Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

TÌNH MẸ, CÁI ĐÓI VÀ SỰ THÀNH CÔNG.

TÌNH MẸ, CÁI ĐÓI VÀ SỰ THÀNH CÔNG.
Trần Thế Huy.


(Giải ba( không có giải nhất) cuộc thi viết do báo Vietinfo.eu ở Cộng hòa Séc tổ chức)

Tôi không sinh ra vào những năm tháng 1945, để được chứng kiến nạn đói khủng khiếp xảy ra ở Bắc
Việt. Thật là kinh hoàng khi người ta giết nhau, chỉ vì tranh giành một con cóc, một con nhái, một củ khoai sống vừa mót được ngoài nương rẫy…thậm chí họ còn dám sát hại ngay cả đồng loại của mình để ăn thịt! Cơn đói đã làm cho họ trở nên mù quáng trong suy nghĩ, quên hết lương tâm và coi nhau như kẻ thù.

Trận chiến khốc liệt năm 1975 đã đưa đẩy gia đình tôi dạt vào vùng quê hẻo lánh. Bản thân tôi thì vừa mới thôi học, Cha Mẹ tôi trước giờ chỉ đi làm thuê trong các căn cứ của lính Mỹ, nên việc bắt tay vào nghề nông đối với gia đình tôi là cả một vấn đề! Vì chưa quen, vì những năm đầu sau chiến tranh lại thường hay xảy ra mất mùa...Do đó củ khoai mì đã trở thành lương thực chính trong bữa ăn của gia đình tôi! Cha tôi do vướng phải bom mìn nên thường xuyên đau nhức, vì những miểng đạn còn sót lại trong cơ thể, cùng với những bữa ăn chỉ toàn rau với củ, cộng thêm sự vất vả của nghề nông, đã làm cho cơ thể ông ngày càng gầy kiệt. Cuối cùng thì ông cũng nhắm mắt chia tay vĩnh viễn với mẹ con tôi.

Cố gắng đứng dậy sau nỗi đau mất mát quá lớn ấy, tôi xin phép mẹ đi học nghề. Cho tay vào chiếc túi, nơi cái áo cũ vá chằng vá đụp, mẹ dúi vào tay tôi vài đồng tiền cũ, mà tôi nghĩ là mẹ đã cất giữ nó từ rất lâu, vì cầm những đồng tiền trên tay nhưng tôi vẫn cảm nhận được mùi mồ hôi của mẹ.

- Con hãy cố gắng và sống sao cho xứng với phẩm giá con người, dù có phải chịu đói khát, khổ cực nhé, mẹ yên tâm về con.

Sau đó, tôi quyết định xin đi học lái xe cơ giới, vì dẫu sao: “ ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”.

Năm 1978 Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Vì chịu ảnh hưởng chung, nên lương thực chủ yếu của học sinh chúng tôi lúc bấy giờ là bobo, nhiều nơi còn gọi với cái tên khá mỹ miều là cao lương. Nghe đến cái từ cao lương, chắc không ai trong chúng ta không nghĩ tới một bữa ăn đầy cao lương mỹ vị, đầy ắp cá thịt rượu bia, thức ăn toàn sơn hào hải vị. Nhưng không, cái cao lương mà tôi nói tới ở đây không mỹ vị chút nào, nó khô không khốc, không béo bở, không mùi vị…Thậm chí tôi nói thật xin quí vị đừng cười: ăn như thế nào, nó ra như thế đó…còn nguyên hạt, nguyên màu. Thế nhưng vì là tiêu chuẩn, nên nó được cấp phát giới hạn, cho nên không bao giờ có đủ để mà ăn cho no! Do đó cái đói thường xuyên trụ trì với đám học sinh cơ giới chúng tôi. Đôi lúc quá đói, chúng tôi liều lĩnh chui vào rẫy mía của nông dân trồng gần trường, bẻ trộm vài cây mía, ngấu nghiến cho ruột gan đỡ cồn cào.

Số là để chuẩn bị cho bữa sáng của hàng trăm học sinh, cánh nhà bếp phải nấu cơm ngay từ chiều. Biết được việc này, chúng tôi bàn nhau là tối đến, sẽ đột kích vào nhà bếp để lấy trộm cơm.

“ Ăn cắp quen tay-ngủ ngày quen mắt”, thấy việc lấy cắp cơm an toàn, dễ dàng và không bị cái đói hành hạ nữa, nên đêm nào chúng tôi cũng làm đầy một thau, rất no bụng và ngon miệng, dù chỉ là ăn với muối hột. Và người ta thường bảo: “đi đêm có ngày gặp ma”, quả thật không sai chút nào, dường như cánh nhà bếp cũng đã phát hiện ra sự việc.

…Đồng hồ điểm mười tiếng, đó đây trong trường đã tắt đèn đi ngủ. Giờ này như mọi khi chúng tôi vẫn hành động, thế nhưng sao đêm nay bỗng dưng có tiếng chó sủa hơi nhiều, cảnh giác chúng tôi nằm im chờ đợi. Tiếng chó đã yên ắng, chúng tôi nháy nhau lần mò xuống bếp. Trời tối như mực, cả bọn phải rón rén từng bước và đi thật sát vào nhau. Bỗng thằng bạn đi đầu bấm tay ra dấu cho chúng tôi dừng lại, tất cả đều đứng im phăng phắc mà không hiểu lý do vì sao? Được chừng năm phút, bất ngờ thằng bạn đi đầu vụt chạy và sau đó là những tiếng hô to: ăn cắp cơm, bắt lấy chúng nó…Thế là chúng tôi cũng mạnh ai nấy chạy, tôi may mắn lọt xuống một cái mương nhỏ và nép mình vào đó, mặc cho muỗi kiến tha hồ đốt.

Sáng hôm sau, đang giờ học, tôi thấy thầy giám thị bước vào, trên tay cầm một mảnh giấy nhỏ. Và sau đó lần lượt bốn đứa chúng tôi bị gọi lên văn phòng làm kiểm điểm. Có một điều mà chúng tôi vẫn không hiểu là vì sao thầy cô lại biết rõ tên từng đứa một? Vì trước khi đi ăn cắp cơm, bao giờ bọn tôi cũng trải chăn, buông màn và để dép ngay ngắn dưới chân giường, vờ như có người đang ngủ.

Giờ ra chơi, bọn tôi tìm gặp nhau ôn lại chiến tích, thằng bạn đi đầu kể rằng: đi gần tới chảo cơm, nó bỗng phát hiện có một cái gì vừa đen vừa tròn gần ngay trước mặt, đợi mãi sốt ruột, nó bèn lấy tay thử sờ lên cái vật đen tròn ấy…hóa ra đó là cái đầu hói của ông thầy dạy môn nông học, giật nẩy người nó vùng chạy, thế là ông thầy í a í ới kêu bắt kẻ cắp cơm to gan dám rờ đầu mình.

Sau lần đó, tạm thời chúng tôi không dám tái diễn trò đạo cơm ấy nữa, vì sợ bị đuổi học. Và riêng tôi đêm về nằm gác tay lên trán nghĩ lại, tôi cảm thấy hối hận vì đã quên lời mẹ dặn dò trước lúc ra đi… Nhưng với nghề cơ giới nặng thì không nói ra, các bạn vẫn có thể hiểu được nó vất vả thế nào, khi phải cầm trong tay một con bù loong, một cái cờ lê to quá khổ, và chỉ cần tháo ra hay để gắn một mắt xích quá nặng vào xe ủi, thì hai chén bo bo buổi sáng , buổi trưa và buổi chiều, nào thấm tháp vào đâu! “…Dù phải chịu đói khát, khổ cực…” Lời mẹ dặn năm xưa lại một lần nữa, đã giúp tôi cố gắng vượt qua.

Vậy mà…

Giờ nông học hôm nay quá nặng nề, với gương mặt có vẻ bực tức và khó chịu của ông thầy, chẳng ai hiểu lý do vì sao? Nhưng khi chỉ còn khoảng mươi lăm phút nghỉ giải lao, ông thầy bỗng lên tiếng:

- Tôi không hiểu lý do vì sao, một kỹ sư đã tốt nghiệp đại học nông nghiệp như tôi mà không trồng nổi một đám rau muống?!

- Ủa rau muống dễ trồng mà thầy? ở quê em chỉ cần dắm dúi sơ sơ là nó mọc rất nhanh. Có đó ai chợt hỏi.

Để làm chứng cho câu chuyện, ông thầy dẫn cả lớp ra xem cho tỏ tường. Quả thật dưới ánh nắng ban mai, đám ruộng rau muống như vừa trải qua một cơn lũ, xác xơ nghiêng ngả…trong khi đám thủ phạm chúng tôi đứng gần đó giả vờ xuýt xoa tiếc nuối. Có gì đâu, cứ tối đến khi những cơn đói cồn cào, tôi và mấy đứa bạn lại rủ nhau ra ruộng rau muống, rồi sau đó mạnh ai nấy vơ , cào, đến khi nào thấy đủ thì thôi, trở về lán, rửa qua loa rồi cho lên bếp và cùng nhau húp sùm sụp.

Ngày tốt nghiệp tôi báo tin cho mẹ, cũng là ngày tôi được tin mẹ lâm trọng bệnh, đang nằm cấp cứu. Lao nhanh đến bệnh viện. Tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc và chai sần của mẹ, bàn tay đã một đời lam lũ vì chồng, vì con. Tôi xin lỗi mẹ vì đã quên, không vâng nghe lời mẹ. Nhưng với một tình thương bao la, mẹ không hề trách mắng những việc xấu xa tôi đã làm. Mẹ hài lòng và mỉm cười mãn nguyện ra đi, trên tay vẫn cầm lấy mảnh bằng tốt nghiệp của tôi, như ngàn lời nhắn nhủ.

Trần Thế Huy.


3 nhận xét:

Nguyễn Đức Thắng nói...

Tốt nghiệp xong mấy năm sau mới có bằng mà. ...

Nguyễn Đức Thắng nói...

Tốt nghiệp xong mấy năm sau mới có bằng mà. ...

THÍCH TIỆN NGHI nói...

Bằng này là bằng nghề Thắng ơi. Cám ơn Cậu đã đọc. See You again