Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

Truyện Dài: Người Hành Khất Trước Cổng Tu Viện - Kỳ 4



 Truyện Dài

NGƯỜI HÀNH KHẤT TRƯỚC CỔNG TU VIỆN
Trần Thế Huy

Kỳ 4





Tảng đá to mà người chủ của căn chòi dùng làm bệ bếp đã như bức tường kiên cố giúp ông Tân thoát khỏi cái chết, tuy nhiên một miếng miểng từ quả đạn pháo bay ra và chém đứt lìa một cánh tay của ông. Ông cố gắng mở mắt nhưng không được, đến lúc này thì ông ngã quỵ khi nhận ra một điều khủng khiếp là nó đã cướp mất đôi mắt của mình rồi. Đau đớn tuyệt vọng nhưng với chút hy vọng sống còn, ông cố hết sức lê lết ra khỏi căn chòi với một cánh tay còn lại.
Biết đã trải qua được cơn thập tử nhất sinh, hai ông cùng ôm chặt lấy nhau mà nước mắt chảy ròng. Giây sau, cố nén cơn xúc động đang làm tê tái cõi lòng, ông Hoàng rút chiếc khăn tay ra thấm ướt rồi lau nhẹ lên mắt bạn mình, đoạn ông xé bớt tay áo đang mặc và băng bó lại bàn tay của ông Tân lúc này đang rỉ máu. Để ông Tân nằm yên tại chỗ, ông chạy vụt ra ngoài nhờ người đi đường hỗ trợ.
Phần Loan tuy đã nói chuyện và nhờ cha con ông Hoàng giúp đỡ, nhưng rồi sau đó vì quá sốt ruột, Loan đã xin phép bề trên và quay trở lên quê nhà để tìm cách đưa cha mẹ tránh xa bom đạn. Thấy không thể để Loan đi một mình vào lúc này, chị Tổng đã điều xe của nhà dòng và cho vài chị em đi cùng với Loan.
Khi xe vừa chạy qua khỏi rừng cao su, trông thấy có đám người đang khiêng một bệnh nhân. Chưa kịp dừng xe hỏi thăm thì Loan nhận ra bác Hoàng đang đứng một mình, lúc này ông Hoàng đang tìm kiếm xe để nhờ cấp cứu cho ông Tân. Qua bộ dạng của ông Hoàng, Loan đoán biết có chuyện chẳng lành xảy ra. Bước vội xuống xe Loan chạy nhanh lại nơi người đang nằm bên đường, cả trời đất như đang quay cuồng trước mặt. Loan ôm lấy ông Tân mà hai hàng nước mắt chảy đầm đìa:
- Ba ơi, ba mau tỉnh lại đi. Con là Loan, con gái của ba đây mà.
Ông Tân phần thì đau đớn, phần thì kiệt sức do máu ra nhiều quá. Ông giơ hai tay quờ quạng như thể muốn ôm lấy con gái mình, nhưng ông không còn nhìn thấy gì nữa…Từ trong đáy mắt của ông những giọt nước mắt hòa lẫn máu chảy ra. Loan thấy vậy gào lên:
- Than ôi mắt của ba tôi làm sao thế này?! Ba ơi, ba mở mắt ra đi…mở mắt ra để nhìn con gái của ba nè
Mọi người và các chị nữ tu đi cùng không ai cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh này.
Sợ để lâu ảnh hưởng tới sức khỏe của ông Tân, mọi người cùng bế ông lên chiếc xe của nhà dòng và chạy xuống miền xuôi. Trên xe ông Hoàng nói với mọi người:
- Chúa thương may sao gặp được xe của nhà dòng, nếu không thì chẳng biết làm sao được, vì lúc này tìm cho ra một chiếc xe là quá khó.
Và đúng như lời ông Hoàng, trên đường đi mọi người trông thấy cảnh một vài người vật vã ôm xác người thân kêu la thảm thiết, cũng chỉ vì họ không được cấp cứu kịp thời. Riêng ông Tân thật là may mắn và kịp lúc, ông đã nhanh chóng được đưa vào phòng cấp cứu, tuy nhiên vì bị mất máu quá nhiều nên trông người ông xanh xao vàng vọt. Lúc này bệnh viện cũng trở nên quá tải vì phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị thương do chiến tranh ở vùng biên giới.
Cô y tá bước ra cửa với dáng điệu hấp tấp vội vàng, Loan đứng bật dậy:
- Thưa cô, cô cần tìm ai?
Cô y tá vẻ khẩn trương:
- Xin mời tất cả người nhà của ông Tân tranh thủ vào xét nghiệm máu để tiếp cho bệnh nhân. Vì chiến cuộc đang diễn biến phức tạp, và do những ngày này có quá nhiều bệnh nhân phải cấp cứu, nên lượng máu dự trữ ở bệnh viện đã hết.
Lần lượt từng người một nhanh chóng được thử máu, ai ai cũng hy vọng máu của mình sẽ được chấp nhận.
Nói về Tâm, sau khi chở bà Hiền về nhà mình, anh ta vội quay lại tìm ba và ông Tân, nhưng khi nghe mọi người bảo là đã chuyển ông Tân vào bệnh viện, nên tức tốc chạy xuống. Vừa vào đến cửa, thấy Loan đang ngồi ở ghế Tâm gật đầu chào Loan, Tâm chưa kịp hỏi thăm Loan thì nghe thấy tiếng ba:
- Bác Tân bị thương và mất máu quá nhiều, con mau mau vào trong phòng xét nghiệm máu để giúp cho bác ấy…vì bệnh viện đang thiếu máu.
Thấy Tâm do dự ông Hoàng nói luôn:
- Nếu ngày ấy không có Loan…thì không biết con còn sống được đến hôm nay nữa hay không?
Nghe ông Hoàng nói vậy Tâm nhíu mày suy nghĩ…không có Loan…con còn sống được đến hôm nay nữa hay không? Ba mình nói vậy nghĩa là sao? Thôi việc này mình sẽ gặp Loan và hỏi cho ra lẽ.
Loan hơi bất ngờ với câu nói của ông Hoàng, chỉ sợ ông ấy nói ra cái điều mà Loan không muốn nhắc tới nữa, mặc dù trong thâm tâm Loan vẫn ước ao có ngày rồi sẽ tìm hiểu cho ra câu chuyện về cái bớt đỏ trên mặt mình, mà hai cha con ông Hoàng đã vài lần đề cập tới. Như để cho Tâm không phải suy nghĩ nhiều về những lời ông vừa nói, Loan lên tiếng:
- À…à không có chuyện gì hết.
Đoạn Loan quay qua nhìn Tâm với ánh mắt khẩn khoản:
- Xin anh thương cứu ba của Loan với. Loan thật cảm động vì bác Hoàng tuy không được khỏe mạnh, nhưng cũng đã san sẻ cho ba của Loan từng giọt máu. Nếu anh có thể…
Loan chưa nói hết câu đã thấy Tâm bước nhanh vào phòng xét nghiệm máu. Vài phút sau đó Tâm bước ra, mọi người nhìn nhau không ai nói với ai một lời nào, nhưng trong lòng mọi người đều cảm thấy vui sướng vì đã làm được một việc tốt đẹp.
- Cám ơn anh Tâm nhiều nhé, gia đình Loan không biết lấy gì mà đền đáp công ơn của bác và anh.
Ông Hoàng thấy cũng vui lây với hai người, ông nói:
- Đâu có đáng gì mà cháu nhắc tới ơn với nghĩa, giờ chỉ còn một việc là chúng ta cùng cầu xin cho mọi sự êm xuôi, mong rằng bác Tân sẽ khỏe nhờ sự hy sinh của chúng ta.
Những giây phút hồi hộp chờ đợi đã qua khi vị bác sỹ mời cả ba người vào trong phòng và cho biết kết quả. Nhìn gương mặt hơi thất vọng của ông, ai nấy đều sốt ruột, ông chậm rãi nói:
- Tôi cám ơn mọi người, nhưng tôi cũng không được vui khi phải nói điều này là máu của ba người đều không cùng nhóm máu với bệnh nhân, không thể truyền cho bệnh nhân được.
Bác sỹ vừa nói hết câu, Loan ôm mặt khóc nức nở:
- Tại sao lại thế này? Ba mẹ ơi, con được hình thành trong lòng mẹ từ những giọt máu của ba và của mẹ, cớ sao con lại không thể…không thể…
 Ông Hoàng vội an ủi:
- Thôi cháu à, còn nước còn tát, chúng ta sẽ tìm mọi cách không thể để cho bác ấy…
Thật đúng như người đời thường nói “ ở hiền thì gặp lành”. Khi ba người vừa bước ra khỏi cửa phòng. Nhìn thấy Loan vừa đi vừa khóc, các Sơ đi cùng cũng cảm động và ứa nước mắt và sau khi biết được đầu đuôi câu chuyện, không riêng gì các Sơ mà ngay cả bác tài xế xe nhà dòng cũng sẵn sàng cho đi những giọt máu quí giá của mình.Trong số các chị nữ tu đi cùng, chỉ có một người thuộc nhóm máu với ông Tân và nhờ những giọt máu của chị nữ tu ấy, ông Tân đã được cứu sống. Các chị nữ tu khác cùng bác tài xế có hơi buồn vì chẳng giúp được gì cho ba của Loan. Bước ra ngoài nơi mọi người đang đứng, cô y tá kể chuyện cho mọi người biết:
- Việc cứu sống bác đây giống như một phép mầu, vì máu của bác thuộc nhóm máu rất hiếm ở nước ta. Và quả thật số của bác ấy thật là may mắn khi vô tình gặp được người giúp đỡ.
Riêng Loan thì vẫn chưa hiểu tại sao mọi chuyện lại có thể xảy ra như vậy được. Loan bèn hỏi cô y tá:
- Phiền cô cho tôi biết rõ thêm được không?
Có lẽ cô y tá đã biết được Loan muốn hỏi gì nên cô ấy nói luôn:
- Nhóm máu của chị, các chị này và bác tài, tuy có khác nhau nhưng cùng nằm trong số hệ thống nhóm máu ABO.
Đưa tay chỉ về chị nữ tu còn lại, cô y tá nói tiếp:
- Riêng chị kia và bác Tân là một trong số những người có loại máu cực hiếm mà tỉ lệ người có nhóm máu này chỉ là 0,04% .
Bác tài xế thấy chuyện này hơi phức tạp nên cũng tò mò muốn biết:
- Loại máu cực hiếm đó tên gì vậy cô?
Cô y tá mỉm cười trêu chọc bác tài xế:
- Ông tài ơi, ra đường ông nhớ chạy cẩn thận nghe…đụng vào mấy người mà có máu như bác Tân hoặc chị kia thì ông toi luôn đó. Loại máu đó có tên là Rh-và tên đầy đủ của nó là Rhesus
Loan như muốn được tỏ tường hơn bèn hỏi tiếp:
- Vậy thì mẹ tôi có thể tiếp máu cho ba tôi được không?
Đến lượt cô y tá quay qua hỏi lại làm Loan đỏ mặt:
- Chắc chị chưa có chồng hả?
Bác tài xế và các chị Sơ cùng cười vang sau câu hỏi đó. Cô y tá liền giải thích thêm về thắc mắc của Loan:
- Chuyện đó thì phải làm xét nghiệm mới biết được chị à, nhiều người cũng lầm tưởng như chị, chứ thật ra đâu phải cứ là vợ chồng thì có cùng nhóm máu. Thôi xin chào bác tài và các chị nhé.
Thấy mọi việc diễn tiến như là phép lạ, một chị nữ tu cất tiếng nói:
- Tạ ơn Chúa đã ban cho chị em chúng con cùng một Người Cha trên Trời và cùng một Người Mẹ dưới đất.
Nhìn mặt ai nấy đều hớn hở tươi cười. Ngoài kia ánh bình minh đẹp rực rỡ như đem đến cho mọi người một ngày mới tốt lành, hạnh phúc…sau một đêm thấp thỏm lo âu và chờ đợi trong hy vọng.

Ông Tân đã dần hồi phục sau thời gian nằm viện. Nhưng tinh thần ông sa sút rất nhiều, chiến tranh đã cướp mất đôi mắt của ông, quanh ông giờ chỉ còn là một màn đêm kéo dài bất tận. Lắm khi thấy ba buồn, Loan luôn miệng an ủi ba:
- Thôi ba hãy vui lên, bên cạnh ba còn có mẹ, có con. Con hứa sẽ là người dẫn đường cho ba đến hết cuộc đời này. Nỗi đau này đâu chỉ riêng ba… mẹ và con cũng đã hết nước mắt rồi. Nhưng khi con ngồi đây với ba, nhìn những nạn nhân bên cạnh, con thấy ba vẫn còn chút may mắn hơn họ. Tuy ba không còn nhìn thấy gì nữa, nhưng bù lại ba vẫn còn bàn tay cho con nắm lấy…còn những người kia, chẳng những họ mất đôi mắt mà ngay cả đôi tay cũng bị đứt lìa, thật tội nghiệp ai sẽ dìu họ đi hết quãng đời còn lại.
Vì bệnh viện cũng ở gần nhà dòng, nên ông Tân thường xuyên được các Sơ ghé vào thăm hỏi, và Loan có điều kiện chăm sóc cho ba nhiều hơn sau những giờ làm việc bổn phận.
Riêng gia đình ông Hoàng, dịp này cũng là cách để họ trả ơn cho ân nhân của mình. Ông bà và Tâm thay nhau chăm sóc cho ông Tân mỗi khi Loan bận việc trong dòng:
- Cháu đừng lo, mọi việc ở đây còn có hai bác và anh Tâm.
Cuộc chiến tranh biên giới đã lắng dịu, nhiều người cũng sớm quay trở về để ổn định lại cuộc sống. Biết được sự nôn nóng và lo lắng của ông bà Tân, ông Hoàng bèn nói:
- Anh chị đừng quá lo, tôi sẽ đi lên đó và sẽ xem coi tình hình thế nào, rồi tôi sẽ báo lại.
Thấy ông Hoàng quá vất vả với gia đình mình từ hôm xảy ra tai nạn đến giờ, ông Tân ái ngại:
- Tôi không sao đâu, tôi có thể đi được mà.
- Anh chị đừng quá câu nệ, từ lâu rồi tôi coi anh chị như là người thân của gia đình tôi. Anh nghỉ ngơi cho khỏe, sáng ngày mai tôi sẽ lên đường sớm.
Sau khi xem xét cẩn thận và theo dõi tình hình chiến sự, thấy mọi việc sẽ không ổn nếu cứ tiếp tục ở đây, một số cư dân địa phương cũng đã thu xếp và trẩy đi phương khác sinh sống. Ông Tân than thở với mọi người:
- Vẫn biết cơ ngơi hôm nay phải trải qua bao năm cực khổ nhọc nhằn vợ chồng tôi mới gầy dựng được, giờ đem bán tháo bán đổ đi ai mà không xót xa, nhưng dù có tiếc đến mấy tôi cũng phải chịu thôi, vì giờ đây mắt tôi đã bị hỏng rồi đâu còn nhìn thấy gì, và đôi tay thì chỉ còn lại một cánh tay, ngay cả ăn uống cũng đã thấy khó khăn rồi còn nói chi đến việc chăm sóc ruộng vườn được nữa.
Cuối cùng ông Tân bàn bạc với ông bà Hoàng, và cậy nhờ họ đứng ra bán hộ nhà cửa ruộng vườn trên đấy. Phần Loan cũng khuyên ba mẹ thu xếp để về dưới đây sinh sống cho gần con cái, bạn bè.

Từ ngày ông bà Tân dọn về ở dưới này, vì ông không tự đi đâu được nữa, nên thỉnh thoảng ông Hoàng cũng ghé qua. Gặp nhau lúc thì chai bia, khi xị rượu, hai ông bạn già khề khà vui vẻ với nhau, làm cho ông Tân cũng bớt đi nhiều buồn tủi. Một ngày nọ ông Hoàng ghé qua trao cho ông bà Tân tấm thiệp mời:
- Tôi đến để mời anh chị.
Ông Tân hỉ hả:
- Ai chớ đám cưới con anh chị thì dù có thế nào tôi cũng phải đi.
Ông Hoàng cười hề hề:
- Anh để tôi nói hết đã, số là Chúa Mẹ thương thằng út nhà tôi sắp sửa được phong chức Linh Mục.
Ông Tân như muốn nhảy chỗm lên:
- Ủa cháu nó đi tu hồi nào mà làm Linh Mục?
Bà Hiền cũng hết sức vui mừng cho gia đình người bạn:
- Vậy là Chúa thương gia đình ông bà rồi. Tôi có lời chúc mừng cho gia đình, cách riêng là ông bà cố nhé.
Nghe bà Hiền nói vậy ông Hoàng vội đáp lời bà:
- Gia đình anh chị cũng đâu có thua kém gì ai, hì…Trước giờ tôi đâu có biết, thôi thì muộn cũng còn hơn không, vợ chồng tôi cũng xin chúc mừng ông bà cố Tân.
Ông Hoàng nói xong, mọi người cùng cười vang, đã lâu lắm hôm nay mới thấy được ngày vui. Ông nói tiếp:
- Hai anh chị nhớ mặc quần áo thật đẹp, đi lễ cầu nguyện cho cháu rồi sau đó là chung vui với gia đình tôi nhé. À chút xíu nữa thì tôi quên mất, tôi cũng sẽ gởi thiệp mời cháu Loan sau.

Loan đang ngồi viết bản dự thảo về đề án xây dựng nhà dưỡng lão cho các cụ già neo đơn thì nghe có tiếng chuông reo. Bước ra cửa Loan thấy chị trực ban đã đứng đấy. Chưa kịp hỏi thì đã thấy chị trực ban tươi cười và trao cho Loan tấm thiệp mời tham dự lễ truyền chức Linh Mục. Với Loan thì điều này hơi bất ngờ vì thực ra từ ngày xuống đây tu học, Loan đâu quen biết ai và cũng không có bạn bè đi tu. Hỏi chị trực ban thì chị ấy cho biết có một người đàn ông trạc tuổi ba của Loan đưa thiệp mời. Loan liền nói với chị ấy:
- Tiếc thật, em không thể đoán được người ấy là ai, thế sao chị không cho gọi em ngay.
Đáp lời Loan, chị trực ban nói:
- Em có nói với ông ấy ngồi chờ để em đi gọi chị, nhưng ông ấy khất vì đang bận. Và ông ấy nói là thôi để hôm lễ sẽ gặp chị.
Vì Loan chưa xem qua tấm thiệp mời, do đó nửa mừng nửa lại hồ nghi, …không lẽ người trong thiệp mời là Bình con bác Hoàng, vì trước kia có lần bác ấy đã nói là chở con đi học ở chủng viện. Nếu đúng như vậy thì Loan chỉ cần hỏi chị Chi là ra ngay, tiếc rằng chị ấy đi công tác ở xa, không biết có về kịp để tham dự ngày vui trọng đại của chú mình hay không.
Rồi cũng đến ngày giáo phận cử hành thánh lễ truyền chức Linh Mục cho các Phó tế. Được phép bề trên, Loan tiến về ngôi Thánh Đường nơi sắp diễn ra những sự kiện quan trọng. Từ xa Loan đã nhận ra cha mẹ của mình, hai người đang đứng bên cạnh ông bà Hoàng cùng với tân chức Linh Mục, cách đó không xa là các con cháu của ông Hoàng. Loan nhận thấy có Chi là người cùng dòng với Loan, người mà Loan cùng các chị em khác đã dạy dỗ hướng dẫn ngay thời thơ ấu, Chi đang đứng cạnh Tâm, và Loan còn thấy có cả Phượng là vợ của Tâm cũng đứng đó. Nhìn vợ chồng con cái họ hạnh phúc vui cười bên nhau. Và cho đến bây giờ những điều mà Loan muốn biết về gia đình thân tộc của Chi mới được sáng tỏ.
 Loan tiến đến trước mặt vị tân chức và chào:
- Kính chào Cha.
- Xin chào Sơ. Cám ơn Sơ nhiều nhé.
Cha Bình lúc này cũng chưa biết người nữ tu vừa chào mình là ai, chỉ đến khi ông Hoàng giới thiệu:
- Chị Loan đây là nữ tu dòng Mến Thánh Giá, con gái của hai bác Tân. Chị là người mà lúc trước ba chạy xích lô đụng phải. Và chị cũng là đại ân nhân của gia đình mình đó.
Cha Bình vẫn nhớ những lần đi học về muộn, sợ Loan ở trong bệnh viện bị đói, nên mẹ nhờ Bình ra tiệm tạp hóa đầu ngõ mua trứng về làm cơm. Quên cả cơn đói, quên luôn cả những giờ học mệt mỏi ở trường, Bình ba chân bốn cẳng chạy thật lẹ để mẹ làm thức ăn cho kịp. Cha mỉm cười bắt tay Loan:
-  Ồ em cứ tưởng là ai xa lạ, hóa ra là chị. Ủa mà chị Loan đi tu hồi nào vậy, sao trước giờ em không nghe ba Hoàng nói gì hết, suýt nữa thì…
Loan mỉm cười:
- Thì đi tu hồi đó đó, hì…Mà Cha nói suýt nữa thì sao?
Cha Bình cười to:
- Suýt nữa thì chị làm dâu của gia đình họ Nguyễn rồi.
Nghe Cha Bình nói Loan trố mắt ngạc nhiên…Loan thầm nghĩ: trước giờ mình có yêu ai đâu mà bảo là sắp sửa làm dâu. Riêng Cha Bình sở dĩ biết được chuyện này là do ông Hoàng có kể lại việc anh của mình là Tâm, đem lòng cảm mến Loan, nhưng không được toại nguyện sau đó buồn chán uống rượu say gây tai nạn và còn bắt ba đi dạm hỏi Loan, ba không nghe do đó anh ấy đã bỏ nhà đi hoang…
Thấy Loan có vẻ ưu tư, Cha Bình nói lãng qua chuyện khác:
- Em cám ơn Chị đã tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho em, và đã bớt chút thì giờ đến chung vui với gia đình.
Loan vui vẻ đáp lời:
- Tạ ơn Chúa đã ban cho Cha ngày hồng phúc hôm nay. Cám ơn Cha và gia đình ông bà Cố đã gởi lời mời con.
Cha Bình tươi cười nói với Loan:
- Này nhé không phải làm Linh Mục là em có quyền cao chức trọng đâu nhé. Em không thích chị gọi em bằng Cha, nếu em còn nghe chị gọi thế thì… “ thôi nhé từ nay vĩnh biệt rồi…”
- Ôi thật diễm phúc mới được làm chị của Linh Mục. Nhưng Cha nhớ là vĩnh biệt tình đời chứ đừng vĩnh biệt tình yêu Giêsu nhé. Cám ơn Cha.
Cha Bình lắc đầu:
- Lại Cha nữa rồi, giáo dân phải vâng lời Cha xứ chứ, hì hì.
Do phải tiếp xúc và mời chào khách đến dự lễ quá nhiều, khiến Cha Bình quên không để ý tới ông bà Tân. Bất chợt nhìn thấy một người đàn ông ngồi trên chiếc xe lăn, Cha Bình lên tiếng hỏi Loan:
- Thế còn người đàn ông ngồi trên xe lăn…?
Loan đỡ lời Cha Bình:
- Đây là ba của…
Không đợi Loan nói hết, Cha Bình ngạc nhiên:
- Đây là ông Tân, ba của chị phải không? Ồ lâu quá em mới gặp lại. Thế bác bị sao mà phải ngồi xe lăn? Và đôi mắt của bác tại sao lại như thế này?
Nắm tay ông bà Tân, Cha Bình nói tiếp:
- Con chào hai bác, con thật có lỗi. Nãy giờ hai bác ngồi đây mà con không biết. Hai bác vẫn khỏe chứ?
Vì trước kia cũng rất ít khi gặp nhau, nên Cha Bình chỉ nghe ba mẹ mình nhắc tới ông bà Tân, ba mẹ của chị Loan, mãi đến hôm nay Cha mới tận mắt nhìn thấy hai ông bà.
Ông Tân giơ bàn tay lên quờ quạng, Cha Bình hiểu ý đưa tay mình ra bắt tay ông ấy. Ông Tân cảm động:
- Cám ơn Cha, hai bác không khỏe nhưng cũng cố gắng đến dự lễ đây. Bác bị miểng đạn bay vào làm hư đôi mắt, tuy không còn nhìn thấy được nữa, nhưng hai bác cũng có lời chúc mừng Cha nhé.
Cha Bình ái ngại:
- Hai bác và chị Loan cứ coi con như là người nhà, khách sáo làm con… mắc cỡ quá.
Nghe Cha Bình nói mọi người cùng cười ồ.
Riêng Tâm thì từ ngày ông Tân bị tai nạn phải nằm viện, Tâm mới biết Loan là nữ tu. Gặp lại nhau trong hoàn cảnh này, nhớ lại những chuyện đã qua Tâm cảm thấy e thẹn, Tâm nói thật nhỏ với Loan như sợ mọi người nghe thấy:
- Sao hồi đó Dì Loan không nói mình là nữ tu đi, để người ta khỏi phải yêu thầm trộm nhớ, rồi buồn tình uống rượu say gây ra tai nạn suýt nữa thì mất mạng.
Loan vẫn không bỏ được cái tính hài hước:
- Mất mạng vì thiếu nữ thì người ta bảo ngu, nhưng mất mạng vì bà Sơ là khôn đấy.
Tâm vẫn chưa hiểu ý Loan nói vậy nghĩa là làm sao, chàng ta vội hỏi:
- Dì Loan hôm nay khó hiểu quá, như thế nào là ngu và tại sao lại là khôn?
Loan không nhịn cười được trước câu hỏi như trẻ thơ của Tâm, Loan nghĩ rằng Tâm cũng ranh ma lắm chứ, thế mà lại không hiểu được câu nói đùa của Loan:
- Này anh Tâm nghe cho kỹ nè…anh mất mạng vì thiếu nữ thì người ta chẳng những không buồn hay khóc thương, ngược lại chỉ ít lâu sau đó người ta đi tìm cái mới thôi…có phải là ngu không, hì hì. Nhưng nếu mất mạng vì bà Sơ, thì các Dì ấy thương tiếc và hối hận lắm vì tuy không phải lỗi do nơi các Dì. Ngược lại các Dì sẽ nhớ và cầu nguyện nhiều cho…thế không phải là khôn à, hì hì.
Hai người cùng cười vang sau câu nói của Loan. Tuy có một điều Tâm vẫn không hiểu khi nghe ông Hoàng vừa nhắc tới đó là…Loan cũng là đại ân nhân của gia đình mình…Loan là đại ân nhân về việc gì? Tâm thắc mắc cũng phải vì Tâm đâu có biết sở dĩ Tâm còn sống khỏe mạnh đến hôm nay chính là nhờ những giọt máu mà Loan đã hiến cho mình.
Sau bữa tiệc đã đến lúc mọi người phải chia tay, Chi tiến đến gần Tâm và nói:
- Lúc này ba đã thấy người mẹ thứ hai của con chưa?
Đoạn Chi quay lại hỏi Loan:
- Lúc này Dì đã biết ba Tâm của con chưa?
Trả lời Chi, Loan nói:
- Ai chớ cái ông này Dì biết từ lâu rồi, hì…

Chiến tranh tạm ngưng rồi lại bùng phát ngày càng khốc liệt hơn, do đó số người bị thương cũng tăng cao, vì thế việc chăm sóc cho họ đòi hỏi cần nhiều người hơn. Đứng trước những nhu cầu đó và được sự chỉ đạo của bề trên, Loan và một số nữ tu phải theo học khóa cấp cứu ngắn hạn để kịp thời phục vụ cho bệnh nhân. Trong thời gian theo học, môn mà Loan thích nhất là xét nghiệm vì tuy hồi trước học ngành kinh tế, nhưng Loan lại rất giỏi về hóa. Những ngày theo học, điều mà Loan để ý nhất là việc truyền máu, qua đó Loan mới dần dà hiểu được những người trong cùng một gia đình huyết tộc phải có cùng một nhóm máu. Nhưng điều làm Loan suy nghĩ nhiều và khó hiểu nhất là tại sao Loan không cùng huyết tộc với Tâm mà lại có thể hiến máu cho nhau được, và rồi tại sao Loan không thể hiến máu cho ba mình được…Loan đã gặp chuyên viên bộ môn này:
- Thưa giáo sư bác sỹ, theo như ông nói là không cùng dòng họ, không cùng dòng máu thì khó có thể tiếp máu cho nhau được, thế nhưng tôi đã có lần hiến máu cho người không cùng ruột thịt.
Vị giáo sư bác sỹ khẳng định:
- Không cùng dòng họ, nhưng nếu cùng nhóm máu thì vẫn có thể truyền máu cho nhau được, nhưng các bước chuẩn bị phải rất cẩn thận.
Vị giáo sư ấy nói tiếp:
-Và nếu không cùng nhóm máu mà truyền cho nhau chẳng khác nào chích thuốc độc vào cơ thể. Vậy thì người mà chị hiến máu chắc chắn phải cùng nhóm máu với chị?
- Vâng, ông nói đúng. Các bác sỹ đã cho tôi biết kết quả.
Đoạn Loan nói tiếp:
- Những chuyện đó chỉ mới là chuyện nhỏ, chuyện mà tôi muốn hỏi ông là khi bố tôi bị thương do mất máu quá nhiều, tôi phải hiến máu mình để cứu mạng cho bố, nhưng sau khi lấy máu và đưa đi xét nghiệm thì kết quả hoàn toàn trái ngược…máu của tôi không có cùng nhóm máu với bố mình và…
Không đợi Loan nói thêm, vị giáo sư bác sỹ hơi bực mình, có lẽ ông ta nghĩ rằng Loan vừa hỏi vừa thách đố ông. Ông liền sẳng giọng:
- Chị nói những chuyện hoàn toàn không đúng với khoa học…Tôi xin lỗi chị, nếu những gì mà chị vừa nói là có thật thì chị không phải là con của ông ấy.
Vị giáo sư bác sỹ đã đúng trong trường hợp này. Nhưng vì Loan chưa biết được sự thật về cuộc đời của mình, do đó Loan vẫn phủ nhận những gì ông ấy nói. Và Loan nhận thấy ông giáo sư bác sỹ này càng nói càng khó nghe. Biết rõ ông ta bực mình vì chuyện này, nhưng Loan vẫn khẳng định:
- Tôi xin lỗi vì đã làm cho ông khó xử, nhưng dù có thế nào đi nữa thì những gì tôi vừa nói với ông là đúng sự thật, chính các y, bác sỹ làm xét nghiệm máu của tôi cũng không ngờ và không hiểu được vì sao lại có chuyện này…và bố tôi hiện vẫn đang sống cùng mẹ.
Dường như không chịu thua cô học trò bướng bỉnh này, ông ta phán một câu như muốn khuất phục người nghe:
- Tôi nói thật, cho dù trời đất này có qua đi, nhưng những lời tôi nói hôm nay một chấm, một phết cũng không thay đổi. (Mt 5,17-37)
 Loan mỉm cười với câu nói mà vị giáo sư bác sỹ cọp-pi trong kinh thánh…Chà ông này thuộc thứ dữ đây vừa giỏi chuyên môn lại vừa am tường Thánh kinh.
Khóa học y rồi cũng kết thúc, Loan cùng các chị em được phân công vào các bệnh viện để phục vụ người bệnh. Qua thời gian này Loan cũng đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm. Và Loan định bụng một ngày gần đây sẽ tìm cho ra sự thật, cũng như giải tỏa được những băn khoăn qua câu nói mà vị giáo sư bác sỹ đã nhấn mạnh với Loan… nếu những gì mà chị vừa nói là có thật thì chị không phải là con của ông ấy.

Chiến tranh biên giới Tây Nam đã kết thúc, nhưng hậu quả nó để lại vô cùng to lớn với biết bao nhiêu gia đình tan nát…vợ mất chồng, con mất cha, anh chị em ly tán nhau, mùa màng vườn tược bị phá tan hoang. Nhìn các trẻ thơ vô tội chưa nếm trải mùi đời đã phải chuốc lấy đau thương tàn tật. Một ý tưởng phải cứu giúp các em chợt lóe lên trong đầu Loan: có lẽ phải thành lập một cơ sở tình thương để nuôi dưỡng các em tàn phế, mồ côi. Và ý định này đã được Loan trình lên bề trên.
Và phải mất vài tháng thì việc xây dựng một trại cô nhi mới được chấp thuận, bao nhiêu khó khăn lần lượt xuất hiện…Nào là kinh phí xây dựng, rồi tiền trang bị vật chất cho cơ sở…và cái khó khăn lớn nhất là làm gì để nuôi các em bây giờ.
Hôm nay Loan được nghỉ phép vài hôm nên vội tranh thủ về nhà thăm ba mẹ. Bà Hiền lúc này tuy có đỡ hơn trước nhưng thỉnh thoảng vẫn phải chịu đựng những cơn đau dữ dội. Ông Tân thì ngồi yên lặng một chỗ vì lúc này hai mắt đã mù rồi, không thể làm gì được. Nhiều lần cám cảnh gia đình, Loan đã tính xin thôi không tiếp tục tu nữa. Nhưng ông bà Tân không đồng ý và để cho Loan không phải bận tâm nhiều về việc chăm sóc, ông bà Tân đã thuê một người giúp việc để giúp đỡ ông bà trong khi Loan vắng nhà.
Trong bữa cơm chiều, thấy ba mẹ vui vẻ Loan cũng đưa việc thành lập cơ sở tình thương ra bàn bạc với ba mẹ, cùng những khó khăn phải đương đầu. Ông bà Tân nghe xong cũng muốn chia sẻ những khó khăn với con mình, ông bà hứa sẽ ủng hộ một phần tài sản của mình để giúp Loan sớm hoàn thành kế hoạch và đạt được kết quả tốt.
Sợ ba mẹ vì công việc chung mà phải bận tâm rồi ảnh hưởng đến sức khỏe. Loan có ý không muốn nhận bất cứ thứ gì của gia đình và muốn ba mẹ dành dụm để về già có tí tiền mà bổ dưỡng. Hiểu được ý của Loan, ông Tân lên tiếng:
- Số ba mẹ không có con.
Nghe ông Tân nói tới đây, bà Hiền vội cướp lời ông:
- Sao ông lại nói vậy? con gái mình đang ngồi trước mặt đây mà không sợ nó chê ông lú lẫn à.
Ông Tân nói như để bào chữa cho mình:
- Bà để yên, tôi chưa nói xong thì bà đã dành nói rồi.
Ông nhìn Loan và nói tiếp:
- Nghĩa là ba mẹ chỉ có mỗi mình con, mà con thì lại đi tu rồi. Thôi cứ coi như phần tài sản của con ba mẹ trích ra làm việc từ thiện được chưa.
Cho dù ông bà Tân có cố gắng chèo chống thế nào, Loan vẫn nghĩ là gia đình mình có điều gì uẩn khúc mà mọi người muốn giấu Loan. Loan thấy rất khó xử trong việc này và nếu bây giờ có gặng hỏi chưa chắc gì ba mẹ đã nói thật. Thấy khó có thể thuyết phục được ba mẹ Loan nói:
- Được rồi, nếu ba mẹ đã muốn vậy thì con cũng không từ chối, để con trình bày việc này xem bề trên định đoạt như thế nào.
Cuối cùng thì cơ sở tình thương cũng đã hoàn tất, và được đặt tên là cơ sở Lòng Chúa Thương Xót. Ngày khánh thành được tổ chức dưới sự bảo trợ của các ân nhân. Bà Hiền tuy hơi mệt nhưng cũng cố gắng đi tham dự, để cho con gái được vui lòng vì công trình này do Loan chịu trách nhiệm chính. Ông Tân lấy cớ mắt mù không thể đi được.
Loan cương quyết:
- Ba không đi được thì con sẽ đưa ba đi.
Nói xong Loan dìu ba lên xe lăn và đẩy tới cơ sở. Sợ Loan vội vàng quên mang mấy phần quà mà ông đã nhờ người mua hộ hôm trước, ông nói với Loan:
- À còn mấy phần quà ba để trong tủ, con nhớ mang theo cho các cụ già và các cháu bé nhé.
Tới nơi ông bảo Loan gọi các cháu bé đến, rồi ông xoa đầu từng đứa một, ôm hôn chúng và phân phát cho mỗi cháu một phần quà gồm kẹo, bánh và sữa. Các cụ già cũng vui vẻ nhận lấy phần của mình. Ai nhìn thấy ông cũng đem lòng thương mến. Các cháu bé vỗ tay reo hò:
- Chúng con cám ơn ông bà già Nô-en.

Để tiếp tục cho đề án xây dựng nhà dưỡng lão được sớm hoàn tất trong năm Lòng Thương Xót Chúa, bề trên lại giao trách nhiệm lớn lao này và động viên Loan cố gắng. Bao nhiêu khó khăn làm Loan lo lắng đến quên cả ăn ngủ, người Loan gầy rạc đi trông thấy. Ông bà Tân gặng hỏi mãi Loan mới trình bày. Và cũng như lần trước vì muốn chia sẻ phần nào những khó khăn mà con mình phải gánh chịu, ông bà Tân một lần nữa lại phải nói khó để bắt buộc Loan phải chấp nhận sự bảo trợ của gia đình.
Ông Tân tười cười nói với Loan:
- Biết đâu mai mốt ba mẹ cũng được ở nhờ nhà dưỡng lão của nhà dòng.
Thấy ba mình nói ra cái điều mà ít người nghĩ tới, Loan cũng băn khoăn …Đúng thế thời buổi bây giờ ngoại trừ những ông bà lão cô đơn, không nơi nương tựa thì mới ở nhờ nơi nhà dưỡng lão, chứ nếu mà con cái còn sống hoặc ăn nên làm ra mà để cha mẹ vào ở trong đó cho khỏi bận tay bận chân, không phải khó chịu khi chăm sóc cho ba mẹ già, hoặc chỉ với suy nghĩ đơn giản là cứ đến tháng vất cho ít tiền là xong…thì tiếng đời nó dị nghị lắm, sống không yên được đâu, mà cho dù người đời không nói, nhưng với lương tâm và bổn phận của con cái đối với đấng sinh thành, đó là điều không thể chấp nhận được. Cho dù việc đó là ý thích của các bô lão. Cái nét chính của nền văn hóa Á Đông khác với Tây Phương là ở chỗ đó. Tuy ba mẹ không nói ra, nhưng Loan chợt hiểu một điều là có lẽ ba mẹ đã nghĩ tới chuyện này từ lâu rồi, vì ba mẹ sợ cô đơn, vì ba mẹ không có con cái không nơi nương nhờ.
Bao nhiêu mồ hôi đổ ra, bao nhiêu lao công vất vả…cuối cùng niềm hy vọng đã được đền đáp bằng nỗi vui mừng khôn tả. Từ đây và mãi mãi nơi này sẽ trở thành mái ấm và là chốn dung thân cho đến cuối đời của các cụ già. Chỉ nghĩ đến những nụ cười tươi nở rộ trên khuôn mặt nhăn nheo móm mém của các cụ là Loan đã thấy trong lòng mình chan chứa một niềm vui.
Hai công trình: một cho các cháu bé và một cho các cụ già như những món quà quý giá dâng lên Thiên Chúa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Nhìn hình ảnh các cụ già và các cháu bé tiến lên dâng lễ vật tạ ơn, ai nấy đều bùi ngùi cảm động và muốn chung tay góp của chia sớt những khó khăn mà các nữ tu phải gánh chịu. Đó là món quà vô giá mà Chúa đã trao ban cho các Sơ, là những môn đệ trung thành và luôn đồng hành với Chúa trong sứ vụ quảng bá lòng thương xót Chúa đến với mọi người.

Lại nói về cô gái bán rau tên là Phúc, người mà trước đây Tâm thường chở đi chợ và hai người cũng đã có thời gian mặn nồng bên nhau. Cô ấy có một người mẹ tên là Hồng, tuổi của bà ấy cũng đã khá cao. Sau khi Phúc mất đi rồi, xót thương cho hoàn cảnh neo đơn của bà cụ, vợ chồng Tâm vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi, an ủi và giúp đỡ cho bà. Bà Hồng chẳng hiểu vì sao mà đôi vợ chồng này lại quan tâm và lo lắng cho mình nhiều quá, và họ cũng đâu phải là bà con ruột thịt thân thích gì với bà. Gặng hỏi Tâm không được bà tìm gặp Phượng vợ của Tâm:
- Bà cám ơn hai cháu đã thương giúp đỡ bà, nhiều khi bà thắc mắc không biết có phải hai cháu là bạn với con Phúc nhà bà không.
Phượng thì tính hay nói thẳng nói thật chẳng cần úp mở:
- Thế trước giờ bà không biết à? Chồng con với cô Phúc con gái bà cặp bồ với nhau.
Bà Hồng như không tin, bà hỏi lại Phượng:
- Ủa thằng Tâm nó là chồng của cháu, nó đã có gia đình sao còn…?
Phượng tưởng bà cụ giả vờ không biết liền nói:
- Cháu cứ nghĩ là bà đã biết rồi, nhưng thôi cháu sẽ nói cho bà nghe…Ấy là khi cô Phúc con gái bà đi bán rau ở chợ, chồng con thường chở đi, lâu ngày lại nảy sinh tình cảm với nhau.
Bà Hồng giật mình, sợ con mình trước cái chết bất ngờ vì tai nạn giao thông có còn điều chi uẩn khúc và vướng mắc không liền hỏi Phượng:
- Thế hai đứa nó có ăn ở với nhau không hả cháu?
Phượng phải công nhận bà Hồng hỏi một câu rất nhạy cảm và rất khó để trả lời, Phượng thở dài:
- Chuyện này khó nói lắm bà ơi. Con thì lo đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về đến nhà, tắm gội cơm nước và giặt giũ xong thì cũng đã gần mười giờ đêm rồi, còn đâu sức lực mà nghĩ tới chuyện này chuyện nọ nữa.
Nghe Phượng nói bà Hồng cứ ngồi lắc đầu:
- Bà chỉ sợ nó chết đi khi trong mình còn mang trọng tội…Thôi để bà hỏi lại chồng con xem nó đã làm gì con Phúc chưa?
Phượng thấy bà Hồng quá sợ và lo lắng bèn nói thêm:
- Chuyện đó thì cháu nói thật với bà là bây giờ nó xảy ra như cơm bữa, ai không khéo giữ thì tổn hại đến thanh danh mình mà thôi. Nhưng thời buổi này liệu có giữ được không khi những thằng lưu manh, thằng sở khanh nó chỉ cần cho một giọt vào ly nước, hay đưa cho một cục kẹo…uống vào, ngậm vào là dâng hết, là cho hết. Bây giờ nếu bà có hỏi chồng con thì chắc gì anh ấy nói cho bà biết, đàn ông mà bà.
Bỗng dưng vào một buổi sáng nọ, Loan thấy Tâm bước vào nhà dưỡng lão, theo sau là một cụ bà chống gậy. Sợ bà cụ bị ngã khi bước lên bậc thềm, Tâm quay lại nắm lấy tay cụ. Loan đứng dậy và chào hỏi Tâm:
- Ô xin chào. Hôm nay anh Tâm không đi làm hả?
- Chào Dì Loan, mấy bữa nay mưa ế ẩm quá.
Quay sang bà cụ Loan hỏi nhỏ:
- Cụ này là gì với anh? Và anh đưa cụ đi đâu vậy?
Nghe Loan hỏi Tâm chưa biết phải nói làm sao…vì nếu nói là mẹ của bạn gái thì sợ Loan cho rằng Tâm có tính lăng nhăng. Và nếu bảo là bà con thân thuộc thì lại mang tiếng nói dối, vì Loan đã biết tỏng gia đình ông Hoàng không có bà con ở trong miền Nam. Tâm ngập ngừng không trả lời Loan và đi luôn vào vấn đề:
- Dì Loan cho Tâm gởi bà cụ.
Vì chưa biết rõ thân thế của bà cụ và cũng chưa nắm rõ được mối quan hệ với Tâm. Loan hỏi lại Tâm:
- Trước khi Loan nhận bà cụ vào trong này, thì ít nhất Loan phải biết rõ hơn về cụ một chút, có gì mà anh phải lo ngại vậy. Không phải là nhà dòng điều tra lý lịch hay làm khó dễ cho ai hết, chẳng qua là vì nếu mà không nắm rõ được thân thế của đối tượng thâu nạp lỡ có bề gì làm sao mà liên lạc được. Anh Tâm vui lòng và thông cảm cho nhé, cám ơn anh.
 Bà Hồng là mẹ của phúc, cô gái bán rau đã mất vì tai nạn giao thông hồi năm ngoái, thấy Tâm cứ ấp a ấp úng. Bà liền nói:
- Cái anh Tâm này trước đây cặp bồ với con gái tôi, nhưng số con gái tôi đoản mệnh, nó bị xe đụng và mất rồi.
Nhắc tới con hai hàng lệ từ trong hốc mắt của bà cụ chảy ra, đưa tay quệt nước mắt bà cụ nói tiếp:
- Tôi chỉ có mỗi một mình nó, thương mẹ nó muốn ở vậy nuôi mẹ và không chịu lấy chồng, mặc dù đã nhiều đám tới dạm hỏi.
Nói tới đó bà cụ Hồng ngồi im sụt sùi khóc. Loan và Tâm cũng thấy chạnh lòng. Loan nói với bà cụ:
- Thế bây giờ cụ gặp chúng con có việc gì? Cụ cứ nói không phải ngại ngùng gì hết.
Bà cụ chậm rãi nói:
- Thì như Dì biết đấy. Con gái chết rồi giờ tôi biết cậy nhờ ai. May mà còn có anh Tâm đây, thỉnh thoảng vợ chồng anh chị ấy ghé thăm cho tôi chút quà. Nếu trong này còn chỗ ở, tôi xin Dì cho tôi được nương nhờ với. Ơn này tôi không bao giờ quên.
Loan nắm lấy tay bà cụ và nói:
- Thôi được rồi, bà cụ cứ việc ở đây với chúng con. Ơn này là do Chúa ban, bà cụ tạ ơn Chúa và nhớ cầu nguyện cho chúng con là đủ rồi.
Quay qua nhìn Tâm, Loan nghiêm mặt lại:
- Anh Tâm đào hoa quá nhỉ…dám trốn vợ con đi trộm tình với cô hàng rau.
Tâm cười ngượng nghịu:
- Qua đường thôi mà, đâu có làm gì…người ta.
Loan nheo mắt:
- Qua đường xong rồi qua đêm mấy hồi. Tội anh to lắm nhé. Hôm nào Loan sẽ méc chị Phượng cho mà coi.
- Giờ có méc, bả cũng đâu có sợ. Vì cô ấy đã về cõi thiên thu rồi.

Một ngày nọ Loan tìm gặp cha Bình và trình bày ý định muốn nhờ Cha làm linh hướng cho các cơ sở vừa thành lập. Tuy Cha rất bận vì phải phụ trách môn triết học cho các thầy đại chủng sinh, nhưng Cha cũng vui vẻ nhận lời. Và thế là từ nay các cụ ngoài của ăn phần xác, không phải lo thiếu thốn lương thực trường sinh nữa, cụ nào đau yếu cần lãnh nhận các bí tích cần thiết sau hết đều được Cha Bình trao ban kịp thời.
Phần các cháu bên trại thì đã có các Sơ dạy dỗ về văn hóa cũng như là giáo lý sống đạo, hàng năm các cháu đều được lãnh nhận các bí tích.

Tuổi cao bà Hiền ngày càng yếu đi thấy rõ, bà ăn uống rất kém và thường xuyên kêu đau ở bụng. Loan xin phép về để đưa mẹ đi khám bệnh, và kết quả sau khi khám làm Loan bủn rủn tay chân, bà Hiền bị ung thư bao tử giai đoạn hai. Ngoài việc chữa trị bằng tây y, Loan cũng cố gắng chạy khắp nơi để tìm thuốc nam cho mẹ uống. Mỗi khi bà Hiền lên cơn đau, nhìn thấy mẹ quằn quại trên giường Loan chỉ biết ngồi khóc. Ông Tân nay mắt đã mù, khi nghe thấy bà rên la trong cơn đau đớn, cũng nước mắt ngắn dài cầm tay vợ xoa bóp ủi an. Biết làm sao bây giờ vì ngay cả đến khoa học cũng phải bó tay với căn bệnh nan y này. Nó xuất phát từ lòng tham của con người, chỉ vì hám chút lợi cỏn con mà giết lần giết mòn cả tuổi già lẫn tuổi thơ. Sợ ba buồn quá rồi sanh ra ốm đau, Loan an ủi ba:
- Ba ơi, giờ chỉ biết phó thác cho Chúa Mẹ và cầu xin cho được bằng an thôi, vì đâu riêng gì mẹ, ngay cả các cháu bé ở trong cơ sở cũng mắc phải bệnh này
 Nghe Loan nói ông Tân cảm thấy bực bội, lần đầu tiên trong đời Loan mới thấy ba mình có những lời lẽ như thế:
- Cái mả mẹ chúng nó, thằng nào rồi cũng chết mà không biết từ bỏ sự gian ác…
Đang nói bỗng dưng ông Tân im lặng như đang suy nghĩ điều gì đó…đoạn ông nói tiếp:
- Ông cứ ngồi đây chống mắt lên, coi lũ súc sinh chúng mày có sống mãi để ôm khư khư những gì chúng mày ăn cướp của người khác được không. Thằng nào ngon dám vỗ ngực rằng tao không bao giờ chết…xưng tên đi.
Nói xong ông Tân ngồi thở dốc, bực quá ông nói vậy chứ mắt ông đã mù còn đâu để mà chống với chọi. Loan nhìn thấy ba quá mệt mỏi vội nói:
- Thôi ba đi nghỉ cho khỏe, giờ ba có nói nhiều thì cũng chẳng giải quyết được gì đâu, quan trạng thì ít mà quan tham thì đầy rẫy.
Ông Tân vẫn chưa hết bực tức:
- Nhìn mấy cháu bé, ba thấy tội nghiệp cho các cháu quá…chúng nó ngây thơ vô tội có làm hại ai đâu mà phải rước lấy bệnh tật nặng nề, do hạng người vì tham tiền tài hám danh vọng gây ra. Thằng nào có ngon vào trung tâm ung bướu thử sờ lên những cái đầu không còn một sợi tóc của các cháu bé mà không động lòng, không cảm thương thì…ba nói thật với con: chúng nó là những con thú đội lốt người.
Ông Tân vẫn không thôi nói, có lẽ lâu lắm rồi hôm nay ông mới trút ra hết những bực dọc, từ sau lần bà Hiền mắc bệnh:
- Như mẹ con đây, bà ấy có làm hại ai bao giờ chưa? Bà ấy có đụng đến một cọng lông chân của thằng nào chưa? Thế mà chúng nó dám cho bà ấy ăn hóa chất, uống hóa chất và ngủ hóa chất…vậy thì con nghĩ sao? Rồi con xem, ba nói không sai đâu, mẹ con cũng sẽ chết vì hóa chất.
Nghe ba nói Loan mỉm cười:
- Ba làm nhà khoa học hồi nào vậy?
Giọng ông Tân chùng xuống:
- Thế con không biết à, bây giờ rau quả, thịt cá, nước giải khát, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em…đều có hóa chất hết.
Loan lại trêu ba:
- Bây giờ con mới nghe từ ngủ hóa chất, ba giải thích đi con không hiểu.
- Vậy con chưa nghe à, bây giờ họ cũng bôi hóa chất vào trong quần áo, chăn mùng, và ngay cả áo…của mấy bà cũng đều có thuốc. Giờ con mới biết thì muộn rồi. Thiệt tình đúng như người ta nói con hiền như ma sơ.
Loan phá lên cười sau câu nói tinh nghịch của ba, nét mặt ông Tân trông cũng vui vui, bớt căng hơn.
Hai cha con đang nói chuyện chợt Loan nghe tiếng mẹ gọi, Loan bước lại gần để xem mẹ cần gì. Bà Hiền nhìn Loan hồi lâu rồi bỗng nhiên Loan thấy nước mắt mẹ chảy ra. Tưởng mình có làm điều chi khiến mẹ buồn, Loan hỏi:
- Mẹ làm sao thế, cớ sao mẹ lại khóc?
Nghe Loan hỏi nước mắt bà Hiền như càng chảy nhiều hơn. Lấy khăn lau mặt cho mẹ xong Loan liền nói:
- Nếu con có làm mẹ buồn, mẹ cho con xin lỗi nhé.
Bà Hiền lắc đầu:
- Không mẹ đâu có buồn con. Mẹ chỉ nghĩ rằng mẹ sẽ không còn ở với ba và con được lâu nữa, nên mẹ…
Không để cho mẹ nói hết, Loan ngắt lời mẹ:
- Sao mẹ lại nói vậy, cả gia đình ta đang sum họp vui vẻ đây mà.
- Không con cứ để yên cho mẹ nói, hôm nay mẹ sẽ nói hết với con, vì mẹ sợ một ngày gần đây mẹ sẽ vĩnh viễn xa ba và con, và con thì vẫn không hay biết gì về cuộc đời của mình cả.
Bà Hiền ngưng lại như để thở, hít một hơi dài bà nói tiếp:
- Ba và mẹ lấy nhau, hôn nhân tưởng chừng hạnh phúc hơn khi mẹ mang thai đứa con đầu lòng. Tuy nhiên hồi đó kinh tế nó không dễ dàng như bây giờ đâu, ba và mẹ vì nhà nghèo nên phải lao động rất vất vả. Ngoài việc phải lo cho những bữa cơm hàng ngày, ba mẹ cũng muốn kiếm thêm chút đỉnh để chuẩn bị cho việc sanh nở. Niềm vui chưa được trọn vẹn thì một ngày kia, khi đang làm cỏ cho đám ruộng vì trơn trượt nên mẹ bị té ngã, cú ngã đã ảnh hưởng tới bào thai mà mẹ không hề hay biết, nói chung hồi đó các dịch vụ y tế đâu có tân tiến và trang bị đầy đủ như bây giờ, nếu có thì đã…Nói tới đây bà Hiền nghẹn ngào nhưng rồi bà nói tiếp:
- Khoảng độ vài tuần sau mẹ thấy ra máu và đau bụng. Đến lúc ba đưa mẹ tới được nhà bà mụ thì mới phát hiện thai đã chết lưu trong bụng được chừng mươi lăm hôm, nếu tính ra thì đúng vào thời điểm mẹ bị té ngã.
- Rồi sau đó mọi việc như thế nào hở mẹ? Loan sốt ruột muốn biết rõ hơn.
Bà Hiền đưa tay chùi nước mắt:
- Mất đi đứa con không khí trong gia đình trở nên buồn bã. Ba cũng chả thiết tha với công việc nữa, chán nản ba con tìm quên trong những ly rượu. Và có lẽ do uống quá nhiều rượu nên quả thận của ba có vấn đề, chạy chữa một thời gian thì bác sỹ cho biết khả năng sinh con của ba mẹ là rất hiếm, nếu không muốn nói là vô sinh. Ba mẹ nghe xong mà thấy lòng buồn rười rượi, chỉ biết nhìn nhau mà khóc. Rồi sau đó trong một lần chạy trốn bom đạn, ba mẹ đã nhìn thấy…
Nói tới đây thì cơn đau bùng phát dữ dội, bà Hiền rên la từng chập một và sau đó bà ngất đi không còn biết gì nữa…để lại cho Loan bao ưu tư nặng trĩu trong lòng.
- Mẹ mẹ ơi, mau tỉnh lại với con, con đang nói chuyện với mẹ mà.
Những ngày sau sợ mẹ buồn rồi cơn đau lại tái phát, nên Loan tuy muốn biết hết những gì mẹ chưa nói. Sau đó Loan có hỏi ông Tân về chuyện này, dường như lúc này ông không muốn cho Loan biết nên ông chỉ nói ầm ừ:
- Sao con cứ bận tâm vậy? chuyện quan trọng nhất là lo lắng cho mẹ kìa. Biết là không thể thuyết phục được ba, Loan định bụng chờ mẹ tỉnh và khỏe hẳn rồi sẽ hỏi thêm.
Bà Hiền nằm mê man bất động gần một tuần mới hồi tỉnh, nhưng càng lúc càng yếu dần, bà không còn thiết tha gì việc ăn uống nữa, lâu lâu sợ mẹ kiệt sức, Loan dỗ dành mẹ uống vài thìa sữa và sự sống của bà kéo dài hầu như chỉ nhờ những chai nước biển. Biết là mẹ khó có thể qua được, thương mẹ Loan khóc rất nhiều, bà Hiền xúc động nắm lấy tay Loan và nói:
- Con tha lỗi cho ba mẹ vì đã dấu con chuyện này, lẽ ra phải cho con biết ngay từ lúc con có trí khôn, nhưng ba mẹ không muốn nó day dứt con. Và hôm nay mẹ muốn cho con biết, Mẹ biết điều này nếu nói ra sẽ làm cho ba mẹ đau lòng lắm vì ba mẹ chỉ sợ mất con, nhưng không nói thì ba mẹ sẽ có lỗi với con rất nhiều…
 Loan gạt nước mắt nói với bà Hiền:
- Ba mẹ không có lỗi gì hết, chắc hẳn ba mẹ còn nhớ chứ, hai tiếng ba mẹ đã xuất hiện trên môi miệng con ngay từ khi con vừa tập nói, rồi ba mẹ nắm tay con, dìu tập con đi từng bước chập chững đầu đời, lo lắng sốt ruột cho con khi trái gió trở trời lên cơn ho, cảm cúm…Tại sao ba mẹ lại sợ mất con? Mẹ nói thế con không hiểu gì cả…Con nói thật không ai có thể chia cắt tình phụ mẫu thiêng liêng này được.Và cho đến ngày hôm nay, con nhận thấy rằng trên đời này không có ai thương con bằng ba mẹ cả.
Nghe Loan nói bà Hiền mở trừng đôi mắt, gắng gượng mãi bà mới nói được những lời sau đây:
- Con phải thật bình tĩnh nghe mẹ nói và con hãy hứa với mẹ là con không buồn, không được khóc nữa nghe chưa.
Loan cố lấy hết can đảm nói với bà Hiền:
- Con hứa với mẹ.
Dường như bà Hiền đã không còn đủ sức nữa, bà cố gắng nói nhanh như sợ rằng sẽ không kịp để nói hết những điều sau đây với Loan:
- Con bị thất lạc từ bé, ba với mẹ chỉ là những người nuôi con. Sau khi mẹ chết con hãy cố gắng tìm cho bằng được cha mẹ ruột của mình… đó cũng là ước nguyện của ba mẹ, đừng để cha mẹ ruột của con vì mất đứa con gái mà sống cũng như chết, thật tội nghiệp. Vì thương con, không muốn con phải sống mà không có cha có mẹ, ba mẹ cũng đã mòn mỏi đi tìm cha mẹ và anh em ruột của con nhưng không thấy, trước khi chết mẹ chỉ hối tiếc mỗi một điều là không được chứng kiến ngày con gặp lại cha mẹ, anh chị em ruột của con và con đang ôm họ vào lòng. Xin Chúa giúp con.
Giơ cánh tay xương xẩu và đang run rẫy, bà chỉ vào ông Tân:
- Mẹ chỉ còn nhờ con…giúp mẹ một việc.
Thấy bà Hiền quá mệt, Loan liền nói:
- Mẹ muốn con giúp mẹ việc gì? Hay là mẹ nằm nghĩ cho khỏe đã, chốc nữa mẹ con mình nói chuyện tiếp.
Bà Hiền lắc nhẹ đầu:
- Mẹ sợ không còn nhiều thời gian nữa. Loan ơi, tuy ba đây không phải là cha ruột của con, nhưng mẹ chết rồi…ai sẽ đỡ đần cho ba? thật tội nghiệp…ba con lại bị mù. Mẹ xin con…con giúp mẹ lo lắng chăm sóc cho ba nhé, mẹ cám ơn con…cầu nguyện cho…mẹ với…Vĩnh biệt ông…vĩnh biệt...con.
Loan ôm chầm lấy bà Hiền khóc nức nở:
- Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con, con không tìm ai hết, con chỉ có ba mẹ mà thôi.
 Ông Tân vẫn ngồi đó nhưng yên lặng không nói gì, vì ông muốn cho bà được ra đi thanh thản sau khi đã giải bày hết mọi chuyện, những câu chuyện mà dù muốn hay không trước sau gì ông bà cũng phải nói cho Loan biết.
Nước mắt ràn rụa Loan quay qua nhìn ông Tân:
- Tại sao ba mẹ phải giấu con? Giá mà ba mẹ cho con biết sớm, thì mẹ không phải bị dày vò. Vì con nghĩ nếu trong cuộc sống mà lúc nào cũng lo lắng buồn phiền thì sẽ rất dễ mang đến nhiều chứng bịnh, thật tội nghiệp cho mẹ, cả đời mẹ chỉ biết lo cho ba và con.

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào: