Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

VẪN CÒN ĐÓ MỘT MỐI TÌNH: SAO-BIỂN.


VẪN CÒN ĐÓ MỘT MỐI TÌNH: SAO-BIỂN.
 Trần thế Huy 72 

Tôi vẫn còn ngái ngủ tuy rằng vừa mới nhấp xong ly cà phê…sữa mẹ bề trên đưa cho. Sau khi đã kiểm tra xăng nhớt, đèn còi…tôi đề máy xe. À may quá, tí nữa thì quên mất cái khâu quan trọng nhất là xem lại coi mấy cái đèn xi nhan nó còn nhấp nha không; cẩn thận không thừa, nhưng đôi khi cẩn thận cũng thừa đấy anh em ơi, vì…
“ Đã gần 12 giờ đêm, sau khi ngồi uống cà phê với Hưng 72 tại bến Bạch Đằng Sài Gòn, trước khi Hưng chuẩn bị lên đường về lại Mỹ quốc. Tôi và Lê tú Bổ,( người chuyên môn ‘ấp’ trứng cho vợ, mà anh em vừa được thưởng thức hôm hội ngộ SG&PC 2014 vừa qua) chào giã từ Vợ chồng bạn Hưng. Vì đã  biết rõ cái gu của các ngài hay đứng tại ngã tư ‘vồ’ mấy em chuyển hướng trái phải không xi nhan ở Biên Hòa, nên tôi cũng cảnh giác bật đèn lên, qua khỏi ngã tư Tôn đứt Thắng, và ra khỏi lằn ranh của người đi bộ, tôi vội tắt cái kèn báo tín hiệu vì giữa đêm khuya mà nghe nó bíp bíp nhức cả đầu; bỗng đâu trước mặt tôi xuất hiện một đám người vừa từ trong lùm cây bước ra: phải…trái, trái… phải gì cũng mặc kệ, cứ đưa ba trăm nghìn tiền Hồ ra cho quan, không có là bị giữ xe…oan Thị Mầu!”
Tới công viên Chợ Sặt, ngay trước mặt Nhà Thờ Hà Nội, tôi đứng chờ Bác Châu 60 và bác Chinh 69. Không thấy bác Châu, tôi í ới:
- Đi tới đâu rồi Bác?
- Kẹt rồi, đêm thì Bả quấy…giờ thì con nó quấy, nó bắt tớ chở ra bến xe.
Thiệt là tội cho bác í, hết cái cảnh “ sang nhờ dzợ- sướng nhờ con” rồi, tuổi như bác giờ nhiều người đã hiu hiu rồi bác ơi.
Thôi thì tôi và anh chinh 69 phải đi trước vậy, mà khổ nỗi cái ông Chinh nhà này chạy chậm còn hơn rùa, nhìn đồng hồ km, tôi thấy mới có 40, 50 và 60km/h, thế mà ổng bảo là tôi chạy nhanh quá, ổng nhìn đồng hồ xe thấy lên tới 120km/h lận, vậy là ổng teo luôn không dám rồ ga( hổng biết teo cái gì? hahaha), đúng là chiếc xe có cái đồng hồ cổ vô giá. Nhắc tới đồ cổ, kể ra thấy cũng ngồ ngộ, tôi có cái con xe phu-chờ( future) đời đầu, ngồi lên xe thấy cũng sướng thật, bởi vì nhiều em hay nhìn lắm, nhưng anh em biết tôi bực mình vì chuyện gì không; ai đời các em í nhìn tôi xong rồi cười, tôi cứ ngỡ rằng mình đẹp trai đáo để và tôi đang chờ một lời khen từ những đôi môi đỏ chót kia:
- Xe của anh đẹp quá!
Than ôi! Bây giờ tôi mới biết, đồ cổ thì có giá, người cổ thì chỉ có vất đi. Bởi vậy cho nên khi nghe mấy cô bán hàng dạo rao ‘đổi đồ củ lấy đồ mới xài’, tôi chỉ vào bà nhà mình, các cô ấy cứ bỉu môi nguýt dài, hahaha.
Xe chạy đến Bàu Cá, chợt nhớ đến anh Cư 63, tôi và anh Chinh ghé vào:
- Chào ông anh, ủa sao giờ này chưa đi còn ngồi xem tivi?
Không biết anh ấy có triền miên không khi nghe anh nói:                      
- Đi đâu? Tớ đang bị…dịch.
Hú hồn tôi nhìn ngắm dung nhan của anh Cư thật kỹ, thấy da thịt cứ đỏ ửng như bò tái, nổi mụn khắp người.
- Anh bị sida hả?!
- Nói gì ghê vậy, tớ bị dị ứng, chắc là hồi trước ‘nốc’ nhiều quá, cho nên bây giờ mới bị xì.
Thầy thuốc vườn Chinh 69 thì cứ chỉ cây này lá kia, tôi chỉ nói nhỏ cho bác ấy nghe:
- Bác uống chưa đủ nên nó xì, bây giờ uống thêm chắc chắn nó sẽ…bung luôn hihi.

Rồi cũng trải qua được hơn năm chục cây số đường dài, nghe thấy mùi vịt là biết đã sắp đến nhà anh Tư Đ..t 72. Kia rồi, tấm băng rôn Mẹ Sao Biển đã giăng ngang trước cổng, giúp tôi không đi lộn chỗ như mọi khi. Người anh đầu tiên mà tôi gặp là anh Nhị Bói ở Ninh Hòa:
- chào anh, anh phẻ không?
Nhìn kỹ mặt anh Nhị Bói, thấy còn hơi hom hóp, tôi bỏ nhỏ:
- Ủa em tưởng là anh đi bơm má rồi.
Anh Nhị vẫn giọng cười đặc trưng có một không hai kha kha kha. Ờ nhỉ, bơm má lũ trẻ ngon hơn bơm má mình hihi.
Kẻ gần người xa rồi cũng đến đông đủ, thật vui khi biết rằng các Cha Hữu 62, Cha Thái 62 và Cha Hùng 64 tuy bận nhưng cũng đã có mặt với anh em trong ngày hội ngộ thường niên.
V ˜
Đã đến giờ anh em chuẩn bị tới Thánh Đường tham dự Thánh Lễ tạ ơn. Hàng chữ đầu tiên : NHÌN SAO NHỚ MẸ đập vào mắt tôi khi vừa bước chân vào khuôn viên Thánh Đường giáo xứ Bảo-Thị, ngay trên tượng đài Đức Mẹ. Phải nói rằng người đã có ý tưởng viết ra câu này rất hay, với cái nhìn của tôi thì nếu như cứ mỗi lần nhìn ngắm một ngôi sao, tôi lại nhớ đến Người Mẹ trên Trời của tôi…Vậy thì Mẹ, Mẹ ơi! Ước chi nỗi nhớ Mẹ của con cũng được nhiều, nhiều, nhiều và hằng hà đa số như các vì sao trên vũ trụ.
 Gx.Bảo-Thị, một vùng đất thuần nông tọa lạc ở giáo phận Xuân-Lộc, nơi được mệnh danh là đất đỏ miền Đông. Chao ôi vùng đất thật mến người, mùa khô chỉ cần một cơn gió nhẹ, chuyển mùa chỉ cần một cơn mưa phùn nhẹ…là bạn đã mang trên người hàng tá hạt bụi và hàng hàng ký lô đất bazan dẻo quẹo. Có việc tôi phải vào vùng đất này, ai thì tôi không biết, chứ cứ nhìn các thiếu nữ mười tám đôi mươi, đâu cần phải sơn son vẽ phấn làm gì…hai gò mà các em lúc nào cũng ửng đỏ, móng tay móng chân cũng không cần phải trét, tất cả đều được nhuốm lên một màu đỏ( còn những cái khác có đỏ, đen hay không tôi hổng biết à nghen), màu đỏ của quê hương, màu đỏ của tình đất và tình người. Và ngay cả bức tượng Đức Mẹ sừng sững trên cao nơi tượng đài cũng…đỏ. Vị Lm. Chánh xứ tuy ít ra ngoài, chỉ quanh quẩn trong nhà xứ và ngoài Nhà Thờ , mà cái lỗ mũi cũng…đỏ luôn hehe. Phần tôi, khi xong việc trở về nhà, vừa bước chân vào cổng con vàng đã lồng lên inh ỏi, vì nó đâu có nhận ra ông chủ của mình nữa, đứa cháu nội mở to mắt nhìn thật kỹ xem có phải ông mình đó không? Hahaha, ôi đỏ!

Thằng bạn tôi, Lê tú Bổ, tên cúng cơm mà anh em trong lớp 72 vẫn thân thương trìu mến khi nhắc tới: Tư Địt. Nghe tới cái tên này tôi liên tưởng chắc có lẽ nó bị no hơi sình bụng kinh niên…lâu quá quên rồi, tìm hiểu kỹ mới hay cái liên tưởng của mình cũng khá chính xác, vì hồi đó nó mà ‘khạc’ thì chỉ có rafale chớ không bắn tỉa haha. Xin lỗi anh em, đùa chơi tí thôi nhưng là chuyện thật 100%.Anh Tư Địt nghe đâu quê tận Quãng Nôm, trời tối nếu mà nghe các điệp khúc: chi mô, rứa hả…thì biết đích thị là anh Tư chứ không ai khác.
Sau giải phóng tự nhiên hắn bặt tăm khỏi vùng đất Vĩnh Cẩm( Cam Ranh), vài chục năm sau do một sự tình cờ tôi mới biết hắn đã yêu một cô em Bắc kỳ 54 không nhỏ, và cư ngụ ở chốn này. Nghề nghiệp chính là đỡ đẻ cho lũ vịt và soi trứng cho vợ…
- Bổ ơi, mày soi trứng của mày cho thiệt kỹ, tao tính lấy dzìa cho mấy em ở Sài Gòn. Anh bạn Sinh dòi 72 nhắc nhở. 
Rồi sau đó nghe đâu mấy cô chuyên hàng xuất khẩu ở công ty của bạn Hữu Cường 72 khen lấy khen để:
- Trứng của anh Bổ ngon hơn trứng của anh Sinh, hahaha.
Và rồi mấy cô bác sỹ bạn của Phan Hưng 72, làm ở bệnh viện Từ Dũ cũng xuýt xoa:
- Trứng của anh Bổ hết sẩy, chị Bổ khéo lựa ghê, hihi.
Khen trứng của anh Tư nhiều, nhưng không rõ mấy bà bác sỹ ấy có ký hợp đồng trứng anh Bổ, cho bệnh viện phụ sản để giải quyết ba cái dzụ hiếm muộn hay không? Ai muốn biết xin mời bắc thang lên hỏi ông trời dùm, hihi.
 Vậy là Sao Biển nhà mình có nhiều trùm lắm anh em ơi: trùm gà 74, trùm đàn…74, trùm trứng 72 .v.v.
˜   V  
Thánh Lễ tạ ơn được diễn ra trong bầu khí linh thiêng và ấm áp, cùng đồng tế với Cha Thái 62, có Cha Hữu 62 và Cha Hùng 64. Với lời mở đầu NHÌN SAO NHỚ MẸ, Cha Thái đã ôn lại cho anh em những hình ảnh xưa củ khi còn ngồi trong mái trường Chủng viện , nhắc nhở anh em nhiều trong cuộc sống gia đình. NHÌN SAO NHỚ MẸ nhưng cũng nên nhớ tới CÔ BỒ ở nhà, để cuộc sống gia đình luôn trong ấm ngoài êm.


Sau Thánh Lễ tạ ơn do Các Cha Sao Biển đồng tế, chợt nhớ tới bác Châu, tôi bèn đảo mắt kiếm tìm, may quá bác ấy đang đi cùng bác Nhị, bác Hoàng 60.
- Xe tớ bỗng dưng bị hư sửa mất gần hai giờ mà không tìm ra bệnh.
Bác Nhị lên tiếng:
- Có khi nào tại bugi?
Nghe vậy tôi cũng chêm vào:
- Tại sao trước khi đi bác không nói bác gái dũa cái bugi cho.
Anh em nghe thấy thế cười ồ lên, chút xíu nữa thì bác Nhị lăn xuống bậc hè hahaha.
Bóng chiều đã xế, những cái nắm tay thân tình trước giờ chia tay nghe lòng bồi hồi. Các Cha và các anh em rồi cũng lên xe quay về chốn cũ. Bỏ lại…Hẹn mai…Mùi hương sầu riêng ngạt ngào như quyện lấy, như níu kéo những bước chân đi…văng vẳng đâu đây lời ca như nhắc nhở, như thổn thức… “Năm châu bốn bể vẫn là anh em…Ra đi xa vời nhưng lòng chưa xa…sướng vui buồn đau có Mẹ vỗ về.
Đất đỏ Miền Đông Bảo Thị 2014.

                                                                      Trần thế Huy 72 

Không có nhận xét nào: