Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Truyện Dài: Người Hành Khất Trước Cổng Tu Viện - Kỳ 1

Truyện Dài
NGƯỜI HÀNH KHẤT TRƯỚC CỔNG TU VIỆN
Trần Thế Huy

Kỳ 1


Đang là mùa của những cơn mưa, thế nhưng năm nay bỗng dưng khô hạn lạ thường, thời tiết thay đổi đột ngột và khí trời nóng ẩm đến khó chịu. Thỉnh thoảng có vài cơn gió thổi qua, mang theo những luồng khí nóng hừng hực, làm cho người ta có cảm giác như đang ngồi trong lò sấy. Người thì đổ lỗi cho hiện tượng biến đổi khí hậu El Nino, người thì khẳng định do khói thải từ các nhà máy đã làm thủng tầng ozon, cũng có không ít người cho rằng vì đường sá bây giờ bị bê-tông hóa nên đất không còn giữ được nước…Dù cho các lý do trên đây cũng chỉ là một trong những nguyên nhân làm cho bầu khí quyển thay đổi, nhưng phải nói là những năm gần đây, khí hậu trên trái đất ngày càng không còn tuân theo sự tuần hoàn vốn có mà thiên nhiên đã xếp đặt cho nó.
Một người bạn cũ thuở còn học chung ngoài bắc với ông Hoàng, lưu lạc vào mãi tận miền Tây của đất nước và cũng khá lâu rồi hai người chưa gặp nhau. Bỗng dưng vào một ngày nọ, ông ta gọi điện thoại than vãn với ông Hoàng:
- Năm nay bị thiên tai đói rồi anh Hoàng ơi, trên anh có việc gì làm không?
Ông Hoàng thấy cũng hơi lạ:
- Trời anh nói sao vậy! Vựa lúa của cả nước, hàng năm xuất khẩu bao nhiêu lúa gạo đi khắp thế giới, lo gì chuyện đói.
Bên kia đầu dây ông bạn vẫn tha thiết:
- Tui nói thiệt đó, bình thường mỗi năm vào tháng này, bà con kéo nhau ra đồng làm vụ mùa đông vui không kể xiết. Nhưng năm nay chẳng hiểu vì sao ít mưa quá, sông rạch thì cạn kiệt, nước mặn tràn về quá xá, đâu có cày cấy gì được nữa, tôm cá cũng rủ nhau về chầu long vương hết rồi, bà con dưới này ai nấy đều lắc đầu ngao ngán, chạy ngược chạy xuôi tìm việc làm. Anh nhớ kiếm dùm tui một công việc nhé.
Nghe anh bạn nói vậy, ông Hoàng mới sực nhớ…thôi đúng rồi, hèn chi hôm nọ ngồi chờ khách, ông có nghe anh Tư xe ôm nói về vụ miền Tây bị hạn hán và ngập mặn. Ông bèn nói với anh bạn học:
- Tại sao lúc nào mọi người cũng cứ đổ lỗi cho ông Trời vậy cà, vụ này tôi nghĩ là do nhân tai chớ không phải do thiên tai.
Ông bạn học thắc mắc:
- Anh nói tui không hiểu, nhưng từ xưa đến giờ ai cũng đều cho là mọi tai ương xảy ra đều do ông Trời hết
Ông Hoàng tiếp tục phân trần:
- Anh biết vì sao không? Nguyên nhân chính là do ở trên thượng nguồn người ta chặn giòng nước lại. Anh không nghe cha ông mình nói à: “Thượng điền tích thủy thì hạ điền phải khan thôi”.
Nghe ông Hoàng nói vậy, anh bạn ngẫm đi ngẫm lại:
- Đúng, nghe anh nói giờ tui mới hiểu và thấy rõ đây là ý đồ của…mấy kẻ có ruộng ở trên chơi xấu những người ở ruộng dưới, hì hì.
­
Đồng hồ trên tường nhà gióng lên những điệu nhạc quen thuộc, báo hiệu đã bước qua giờ ngọ. Đó đây dưới những ngôi nhà mái tôn lụp xụp, người ta nghe thấy vang lên vài tiếng khóc của các cháu bé, có lẽ chúng nó không chịu nỗi cái nóng, chỉ tội các bà mẹ cho dù quá mệt mỏi nhưng vẫn không thể ngã lưng được, phải ngồi quạt liên tục đến rời rã cả đôi tay, mà con trẻ cũng chẳng chịu nằm yên. Cụ Thương, mẹ của ông Hoàng, cũng không tài nào chợp mắt được, lâu lâu bà cụ phải kéo vạt quần lên, thấm bớt những giọt mồ hôi đang chảy tràn qua hàng mi, làm cho đôi mắt vốn đã mờ vì tuổi cao bị cay xè, vừa đưa tay quanh giường tìm cái quạt nan cụ vừa lẩm bẩm:
- Sao mà cứ nhè giờ trưa nóng nực lại cúp điện vậy mấy ông ơi! Ôi thôi đủ thứ lý do nào là thiếu nước, thiếu dầu, kinh doanh thua lỗ…
Vất vả suốt cả buổi sáng trên chiếc xích lô, tưởng rằng trưa về sẽ được nhắm mắt một chút cho đỡ mệt, để chiều mát còn tranh thủ chạy thêm vài cuốc, nhưng nào có được đâu, cái quạt trần trong phòng khách nơi ông nằm nghỉ vì cúp điện nên đã ngừng quay, hơi nóng từ trên mái tôn tỏa xuống, không tài nào nằm ngủ được, ông Hoàng ra ngồi trên chiếc ghế đá đặt ngoài hiên nhà. Đường phố ban trưa vắng vẻ, xe cộ thưa thớt qua lại, dường như mọi người cũng hạn chế đi ra ngoài để tránh cái nắng như thiêu như đốt. Một chiếc xe lam già phì phò nhả khói, tiếng máy gầm rú khuấy động giữa trưa hè, làm cho bầu khí như càng trở nên oi nồng hơn. Dưới gốc xoan già, vài bác xe ôm tranh thủ giờ vắng khách, tụm nhau lại đánh bài tiến lên. Cách đó không xa, ông lão hành khất gối đầu lên chiếc giỏ bạc phếch phe phẩy cái nón lá rách tơi, đôi mắt lão lim dim như đang cố tìm cho mình chút thư thái, sau một buổi sáng lê la khắp hang cùng ngõ hẻm kiếm cơm. Một chú kiến bóng trượt chân trên cành cây, rơi đúng ngay trán lão, lão giơ tay đập vội nhưng cũng không thể nhanh hơn nhát đốt của chú kiến được, vì tuy chú ta đã nằm ngay đơ ra đó, nhưng vẫn không quên để lại trên trán lão một cục u nhỏ, bực mình lão lẩm bẩm: đến nước này mà vẫn chưa yên. Vừa ngứa ngáy vừa nóng nực, không nằm nghỉ được nữa, ông lão ngồi lên và cho tay vào túi áo vải cũ nhàu lôi tiền ra đếm, một…hai…ba…lão bỗng chậc một tiếng và nét mặt lão trở nên buồn xo, hôm nay không may rồi chắc bữa chiều nay lại phải xơi tạm ổ bánh mỳ và ly trà đá thôi.
   Khủng hoảng kinh tế đã làm cho cuộc sống ngày càng khó khăn thiếu thốn, đi tới đâu cũng nghe thấy tiếng thở dài, nào đâu chỉ riêng ông lão hành khất, ngay cả nghề chạy xích lô của ông Hoàng cũng trở nên chật vật hơn. Lấy nhau về, Ông bà cho ra đời được bốn người con, và đứa con gái thứ ba thì bị thất lạc khi chạy trốn bom đạn. Bây giờ tuy đồng tiền dễ kiếm hơn trước, nhưng sao các bậc làm cha làm mẹ như ông vẫn than thở với nhau rằng: sanh thì dễ nhưng nuôi thì quá khó, quá vất vả. Ông Hoàng nhớ lại thời xưa khi còn cha mẹ ông bà, đến bữa các ngài chỉ cần ra vườn hái vài cọng rau, bới đôi củ khoai…thế mà con cái cứ lớn như thổi.

 Một buổi sáng Chúa nhật, ngoài trời mưa lất phất bay. Bên tách cà phê còn nghi ngút khói trong nhà dưỡng lão, hai ông Cố Hoàng và Cố Tân, cùng ngồi ôn lại chuyện dĩ vãng, một câu chuyện nó vừa thần thoại như truyện cổ tích, nhưng nó cũng ly kỳ không thua kém gì truyện trinh thám. Thật vậy, sau khi đã trải qua bao nhọc nhằn vất vả lo âu, có khi phải đánh đổi bằng xương máu, có những giọt nước mắt rơi xuống vì đau khổ cùng cực, nhưng cũng có những giọt nước mắt chảy tràn vì vui sướng tột cùng. Tuy tuổi già đã làm ông cố Tân hơi đãng trí, nhưng nếu nói về chuyện xảy ra trong gia đình thì ông rất nhớ và nhớ chính xác nữa là khác. Nhấp xong ngụm cà phê Ông Hoàng nói với ông Tân:
- Ông anh thấy sao chứ tôi thấy cuộc đời này thật lắm gian truân, đến tuổi như anh em mình mà đầu óc vẫn chưa được thảnh thơi.
- Thôi số phận anh ạ. Riêng tôi, tôi nghĩ mọi chuyện xảy ra như là phép lạ.
- Thời gian trôi nhanh quá phải không anh, mới ngày nào đó mà nay đã hơn năm mươi năm rồi.
Thấy hai ông cố ngồi thủ thỉ với nhau, các cụ kia cũng lân la tới gần. Và tuy mọi chuyện xảy ra cũng đã lâu, nhưng hôm nay các cụ ở cùng phòng mới được nghe hai ông cố kể lại những trang sử của hai gia đình…

Chiến tranh ngày càng bùng nổ mãnh liệt và lan rộng khắp nơi. Giã từ vùng đất khô cằn sỏi đá miền Trung, theo dòng người sơ tán gia đình ông Hoàng lưu lạc vào mảnh đất mà người ta thường gọi với cái tên miền Đông Nam Bộ.
 Sau khi chiếc tàu chở người tị nạn cập bến sông Sài Gòn, ông bà gồng gánh đi trước cứ ngỡ là mấy đứa con đi chung với nhau, được một quãng khá xa đã thấm mệt, ông bà dừng chân uống nước. Nhìn kỹ lại không thấy bé Minh Thư, em gái của Tâm đâu cả, ông bà hoảng hốt hỏi các con:
- Thế em Thư đâu rồi?
Các con của ông bà nhao nhao lên rằng:
- Chúng con tưởng là em nó đi với ba mẹ.
Nghe các con nói xong ông Hoàng như chết lặng người. Nét mặt buồn bã, Ông dặn dò bà Mai vợ ông, trông chừng các con và sau đó ông hối hả chạy ngược lại để tìm, nhưng mọi người đã kéo nhau đi gần hết rồi. Ông thất vọng trở lại nơi bà và các con đang ngồi chờ. Trông thấy ông quay lại một mình, bà Mai nghi là đã có chuyện chẳng lành:
- Sao, ông không tìm thấy con Thư thật hả?
- Tôi đã lùng sục khắp nơi nhưng chả thấy tăm hơi nó đâu cả.
Nghe ông nói vậy, bà Mai gục đầu xuống khóc nức nở, các con bà thấy mẹ mình khóc lóc thảm thiết cũng không cầm được nước mắt và khóc theo mẹ. Ông Hoàng vẫn cố gắng lò dò tìm kiếm khắp nơi, và lân la tới những người cùng đi trên chuyến tàu với niềm mong ước họ sẽ biết được tin tức về đứa con gái của mình…Nhưng rồi mọi hy vọng chợt tắt khi ông bà chỉ nhận được nơi họ cái lắc đầu cùng những ánh mắt cảm thông.
Ra đi bỏ lại sau lưng tất cả sản nghiệp mà một đời vất vả cực khổ gầy dựng lên, cuối cùng thì tay trắng vẫn hoàn trắng tay, và nỗi đau như chồng chất thêm khi ông bà bị thất lạc mất đứa con. Giờ thì mọi cái lại phải bắt đầu từ con số không, những đồng tiền trợ cấp ban đầu dù có chi tiêu dè sẻn, ăn uống kham khổ, nhưng cũng không thể nào trang trải được những nhu cầu tối thiểu phải có của cuộc sống. Hết nỗi đau này tới nỗi đau khác thay nhau đè nặng trên đôi vai của ông bà, riêng bà Mai vợ ông vì ốm yếu, lại phải chịu đựng một cú sốc quá lớn nên đã quỵ ngã. Ông Hoàng phải đi cuốc đất, nhổ cỏ và gặt lúa thuê cho dân địa phương ở đây…nói chung là ai thuê bất cứ việc gì ông đều làm tất, chỉ mong kiếm thêm chút tiền chạy chữa cho bà. Ngoài ra những lúc rãnh rỗi, ông vẫn tranh thủ rảo quanh khắp mọi ngã đường gần xa trên chiếc xe đạp cà tàng, hầu mong nếu trời thương, ông sẽ tìm lại được đứa con gái yêu dấu của mình. Thời gian lặng lẽ trôi, việc tìm kiếm ngày càng gian nan, khó nhọc và hầu như không còn hy vọng nữa rồi, nhiều lúc xong việc trở về nhà, bà Mai nhìn ông chờ đợi và nét mặt bà luôn ánh lên tia hy vọng:
- Sao hả ông, hôm nay có tin gì về con Thư không?
Thấy ông lắc đầu, bà lại ngồi ôm mặt khóc, và thế là cả hai ông bà cùng khóc. Bà con hàng xóm thấy tội nghiệp kéo nhau qua thăm hỏi an ủi ông bà, nhưng họ làm sao hiểu hết được nỗi nhớ thương con luôn dày vò, và nỗi đau này không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai được trong lòng ông bà. Sợ bà Mai vợ mình vì quá đau buồn mà ảnh hưởng tới tính mạng thì nguy khốn, nhiều lúc ông tìm cách xoa dịu bà:
- Thôi chúng ta hãy cố gắng lên, dù sao thì tôi cũng hết cách rồi. Tôi chỉ trông mong nhờ phước đức của ông bà, cha mẹ, của vợ chồng mình…con bé sẽ có được một nơi chốn trú ngụ an toàn và gặp được người tốt bụng.

Gia đình ông bà Tân cũng không nằm ngoài những gia đình phải từ bỏ quê cha đất tổ, để đi tìm một nơi cư ngụ trù phú và thanh bình, không còn phải nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ.
Quẫy đôi quang gánh trên vai cùng dòng người di tản, vừa đói vừa khát bà Hiền cảm thấy khá mệt mỏi. Bà nói với ông Tân chồng mình:
- Anh ơi, mình vào lùm cây trước mặt nghỉ ngơi một chút, em mệt lắm rồi.
Vừa đặt đôi quang gánh xuống, chưa kịp uống nước hai ông bà bỗng nghe có tiếng khóc. Bà Hiền thốt lên:
- Hình như có tiếng đứa bé đang khóc trong lùm cây, anh mau vào tìm thử xem.
Ông Tân vạch lùm cây rộng ra và phát hiện một bé gái khoảng chừng hai tuổi, trắng trẻo mập mạp và trên khuôn mặt xinh xắn như thiên thần ấy, ông trời đã khéo léo điểm tô thêm một cái bớt đỏ rất đẹp và nhỏ như chiếc cúc áo nằm cạnh lỗ tai. Nhìn thấy ông Tân, nó sợ hãi và co rúm người lại. Ông Tân lên tiếng dỗ dành:
- Con lại đây bác thương, bác không làm hại con đâu.
Đưa hai tay bế xốc đứa bé lên, ông phủi bụi và cây cỏ bám trên đầu nó và hỏi:
- Thế ba mẹ con đâu? Sao lại để con ở đây?
Con bé quệt nước mắt và đưa tay chỉ về phía trước, miệng nói không rõ tiếng:
- Ba mẹ con đi…
Trông con bé có vẻ bị đói và khát. Ông Tân vội nói với bà:
- Em mau lấy cho cháu ít nước, và đưa cho anh nắm cơm mới đùm lúc sáng ra đây.
Nhìn con bé ăn ngấu nghiến, ông bà Tân rất vui. Ông nói với bà:
- Thật tội nghiệp, nó còn nhỏ quá. Không biết nó là con nhà ai đây, cha mẹ nó bỏ rơi hay bị thất lạc?
Bà Hiền thấy vậy liền nói với chồng:
- Anh nghĩ sao chớ con bé đẹp thế này cha mẹ nào nỡ bỏ đi. Bây giờ anh tính sao?
- Thì đưa nó đi cùng chớ hổng lẽ bỏ lại đây, nếu gặp được cha mẹ nó thì mình giao lại, bằng không thì…
Tuy chồng mình bỏ lững câu nói nhưng bà Hiền cũng thừa biết ông ấy muốn gì rồi. Hai ông bà cưới nhau cũng đã lâu nhưng vẫn chưa có được đứa con để bồng bế. Thật không may cho ông bà, được đứa đầu tiên thì đã chết khi còn trong bụng mẹ và sau lần đó đến nay thì chẳng còn hy vọng nữa rồi.
Sau khi nghỉ ngơi và cho đứa bé ăn uống xong, hai ông bà lại tiếp tục lên đường. Bỏ đứa bé lọt thỏm vào trong thúng, ông bà Tân thay nhau quảy đôi quang gánh về trại định cư.
Những ngày sau đó khi chỗ ăn ở trong trại đã tạm ổn định, ông bà Tân dò hỏi những người chung quanh với hy vọng sẽ tìm được cha mẹ cho cháu, nhưng rồi cũng chẳng có ai nhận cả. Và mỗi khi màn đêm buông xuống, con bé cứ ngồi khóc rấm rứt gọi cha gọi mẹ, làm cho ông bà Tân vừa dỗ dành vừa rớt nước mắt, được một lúc nó mới chịu nín lặng và nằm yên, thỉnh thoảng trong cơn mơ nó khóc nấc vài tiếng rồi lại ngủ, và phải mất vài tháng như thế thì nó mới dần quên được nỗi nhớ người thân. Thấy con bé vừa đẹp lại dễ thương, vả lại ông bà cũng chẳng có con, do đó ông bà quyết định nhận nó làm con nuôi và đặt tên cho nó là Loan.
Không thể ở mãi trong trại được, sau khi suy tính kỹ lưỡng ông bà đã chọn một xứ đạo nhỏ nằm gần biên giới Tây Nam làm nơi ở mới cho gia đình, vùng đất nổi tiếng của những vườn điều và cao su bạt ngàn.
Thời gian trôi nhanh quá, mới ngày nào còn nhỏ xíu mà nay bé Loan đã tròn đôi mươi mười tám. Loan càng lớn càng xinh đẹp, khôn ngoan, lanh lẹ và học giỏi. Chuyện ngày xưa đôi lúc Ông bà Tân cũng muốn kể cho Loan biết, nhưng sợ làm ảnh hưởng tới việc học hành, sợ rằng khi đã biết hết mọi chuyện thì cuộc sống của Loan bị xáo trộn, nên ông bà không muốn nhắc tới nữa. Phần Loan thì khi bị thất lạc cha mẹ hãy còn quá bé, và ở cái tuổi mới lên hai này đầu óc trẻ thơ chưa thể nhớ được nhiều, thì làm sao có thể hình dung được khuôn mặt thân yêu của cha mẹ và anh chị em.
Tuy Loan không phải là đứa con do ông bà dứt ruột sinh ra, nhưng ông bà Tân thương yêu chăm sóc Loan như con ruột của mình, đôi khi nghĩ tới việc đã sống ở trên đời ai ai cũng phải có cha có mẹ, ông bà cũng thấy tội nghiệp cho Loan. Thỉnh thoảng ông tâm sự với bà Hiền:
- Nhìn con bé tôi thấy thương nó quá, nhiều lúc tôi ước ao và chỉ mong cho nó được gặp lại cha mẹ ruột của mình. Đến lúc đó tôi với bà có chết đi cũng yên lòng. Vả lại tôi không nói thì bà cũng biết, đứa con là kết quả của tình yêu, là hạnh phúc và niềm vui của gia đình. Tuy họ bị thất lạc đứa con đã lâu nhưng có lẽ đến cuối đời, cha mẹ nó vẫn ân hận và đau khổ, vì chỉ một giây phút lơ là đã để mất đi đứa con của mình, tội nghiệp cho họ quá.
Nói về Loan, tuy chỉ vừa mới học xong cấp ba, nhưng đã có nhiều chàng trai để ý và tìm đến làm quen, ai cũng hy vọng sẽ chiếm lĩnh được trái tim của mỹ nhân. Và để đáp lại tình cảm họ dành cho mình, Loan cười lém lĩnh và hát nho nhỏ:
- Em còn bé lắm (chứ) mấy anh kia ơi.
 Đám trai làng kháo nhau:
- Cưa đổ được em này mất khá nhiều xương máu đây.
Mặc cho họ trêu ghẹo tán tỉnh, Loan vẫn không màng tới và sau khi được sự đồng ý của ông bà Tân, Loan lại khăn gói quả mướp lên thành phố thi vào đại học.
Trong thời gian Loan theo học đại học, vì lần đầu tiên đi xa nên Loan cũng thấy buồn và nhớ nhà. Tình cờ vào một ngày kia, Loan bỗng gặp Hùng người bạn trai ở gần nhà, anh ta cũng đang theo học khoa quản trị kinh doanh. Cả hai đều lấy làm vui mừng vì ở nơi chốn xa xôi và lạ lẫm thế này, vẫn còn có được một chút thân quen.
 Trước kia Loan và Hùng đã có một khoảng thời thơ ấu vui đùa bên nhau và hai nhà chỉ cách nhau bằng một giậu mồng tơi, tan học về hai đứa thường chơi trò cút bắt, cùng ú à trêu ghẹo nhau mỗi khi mẹ kêu đi hái lá mồng tơi về nấu canh. Ngày lại ngày qua, hai đứa cùng lớn lên theo năm tháng, cùng đi chung một con đường, cùng học chung dưới mái trường làng.
Và rồi cũng đến lúc nhộng kia phải hóa mình thành bướm, nụ kia cũng phải hé nở thành hoa. Những e ấp, thẹn thùng của tuổi đôi mươi đã làm cho hai đứa không còn hồn nhiên như trước nữa…Cho đến một ngày nọ cũng bên rào giậu thay vì hái lá mồng tơi, Hùng nắm chặt tay Loan với ánh mắt đắm đuối khát khao. Giật tay ra khỏi Hùng, Loan chạy ù một mạch vào nhà mà trong lòng xao xuyến, bâng khuâng cái cảm giác lạ lùng khó tả. Văng vẳng sau lưng tiếng mẹ gọi:
- Con làm sao vậy? lá mồng tơi hái để đâu rồi?
Rồi cũng đến ngày Loan tốt nghiệp xuất sắc đại học kinh tế, như đã hứa ông bà Tân khen thưởng cho Loan một chuyến du lịch về miền thùy dương cát trắng Nha Trang.
Bỏ lại sau lưng nỗi lo âu mệt mỏi của những tháng ngày ôn học…Loan say sưa ngắm nhìn cảnh đẹp của Mũi Né, đồi cát, bãi Dương và nhất là cảnh non nước hữu tình của mũi Cà-ná, không thể tả hết được kỳ công của tạo hóa ban tặng cho con người…kìa dưới biển xanh những chiếc tàu đang rẽ sóng, tung bọt nước trắng xóa, trên bộ là những chiếc xe hơi bóng lộn đang bon nhanh, và ngay bên cạnh dãy núi Vĩnh Hảo, một đoàn tàu lửa hụ còi uốn lượn ngoằn ngoèo như dải lụa muôn sắc trên đường ray. Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng, Loan mới nhận thấy không đâu đẹp bằng quê hương mình cả.
Qua một đêm nghỉ ngơi, sáng hôm sau cả nhà đi ra biển. Bãi biển Nha Trang hôm nay nắng đẹp, đủ để làm cho làn da mọi người ửng hồng. Ngoài những người địa phương và du khách thả bộ, rong chơi và hứng gió, Loan nhận thấy cũng có các Sơ đang bước đi chậm rãi khoan thai dưới hàng dương. Nhìn các Sơ ấy sao mà thánh thiện, xinh đẹp và dịu hiền thế, trong đầu Loan bỗng nảy sinh ý nghĩ: Tại sao mình không chọn đời sống dâng hiến nhỉ? Và Loan định bụng sau chuyến đi sẽ bày tỏ ước nguyện này cho ba mẹ.
Phần ông bà Tân khi thấy đứa con nuôi đã khôn lớn trưởng thành, ông bà cũng muốn tìm cho nó một chỗ đàng hoàng danh giá. Gặng hỏi mãi Loan mới lên tiếng:
- Ba mẹ không phải bận tâm nhiều, mai mốt con đi tu, con không lấy anh nào hết.
Nghe con nói vậy ông bà cảm thấy rất vui trong lòng, nhưng cũng ngạc nhiên không kém, vì trước khi vào đại học Loan cho biết là sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm nuôi ông bà. Tuy nhiên bà Hiền cũng giả vờ quay sang trêu Loan:
- Thế còn anh chàng bên giậu mồng tơi của con đâu rồi?
Biết mẹ trêu mình Loan cũng nheo mắt ghẹo lại:
- Anh chàng đó hả? Con đã cho vào nồi nấu chung với mồng tơi rồi, hì hì.
Đoạn bà thủ thỉ với chồng:
- Nếu nó mà đi tu được thì phúc lớn cho gia đình mình ông nhỉ.
Ông Tân tươi cười với ý tưởng của bà nhà, ông nói thêm:
- Thời đại bây giờ văn minh quá, cuộc sống đầy đủ tiện nghi và được hưởng thụ nhiều thú vui, rất khó để đám trẻ nghĩ tới việc đi tu.
Ông bà Tân cứ tưởng rằng Loan nói chơi, ai ngờ vào một buổi sáng nọ, Loan tươi cười chìa ra trước mặt ba mẹ tờ giấy công nhận đã được chọn vào dòng tu. Bà Hiền như không tin vào mắt mình, bà hỏi nhỏ với ông Tân:
- Ủa con bé nó đi thi cử hồi nào mà được tuyển chọn? Thế trước đây nó có nói gì với ông không?
Ông Tân cũng ngạc nhiên không kém:
- Không, chả nghe thấy nó nói gì cả, đùng một cái thấy nó báo tin tui mới ngã ngửa, thiệt tình cái con bé này.
Thì ra trong những ngày hè vừa qua, Loan đã cố tình trốn ông bà Tân để vào nhà dòng tìm hiểu, ông bà có hỏi thì Loan chỉ xin đi chơi với bạn, lúc thì lại nói đi xin việc làm.
Rồi những tháng hè trôi qua, sau những suy nghĩ đắn đo lựa chọn. Cuối cùng Loan từ giã gia đình gia nhập vào hội dòng Mến Thánh Giá. Bà Hiền vui mừng hớn hở, đưa con đi chợ mua sắm những đồ dùng cần thiết để chuẩn bị cho chuyến xa nhà của Loan, các bạn cùng lớp hay tin kéo nhau đến nhà Loan chúc mừng, động viên, nhưng cũng có vài bạn trai quanh xóm tỏ vẻ thất vọng buồn bã:
- Người đẹp vậy lấy đâu không được chồng, cớ sao phải đi tu…uổng thiệt.
Trước khi lên đường, Loan cũng không quên chào người bạn trai nhà bên kèm theo nụ cười hóm hĩnh:
- Anh Hùng ở nhà nhớ chăm sóc giậu mồng tơi dùm Loan nhé.

Ra đi từ sáng sớm nhưng mãi gần trưa, sau khi vượt qua quãng đường gần hai trăm cây số, Ông bà Tân và Loan mới tới nơi. Cảm thấy bất tiện và sẽ khó để liên lạc với Loan nếu có việc cần, ông Tân lo lắng:
- Con đi tu học xa thế này, mọi thứ sẽ khó khăn hơn đấy.
Như hiểu ý ông Tân, Loan thưa lại:
- Ba mẹ đừng quá lo, bây giờ xe cộ nhiều muốn đi đâu chỉ cần nhấc máy gọi là có ngay mà.
Và Loan nói tiếp như để trấn an ba mẹ:
- Con cũng sẽ xin phép bề trên và thường xuyên gọi điện thăm hỏi ba mẹ mà.
Loan nói vậy cốt chỉ để cho ông bà Tân yên lòng, chứ thực ra chuyện tình cảm riêng tư, chuyện gia đình…Ai ai cũng vậy chứ không riêng gì Loan, khi đã chính thức gia nhập dòng đều phải tạm gác những chuyện đó qua một bên.
Cánh cổng nhà dòng đã mở ra trước mặt. Vẫy tay chào con lần cuối trước khi ra về, bà Hiền rưng rưng nước mắt:
- Thế là từ nay mẹ con mình phải xa nhau thật rồi.
 Loan cũng cầm lòng không đặng, cố nuốt nghẹn vào trong, Loan ôm lấy mẹ:
- Mẹ à, trong Chúa mẹ con mình vẫn gặp nhau mà. Con đi tu, con sẽ có thời giờ cầu nguyện cho ba mẹ nhiều hơn, việc gì mà mẹ phải buồn.
Quay sang ôm chặt ông Tân, Loan thổn thức:
- Ba cố giữ gìn sức khỏe nhé. Dù có phải xa ba mẹ, con vẫn luôn luôn nhớ tới. Con chỉ tiếc rằng ba mẹ nuôi con khôn lớn, nhưng chưa biết đến ngày nào con mới đền đáp công ơn ba mẹ được.
Ông Tân cũng cảm động không kém, đưa tay vỗ nhẹ vai Loan ông dặn dò:
- Ô Loan ơi, con đừng kể lể như vậy làm ba mẹ buồn. Nuôi con đến ngày hôm nay, con được như vậy là ba mẹ mãn nguyện lắm rồi. Con cũng vậy, con nên giữ gìn sức khỏe, có gì cần nhớ tin cho ba mẹ nhé.
Từ ngày Loan vào nhà dòng, thiếu vắng Loan, ngôi nhà trở nên vắng vẻ lạ thường, ông bà Tân cảm thấy như đã đánh mất một cái gì đó. Nhiều khi bà Hiền than thở với chồng:
- Ông nghĩ xem, đã mấy mươi năm ở với mình, chưa bao giờ nghĩ về nó mà tôi buồn cho bằng lúc này. Số vợ chồng mình lại không có con, ôm ấp nó từ thuở còn thơ, nuôi nấng cho đến ngày lớn khôn, tôi cứ ngỡ rồi đây nó sẽ cho mình một đứa cháu để ẵm bồng, nâng niu, ấy vậy mà…
Bà Hiền bỏ lửng câu nói, ông Tân quay lại trách bà:
- Bà cứ tưởng chỉ mình bà buồn hả, tôi còn buồn gấp vạn bà. Nhưng con nó đi tu được là gia đình mình diễm phúc lắm rồi.
Thời gian lững lờ trôi, phải mất mười mấy năm thử thách đợi chờ. Cuối cùng gia đình ông Tân cũng nhận được tin vui. Khoác trên mình chiếc áo chùng đen, Loan hân hoan sung sướng bước lên bàn thánh lãnh nhận hồng ân vĩnh khấn. Ông bà Tân cũng òa vỡ niềm vui với con trong ngày trọng đại này.
Nắm tay con, bà Hiền hân hoan bày tỏ:
- Ôi con gái yêu của mẹ, từ nay con đã là nô tỳ của Chúa rồi. Con phải sống sao cho xứng với tình yêu Chúa đã dành cho con, đã chọn con từ giữa muôn người nhé.
- Con cám ơn ba mẹ.
Mọi người kéo đến chúc mừng, ai nấy đều hân Loan chào đón ‘người đẹp của Chúa’ về làng. Trong niềm vui khôn tả đó, Loan đứng lên bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ, bà con xóm giềng đã giúp đỡ để Loan có được ngày hôm nay. Riêng ông Tân thì rưng rưng nước mắt…phần vì vui mừng, phần thì cảm thương cho số phận của Loan, ông chia sẻ với bà:
- Tội nghiệp cho Loan, giá mà ngày hôm nay cha mẹ Loan biết con mình được như thế này thì có chết cũng vui.


Sau chuyến di tản đầy nghiệt ngã. Ai ai cũng nghĩ rằng ông bà Hoàng sẽ khó có thể vượt qua được nỗi đau buồn vì mất con, mất hết của cải. Nhưng rồi thời gian như một liều thuốc an thần đã xoa dịu và làm vơi đi tất cả. Và niềm vui cũng đến được với gia đình ông bà khi Hạnh, đứa con gái đầu lòng lập gia đình. Nuôi con khôn lớn, các bậc làm cha làm mẹ ai cũng chỉ mong tới ngày chúng nó khôn lớn, trưởng thành và được yên bề gia thất.
 Nhưng rồi mọi chuyện đâu phải vậy, chúng nó lấy nhau rồi ông bà còn phải lo lắng và bận tâm về cuộc sống của chúng nó nhiều hơn trước. Nào là sợ chúng nó cãi nhau, sợ chúng nó không có việc làm…nói chung là ông bà lo sợ nhiều thứ. Lâu lâu có dịp gặp nhau, ngồi nhâm nhi với nhau vài ba chung rượu với bạn bè, ông bạn hàng xóm cứ nhằm vào ông mà trêu:
- Này anh Hoàng, làm ông không thích hay sao mà cứ muốn làm thằng mãi vậy?
Ông Hoàng nói như khiêu khích:
- Làm thằng thì đã sao?
Nghe bạn bè nói đùa ông cũng cảm thấy buồn, nhưng biết giải thích thế nào với họ bây giờ, vì tuy đứa con gái lập gia đình đã lâu, nhưng chúng nó vẫn chưa cho ông một đứa cháu để bế bồng. Sợ bạn bè có chút đỉnh men rồi sinh ra cãi cọ ông Hoàng nói tiếp:
-  Chuyện sanh nở là chuyện của vợ chồng chúng nó, nếu có sốt ruột mà lên tiếng giục giã, không khéo chúng lại ầm ỉ lên: cứ ấy ra đó cho nhiều rồi ai nuôi, ông bà nuôi nghen. Thôi thì im lặng cho nó xong, mấy anh nghĩ coi: chưa được làm ông làm bà thì thấy thua thiệt, nhưng đến lúc có cháu rồi thì ôi thôi lại đến mệt với lũ nhỏ.
Ông Hoàng nói vậy cũng phải vì tuổi của ông bà bây giờ hơi tí thì chuột rút, hơi tí thì đau khớp, thấy cháu khóc mà không bế lên được cũng nặng lòng lắm chứ.
Gia đình ông bà không mấy khá giả, vất vả cách mấy cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Bà Mai vợ ông giờ mắc thêm chứng cao huyết áp, mấy hôm trước chuyển qua tai biến, tuy nhẹ nhưng tay chân cũng run rẩy, miệng thì hơi bị méo xệch qua một bên, muốn đi ra nhà thờ đọc kinh xem lễ cũng phải nhờ con cái chở, hôm nào chúng nó bận thì cứ đứng lóng nga lóng ngóng ngoài đường nhìn xem có ai đó chạy ngang qua đặng xin quá giang. Vì vậy bà Mai không thể làm được những việc như trước kia bà vẫn làm, lũ con cái có đi làm thuê làm mướn nhưng chẳng giúp được gì cho gia đình, thấy chúng nó làm việc rất vất vả nhưng cũng chỉ đến cuối tuần là nhẵn túi, thời buổi bây giờ cứ hơi tí là sinh nhật, là họp mặt, là thôi nôi…Tưởng rằng nuôi con khôn lớn thì chúng nó sẽ phụ giúp, thêm thắt chút đỉnh mắm muối cho cuộc sống, ai dè mọi cái chi tiêu trong gia đình, không có gì là ông Hoàng không phải chi trả, từ đồng tiền điện, tiền nước, tiền cấp đám cưới, chi phí dịch vụ internet…Ôi thôi không thiếu thứ gì mà ông không phải lo cả, ấy thế mà hôm nào lỡ mất mạng không thể kết nối được là chúng nó cáu um cả lên, đã nhiều lần quá bực mình ông tính ngưng không sử dụng nữa, nhưng khổ nỗi vi tính bây giờ lại là món giải trí mà ông không thể thiếu mỗi khi đêm về không ngủ được, thôi thì tới đâu hay tới đó.
 Bạn bè của ông nhiều người giờ đã được nghĩ hưu, cuộc sống của họ gặp khá nhiều may mắn và họ thành đạt hơn ông về mặt kinh tế. Chỉ còn ông vẫn phải ngày ngày còng lưng cúi rạp mình trên chiếc xích lô già, đạp chầm chậm bò qua những con đường dốc dài để mưu sinh, đôi lần ông cũng muốn tìm cho mình một công việc khác phù hợp với sức khỏe hơn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì không ai dại gì mà đi thuê những người như ông nữa, hạng người nay đau chân mốt lại đau tay. Ở cái tuổi ngoài ngũ tuần, sức khỏe ngày càng giảm sút, nhưng nghĩ tới hoàn cảnh gia đình mình khó khăn, thiếu trước hụt sau, hơn nữa ông bà lại còn phải lo cho thằng Bình, đứa con trai út đang tuổi ăn học, thấy nó ngoan ngoãn hiền lành chịu thương chịu khó, bãi học về đến nhà là lăng xăng hết rửa chén, quét nhà lại nhặt rau phụ giúp mẹ, không như thằng Tâm anh nó, tuy mang tiếng là anh nhưng lại thua em rất nhiều mặt, chỉ giỏi cái trốn học, đua đòi ăn chơi hư hỏng. Bởi thế cho nên dù có vất vả thế nào đi nữa, ông vẫn phải cố gắng, chỉ mong sao cho thằng Bình đỗ đạt nên người, để không còn vấp phải cảnh đói nghèo như ông bà và các anh chị của nó. Lắm lúc thấy cha vất vả, thằng út tính xin nghĩ học nhưng ông nhất định không cho, ông tuyên bố với nó:
-  Nếu con thương ba thương má, điều duy nhất là con phải ngoan, chăm học, siêng năng đi lễ, đọc kinh là ba má vui rồi. Thôi dẹp đi, từ này về sau không được nhắc tới chuyện đó nữa nghe chưa.


Cánh cổng sắt nhà bên chợt mở toang, một chiếc xe hơi bóng lộn vụt ra, hòa mình chen chúc với những bề bộn của đường phố, làn khói đen khó chịu phía sau ống xả phụt mạnh tới chỗ ông Hoàng đang ngồi và vây phủ người ông, làm cho khuôn mặt của ông vốn đã sạm đen vì rám nắng, nay như càng đen thêm. Đưa mắt nhìn sang ngôi nhà bên cạnh, ngôi nhà mà vợ chồng ông đã mấy mươi năm chắt chiu khổ cực để làm nên, bây giờ nó đã là của người ta. Ông buông tiếng thở dài…Nghĩ cũng tức thật! giá như thằng Tâm con của ông không đua đòi chúng bạn, không chìm sâu vào những làn khói thuốc ma quái, không thâu đêm vào cờ bạc rượu chè, không vay tiền của đám xã hội đen, thì gia đình ông đâu đến nỗi phải bán nó đi.
Đang buồn rầu với những suy nghĩ trên, ông chợt nghe có tiếng gọi:
- Bác Hoàng ơi, làm ơn chở cháu tới trường cao đẳng nghề với.
Tiếng bé An cắt ngang suy nghĩ của ông Hoàng, khoác vội chiếc áo cũ sờn vai, ông đẩy chiếc xích lô ra nơi bé An đang đứng chờ. Nhìn con bé hớn hở đi học, ông cảm thấy nuối tiếc cho thằng Tâm nhà mình. Tuổi con bé này chắc cũng cỡ đôi mươi như thằng Tâm, ấy thế mà nó vẫn chịu khó học, vả lại theo như ông biết thì nhà bé An này cũng đâu có khá giả gì, ba nó làm phụ hồ, mẹ nó xin rửa chén ở quán cơm đầu ngõ. Lúc thằng Tâm còn nhỏ, nhìn nó rất lanh lợi và đẹp trai, ai vào nhà chơi cũng khen lấy khen để, và ông Hoàng đặt rất nhiều kỳ vọng vào nó, ông tâm nguyện dù có khổ cực đến mấy, cũng sẽ lo cho những đứa con của mình được ăn học tới nơi tới chốn, may ra với mảnh bằng tốt nghiệp cầm tay, lũ trẻ sẽ không phải khổ cực như ba mẹ, ấy thế mà mới hết cấp một, cấp hai là chúng nó lấy đủ thứ lý do, nào là học không vào, nhà nghèo không có xe máy đi học...Tiếng thở dài của ông vô tình đã làm cho bé An quay lại:
- Có gì buồn mà hôm nay bác lại thở dài vậy? kể cháu nghe với.
Giấu nhẹm nỗi buồn, ông Hoàng mỉm cười gượng gạo:
- À…à đâu có gì cháu, chẳng qua là tại trời nắng quá.
- Bác lại giấu cháu nữa rồi.
Đoạn đường quốc lộ trước cửa nhà ông Hoàng đã vá sửa nhiều lần, nhưng cũng không làm sao hết được những ổ gà ổ voi, gặp hôm trời mưa nước đọng lại thành những vũng to, và không nói ra thì chắc có lẽ ai ai cũng biết điều gì sẽ xảy ra sau đó, tệ nhất là khi có chiếc xe nào chạy ngang qua làm nước bị bắn lên tung tóe, những căn nhà mặt tiền vấy đầy nước bẩn, người đi đường thì hét toáng lên và tội nghiệp nhất là các em học sinh, mặt mũi thì lấm lem và mếu máo như thể muốn khóc, vì phải đến trường trong bộ đồ quá dơ bẩn, ướt át, dính đầy bùn đất…và cũng vì trơn trợt nên đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở đây. Mấy ông giao thông công chánh có chấp vá thì cũng chỉ được vài tháng lại hỏng, cứ như lấy miếng vải mới đem vá vào áo cũ vậy thôi. Bây giờ tình trạng bớt xén vật tư nguyên liệu ngày càng nhiều, những người chịu trách nhiệm thi công chỉ mong sao công trình sớm hoàn thành, và kiếm được một số tiền bỏ túi, mặc kệ chất lượng công trình muốn ra sao thì ra. Những việc kể trên đã khiến cho giới lãnh đạo quá mệt mỏi và người dân thì tối ngày ca thán.
- Bác ơi, phiền bác chạy giúp cháu nhanh hơn vì sắp đến giờ vào học rồi.
Nét lo lắng vì sợ trễ giờ học đã lộ rõ trên khuôn mặt bé An. Cúi rạp mình trên chiếc xích lô già, ông Hoàng cố gắng đạp nhanh những vòng xe…Một cái hố to và sâu xuất hiện bất ngờ ngay trước mặt, ông cố gắng đánh vòng tay lái sang hướng khác nhưng không kịp nữa rồi, ông Hoàng và bé An cùng với chiếc xích lô lật ngang ngã sóng xoài. Nén cơn đau ông lồm cồm ngồi dậy và chạy lại đỡ bé An lên, mặt con bé méo xệch, tay chân rướm máu. Nhưng điều làm ông giật mình thảng thốt là cách đó không xa, một cô gái cũng bị ngã nằm bất động, cô gái này là ai, tại sao lại nằm ở đây? Và ông chợt hiểu ra rằng trong lúc đánh vòng tay lái, chiếc xích lô của ông đã quệt vào xe đạp của cô gái. Quá bối rối và lo sợ, ông chưa biết phải xử trí như thế nào. Chợt bé An lên tiếng:
- Thôi Bác đưa chị kia vào nhà thương ngay đi, sắp tới trường rồi, con đi bộ một chút cũng không sao.
- Hay là để bác gọi taxi chở con nhé. Nỗi lo như chưa dứt trên khuôn mặt ông Hoàng.
- Con đã bảo con không sao mà.
Nói xong bé An móc tiền trong túi ra và đưa cho ông Hoàng, nhưng ông gạt tay nó. Thấy vậy bé An vội nói:
- Bác à, chuyện té ngã xảy ra ngoài ý muốn, lỗi không phải ở bác và con cũng không muốn vậy.
 Bé An nói tiếp:
- Thôi bác cầm lấy ít tiền để sửa xe, con còn phải đến trường.
Không đợi ông Hoàng lên tiếng, bé An quay lưng lại. Có lẽ do té ngã bị đau nên bé An bước đi hơi khập khiễng. Ngước mắt nhìn cô bé vừa đi vừa nhăn nhó, ông cảm thấy chạnh lòng…trách mình thì ít, nhưng ông bực vì mấy ông nhà nước thì nhiều, họ làm như vô tình không biết rằng đường sá đã xuống cấp trầm trọng, dân khu xóm nơi ông ở cũng đã gởi nhiều đơn thư, nhưng nào có thấy gì đâu.
Một chiếc taxi vừa trờ tới, nhờ người đi đường phụ giúp, ông Hoàng đưa cô gái lên xe chạy thẳng vào bệnh viện, lúc này cô gái ấy vẫn mê man chưa biết gì cả. Sau khi chuyển cô gái vào phòng cấp cứu, ông vội ra quầy làm thủ tục đóng tiền tạm ứng viện phí. Lôi trong túi ra được vài trăm nghìn, số tiền ít ỏi mà ông đã dành dụm được tuần qua. Cô nhân viên trố mắt nhìn ông:
- Bác đóng ít tiền thế này sao mà được?
Ông buồn bã lắc đầu:
- Cô thông cảm thiếu đủ thế nào tôi sẽ thanh toán sau, tôi chạy xích lô cả tuần mới được có bấy nhiêu thôi.
Cô nhân viên ngước mắt lên và với cái nhìn như đang quan sát người đối diện. Thấy bộ dạng tả tơi nhăn nhúm của ông Hoàng nên tỏ vẻ thông cảm, cô nói tiếp:
- Thôi được, cháu sẽ cố gắng giúp bác, nhưng lần sau bác nhớ đóng đầy đủ cho cháu nhé.

Trời đã về chiều, ánh hoàng hôn từ từ biến mất để nhường chỗ cho bóng đêm, đó đây các phòng trong bệnh viện cũng đã lên đèn, bình thường vào giờ này như mọi ngày, là lúc ông cùng với gia đình đang dùng cơm tối, có lẽ mọi người ở nhà hiện đang sốt ruột vì sự vắng mặt của ông. Trước kia còn khỏe, ông chạy xe về rất muộn, nhưng thời gian gần đây do sức yếu, vả lại mắt cũng đã kém, nên ông thường về sớm, ấy vậy mà hôm nay…Ngồi ngoài hành lang bệnh viện chờ đợi hơn một giờ đồng hồ, mà ông vẫn chưa biết được kết quả về bệnh tình của cô gái. Cơn buồn ngủ ập đến và vết thương nơi bàn chân ông bỗng trở nên đau nhói. Gục mặt lên đầu gối, ông Hoàng mê mệt và thiếp đi…
- Bác ơi…bác, có phải bác là người nhà của cô gái lúc nãy không? Tiếng cô y tá cùng với bàn tay đập khẽ trên vai làm ông giật mình tỉnh giấc, ông ngơ ngác:
- Ủa…tôi…tôi không phải là người nhà của cô gái, thế cô ấy có làm sao không hở cô?
- Bác yên chí, tạm thời cô ấy đã qua cơn nguy kịch, nhưng còn phải nằm thêm vài hôm để theo dõi điều trị. À mà bác có biết nhà cô ấy ở đâu không?
- Thưa cô tôi không biết, tôi chỉ là người gây tai nạn cho cô ấy.
- Thôi bác đừng lo, bệnh viện sẽ nhờ chính quyền thông báo hộ.
- May quá, cám ơn cô.
Đưa mắt nhìn xuống chân ông Hoàng, cô y tá thốt lên:
- Ô kìa, chân bác bị sao vậy? có đau lắm không? Bác vào trong này cháu băng lại cho.
Lúc này ông Hoàng mới đưa mắt nhìn xuống chân mình, vết thương nơi bàn chân của ông bị cục đá ngoài đường cắt khá sâu, do đó máu vẫn không ngừng rỉ ra. Vì trong túi không còn tiền do lúc nãy đã đóng tạm ứng viện phí, nên ông Hoàng ngần ngại, cô y tá dáng vẻ sốt ruột:
- Cháu đang bận lắm, bác chịu khó vào đây, cháu giúp bác mà.
Ông Hoàng vẫn đang do dự, dường như cô y tá đã đoán được suy nghĩ của ông. Cô nói tiếp:
- Đâu có đáng gì mà bác phải lo, cháu không lấy tiền đâu.
Tuy biết cô gái không còn bị nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lúc này ông Hoàng lại lo lắng nhiều hơn, vì giờ đây ông cũng chẳng biết kiếm đâu ra được một số tiền để chạy chữa cho cô gái. Và còn con bé An nữa, không biết nó như thế nào rồi, đã đỡ đau chưa?
Thời gian gần đây, tiền khám chữa bệnh đã tăng giá, những người nghèo khổ, chạy vạy qua ngày như ông lấy đâu ra tiền mà uống thuốc, bình thường nếu có bị cảm cúm, ho…ông chỉ biết dùng vài ba thứ lá cây rễ củ mà thiên hạ mách bảo cho, đúng thuốc thì chóng hết còn không thì cứ phó mặc, chỉ vài tuần thì cũng qua thôi. Nhiều khi quá đau nhức, ông lấy chai dầu lửa và cái muỗng ra rồi bôi bôi cạo cạo, nhiều người thấy thế la toáng lên:
- Ông không biết bây giờ xăng dầu người ta pha trộn đủ các thứ hóa chất à. Ông coi chừng tiền thì người ta bỏ túi, còn ông thì người ta bỏ vô hòm đấy.
Nghe họ nói, ông bàng hoàng lo sợ, vì thời buổi này người ta chỉ biết kinh doanh buôn bán thế nào để sinh càng nhiều lợi tức càng tốt. Họ chỉ cần số lượng chứ không cần chất lượng nữa, mặc cho người sử dụng phải mang đủ thứ mầm bệnh, phải tốn kém rất nhiều tiền bạc trong việc chạy chữa…Nói cho cùng dù cho có ai đó bị nhiễm độc mà chết, họ vẫn dững dưng thu lợi theo kiểu: “ Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”. Con người làm chủ thiên nhiên và chính con người cũng đang đầu độc thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống. Ông Hoàng nhớ lại ngày xưa khi ông còn ở với cha mẹ, nhà thì nghèo mà lại đông con. Do đó đến bữa cơm, cả gia đình quây quần bên rỗ rau muống luộc chấm với chút nước kho cá nục, tranh nhau húp chén nước luộc rau xùm xụp ấy thế mà ngon. Nhưng gần đây qua báo chí, ông nghe nói bây giờ họ bón rau bằng thuốc, bằng dầu nhớt xả. Đến bữa, thấy ông không dám ăn, hoặc giả có ăn thì cũng nơm nớp lo sợ, bà Mai và các con nhìn ông cười khúc khích:
-  Ba ơi, ăn cũng chết mà không ăn cũng chết!
Đáp lại ông mỉm cười rồi quay qua nói với bà Mai:
- Tui chết rồi bà ở với ai?
Đoạn ông nói với các con:

- Ba chỉ sợ các con khi ăn phải những thứ ấy, chết thì không chết ngay mà cứ la lết ra đó…rồi làm khổ cho gia đình, trở thành gánh nặng cho xã hội. Nhớ nhé ‘tham thực cực thân’, không nghe ráng mà chịu.


 (còn tiếp)

Không có nhận xét nào: