HỒNG ÂN DIỆU VỢI
Bảo Lê 72
Bảo Lê 72
Nhân cố Điệp viết đến phần Giáo xứ Song Mỹ, Bảo xin bắt chước anh Ngôn 70 “nói leo” một chút; tựa như anh Ngôn “tức cảnh sinh tình” khi cố Điệp viết đến đoạn về giáo xứ Khiết Tâm, về chuyện anh em linh tông… Cái “nói leo” thật dễ thương khi nhận ra một phần đời của mình trong chuyện đời của anh em…
Bảo có lần giới thiệu sơ về giáo xứ Song Mỹ qua bài viết “Ngày hôm qua” đã được đăng trên TTSB 2009, một giáo xứ thật dễ thương và thấm đẫm tình người đến nỗi đã mấy lần Bảo muốn dứt áo ra đi mà không được! Tháng 8 năm 1979, để tránh chính sách Kinh Tế Mới bắt buộc, song thân của Tuấn – Bảo đã quyết định bán nhà ở Nha Trang lên Song Mỹ sinh sống, như một hình thức Kinh Tế Mới tự túc… Lúc ấy, Bảo cũng có lúc thầm trách bố mẹ quyết định vội vã để con cái đánh mất nhiều cơ hội, vì sau này vài năm về lại Nha Trang thì bạn bè đã “vượt biển” hết, còn hai anh em Tuấn – Bảo vẫn còn vật lộn với cái cuốc, cái cày…
Thế nhưng, sau bao nhiêu thăng trầm, Bảo mới nghiệm ra tất cả đều là Hồng Ân, là Thánh Ý… Bởi mọi việc đến với đời Bảo đều nhiệm mầu như lời kinh Magnificat: “Chúa đã làm cho tôi những điều kỳ diệu…” Giờ đây, Bảo cảm thấy hãnh diện và tự hào với từng ngày sống của mình, không phải vì những gì mình làm được mà vì mình đã từng được sống, được học hỏi, được cộng tác với những con người tuyệt vời: những người đã góp phần làm nên nhân cách của Bảo ngày hôm nay! Cái nhân cách mà – đối với một số người – nó không đáng 2 xu, nhưng Bảo nâng niu và trân trọng nó như đã nâng niu yêu mến chiếc xe đạp trành thời bao cấp, cho dù mọi người có rẻ rúng chê bai; đó vẫn là “món quà” mà những con người tuyệt vời kia trao tặng cho Bảo, dù vô tình hay hữu ý.
Bảo không có khả năng viết trường thiên TÔI ĐI TU như cố Điệp, nên xin ăn ké theo đây như một kẻ quá giang vậy! Vả lại, nếu đặt tựa đề thì phải là TÔI XUẤT TU mới hợp lý!...
Sau Mậu Thân, gia đình Bảo chuyển từ Quy Nhơn vào Nha Trang, để sau này Bảo trở thành một tiểu chủng sinh Sao Biển: đó cũng là một hồng ân. Được là học trò của bố Sùng, bố Láng, bố Tạc.v.v… cũng là một hồng ân! Hè về được tụ quân dưới trướng anh Thư (Ns. Phương Anh) và anh Vinh (cha Vinh 61) cũng là một hồng ân. Được bắt chước hát AVT với anh Minh cời 66, được tập đánh đờn harmonium với anh Tâm 70 cũng là một hồng ân…
Sau 75, với bao nhiêu biến động, nhà anh Vinh là nơi Bảo thường lui tới để tìm chút bình an… Bởi nhà anh Vinh có mấy người em gái đều tham gia giáo lý viên với Bảo ở giáo xứ Vĩnh Phước, nhà Bảo lại toàn anh em trai, nên chi… cũng nằm trong quy luật Âm Dương cả thôi! Sau này, Bảo được biết anh Vinh cũng thuộc hàng ưu tú, nhất là môn La tinh; nhưng hồi đó trông anh chẳng có vẻ gì thông thái, anh có mấy biệt danh cũng không lấy gì làm trí thức như: Vinh đỏ, Vinh bò… Bảo không hiểu tại sao lại là Vinh đỏ, nhưng Vinh bò là vì khi các Thầy về TCV Sao Biển sau biến cố 75, anh Vinh lãnh trách nhiệm chăn mấy con bò trong khuôn viên TCV. Để hội nhập cuộc sống “cơm áo gạo tiền” sau 75, anh là mẫu gương rất sống động đối với Bảo, anh không từ bất cứ việc gì đến tay anh, từ bán cà rem cho đến đạp ba gác hay chăn bò… Có lẽ cho đến giờ phút này, anh vẫn không ngờ rằng nhờ anh mà những yếm thế kiểu “Vũ Hoàng Chương” trong Bảo dần dần tan biến để nhường chỗ cho một “Phan Bội Châu” kiêu hùng: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”
Cuối năm 1979, Bảo mang theo “hào khí” đó lên đất Song Mỹ. Chuyến dọn nhà có chị Cẩm (chị của anh Ánh 70 & Sáng 73) và An Phong 71 hộ tống, cũng là một hồng ân khi trên mỗi bước đường đời của Bảo không hề vắng bóng AE Sao Biển. Những bỡ ngỡ ban đầu dần tan biến khi anh em Tuấn – Bảo bất ngờ được gặp lại người thầy surveillant năm cuối ở Chủng viện: Thầy Linh. Sau khi GHHV Pio X bị giải tán, thầy về đây sống với mẹ và chị.
Có thể nói, Thầy Linh đã chinh phục được các chú chủng sinh ở TCV niên khóa 1974 -1975 nhờ tài dạy “lấp lỗ” và đạo diễn vở kịch “Đuốc hồng trao tay”. Dạy “lấp lỗ” nghĩa là, lớp nào thiếu giáo sư môn nào là thầy “điền” vào môn đó để… lấp lỗ trống, nghĩa là môn nào Thầy cũng dạy được, Thầy đã dạy lớp anh Tuấn môn La tinh và dạy lớp Bảo môn Giáo dục Công dân. Còn vở kịch “Đuốc hồng trao tay” thì được xây dựng dựa trên tiểu thuyết Sa Mạc Tuổi Trẻ và Điệu Ru Nước Mắt. Các chú bỗng dưng được vào vai những tay du đãng, những kẻ nổi loạn, những chàng trai đa tình và lãng mạn… biểu sao hổng khoái? Chiều Thứ Năm và Chủ Nhật, trong phòng tập kịch (phòng étude chú lớn) luôn có sẵn mấy gói Mélia để mấy chú tập thả khói vòng tròn, tập bật cái zippo sao cho điệu nghệ… Ngoài mấy vai chính như anh Hân, anh Quý, anh Dũng, anh Toản 68, anh Thiện 70; vai “quần chúng” cho mấy chú nhỏ cũng không thiếu! Bảo nghĩ Thầy Linh đã tạo nên một bước đột phá trong văn nghệ TCV lúc bấy giờ. Vở kịch đã để lại ấn tượng cho rất nhiều khách mời, dĩ nhiên không thể thiếu đệ tử Bình Cang và Trinh Vương, vì có màn bắn súng thiệt rất táo bạo! Trên sân khấu, khi anh Quý chĩa khẩu colt vào anh Toản thì sau cánh gà, một phát carbin được bắn qua cửa sổ, anh Toản chụp vào ngực, bịch máu bể ra thấm vào áo và anh ngã sấp xuống một cách rất điệu nghệ (nhờ có luyện Vovinam trên sân basket)… Tiếng la thất thanh “Chết rồi! chết rồi!” vang khắp khán phòng (phòng ngủ chú lớn) và mọi người nhốn nháo tưởng bị… cướp cò. Đến chừng thấy anh Quý vẫn tiếp tục diễn, mọi người mới thở ra và ngồi xuống với chút… tẽn tò!
Được gặp lại một người Thầy như thế ở một nơi tưởng chừng như Babylon thì thật mừng không thể tả! Dạo đó, Bảo thường so sánh Song Mỹ như Babylon nên đêm đêm thường ôm cây đàn guitar ra trước nhà (trước nhà Bảo là một sân banh vắng ngắt) để hát nhớ về một “thành đô” Nha Trang thơ mộng. Nhưng bây giờ, Bảo lại thường ví Song Mỹ như Bethléem: “Há chẳng phải ngươi nhỏ nhất trong các thành trì…”. Vậy đó, biết đâu Rủi, biết đâu May? Chuyện Tái ông mất ngựa vẫn còn đó!
Song Mỹ, Quảng Thuận đã trải qua những ngày tháng rất đen tối như cố Điệp đã kể. May mắn là Bảo có được những bàn tay dìu dắt nên cũng còn hơn sống trong vùng sáng mà cô đơn hiu quạnh một mình! Dấu ấn UT SINT UNUM của Thầy Linh đã rõ nét từ hồi đó. Thầy quy tụ các anh em tu xuất chung quanh mình để dạy dỗ thêm về giáo lý, nhân bản và tu đức. Mỗi anh em xuất thân từ một Dòng tu khác nhau nhưng đều tụ hội lại với nhau dưới trướng của Thầy và được gọi bằng một từ nôm na rất dễ thương: “thầy chú”. Và cho đến giờ này “thầy chú” Song Mỹ vẫn thường ngồi lại với nhau rất thân mật như anh em một nhà, thỉnh thoảng có thêm chai “Đức Cha” thì lại càng… “ấm lòng chiến sĩ”! Thầy Linh còn phụ trách Ca đoàn với cách làm việc nghiêm túc và hiệu quả. Dịp Giáng sinh, Thầy lại tổ chức hoạt cảnh… Nhờ đó, anh em cũng được học hỏi thêm về cách làm Tông Đồ Giáo Dân.
Thầy Linh ơi, Thầy có nhớ hồi đó Thầy kêu gọi ca đoàn thi viết thêm lời cho bản nhạc Tâm Ca Phanxicô và bài của Bảo được Thầy chọn không?
Lại được biết anh Hoàng dạo đó đang nhậm xứ Sông Pha, thỉnh thoảng Thầy Linh cũng tổ chức cho Ca đoàn đi chơi Sông Pha, nhân tiện thăm anh Hoàng cho ảnh đỡ buồn. Bảo thì vẫn thường gặp anh vì anh phải xuống làm rẫy ở khoảng giữa Song Mỹ và Sông Pha để… cải thiện, sát bên rẫy một người bạn của Bảo. Có một dạo, Bảo ở hẳn trên rẫy người bạn này để trốn đi bộ đội. Anh Hoàng ơi, anh vẫn là “bàn tay của Chúa” đối với Bảo và cho dù có chuyện gì xảy ra, Bảo vẫn tự hào có một thời gian được sống gần anh, chia sẻ những băn khoăn trăn trở trước thời cuộc với anh.
Thời gian “underground” của cố Điệp cũng là thời gian thử thách nhất của Thầy Linh, phải lưu lạc gần 3 năm trời để cuối cùng trở về chịu ngồi tù 1 tháng rưỡi, rồi lại bắt đầu từ đầu… Mất bàn tay dìu dắt, Bảo cũng cảm thấy bơ vơ trơ trọi nên lần mò vào Sài Gòn tìm Thầy. Lang thang mấy ngày trời, sau khi hiểu thấu tâm can thằng đệ tử, Thầy phán: “Thôi, về cưới vợ đi kẻo con H. nó trông. Phải biết sống phó thác, chẳng lẽ bao nhiêu đứa lập gia đình đều chết đói cả sao? Nhưng nên nhớ, tình yêu chỉ có một, còn thứ tương tự như tình yêu thì có cả ngàn…” Thôi thì, “Vâng lời Thầy, con thả lưới…” Bảo cưới vợ vào thời gian “underground” của cố Điệp và cố Liệu. Hai đứa chở nhau trên chiếc xe đạp của cố Liệu (chiếc xe đạp danh giá nhất bấy giờ tại Song Mỹ và hai đứa đã chọn làm xe hoa) xuống Quảng Thuận và Cha già Bùi Chung làm phép trong phòng mặc áo, gia đình không được phép đi theo, chỉ có một “chị nhỏ” của cộng đoàn MTG đạp xe chở Bà Nhất xuống tham dự và thêm hai người chứng hôn. Một lễ cưới âm thầm nhưng thật nhiều ân điển!
Sau khi có được hai đứa con, Bảo về lại Nha Trang tìm kiếm cơ hội nhưng cơ hội đã không đến. Năm 1989, trở lại Song Mỹ kịp để tiễn cố Liệu lên Sông Pha và đón cố Điệp về với Song Mỹ. Cái “cô dâu đi cửa sau” đem đến cho Song Mỹ một ấn tượng mới, một nét khôi hài dí dỏm thay cho cái nghiêm túc cố hữu của cố Liệu!
Về lại Song Mỹ, Bảo đã phải ở nhờ vài tháng để chặt cây làm nhà. Dạo đó, làm nhà tranh phải tự đi chặt cây về đẽo cho tương đối thẳng, cắt tranh về đánh để dành cho đủ lợp. Có hai ngày quan trọng là ngày dựng lợp và ngày trét đất, hai ngày này phải huy động công, thường là công giúp không, chỉ phải lo bữa cơm trưa hơi tươm tất. Sau ngày dựng lợp, Bảo phải mất hai tuần để túc tắc cột mầm trĩ chung quanh vách và nhờ người bạn chở đất, chở rơm. Trét đất xong là có thể vào ở ngay nên ngày trét đất cũng coi như là ngày mừng tân gia. Hôm trét đất, cố Điệp mặc quần pyjama áo thun phong phanh cặp hai chai rượu chanh lững thững bước qua mừng nhà mới (vì nhà Bảo gần nhà thờ). Hỏi sao không ấm áp và thân tình?
Rồi cố Điệp xin được cái giấy phép sửa chữa nhà thờ. Nhà thờ Song Mỹ vốn dĩ là một nhà thờ xây chưa xong thì… xảy ra biến cố 75! Chỉ có 4 bức vách chưa tô, trong một cơn giông đầu mùa lớn, gió cuốn phăng mái nhà nguyện cũ quăng xuống hồ, giáo dân vớt lên và dưới sự chỉ đạo của cố Liệu, đem sườn gỗ dựng lên và lợp tạm vào nhà thờ mới xây dang dở, sau đó bổ sung dần thành một nhà thờ có mái nằm lọt bên trong, vách chưa tô và nền chưa có. Được phép sửa chữa nhà thờ, giáo dân mừng lắm! Tiền vật tư thì đã có cố Điệp lo. Ngoài một số công thợ chuyên môn, còn lại những công lao động phổ thông đều do giáo dân đóng góp. Thật là một dịp để Cha-Con chung tay góp sức xây dựng Nhà Chúa, lúc này Thầy Linh đã được “bình thường hóa quan hệ” với Nhà Nước nên cũng “chung lưng đấu cật” với cố Điệp, Bảo lại được dịp học hỏi và ngưỡng mộ các bậc đàn anh Sao Biển… thông kim bác cổ, thứ gì cũng biết!
Ở Song Mỹ còn có gia đình của Cha Khánh (Thi sỹ Trăng Thập Tự), dạo đó ngài đang ở trên Don Bosco Đà Lạt và thỉnh thoảng hay về thăm gia đình. Mỗi lần về, ngài đều vào nhà xứ chơi thân mật như anh em. Ngài có người em ở trong nhóm “thầy chú” nên những anh em còn lại cũng được gọi ké là “anh Ba”. Dạo đó, anh Ba soạn bộ “Tin Mừng cho người muốn nghe”. Mỗi lần về, anh Ba lại tặng em út mỗi đứa một quyển, quay ronéo hơi nhem nhuốc nhưng anh em vẫn thấy quý lắm!
Rồi cố Điệp lên Song Mỹ, trong một dịp chia sẻ gì đó, cố đưa cho Bảo tập thơ dày cộm đóng bìa dày màu đỏ đàng hoàng, lại còn giải thích từ EM trong bài thơ đó là nói về Song Mỹ, chứ không khéo lại sinh… hiểu lầm! Bảo võ vẽ được vài ba câu thơ là nhờ đó, trước tiên là “ông thầy” kêu gọi sáng tác, sau là được kề cận hai cây đa cây đề: Trăng Thập Tự và Sao Vườn Dầu. Sau này, thỉnh thoảng Bảo cũng gửi bài cho báo CG&DT, nhuận bút họ lại chuyển về Cha xứ. Cố Điệp kêu Bảo vào nhận rồi nhân tiện hỏi: “Cậu lấy bút hiệu chi?” Bảo đáp: “Dạ, Mây Đỉnh Sọ!” Cố biết Bảo đùa tếu nên cười kha kha… Giọng cười đặc trưng của Sao Vườn Dầu!
Bảo không rành các thú “chơi” như: câu cá, mồi cu, đuổi heo rừng… như cố Điệp. Nhưng về khoản “ăn” thì bảo thuộc loại “phá mồi”! Vì thế, mỗi khi nhớ đến những “ngày xưa thân ái” đó, Bảo thường liên tưởng đến mùi rạ mới mỗi lần đi cắt nếp quạ. Thứ nếp trỉa đất thổ, mỗi năm một vụ, vỏ màu tím đen mà hột thì trắng nuột, y như cô gái Song Mỹ lấm lem bùn đất mà lòng dạ thủy chung. Nấu nồi xôi trên nhà Thầy Linh, đến dưới nhà Bảo còn nghe thơm! Cọng rạ cũng thơm như thế, cắn cọng rạ để đỡ thèm vì ít ra cũng phải 3 ngày sau nếp mới thành xôi. Cắn cọng rạ để nhắc mình lần trước cắn cọng rạ đã 1 năm rồi. Cắn cọng rạ để bớt núm nuối vì phải 1 năm nữa mới được… cắn cọng rạ mới! Bây giờ, giống nếp quạ đó đã tuyệt chủng, Bảo không còn được cắn cọng rạ cũng như không có được những ngày như thế nữa rồi! Lại còn mấy thứ lúa rẫy như: Muối, Trắng Biển, Cuốc Lùn… Biết bao giờ được ăn lại một chén cơm màu hồng hồng, béo ngậy mà thơm lừng! Chỉ cần chan một muỗng nước muối nhiều hơn mắm vẫn thấy ngon! Mấy món này, chắc gì dân thành phố đã biết?
Tạ ơn Chúa đã cho Bảo biết đến và định cư ở xó xỉnh Song Mỹ này! Nhờ đó, Bảo được biết mùi rạ mới, được ăn lúa nếp rẫy, được gọi Thi sỹ Trăng Thập Tự là Anh Ba, được lội suối với Thi sỹ Sao Vườn Dầu, được tắm sông với một Đức Cha tương lai, được gắn bó với một nhóm nhỏ gọi là “thầy chú”…
Xin cám ơn người và cám ơn cuộc đời!...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét