăm thẳm, một ánh sao nhỏ… nếu chỉ có thế thì chả có gì lạ cả, nhưng không, từ từ ánh sao ấy càng lúc càng xuống gần, thấp đến nỗi những đám ruộng ngập đầy nước (chưa cấy lúa) ngay trước mặt Nhóc sáng hẳn lên và phản chiếu lung linh. Nhóc không thể tin vào mắt mình nữa… Sự việc này diễn ra trong khoảng nửa giờ đồng hồ và sau đó, cũng như lúc xuất hiện, ánh sao từ từ đi lên cao, nhỏ dần nhỏ dần và chui biến vào trong đám mây, và cũng thật lạ lùng, đám mây ấy bỗng nhiên sáng hẳn lên và tỏa những hào quang ra xung quanh. Sự việc này cũng giống như mặt trời khi bị đám mây nhỏ che khuất.
Tiếng chuông ban mai của nhà thờ đã đổ, mọi người tranh thủ ra xe để trở về. Ai nấy đều mang trong lòng mình sự hồi hộp, niềm vui mừng và những cảm xúc lâng lâng thật khó tả… Tuy nhiên những sự việc mà Nhóc chứng kiến, chắc cũng không có gì và cũng không đáng để so sánh với sự việc mà Nhóc đã nghe kể lại là ở một trường tiểu học thuộc GX Trúc Lâm, trường này tọa lạc gần "cánh đồng Cha" (có thể có thiếu sót do truyền khẩu, nhưng dù thế nào đó vẫn là lý do và là cội nguồn chính đáng để mọi người nhận biết và tìm ra được Bức Tượng Mẹ Tàpao đã bị quên lãng sau bao nhiêu năm đứng dưới rừng tre trúc rậm rạp trên lưng chừng núi). Câu chuyện bắt đầu khi các em nhỏ trong giờ học đã chứng kiến hình ảnh Một Bà xinh đẹp bất ngờ xuất hiện ngoài lớp học và từ từ di chuyển cho đến khi biến mất trên ngọn núi Tàpao. Theo nhiều người, có thể Mẹ hiện đến để ra dấu cho mọi người tìm đến kính viếng Bức Tượng Mẹ bị bỏ quên chăng, và cũng thật là hy hữu, chỉ ít ngày sau đó, Nhóc nghe mọi ngưòi vui mừng báo tin cho nhau là đã tìm thấy một Bức Tượng Đức Mẹ trong rừng tre trúc rậm rạp trên núi Tàpao qua sự hy sinh vất vả của một số người đã cất công kiếm tìm. Và mọi người kháo nhau: đây là Bức Tượng đã được Bà Trần Thị Lệ Xuân (phu nhân của Ông Ngô đình Nhu) cho đúc và dựng lên núi trong khoảng thập niên sáu mươi. Khi tìm được thì Bức Tượng đã bị mài mòn theo thời gian rất nhiều. Tương truyền ngay cả đôi mắt của Bức Tượng Mẹ được làm bằng ngọc bích cũng đã bị móc mất tự hồi nào…Thế là giữa chốn rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt, hàng hàng lớp lớp người từ khắp phương xa tuôn nhau kéo đến kính viếng và cầu xin Mẹ.
Rồi cũng đến ngày Nhóc được đi lên Tàpao tham quan. Hôm ấy là ngày 13/10, theo lệ thường thì mọi người hay lên hành hương kính viếng Đức Mẹ tại GX Fatima, Giáo phận Sài Gòn (mọi người vẫn thường quen gọi là cầu Bình Triệu), nhưng bỗng dưng tự nhiên lần này, Nhóc lại đổi ý và rủ rê một số người lên thăm viếng Đức Mẹ ở núi Tàpao.
Chuyến xe chở Nhóc, bà xã Nhóc, các cháu nhỏ và một số người rồi cũng phải dừng lại ở trạm kiểm soát ngay đầu đường dẫn vào huyện Tánh Linh (thuộc tỉnh Bình Thuận), ngã ba này thuộc về Căn cứ 6 (địa danh quen thuộc thường gọi xưa nay).
Bác tài xế đã xuống khỏi xe để xem tình hình, một số bà con lắc đầu chán nản và không ít xe phải quay đầu về, hết hy vọng rồi! Nhưng một ý tưởng lạ bỗng xuất hiện trong đầu Nhóc và Nhóc phải thú thật là chưa bao giờ Nhóc đeo Ảnh Áo Đức Bà…nhưng chả hiểu vì sao lần này Nhóc lại đeo Ảnh Áo ấy vào cổ lúc lên xe. Thấy mọi người có vẻ buồn rầu vì không được đi tiếp và hết thảy đều im lặng chờ đợi. Phần Nhóc thì không hiểu tại sao mình lại bình tĩnh mà làm được việc này, đến bây giờ Nhóc vẫn chưa tin đó là sự thật: Trong lúc tình hình rất khó khả quan, chả biết làm sao bây giờ?! Bỗng Nhóc nhớ đến dây Áo Đức Bà đang mang ở cổ, một tay Nhóc cầm cổ áo kéo cho rộng ra và sau đó Nhóc cúi đầu xuống rồi ghé miệng vào trong áo thầm thì kêu xin:
"Mẹ ơi, đã bao nhiêu năm Mẹ ở trên núi có một mình, nay chúng con đi thăm Mẹ đây, xin Mẹ giúp chúng con." Thật là lạ lùng, sau khi kiểm tra qua loa giấy tờ, xe của Nhóc đã vượt qua được trạm canh thứ nhất một cách dễ dàng. Sự việc diễn ra giống như sự việc Thánh Thiên Thần đã dẫn đưa Thánh Phêrô ra khỏi trại giam … Các xe khác đều bị chặn lại và chối từ. Họ nhìn xe của Nhóc được chạy vào mà không hiểu vì sao?!
Nhưng bất ngờ tình hình lại thay đổi… Chiếc xe tuần tra của trạm canh chạy thật nhanh, qua luôn cả xe của Nhóc và ngừng lại chốt chặn ở trạm thứ hai và bắt xe Nhóc quay đầu trở ra. Vì chở dư hai người, nên tuy rằng đã quay đầu xe nhưng phải tấp xe vào bên lề và ngừng lại để chờ hai người kia quay ra, vì họ đã xuống xe vượt qua trạm canh trước rồi (nếu không sẽ bị phạt chở khách quá quy định). Trong lúc chờ đợi , Nhóc lại một lần nữa ghé miệng vào trong cổ áo cầu xin… Và ô kìa cũng thật là lạ lùng; chiếc xe tuần tra vừa chạy vào lúc nãy đã quay trở ra và khi đi ngang qua xe của Nhóc, họ không quên ra dấu là phải ra về. Thấy họ đã bỏ đi, Nhóc bèn nói với bác tài:
- Hay là quay đầu vào chạy tiếp.
Vì sợ bị phạt nên bác tài có vẻ do dự, nhưng nhóc đã trấn an bác tài:
- Nếu bị phạt, chúng tôi sẽ đóng phạt.
Thế là sau khi đã vượt qua được hai trạm canh, xe của Nhóc lại bon bon vào mà không gặp thêm bất cứ trở ngại nào nữa… Nhóc lại một mình âm thầm cám ơn Mẹ mà lòng vẫn hoài nghi về những sự việc trên…Thật là đáng tội, đáng tội!!! Thế rồi suốt cả một ngày hôm ấy, duy nhất và cũng chỉ có được một chiếc xe vào trong núi Tàpao là xe của Nhóc. Tung hô Mẹ.
Vì ở đây hoang vu và lạnh lẽo, nên Nhóc bàn với mọi người quay lên GX Trúc Lâm (Hạt Phương Lâm) để đến tối xem ngôi sao lạ. Ý kiến của Nhóc chưa ngã ngũ thì một số dân địa phương (dân ở đây đa phần ngoại giáo) cho biết: Tối ngày 12/10 tức là đêm hôm trước, có một Bà mặc áo choàng xanh hiện xuống sát gần mái tôn của trường học, nhìn thấy sợ hãi lắm…
Thế là mọi người thay đổi ý kiến và tìm cho mình một chổ để nghỉ ngơi chờ đêm xuống. Nói là chỗ nghỉ nhưng thật ra là đám cỏ trống nằm ngay sát cạnh bờ sông và ngay bên là đám rẫy đậu xanh tươi tốt. May quá có một cái chòi dựng tạm, chỉ đủ chỗ cho vài người lớn và các em nhỏ. Trời vẫn mưa lất phất cộng thêm những cơn gió dưới con sông nhỏ thỉnh thoảng lại thổi lên lạnh coóng. Nhóc và vài anh bạn bèn đốt một đống lửa nhỏ ngay cạnh chòi để sưởi, thỉnh thoảng cùng quay đầu hướng về Tượng Mẹ trên núi cao và đọc Kinh Mân Côi. Cơn buồn ngủ lại kéo đến, Nhóc bèn lân la sang quán cà phê nhỏ gần đấy. Vừa chờ đợi cà phê Nhóc vừa nghe hai mẹ con chủ quán xì xầm với nhau:
- Tối hôm qua má có sợ không? Con thấy BẢ quậy quá sợ ghê! Bây giờ nhớ lại con còn nổi da gà đây nè.
- Sợ chứ sao hổng sợ! Người mẹ vừa bưng ly cà phê cho Nhóc vừa trả lời cô con gái. Nhóc nổi máu tò mò bèn hỏi bà chủ quán:
- Bác có thấy thiệt không?
- Chú không tin ráng thức tí nữa mà xem.
Uống xong ly cà phê, ngó xem đồng hồ ở quán cũng đã gần 12 giờ đêm, Nhóc bèn quay về chòi, bà xã Nhóc vẫn ngồi bế thằng con út, còn lại hai đứa con khác của Nhóc đã nằm ngủ lăn khèo cạnh mẹ. Nhóc đang ngồi nói chuyện với bà xã thì đột nhiên có tiếng người la hét thất thanh ngay đám rẫy đậu xanh phía sau lưng Nhóc. Bà xã Nhóc tưởng có ai bị rắn cắn hay bị làm sao bèn giục Nhóc:
- Anh mau chạy ra xem người ta bị cái gì?
Nhóc quay người phóng nhanh ra khỏi chòi, chạy đến gần mới nhận ra đó là một cô gái. Cô ta không đợi cho Nhóc hỏi thăm, tay vẫn chỉ lên trên núi, có lẽ vì quá hoảng sợ; nên miệng cô ta cứ ú ớ:
- K…ì…a… B…à…
Toàn thân Nhóc bỗng run lên và Nhóc không thể tin vào mắt mình được nữa… Nhóc hét toáng lên:
- Mẹ, Mẹ kìa.
(Khi viết đến đây, sự cảm động được chứng kiến hình bóng Mẹ tuy đã lâu… nhưng sao hai hàng nước mắt cứ tuôn chảy xuống gò má của Nhóc).
Thật vậy, từ trên lưng chừng núi một bóng hình sáng như lân tinh xuất hiện, trông giống như tượng Đức Mẹ ban ơn mà mọi người vẫn thấy. Bóng hình này cao khoảng 4 mét, từ từ di chuyển xuống gần chân núi, tuy là bóng hình nhưng những cử động quay qua quay lại giống hệt như người thường, có những lúc bóng hình Mẹ như đang cúi xuống và giang hai tay ôm lấy đoàn con đang quây quần dưới chân núi, thỉnh thoảng Cỗ Tràng Hạt bên hông tà Áo Mẹ sáng hẳn lên.
Tiếng đọc kinh ca hát vang rền khắp nơi. Từ trên lưng chừng núi bóng hình Mẹ cứ lúc ẩn lúc hiện và kéo dài từ 1 giờ đến 4 giờ sáng.
Hai đứa con của Nhóc thấy ồn ào cũng chạy ra xem; vừa nhìn lên núi các cháu vừa run và nói với mẹ chúng: Mẹ ơi, con sợ lắm!
Để khỏi hoài nghi về sự việc này, Nhóc và ông anh cột chèo đi quan sát tất cả là bốn địa điểm và bất cứ từ góc độ nào bóng hình Mẹ vẫn không thay đổi. Và khi bóng hình Mẹ đang hiện hữu trên núi, Nhóc nhìn thấy có một số ánh đèn pin chiếu từ dưới lên thẳng vào bóng hình Mẹ…nhưng lạ lùng thay ánh đèn dừng lại ở bóng hình Mẹ chứ không đi xuyên suốt và nó như bị một vật cản lại. Thằng cháu con bà chị cầm máy chụp hình đứng sau lưng Nhóc và nói: khi nào chú thấy bóng hình Mẹ hiện ra thật rõ, chú nhớ nhắc cháu chụp hình. Nhưng tiếc thay không riêng gì nó bị hư hai cuộn film mà những người khác cũng vậy…đem film đi rửa chỉ toàn một màu đen thui. Thằng con trai lớn của Nhóc thì nhanh chân chạy ra ngồi sát mép bờ sông để được nhìn thấy rõ ràng hơn và nó còn may mắn là mượn được cái ống nhòm của người bên cạnh. Nó kể lại: "Con thấy bóng trắng ấy giống y hệt tượng Đức Mẹ, di chuyển từ từ xuống dưới chân núi và ở phía dưới chân thì có vài ngôi sao nhỏ… Rồi khi bóng trắng ấy đi lên các ngôi sao nhỏ cùng lên theo cho đến khi cả bóng trắng và ngôi sao cùng biến mất".
Lúc này là 4 giờ sáng ngày 14/10… Nhìn từ xa về phía huyện Tánh Linh, đã thấy đèn xe pha sáng rực cả lên. Có lẽ mọi người đã chầu chực đâu đó suốt cả đêm và hơn hết là mong cho "giờ giới nghiêm" được bãi bỏ để tràn vào. Tuy trời chưa sáng hẵn nhưng vùng rừng núi Tàpao bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên, tiếng còi xe, tiếng người gọi nhau, xen lẫn với tiếng đọc kinh ca hát…thật là vui như trẩy hội.
Xe của Nhóc bắt đầu lăn bánh. Ngước nhìn lên đỉnh núi Tàpao, Nhóc thầm cám ơn Mẹ đã ban cho nhóc… tuy là kẻ tội lỗi nhưng được lãnh nhận biết bao Hồng ân kể từ khi vượt trạm canh, và diễm phúc hơn cả là được chiêm ngưỡng bóng hình Mẹ Trời Đất, tuy không hiển hiện rõ ràng như người thật, nhưng Đức Tin mách bảo cho Nhóc một cách chắc chắn rằng: Mẹ, chính là Mẹ đó.
Tiếng xì xầm tiếc nuối của bốn người cùng đi chung xe là họ không được trông thấy gì cả (chỉ có 10 người là được thấy bóng hình Mẹ). Thật là tội nghiệp cho họ mà không ai hiểu lý do vì sao? Có thể do mắt họ bị kém, bị cận thị chăng?!
Lạy Mẹ Tàpao và cũng là Mẹ Sao Biển của chúng con, xin Mẹ gìn giữ và giúp anh em Sao Biển chúng con…và mọi người vượt thoát bể trần gian dễ như: Vượt Trạm. Cám ơn Mẹ.
Biên Hòa, mùng 4 tết Mậu tý.
Trần Thế Huy 72
1 nhận xét:
Huy ơi: Nhóc là Huy phải không? Chuyện này có thật hay Huy nghe kể lại vậy?
Đăng nhận xét