Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

In Loving Memory - Kính nhớ thân phụ bạn Nguyễn Ngọc Dũng


 
Bác Nguyễn Ngọc Thanh, thân phụ của bạn Nguyễn Ngọc Dũng SB72 đã được Chúa gọi về tháng 10 năm 2016.

Bạn bè Sao Biển 72 cùng kính nhớ.




Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Nhớ Bạn

6 năm trước tụi mình ngồi uống bia tới khuya khoắc, quán bar chỉ còn lưa thưa vài người. Rồi cùng đi dạo bờ sông,  đi dài dài tới công viên Embarcadero này...kể chuyện ngắn chuyện dài, vui buồn lẫn lộn. Rồi mình đưa bạn ra xe để bạn lái về. Mình nhắn 'lái xe cẩn thận nhé" , bạn cười "ok, đừng lo"
Nào ngờ
đó là lần cuối còn được gặp nhau


Nhớ bạn lắm







Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Gia đình Hà mới định cư tại Texas




Chào AE,
Như các bạn đã biết.
Gia đình Hà mới định cư tại Texas (đang ở chung với gia đình con gái và rể)
Hôm qua Phú và mình có đến thăm.

AE rảnh rổi gọi phone vận động cho Hà với nha.
Chào,
Đông


Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

XÍCH-LÔ ƠI! CÁM ƠN NHÉ.

XÍCH-LÔ ƠI! CÁM ƠN NHÉ.
Trần thế Huy.


Lớn lên trong sự đùm bọc và yêu thương của Ba Mẹ, tôi không hình dung được những khó khăn mà
ba mẹ tôi đã trải qua, duy chỉ có một điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in, là cứ mỗi khi chiều về, nghe có tiếng chuông xích-lô reo ngoài ngõ, là tôi lại nhanh chân chạy ra, kéo dạt hàng rào kẽm gai ở cổng sang một bên, để ba tôi đưa xe vào nhà. Và sau đó, một tay gạt mồ hôi trên trán, một tay với lấy gói kẹo treo lủng lẳng nơi tay lái, ba mỉm cười âu yếm trao cho tôi, dường như mọi mệt nhọc và vất vả nơi ba đã tan biến khi thấy tôi nhảy tưng lên vì vui thích. Ngoài ra…

…Những ngày được nghỉ học, ba lại chở mẹ và tôi đi chợ huyện, thú vui khi được ngồi trên chiếc xích-lô của ba, chầm chậm ngắm nhìn cảnh vật trên đường, thỉnh thoảng ba lại trêu đùa làm mẹ và tôi cười òa thích thú…thiên hạ chung quanh dường như thầm ghen với cái hạnh phúc của gia đình bé nhỏ này.

Thu nhập hàng ngày của ba cũng chỉ được bữa thịt, bữa cá với chén canh rau, nhưng không vì thế mà gia đình tôi ngơi ngớt tiếng cười. Trong cái suy nghĩ non nớt của tôi, tôi cảm thấy mình được sung sướng lắm. Rồi những năm tháng tiểu học của tôi cũng kết thúc tốt đẹp, trong đó phải kể đến công ơn lớn nhất của ba và chiếc xích-lô, dù trời mưa hay nắng, không ngày nào ba để tôi phải đi bộ đến trường. Tuổi thơ của tôi đã trôi qua thật êm đềm đẹp đẽ. Nhưng tôi đâu có biết rằng để được như thế, ba đã phải oằn lưng khi thì chở một người, lúc thì hai, cố leo lên những con dốc dài trên đường phố. Ngày lại ngày qua, những tưởng rằng hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với gia đình tôi. Ấy vậy mà…

…Những cơn ho dai dẳng và kéo dài của mẹ khi đêm về, ba tôi lúc đầu thì còn cố gắng chịu đựng. Nhưng rồi, có lẽ do phải làm việc cật lực ban ngày, tối đến lại không được yên tĩnh nghỉ ngơi, nên độ rày tôi thấy ba thường hay cáu gắt lạ thường! Những đồng tiền ba làm được để nuôi sống gia đình, giờ đã phải chi thêm vào những hóa đơn thuốc, những tờ giấy xét nghiệm của mẹ. Thời gian gần đây, tôi thấy ba thường trở về nhà với gương mặt đỏ au và nồng nặc mùi rượu, gói kẹo hàng ngày tôi vẫn chờ đợi đã không còn được ba cho thường xuyên nữa. Tuy còn bé nhưng tôi cũng cảm nhận được có cái gì đó, đã làm cho bầu khí gia đình tôi trở nên nặng nề u uất, dường như sự lo lắng thái quá đã khiến ba thay đổi. Vốn là một học sinh giỏi trong lớp, nhưng dạo này thấy việc học của tôi sa sút, thầy cô giáo gặng hỏi, tôi không trả lời mà chỉ biết cúi đầu ôm mặt khóc.

Càng ngày mẹ càng ho nhiều hơn, thân xác mẹ trở nên tiều tụy và những đốt xương của mẹ ngày càng hiện rõ hơn qua lớp áo nâu bạc…Cho đến một ngày mẹ gọi ba và tôi đến bên cạnh giường, giơ cánh tay gầy guộc ra, mẹ nắm chặt lấy tay ba và nói:

- Có lẽ mệnh trời đã định, em không thể sống cùng với anh và con được nữa. Mong anh và con hãy tha lỗi cho em. Điều cuối cùng em xin anh: hãy yêu thương và chăm sóc cho con mình.

Quay sang tôi, mẹ khó nhọc giơ hai cánh tay lên như muốn ôm chầm lấy tôi, và rồi dường như sợ căn bệnh lao phổi lây nhiễm cho con mình, mẹ vội đặt tay xuống, nước mắt lưng tròng, mẹ thều thào trong tiếng nấc nghẹn:

- con…yêu của…mẹ !

Tôi ôm chầm lấy mẹ và gào lên thật to:

- Mẹ, mẹ ơi! Mẹ đừng bỏ con!

Sau ngày mẹ mất, gia đình tôi trở nên vắng lặng, ba tôi thường hay ngồi uống rượu một mình, đôi mắt ông thẫn thờ nhìn vào cõi xa xăm vô định . Phần tôi, dù quá đau buồn nhưng tôi vẫn phải theo đuổi việc học. Chiếc xích-lô của ba vẫn ngày ngày đưa tôi đến trường. Nhưng sao độ này tôi thấy chiếc xe có vẻ rung lên theo từng hơi thở của ba, và nó chạy chao đảo hơn trước, dường như sức khỏe của ba giờ đã yếu đi nhiều rồi, tôi cảm thấy lo lắng cho ba:

- Ba ạ, hay là bận sau con đi xe cùng các bạn nhé.

Nét mặt ba bỗng cau lại sau cái lắc đầu, rồi theo năm tháng dần trôi…Ba cùng với chiếc xích-lô lại giúp tôi hoàn thành chương trình trung học.

Đã đến ngày tôi phải chia tay ba để lên Sài-Gòn thi đại học. Khi Chiếc xích-lô vừa dừng lại, ba dúi vào tay tôi những đồng tiền của mẹ chắt chiu cất giữ, những đồng tiền ba kiếm được dưới nắng, dưới mưa, và từ những cuốc xe nhễ nhại mồ hôi trên từng cây số. Giọng ba nghẹn ngào:

- Cố lên nhé con. Ở nơi cao đó, mẹ đang phù hộ cho bố con mình.

Tôi bước vội xuống xe mà hai hàng nước mắt chảy tràn. E rằng không kịp giờ thi, tôi chạy vụt nhanh. Dừng bước trước cổng trường, tôi ngoái nhìn lại, ở đằng xa đó, ba tôi đang giơ cánh tay áo lau vội, không biết ba đang lau những giọt mồ hôi hay lau … nước mắt?!

Ngày tốt nghiệp đại học thật là vui sướng, chung quanh tôi đông đủ bạn bè, đứa tặng hoa, đứa nắm chặt tay chúc mừng. Vẫn chưa thấy ba, tôi nóng lòng dáo dác tìm kiếm. Một bàn tay của ai đó vừa run run đặt lên vai tôi, quay mặt lại, tôi nhận ra hình bóng của người cha thân yêu, tôi hét lên và ôm ghì ba vào lòng, nhưng có điều làm tôi không thể ngờ được là, mới ngày nào đây khi tôi vừa bước chân vào giảng đường đại học, mái tóc của ba chỉ lốm đốm bạc mà nay đã trắng phơ, có lẽ do cái chết của mẹ, đã để lại trong ba sự hụt hẫng quá lớn, nay lại phải sống xa tôi, đứa con gái duy nhất của cuộc đời ba. Những giọt nước mắt chan chứa hạnh phúc và yêu thương chảy tràn trên khuôn mặt của ba và tôi. Tôi thầm ước: ba ơi con sẽ cố gắng dành hết tất cả cuộc đời mình, để đền đáp công ơn của ba và mẹ… Chiếc xích-lô ngày nào lại ân cần đưa tôi trở về thăm lại mái nhà xưa.

Tôi may mắn được một công ty Nhật Bản ở Sài-Gòn tuyển dụng. Do chưa quen với nếp sống của người thành thị, và bản thân tôi cũng chưa quên được lối sống dân dã quê mình thuở trước, nên bước đầu tôi có phần bỡ ngỡ và lúng túng. Được sự ân cần và trợ giúp của anh bạn trai người Nhật cùng phòng, tuy anh ta là người nước ngoài, nhưng vì công tác ở đây khá lâu, do đó ít nhiều anh ta cũng am hiểu được lối sống của người Việt, nên tôi cũng nhanh chóng hòa nhập. Thời gian đầu, cứ đến ngày thứ bảy, tôi lại nhắn tin cho ba là sẽ về thăm nhà. Để ba khỏi vất vả, tôi dự định sẽ thuê xe ôm hoặc đi taxi, nhưng khi phà vừa cập bến, tôi đã thấy ba đứng bên cạnh chiếc xích-lô quen thuộc chờ ngóng tôi.

Thời gian lẵng lặng trôi, hình bóng ba và chiếc xích-lô cũ kỹ quen thuộc, vẫn chờ tôi bên bến phà quê cũ mỗi chiều cuối tuần, đã in đậm sâu vào tâm trí tôi, tuy rằng với điều kiện sống bây giờ, chiếc xe máy là phương tiện cá nhân tối ưu cho mọi người, nhưng mỗi khi nhớ lại những hình ảnh ấy, lòng tôi không tránh khỏi bồi hồi.

Với kinh nghiệm từng trải và với chuyên môn vững vàng trong công việc, thu nhập của tôi giờ đây cũng đã đủ, để cho tôi suy nghĩ đến việc là đưa ba về thành phố sinh sống, và mua cho ba một chiếc xe máy… tôi hy vọng là sẽ phần nào làm cho ba bớt đi những cơ cực của cuộc sống. Nhưng những cố gắng của tôi cuối cùng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu của ba, với lý do hết sức đơn giản: ba không quen, và ba còn nói tiếp là: ba không thể để mẹ con nằm ở đây một mình được. Ôi con người của ba tôi là thế đó, bình thường nhưng sâu lắng, trầm tĩnh nhưng mãnh liệt.

Làm cùng công ty, cùng trao đổi và sẻ chia cho nhau những công việc... tình cảm giữa tôi và anh bạn trai người Nhật Bổn ngày càng nảy nở, hai con tim đã cùng nhịp đập, cùng tiếng nói chung. Nhân ngày nghỉ phép tôi thưa chuyện với ba, ba gật đầu vì ba biết rõ là trước sau gì ngày đó cũng đến, và ba cũng không thể nào giữ đứa con gái yêu dấu trong vòng tay của mình được mãi. Nhưng tôi nhận thấy ba thoáng buồn, vì tuy sự thật có phủ phàng, có làm cho tim ta đau nhói, thì cũng phải bằng lòng, phải chấp nhận thôi, vì mình không thể đánh lừa thực tế được, và mặc dầu ba không nói ra, nhưng tôi thiết nghĩ rằng, ba không muốn san sẻ và không muốn ai tách rời cái tình cảm thiêng liêng giữa hai cha con tôi. Vẫn biết là chua xót nhưng tôi không thể làm gì hơn..!

Tan ca chiều, tôi trở về nhà. Cổng nhà tôi mọi ngày vẫn khóa chặt, nhưng sao hôm nay chỉ khép hờ. Qua cánh cổng tôi bỗng giật mình tưởng rằng đang mơ, ô kìa! Trước hiên nhà chiếc xích-lô quen thuộc ngày nào…ủa sao nó lại ở đây?

Vẫn nụ cười hiền hòa dễ mến, ba lau vội chút mồ hôi còn đọng lại trên vầng trán nhăn nheo, rồi với tay lấy gói kẹo và trao cho tôi, tôi vui thích nhảy tưng lên như thuở nào…chồng con tôi cũng đã đứng đó tự bao giờ. Và…

…Vì chưa một lần được trông thấy viên kẹo gỗ dính đầy những bột, chồng tôi có vẻ lo ngại và không muốn cho con mình ăn, nhưng khi thấy tôi cứ cho vào miệng nhai rôm rốp, cảm giác e sợ đã từ từ biến mất, không dám nhìn thẳng vào mặt chồng, nhưng tôi biết chồng tôi đã len lén bỏ vào miệng, như muốn thử xem cái hương vị ngồ ngộ, đã mê hoặc và đã theo chân vợ mình ngay từ tấm bé.

Tưởng rằng trong bữa cơm mừng hội ngộ chiều nay ở nhà hàng, ba sẽ leo lên xe hơi để đi cùng. Nhưng không…khi thấy tôi và con trẻ tươi cười ngồi trên chiếc xích-lô, chồng tôi vừa chạy theo vừa gọi:

- Ba ơi, chờ con với.

Thế đấy: Khi tôi sinh ra, khi tôi lớn lên và khi tôi thành công…Ngoài công ơn Cha Mẹ, tôi còn biết nói gì hơn, là:

- Xích-lô ơi! Cám ơn mày nhé.

Trần thế Huy.























Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

CẦY TƠ DUYÊN

CẦY TƠ DUYÊN
Trần thế Huy.

Sau ngày chiến tranh kết thúc giữa hai miền Nam Bắc. Phải nói là tình hình kinh tế khi ấy thật là bỉ
cực, đa số mọi người đều phải chuyển đổi công ăn việc làm, các công sở vẫn còn tạm thời đóng cửa, thêm vào đó nhiều gia đình phải bỏ nhà cửa chạy trốn bom đạn, sống vất vưởng đầu đường xó chợ…Tất cả đã tạo nên một bức tranh ảm đạm cho quê hương Việt Nam, một đất nước vốn đã chịu quá nhiều đau thương và mất mát do chiến cuộc kéo dài.

Tôi và Thắng cũng không nằm ngoài cái ngoại lệ ấy, bỏ lại sau lưng tất cả gia sản, chúng tôi rời miền đất đỏ phì nhiêu Trung phần chạy dạt vào trong Nam. Sau khi đã suy nghĩ đắn đo, nếu bây giờ có trở về quê xưa thì mọi cái chắc cũng phải làm lại từ đầu, vì tất cả đã bị bom đạn cày nát hết rồi, vả lại những ngày này phương tiện để di chuyển rất khó khăn, tốn kém…Thế là chúng tôi quyết định lập nghiệp ở Hố Nai, nơi những người công giáo miền Bắc năm tư sinh sống khá đông đúc, đa số họ là những người đã ở đây từ rất sớm, do đó để chúng tôi kiếm cho mình một cái nghề sống được qua ngày ở đây cũng là điều rất khó, vì nói chung những nghề nào kiếm ăn được thì đã có người làm rồi.

Khó khăn đầu tiên mà tôi và gia đình đương đầu, là phải tìm lấy một nơi để cư trú, lần mò mãi, gia đình tôi cũng được hai ông bà già, tuổi cũng đã gần đất xa trời, thương tình cho ở tạm trong cái chuồng heo ở góc vườn đã lâu lắm không chăn nuôi. Thôi thì có còn hơn không, tôi lân la các nhà hàng xóm, hỏi mua lại các bìa cây mà sau khi đã bóc ra từng phách gỗ, họ chỉ bán để làm củi, để vây lại cái chuồng heo hòng che nắng che gió. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi lúc này, họ chẳng những không bán mà còn cho thêm một ít ván tạp, để về đóng sàn làm chỗ nằm nghĩ. Tạ ơn Trời Phật, thiên hạ cũng còn nhiều lắm những tấm lòng nhân ái.

Chỗ ở đã tạm ổn, giờ đến cái khó khăn thứ hai mà tôi tiếp tục phải đương đầu là tìm lấy một công việc, và để tìm cho mình một công việc thích hợp thì rất khó…Vì tôi chỉ là một cậu học sinh trung học sắp ra trường mà thôi. Cuối cùng thì tôi đã xin được việc ở một xưởng cưa gần nhà.

Một chiều nọ sau khi vừa bước chân ra khỏi xưởng cưa, bất ngờ tôi gặp Thắng. Hỏi thăm mới biết lúc này hắn đang chạy xe ôm, qua tìm hiểu thì cũng chỉ bữa nắng bữa mưa ấy mà. Thắng đưa tôi đến dãy nhà trọ, nơi hắn và gia đình trú ngụ, hắn cho tôi biết là hoàn cảnh hiện tại của gia đình hắn cũng như gia đình tôi, chỉ khác là tôi không mất tiền thuê nhà trọ, thế thôi.

Tuy ở Hố-Nai đã lâu, nhưng tôi cũng chưa có dịp thư thả để ngắm nhìn cảnh sinh hoạt của dân ở đây, vì thường khi xong công việc ở xưởng cưa thì trời cũng đã tối rồi, tắm gội cơm nước qua loa, tôi còn phải đi ngủ đặng lấy sức mai làm sớm. Tôi không biết dân ở đây làm nghề gì, thu nhập bao nhiêu? Nhưng sao tối đến các quán nhậu, quán ăn đều chật kín những người.

Chạy dọc theo hè phố, dưới ánh đèn xanh đỏ vàng, quán ‘cầy thui rơm’ là điểm đến mà chúng tôi dừng chân, cũng may mắn lắm hai thằng tôi còn kiếm được một cái bàn nhỏ, đủ chỗ cho hai đứa ngồi. Những ly rượu đế nồng nàn cùng những đĩa thịt chó luộc, chó nướng thơm lừng…đã làm chúng tôi tạm quên hết mọi vất vả lo toan trong cuộc sống.

- Này này, cậu có để ý gì không? Tớ thấy ở đây mà đi buôn chó về bỏ lại cho họ là hết sẩy à nghen, cứ thấy tình hình đông khách thế này thì chắc họ cần nhiều chó lắm đây. Thắng nhận định với tôi.

- Ừ nhỉ, sao tụi mình không thử xem? Tớ thấy ý kiến của cậu cũng có lý đấy.

Sau đó, lấy cớ gia đình bận việc, tôi xin tạm nghỉ làm ở xưởng cưa, và cùng với Thắng bôn ba khắp mọi nẻo đường tìm mua chó, hy vọng với nghề mới này thu nhập sẽ khá hơn chăng! Chó đã mua được rồi nhưng giờ lại phải lo tìm mối bán. Những ngày đầu các hàng quán tìm đủ mọi lý do để ép giá chúng tôi. Do vậy có hôm thì kiếm lời được kha khá, hôm thì huề vốn, coi như đi mua dùm họ. Thôi thì ‘ vạn sự khởi đầu nan’, Các cụ khi trước thường bảo rằng: ‘Sống lâu lên lão làng’, mà đúng thế thật. Do càng ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm mua bán, nên dần dà họ không còn ép uổng chúng tôi được nữa.

Một ngày nọ tôi quyết định mở rộng địa bàn hoạt động. Với lồng chó phía sau, khi chạy xe ngang qua quán ‘cầy thui rơm’, tôi cố ý rao thật to với hy vọng:

- Chó, chó đây…ai mua chó không?

- Ê…chó, ê…chó!

Tiếng gọi giật đàng sau lưng làm tôi vừa giật mình vừa vui sướng. Một cô gái trẻ đẹp tuổi đời khoảng đôi mươi từ trong quán bước ra mĩm cười hỏi mua chó.

Sau lần đó, khi mọi sinh hoạt trong ngày đã xong xuôi, đêm về, nằm trên giường nghĩ lại, tôi không khỏi buồn cười cho những cái trớ trêu của đời mình…ai đâu mà khi sinh ra, cha mẹ đặt tên đặt họ hẳn hoi, bây giờ thiên hạ gặp mình cứ ‘ê…chó, ê…chó’. Thôi thì chịu vậy, muốn gọi như thế nào cũng mặc, miễn sao có tiền là được rồi.

Rồi ngày qua ngày, cứ mua được chó là tôi lại lân la tới quán ‘cầy thui rơm’để bán, và cũng để được ngắm nhìn cô chủ quán nho nhỏ, có cái răng khễnh xinh xinh mỗi khi cười. phần cô chủ nhỏ, sau một thời gian: ‘ ê…chó, ê…chó’, bỗng dưng tôi thấy cô ta đổi qua cách xưng hô: ‘ anh…gì chó ơi! Anh…gì chó ơi’, lại trò gì nữa đây?

Sự đời nghĩ cũng buồn cười, thiên hạ nên duyên bằng nhiều cách. Còn tôi, tôi thật là vui sướng và hạnh phúc, khi được nên duyên cùng cô chủ nhỏ nhờ mua bán… chó. Nào đâu phải riêng tôi, Thắng, bạn tôi, sau đó đã đưa được một cô nàng về dinh cũng nhờ mua bán…chó.

Thời gian dần trôi, thu nhập cũng ngày càng khấm khá hơn, cuộc sống gia đình tôi vì thế đỡ chật vật hơn trước. Do mãi bộn bề lo toan với cuộc sống mới, nên tôi và Thắng ít có cơ hội gặp nhau. Một ngày nọ tôi tìm tới nhà Thắng, mới hay tin nó đã định cư cùng với gia đình bên vợ ở Cộng Hòa Séc.

Lần về thăm quê hương, Thắng tìm đến nhà tôi, và thế là hai thằng bán chó và hai cô mua chó, có dịp ngồi lại với nhau chuyện trò rôm rã. Thắng xin lỗi vì chuyến đi ra nước ngoài quá bất ngờ nên hắn không kịp báo cho tôi. Hắn tâm sự, ở bên Séc thứ gì cũng có, nhưng lại rất thèm thịt chó, muốn ăn thì phải đi chợ Sapa ở Praha, nơi có đông người Việt định cư sinh sống, nhưng cũng thỉnh thoảng mới có, và chế biến thì không ngon bằng ở quê hương, vả lại ở Âu châu họ cấm ăn thịt chó, nên món ăn đặc sản Việt này không được khuếch trương rộng rãi. Thắng cho biết, khi mới sang Séc, vợ chồng hắn cũng tính kinh doanh quán thịt cầy, nhưng dân bản địa ở đây kêu ca người Việt Nam ăn thịt chó ghê quá, sau đó báo chí cũng lên tiếng, thế là phải tìm nghề khác thôi. Lâu lâu có dịp về thăm quê hương, khi trở qua len lén mang ít thịt chó, đãi anh em tha phương đất Séc, như một món quà nhắc nhau về cái gọi là “ quốc hồn quốc túy”, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.



Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

TÌNH MẸ, CÁI ĐÓI VÀ SỰ THÀNH CÔNG.

TÌNH MẸ, CÁI ĐÓI VÀ SỰ THÀNH CÔNG.
Trần Thế Huy.


(Giải ba( không có giải nhất) cuộc thi viết do báo Vietinfo.eu ở Cộng hòa Séc tổ chức)

Tôi không sinh ra vào những năm tháng 1945, để được chứng kiến nạn đói khủng khiếp xảy ra ở Bắc
Việt. Thật là kinh hoàng khi người ta giết nhau, chỉ vì tranh giành một con cóc, một con nhái, một củ khoai sống vừa mót được ngoài nương rẫy…thậm chí họ còn dám sát hại ngay cả đồng loại của mình để ăn thịt! Cơn đói đã làm cho họ trở nên mù quáng trong suy nghĩ, quên hết lương tâm và coi nhau như kẻ thù.

Trận chiến khốc liệt năm 1975 đã đưa đẩy gia đình tôi dạt vào vùng quê hẻo lánh. Bản thân tôi thì vừa mới thôi học, Cha Mẹ tôi trước giờ chỉ đi làm thuê trong các căn cứ của lính Mỹ, nên việc bắt tay vào nghề nông đối với gia đình tôi là cả một vấn đề! Vì chưa quen, vì những năm đầu sau chiến tranh lại thường hay xảy ra mất mùa...Do đó củ khoai mì đã trở thành lương thực chính trong bữa ăn của gia đình tôi! Cha tôi do vướng phải bom mìn nên thường xuyên đau nhức, vì những miểng đạn còn sót lại trong cơ thể, cùng với những bữa ăn chỉ toàn rau với củ, cộng thêm sự vất vả của nghề nông, đã làm cho cơ thể ông ngày càng gầy kiệt. Cuối cùng thì ông cũng nhắm mắt chia tay vĩnh viễn với mẹ con tôi.

Cố gắng đứng dậy sau nỗi đau mất mát quá lớn ấy, tôi xin phép mẹ đi học nghề. Cho tay vào chiếc túi, nơi cái áo cũ vá chằng vá đụp, mẹ dúi vào tay tôi vài đồng tiền cũ, mà tôi nghĩ là mẹ đã cất giữ nó từ rất lâu, vì cầm những đồng tiền trên tay nhưng tôi vẫn cảm nhận được mùi mồ hôi của mẹ.

- Con hãy cố gắng và sống sao cho xứng với phẩm giá con người, dù có phải chịu đói khát, khổ cực nhé, mẹ yên tâm về con.

Sau đó, tôi quyết định xin đi học lái xe cơ giới, vì dẫu sao: “ ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”.

Năm 1978 Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Vì chịu ảnh hưởng chung, nên lương thực chủ yếu của học sinh chúng tôi lúc bấy giờ là bobo, nhiều nơi còn gọi với cái tên khá mỹ miều là cao lương. Nghe đến cái từ cao lương, chắc không ai trong chúng ta không nghĩ tới một bữa ăn đầy cao lương mỹ vị, đầy ắp cá thịt rượu bia, thức ăn toàn sơn hào hải vị. Nhưng không, cái cao lương mà tôi nói tới ở đây không mỹ vị chút nào, nó khô không khốc, không béo bở, không mùi vị…Thậm chí tôi nói thật xin quí vị đừng cười: ăn như thế nào, nó ra như thế đó…còn nguyên hạt, nguyên màu. Thế nhưng vì là tiêu chuẩn, nên nó được cấp phát giới hạn, cho nên không bao giờ có đủ để mà ăn cho no! Do đó cái đói thường xuyên trụ trì với đám học sinh cơ giới chúng tôi. Đôi lúc quá đói, chúng tôi liều lĩnh chui vào rẫy mía của nông dân trồng gần trường, bẻ trộm vài cây mía, ngấu nghiến cho ruột gan đỡ cồn cào.

Số là để chuẩn bị cho bữa sáng của hàng trăm học sinh, cánh nhà bếp phải nấu cơm ngay từ chiều. Biết được việc này, chúng tôi bàn nhau là tối đến, sẽ đột kích vào nhà bếp để lấy trộm cơm.

“ Ăn cắp quen tay-ngủ ngày quen mắt”, thấy việc lấy cắp cơm an toàn, dễ dàng và không bị cái đói hành hạ nữa, nên đêm nào chúng tôi cũng làm đầy một thau, rất no bụng và ngon miệng, dù chỉ là ăn với muối hột. Và người ta thường bảo: “đi đêm có ngày gặp ma”, quả thật không sai chút nào, dường như cánh nhà bếp cũng đã phát hiện ra sự việc.

…Đồng hồ điểm mười tiếng, đó đây trong trường đã tắt đèn đi ngủ. Giờ này như mọi khi chúng tôi vẫn hành động, thế nhưng sao đêm nay bỗng dưng có tiếng chó sủa hơi nhiều, cảnh giác chúng tôi nằm im chờ đợi. Tiếng chó đã yên ắng, chúng tôi nháy nhau lần mò xuống bếp. Trời tối như mực, cả bọn phải rón rén từng bước và đi thật sát vào nhau. Bỗng thằng bạn đi đầu bấm tay ra dấu cho chúng tôi dừng lại, tất cả đều đứng im phăng phắc mà không hiểu lý do vì sao? Được chừng năm phút, bất ngờ thằng bạn đi đầu vụt chạy và sau đó là những tiếng hô to: ăn cắp cơm, bắt lấy chúng nó…Thế là chúng tôi cũng mạnh ai nấy chạy, tôi may mắn lọt xuống một cái mương nhỏ và nép mình vào đó, mặc cho muỗi kiến tha hồ đốt.

Sáng hôm sau, đang giờ học, tôi thấy thầy giám thị bước vào, trên tay cầm một mảnh giấy nhỏ. Và sau đó lần lượt bốn đứa chúng tôi bị gọi lên văn phòng làm kiểm điểm. Có một điều mà chúng tôi vẫn không hiểu là vì sao thầy cô lại biết rõ tên từng đứa một? Vì trước khi đi ăn cắp cơm, bao giờ bọn tôi cũng trải chăn, buông màn và để dép ngay ngắn dưới chân giường, vờ như có người đang ngủ.

Giờ ra chơi, bọn tôi tìm gặp nhau ôn lại chiến tích, thằng bạn đi đầu kể rằng: đi gần tới chảo cơm, nó bỗng phát hiện có một cái gì vừa đen vừa tròn gần ngay trước mặt, đợi mãi sốt ruột, nó bèn lấy tay thử sờ lên cái vật đen tròn ấy…hóa ra đó là cái đầu hói của ông thầy dạy môn nông học, giật nẩy người nó vùng chạy, thế là ông thầy í a í ới kêu bắt kẻ cắp cơm to gan dám rờ đầu mình.

Sau lần đó, tạm thời chúng tôi không dám tái diễn trò đạo cơm ấy nữa, vì sợ bị đuổi học. Và riêng tôi đêm về nằm gác tay lên trán nghĩ lại, tôi cảm thấy hối hận vì đã quên lời mẹ dặn dò trước lúc ra đi… Nhưng với nghề cơ giới nặng thì không nói ra, các bạn vẫn có thể hiểu được nó vất vả thế nào, khi phải cầm trong tay một con bù loong, một cái cờ lê to quá khổ, và chỉ cần tháo ra hay để gắn một mắt xích quá nặng vào xe ủi, thì hai chén bo bo buổi sáng , buổi trưa và buổi chiều, nào thấm tháp vào đâu! “…Dù phải chịu đói khát, khổ cực…” Lời mẹ dặn năm xưa lại một lần nữa, đã giúp tôi cố gắng vượt qua.

Vậy mà…

Giờ nông học hôm nay quá nặng nề, với gương mặt có vẻ bực tức và khó chịu của ông thầy, chẳng ai hiểu lý do vì sao? Nhưng khi chỉ còn khoảng mươi lăm phút nghỉ giải lao, ông thầy bỗng lên tiếng:

- Tôi không hiểu lý do vì sao, một kỹ sư đã tốt nghiệp đại học nông nghiệp như tôi mà không trồng nổi một đám rau muống?!

- Ủa rau muống dễ trồng mà thầy? ở quê em chỉ cần dắm dúi sơ sơ là nó mọc rất nhanh. Có đó ai chợt hỏi.

Để làm chứng cho câu chuyện, ông thầy dẫn cả lớp ra xem cho tỏ tường. Quả thật dưới ánh nắng ban mai, đám ruộng rau muống như vừa trải qua một cơn lũ, xác xơ nghiêng ngả…trong khi đám thủ phạm chúng tôi đứng gần đó giả vờ xuýt xoa tiếc nuối. Có gì đâu, cứ tối đến khi những cơn đói cồn cào, tôi và mấy đứa bạn lại rủ nhau ra ruộng rau muống, rồi sau đó mạnh ai nấy vơ , cào, đến khi nào thấy đủ thì thôi, trở về lán, rửa qua loa rồi cho lên bếp và cùng nhau húp sùm sụp.

Ngày tốt nghiệp tôi báo tin cho mẹ, cũng là ngày tôi được tin mẹ lâm trọng bệnh, đang nằm cấp cứu. Lao nhanh đến bệnh viện. Tôi nắm chặt bàn tay gầy guộc và chai sần của mẹ, bàn tay đã một đời lam lũ vì chồng, vì con. Tôi xin lỗi mẹ vì đã quên, không vâng nghe lời mẹ. Nhưng với một tình thương bao la, mẹ không hề trách mắng những việc xấu xa tôi đã làm. Mẹ hài lòng và mỉm cười mãn nguyện ra đi, trên tay vẫn cầm lấy mảnh bằng tốt nghiệp của tôi, như ngàn lời nhắn nhủ.

Trần Thế Huy.


Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

DẤU ĐINH TRÊN THÁNH GIÁ.

DẤU ĐINH TRÊN THÁNH GIÁ. 
Tác giả: Phêrô Trần thế Huy.
Bút danh: Thành Tuy Hạ.



Nhìn những Nữ Tu đoan trang thánh thiện khoác lên người chiếc áo chùng đen, không riêng tôi và rất nhiều người đều nghĩ rằng, cuộc đời các Sơ ấy sao mà sung sướng thế, hạnh phúc thế, chả phải lo lắng chuyện chồng con, kinh tế…Nhưng mấy ai biết đâu?!

Và không ít người mơ ước, thèm muốn, khi nhìn thấy Hùng, một người đàn ông khá thành đạt trong cuộc sống với vợ đẹp con ngoan, nhà lầu xe hơi bạc tỷ… nhưng mấy ai nghĩ rằng trong cuộc sống gia đình, Hùng cũng đã lắm phen muốn buông xuôi, gục ngã.

- Á…á…á…ui da, đau quá Hùng ơi!

Mãi mê ngắm chú chim họa mi đang hót líu lo trên cành phượng vĩ, bàn chân của Liên vấp phải hòn đá mà cơn mưa đêm qua đã xới tung con đường để lộ ra. Cô bé ngã sõng xoài xuống đường. Đưa tay phủi bớt bùn đất dính trên quần áo của Liên, Hùng trêu chọc:

- Bé hạt tiêu mà bày đặt mơ với mộng.

- Hùng mà nói nữa Liên nghỉ chơi luôn á.

Vừa nói Liên vừa làm ra vẻ giận dữ bước nhanh đi trước, Hùng chạy vội theo nắm lấy tay Liên:

- Thôi giỡn chơi tí mà, cho Hùng xin lỗi. Đi lẹ lên kẻo trễ học bây giờ

Nhà Hùng ở đầu ngõ, nhà Liên cuối ngõ. Đôi bạn nhỏ đã cùng sánh vai trên con đường làng cho đến hết bậc tiểu học, một miếng ổi ngâm, một quả cốc giòn đều chia sớt cho nhau. Tuổi thơ của họ trôi qua trong êm đềm, lặng lẽ và hồn nhiên.

Một ngày kia Hùng nhận được giấy báo đã thi đậu vào tiểu chủng viện, Hùng vui vẻ tin cho Liên biết, tưởng rằng cô ấy sẽ rất vui, nhưng không ánh mắt Liên có vẻ đăm chiêu đượm buồn:

- Vậy là anh đã bỏ Liên đi tu rồi, mai mốt đây ai sẽ dẫn Liên đi học?

- Đừng lo, anh đi tu làm Linh Mục, anh sẽ cầu nguyện nhiều cho em mà.

Cuối cùng ngày nhập học cũng đến, Hùng từ giã người thân, ngôi trường làng yêu dấu và cô bạn gái dễ thương, để lên tỉnh học. Ba và các anh chị em trong gia đình đã chọn tiểu chủng viện, một nơi thật lý tưởng để Hùng tu học.

Những ngày đầu xa nhà, bỏ lại sau lưng những trò vui đùa nghịch ngợm của tuổi thơ, Hùng thấy buồn và chán nản, lắm lúc ngồi một mình Hùng đã có ý nghĩ, thôi dẹp quách cho rồi, tu với chả tu chán bỏ xừ! Đêm về, tiếng thút thít vang lên đâu đó từ những chiếc giường bên cạnh. Ồ! Hóa ra mấy chú nhóc này nhớ nhà, nhớ thầy bu. Hùng cũng đâu phải là pho tượng gỗ mà bảo rằng không nhớ. Mẹ mất khi Hùng vừa lên tám, sống với người cha chỉ biết lo công việc hơn là chăm nom con cái. Các anh chị em thì hầu như lúc nào cũng tất bật với chuyện làm ăn, nên mọi người chỉ được gặp nhau vào lúc tối muộn, và khi đó chắc hẳn ai cũng đã mệt mỏi, buồn ngủ, nên chẳng có nhiều thì giờ để chuyện trò với nhau. Những cái tuy rất gần nhưng lại rất xa đó, đã vô tình làm cho Hùng thiếu thốn nhiều điều, chí ít là về mặt tình cảm…Bởi vậy cho nên, dù bây giờ phải đi học xa, chuyện nhớ nhung đối với Hùng cũng có nhưng không đến nỗi phải khóc rỉ rã, phải bỏ trốn về nhà như mấy cậu kia. Trước đây khi còn đi học chung với nhau, Hùng cũng đã đôi lần nắm tay Liên dìu qua từng vũng nước, nâng đỡ Liên khỏi trợt ngã vì đường trơn, nhưng những cử chỉ ấy có bao giờ để lại trong Hùng chút miên man nào đâu, thế mà bây giờ Hùng lại nghĩ về Liên và nhớ cô ấy nhiều hơn…một chút thở dài của tuổi mới lớn vừa thoáng qua.

Đêm đã khuya, những tiếng ngáy đều đặn vang lên xung quanh, cho thấy các bạn đã say giấc. Trằn trọc mãi không sao ngủ được, Hùng cố gắng xua đuổi ra khỏi đầu những suy nghĩ vẫn vơ, cùng những nghĩ tưởng về Liên nhưng không được; hình bóng của Liên cứ ẩn hiện trước mắt, khiến Hùng nhủ thầm: hay là ta đã…ồ nếu thế thì không được rồi. “ Đi tu, dâng mình cho Chúa, đồng nghĩa với việc phải từ bỏ tất cả…” Lời huấn đức của các Cha giáo như vẫn còn đó bên tai Hùng. Cuối cùng thì những tiếng nói, tiếng cười của Liên cũng theo Hùng chìm dần vào giấc mộng. Ngoài kia bên lũy tre làng, tiếng gà gáy canh ba đã vang lên liên hồi.

1..2..3..4…bài tập thể dục ban sáng, giúp Hùng bớt đi phần nào sự mệt mỏi do đêm qua bị thiếu ngủ. Lại một ngày mới bắt đầu với những giờ kinh nguyện, Thánh Lễ, và vùi đầu với hàng đống sách vở. Ai bảo đi tu là dễ đâu, là không phải chịu nhiều áp lực…nào là phải học giỏi, phải ép mình vào khuôn khổ luật lệ. Bởi thế cho nên chỉ với dăm ba năm tu học, đã có rất nhiều anh em đồng môn đứt gánh giữa đường, phải thu xếp hành trang trở về chốn cũ. Hùng không hiểu Thầy Giêsu của mình có khó tính không? Nhưng thấy các Cha, những đồ đệ của Ngài Giêsu sao mà khó thế! Nào là kiểm soát những lá thư đi, thư đến; quan sát từng cử chỉ, để ý mọi hành động…Và rồi sau đó vào dịp cuối năm, là những màn lo sốt vó cho các chú nhà trường: lo sợ bị đuổi về, lo sợ bị thiên hạ cười mỉa mai ‘cái thằng tu xuất’!

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, mới đó mà Hùng đã theo học ở chủng viện được năm năm rồi. Phải nói là cố gắng lắm Hùng vẫn còn trụ lại được với hai mươi sáu anh em, so với con số ban đầu lúc nhập học là sáu mươi, một sự chối từ, bỏ cuộc rất lớn. Và điều thích thú nhất của Hùng cùng các chú nhà trường là được về thăm gia đình, sau những tháng ngày bị ‘nhốt’ và dùi mài kinh sử trong bốn bức tường, nhà thơ Xuân Tâm quả đã rất tuyệt vời, khi đưa lên một cách chính xác từng cảm xúc qua những vần thơ:

“ Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết, đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.

Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê, ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ…”

Riêng Hùng, sự chờ đợi lớn lao và sung sướng nhất vào dịp nghỉ hè, là trở về mái nhà xưa gặp lại người thân, rồi sau đó sẽ được gặp Liên.

Về đến nhà, sau vài câu thăm hỏi và chào mọi người trong gia đình, Hùng thả bộ dọc theo con đường đất cũ, con đường đã mang nhiều dấu ấn của tuổi ấu thơ, của tuổi học trò. Đến trước cổng nhà Liên, tự dưng Hùng thấy mình quá đỗi hồi hộp, trống ngực đập thình thịch. Nhưng cuối cùng thì mọi việc trở nên không như Hùng chờ đợi, cánh cổng và cửa nhà Liên đều đóng chặt. Đâu rồi cô bạn nhỏ xinh xinh thời tiểu học, ngày ngày vẫn đứng chờ Hùng mỗi khi đến lớp, sao không thấy bóng dáng nàng? Cây ổi đầu nhà Liên trĩu đầy những quả như đang mời mọc người xưa. Chú chó đã lâu không gặp, vừa sủa vừa vẫy đuôi như lạ như quen.

Những ngày sau đó Hùng vẫn cố tìm gặp Liên nhưng không được, lân la tìm bạn học cũ dò hỏi, à thì ra Liên đang cùng gia đình về thăm quê Nội. Và có một điều làm Hùng bất ngờ không kém, khi được biết Liên cũng đã gia nhập vào Dòng tu. Hùng cảm thấy lòng vui vui chen lẫn chút ngẩn ngơ tiếc nuối…Ồ sao mình lại thế này? mình tiếc cái gì? Hùng ơi, sao hôm nay mày khó hiểu quá! Có chút gì đó nghèn nghẹn nơi lồng ngực Hùng.

Thời gian nghỉ hè cũng sắp hết rồi, Hùng vẫn nuôi hy vọng sẽ được nhìn thấy Liên trước khi trở lại tiểu chủng viện. Cuối cùng thì sự nóng lòng chờ đợi của Hùng đã được đền đáp. Thánh Lễ ban chiều vừa tan, nhanh chân bước vội xuống thềm, Hùng cảm giác như có ai đó đang nhìn mình. Ngoái lại đàng sau, Hùng giật mình ồ lên một tiếng…Ai đằng kia sao nhìn trông giống Liên quá vậy? Thôi đúng rồi, đúng là Liên thật rồi. Liên đứng đó bên tháp chuông nhà thờ, Hùng muốn chạy lại nắm chặt bàn tay Liên cho thỏa lòng mong nhớ, nhưng sao mình không thể? Ôi chao, mới đó mà đã mấy năm rồi, người bạn gái bé nhỏ yêu dấu năm xưa đây, nhưng lúc này trông cô ấy khác lạ quá! Liên bây giờ không còn là Liên của thuở lên năm lên ba nữa. Phần Liên, cô ấy cũng rất ngạc nhiên và thích thú khi gặp lại người bạn cũ. Một chút bối rối và bẽn lẽn trên gương mặt Liên, đã phần nào cho thấy, Liên có một cảm nhận và một cái nhìn khác về Hùng. Đúng thế, Hùng đâu còn là một cậu bé bí ba bí bô thuở nào nữa. Thời gian cùng với việc lớn lên của tuổi tác, đã vô tình đánh mất sự ngây thơ hồn nhiên ngày nào của đôi bạn trẻ!

- Chào Liên, em khỏe không?

- Cám ơn anh, em khỏe. Còn anh?

- Vẫn như cũ em à.

- Nhìn anh, em thấy khác quá, sao lại như cũ được?

Nghe Liên nói vậy Hùng giật mình ái ngại, hay là Liên đã đoán được lòng mình, đã thấu đáo những gì mình đang suy nghĩ…Riêng Hùng, điều mà Hùng ước ao lúc gặp lại không phải là những điều Liên vừa hỏi, Hùng ngỡ rằng Liên sẽ nói là rất nhớ Hùng. Nhưng rồi mọi chuyện xảy ra không như Hùng mong đợi, Hùng băn khoăn: hay là Liên không còn ưa thích mình nữa? liệu Liên có phải là con người vô cảm? Liên đâu biết rằng đã bao đêm Hùng thầm nhớ Liên, và chờ đợi cho lần gặp gỡ này như thế nào không?

Liên mỉm cười giơ tay vẫy chào nhưng Hùng vẫn đứng như trời trồng, chỉ đến khi Liên lên tiếng:

- Anh sao vậy?

- Không, không sao. À…à xin lỗi em, mãi suy nghĩ anh quên mất.

Vẫn nụ cười xinh tươi ấy, nụ cười như đã in sâu trong tiềm thức Hùng:

- Nhưng mà anh suy nghĩ điều chi?

Trở lại trường những ngày sau đó, Hùng thấy tâm tư mình trĩu nặng hơn qua lần gặp gỡ Liên. Tiếng Cha giáo như vẫn còn kia: “phải từ bỏ…”sao nghe khó quá! Xưa nay đã có mấy ai thành công, trong việc ngăn cản được tiếng nói yêu thương từ những con tim đang hừng hực lửa yêu. Và thường thì những kết thúc của việc cản ngăn ấy, dẫn đến việc các đôi lứa yêu nhau chung sống ngoại hôn, hay cùng đi tìm cái chết để được ở bên nhau trọn đời. Than ôi! Khi con tim đã lên tiếng thì lý trí buộc phải câm lặng. Hùng đang yêu, đã yêu thực sự hay đó chỉ là những say mê nhất thời. Câu thơ tình tứ của Thế Lữ: “ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ đã ai quên”, mới nghe qua rất đỗi bình thường vậy mà nó lại gợi lên trong Hùng nhiều lưu luyến lắm vấn vương. Lúc này Hùng cảm thấy rất phân vân và khó xử, giữa ngã ba đường không biết phải định hướng thế nào đây...chọn Chúa, nghĩa là vẫn tiếp tục tu học; hoặc nghe theo tiếng gọi của con tim bằng cách, trở về tìm gặp Liên và nói hết sự thật.

- Cha rất hiểu và thông cảm cho con, Cha đã gặp không ít trường hợp này. Việc con đi hay ở là tùy con, chuyện này tuy đơn giản nhưng nó rất hệ trọng và ảnh hưởng suốt cả cuộc đời con. Bởi vậy trước khi quyết định, Cha khuyên con hãy cùng Cha cầu nguyện để vâng nghe Thánh ý Chúa.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Hùng mệt mỏi tìm gặp Cha linh hướng và bày tỏ cho Ngài:

- Thưa Cha, con đã cầu nguyện, đã cố quên nhưng sao con vẫn nhớ.

Và câu nói sau đây của Cha linh hướng như mũi tên xuyên thủng và hạ gục trái tim bướng bỉnh của Hùng:

- Con đừng mòn mỏi trong nỗi nhớ làm chi nữa, chắc gì người con gái ấy thương nhớ và yêu con!

Những ngày sau đó, tuy rất bức xúc và khổ tâm trong việc phải từ bỏ những gì mình yêu thích, nhưng với thời gian, nhờ sự hướng dẫn an ủi của các Cha cùng sự động viên nhiệt tình của các bạn đồng môn, phần nào cũng đã làm lắng dịu những ước mơ cháy bỏng, những khao khát mãnh liệt đang rạo rực trong Hùng, thỉnh thoảng hình ảnh Liên lại chập chờn trước mắt nhưng với ý định và quyết tâm chọn Chúa làm gia nghiệp, đã giúp Hùng tạm quên và đứng vững cho đến ngày…

Chiến cuộc lan dần đã đẩy đưa gia đình Hùng về một miền quê hẻo lánh. Thời gian đầu do các phương tiện thông tin liên lạc còn yếu kém, nên Hùng không thể nào biết được tin tức về các Cha, bạn bè và Tiểu Chủng Viện, kể cả những gì về Liên. Thôi thì đành làm bạn với lưỡi cày cây cuốc. Đôi lúc Hùng vẫn ước ao quay trở lại đời tu, nhưng rồi cái ăn, cái mặc, cái khó khăn của những ngày đầu lập nghiệp…đã ít nhiều cản trở ước muốn của Hùng. Với dáng vóc của chàng trai vừa độ lớn, nước da trắng ngần, chiếc mũi cao như tây như điểm tô thêm vẻ đẹp cho khuôn mặt thư sinh, nhiều ông bố bà mẹ có con gái vừa xuân xanh, đã ngấm nghé Hùng cho các tiểu thơ nhà mình. Riêng Hùng thì vẫn chưa dứt khoát được và đang lưỡng lự:

“ Lúc này mình đi tu các Cha có nhận nữa không? Tiểu chủng viện những ngày sau cuộc chiến có còn mở cửa không? Làm sao mình đi về trường được khi trong tay không có lấy một xu?”

“ không rõ giờ này Liên ở đâu? Nàng có còn tu hay đã…? Liệu Liên còn nhớ tới mình không?”

Cuối cùng, biết rằng mình không còn cách lựa chọn nào khác nữa, Hùng nên duyên với một cô gái miệt vườn. Cuộc sống nhà nông tuy rất vất vả, nhưng bù lại sau những giờ lao động mệt mỏi, Hùng ăn khá ngon miệng và ngủ nhiều. Tất cả những việc trên đã làm Hùng vơi bớt nỗi nhớ về Liên và chuyện tu học. Vài năm sau, tình cờ qua một người quen, Hùng nhận được thư của Liên, trong thư Liên báo tin vui cho Hùng về ngày vĩnh khấn, thì ra Liên vẫn đang tu và còn nhớ đến người bạn học cũ.

Tưởng rằng giòng đời sẽ trôi đi trong hạnh phúc và bình yên. Nhưng rồi, cuộc sống gia đình cũng có lắm khi cơm không lành canh chẳng ngọt, lại phải sống bên cạnh người đàn bà chỉ có mùa hạ và mùa đông, rất ít khi thấy mùa xuân trăm hoa đua nở xuất hiện nơi bà. Vốn xuất thân là một chú nhà trường, được hấp thụ ít nhiều căn bản giáo lý và đạo đức làm người, Hùng cắn răng chịu đựng trăm bề, nếu không thì chỉ cần một chút sơ hở là phải hứng chịu những lời đay nghiến: cái đồ tu xuất…người thế hèn gì Chúa không chọn…Các Cha dạy mấy ông như vậy hả?

Sau một thời gian làm lụng vất vả cực khổ, vợ chồng Hùng đã có trong tay một cơ ngơi khá là vững chãi, nào nhà lầu xe hơi, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, tiền bạc rủng rỉnh tiêu xài, nhưng Hùng thấy mình cũng không mấy hạnh phúc, vui vẻ. Bởi nếu đem so sánh với các bạn thì chúng nó tuy nghèo, nhưng vợ con dễ dãi biết điều, lâu lâu muốn đi họp mặt, muốn đi chơi hay đi du lịch với bạn bè, không phải chịu đựng những bộ mặt quan tòa của vợ khi đi cũng như lúc về. Bà xã Hùng độ này thay đổi quá nhanh, nàng không còn là một cô gái nhu mì đôn hậu nữa, tính khí trở nên thất thường kiểu chưa mưa đã nắng, lắm khi vừa nắng lại vừa mưa …Vì thế dạo này hòa khí trong gia đình hay bị xáo trộn. Tất cả đã làm cho bức tranh đời Hùng giống như một mùa thu buồn, ảm đạm. Đôi lúc quá buồn Hùng chỉ biết nhìn lên Thánh Giá Chúa, thầm thì: ‘Lạy Chúa, đây có phải là Thánh Giá của con không? Xin Chúa giúp con đủ sức và đủ kiên nhẫn để vác cho đến cuối đời con, vì con không chịu nỗi nữa rồi và con muốn buông tay’.

Bây giờ, Hùng đã lập gia đình.

Hiện tại, Liên đang sống đời dâng hiến.

Mỗi người một hướng, đường ai nấy đi và tương lai cuộc đời của mỗi người đã được định đoạt. Ngôn ngữ Pháp có câu: Đời, c’est la vie – Tình, c’est l’amour. Riêng người Việt Nam, nếu gặp trắc trở hoặc chứng kiến những gì khác thường trong cuộc sống thì hay ví von ‘đời mà’, ‘đời là thế’. Đúng thật, đời đâu có gì hoàn hảo, nó xảy ra nhiều chuyện mà ta không thể biết trước được, không thể lường được. Bởi vậy mới có chuyện để nói sau đây:

Cứ ngỡ rằng đôi bạn trẻ ngày xưa giờ ai nấy đều an vui trong bổn phận của mình, và mọi chuyện trong cuộc sống sẽ như giòng sông trôi hiền hòa êm ả. Nhưng rồi mấy ai học được chữ ngờ… giông tố đã nổi lên, bùn đất đã khuấy đục thuyền đời của đôi bạn trẻ, kể từ sau ngày Hùng nhận được tin của Liên, và biết Liên hiện đang làm quản lý cho một cơ sở công giáo. Sốt ruột muốn tìm gặp Liên nhưng chưa biết tính sao, Hùng đắn đo do dự vì sợ vợ con ghen tức, khó chịu…nhưng cuối cùng ngày ấy cũng đến. Không hiểu vì đã lâu không gặp hay vì quá thương nhớ, Hùng và Liên ôm chầm lấy nhau, hơi ấm từ cơ thể người con gái trinh nguyên lan tỏa đến từng thớ thịt làm Hùng đứng ngất ngây. Giây sau như cảm nhận được có điều gì đó khác thường, Liên ngại ngùng buông Hùng ra:

- Cám ơn Anh đã tới thăm Liên.

Sau lần gặp gỡ và nghe Hùng tâm sự về đời mình, Liên cảm thấy xót thương cho tình cảnh của Hùng, và cũng từ ngày ấy trở đi, trong Liên bỗng xuất hiện thêm hình bóng Hùng, Liên đâu có ngờ đó chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ, bình thường, nhưng sao nó lại in đậm dấu ấn, làm cho Liên cảm thấy bế tắc và như khó thoát ra khỏi cái vòng xoáy vô định đó! Văng vẳng bên tai câu thơ của thi hào Nguyễn Du “ Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?”không quá khó để Liên tìm được câu trả lời. Tưởng rằng khoác lên mình chiếc áo chùng đen, tưởng rằng cứ chôn chặt đời mình trong bốn bức tường của tu viện, những tưởng ấy sẽ đóng kín và làm cho trái tim của Liên vỡ vụn vì tình yêu Chúa, lánh xa mọi chuyện trần tục. Nhưng không, Liên đâu phải là thần thánh gì, Liên cũng chỉ là một người phụ nữ như bao người phụ nữ khác, cũng biết vui buồn, giận hờn, biết yêu thương, ghen ghét và cũng mang trong lòng nhiều cảm xúc của một con người. Cái khó để Liên và những người phụ nữ khác sống trọn lý tưởng đời tu, cùng với những gì mình đã hiến dâng cho Chúa là phải chịu hy sinh, phải biết dằn chặt những cảm xúc của bản thân, đè nén những ước muốn viễn vông vô ích, không nên có. Và giờ đây, ký ức của những năm tháng xa xưa bỗng hiện về trước mắt Liên. Liên nhớ rõ những lần hai đứa nắm tay nhau tung tăng đi học, những tiếng hít..hà.. kèm theo những giọt nước mắt ngắn dài vì miếng ổi chấm phải muối ớt quá cay, hay những lần cùng đứng nép vào nhau dưới bóng cây trú mưa…làm sao Liên quên được những kỷ niệm đó!

Tiếng ê a của các cháu mầm non kéo Liên về với thực tại, nàng buông vội tiếng thở dài nặng nề bước chân vào lớp học.

Vì điều kiện làm việc bên ngoài xã hội, nên Liên không bị ràng buộc nhiều vào giờ giấc cũng như các sinh hoạt vốn có của nhà dòng. Và để tiện bề sắp xếp cũng như đảm bảo cho công việc đạt kết quả tốt đẹp, đúng thời gian. Nhà dòng đã cho phép Liên được ở lại cơ sở ăn uống và nghỉ trưa…Sự thuận lợi này vô tình dẫn đến việc, Liên và Hùng ngày càng có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau thường xuyên, khoảng cách tình cảm theo đó cũng được rút ngắn và trở nên mật thiết hơn, giữa hai người đã bắt đầu có sự gần gũi đụng chạm. Đã vài lần Liên muốn lẩn tránh không cho Hùng gặp mặt, nhưng rồi chẳng hiểu vì sao nàng lại không thể, hay là tại Liên đang nhớ những lúc Hùng nắm tay, quàng tay qua vai bá cổ nàng. Người xưa thường ví von: “ lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” quả không sai. Trong một lần không làm chủ được mình, Liên đã để cho Hùng hôn lên đôi môi của mình, đôi môi mà nàng đã hứa là chỉ dành riêng cho Chúa. Cố gắng thoát ra khỏi những cảm giác ngất ngây tội lỗi ấy, Liên trách Hùng:

- Sao anh lại làm thế? hồi xưa tại sao anh không nói, giờ thì muộn rồi. Nếu thương em, xin anh hãy để yên cho em tu.

Trở về tu viện, Liên khóc sướt mướt trước Thánh Thể Chúa:

- “Con đã phản bội tình yêu Chúa, đã đi ngược lại với những gì con đã tuyên khấn, con đã phạm tội và con lại khoét sâu thêm những dấu đinh trên Thánh Giá Chúa. Xin tha thứ cho con, xin giúp con Chúa ơi”.

Quá mệt mỏi và chán chường, Liên gục đầu xuống bàn, thiếp dần trong tiếng nhạc vang vọng từ phòng bên:

Lạy Chúa tu viện từng đêm thênh thang. Nghe gió gọi tên người yêu bàng hoàng. Dừng cơn hờn trách Chúa ơi. Hạt kinh lệ thắm môi con. Vì con cũng là con người.

Chúa Chúa ơi, con bắt đền bắt đền Chúa đó. Ai bảo Chúa chọn con mà không giết chết tim con. Để hôm qua con buồn phiền, để hôm nay con chiến đấu. Và ngày mai biết đâu con sẽ ngã.

‘Đàn ông lâu ngày chán cơm thèm phở’. Đúng vậy, Hùng vui thích vì đã quyến rũ và chinh phục được trái tim của Liên. Những lúc ngồi bên Liên, Hùng thường trấn an mình bằng những ý nghĩ mê muội: “ Tại sao tôi yêu người mà phải mang tội, phải mất linh hồn, phải chi đừng có hỏa ngục thì tôi và Liên sẽ được sống bên nhau trọn đời.” Nhưng cũng có lúc Hùng cảm thấy áy náy vì đã lừa dối vợ con, đã bội thề khế ước hôn nhân, và buông mình theo những trò đùa tội lỗi. Thói trăng hoa của người đàn ông trong Hùng đã làm chàng quên đi tất cả, chỉ biết vùi đầu đi tìm những cái mới lạ sau khi đã no xôi chán chè. Tất nhiên, chuyện gia đình sướng khổ là do mình chọn lựa, cớ sao giờ lại thoái thác. Đối với Liên, dù sao nữa Hùng cũng không thể nhẫn tâm với nàng; và càng không được lợi dụng tình cảm Liên dành cho mình để làm điều xấu xa, bất chính. Bản thân Hùng đâu còn thiếu thốn điều chi nữa, có tiền bạc của cải, có vợ con vui vầy sẻ chia tình cảm. Còn Liên ngoài một chút tình đã dâng hiến cho Chúa, nàng chẳng có gì cả. Thế mà Hùng quá ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, lại đang tâm cười vui trên nỗi đau của Liên!

Một ngày nọ trên ghế đá công viên, Liên run run khẽ cầm tay Hùng, đôi mắt người nữ tu đẫm lệ:

- Liên sắp phải đi xa, nhà dòng điều chuyển Liên làm công việc khác.

Cứ ngỡ việc ra đi làm cho Liên buồn Liên khóc, Hùng vỗ về:

- Trái đất tròn mà em, tụi mình xa nhau mấy mươi năm còn gặp lại huống chi…thôi nín đi em.

Thấm vội hai hàng nước mắt, Liên nhìn vào khoảng không trước mặt:

- Không phải Liên khóc vì việc phải ra đi, phải xa anh. Nhưng Liên rất cảm động và cám ơn anh rất nhiều

- Sao em lại nói thế, có gì đâu mà phải cám ơn.

- Em phải cám ơn anh, vì anh đã gìn giữ cho em còn nguyên vẹn chiếc áo trinh nguyên mà em đã dâng tặng cho Chúa. Mặc dù có những lúc ngồi bên anh, cơn cám dỗ đã mê hoặc em, làm cho em yếu đuối mù quáng không biết thế nào là phải trái, quên luôn cả những gì mình đã hiến dâng cho Chúa. Dục vọng trong em đã bùng phát mãnh liệt, như cánh đồng khô hạn gặp nước, em đã thèm khát và muốn buông xuôi tất cả, vì em nghĩ rằng khi đã yêu nhau, người ta không thể làm khác hơn được. Chính trong những lúc như vậy, anh đã biết dừng lại, không để cho mọi chuyện trở nên vỡ vụn tan tành và không còn lối thoát; sự thèm muốn và sở thích chiếm đoạt của người đàn ông trong anh không quật ngã được anh. Em nghĩ đó là một cuộc trắc nghiệm và thử thách quá nặng nề cho cả anh và em, tạ ơn Chúa đã giải gỡ cứu thoát. Cám ơn anh nhiều nhé, đã đến giờ em phải ra đi, chào anh.

Biết là mình không thể giữ Liên lại được, và mình cũng không có quyền làm những chuyện đó với Liên, Hùng buồn bã tiếc nuối:

- Nếu việc ra đi này có thể tốt cho cả hai chúng ta, thì em hãy an tâm ra đi. Chúc em đi bình an. Hãy tha thứ cho anh, Liên nhé.

Trước khi từ biệt lần cuối, đôi bạn cùng nhau quỳ trước Thánh Tượng Đức Mẹ khẩn cầu:

“Lạy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, chúng con xin dâng Mẹ sự sống của chúng con, dâng hết mọi sự thuộc về chúng con. Xin cho chúng con biết bằng lòng chịu mọi sự khó Chúa đã định, trong đời sống gia đình cũng như trong đời sống tu trì, để đền vì những tội lỗi chúng con đã xúc phạm đến Trái Tim Mẹ, cùng Trái Tim Chúa Giêsu Con Mẹ.”

Bên trong Nhà Thờ, những lời kinh nguyện tạ ơn mừng Hồng Ân Năm Thánh Kim Khánh giáo phận được cất lên: “… Xin giúp các gia đình vượt thắng mọi cám dỗ, để trung tín với Chúa và thủy chung với nhau…” như một lời động viên, nhắc nhở Hùng quay về với gia đình, với bổn phận của người chồng, người cha.

Cất bước vào Thánh Đường, Hùng quỳ gối nhìn lên tượng Chúa chịu nạn:

- Lạy Chúa, con thật quá vô tâm, quá hững hờ, con đâu biết rằng máu Chúa vẫn tuôn đổ từng giây, từng phút vì yêu thương chúng con.

Đưa khăn thấm giọt nước mắt ứa ra và chảy dài trên má, Hùng ân hận:

- Lạy Chúa, Chúa đã chịu đóng đinh và chịu chết vì tội lỗi con. Nay con xin Chúa tha thứ cho con, và xin đừng để con đóng thêm những dấu đinh vào thân thể Chúa trên Thánh Giá một lần nữa.

Từ trên bàn thờ, Vị chủ tế cất tiếng chào: “ Chúc Anh Chị Em đi bình an”. Như một lời thôi thúc, nhắn nhủ và mời gọi đôi bạn ngày xưa, hãy ra đi ‘đừng sợ’, ra đi bình an trong ơn gọi của mỗi người:

Ơn gọi Sống Đời Thánh Hiến.

Ơn gọi Sống Chứng Nhân giữa đời.

Gx.Tây-Hải Năm Đời Sống Thánh Hiến 2014-2015.

Thành Tuy Hạ







HÃY THA THỨ CHO CHA.

Lang thang trên dòng đời, có dấu chân của những người thiện nguyện, hòa nhịp cùng với những tấm lòng nhân ái, bằng mọi cách và bằng mọi giá, bảo vệ sự sống cho mọi người, cách riêng cho các thai nhi. Mỗi giây phút qua đi, là một sinh linh bé bỏng bị tước bỏ quyền sống, do sự vô tâm, vô nhân tính của những người làm cha, làm mẹ!

Dù tôi phải chết do bị tai nạn, chiến tranh hay bệnh tật, nhưng tôi thấy mình vẫn hạnh phúc hơn các em, vì dẫu sao tôi cũng đã được sinh ra và được làm người. Thương ôi! Các em chết đi khi chưa được cất tiếng khóc chào đời, chưa được mẹ cha ẳm bồng, nâng niu, và chưa được một lần bú mớm những giọt sữa yêu thương tuôn chảy ra từ lòng mẹ.

- Đừng…đừng mà Anh, Em muốn dành chuyện đó cho tới ngày cưới của đôi mình.

Bỏ qua những lời năn nỉ tha thiết cùng với ánh mắt khẩn khoản nài xin của người yêu, Tâm như một con thú dữ đang đói mồi, vồn vã, dồn dập…Chàng muốn Hoa phải cho mình thỏa mãn cơn dục vọng đang bùng cháy mãnh liệt trong lòng. Hoa cố gắng vùng vẫy tìm lối thoát, vì nàng không muốn việc này xảy ra khi chỉ còn không đầy một năm nữa là đến ngày tốt nghiệp đại học. Hoa biết trước sau gì chuyện ấy cũng sẽ đến, nhưng không ngờ nó lại xảy ra quá sớm. Những dự định, những ước mơ về một tương lai tươi sáng, về một gia đình nhỏ bé hạnh phúc đã gần như nằm trong tầm tay, vậy mà giờ đây...Với sức vóc bé nhỏ mảnh mai, cuối cùng Hoa đành chịu khuất phục dưới đôi tay rắn chắc của Tâm, người bạn tình tuổi đôi mươi đang hồi sung mãn. Những giọt nước mắt nuối tiếc cho một điều gì đó vừa thiêng liêng vừa cao cả bị đánh mất lăn dài trên má Hoa..

Thời gian qua mau, cái thai trong bụng Hoa ngày một lớn dần. Tâm cảm thấy lo lắng bối rối vì không ngờ mọi chuyện lại xảy ra tồi tệ như vậy, và bố mẹ chàng do sợ việc này ảnh hưởng xấu đến vị thế của gia đình, nên đã gây áp lực và không chấp nhận. Tâm chẳng biết phải xử trí thế nào vì một bên là hiếu, bên kia là tình. Cuối cùng chàng khuyên Hoa nên phá bỏ cái thai ấy đi, nếu không nó sẽ cản trở hết mọi công việc và những dự tính sắp tới; Tâm cho rằng hãy còn quá sớm để nghĩ tới chuyện con cái.

- Anh à, hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con, thế mà anh lại…

Không để Hoa nói hết lời, Tâm cắt ngang:

- Anh đã quyết định rồi, nếu em không nghe lời anh, sẽ gánh chịu mọi hậu quả.

- Nếu biết trước như vậy thà chia tay nhau thì hơn.

- Tùy em…

Nghe những lời Tâm nói, đôi mắt Hoa cay xè lòng đau quặn thắt. Nàng bồi hồi: Liệu Tâm có còn yêu thương mình nữa không, hay khi đã chiếm đoạt được thân xác mình thì quất ngựa truy phong? Trước giờ chàng vẫn đối xử rất tốt với mình mà, Tâm đâu phải là hạng người sở khanh. Tại sao Tâm phải nghe theo gia đình để làm điều bạc ác này?!



Hai đứa quen nhau đã mấy mùa phượng nở, cùng ngồi cạnh bên trên giảng đường đại học. Tình cảm giữa Tâm và Hoa nồng thắm đến độ các bạn cùng khoa thường chọc ghẹo hai đứa là đôi vợ chồng sinh viên; cũng lắm bạn thích trêu đùa, nhưng cũng có không ít người nhìn Hoa với ánh mắt soi mói và khó chịu ra mặt. Hoa cảm thấy buồn và chán nản vì những căn bệnh ghen tuông vớ vẫn bùng phát, sẽ dễ dẫn đến sứt mẻ tình bạn. Nhưng Khách quan mà nói, các bạn ghen ghét cũng đúng thôi, vì chỉ nhìn qua dáng vẻ bên ngoài, Tâm thực sự là mẫu người đàn ông khá lý tưởng mà các cô gái phải thầm mơ ước: đẹp trai, hiền lành, con nhà giàu, học giỏi.

Giờ đây tuy mọi việc xảy ra ngoài ý muốn, và luôn phải hứng chịu nhiều cái nhìn khinh bỉ cùng những lời nói xấu xa cay nghiệt của chúng bạn, của người đời, nhưng không vì thế mà Hoa đang tâm từ bỏ sinh linh bé bỏng trong bụng. Đứa bé này là con của mình và Tâm, nó có tội tình gì mà phải giết bỏ đi?

Vốn sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, ngay từ thuở bé Hoa đã hấp thụ và chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục nghiêm khắc, nề nếp gia phong, tính tình của nàng lại hiền hòa dễ mến, do đó Cha Mẹ đã đặt rất nhiều kỳ vọng nơi nàng, nhưng giờ đây tất cả đã tan thành mây khói, những cơn giận dữ cùng những lời đay nghiến chửi rủa ngày đêm, thêm vào đó sự thờ ơ lạnh nhạt của Tâm ngày càng lộ rõ. Đôi lúc Hoa suy nghĩ làm sao mình có thể sống nỗi, nếu không đủ can đảm cố gắng vượt qua và chấp nhận một sự thật phũ phàng. Mọi chuyện xem như đã rơi vào bế tắc, và để cứu vãn tình thế Hoa buộc lòng phải lánh gia đình đi nơi khác.

Câu chuyện mà Hoa đã nghe bạn bè kể lại sau đây, ít nhiều cũng giúp nàng quyết tâm giữ lại giọt máu đang mang trong bụng, cho dù có bị Cha Mẹ mắng chửi đánh đập, cho dù Tâm có đe dọa bỏ đi.…

“Mãi cho đến tận bây giờ, hôm đó vẫn là một ngày không thể quên với bà Hương. Sáng sớm tinh mơ, khi ra chợ bán rau, bà Hương bỗng thấy ở góc chợ chỏng chơ một túi nilon màu đen được buộc rất cẩn thận. Tò mò mở ra, bà giật nảy mình, ngã ngửa. Bà Hương cho biết: “Tôi không thể tin vào mắt mình, một hài nhi bị kiến bâu đen sì nhưng vẫn còn thở thoi thóp, mắt trừng trừng nhìn tôi. Sau hồi trấn tĩnh, tôi phủi lũ kiến, bế đứa bé lên mà bảo rằng: ‘Cháu ơi, đây là do bố Mẹ cháu bỏ rơi, bà thấy cháu tội nghiệp nên cứu vớt thôi!’. Ngay sau đó, đứa bé ọ ọe được vài tiếng rồi qua đời…”



Chiến tranh ngày càng leo thang, giữa bốn bề ầm ì bom đạn, giữa sự sống và cái chết đang chen nhau trong từng tấc đất. Đứa bé đã chào đời trong căn chòi lá nhỏ rách nát, chung quanh khét mùi thuốc súng. Ôm đứa con bé bỏng mà mình đã phải chịu bao điều đắng cay tủi nhục, Hoa cảm thấy như chưa bao giờ mình được sung sướng, hạnh phúc, cho bằng lúc này.

Trời đã về chiều, Hoa để bé Dương ngủ trên võng và đi ra bờ suối giặt đồ, nhìn con mũm mĩm say giấc nồng, Hoa tạm quên đi bao ưu tư mệt mỏi, nàng ngỡ rằng những giây phút hạnh phúc của tình mẫu tử sẽ mãi mãi êm đẹp. Thế nhưng…Bùm! một tiếng nổ lớn vang lên rất gần, và một mảnh đạn pháo từ đâu bay đến đã cướp mất bàn tay trái của Hoa, máu tuôn xối xả đầm đìa, Hoa bỗng thấy đất trời quanh mình tối sầm lại, nàng quay cuồng lảo đảo, ngã vật xuống đất, đôi môi khô khốc nứt nẻ mấp máy…Dương…con tôi.

Tỉnh lại trong bệnh viện, Hoa đưa tay quờ quạng hai bên giường tìm bé Dương. Loay hoay một lúc không thấy gì cả, Hoa khẽ rên yếu ớt:

- Con tôi, con tôi đâu rồi?

Nghe thấy thế, cô y tá vội bế đứa bé tới và đặt nằm cạnh bên nàng, theo sau cô là một người đàn ông. Sửng sờ giây lát…Hoa nhận ra người đó chính là Tâm, Cha của bé Dương.

- Anh còn đến đây làm gì nữa?

- Tôi đến đây để chào Hoa. vài hôm nữa tôi sẽ theo gia đình xuôi vào miền Nam.

- Đó là chuyện của Anh, không can hệ gì đến Mẹ con tôi.

Tiếng khóc oe oe của đứa bé đã cắt ngang câu chuyện giữa hai người. Ôi thói đời đen bạc, ôi lòng dạ bất nhân, mặc cho vết thương trên tay Hoa đang rỉ máu, mặc cho đứa con bé bỏng ngây thơ tội nghiệp của mình đang khóc đòi ăn, Tâm chẳng mảy may xúc động và quan tâm, chàng lo lắng cho chuyến đi xa hay đang tìm cách để chạy trốn trách nhiệm của mình. Nén cơn đau Hoa cố gắng nằm nghiêng lại và choàng tay ôm lấy con, đôi mắt nàng đỏ hoe:

- Nín đi con yêu dấu của Mẹ, tội nghiệp con tôi, có cha mà cũng như không.

Nghe thấy thế Tâm vội quay lưng bỏ đi.



Thời gian dần trôi, bé Dương ngày càng lớn nhanh trong sự chăm sóc vỗ về của Mẹ, nhìn ngắm con, sự đau khổ và bực bội trong Hoa ngày càng nguôi dần, với một bàn tay còn lại, vẫn biết sẽ rất khó khăn trong sinh hoạt đời thường, trong công việc…nhưng không vì thế mà giữa hai Mẹ con ngơi ngớt tiếng cười đùa.

Người ta thường quan niệm, mối tình đầu là tình đẹp nhất nhưng cũng dang dở nhất, lắm ngọt ngào lại pha lẫn nhiều đắng cay, rất khó phai và không dễ quên, nó cho ta cái cảm giác thích thú tuyệt vời qua những cái nắm tay, những nụ hôn đầu tiên. Và thường khi đã yêu rồi thì người ta đâu còn nhận định được phải trái đúng sai. Cũng chính vì thế, đàng sau những nỗi niềm đam mê đó, những gì còn lại khi đổ vỡ xảy ra là những cơn đau triền miên, nó day dứt xâu xé người trong cuộc hoài mãi không thôi. Nhiều khi ngồi ngắm nhìn con say ngủ trên chiếc võng, Hoa chợt nhớ đến Tâm: Không biết giờ này chàng ở nơi đâu? đã lập gia đình chưa? Có khi nào Tâm nghĩ tới nàng và bé Dương không? Và hình ảnh của những ngày còn hạnh phúc bên nhau tràn về, khiến Hoa cảm thấy lòng mình nặng trĩu, buồn tênh. Chút căm ghét con người bội bạc ấy khiến nàng chau mặt lại.

Phần Tâm, sau khi đã quay lưng bỏ mặc Mẹ con Hoa, chàng theo gia đình trôi dạt vào một thành phố nọ. Cuộc sống thị thành quá nhiều những cảnh ăn chơi trụy lạc đã dấn dần bám rễ sâu trong con người Tâm. Chàng thả sức hưởng thụ như để bù lại lúc còn ở quê, khi mà những tháng ngày đông sang giá buốt, run rẩy co ro trong chiếc áo mỏng tang vá chằng vá đụp, bụng đói meo mà phải cố ăn những củ khoai mì non đắng ngắt.

Lối sống đàn đúm, sa đọa sau những làn khói trắng ma quái quyến rũ, đã giết lần giết mòn con người của Tâm. Càng ngày Tâm càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Và để kiếm đủ tiền phục vụ cho cơn say cuồng mê này, Tâm quay sang buôn bán ma túy, dù biết rõ kết cục của tội danh này là hình phạt cao nhất, nhưng chàng không còn đủ tỉnh táo để tìm cho mình một hướng đi nào khác.

Người đời thường lý luận: “Con người không thể sống hay yêu thương mà không có trái tim.” Thật vậy, chúa sơn lâm dù có hung dữ và tàn sát tất cả các thú vật trên rừng, nhưng nó vẫn dành một góc nhỏ trong trái tim để yêu thương con mình. Đối với Tâm cũng vậy, tuy hoàn cảnh đã đưa đẩy và biến chàng thành một con người nghiện ngập bạc ác, nhưng không vì thế mà chàng không còn biết yêu thương, chàng vẫn mang trong mình trái tim của một con người. Nhiều khi đêm về, tỉnh giấc sau những cơn say rượu, say thuốc, say tình. Tâm bỗng nhớ về Hoa, nhớ đứa bé được sinh ra qua mối tình của hai người, một chút hối tiếc về quá khứ dằn vặt Tâm:

- Tại sao tôi lại làm thế? Tôi có còn là một con người nữa không? Hoa đâu có tội tình gì. Và đứa bé, con của tôi và Hoa…Trời ơi! tôi biết phải tìm đâu bây giờ?



Rồi cũng đến ngày bé Dương đã lớn, không còn được nhõng nhẽo đòi bế và đòi bú Mẹ nữa, Dương phải đi học. Tiếng trống khai trường đã điểm, xúng xính trong bộ quần áo mới, được là thẳng tắp, Dương hớn hở theo Mẹ đến trường. Trước khi ra về, Hoa đặt nụ hôn lên má con mà hai hàng nước mắt chảy dài…

- Ủa sao Mẹ lại khóc? Tan học chiều con về với Mẹ ngay mà.

- Ờ…ờ ấy là Mẹ nhớ con.

Nhưng bé Dương còn quá ngây thơ dại khờ, chưa thể nào hiểu thấu được những nỗi đau thầm kín của Mẹ, nhìn chung quanh thấy con người ta có Cha có Mẹ…còn con mình! Có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng của Hoa.

Thời gian qua mau. Ôi chao! mới đó vậy mà…

- Mẹ ơi, ngày mai nhà trường làm lễ tốt nghiệp, Mẹ phải mặc đồ thật đẹp đi dự với con nghe.

- Ừ… ừ. Mẹ sẽ đi mà.

Có lẽ do hồi hộp vì buổi lễ phát thưởng ngày mai, suốt đêm qua Dương trằn trọc, ngủ không yên giấc. Trời vừa tảng sáng, cậu ta đã nhảy xuống khỏi giường. Sau khi ăn vội củ khoai lang lót dạ, Dương cầm tay Mẹ lôi đi thật nhanh như sợ không kịp thời gian. Mẹ Dương cười trách yêu cậu con trai:

- Từ từ nào con, kẻo lại té ngã bây giờ.

Sân trường đã nhộn nhịp hẳn lên so với mọi ngày. Sau bài diễn văn khai mạc, từ trên khán đài, người ta nghe thấy tiếng của Thầy hiệu trưởng:

- Chúng tôi xin mời em Nguyễn thái Dương, học sinh đoạt giải thủ khoa toán học của trường.

Bên dưới sân trường, những tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Dương hí ha hí hửng bước nhanh đi trước, Mẹ Dương mỉm cười bước theo sau, niềm vui sướng trào dâng khiến đôi mắt nàng ngấn lệ. Sau khi cúi đầu chào mọi người, Dương nắm lấy cánh tay trái của Mẹ đưa lên mặt hôn tới tấp, tiếp theo cậu ta giơ cánh tay đã mất bàn tay của Mẹ lên cao, cả rừng đám đông người như chết lặng khi nghe Dương nói:

- Xin cảm ơn Trời đã ban cho tôi một người Mẹ tuyệt vời. Và đây là cánh tay của Mẹ tôi, tuy nó không còn nguyên vẹn nhưng đã chở che, bao bọc, ôm ấp cả cuộc đời tôi, những gì tôi có được ngày hôm nay chính là nhờ Mẹ tôi.

Và một lần nữa Dương lại hôn lên cánh tay tật nguyền của Mẹ, đó đây bên dưới khán đài nhiều người cảm động đưa tay lên mặt, quệt nhanh những giọt nước mắt vừa lăn dài xuống gò má.



Chiến tranh ngày một tàn phá dữ dội hơn, không ai có thể lột tả hết được sự khốc liệt của nó. Và như bao chàng trai khác, Dương phải từ giã Mẹ lên đường nhập ngũ. Hôn lên mái tóc của Mẹ nay đã bạc trắng vì vất vả, vì bụi thời gian, Dương lao vào mặt trận.

Xưa nay vẫn vậy, cuộc chia ly nào mà không đầy nước mắt. Ngày tiễn con lên đường, Hoa quay mặt đi như để che đôi dòng lệ đang chảy dài trên má, nàng nghe như có muối xát ở trong lòng. Thỉnh thoảng đêm đêm có tiếng bom đạn vọng về từ dãy núi phía sau lưng nhà, Hoa cảm thấy kinh sợ và lo lắng cho con. Quì gối trước bàn thờ Chúa, nàng lâm râm khấn cầu:

- “ Lạy Chúa, bom đạn đã lấy mất đi một phần cơ thể của con rồi. Nay con xin Chúa gìn giữ và ban ơn bình an cho con trẻ. Xin Cho cuộc chiến mau tàn, cho con của con được lành lặn trở về như xưa.”

Nhờ có kiến thức qua những năm đại học, cuộc đời binh nghiệp của Dương khá là thăng tiến, giờ đây chàng trai bị cha mình bỏ rơi năm xưa, đã là một vị tướng oai phong lẫm liệt, đánh đâu thắng đấy, danh tiếng lẫy lừng.

Rồi cũng đến ngày hòa bình được lặp lại trên quê hương, biết nói sao cho xiết được niềm vui đoàn tụ sau một thời gian dài xa cách. Ôm chặt con vào lòng mà những giọt nước mắt vui mừng, những giọt nước mắt chan chứa niềm cảm mến và tạ ơn Chúa Mẹ đua nhau chảy dài trên khuôn mặt của Hoa. Và để thưởng công cho tài binh lược của Dương, chính phủ đã dành cho Mẹ con Dương nhiều ưu đãi trong cuộc sống cũng như công việc. Sau đó vì phải vào trong miền Nam công tác, không thể để Mẹ ở lại ngoài quê, Dương đã đưa Mẹ cùng đi với mình.

Thế rồi một ngày nọ, Dương nhận lãnh trách nhiệm xét xử một tên tội phạm ma túy. Đám đông hiếu kỳ đứng tràn ra hai bên đường, tên tội phạm bị điệu đi giữa hai hàng lính và người đi sau cùng là Dương, chỉ huy cuộc hành quyết hôm nay.

Chen lẫn trong đám đông người, Hoa cũng có mặt để xem việc hành xử . Khi tên tử tù đi ngang qua trước mặt mình, Hoa nhận thấy người này rất quen thuộc. Nàng suy nghĩ mãi mà vẫn chưa hình dung được…Ủa, không lẽ…Ừ nhỉ, sao ông ta lại giống Tâm vậy? Cố len lỏi tới thật gần để nhìn cho kỹ, cả người Hoa run bắn lên, không còn nghi ngờ gì nữa, tên tử tù ấy chính là Tâm, người tình năm xưa của Nàng và là cha của Dương. Than ôi! Cớ sao Ông trời lại để xảy ra tình cảnh trớ trêu này? Và dù ông ta có tội lỗi đến đâu, mình cũng không thể để con trai phải mang tiếng giết Cha, bây giờ phải làm sao để nói cho Dương hay biết mọi chuyện…

Những người lính có nhiệm vụ thi hành án đã xếp hàng ngay ngắn chờ lệnh của Dương.

- Tất cả đứng..nghiêm.

Giữa rừng người yên lặng hồi hộp chờ đợi, tiếng hô của Dương dõng dạc cất lên:

- Tất cả chuẩn…bị.

Các xạ thủ trong tư thế sẵn sàng đã giương súng lên cao và nhắm thẳng hướng tên tội phạm đang đứng.

- Một…hai…

Bất ngờ, từ trong đám đông một người phụ nữ lao ra và ôm chặt lấy tên tội phạm, cả pháp trường như nghẹt thở. Tiếng người phụ nữ hét lên:

- Dương ơi, đừng bắn…đừng bắn nữa…đừng bắn Cha của con.

Dương chạy vội tới khi kịp nhận ra Mẹ mình:

- Sao Mẹ lại làm như vậy? Người này là Cha của con ư?

Nghe Mẹ nói vậy, Dương ra hiệu cho các tay súng tạm dừng. Khi tấm khăn bịt mặt đã được tháo bỏ, nét mặt Tâm trơ tráo, xanh mét vì sợ hãi. Đưa tay chỉ vào Mẹ, Dương nhìn người đàn ông và đanh giọng:

- Này ông kia, ông có nhận ra người này là ai không?

Thay cho câu trả lời của Dương, người đàn ông quỳ mọp xuống đất:

- Trăm lạy, ngàn lạy bà…xin bà bỏ qua cho tôi, tội của tôi đáng chết lắm.

Quay qua Dương, người đàn ông thổn thức:

- Đã bao năm qua vì ích kỷ, vì muốn trốn tránh trách nhiệm…nên Cha đã từ chối con và muốn Mẹ con phải giết bỏ con, Cha không đáng sống trên cõi đời này nữa, trước khi Cha phải đền trả tội lỗi Cha đã gây ra…Cha xin con hãy tha thứ cho Cha.

Dương lạnh lùng đáp trả:

- Mẹ tôi… phải, Mẹ tôi đã chịu đựng biết bao khổ cực, tủi nhục do Ông gây ra, và đã chấp nhận gánh lấy tất cả hậu quả cũng chỉ vì muốn tôi được sống, được làm người. Và hôm nay cũng chính Mẹ tôi…Mẹ tôi đã không ngại nguy hiểm cốt để bảo vệ sự sống cho ông. Chính ông là người đã phản bội Mẹ tôi, là người đã từ chối và muốn giết bỏ ngay cả đứa con ruột của mình.



- Trời ơi! Tôi biết phải làm sao bây giờ? Vì tôi không thể giết chết kẻ thù, khi kẻ thù đó lại chính là…Cha mình!

Thành Tuy Hạ

.