Truyện Dài
NGƯỜI HÀNH KHẤT TRƯỚC CỔNG TU VIỆN
Trần Thế Huy
Kỳ 2
Những ngày sau đó, tuy vết thương nơi
chân chưa lành hẳn, nhưng ông Hoàng vẫn cố gắng rảo chiếc xích lô khắp nơi, tiền
kiếm được những ngày này, ông đều dành để lo cho Loan, cô gái mà ông quệt ngã,
tuổi cao sức yếu lại ăn uống kham khổ nên sức khỏe ông sa sút thấy rõ. Dường
như Loan đã biết hết mọi chuyện:
- Bác ơi, chuyện xảy ra là ngoài ý muốn,
bác đừng quá lo, con không đổ lỗi cho bác đâu, hơn nữa lúc này con cũng đỡ hơn
nhiều, bác cố gắng gìn giữ sức khỏe nha.
Loan
đã hồi tỉnh lại sau một ngày mê man trong phòng cấp cứu và qua thông tin do Loan
cung cấp, bệnh viện đã nhờ chính quyền trợ giúp truy tìm nên các chị em trong
dòng đã biết. Và ông bà Tân, ba mẹ của Loan cũng biết được tin tức về con của mình.
Từ miền biên giới Tây Nam xa xôi, ông bà vội thu xếp hành trang và tức tốc đón
xe xuống thăm con. Gia đình ba mẹ của Loan ở rất xa, cách biên giới Tây Nam hơn
một giờ chạy xe máy.
Ngay từ buổi đầu gặp gỡ ông bà Tân, ông Hoàng
cũng cảm thấy an tâm, vì tuy ông là kẻ gây ra tai nạn cho con họ, nhưng gia
đình họ không tỏ ra khó chịu hay bắt bồi thường, ngược lại họ còn đối xử khá tốt
với ông.
- Thưa ông bà, tôi thật có lỗi với cháu,
xin ông bà thông cảm tha thứ cho tôi.
- Ồ không sao, tạ ơn Chúa. Cháu nhà tôi
chỉ bị qua loa thôi mà.
Nghe ba mẹ Loan nói vậy, ông Hoàng chỉ
biết cúi đầu cảm tạ ơn trên, vì trong cái rủi, ông còn có được cái may mắn là ở
giữa xã hội bây giờ, một xã hội mà đồng tiền chiếm ngôi vị cao nhất trong tất cả
mọi lãnh vực, nó đã trở thành hố sâu chia rẽ giàu nghèo, gây bất bình trong gia
đình và xã hội, nó làm cho người ta lãnh đạm với nhau…thế nhưng vẫn còn có được
những tấm lòng tốt và vị tha, bằng không thì ngoài việc họ bắt bẻ này nọ, ông
còn phải đền bù thiệt hại khá nhiều, ấy là chưa nói tới việc phải ra trước pháp
luật. Những ngày sau đó, qua tìm hiểu ông Hoàng mới biết đó là một gia đình gia
giáo đạo hạnh. Ông Tân ba của Loan hiện đang làm chánh trương, và bà Hiền, mẹ Loan
cũng đang sinh hoạt ở xứ đạo trong cương vị bà quản.
Riêng ông Hoàng từ hôm gặp gỡ và tiếp
xúc với Loan, ông để ý thấy trên khuôn mặt của Loan có cái bớt đỏ nho nhỏ, giống
hệt cái bớt trên khuôn mặt của đứa con gái bị thất lạc. Ông luôn thắc mắc không
chỉ về cái bớt, mà ngay cả khuôn mặt của Loan cũng có nhiều nét hao hao giống hệt
bà Mai khi còn trẻ. Đôi lúc ông ngồi suy
nghĩ và có chút hy vọng biết đâu đây chính là đứa con thất lạc của mình, vì tuy
con người ta đôi lúc cũng có nhiều nét giống nhau, nhưng trường hợp của Loan
thì ngay cả anh chị em sinh đôi chưa chắc đã giống như vậy. Ông đem chuyện này
kể với bà Mai:
- Này bà, sao tôi thấy con Loan nó rất
giống bé Thư nhà mình, từ cái bớt đỏ cho đến khuôn mặt…và nó còn có nhiều nét
giống bà như đúc, thế mới lạ chứ.
Bà Mai nghe thế vội hỏi:
- Thế thì tại sao ông không hỏi ông bà
Tân?
- Tôi chỉ ngại nếu mà không phải thì…
Thực ra ông Hoàng cũng rất muốn hỏi Loan
và ông bà Tân về chuyện này, nhưng rồi ông lại sợ nếu mà không phải, thì vô
tình mình đã làm mất lòng họ nên đành im lặng.
Thấy ông Hoàng buông tiếng thở dài, Loan vội hỏi:
- Hôm nay có gì mà bác lo lắng quá vậy?
Ông Hoàng nói khẽ:
- Bác không có gì phải lo lắng cả, nhưng
khi nhìn thấy cái bớt đỏ trên mặt cháu, bác lại nhớ đến đứa con bị…Nói tới đây
cổ ông Hoàng nghẹn lại
Thấy vậy Loan vội hỏi:
- Con bác bị làm sao? Bác mau nói cho
cháu biết với.
Ông Hoàng ngồi yên lặng chẳng nói chẳng
rằng khiến Loan rất sốt ruột. Nhưng Loan e sợ nếu cứ tiếp tục hỏi, vô tình lại
khơi dậy nỗi buồn nơi ông ấy. Vì thế Loan định bụng để một ngày nào đó sẽ tìm
hiểu thêm.
Cánh cửa phòng bệnh chợt mở, ngước mắt
nhìn lên thấy Tâm bước vào, Loan mỉm cười lên tiếng:
- Hôm nay bác bận hay sao mà anh phải
vào đây?
- Ờ…ờ thì bận. Tâm ấp úng trả lời khi bất
ngờ bị Loan hỏi.
Tuy rằng gia đình Loan không đòi hỏi và
lấy bất cứ thứ gì của gia đình ông Hoàng, nhưng không vì thế mà ông lơi là
trong việc thăm nom Loan, có món gì thơm ngon ông đều dành riêng cho Loan. Những
ngày bận rộn thì đã có bà Mai chăm sóc thay ông. Thấy cả nhà ông Hoàng khá vất
vả vì mình, Loan nói với bà Mai:
- Thôi bác không cần phải ở đây với con,
vả lại bác cũng bị cao huyết áp, nếu suy nghĩ nhiều sẽ không tốt đâu.
Bà Mai nhìn Loan:
- Bác đi ra bên ngoài cho vui chút đỉnh
chứ cứ quanh quẫn trong nhà cũng mệt lắm.
Thỉnh thoảng ông cũng phải nhờ tới thằng
Tâm đưa hộ cơm cháo cho Loan, lúc đầu thì nó rất khó chịu, nhưng dần dà ông
cũng không hiểu vì sao độ rày thấy nó bỗng trở nên vui vẻ hơn và lắm lúc lại nôn
nóng vào bệnh viện, ông chợt nghĩ…hay là nó thích con Loan và muốn dành phần
chăm sóc cho Loan?
- Ba à, đã đến giờ bệnh viện cho vào
thăm, ba có gì gởi cho Loan không?
- Ơ cái thằng này…?
Phần Loan thì khác, đã bao năm sống dâng mình
cho Chúa trong tu viện, đã hiến dâng cuộc đời này cho Chúa, đã chọn Chúa làm
gia nghiệp, Loan nghĩ rằng những tình cảm Tâm dành cho mình, chỉ là một thứ
tình cảm bình thường mà người đời hay dành cho nhau khi quen biết và cảm mến
nhau mà thôi. Nhưng rồi qua sự chăm sóc thái quá của Tâm đã làm cho Loan chợt
bâng khuâng. Đôi khi ngồi một mình cũng có lúc Loan nhớ về Tâm và suy nghĩ vẫn
vơ…dường như anh chàng này đang tính toán gì đây? Và cũng có thể mình đang bị anh
ta trồng cây si lắm chứ?
Một ngày nọ bỗng Tâm hỏi Loan:
- Thế Loan không muốn Tâm chăm sóc cho Loan
hả?
Loan chưa kịp trả lời đã nghe Tâm nói tiếp:
- Loan biết không, Tâm yêu thích Loan vì
Loan hiền lành, cư xử tốt và vui vẻ với mọi người. Ngoài ra khi nhìn thấy Loan,
Tâm rất buồn và nhớ tới đứa em gái nhỏ của Tâm bị thất lạc hồi năm hai tuổi, nó
cũng có cái bớt đỏ bên má giống như Loan vậy đó.
Nghe Tâm nói Loan giật mình nhớ lại những
lời bác Hoàng đã nói với Loan hôm trước:…
khi nhìn thấy cái bớt đỏ trên mặt cháu, bác lại nhớ đến đứa con bị…Loan suy
nghĩ chắc gia đình bác Hoàng đang có điều gì uẩn khúc đây? Tại sao mình thấy họ
hay nhắc tới cái bớt đỏ trên mặt mình, chà cái vụ này căng đây, hôm nào phải hỏi
lại ba mẹ xem sao.
Đã hết giờ thăm bệnh, trước khi chào Loan
ra về, Tâm mỉm cười hỏi Loan:
- Hôm nào rãnh Tâm sẽ kể hết mọi chuyện
cho Loan nghe. Loan có thích không?
- Thích chứ, Cám ơn anh Tâm.
Lắm khi vui miệng, Loan đáp lại chút
tình cảm Tâm dành cho mình. Nói là nói vậy, nhưng đôi lúc Loan cảm thấy tội
nghiệp cho anh ấy. Loan nhận thấy anh ta thì hăng hái nhiệt tình, còn mình thì
lại hờ hững. Loan nghĩ dù sao thì mình cũng chỉ là một con người bình thường bằng
xương bằng thịt chứ đâu phải là sắt đá. Và đã là người, tự bản chất ai mà không
mang trong mình những hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục. Do đó việc mình có tình cảm với
người khác là chuyện dĩ nhiên, Loan cũng có một trái tim biết yêu, biết thương
chứ. Và với suy nghĩ của Loan thì: ‘bạn có thể thương nhiều người, nhưng chỉ được
phép yêu một người và người mà bạn yêu đó, chính là đối tượng mà bạn đã chọn’. Loan
đã chọn Chúa, đã chấp nhận hy sinh thân xác này, quả tim này và tất cả mọi sự…Và
Loan đã dâng hết cho Chúa trong ngày tuyên khấn rồi.
Những lúc ngồi nói chuyện với ông Hoàng
hoặc Tâm, nhìn ánh mắt của họ, Loan biết rõ là cả hai cha con ông Hoàng đều
thương mến và dành rất nhiều tình cảm cho mình. Nhưng chưa bao giờ Loan tiết lộ
cho họ biết về đời tu của mình cả. Một vài lần khi vào thăm Loan, ông Hoàng ngỏ
ý muốn được Loan là người của gia đình mình qua lời ông nói:
- Bác mà có được người con dâu hiền
lành, ngoan ngoãn và xinh đẹp như cháu thì gia đình bác đại phúc.
Loan mỉm cười:
- Cháu dữ lắm, không hiền lành tốt đẹp
như bác nghĩ đâu.
Như để khẳng định cái nhìn của mình, ông
Hoàng nói tiếp:
- Bác tuy ít học, nhưng cũng không đến nỗi
nhận xét sai về cháu đâu.
Loan cười đùa:
- Rồi bác sẽ thấy mà.
Phần Tâm dường như thấy Loan không mặn
mà với mình, nghĩ rằng mình không xứng đáng và bị Loan khước từ tình cảm, nên
đã tìm quên trong những ly rượu. Một ngày nọ ông Hoàng không đi bệnh viện được,
nên đã gởi Tâm mang giỏ trái cây vào cho Loan, Loan nhận thấy hôm nay mặt Tâm đỏ
gay và nồng nặc mùi rượu. Loan bèn hỏi:
- Anh Tâm mới uống rượu phải không?
Thấy Tâm ầm ừ không nói, Loan trách Tâm:
- Tại sao anh lại uống rượu, anh không
biết rằng rượu rất độc à, nó tàn phá cơ thể và đã gây ra không biết bao nhiêu
là vụ cãi cọ, đâm chém trong gia đình và ngoài xã hội và cũng đã có rất nhiều
người thiệt mạng oan uổng khi tham gia giao thông trong tình trạng say xỉn à.
Cầm tờ báo trên tay Loan chìa về phía
Tâm và nói:
- Đây anh xem này…chính quyền vừa bắt được
một vụ làm rượu giả rượu bẩn.
Tâm có vẻ không tin:
- Cứ rượu nào uống vào thấy phê phê là
thật rồi.
Loan hơi bực mình:
- Sao anh lại nói vậy, bây giờ không còn
kiểu chưng cất rượu như ngày trước đâu, để dễ kiếm lời người ta sẽ không nấu rượu
nữa. Không thiếu gì các loại hóa chất, phẩm màu, cồn công nghiệp bán đầy rẫy
ngoài chợ, chỉ cần vài thao tác là đã có chai rượu đưa ra thị trường tiêu thụ rồi.
Ai ngộ độc, ai nằm nhà thương mặc kệ. Việc này đáng lý ra phải kiểm soát chặt
chẽ và phải phạt thật nặng, và theo Loan nghĩ là nếu nó gây ra chết người thì
cũng phải xử theo cáo trạng giết người thì mới răn đe được.
Tâm vẫn đang tìm cách chống chế:
- Vì Tâm buồn. Tâm chỉ uống để giải
khuây thôi mà.
Loan cố gắng giải thích:
- Rượu không thể giải quyết được nỗi buồn
mà nó chỉ làm cho người ta thêm bi lụy mà thôi. Nhưng anh Tâm buồn về chuyện
gì? Kể cho Loan nghe với, được không?
Giọng Tâm hơi lè nhè:
- Tại Tâm…thương người ta, nhưng người
ta…hổng có thương Tâm.
Loan cố tình trêu Tâm:
- Cô gái nào dở hơi vậy, được anh Tâm
thương mà hổng biết điều, uổng thiệt. Giá mà Loan được như…
Nói tới đây, Loan mới chợt thấy rằng
mình đã trêu đùa Tâm quá mức, phần Tâm khi nghe Loan nói thế cứ tưởng rằng Loan
cũng thích mình, chàng ta nóng ruột:
- Giá mà Loan làm sao? Nói cho Tâm nghe
đi, lẹ lên.
Loan bối rối và hối hận vì trò đùa dai của
mình, chưa biết xử trí cách nào…Bỗng có tiếng bà Hiền mẹ của Loan:
- Hai đứa làm gì mà ngồi thừ cả ra thế?
Dịp may hiếm có đã đến, Loan nhanh nhảu
trả lời:
- Dạ không có chi. Thôi anh Tâm về nghỉ
cho khỏe, đã có Mẹ của Loan đây rồi.
Cố gắng đứng dậy sau khi chào bà Hiền và
Loan, với dáng vẻ liêu xiêu Tâm tiến dần ra phía cổng bệnh viện. Nhìn dáng đi của
Tâm, bà Hiền cứ ngỡ Tâm bị đau:
- Thằng Tâm nó bị
đau chân hả con?
- Dạ…dạ không phải
mẹ ạ.
Bà Hiền nhìn Loan với ánh mắt nghi ngờ,
khó hiểu, xưa nay bà đã quá hiểu tính tình của đứa con gái mình, nhưng sao hôm
nay nó bỗng…lạ thiệt.
Đang ngồi ở ghế đá chờ ông Tân làm thủ tục
xuất viện. Bỗng Loan thấy lố nhố một đám người vừa khiêng vừa la hét, những giọt
máu trên người thanh niên chảy dài trên hành lang bệnh viện, chiếc áo ca-rô màu
xanh trời mà người thanh niên mặc cũng nhuốm đầy máu. Loan khẽ thầm thì cầu xin
cho người bệnh tai qua nạn khỏi. Bất chợt Loan cảm thấy hơi rùng mình lo sợ:
chiếc áo này rất giống với chiếc áo mà Loan thấy Tâm vẫn thường hay mặc mỗi khi
vào bệnh viện thăm Loan. Loan không dám nghĩ thêm nữa và Loan hy vọng có thể chiếc
áo đó chỉ là sự trùng hợp mà thôi.
Bóng
một người đàn ông vừa lướt qua trước mặt Loan, dáng dấp nhìn trông khá quen khiến
Loan lo lắng: ai đây mà sao nhìn trông giống bác Hoàng thế? Cố nhìn lại một lần
nữa và Loan biết chắc là không thể lầm lẫn vào đâu được nữa, người đó chính là
bác Hoàng. Nhưng bác ấy đi đâu vậy? Không lẽ người vừa bị tai nạn là Tâm.
Loan
vội vàng đứng lên bước theo và kéo nhẹ cánh tay ông Hoàng, ông quay lại nhìn Loan:
- Cháu Loan đó hả? Thằng Tâm nhà bác nó
say rượu, xách xe máy ra chạy thế là đâm vào cột đèn đường, không biết có nặng
lắm không?
- Thôi bác đừng buồn, chuyện này cũng có
phần lỗi của con.
Theo Loan thì Loan nghĩ rằng, có lẽ Tâm buồn
vì chuyện tình cảm với mình nên mới nảy sinh ra uống nhiều rượu và do say quá
nên dẫn đến bị tai nạn.
Nghe Loan nói vậy, ông Hoàng cau mày khó
hiểu. Nhưng sau đó thì ông nói tiếp:
- Thôi có chuyện gì để sau hẵng hay, bây
giờ bác phải xem thằng Tâm nó bị sao đã.
Cú va chạm với cột đèn đường đã làm cho
Tâm bị dập gan và rách thận. Dán mắt vào tấm kiếng cửa sổ phòng cấp cứu, Loan
thấy gương mặt Tâm trắng bợt vì mất quá nhiều máu. Cách đó vài bước chân, Loan
thấy ông Hoàng cúi gằm mặt xuống, thỉnh thoảng ông đưa tay lên dụi mắt, có lẽ
ông đang khóc vì quá buồn. Riêng Loan cũng cảm thấy chạnh lòng khi nhìn gia
đình ông Hoàng rơi vào cảnh này. Cánh cửa phòng xịch mở, vị bác sỹ trực phòng cấp
cứu bước ra và lên tiếng:
- Ai là thân nhân của bệnh nhân nguyễn thành
Tâm.
Nghe thấy thế ông Hoàng bước nhanh lại
và hỏi:
- Dạ thưa tôi đây, bác sỹ có cần gì
không ạ?
Vị bác sỹ nói tiếp:
- Bệnh nhân bị thiếu máu trầm trọng và chúng
tôi đã tìm xem trong kho lưu trữ máu ở bệnh viện, nhưng tiếc thay nhóm máu phù
hợp với máu của anh ấy đã hết rồi. Chúng tôi đang cần người nhà hỗ trợ, ngoài
ông ra có còn ai ở đây nữa không?
Ông Hoàng nhanh chóng trả lời.
- Chỉ có mình tôi ở đây thôi. Thế ông có
thể lấy máu của tôi để tiếp cho cháu được không? Tôi là cha của nó.
Liếc nhìn ông Hoàng vị bác sỹ lên tiếng:
- Ông thương con là điều đúng, máu của
ông tuy phù hợp, nhưng tôi sợ ông không đủ sức khỏe để làm việc này.
Vị bác sỹ đã nói đúng, khi nhìn thấy thể
trạng gầy gò và xanh xao của ông Hoàng. Vị bác sỹ nói tiếp:
- Hiện nay ở nhà ông còn ai không? Mẹ và
các anh chị của bệnh nhân đâu cả rồi, ông mau gọi họ đến ngay, tình hình của bệnh
nhân nguy cấp lắm rồi.
Ông Hoàng nghe xong chỉ biết lắc đầu,
ông lắc đầu là phải, vì gia đình Hạnh, đứa con gái đầu đang đi chơi hè ở nơi xa
với thằng Bình, nếu có báo tin thì sớm lắm cũng ngày mai chúng nó mới về tới, lúc
ấy thì đã quá muộn, chỉ còn bà Hoàng ở nhà, nhưng việc gì thì còn có thể, chứ
nói đến lấy máu của bà ấy mà tiếp cho Tâm là điều không thể, không khéo…
Chứng kiến được đầu đuôi câu chuyện, Loan
vội đứng lên tiến lại gần vị bác sỹ và nói:
- Thưa bác sỹ, ông xem có thể lấy máu của
tôi để tiếp cho bệnh nhân được không?
Trông thấy Loan, vị bác sỹ liếc nhìn ông Hoàng:
- Cô gái này là gì với ông và quan hệ thế
nào với bệnh nhân?
Ông Hoàng lắc đầu:
- Cô ấy chỉ là người quen biết với gia
đình tôi, là bạn của cháu Tâm.
Vị
bác sỹ lấy làm lạ và không hiểu vì sao Loan lại tốt bụng đến thế, dám hiến máu
mình để cứu người khác.
Phần Loan dù rằng chỉ là mong manh,
nhưng Loan hy vọng máu của mình sẽ phù hợp với máu của Tâm, vì khi Loan nằm bệnh
viện do tai nạn, các bác sỹ cũng cho biết là hiện nay lượng máu dự trữ bỗng trở
nên hiếm hoi và thiếu hụt trầm trọng, và tình trạng của Loan cũng khá may mắn
vì không bị mất nhiều máu, bằng không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Vị bác sỹ nói với Loan:
- Thôi được rồi, nếu cô đã có lòng và muốn
giúp người thì xin mời cô hãy mau mau vào đây. Tôi chỉ cầu mong sao máu của cô
và bệnh nhân phù hợp thì sẽ cứu được anh ấy.
Lấy máu xong, Loan ngồi chờ đợi kết quả
trước phòng xét nghiệm. Vì lần đầu tiên trong đời phải hút ra một lượng máu khá
nhiều, và Loan cũng vừa mới bị tai nạn. Do đó Loan cảm thấy đầu óc mình hơi
choáng váng, dựa đầu vào thành ghế Loan tranh thủ nhắm mắt cho đỡ mệt.
Sau khi lấy giấy xuất viện, ông Tân bước
ra ghế đá nơi Loan ngồi, nhưng ông hơi ngạc nhiên vì chẳng thấy Loan đâu cả. Một
anh thanh niên ngồi ở chiếc ghế bên cạnh liền hỏi ông:
- Có phải bác tìm cô gái mặc áo trắng
lúc nãy ngồi đây phải không?
Ông Tân vội trả lời:
- Đúng rồi, cám ơn anh. Thế anh có biết
con gái tôi đi đâu không?
Người thanh niên đưa tay chỉ về phòng
xét nghiệm và nói:
- Đấy chị ấy đang ngồi trước phòng xét
nghiệm kìa.
Ông Tân lấy làm lạ không hiểu vì sao con
mình lại ngồi ở đó, trong khi đâu cần phải xét nghiệm gì nữa. Tiến lại gần, ông
thấy Loan dựa đầu vào ghế, hai mắt nhắm nghiền và khuôn mặt thì tái nhợt. Ông
hoảng hốt kêu lên:
- Loan, con bị sao vậy?
Nghe tiếng ba hét to, Loan giật mình tỉnh
lại:
- À…à con không sao đâu ba.
- Thế sao ba thấy mặt con xanh xao vàng
vọt quá vậy, hay là để ba gọi bác sỹ khám bệnh cho.
Loan chưa kịp trả lời ông Tân thì vị bác
sỹ khi nãy vừa từ trong phòng xét nghiệm bước ra, trên tay ông cầm mảnh giấy kết
quả. Ông vừa cười vừa nói:
- Thật là may mắn hết sức, máu của cô và
bệnh nhân thuộc cùng nhóm máu. Thay mặt bệnh nhân tôi cám ơn cô rất nhiều.
Nghe vị bác sỹ nói vậy ông Tân mới biết
con gái mình vừa hiến máu cho người khác. Tuy nhiên lo ngại sức khỏe của con nếu
có bề gì thì…Dường như hiểu được nỗi lo lắng của ông Tân, vị bác sỹ trấn an ông:
- Thật là tuyệt vời khi ông có được đứa
con ngoan, biết thương người. Ông anh yên chí, cô ấy sẽ không sao đâu, chỉ cần
về nhà ăn uống và nghỉ ngơi là sẽ khỏe. Thôi tôi còn phải truyền máu cho bệnh
nhân kẻo quá muộn. Xin chào hai bố con.
Nói xong vị bác sỹ đi nhanh về phòng cấp
cứu. Lúc này ông Tân vẫn chưa biết là Loan hiến máu để cứu Tâm. Ông nói như thể
trách Loan:
- Việc hiến máu đã có gia đình người ta
lo, con thương người là đúng nhưng con cũng vừa mới ốm dậy và đôi khi máu của
con không phù hợp với họ, lúc đó chẳng những không có kết quả gì và ngược lại
điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Ông dìu tay Loan và nói:
- Thôi mình về đi con.
Nhưng khi nhìn thấy nét mặt của Loan hơi
buồn, ông gặng hỏi:
- Có chuyện gì vậy con?
Loan nghẹn ngào:
- Tâm…Tâm con bác Hoàng bị đụng xe.
- Thế nó có sao không? Hiện giờ nó nằm ở
đâu và gia đình nó đã biết chưa?
- Dạ đã biết rồi ạ.
Bước nhanh lại phòng cấp cứu, ông Tân gặp
ông Hoàng cũng đang đứng ở đó.
- Thôi anh đừng buồn, mọi chuyện rồi
cũng sẽ qua thôi. Cầu xin cho cháu chỉ bị sơ sài.
Cô y tá bước ra ngoài đảo mắt nhìn và hỏi:
- Ai là người nhà của bệnh nhân Tâm, xin
mời vào trong đóng tiền viện phí.
Ông Hoàng vẫn đứng yên một chỗ, tuy ông ấy
không lên tiếng nhưng ông Tân cũng thừa hiểu rằng có lẽ ông ấy không có tiền.
- Anh cầm lấy chỗ này mà lo cho cháu,
chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Ngước đôi mắt vốn đã trũng sâu nay lại đỏ
hoe, ông Hoàng bùi ngùi cảm động:
- Thật là ơn trời bể…tôi biết lấy gì mà
đền đáp cho ông và gia đình.
Quay sang Loan ông Hoàng nói tiếp:
- Bác cám ơn cháu rất nhiều vì đã cứu mạng
nó, nếu hôm nay không có những giọt máu của cháu thì chắc có lẽ sinh mạng của
thằng Tâm cũng khó lòng mà qua khỏi.
Nói xong ông Hoàng vội quì xuống trước mặt
hai cha con. Thấy thế ông Tân nhanh chóng đỡ ông Hoàng đứng lên và nói:
- Anh đừng làm như vậy tôi buồn lắm.
Loan cũng nói thêm:
- Những giọt máu của con là do Chúa ban,
nay con cho đi thì rồi Chúa sẽ ban lại cho con, bác không phải suy nghĩ nhiều,
hãy để sức mà lo cho anh Tâm.
Đến lúc này ông Tân mới biết là Loan đã
hiến máu cho Tâm. Trên đường về ông thắc mắc hoài về chuyện cho máu…làm sao mà
máu hai đứa lại phù hợp đến thế? Cứ như chúng nó là anh em ruột với nhau vậy. Không
riêng gì ông Tân, ông Hoàng, vị bác sỹ mà ngay cả Loan cũng không thể ngờ và lấy
làm lạ về những sự việc vừa xảy ra.
Trở lại tu viện sau những tháng ngày dưỡng
bệnh, Loan thầm cảm tạ Chúa và cám ơn các chị em trong cộng đoàn đã yêu thương
và quan tâm lo lắng cho bệnh tình của Loan. Nhưng Loan thấy cũng áy náy rất nhiều
về tình trạng của Tâm lúc này, Tâm đang nằm bệnh viện và bệnh tình của Tâm cũng
khá trầm trọng, Loan không thể làm ngơ với những ân cần chăm sóc mà Tâm đã dành
cho mình. Loan bèn trình bày và ngỏ ý với các chị em:
- Dù có thế nào đi nữa, em cũng không thể
làm ngơ trước nỗi đau của Tâm, người đã ít nhiều trong thời gian em nằm viện đã
giúp đỡ em, và cả gia đình bác Hoàng nữa, họ đang rất cần sự trợ giúp.
E sợ một chút tình cảm mông lung làm ảnh
hưởng đến đời sống tận hiến của Loan, chị Tổng và các chị em trong dòng đã tìm
mọi cách giúp đỡ để Loan không còn phải lo lắng bức xúc:
- Ngày mai chị Loan sẽ cùng vài chị em nữa
đi vào bệnh viện thăm Tâm, nhà dòng sẽ gởi ít quà biếu gia đình nhé.
Nằm trên giường bệnh Tâm hết trở mình
qua bên trái rồi lại sang bên phải nhưng cũng không thể ngủ yên được, vết mổ
nơi bụng thỉnh thoảng lại đau nhói lên, thêm vào đó là nỗi sợ hãi kinh hoàng
khi tai nạn xảy ra cứ ám ảnh Tâm. Tâm hối hận vì đã lừa dối cha mình và không
nghe lời cha khuyên bảo trước lúc ra đi, Tâm đã uống hơi quá chén, đã chạy xe
quá nhanh, nên không còn đủ tỉnh táo để xử lý khi gặp phải người băng qua đường
phía trước, cũng may là người ta chỉ bị trầy xước nhẹ. Đang suy nghĩ về những
việc đã xảy ra vừa qua, chợt Tâm nghe thấy tiếng nói của ai rất quen nghe như
là tiếng của Loan. Tâm từ từ mở mắt và nhận thấy ngoài Loan ra, còn có nhiều chị
em phụ nữ khác đứng bên cạnh giường. Thấy thế Tâm cố gắng ngồi lên nhưng không
được. Loan và các Sơ thấy vậy bèn lên tiếng:
- Thôi chú cứ nằm nghỉ đi, chị em chúng
tôi đây là bạn của chị Loan, nghe tin chú bị tai nạn, chúng tôi ghé thăm.
Tuy rất đau, nhưng Tâm cũng cố gắng đáp
lời:
- Cám ơn Các Chị, cám ơn Loan rất nhiều.
Xin lỗi vì đã làm phiền các chị.
Từ sau lần cùng các chị em vào thăm Tâm,
tất cả mọi sinh hoạt lại trở về bình thường như trước khi xảy ra mọi chuyện. Loan
lại tiếp tục bổn phận của mình và công việc mục vụ đã giúp Loan quên đi những
tháng ngày qua. Thỉnh thoảng nhìn thấy những vết thẹo trên cánh tay sau lần tai
nạn ấy, những vết thẹo vô tri vô giác nhưng nó cũng gợi nhớ cho Loan về gia
đình ông Hoàng…Không biết giờ này bác ấy ra sao? Tâm thế nào? thật tội nghiệp
cho bác ấy quá, tình cảnh gia đình bác ấy khó khăn, bác ấy lại quá vất vả, và
các con bác thì lại chẳng giúp đỡ gì cho
bác ấy cả…Loan ước ao sẽ có ngày gặp gỡ và thăm hỏi họ.
Một ngày nọ, Loan đang cùng các chị em
nhổ cỏ cho luống rau gần cổng tu viện, một chị bạn đứng kề bên chỉ trỏ. Dõi mắt
nhìn theo, Loan thấy một người đàn ông hành khất dáng điệu gầy gò, đầu tóc lù
xù, quần áo nhàu nhò dơ bẩn, đang chìa tay xin tiền trước cổng. Chị quản lý bước
lại gần và dúi vào tay người đàn ông ít tiền. Người đàn ông ngước mắt nhìn lên
miệng thì thầm cám ơn. Loan giật bắn người khi nhận ra, người đàn ông này không
ai khác chính là Tâm con bác Hoàng. Lo sợ Tâm nhận ra mình, Loan cúi mặt xuống
giả vờ nhổ cỏ.
- Ô hay, sao chị Loan lại nhổ cả rau vậy?
Một chị bạn vừa bụm miệng cười vừa nói.
Loan lúng túng:
- Chết chưa, sao lại thế này?
Chị bạn đứng bên vẫn chưa hiểu:
- Hôm nay chị làm sao thế? Nếu mệt, chị
nên vào nhà nghỉ đi.
Sau
giờ cơm trưa, nằm nghĩ trên giường nhưng Loan không thể nào ngủ được. Hình ảnh
Tâm cứ đập vào mắt Loan, tại sao lại xảy ra nông nỗi này? Sao Tâm lại phải đi
ăn xin? Hay là gia đình bác Hoàng đã tới hồi khánh kiệt?
Thế rồi mọi chuyện cũng được sáng tỏ,
khi vào một sáng chủ nhật đẹp trời nọ, ông Tân và bà Hiền ghé vào nhà dòng thăm
Loan. Gặng hỏi mãi Ba mẹ mới cho Loan biết:
- Thằng Tâm nó thích con, nó đòi bác
Hoàng qua nhà mình nói chuyện, không biết bác ấy suy nghĩ thế nào…chẳng những bác
ấy không qua lại còn mắng Tâm:
- Hạng người như mày sống chỉ thêm chật
đất, không lo tu chí làm ăn, chỉ sống bám vào người khác. Cái mặt mày đừng có
mơ mà con Loan nó chịu.
Cãi cọ chán chê, Tâm bỏ nhà ra đi. Nó đi
đâu gia đình ông Hoàng cũng chả biết, mà dường như là họ chẳng cần biết để làm
gì nữa, vì nó đã gây cho gia đình quá nhiều đau khổ rồi.
Đó là tất cả những gì Loan nghe biết được
về Tâm sau những ngày bị tai nạn đến nay. Loan thấy mọi chuyện tưởng chừng như
đơn giản nhưng không ngờ nó lại trở thành bi kịch cho gia đình bác Hoàng. Loan
hối hận và lấy làm tiếc: giá mà ngày ấy đừng xảy ra tai nạn, giá mà ngày ấy Loan
cứ nói thật về mình, về đời tu của mình, thì có lẽ mọi việc chắc sẽ không đến nỗi
tồi tệ như hôm nay.
Sau
khi đứa con ngỗ ngược bỏ nhà đi hoang, không khí trong gia đình trở nên buồn bã
hơn. Ông tìm mọi cách để trấn an bà Hoàng, ông chỉ sợ vì suy nghĩ uất ức nhiều,
mà cơn bệnh tai biến của bà diễn tiến theo chiều hướng xấu. Tuy rất buồn, nhưng
điều làm ông Hoàng sợ hãi và lo lắng nhiều hơn, là xã hội bây giờ có không ít
các cậu thanh niên choai choai rủ nhau trốn khỏi nhà, tụ tập đàn đúm nhậu nhẹt.
Bây giờ chúng nó lại sử dụng thêm một loại thuốc gây ảo giác mạnh, mà người ta
vẫn hay gọi bằng cái từ ‘đập đá’. Thật đáng buồn vì có thêm một phát minh của khoa
học bị sử dụng sai mục đích, chết người. Phê thuốc rồi thì chúng nó chỉ coi trời
bằng vung, đâu còn sợ sệt gì nữa và cũng chẳng coi ai ra gì hết, ba mẹ hoặc ai
đó có nói chạm tới là vung dao đe dọa, chém giết. Sau đó lôi kéo nhau đi quậy
phá cướp bóc, thậm chí chúng còn dám giết người chỉ vì một chiếc xe đạp cà tàng
giá chỉ đáng vài ba trăm bạc…và cuối cùng đứa thì tử hình, đứa chung thân, đứa thì
mòn mỏi giết lần tuổi xanh đằng sau song sắt nhà tù. Ông lo sợ là phải vì nếu
thằng Tâm mà đã sa chân vào đó thì hết thuốc chữa. Thôi thì phó mặc cho trời, ông
bà cũng đã dạy dỗ nhiều, nói nhiều và răn đe cũng nhiều, nhưng nó không nghe
thì đành chịu thôi biết làm sao bây giờ?!
Dắt
chiếc xích lô vào bên trong hiên nhà xong, ông Hoàng bước lại ghế đá ngồi nghỉ
mệt, tay ông cầm cái nón lá phe phẩy, cho ráo bớt những giọt mồ hôi đang lăn
dài trên trán. Tiếng hát karaoke từ nhà bên vọng sang:
“ Anh cho em mùa xuân, nụ hoa vàng mới nở,
chiều đông nào nhung nhớ…”.
Bình thường như mọi ngày, dù có bực mình
đến mấy ông cũng mặc kệ, cứ đóng chặt cửa đi nghỉ là xong, nhưng hôm nay sau
khi trải qua một vài chuyện không hay, mệt mỏi ông văng tục:
- Trời nắng bỏ mẹ cứ ngồi đó mà xuân, mà
nhung mà nhớ!
Nào chẳng riêng gì ông mà ngay cả hàng
xóm, ai ai cũng phải bực mình với cô em láng giềng này. Cứ đến giờ cơm trưa là
nó mở máy, nếu nó hát hay thì còn đỡ bực mình, đàng này thay vì ‘ con ca tụng
Chúa’ , nó hát ngang đến nỗi thành ra ‘ con ca tụng chùa’, đôi khi mọi người
nghe xong chỉ biết ôm bụng cười bò, mà đâu phải nó chỉ mở máy chốc nhát, ít lắm
cũng vài giờ đồng hồ, gặp hôm nào cô ta ngẫu hứng lý qua cầu thì hàng xóm rửa
tai mệt nghỉ. Từ miền bắc xa xôi, cô bé này đi tìm việc làm ở miền nam, được một
thời gian, mọi người thấy cô ta cặp bồ với chàng trai làm cùng hãng, nhà chàng
trai này cách nhà ông Hoàng chỉ vài căn. Xa cha mẹ anh em, xa sự kiểm soát của
gia đình, cô ta tìm hơi ấm của chàng trai này để rồi cho ra đời một cu cậu, báo
hại gia đình phải lặn lội vào nam để lo đám cưới. Kể ra cô gái này cũng can đảm,
dám chấp nhận tai tiếng để giữ lại đứa bé, chớ không như nhiều lũ trẻ ngày nay,
cứ sống buông xuôi, cứ yêu đương bừa bãi để rồi vài tháng lại đi nạo thai, lại
đến phòng khám phá bỏ thai nhi…Ngày xưa đâu dễ gì tìm được cặp nào dám ăn cơm
trước kẻng, có mà chết ngay với cha ông, họ hàng.
Anh bạn già nhà gần bước qua chơi:
- Hôm nay về sớm vậy anh Hai? Có gì buồn
mà ngồi thờ thẫn vậy?
- Ế ẩm quá anh ơi, hổm rày toàn gặp xui
không à, hết đụng vào người ta giờ lại tới con mình đâm vô cột đèn. Nghĩ cũng
còn may anh ạ, nếu người ta có bề gì thì ngồi tù mọt gông, chớ nghèo như tui lấy đâu ra tiền
mà bồi thường. Anh không nghỉ trưa hả?
- Thôi mọi chuyện qua rồi, đang trưa muốn
đi nghỉ mà không được vì phải nghe giọng ca dĩ vãng kia, ghé qua anh tán dốc đỡ
buồn. À hổm rày anh có gặp thằng Tâm chưa?
Sau tiếng thở dài, ông Hoàng buồn bã
nói:
- Nghĩ con mình đứt ruột đẻ ra nuôi nó
khôn lớn. Tui không đòi hỏi nó phải trả công tui, chỉ mong sao nó sống hiền
lành ngoan ngoãn, siêng năng việc lễ lạy, ấy vậy mà…bữa trước tui nghe phong
phanh là nó đi ăn xin, nếu mà đúng vậy thì anh nghĩ xem có phải nó trét phân
lên mặt vợ chồng tui không? Ông bà tui nghèo khổ thiệt nhưng chưa bao giờ để nó
nhịn đói lấy một bữa.
Từ nhà bên kia, cô gái vẫn ong ỏng với
đoạn nhạc chế: “ …Xưa hôn anh một lần, làm đau răng gần chết, xưa hôn anh thật
nhiều, giờ răng em rụng hết…” Hai ông già cùng phá lên cười ha hả. Ông Hoàng lắc
đầu:
- Hết mùa xuân giờ lại sang mùa đông của
anh rồi, quá lắm!
Ông bạn hàng xóm vừa cười vừa nói:
- Thời buổi bây giờ anh thấy không, hết
ô nhiễm bầu không khí, ô nhiễm môi trường, giờ lại đến ô nhiễm cả lời ca tiếng
hát.
Thấy anh bạn nói không sai tí nào, ông
Hoàng cũng hả hê với hàm răng mất gần hết hàng tiền đạo:
- Nghĩ đi nghĩ lại cuộc đời lắm cái oái
ăm, khi trước thấy chúng nó cực khổ mà thương, nhưng rồi hổng biết chúng nó làm
ăn khấm khá hay trúng số mà hôm nọ tui thấy hai đứa chúng nó lôi về cái dàn máy
karaoke…giờ thì như anh thấy đấy, hết thương nỗi rồi.
Tâm đã gần bước qua lứa tuổi ba mươi, với
độ tuổi này thì vác bị gậy đi ăn xin ai người ta cho. Không ít thì nhiều, thiên
hạ đều cho rằng đó là hạng người siêng ăn biếng làm. Vì thế dù xin được nhiều
hay ít, điều đó không quan trọng, tuy đôi lúc bụng đói rả rời nhưng không bao
giờ cậu ta để mình phải thiếu thuốc. Bỏ nhà ra đi, tụ tập với đám trai trẻ sinh
ăn biếng làm trong làng, Tâm tự tìm cho mình cái thú vui bên những làn khói ma
quái, hết tiền cơn ghiền ập đến Tâm đành phải muối mặt đi ăn xin, cũng may là
chưa theo chúng nó đi ăn cướp. Hạng người nghiện ngập như Tâm giờ đi xin việc
ai người ta thèm nhận, phần thì sợ bị chôm đồ nhà, phần thì đang làm mà tới cơn
vả thuốc xùi cả bọt mép nằm ngay đơ ra đấy, nếu chẳng may có chuyện gì ai mà chịu
trách nhiệm đây…
Thay vì bị xua đuổi như những nhà khác,
thấy lần nào cũng vậy, khi vừa vào đến cổng, Tâm đều được các Sơ cho tiền nên cứ
vài ba tuần cậu ta lại đảo qua nhà dòng. Thương xót và giúp đỡ người là việc phải
làm, nhưng đôi khi các Sơ cũng hơi thắc mắc:
- Này anh kia, anh còn trẻ khỏe sao
không tìm lấy một công việc mà phải đi xin vậy?
Hỏi là hỏi cho vui vậy thôi, câu trả lời
mà các Sơ nhận được thường chỉ là cái lắc đầu.
Hôm nay Loan lại được phân công làm ở vườn
Loan gần cổng, ông mặt trời đã gần đứng bóng. Chỉ còn vài mét đất nữa là hết, Loan
cùng các chị em bảo nhau cố gắng làm cho xong. Vừa rút chiếc khăn trong túi ra
chưa kịp lau những giọt mồ hôi trên trán, Loan cảm thấy như có bàn tay ai đó vỗ
nhẹ vào vai mình:
- Chị ơi, cho em xin chút tiền, em đói
quá.
Nghe qua giọng nói, Loan biết là Tâm
đang gọi mình, nhưng Loan không thể quay lại ngay được vì sợ Tâm nhận ra mình.
Kéo vội chiếc khăn che bớt khuôn mặt lại, Loan từ từ quay sang nhìn Tâm, đoạn cho
tay vào túi lấy tiền. Sở dĩ hôm nay Loan có được ít tiền vì hôm qua ba mẹ mới
cho, nhưng Loan chưa kịp gởi cho chị quản lý.
Tâm ngước mắt nhìn Loan, mọi lần thì Tâm
cầm tiền và đi ngay, nhưng sao hôm nay khi đối diện với Loan, cậu ta không chìa
tay ra ngay, có thể cậu ta đã nhận ra có gì khác lạ ở đôi mắt ấy. Loan vội quay
mặt đi nơi khác để tránh cái nhìn dò xét của Tâm, Loan bối rối và lo lắng:
- Hay là Tâm đã nhận ra mình, giờ phải
làm sao đây?
Không thể kéo dài thời gian chờ đợi, Loan
cầm tiền trong tay chìa về phía Tâm và lên tiếng:
- Xin lỗi anh, đã đến giờ cơm trưa rồi,
anh mau cầm lấy.
Vẫn không thấy Tâm giơ tay đón nhận những
đồng tiền, Loan ngoái nhìn lại một lần nữa và hoảng hồn, khi thấy những vết thẹo
trên cánh tay của mình vô tình lồ lộ ra trước mắt Tâm. Những vết thẹo của ngày
xưa, những vết thẹo của lần va chạm xe và cũng những vết thẹo này, do không thể
tự mình băng bó được, nên một vài lần Loan đã nhờ Tâm giúp đỡ.
Loan giật mình thốt lên:
- Thôi chết rồi.
Và Loan càng bàng hoàng hơn khi nghe Tâm
hỏi nhỏ:
- Những vết thẹo…Sao nó lại giống…? Chị
có phải là Loan con bác Tân không?
Một chị bạn đứng gần dường như đã nhận
ra có điều gì khác lạ giữa Loan và người hành khất:
- Chị Loan quen biết người này sao?
Tiếng chuông báo hiệu giờ cơm trưa đã cắt
ngang câu hỏi của Tâm và luôn cả suy nghĩ của chị bạn. Loan bước vội vào trong
bỏ mặc sau lưng văng vẳng tiếng gọi của Tâm:
- Loan ơi…Loan.
Sau khi gặp thấy Loan ở nhà dòng, tuy Loan
không trả lời, nhưng Tâm vẫn đinh ninh rằng người đó không ai khác ngoài Loan.
Từ ánh mắt, giọng nói, thậm chí ngay cả những vết thẹo trên tay, những vết thẹo
mà Tâm đã có lần giúp Loan băng bó…không thể lầm lẫn vào đâu được, và cũng
không thể có một sự trùng hợp nào kỳ lạ đến như vậy, tất cả đều đã rõ ràng.
Hành động né tránh của Loan đã làm cho Tâm phải
suy nghĩ: Tại sao Loan không muốn nhận ra mình, hay Loan khinh bỉ mình chỉ vì
mình là thằng ăn xin? Loan đi tu hồi nào, tại sao Loan không nói thật cho mình
biết? Bất chợt Tâm nhớ lại khi trước, những lúc thay ba đưa cơm vào bệnh viện, Loan
thường xuyên dùng những lời nhẹ nhàng khuyên nhủ Tâm. Rồi cũng có không ít lần Tâm
thấy Loan ngồi thật yên lặng và sốt sắng cầu nguyện bên tràng chuỗi Mân Côi.
Tâm tự hỏi: Không lẽ ngày ấy Loan đã đi tu rồi, vì lối sống và cách suy nghĩ của
Loan của Loan rất khác xa so với những người bạn gái mà mình đã quen biết.
Những ngày sau đó, như muốn biết rõ hơn
và để khẳng định người nữ tu ấy có phải là Loan hay không, thay vì đến trước cổng
nhà dòng để xin tiền như mọi khi, Tâm chỉ đứng xa xa bên kia đường, dõi mắt
nhìn về hướng nhà dòng theo dõi và chờ đợi...Nhưng rồi ngày nọ qua ngày kia
không thấy bóng dáng Loan đâu cả. Sốt ruột, Tâm lại lò mò tới cổng nhà dòng.
Như bao lần, các Sơ vẫn ra cho tiền. Nhưng hôm nay Tâm chỉ ngước mắt nhìn chị nữ
tu rồi quay lại tính bỏ đi, thấy lạ chị nữ tu ấy lên tiếng:
- Chú sao vậy, chắc lại chê ít tiền phải
không?
Tâm lí nhí:
- Dạ…dạ không phải. Em muốn…
- Chú muốn gì cơ?
- Em muốn gặp…
- Thế chú muốn gặp ai?
…
Thay vì trả lời chị nữ tu, Tâm quày quả bước
đi. Từ trong hành lang nhà khách, Loan đã thấy và biết rõ mọi chuyện. Giờ thì Loan
biết phải nói sao đây khi mà lạnh lùng với Tâm thì tội nghiệp cho cậu ta quá,
mà vồn vã thì cũng không được phép vì nhà dòng đã có luật định. Và Loan cũng
không thể quên những gì đã thề hứa với Chúa trong ngày tuyên khấn:
“
Lạy Chúa, con đã thề hứa, con sẽ dâng hết những gì của con cho Chúa, từ cuộc sống,
tình yêu, của cải vật chất, những gì con ưa thích và ngay cả chính bản thân
con. Chúa đã gọi con và con đã thân thưa: Lạy Chúa này con đây. Thì nay con xin
Chúa giúp sức và nâng đỡ con vượt thắng mọi sự trong vòng tay yêu thương của
Ngài.”
Sau lần gặp gỡ bất ngờ ấy, Loan cố tình
né tránh và không muốn sự việc tái diễn lại một lần nữa. Nhưng đôi lúc Loan tự thấy
mình đối xử với Tâm như vậy kể ra cũng không được, Tâm đang đói khổ, đang lạc lối…bằng
mọi giá phải tìm cách cứu đỡ Tâm.
Những đám mây đen ùn ùn kéo đến đã làm
cho bầu trời trở nên tối tăm u ám, chút gió lành lạnh mang theo mùi hơi đất, thứ
mùi này chỉ bốc lên khi đất đang khô cằn nứt nẻ mà gặp phải nước. Những ánh chớp
lòe sáng kèm theo sau là tiếng nổ ì ầm báo hiệu một cơn mưa lớn sắp trút xuống.
Tiếng người đi đường gọi nhau ơi ới, xe cộ đua nhau rú ga tìm nơi ẩn nấp.
Thế rồi trời cũng đổ mưa, những giọt mưa
giông quất mạnh làm rát buốt khuôn mặt, Tâm nép mình bên trụ cổng nhà dòng. Gió
thổi mạnh và mưa càng lúc càng nặng hạt, mái nhỏ của trụ cổng không thể che cho
Tâm khỏi ướt. Cơn thèm thuốc lại đến, thêm bụng dạ cồn cào vì từ sáng tới giờ
Tâm chưa có gì bỏ bụng…Toàn thân Tâm run lên bần bật vì đói, vì lạnh và đầu óc
thì quay cuồng, cảnh vật trước mắt bỗng nhòe đi và Tâm ngã vật xuống đất mê man
không còn biết gì nữa.
Trời mưa to nhưng khi phát hiện thấy có
người ngã gục trước cổng, chị nữ tu trực ở phòng khách bấm chuông gọi bác tài xế
và các Sơ khác. Mọi người vội vàng đội dù chạy ra, lúc đó mọi người nhận ra đó chính
là người hành khất vẫn hay đứng xin tiền trước cổng, Loan và một vài Sơ nữa
cùng phụ với bác tài xế khiêng Tâm vào trong phòng bệnh của nhà dòng và đặt Tâm
nằm trên chiếc ghế bố. Sau đó mọi người chuyển Tâm vào bệnh viện và nhờ Loan
trông hộ rồi tìm cách liên lạc với gia đình.
Tỉnh lại trong bệnh viện người đầu tiên
Tâm gặp đó là Loan, Loan ngồi đó đôi mắt nhìn về xa xa, miệng lâm râm như đang
khẩn cầu một điều gì đó. Thấy vậy Tâm thốt lên:
- Ủa sao Loan lại ở đây? Và tại sao Tâm
lại nằm ở đây?
Loan quay lại nhìn Tâm, với cái nhìn vừa
trách cứ vừa thương hại, Loan không thể ngờ được một con người mà cách đây
không lâu vẫn còn là một chàng trai hào Loan phong nhã, đáng yêu. Thế mà giờ
đây bỗng trở nên thân tàn ma dại. Thấy Loan cứ đứng lặng yên nhìn mình, Tâm lên
tiếng:
- Loan đừng nhìn Tâm như vậy, Tâm xấu hổ
lắm. Thôi Loan hãy về đi, Tâm không đáng để cho Loan phải bận tâm.
Tâm thấy cổ họng mình khô rát bèn nói với
Loan:
- Khát quá…cho Tâm xin chút nước.
Vừa lấy nước cho Tâm, Loan vừa nói:
- Tại sao anh Tâm lại làm như vậy? Anh Tâm
không biết là hai bác ở nhà đang đau khổ vì anh rất nhiều à. Dù hai bác có vất
vả thế nào cũng đâu có để cho anh bị đói đến nỗi phải đi xin ăn như vầy.
Trách Tâm như vậy nhưng Loan đã hiểu mọi
chuyện từ lâu rồi. Loan đâu dám trách Tâm trong chuyện tình cảm, thích hay ghét
ai là quyền của Tâm. Việc Tâm buồn chán, thất vọng rồi bỏ nhà ra đi Loan đã được
nghe ba mẹ mình kể lại rồi. Tuy nhiên những lý do đó theo Loan nghĩ nó cũng
không đến nỗi làm cho Tâm phải ra nông nỗi này…Thực tế mà nói, bên ngoài xã hội
cũng đâu thiếu gì các cô vừa giỏi lại xinh đẹp, thế nhưng tại sao Tâm không tìm
đến những người con gái quý mến Tâm, mà lại đi yêu thương một người như Loan, một
người đã hy sinh và cố gắng gạt bỏ hết mọi sự cho lý tưởng.
Tiếng của Tâm vang lên cắt ngang những
suy nghĩ của Loan:
- Loan à, Tâm nói ra xin Loan đừng buồn.
- Được rồi anh Tâm cứ nói.
E ấp ngập ngừng mãi Tâm mới thốt lên được
vài lời:
- Tâm chỉ yêu mình Loan thôi, nhưng khi
biết Loan từ chối, Tâm rất buồn và chẳng thiết tha gì nữa, Tâm coi như đời mình
đã hết.
Nghe Tâm nói Loan thấy mình sững sờ, nhưng
cũng kịp trấn an lại:
- Loan cám ơn anh Tâm rất nhiều, nhưng Loan
cũng xin lỗi là Loan đã có người yêu rồi.
- Loan…Loan nói sao?
Không đợi Tâm nói tiếp, Loan khẳng định:
- Người yêu của Loan cũng chính là người
yêu của anh Tâm đó, người đã chết vì quá yêu anh. Thôi đã đến giờ Loan phải trở
về. Anh Tâm nằm nghỉ nhé, Loan sẽ cầu nguyện nhiều cho anh.
Những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn
mặt của Tâm, giọt nước mắt cảm động hay giọt nước mắt hối hận đây. Cầm chiếc
khăn tay lau khô những giọt lệ trên mặt Tâm, Loan thầm thì:
- Anh Tâm ơi, Loan cũng thương và xót xa
cho anh rất nhiều. Nhưng Loan biết mình không thể làm gì hơn, mong anh thứ lỗi
cho Loan. Phần anh, Loan muốn anh hãy mau quay về với Lòng Thương Xót Chúa và với
gia đình, mọi người đang chờ đón anh đó.
Loan nói thêm những lời sau đây như để
thôi thúc và đánh động vào cái bướng bỉnh trong con người Tâm:
- Nếu Anh không chịu nghe lời Loan mà trở
về…thì từ nay về sau sẽ không bao giờ còn cơ hội để gặp nhau nữa.
Mặt của Tâm biến sắc khi nghe những gì Loan
vừa nói, Tâm nằm úp mặt xuống gối yên lặng.
Đến lúc này thì ông bà Hoàng mới nhận được
tin và cũng vừa có mặt tại phòng bệnh. Nắm tay Loan, bà Hoàng nghẹn ngào nói
trong nước mắt:
- Hai bác cám ơn cháu nhiều nhé, nếu
không có cháu thì hôm nay không biết thằng Tâm nhà bác sẽ như thế nào.
Loan vội trả lời:
- Hai bác chớ quá lo chuyện đâu có đáng
gì , không riêng gì cháu nếu có ai đó mà gặp anh Tâm trong hoàn cảnh này cũng
phải làm như cháu thôi.
Những ngày sau đó, vì bận rộn với nhiều
công việc trong nhà dòng, nên Loan cũng chả có thì giờ để nghĩ đến Tâm nữa.
Thời gian trôi nhanh, mới ngày nào đó mà
nay đã hơn mười năm rồi Loan chưa gặp lại Tâm, không rõ giờ này Tâm sống ra
sao, có còn hay đã…? cả bác Hoàng nữa…?
Bỗng một hôm, sau giờ cơm trưa, Loan
đang ngồi uống nước thì các chị bạn trờ tới:
- Ủa sao độ này không thấy người hành khất
trước cổng tu viện nữa nhỉ?
Biết là các chị ấy trêu mình. Nhưng thật
ra Loan cũng không hiểu lý do vì sao độ này không thấy Tâm xuất hiện nữa, Loan
vừa cười vừa liếc mắt trả lời:
- Các chị hỏi em, em biết hỏi ai.
Nói về Tâm, từ sau ngày bị ngất xỉu trước
cổng nhà dòng vì đói, vì lạnh và vì thiếu thuốc, Tâm đã hối hận và quay trở về
nhà. Tuy căn nhà cũ không còn nữa, do những lần Tâm mượn tiền của đám xã hội
đen, chỉ cần trả tiền chậm vài ngày là chúng nó kéo tới đòi nợ và đập phá lung
tung, thiên hạ có biết thì cũng chỉ im lặng đứng nhìn, ai mà dám mở miệng lên
tiếng thì chẳng khác chi rước họa vào nhà, và chúng còn đe dọa nếu không trả tiền,
sẽ giết cả gia đình. Lo sợ đám xã hội đen làm liều, cuối cùng ông bà Hoàng đành
cắn răng ngậm ngùi bán đi căn nhà mà qua bao năm chung sống, vợ chồng ông đã gom
góp dựng xây. Cũng may là ông bà còn giữ lại được miếng đất nhỏ bên cạnh để có
chỗ trú thân. Buồn thì quá buồn, nhưng bù lại sự thay đổi nhanh chóng trong lối
sống của Tâm, đã làm cho gia đình ông Hoàng bớt đi những lo lắng phiền muộn,
đôi lúc ông ngồi tâm sự với bà:
- Thôi thì của nó mất đi, nhưng mình
không mất đứa con là vui rồi phải không bà.
Thật vậy, Tâm đã không còn la cà đầu đường
xó chợ với đám thanh niên lêu lỏng nữa. Cậu ta xin đi làm công cho một gia đình
nọ. Và một điều kỳ lạ là đến ngày cuối tháng, khi lãnh được những đồng tiền
lương, có bao nhiêu Tâm đều dồn và đưa cả cho ba mẹ, không còn tiêu xài hoang
phí như trước nữa. Cầm trên tay những đồng tiền do sự lao công và mồ hôi của
Tâm làm ra, hai ông bà rưng rưng nước mắt thầm cám ơn Chúa đã xót thương đến
gia đình mình.
Thỉnh thoảng tới cơn đói thuốc, thấy nước
dãi từ miệng Tâm chảy ra ướt cả vạt áo trước ngực, tay chân run lẫy bẫy, nói
năng lập bập…nhìn con mình trong cảnh này, ông bà Hoàng muốn rớt nước mắt, đã mấy
lần bà cầm tiền tính chạy ra đầu ngõ mua lấy vài liều thuốc giúp con qua cơn
nghiện, nhưng ông Hoàng vội cản lại:
- Nếu bà thương con thì cầu nguyện cho
nó, chỉ chốc lát là nó sẽ hết thôi, đưa thuốc cho nó lúc này chẳng khác gì giết
nó.
Sự cần mẫn chí thú làm ăn của Tâm, đã
khiến gia đình ông bà chủ nơi Tâm đang làm đem lòng cảm phục, thương mến và tin
tưởng. Họ không ngần ngại giao cho Tâm đi thu gom tiền hàng, lắm khi cầm trong
tay một số tiền lên đến gần bạc tỉ, sự thèm muốn tham lam trong Tâm bỗng trổi dậy:
Ước gì số tiền này là của mình, số tiền mà cả đời mình không bao giờ có được,
hay…Nhưng rồi Tâm cố gắng xua đuổi ý tưởng xấu ấy, vì dù sao họ cũng đối xử quá
tốt với mình. Gia đình họ lại có một người con gái, cô ta cũng đã để ý đến Tâm
và thường tỏ vẻ yêu thương Tâm. Phải nói cô ấy rất đẹp, nhưng là đẹp do son do
phấn. Theo Tâm nghĩ, nếu đem so sánh với Loan thì tuy Loan không đẹp một cách sắc
sảo, nhưng Loan có nét đẹp thùy mị đáng yêu hơn, một nét đẹp trinh nguyên mà bất
cứ ai đã một lần nhìn thấy cũng thầm yêu trộm nhớ.
Sau
những tháng ngày làm công cho gia đình nọ, mặc dù họ có nghe thiên hạ xì xầm về
quá khứ lỗi lầm của Tâm, nhưng nhận thấy sự thay đổi và ý muốn trở thành người
tốt của Tâm, họ sẵn sàng bỏ qua tất cả và ngỏ ý muốn được kết tình thông gia với
gia đình ông Hoàng. Riêng Tâm, đôi lúc nghĩ về những chuyện mình đã gây ra, mặc
cảm tội lỗi đè nặng lên Tâm, do đó Tâm rất ngại ngùng và tự thấy mình không xứng
đáng với sự ưu ái của gia đình ông bà chủ dành cho mình. Nhưng Phượng, tên của
cô gái con ông bà chủ, là vợ của Tâm bây giờ và là mẹ của cháu Chi lên tiếng:
- Đã là con người ai mà không một lần lầm
lỡ, nhưng điều quan trọng nhất là người đó biết ăn năn hối lỗi và quay trở về. Em
thương anh, em muốn cả hai chúng ta cùng nhìn về phía trước và hãy bỏ lại sau
lưng tất cả mọi chuyện đã qua, anh nhé.
Những cử chỉ yêu thương cùng những lời
nói ân tình của Phượng đã giúp Tâm không còn tiếc nuối, không còn sa chân lỡ bước
theo con đường cũ…mặc dù thỉnh thoảng vài đám bạn bè xấu lại kéo tới rủ rê lôi
cuốn.
Đám cưới giữa Tâm và Phượng đã diễn ra
vài tháng sau đó, nhìn đôi vợ chồng trẻ nắm tay nhau bước đi giữa rừng hoa, giữa
những tiếng vỗ tay cười nói chúc mừng…ai cũng khen gia đình ông Hoàng có phúc.
Riêng Tâm, tuy tay trong tay với Phượng, nhưng sao lòng Tâm vẫn nhớ tới Loan,
Tâm ước ao người mà mình nắm tay hôm nay nếu là Loan thì sung sướng biết mấy.
Nhìn vẻ mặt của Tâm có vẻ đăm chiêu và không được vui lắm, Phượng lên tiếng:
- Kìa anh, mau cầm ly lên, bạn bè đang
chúc mừng cho đôi ta đó.
Bé Chi ra đời, niềm hạnh phúc được dâng
cao, nhưng sự lo lắng cho tương lai, cho cuộc sống ngày càng đè nặng lên hai
vai của đôi bạn trẻ. Lúc này công việc ở xưởng cũng ít dần, hàng hóa làm ra ế ẩm
khó tiêu thụ, nguy cơ xưởng phải đóng cửa ngừng hoạt động là chuyện đương nhiên.
Đứng trước tình hình đó, vợ chồng Tâm phải chạy đôn chạy đáo tìm việc làm thêm
bên ngoài. Vốn ít học, nên Tâm không thể xin được những công việc có mức lương
cao và đòi hỏi phải có bằng cấp, do đó Tâm đành mượn tạm chiếc xích lô của ông
Hoàng để chạy khách, vì dạo này ông đã già yếu, không còn đủ sức để sinh nhai nữa.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét