Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Linh mục Bác sĩ Augustinô Nguyễn Viết Chung


Các bạn mến:
Đọc được câu chuyện này của chị Thanh-Tùng, khóa Sơ Bộ Chuyên Khoa 4 (74-80) (website http://www.y-nha74.net/) đã lâu, nay gởi lên đây để hiểu được câu chuyện của một vị  linh mục đáng kính nể

Cảm ơn chị Thanh-Tùng đả cho phép gởi bài viết của chị lên blog này.

-------------------------------------------------
Chia Chuyên Khoa

Thân tặng linh mục Nguyễn Viết Chung,
các bạn Hoài Tâm, Ngọc Nga, Thanh Thủy, Hồng Trang, và Nguyễn Đình Vân.

"Chia chuyên khoa" vào năm thứ năm đối với một số sinh viên trong lớp chúng tôi là một biến cố to lớn, hay nói đúng hơn là một khủng hoảng. Vào thưở đó, với cái vốn liếng nhỏ bé, với kiến thức hạn hẹp về basic science, người nào bị đưa đẩy vào những chuyên khoa như Sinh Vật, Ký Sinh Trùng Sốt Rét, Sinh Hóa, Đông Y, Tâm Thần…là những người đau khổ nhất. Với cái cảm giác mình bị đẩy xa lìa với lâm sàng, cái khả năng chẩn đoán, biện luận và điều trị bệnh nhân bị giới hạn, chúng tôi thấy như cả một bầu trời sụp đổ. Cái cảm giác đi lùi dần vào cô độc, suốt ngày ngồi trước ống kính hiển vi, loay hoay với những ống nghiệm làm cho biết bao nhiêu người nản chí, thất vọng về tương lai của mình.

Ngày nay, trên đất nước này, nghiên cứu về basic science, về gene là những chân trời mới lạ, sớm nhất, đi trước cả điều trị. Đọc những tìm tòi nghiên cứu mới thấy được nhiều tiến bộ và lý thú hơn là đọc sách giáo khoa, cái mà chỉ vài năm đã trở nên lỗi thời. Nếu chúng tôi biết sớm điều này từ năm 1978 thì cuộc đời chúng tôi có lẽ đã đổi khác.

Một số bạn được chia vào những chuyên khoa như Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Mắt, Tai mũi họng thì coi như cá được nước hoặc được trúng số, đường công danh thênh thang rộng mở. Còn một số người trong chúng tôi bị rớt vào những ngành Anatomy, Đông Y, Ký Sinh Trùng, Sinh Vật…. bắt đầu những chuỗi ngày thất vọng, tiếc nuối và chán chường. Tôi được biết bao nhiêu là tâm sự của những người bạn thân, mỗi tâm sự là một mảnh đời đa dạng mang những đau khổ riêng của nó.

Chung và tôi là những người bị chia vào khoa Ký Sinh Trùng Sốt Rét. Chung là một sinh viên giỏi, chăm chỉ, chịu khó, không bao giờ quản ngại những việc khó khăn. Cái đáng quý nhất trong những đức tánh của Chung là hy sinh cho gia đình, bạn bè, bệnh nhân, quên cả bản thân mình. Chung có mẹ già mà vì một căn bệnh nào đó đã làm mờ đi cả hai mắt. Chung vừa đi học, vừa đảm nhiệm hết mọi việc trong nhà nuôi dạy cả đàn em. Ngày đó Chung rất thích ngành sản khoa. Theo Chung, người đàn bà (điển hình là mẹ của Chung) là người chịu thiệt thòi, chịu đựng mọi đau khổ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Những đêm trực ở bệnh viện sản khoa, Chung tận tụy với bệnh nhân, cố gắng học những kinh nghiệm, đọc nhiều sách, với hy vọng mang kiến thức mình giúp đỡ được nhiều người sẽ làm mẹ.

Mặc dầu bị chia vào Ký Sinh Trùng Sốt Rét, mỗi tối Chung vẫn đi theo bạn đến trực ở bệnh viện Từ Dũ. Còn tôi, mỗi ngày học Ký Sinh Trùng trong phòng thí nghiệm, mỗi tối tôi đi theo Hoài Tâm vào bệnh viện Chợ Quán để học Nhiễm. Cái cuộc sống mang hai thế giới của ngày và đêm, cái tiếc nuối hụt hẩng không được học những gì mình thích đã đem đến biết bao nhiêu trở ngại và đau khổ, chỉ vì mình không chịu chấp nhận sự an bài, và không bao giờ hài lòng với cái mình hiện có. Điều này kéo dài đăng đẳng suốt cả hai năm đến khi ra trường. Chúng tôi ngày đó không có buổi lễ ra trường trang trọng và hãnh diện như các lớp đàn anh.

Ra khỏi trường, tôi xin được đổi đi thật xa thành phố. Tôi chọn thành phố Cà Mau, với mục đích ra khỏi bốn bức tường của phòng thí nghiệm để vào lâm sàng có cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân. Đồng cảnh ngộ, Chung tình nguyện đi làm ở trại cùi Bến Sắn, cũng cùng mục đích được gần gủi và chia xẻ với bệnh nhân, những người đau khổ. Hiếm người muốn ở lại trường để làm Giảng Nghiệm Viên, tiếp tục trở thành giáo sư của trường.

Tôi xuống Cà Mau vào những ngày nước lớn. Bắt đầu trình diện nhiệm sở mới, vào bệnh viện mới nhận việc. Ở thành phố này vào mùa nước lớn thì tất cả nhà cửa ngập nước ngoại trừ chiếc cầu bắt ngang thị trấn. Mỗi ngày đi làm ra vào bệnh viện, phải lội nước lấp xấp, chân tôi bị nước ăn sưng tấy, cứ vài ngày hồi phục rồi vài ngày tái phát. Được vài tháng chịu đựng với cái ẩm ướt lầy lội này, tôi đào ngủ trở về Sài Gòn, biết là mình sẽ không được cấp bằng vì bỏ nhiệm sở. Rời bỏ thành phố này tôi chỉ tiếc nuối những chân tình của bệnh nhân, quang cảnh chợ nổi trên sông và những chuyến đò đầy ắp trái cây từ trong ruộng rẫy.

Về Sài Gòn, làm việc không lãnh lương được vài năm, tôi xin được bổ nhiệm đi một nhiệm sở khác. Lần này nhờ sự giới thiệu của Ngọc Nga, tôi vào làm việc ở bệnh viện Nhi Đồng Nai. Mỗi ngày lên xe đò đi làm việc ở Tam Hiệp, mỗi tối về lại Sài Gòn. Tình cờ một ngày tôi gặp lại Chung trên chuyến xe đi làm ở Đồng Nai, Chung kể lại chuyện sau mấy năm gian khổ ở Bến Sắn. Mấy năm qua đi, lý tưởng và bầu nhiệt huyết phục vụ của Chung đã từ từ nguôi xuống. Với lý tưởng của những ngày còn trên ghế nhà trường, muốn đem hết sức lực tài năng của mình để giúp và chia xẻ với người, Chung đã trải qua nhiều gian nan khổ cực. Ở cái xã hội nhỏ nhoi như trại cùi Bến Sắn, Chung đã chạm trán nhiều với thực tế. Con người ở trong một vũ trụ nhỏ bé cũng mang đầy những tệ trạng, cũng tham lam, hối lộ, ăn chặn ăn bớt của người dân, của bệnh nhân, cũng dẫy đầy cá lớn nuốt cá bé, ma cũ hiếp ma mới, chà đạp lẫn nhau mà sống. Trở về lại bệnh viện Da Liễu, rồi xin làm việc ở Đồng Nai, Chung lúc nào cũng hụt hẩng bởi cái lý tưởng hy sinh cho con người không còn chỗ đứng trong xã hội này. Chung vẫn làm rất nhiều việc thiện nguyện không ăn lương, mặc dầu sống trong tình cảnh nghèo khổ, có lúc phải đạp xích lô để kiếm tiền sinh sống. Lý tưởng tuy là một cái gì không thực tế, nhưng vẫn là một nhu cầu phải sống của Chung, lúc nào cũng giúp người, không oán hận cuộc đời đã bất công với mình. Tôi thì không được như vậy, lúc nào tôi cũng không an phận, không bằng lòng với cái mà định mệnh đã an bài cho mình.

Trong lớp tôi, có rất nhiều người vì không bằng lòng với chuyên khoa bị áp đặt đã bỏ học, hoặc bỏ nhiệm sở sau khi ra trường, hoặc ra đi. Tôi là một trong những người đã ra đi, bắt đầu lại từ đầu, ước mơ mình còn những ngày 20 tuổi, học những gì mình thích, làm những gì mình mong mỏi, quên đi rằng thời gian không còn cho phép mình nữa. Đôi khi nhìn lại quảng đời, thấy mình còn quá may mắn là còn được ước mơ, lý tưởng chưa đến nổi chết đi sau những tháng ngày vất vả. Trong những người bạn của mình có mấy ai được cuộc đời vừa ý?. Đọc những lời thư của Thủy "bao lần năm chìm bảy nổi rồi bây giờ mới ổn định", mới thấy là định mệnh xếp đặt, thấy ngậm ngùi. Đọc những lời của Hồng Trang "tưởng mình chịu nhiều đau khổ", nào ngờ chỉ là một trong những mảnh đời không vừa ý, thấy trái ngang.

Ngày tôi về Sài Gòn, nghe tin là Chung đã vào một dòng tu kín, tu hành xác hơn mười năm rồi. Tôi nghe nói rằng Chung tu rất khổ hạnh, ép mình chịu nhiều giới luật, làm việc bất kể ngày đêm, và rất hạnh phúc vớI lý tưởng mới. Có lẽ nơi đó Chung đã tìm được con đường mà Chung tìm kiếm bao nhiêu năm. Có lẽ nơi đó chỗ đứng của sự hy sinh quên mình được vững vàng nương tựa, không còn bị những tham ô cuộc đời làm vẫn đục, và cơ hội để phục vụ con người đau khổ của Chung không bao giờ sụp đổ nữa. Chung được thụ phong linh mục cách đây vài năm tại Sài Gòn.

Hai mươi sáu năm đã trôi qua, nhìn lại mình xấp xỉ tuổi năm mươi, mình đã làm được gì sau những trôi nổi của cuộc đời, có phải mình đã sai từ lúc mới bắt đầu: "chia chuyên khoa"?

Houston tháng 3, 2004
Bùi thị Thanh-Tùng


Đây là những tấm hình chị Thanh Tùng đã gởi hồi 2010.
Email của cha: augustinchung@gmail.com

Cha Chung và người dân làng Kom Tum- 2009


Cha Chung và người đàn bà cùi - Kom Tum, 2009
Một người bệnh cha Chung đang phục vụ- 2009

Không có nhận xét nào: