Truyện Dài
NGƯỜI HÀNH KHẤT TRƯỚC CỔNG TU VIỆN
Trần Thế Huy
Kỳ 8
Và sau đó Loan, người được xem như là một
chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa vừa từ bên Châu Phi trở về, được đại diện cho
hội dòng đứng lên bày tỏ niềm cảm mến vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho gia
đình, đã dìu dắt nâng đỡ và phải nói là đã thực hiện một kỳ công quá lớn lao
cho gia đình, chuyện đó xảy ra như là một giấc mơ mà thế giới loài người khó có
thể làm được, và rất khó để biến nó thành sự thật được. Tạ ơn Chúa, cám ơn Đức
Cha, các Cha, các tu sỹ và mọi người. Nhưng Loan làm sao mà cám ơn cho đủ với
những nỗi lo toan, vất vả và đau khổ mà cha mẹ hai bên đã chịu đựng suốt mấy chục
năm qua. Loan nói:
- Chỉ còn một người mà con không còn có thể
cám ơn được nữa đó là người mẹ thứ hai của con, người mẹ ấy đã…chết rồi.
Nói tới đây Loan gục mặt khóc khiến cho cả
hội trường nín lặng. Ngưng giây lát Loan cố gắng nén bớt những cảm xúc đang dâng
trào và nói:
- Việc con tìm lại được gia đình mình hôm
nay là ước muốn lớn nhất của mẹ trước khi mất…Những lời mẹ dặn dò trong cơn hấp
hối, là những động lực giúp con trên đường tìm lại gia đình, dù có đôi lúc con
nản lòng và muốn bỏ cuộc. Mẹ ơi…
Loan lại khóc, chị Tổng bước lên an ủi. Và
Loan nói tiếp:
- Mẹ vất vả nuôi con nhưng mẹ nào có kể lể
công ơn, mẹ vẫn mãi đau đáu nỗi niềm riêng của con, con vẫn biết ngày nào con
chưa tìm lại được cha mẹ ruột của con, là con chưa làm thỏa lòng được những người
đã có công dưỡng dục và nuôi con cho đến ngày hôm nay.
Bước lại gần chiếc xe lăn, nơi ông Tân,
người bố nuôi đang ngồi, Loan quì xuống hai tay bám chặt lấy chân ông:
- Con biết dù con có nói ra ngàn lời cám
ơn, cũng không thể nào đủ để sánh với công ơn dưỡng dục của ba của mẹ. Tuy ba mẹ
không sinh ra con, nhưng suốt đời không bao giờ con quên được những gì ba mẹ đã
làm cho con, từ lúc con còn bé ba mẹ đã dắt dìu tập cho con bước từng bước đi,
giơ tay nâng đỡ kẻo con bị té ngã, những ngày trái gió trở trời, hết bàn tay ba
đến bàn tay mẹ xoa bóp cho con, và mong muốn cho con có được chút hơi ấm. Rồi
khi con đã khôn lớn lại lo cho con ăn học, gởi con vào nhà dòng. Và mãi cho đến
tận bây giờ vẫn lo lắng sợ con đi làm việc bác ái xã hội ở nước ngoài quá vất vả
rồi bị ốm đau…Ba ơi, số phận đã dun dủi khiến cho đôi mắt của ba không còn nhìn
thấy ánh sáng. Nhưng ba hãy vui lên, vì ba vẫn còn nhìn thấy con Loan bé bỏng của
ba ngày nào. Ba nghe thấy con nói không?
Ông Tân khóc nhiều khi nghe Loan nói, và
ông giơ cánh tay lên quờ quạng vuốt mái tóc đứa con gái nuôi của mình.
Đức Cha cũng có đôi lời với Loan và mọi
người:
- Nghe qua những lời con nói, Cha rất cảm
động và Cha nghĩ rằng mọi người chung quanh đây ít nhiều cũng đã rơi nước mắt
vì chuyện của con. Như các con thấy đấy: Lòng Thương Xót Chúa kỳ lạ đến nỗi
không một loài thụ tạo nào có thể giải thích được.
Trên tay cầm những bó hoa xinh xắn, Loan dâng
lên Đức Cha vì tuy rất bận với những việc mục vụ của giáo phận, nhưng Ngài cũng
đã đến viếng thăm và dâng lễ tạ ơn Chúa với gia đình. Kế đó Loan cũng bước tới
bên cạnh ông bà cố Hoàng. Sau khi trao hoa và ôm hôn bố mẹ ruột của mình. Kèm
theo đó là những giọt nước mắt, Loan quì xuống và nói:
- Con xin cám ơn ba mẹ đã cho con được làm
người. Con xin chia sẻ những nỗi đau quá lớn mà vì thương nhớ con, ba mẹ đã phải
chịu đựng ngày cũng như đêm suốt hơn bốn mươi năm trường. Và con cũng xin tạ lỗi
với ba mẹ, vì con chưa một ngày nào đền đáp được công ơn sinh thành của ba mẹ.
Sau đó Loan mỉm cười quay sang ông Hoàng:
- Riêng với ba, cho con có lời cám ơn ba rất
nhiều, vì ba đã đụng phải con khi ba đang chạy xe xích lô…
Loan chưa kịp nói hết thì cả hội trường
cùng cười vang. Đoạn Loan nói tiếp:
- Nếu ngày đó ba không gây tai nạn cho
con, thì làm gì có ngày đoàn tụ hôm nay.
Sau đó Loan quay về hướng vợ chồng Tâm
đang đứng:
- Em cám ơn anh đã chăm sóc em, khi em bị
tai nạn nằm ở bệnh viện. Và có một điều mà em phải cám ơn anh nhiều nhất đó là:
anh đã ngừng…thôi không tán tỉnh em nữa…
Cả hội trường lại được thêm một trận cười.
…Thật vậy, nếu mà anh không ngừng tán tỉnh
em và lúc đó chẳng may em bị gục ngã… thì ngày hôm nay phải nói thật là một
ngày khủng khiếp đối với gia đình ta, khi mà ông cố Hoàng là cha của anh và bà
cố Mai là mẹ của em.
Mọi người cùng cười vang sau câu nói vui đùa
của Loan.
Tâm hơi đỏ mặt sau câu nói của Loan, nhưng
rồi Tâm cũng vui vẻ đáp lời:
- Nếu anh không…tán em, thì những ngày sau
đó, sẽ không có những giọt máu của em tiếp sức cho anh, và có lẽ anh sẽ không
bao giờ tỉnh lại nữa. Vì nếu bà sơ Loan mà không có tình cảm với anh thì bả đã
cho anh…đứt bóng rồi. Cám ơn em, Anh còn sống đến hôm nay là do những giọt máu
của bà sơ Loan đã hiến cho anh.
Lần này thì các sơ cười ầm lên, vài người
trong số các sơ nghi ngờ hỏi nhau:
- Anh này có phải là người hành khất trước
cổng tu viện năm nào không?
- Anh này có phải là người thường hay lái
xe chở đồ dùng cho nhà dòng không?
- Hóa ra anh này là anh ruột của chị Loan,
mà mình cứ nghi là…
Và Loan cũng ngỏ lời cám ơn Cha Bình và
các y bác sỹ đã nỗ lực hết mình giúp Loan trong việc tìm ra gia đình bằng các
xét nghiệm về quan hệ huyết thống.
Sau thánh lễ và bữa tiệc tại nhà dòng, Loan
xin phép được ghé qua thăm nhà. Tại đây Loan thấy cũng đã có mặt đầy đủ cha mẹ
hai bên và các anh chị em. Cha Bình có hỏi Loan:
- Nãy giờ mọi người đang tranh cãi là nên
gọi chị bằng tên Loan hay Thư?
- Thế mọi người bảo sao?
Tôn trọng ông Tân là người có công lớn
trong việc nuôi dưỡng Chị Loan, cha Bình xin ý kiến của ông:
- Ông cố thấy thế nào, nên gọi chị ấy tên
nào đây?
Ông Tân trả lời:
- Tôi có sanh nó ra đâu mà được đặt tên. Đối
với tôi tên nào cũng được cả.
Tuy ông nói vậy nhưng Cha Bình không nghĩ
vậy…người ta thường nói công sanh không bằng dưỡng dục. Không có ông bà ấy nuôi
nấng chị Loan có tồn tại đến hôm nay không? Rồi ông bà lại lo cho chị ăn học đến
nơi chốn, và cho đi tu. Vì thế Cha Bình muốn mọi người cứ tiếp tục gọi chị Thư
bằng cái tên quen thuộc mà bấy lâu nay, kể cả ông bà Hoàng, Cha và nhà dòng vẫn
gọi. Cha đáp lời ông cố Tân:
- Tuy ba mẹ con đặt cho chị ấy tên Thư,
nhưng con thấy cái tên Thư ấy nó chia xa gia đình mấy chục năm rồi. Còn tên Loan,
cái tên dễ mến, chính cái tên Loan này đã kéo xích hai gia đình lại gần với
nhau, thân thương và trở nên giống như ruột thịt. Vì thế con muốn mọi người hãy
cứ gọi như cũ, được không ông cố.
Ông Tân mỉm cười:
- Cha đã nói vậy thì tôi còn biết nói thêm
điều gì nữa.
Cụ Thương cũng vui vẻ cười đùa với con
cháu:
- Lâu quá nội cũng quên mất cái tên Thư rồi,
giờ chỉ nhớ mỗi tên Loan thôi.
Mọi
người cười òa khi nghe cụ Thương nói. Thật là một ngày buồn vui lẫn lộn.
- Chúng con kính chào và chúc mừng Dì.
Loan chưa bước chân tới hành lang đã thấy
các em bé ở cơ sở Lòng Chúa Thương Xót chạy ùa ra đón. Đã lâu ngày rồi chúng mới
được gặp lại Loan, và không biết ai đã báo mà các cháu biết Loan có tin vui. Loan
lấy bánh kẹo ra phân phát cho các cháu, nhìn nét mặt đứa nào cũng vui vẻ Loan cảm
thấy ấm lòng, các cháu vẫn đơn sơ và dễ mến. Một bé gái đang ngồi chơi với đám
bạn bỗng dưng đến gần Loan và nói:
- Dì Loan sướng thật vẫn tìm ra được mẹ,
còn con, con đâu có mẹ mà tìm.
Nói xong Loan thấy những giọt nước mắt lăn
dài trên khuôn mặt nó…thật tội nghiệp. Loan kéo cháu lại và ôm nó vào lòng:
- Thế con có nhận Dì làm mẹ không?
Nó gật đầu ra vẻ thích thú.
Sau đó Loan cũng ghé qua thăm các cụ bên
nhà dưỡng lão, nhìn ai nấy đều khỏe là Loan cảm thấy vui rồi. Loan cũng không
quên mang ít quà biếu cho các cụ, các cụ đón nhận rồi cảm ơn và nói:
- Dì đến thăm là chúng tôi vui rồi, còn
mang quà bánh làm chi nữa, các Dì đâu có làm gì ra tiền mà cho.
Bà Hồng mẹ của cô Phúc bán rau cũng sà đến
bên Loan:
- Tôi có lời chúc mừng Dì nhé. Nghĩ lại
cũng may…
Nói tới đó bà Phúc chợt im lặng, khiến cho
Loan phải thắc mắc:
- Bà cụ nói may nghĩa là sao?
Bà cụ Hồng nhoẻn miệng cười:
- Kỳ nọ ai nói tôi quên mất tiêu rồi, họ
nói cái anh Tâm hồi trước lúc Dì nằm viện có tán tỉnh Dì, nhưng Dì không chịu.
Nếu hồi đó mà Dì ưng thì…
Không đợi bà cụ Hồng nói hết lời, Loan nói
với bà:
- Tình yêu giữa hai người khác phái là
tình yêu tự nhiên mà Thiên Chúa đã trao ban. Chuyện anh Tâm, anh không biết rõ cháu
với anh là ruột thịt, thì cái việc anh ấy tán tỉnh cháu đâu có gì sai trái, vả
lại cháu cũng giấu không cho biết mình đang đi tu, nếu hồi đó cháu nói ra thì
có lẽ sự việc cũng sẽ khác đi chứ. Thôi cháu nghĩ mọi sự không qua được bàn tay
xếp đặt của Chúa. Chúa để như thế nhưng rồi Chúa lại không muốn nó xảy ra như
thế, nào ai hiểu được Thánh Ý của Chúa phải không hả cụ Hồng? Thôi cụ nằm nghỉ,
cháu xin phép.
Những
ngày đầy niềm vui và nỗi buồn rồi cũng tạm lắng. Loan bắt tay vào những công việc
mới với tâm trạng thoải mái vui tươi, vì những ưu tư lo lắng và buồn phiền đã
được giải quyết ổn thỏa, chỉ còn mỗi một việc Loan chưa thực hiện được đó là
khuyên bảo ông Tân vào ở trong nhà dưỡng lão.
- Ba ơi, giờ mẹ chết rồi, ở ngoài này đâu
có ai chăm sóc. Ba vào đây ở nhé.
Không biết ông Tân vì lý do gì mà vẫn chưa
muốn vào ở trong nhà dưỡng lão. Loan gặng hỏi mãi, ông ấy cho biết:
- Ba ở ngoài này còn phải tới lui thắp
nhang cho mẹ chứ.
- Nếu ba thích như vậy thì thôi được rồi,
ba dọn vào đây ở và ngày nào con cũng sẽ cho người đi cùng với ba ra thắp nhang
cho mẹ, được chưa?
Dù cho Loan có tìm đủ cách nhưng ông Tân vẫn
cứ ầm ừ, chưa dứt khoát. Ông bà cố Hoàng thấy vậy khuyên Loan:
- Cái tuổi già nó kỳ lắm con ơi, lúc nắng
lúc mưa, rất khó để hiểu được các cụ. Hay là cứ để ông ấy ở đâu tùy thích, đã
có ba mẹ làm bạn với ông rồi.
Loan đáp lời ông Hoàng:
- Mẹ nuôi trước khi chết có trối lại với
con: Loan ơi, tuy ba đây không phải là
cha ruột của con, nhưng mẹ chết rồi…ai sẽ đỡ đần cho ba? thật tội nghiệp ba con
lại bị mù. Mẹ xin con…con giúp mẹ lo lắng chăm sóc cho ba nhé, mẹ cám ơn con …Vì
vậy con muốn đưa bố nuôi vào ở trong này để con có thể dễ dàng chăm sóc hơn.
Bà cố Mai từ ngày gặp lại được con mình
thì như có một phép mầu, bà ít trở bịnh lại và ăn uống ngủ nghỉ khỏe hơn trước.
Loan thấy cũng mừng vì liều thuốc tinh thần đã có hiệu lực rất nhiều, đúng như
dự đoán của chị Tổng và Cha Bình. Nhưng tuổi già lắm lúc chưa mưa đã nắng do đó
cũng không thể chủ quan được.
Hôm nọ ghé nhà chơi, Loan nói với vợ chồng
Tâm:
- Anh Tâm à, ngoài giờ chạy xe, anh chị chịu
khó để mắt tới mẹ dùm em tí nghe.
Tâm lườm lườm Loan:
- Làm như chỉ có mình cô là có mẹ không bằng.
Thế thời gian cô ở Kenya, có nghe cô nói gì về mẹ đâu.
Loan cười:
- Anh có bị chạm không đấy? Lúc đó là mẹ…của
anh, còn bây giờ là mẹ chung rồi, hì hì. Nói chơi với anh chút thôi, ấy là em
chỉ sợ mẹ mình ốm đau thất thường, mà em và cậu Bình lại không có ở nhà thường
xuyên. Thôi chào anh chị nhé.
Đang trên đường từ nhà ông bà cố trở về
nhà dòng, Loan thấy có dăm bảy người dân đang tụ tập và bâu quanh một vật gì,
người thì nhăn mặt, người khác lại lắc đầu…Tò mò Loan dừng xe và đến gần. Loan
hỏi một chị phụ nữ kia:
- Chị ơi, có ai bị làm sao hả?
Chị phụ nữ vẻ bực tức:
- Ối giời ơi! Cứ ăn chơi cho chán rồi đến
lúc đẻ xong, đem vất đứa bé lăn lóc thế kia, Dì vào mà xem có tội nghiệp nó
không?
Nghe chị ấy nói vậy Loan xin phép mọi người
rồi ngồi xuống và bế đứa bé lên. Loan quan sát thấy có vài chú kiến còn sót lại
ở miếng khăn bọc lúc sanh, đưa tay nhặt bỏ chúng ra, thấy đứa bé mặt nhăn nhúm
ngọ nguậy, Loan lấy tay xoa nhẹ người
cho nó, tội nghiệp thằng bé, sau lưng đầy những nốt đỏ do kiến cắn. Thấy nó cứ
run lên từng hồi, nghĩ rằng có thể nó bị lạnh, Loan nhờ người chạy lại tiệm
bách hóa gần đấy mua cho thằng bé cái khăn. May quá chị chủ tiệm thấy lạ cũng
đã chạy ra xem, và chị trao cho Loan cái khăn:
- Dì mau ủ ấm lại cho cháu, tội nghiệp nó.
Ai đời người mẹ nào mà ăn ở thất đức như vậy, không nuôi được thì cho người
khác người ta nuôi, còn nếu xấu hổ mà không muốn để lại thì đem gởi vào trong
cô nhi viện ấy, sao lại vất bỏ nó ngoài đường tội nghiệp.
Loan quay sang hỏi mọi người:
- Ở đây có ai muốn nhận cháu bé này về làm
con nuôi không?
Mãi lúc sau vẫn chưa có người nào đồng ý cả,
Loan nói:
- Giờ không lẽ chúng ta lại để cháu nó nằm
ngoài đường, thôi tạm thời Dì sẽ đưa cháu về ở cơ sở nhà dòng, nếu ai có nhu cầu
hoặc thích nhận cháu thì vào đó liên hệ với Dì nhé.
Chị Tổng vừa từ nhà nguyện trở về thì đã
thấy Loan ngồi chờ mình ở hành lang tự bao giờ, trên tay ôm một bọc gì đó:
- Chào chị Loan, chị có quà gì cho đấy?
Loan mỉm cười:
- Đây em có quà cho chị đây.
Nói xong Loan bế đứa bé đến gần chị Tổng
và kéo chiếc khăn mỏng che mặt nó ra. Chị Tổng giật mình:
- Cháu bé này là…con của ai?
- Dạ em mới nhặt được nó ở ngoài đường,
không có ai dám nhận nuôi nên em bế về đây.
Chị Tổng ghé mắt nhìn đứa bé:
- Ôi chao, thằng nhỏ đẹp thế này mà cha mẹ
nó lại bỏ, tội nghiệp. Thế bây giờ chị Loan tính sao?
- Trước mắt thì em nghĩ cứ để cháu ở tạm lại
đây, biết đâu mai kia có ai nhận nuôi cháu thì sao…còn nếu không thì chúng ta
thay nhau chăm sóc cho nó.
Việc đưa đứa bé về nhà dòng tuy là việc tốt,
nhưng cũng không sao tránh khỏi một vài sự bực mình nho nhỏ:
- Trong này chị em mình đã quá bận rồi, chị
Loan còn rước thêm việc làm chi nữa.
Để cho các chị bớt bức xúc, Loan vừa cười
vừa nói:
- Biết đâu đứa trẻ này khi lớn lên sẽ làm
được nhiều việc phi thường. Và cũng rất có thể Chúa đã gởi cho nhà dòng chúng
ta một vị Giám Mục, Linh Mục hay là một ông tổng thống…
Các chị ấy trêu lại:
- Vậy thì chúng em sẽ viết một thiên tình
sử mà nhân vật chính trong đó là: vị Giám Mục, con nuôi của một bà sơ…được
không?
- Và cuốn truyện ấy sẽ bán chạy nhất thế
giới.
Các chị em cùng cười vang sau câu nói đùa
của Loan.
Có tiếng khóc oe oe của cậu nhỏ, Loan chạy
đi lấy bình sữa cho nó. Thằng bé đã bú xong, mặt nó tươi vui hớn hở, chân tay vẫy
đạp lung tung. Loan gọi các chị:
- Các chị mau lại mà xem nè…vị Giám Mục của
em đẹp như Chúa Hài Đồng.
Loan đặt tên cho thằng nhóc là Hồng Ân, vì
đối với Loan thì bất cứ việc gì Loan cũng đều nghĩ là đo bàn tay Chúa an bài
ban phát. Cậu bé càng lớn càng khôn ngoan và thường hay quấn quít bên Loan và
chị Tổng. Nhiều lúc hai chị em cùng ngồi nói chuyện không biết rồi đây nó sẽ ra
sao…Thôi kệ, cứ nuôi lớn rồi hãy tính.
Hồng Ân ngày càng lớn càng mập mạp, trắng
trẻo, ai nhìn cũng mến cả, cháu rất ngoan và học giỏi. Lúc đầu thì có một số
các chị không thích, nhưng thấy nó đáng yêu quá nên các chị cũng hay tìm kiếm
và chơi đùa với nó, có quà bánh gì ngon các chị cũng hay dành riêng để dỗ dành
cậu bé. Thời gian trôi qua nhanh, nó đã học xong cấp hai và bề ngoài nay đã ra
dáng dấp của một cậu thanh thiếu niên, tuy vậy tính tình nó còn rất trẻ con, đi
học về là cứ quẩn quanh bên Loan và chị Tổng, nó gọi chị Tổng và Loan là mẹ nhất
mẹ hai. Dù sao thì nó cũng đã bước vào lứa tuổi mà người ta thường hay nói là
tuổi mộng mơ, không thể để ở lại trong dòng mãi được, Loan và chị Tổng phải tìm
cách để gởi Hồng Ân đi nơi khác. Lúc đầu nó giẩy nẩy và khóc mất mấy ngày, báo
hại hai chị em phải năn nỉ mãi, nhưng cuối cùng thì cậu bé cũng chịu vào trong
nhà xứ ở với cha Bình, thỉnh thoảng chị Tổng và Loan thay nhau tới thăm, khích
lệ nó. Vào sáng chủ nhật nọ, khi hai chị em vừa tới thăm nó, thì cha Bình tười
cười nói:
- Em không hiểu sao mà chị Tổng lại nhận
chị Loan vào dòng, em thấy chị ấy nuôi con nít mát tay lắm, đáng lẽ phải là…bà
mẹ công giáo mới đúng.
Học hết cấp ba, Hồng Ân lại tiếp tục thi
vào đại học, sự nghiệp đèn sách của Hồng Ân trôi chảy khá tốt đẹp. Thời gian
này đã có nhiều bóng hồng bên ngoài để ý cậu ta, nhưng để tìm cách lân la và
nói chuyện với cậu thì không dễ…Một cô bạn học ngồi cạnh giả vờ:
- Hồng Ân xem giúp mình bài này với, sao
mà khó hiểu quá.
Hồng Ân đủng đỉnh trả lời:
- Chỉ có bạn là khó hiểu chứ còn bài này dễ
hiểu mà.
Cô bạn nghe xong hết ý kiến luôn bèn chuyển
đề tài:
- Hôm qua bà già ở Mỹ về có cho mấy tờ
‘Obama’, Hồng Ân đi ăn kem với mình nhé, mời thật lòng đấy.
Hồng Ân trố mắt:
- Cám ơn bạn nhiều, mình cũng sẽ ăn thật
lòng. Nhưng ăn kem thì phải thưởng thức vị ngon của nó, có chuyện khác xen vào
tớ e rằng mất ngon đấy.
- Thì mình vừa ăn vừa nói chuyện mới vui
chứ?
- Thế người ta đã chẳng bảo à: ăn thì cúi
trốc đẩy nốc thì van làng à.
Cô bạn gái vẫn kiên trì:
- À mình chưa biết nhà cậu, hôm nào rãnh
cho tớ ghé thăm được không?
- Nhà tớ ấy à, vừa nói Hồng Ân vừa đưa tay
chỉ nhà xứ.
Cô bạn gái trố mắt:
- Ấy là nhà xứ mà.
- Và cũng là nhà của tớ, nếu cậu thích thì
vào đấy chơi với tớ.
Cô bạn suy nghĩ rồi quay qua mỉm cười nói
với Hồng Ân:
- Ai đời lại đi vào trong nhà xứ tỏ tình với
cậu, nếu cậu có ưng thì cũng chết với ông Cha xứ…Gặp cậu trên giảng đường, thì
cậu lại bảo là học còn chả có thời giờ nữa nói chi đến những chuyện vu vơ.
Đùng một cái, nhiều chị em tiếc ngẩn tiếc
ngơ khi thấy Hồng Ân từ trong chủng viện bước ra, hỏi thăm thì cậu ta bảo đang
vào đó tìm hiểu. Mấy chị em rù rì nói với Hồng Ân:
- Thời buổi này đi tu quê lắm.
Cu cậu liền trả lời tỉnh queo:
- Thì tớ cũng đâu phải dân thị thành.
Mấy cô bạn gái mấy ngồi xì xầm với nhau:
- Thật
là hết ý kiến. không biết Hồng Ân có bị chạm không? Hay là cậu ta học nhiều quá
đâm ra siêu rồi, hì hì.
Vài năm sau đó, một số bạn không biết là Hồng
Ân đã lưu lạc phương trời nào không ai liên lạc được.
Sau
thánh lễ ban sáng, có một chị nọ dẫn theo một cháu bé vào xin gặp Thầy xứ, chị
ta tính vào mắng vốn Thầy vì đã đánh oan cho con chị. Vừa gặp thấy chị, Hồng Ân
bỗng giật mình:
- Ủa sao tôi trông chị quen vậy? hình như
đã gặp ở đâu rồi thì phải?
Chị
kia cũng tròn xoe đôi mắt:
- Hồng Ân, xin lỗi có phải Thầy tên là Hồng
Ân, trước đã học ở khoa xã hội nhân văn không?
Vẫn cách trả lời hóm hỉnh như ngày nào, Hồng
Ân lên tiếng:
- Ủa sao chị biết tôi mà tôi lại không biết
chị nhỉ? Uổng thật.
Chị kia ra chiều nghĩ ngợi…quái lạ, sao Hồng
Ân lại mau quên vậy? Hay là đang giả vờ? Chị ta chưa kịp trả lời thì đã nghe Hồng
Ân nói tiếp:
- À, có phải chị là ‘cô bé có mái tóc đuôi
gà’ của khóa 12D không?
- Đúng....đúng rồi, tưởng Thầy đã quên hết
rồi chứ.
Hồng Ân mỉm cười hát nho nhỏ: làm sao mà
quên được, người em gái năm xưa. Sao quên được đôi mắt, như ngôi sao trên trời…
Chị kia vỗ tay cười:
- Cứ tưởng…Thầy đi tu là quên hết chuyện đời.
Thằng con chị thấy mẹ mình nói chuyện vui
vẻ với Thầy xứ, tưởng rằng mẹ mình cũng đồng lõa với Thầy, liền quay ra nhùng
nhằng:
- Con đi về đây, con không thèm nói chuyện
với mẹ nữa.
Để tránh cho chị bạn khỏi mất thì giờ, Hồng
Ân đã biết rõ ý định của hai mẹ con liền đi thẳng vào câu chuyện,
- Thằng cu Tý độ rày hư lắm, ít thuộc bài
giáo lý và thường hay nói chuyện trong nhà thờ.
- Cháu nó về nói là bạn kia cù lét con,
con quay xuống mắng nó, Thầy tưởng con nói chuyện và đánh con.
Hồng Ân nhẹ nhàng trả lời:
- Trong nhà thờ con không được ngó ngang
ngó ngửa và quay lên xuống. Lần sau nếu các bạn chọc phá, tan lễ con cho Thầy
biết, thầy sẽ sửa dạy bạn ấy. Nhớ nghe.
Bẵng đi một thời gian, không ai biết Thầy
Hồng Ân đi đâu…bạn bè họp lớp có đến tìm nhưng cũng chẳng có kết quả. Sau khi
mãn khóa triết học, Thầy được chủng viện gởi qua bên Roma để tiếp tục chương
trình thần học. Lấy bằng tiến sỹ thần học xong, Thầy không về nước ngay mà ở lại
tiếp tục theo đuổi thêm một số ngành chuyên môn. Rồi cũng đến ngày Thầy Hồng Ân
được lãnh nhận Thiên chức Linh Mục. Đức Thánh Cha nhân dịp này cũng muốn gặp đấng
sinh thành ra tân chức để cám ơn vì đã có công nuôi dưỡng và cống hiến cho giáo
hội những người con ưu tú.
Và niềm hạnh phúc lớn lao đối với tân Linh
Mục Hồng Ân là Cha Bình, chị Tổng và Loan từ phương xa, những người đã cùng
sánh vai trong cuộc đời của tân chức Hồng Ân, cũng đã có mặt đầy đủ nơi đây để
sẻ chia ngày vui trọng đại với Ngài. Cha Bình, chị Tổng và Loan bước lên theo
yêu cầu của Đức Thánh Cha khiến ai nấy có mặt đều lấy làm lạ. Cha Hồng Ân nói:
- Ai trên đời này sinh ra mà không có mẹ
có cha, có lẽ con…cũng có. Nhưng con không được diễm phúc bú mớm những giòng sữa
ngọt ngào và đầy yêu thương tuôn chảy từ lòng mẹ. Bù lại Thiên Chúa là Đấng đầy
Lòng Thương xót đã ban cho con được trải nghiệm tình yêu ấy qua những người đã
sinh ra con lần thứ hai, những người mà con xin được gọi bằng những tiếng thân
thương là cha là mẹ. Con xin cám ơn hai mẹ đã dám nhặt con lên từ bụi cây bên lề
đường, đã nuôi nấng chăm sóc và những gì con có được ngày hôm nay là do công ơn
to lớn của Cha Bình và của hai mẹ.
Sau chuyến đi Roma để dự lễ truyền chức
Linh mục cho Hồng Ân, chị Tổng mời các chị em trong dòng họp và quyết định
thành lập thêm một cơ sở, dùng làm nơi cho các chị em chưa lập gia đình nhưng
trót lỡ có thai được nghỉ dưỡng trước kỳ sanh nở. Một số chị đưa ra vài ý kiến:
- Nếu đưa việc này vào trong nhà dòng sẽ gặp
nhiều cái phức tạp cho cuộc sống vốn dĩ bình thường của các Sơ, nó có nhiều
chuyện tế nhị rất khó nói ra. Chị Tổng cho biết việc này chị cũng đã suy nghĩ
nhiều, nhưng ý chị là muốn cứu vớt cả người mẹ lẫn đứa bé.
Chị kể lại câu chuyện sau như một gợi ý
giúp chị có suy nghĩ về việc thành lập một mái nhà cơ nhỡ:
- Một buổi sáng nọ, chị đi dự lễ cưới con
của một người bạn thân hồi còn nhỏ, và nhà chị bạn này lại ở gần một công viên.
Trong khi chờ đợi khách mời đến đông đủ, Chị Tổng bước quá ra ngoài một chút và
mon men đến gần công viên để thưởng ngoạn. Chị vừa đến gần chiếc ghế đá ngay lối
ra vào công viên thì trông thấy một cô gái trẻ đang ngồi ôm mặt khóc, và cô ấy
khóc rất nhiều. Cảm động trước sự việc này, chị Tổng bước lại và ngồi xuống
ngay bên cạnh cô gái:
- Này cô ơi, có việc gì buồn sao tôi thấy
cô khóc nhiều vậy?
Thấy
có người an ủi cô gái càng khóc to hơn, chị Tổng đưa tay vỗ nhè nhẹ vào vai cô
gái. Được một lúc cô ấy bỗng dưng nín mặt. Ngước mắt nhìn chị Tổng với đôi mắt
đỏ hoe, cô gái kể lại câu chuyện đời mình cho chị Tổng nghe:
- Tốt nghiệp đại học du lịch xong, trong
thời gian chờ đợi để tìm một công việc thích hợp với sở trường và ngành nghề của
mình, em cùng với mấy đứa bạn cùng lớp thường hay rủ nhau đi chơi. Không biết
các bạn thế nào? Riêng em thì em đã quyết định rằng khi nào có công ăn việc làm
ổn định thì em mới nghĩ tới chuyện gia đình. Một hôm em lang thang trên mạng
thì tình cờ gặp một người thanh niên. Qua trao đổi trò chuyện, em và người
thanh niên ấy kết bạn với nhau. Lúc đầu em cũng chỉ tính quen qua đường, để thỉnh
thoảng lên mạng có người chat chít cho vui thôi, và chúng em cũng chỉ nói chuyện
qua mạng chứ chưa gặp mặt bao giờ. Thời gian quen nhau cũng đã lâu, hết lỡ hẹn
lần này đến lần khác, cuối cùng thì chúng em cũng đã được thực mục sở thị. Nhìn
thấy anh ta lúc nào quần áo cũng được là thẳng thơm tho và chuyên đi các loại
xe tay ga bóng bẩy đắt tiền, đi chơi hoặc ăn uống thường dẫn em vào các tiệm
sang trọng nổi tiếng, em nghĩ mình là người con gái tốt số đã gặp được đại gia.
Anh ta nói với em là hiện anh đang làm phó giám đốc thảo cầm viên này. Quen
nhau được một thời gian và sau khi tình cảm đã chín muồi, anh ta hứa sẽ về ra mắt
ba mẹ và xin cưới em. Thế rồi trong một lần đi dự tiệc sinh nhật của anh ấy, em
đã không ngần ngại trao cho anh món quà bằng thân xác em, và cũng vì quá tin tưởng
anh ấy sẽ cưới mình làm vợ, nên em đã trao hết không còn giữ lại điều gì cả. Và
sau lần sinh nhật thì ‘sự việc ấy’ vẫn còn tiếp diễn nhiều lần, khi hai đứa ở gần
nhau và có dịp đi chơi chung với nhau. Mãi mê ngụp lặn trong bể bơi tình ái, em
không còn đủ tỉnh táo để nhận ra những gì đang chờ đợi em ở phía trước. Khi đã
chán chê trong dục vọng thì cũng chính là lúc em báo tin cho anh ấy rằng em đã có
thai, anh ta giục em đi phá, em không nghe và thế là anh ta cắt đứt quan hệ với
em. Em cố gắng liên lạc và tìm mọi cách
để được gặp anh ấy nhưng đều không
thành, em tìm đến đây và hỏi thăm các nhân viên làm việc ở trong thảo cầm viên,
họ bảo là không ai có tên như vậy làm việc ở đây cả, và đến lúc này em mới biết
mình đã bị lừa. Gia đình em biết chuyện và vì muốn giữ thanh danh cho gia đình,
nên mọi người đã nhiều lần dụ dỗ em phá thai nhưng em không nghe, đe dọa em
cũng không được, cuối cùng tuyên bố là em chỉ được trở về nhà khi đã giải quyết
xong mọi sự.
Quay sang chị Tổng, cô gái nói:
- Chị ơi, chị có cách nào giúp em không? Em
đã hết cách rồi, chắc em chết mất.
Thương cảm cho hoàn cảnh cô gái, và chị Tổng
nghĩ rằng nếu để sự việc kéo dài dẫn đến quẩn trí cô gái sẽ làm nhiều chuyện
không hay, nên chị đã đưa cô gái vào ở tạm trong nhà dưỡng lão.
Sau đó Loan cũng nêu lên một vài suy nghĩ
mà qua thời gian đi công tác ở đất nước Kenya, đã cho Loan nhiều bài học quý
giá. Loan bắt đầu kể lại một câu chuyện…
“ Vào buổi sáng kia, anh bụt đen tới nói với
Loan rằng:
- Dì Loan ơi, ở đằng kia có một gia đình rất
nghèo, nghèo đến nỗi con cái trong nhà chả đứa nào biết lấy đến một chữ. Cuộc sống
lam lũ đầu tắt mặt tối khiến họ chỉ biết lo tìm cái ăn, còn ngoài ra thì mọi
cái đều trở thành vô nghĩa hết. Chính vì họ có quan niệm sai lầm như thế mà nó
kéo theo không biết bao nhiêu chuyện phức tạp. Ông bố thì bị bệnh aids đang nằm
chờ chết, thằng con trai lớn cũng thế…gia đình khốn khổ như vậy mà những người
lao động chính giờ chỉ nằm một chỗ. Và cái dấu ấn kinh khủng mà họ để lại bây
giờ là đứa con gái, đứa em gái phải ngồi ôm con. Con thấy vậy liền hỏi thăm em:
- Thế còn đứa trẻ này thì sao? Con của ai?
Cô gái ấy nói với em:
- Đây là con của ba và của anh.
- Sao lại có chuyện kỳ cục vậy? Thế còn chồng
của em đâu?
- Em nào đã lập gia đình mà có chồng.
Nói tới đây thì cô gái khóc sụt sùi, Anh bụt
đen thấy vậy bèn ngồi xuống an ủi và nghe nó kể tiếp…
…Khi em vừa tròn mười sáu tuổi, cũng có
vài chàng trai trong làng theo đuổi. Lúc đầu thì ba mẹ cũng tính gả em cho người
ta. Nhưng đùng một cái, trong một lần em cùng mẹ đi làm rẫy, bà ấy cuốc nhằm quả
đạn pháo khiến nó phát nổ. Vì mẹ em đứng gần quả đạn và em nhờ có bà che chắn
nên chỉ bị thương nhẹ. Sau khi đưa hai mẹ con vào nhà thương cấp cứu, em thì may
mắn thoát chết, riêng mẹ em vì vết thương quá nặng và mất máu nhiều, nên bà đã
không còn nữa. Ba mẹ em lấy nhau chỉ sinh được có hai anh em, giờ thì mẹ đã chết.
Lúc này ngoài ba em và người anh thì em đâu còn ai để cậy nhờ chăm sóc, đám cưới
của em cũng vì thế bị hoãn lại. Rời khỏi nhà thương em vẫn còn yếu, đi lại cũng
hơi khó khăn. Là con gái, nhưng vì những vết thương chưa lành hẳn, không thể tự
mình xoay sở được nên mọi việc riêng của em đều phải nhờ ba và anh làm giúp, em
rất ngại ngùng nhưng phải chịu thôi. Thời gian sau mọi việc trở lại bình thường,
sức khỏe của em cũng dần khá lên. Nhưng người đàn ông khi trước định kết tóc xe
duyên cùng em giờ đã lập gia đình với người phụ nữ khác rồi. Thấy em buồn, ba
và người anh khuyên em là nếu không lấy chồng thì ở nhà với ba và anh cũng được.
Cho đến một hôm, khí trời nóng bức, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng sấm ì ầm từ xa
vọng về, mọi người chờ đợi sẽ có một cơn mưa hầu làm dịu bớt đi những cái oi ả
khó chịu. Và rồi trời cũng không phụ lòng người, một cơn mưa như trút nước, mưa
lớn và gió mạnh cứ quất ràn rạt khiến không một ai dám bước ra ngoài. Đang ngồi
trên chiếc võng đu đưa chợt em nghe có tiếng ai giống như là tiếng của ba đang
gọi ngoài cửa, em đang suy nghĩ thì nghe thấy tiếng động mạnh ngay trước cửa.
Cánh cửa vừa mở ra, em thấy một người đang nằm run rẫy. Thoạt đầu em không nghĩ
đó là ba mình, xoay lật người ấy lại em mới biết đó là ba mình, hôm nay ông mặc
lên mình chiếc áo chắc là đã mượn của ai đó. Cố gắng dìu ba lên giường, có lẽ
ông ấy quá say nên người chỉ toàn mùi rượu. Em chạy vào trong lấy quần áo ra
cho ba. Lúc này trong nhà cũng chả còn ai ngoài em với ba. Em đang ngần ngại
thì ba kéo tay em lại và nói:
- Con thay đồ cho ba đi, ba lạnh lắm rồi.
Bí thế em bắt đầu cởi từng chiếc khuy áo của
ba ra, em chưa kịp lấy áo mặc cho ba thì đã thấy ông nắm chặt tay em và nói:
- Con cởi quần ba ra, xong lau khô người
cho ba rồi mặc vào sau cũng được.
Lần đầu tiên phải chứng kiến và nhìn rõ cơ
thể của người đàn ông, em run run và quay mặt qua một bên, thẹn chết người đi
được. Bỗng nhiên em thấy ba lôi cánh tay em và đặt bàn tay em vào chỗ kín của
ông, em giật cánh tay mình và lui ra xa chiếc giường nơi ba đang nằm. Lúc này
chẳng những ông ấy không còn run rẫy mà em thấy ông ấy rất khỏe, ông bước xuống
khỏi giường với thân mình trần trùng trục chạy lại bên em và nói:
- Con gái cưng của ba, ba đã sinh ra con
thì ba cũng muốn được thưởng thức những gì ba đã tạo ra.
Nói xong ông cúi xuống và bế em đặt lên
giường, em van xin:
- Ba à, ba không thương mẹ và con sao? Nếu
mẹ còn sống mẹ sẽ nghĩ sao với việc ba làm?
- Thì ba đâu có nói là không thương con,
vì quá thương con nên ba muốn làm như thế với con.
Cánh cửa xịch mở, người anh cả cũng vừa đi
đâu về tới và bước vào nhà. Chuyện xảy ra sờ sờ trước mắt ai bảo rằng anh không
biết, nhưng anh chẳng nói chẳng rằng, lặng lẽ đi vào nhà sau tắm rửa xem như
không có chuyện gì vừa xảy ra trong ngôi nhà này cả. Nào đâu phải ba em chỉ làm
chuyện đó với em một lần mà thôi đâu, ông ấy luôn đòi hỏi em những khi từ bàn
nhậu trở về. Có lúc em cũng thấy tội nghiệp cho ba mình, mẹ chết đã lâu chắc có
lẽ ông ấy nhớ thương và thiếu thốn lắm…Nhưng giờ thì như anh biết đấy, giá em đừng
mềm lòng vì thương ba, có lẽ mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều.
Sau đó thì tới lượt người anh cả, anh ấy bảo
phải chứng kiến ba và em quan hệ nhiều lần, nên anh không chịu nỗi và cũng muốn
em phải chiều anh ấy như vậy, anh ta nói làm như là thương em út lắm không bằng:
- Anh là anh của em, em không cho anh, há
lại đi cho người ngoài sao?
Rồi anh ra chiều giận dữ, không thèm ăn
cơm chung với em và cũng chẳng nói gì nữa. Em nghĩ thôi thì cứ cho anh ấy một lần
cho xong tội, cứ để tình trạng này khó sống ghê. Và hết người cha của em giờ lại
tới người anh, em thấy mình như một món đồ chơi và giải trí cho ba và anh khi họ
buồn.
Anh bụt đen hỏi cô gái:
- Cho anh tò mò chút xíu.
- Được rồi anh đừng ngại.
- Thế bây giờ em có biết là ai đã mang bệnh
aids về cho em?
Cô gái buồn bã trả lời:
- Cái này rất khó anh ạ, vì ngoài em ra chắc
có lẽ ba và anh cũng giao du bên ngoài. Em nghĩ một khi đã uống rượu rồi mấy ai
còn đủ lý trí để mà nhận biết phải trái. Cứ đi quan hệ bừa bãi lung tung thì việc
bị lây nhiễm căn bệnh aids chỉ trong một sớm một chiều mà thôi. Em chỉ nghĩ tội
mấy đứa nhỏ thôi, sanh ra là đã bị mắc bệnh rồi, lại còn không biết ông ngoại
và bác ai là ba ruột của mình nữa chứ. Trong lúc em mang thai, nhiều người
khuyên em nên phá bỏ đi chứ để vậy sanh ra tội nghiệp chúng nó, mấy lần em cũng
tính nghe theo, nhưng sau đó thì em nghĩ lại là, cho dù đứa bé sanh ra rồi ốm
đau bệnh tật mà chết, nhưng nó vẫn thừa hưởng được những ngày êm ấm trong vòng
tay yêu thương của mẹ nó, cũng phải cho nó một chút hạnh phúc giữa cuộc đời
trái ngang này với chứ.
- Vậy em đã sanh được mấy cháu rồi?
- Dạ em chỉ mới được một đứa đang bế đây,
bệnh tật hành hạ nó liên miên, nó yếu lắm và cũng đang oặt ẻo không biết chết
lúc nào. Còn đứa trong bụng thì đã được bảy tháng rồi.
- Riêng em thì em tính sao?
- Biết tính gì bây giờ hả anh, đợi cho ba
và anh chết xong thì chắc cũng tới lượt em thôi. Lúc này căn bệnh đã bắt đầu hủy
hoại thân xác em rồi.
Sau khi nghe xong câu chuyện này Loan
không thể ngờ được ở giữa thế kỷ văn minh ngày hôm nay và không có gì là con
người không làm được…lại còn có thể xảy ra những chuyện như vầy. Loan và anh bụt
đen liền tức tốc đi thăm họ. Bước chân vào căn nhà, nói là nhà chứ thực ra nó
trông giống như một cái chái người ta làm ra chỉ dùng để chứa cày cuốc và các dụng
cụ phục vụ cho nghề nông mà thôi. Loan rùng mình với cảm giác lạnh lẽo đến ghê
người. Trên chiếc chõng tre, người cha đang nằm thở thoi thóp và giương to đôi
mắt nhìn người lạ. Ở góc phía bên kia cạnh nhà bếp, đứa con trai lớn của ông nằm
dài thườn thượt trên chiếc võng, đến ngay cả những chú ruồi muỗi đậu trên mặt,
anh ta cũng chả buồn quơ tay đuổi chúng. Trao quà cho họ Loan chỉ nhận được nơi
họ cái gật đầu như một lời cảm ơn. Loan nghĩ việc mình thăm họ, cũng chỉ là cái
nghĩa cử cao đẹp mà bổn phận thúc giục Loan và nhiều người phải làm. Nhưng điều
mà Loan muốn là làm sao mà thay đổi được cái tư duy trong suy nghĩ, và những hủ
tục trong nếp sống của họ, nếu cứ để như vậy thì theo cái đà này, lục địa đen sẽ
trở thành tâm điểm của đại dịch và khó lòng ngăn chặn được…rất khó để cho Loan
và nhiều người có được câu trả lời trong lúc này.
Chị Tổng nói với các chị em:
- Qua những câu chuyện mà chị em vừa nghe trên
đây, nó đã thôi thúc chị nảy sinh ý định thành lập thêm cơ sở này.
Sau cuộc họp chị Tổng muốn gặp riêng Loan,
Loan không hiểu là có việc gì quan trọng mà chị Tổng bí mật như vậy…Chị Tổng
tươi cười mời Loan ngồi vào ghế và bắt đầu câu chuyện:
- Chị Loan à, Chúa đã yêu thương mình thì
mình cũng phải yêu thương kẻ khác đúng không?
- Vâng ạ.
- Cái khó ở đợt này là mình phải tiếp xúc
với những người mà trong đó gái nhà lành cũng có, mà gái buôn phấn bán son cũng
có, và không khéo trong số đó nhiều người lại bị bệnh truyền nhiễm.
Loan
hỏi lại:
- Ý chị Tổng là sao em chưa hiểu.
Chị Tổng mỉm cười:
- Nhà dòng đang dự tính xây thêm một cơ sở
cho những người vừa đề cập trên đây. Và mọi người đang trông chờ ở chị là người
ít nhiều đã có kinh nghiệm trong việc này, chị thấy sao?
Đối với Loan thì từ trước tới nay Loan đâu
có từ chối bất cứ việc gì, nên Loan chỉ cười và nói với chị Tổng:
- Em không ngại việc gì hết, nhưng em có
suy nghĩ này là mình không thể để người lành ở chung với người bệnh được.
- Chị cám ơn ý kiến của em, và chị sẽ bàn
với chị em sau.
Cha Hồng Ân được nghỉ vài tuần, và cũng đã
lâu do bận rộn công việc, nên Cha hiếm khi có dịp trở về lại Việt Nam để thăm
các vị ân nhân của mình. Lúc này Cha đang phụ trách ở bộ truyền giảng phúc âm
cho các dân tộc, vì thế Cha phải đi mục vụ suốt từ các nước châu Mỹ la tinh đến
lục địa châu Phi và Á châu. Suốt ngày chỉ thấy Cha lang thang trong các khu ổ
chuột, ghé vào các căn nhà tồi tàn để giúp đỡ, để rao truyền về Lòng Thương Xót
Chúa cho lương dân. Và để tưởng thưởng công trạng của Cha, Đức Thánh Cha đã quyết
định bổ nhiệm Cha làm Giám Mục hiệu tòa cho một địa phận ở châu Phi. Ngày Cha Hồng
Ân hân hoan bước lên nhận lãnh thiên chức mới, Cha Bình, chị Tổng và Loan là những
người một lần nữa được diễm phúc có mặt.
Đức Thánh Cha đã hết lòng khen ngợi các việc
Cha Hồng Ân đã làm, các trung tâm truyền giáo ngày càng phát triển, người nghèo
được chăm lo cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Ngài đã gọi Đức Cha Hồng Ân bằng
cái tên gọi rất trìu mến là vị ‘Giám Mục đường phố’. Thật vậy một vị giám mục
được nhặt lên từ đường phố và chỉ sống lang thang mục vụ trên đường phố.
Về thăm lại mẹ nuôi của mình, cùng với những
người đã dìu dắt nâng đỡ Đức Cha qua bao thăng trầm của cuộc đời. Biết rõ ý định
mọi người muốn thành lập thêm ngôi nhà dành cho các chị em cơ nhỡ, Đức Cha Hồng
Ân đã nhiệt liệt hưởng ứng và Ngài đã ủng hộ không chỉ là những món ăn tinh thần
mà lại hết sức chăm lo về mặt vật chất.
- Đức Cha ơi, mẹ Loan muốn lấy tên của Đức
Cha đặt cho ngôi nhà này nhé.
- Nhà tạm lánh Hồng Ân, nghe cũng được đấy
mẹ ạ. Đức Cha vừa cười vừa nói.
Ngày khánh thành nhà tạm lánh Hồng Ân, tuy
chuyến bay có chậm lại một thời gian ngắn do trục trặc kỹ thuật, nhưng cuối
cùng thì Ngài vẫn có mặt. Biết Ngài là vị ân nhân do đó mọi người cùng chào đón
Ngài hết sức nhiệt liệt, cùng những tràng pháo tay râm ran không ngớt. Ngài đã
mở đầu bài giảng rất dí dỏm và ấn tượng:
- Các chị em ở đây có ai biết Đức Cha
không? Làm sao mà biết được phải không? Ngay cả người mẹ đã sinh ra Đức Cha
cũng không biết nữa là…
Các chị em cơ nhỡ nghe nói vậy ai cũng lấy
làm lạ:
- Thưa Đức Cha chúng con không hiểu.
- Các chị em không hiểu là phải, vì ngay từ
lúc mới sinh ra, Đức Cha đã bị mẹ vất bỏ bên lề đường.
Nghe Ngài nói, cả hội trường xôn xao, nhiều
người cứ ngỡ Đức Cha nói vui, nhưng có lẽ Ngài đã hiểu những gì họ đang suy
nghĩ. Đưa tay chỉ vào Loan, Đức Cha nói tiếp:
- Đây… Dì Loan của các chị em đây chính là
mẹ của Cha, chính mẹ Loan đã can đảm cúi xuống bế Cha khi Cha bị vất bỏ ở vệ đường.
Mẹ Loan đâu có sinh ra Cha, Dì Loan của các chị em đâu phải là ruột thịt với
Cha…Thế mà vì lòng thương người, Mẹ Loan đã chăm sóc lo lắng cho Cha còn hơn chính
người mẹ đã sinh ra Cha.
Ngừng giây lát như để nuốt chút nghẹn ngào
vào trong, Đức Cha Hồng Ân nói tiếp:
- Có ai trong các chị em ở đây đã vứt bỏ
con mình không? Tại sao các chị em lại tàn nhẫn như vậy? các chị em còn thua cả
loài hổ dữ…tuy nó là chúa tể sơn lâm và mọi dã thú đều quy phục nó, nhưng nó vẫn
dành một góc nhỏ trong trái tim cho con mình.
Bên dưới hội trường im lặng như tờ, lâu
lâu người ta nghe có tiếng sụt sịt…Đức Cha nói tiếp:
- Cha không dám oán trách các chị em vì những
giây phút sa ngã, vì những tội lỗi mắc phải…Việc này là việc của Chúa, và Chúa
muốn chúng ta sau khi đã rơi vào vòng xoáy tội lỗi, hãy cố gắng vượt qua, hãy
can đảm đứng lên và đừng phạm tội nữa. Cha nói thật với các chị em: Lòng Thương
Xót Chúa còn lớn lao hơn những tội mà các chị em đã phạm (Gr 3,20).
Một chị cơ nhỡ xin phép hỏi một câu làm Đức
Cha giật mình:
- Vậy Đức Cha có oán giận người mẹ đã vứt
bỏ Ngài không?
Đức Cha đủng đỉnh trả lời:
- Tại sao Cha phải oán giận đấng sinh
thành ra Cha. Ba mẹ của Cha cũng là con người, mà đã là con người thì như các
chị em biết đấy rất mỏng dòn và dễ sa ngã. Cha chỉ tiếc là mình không có cơ hội
để gặp và biết được khuôn mặt của cha mẹ mình. Nhưng Cha vẫn hy vọng, vẫn hy vọng…
Chị kia hỏi tiếp:
- Có thể Dì Loan có biết một chút tin tức
về bố mẹ của Cha?
- À với câu hỏi này, Cha chỉ trả lời theo
như những gì đã nghe mẹ Loan nói mà thôi, đó là sau khi nhặt Cha về, có người
ưa thích nhưng cũng có kẻ ghét. Tuy nhiên mẹ Loan đã bất chấp, và vượt qua mọi
chuyện dị nghị để cố gắng nuôi dưỡng Cha. Một vài lần, mẹ Loan nói là có một chị
nào đó trùm kín hết mặt, đến gặp mẹ Loan và nói:
- Dì ơi, con nghe nói nhà dòng mới nhặt được
một em bé. Con muốn hỏi để nhận nuôi cháu…
Rồi người phụ nữ ấy bế đứa bé lên, sau đó
Chị ta len lén hôn lên mặt nó, cử chỉ lấm la lấm lét như sợ mẹ Loan biết. Đứng
bên này mẹ Loan thấy hết mọi động thái của người phụ nữ ấy và thắc mắc: người
phụ nữ này là gì với đứa bé? Sao chị ta lại có cảm tình đặc biệt với đứa bé
này. Được một lúc sau chị ta lấy tay áo quệt nước mắt và xin phép đi về. Mẹ Loan
thấy lạ bèn hỏi:
- Vậy chị tính sao, có nhận cháu bé này về
nuôi không?
Chị kia lắc đầu:
- Con rất thích, nhưng Dì cho con thư thả
vài ngày.
Nhưng sau đó thì mẹ Loan không thấy người ấy
quay lại. Và các chị em có nhận ra điều gì không? đứa bé ấy chính là Đức Cha
đây.
Sau này mẹ Loan nói có gặp người phụ nữ ấy
vài lần, nhưng bà ấy chỉ đứng ngoài cổng nhìn rồi bỏ đi. Và do ngày ngày phải
tiếp xúc với không biết bao nhiêu người phụ nữ nên dần dần mẹ Loan cũng không
còn nhớ tới người đàn bà này nữa.
- Thế bây giờ nếu gặp lại, Cha sẽ phải làm
gì?
- Cha phải quỳ gối xuống và tạ ơn mẹ
mình…Vì nếu mọi chuyện không xảy ra như vậy, thì Cha sẽ không có ngày hôm nay,
đúng không?
Các chị em cơ nhỡ ngồi nghe Đức Cha nói mà
cứ há hốc mồm vì không ngờ cách đối xử đầy nhân ái và bao dung của Đức Cha.
Riêng Loan sau buổi nói chuyện của Giám Mục
Hồng Ân với chị em lầm lỡ này, Loan thấy mọi người trong nhà đã đối xử với nhau
cách tốt hơn, thân thiện hơn.
Vài ngày sau đó một vài chị em tìm đến gặp
Loan, họ tỏ vẻ buồn phiền vì trước khi vào đây đã lỡ dại giết bỏ con mình, họ
xin Loan giúp họ:
- Dì ơi, sao đêm nào nằm ngủ con cũng mơ
và nghe thấy tiếng hét hãi hùng của đứa con của con. Con sợ nó có chuyện gì vội
quàng tay ôm chặt lấy nó…nhưng khi con chợt nhớ ra thì mọi chuyện không phải
như vậy, con của con đã bị con giết bỏ lâu rồi.
Nói xong chị ta ngồi khóc hu hu như một đứa
trẻ, Loan cứ để mặc cho chị ấy ngồi khóc, Loan mong rằng những giọt nước mắt ăn
năn thống hối sẽ giúp chị ta bớt đi được những dày vò trong tâm hồn. Lúc sau thấy
chị ấy đã ngừng khóc, Loan nói với chị ta:
- Này chị ơi. Dì rất hiểu và cảm thương
cho những gì chị đang vướng mắc trong lòng. Nhưng thôi bây giờ nếu chị cứ mãi
buồn rầu cũng sẽ chẳng giải quyết được gì nữa và cũng sẽ không lấy lại được những
gì đã mất. Nay Dì khuyên chị hãy chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa, Thiên Chúa
sẽ tha hết mọi tội cho chị, chị hãy cố gắng lên…Người đang chờ đợi chị để yêu
thương, để tha thứ đấy.
- Tội của con lớn quá, con sợ…
- Chị còn nhớ Thánh Nữ Maria Madalena
không? Dì nghĩ rằng tội của bà ấy còn lớn hơn tội của chị rất nhiều. Nhưng vì bà
ấy đã tin yêu vào Chúa, nên bà ấy đã được tha hết. Dì tin chắc rằng với thiện
chí của chị, Chúa cũng sẽ nói với chị rằng: Tội của con đã được tha, con hãy về
đi và đừng phạm tội nữa.
Và Loan nói thêm:
- Chị có nghe Chúa đã từng nói với Judas
là kẻ bán Chúa như thế này: thà nó đừng sinh ra thì hơn. Và như chị thấy đấy,
Judas tự tử…Một bài học cho kẻ phản bội và một cực hình cho kẻ không biết hối cải.
Việc Chúa làm mình không hiểu nỗi đâu chị ơi, và có những cái mình không thể ngờ
được…chẳng hạn như Dì đây, nếu không bị thất lạc cha mẹ, chưa chắc Dì đã được đứng
ở đây nói chuyện với chị. Gia đình Dì hồi ấy nghèo lắm, chạy ngược chạy xuôi
còn không đủ ăn thì hơi sức đâu mà nghĩ tới chuyện đi tu nữa phải không. Hay
như chị có nghe Đức Cha Hồng Ân nói chuyện không? Nếu cha mẹ Ngài không bỏ rơi
Ngài, rồi nếu Dì không nhặt và đem Ngài về nuôi thử hỏi ngày hôm nay Giáo Hội
có thêm được một vị Mục Tử của người nghèo không? Chị vẫn còn có nhiều cơ hội
mà, chị vẫn có thể lập gia đình và tiếp tục sinh ra cho Giáo Hội nhiều vị Thánh
mà.
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét