Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

CẦY TƠ DUYÊN

CẦY TƠ DUYÊN
Trần thế Huy.

Sau ngày chiến tranh kết thúc giữa hai miền Nam Bắc. Phải nói là tình hình kinh tế khi ấy thật là bỉ
cực, đa số mọi người đều phải chuyển đổi công ăn việc làm, các công sở vẫn còn tạm thời đóng cửa, thêm vào đó nhiều gia đình phải bỏ nhà cửa chạy trốn bom đạn, sống vất vưởng đầu đường xó chợ…Tất cả đã tạo nên một bức tranh ảm đạm cho quê hương Việt Nam, một đất nước vốn đã chịu quá nhiều đau thương và mất mát do chiến cuộc kéo dài.

Tôi và Thắng cũng không nằm ngoài cái ngoại lệ ấy, bỏ lại sau lưng tất cả gia sản, chúng tôi rời miền đất đỏ phì nhiêu Trung phần chạy dạt vào trong Nam. Sau khi đã suy nghĩ đắn đo, nếu bây giờ có trở về quê xưa thì mọi cái chắc cũng phải làm lại từ đầu, vì tất cả đã bị bom đạn cày nát hết rồi, vả lại những ngày này phương tiện để di chuyển rất khó khăn, tốn kém…Thế là chúng tôi quyết định lập nghiệp ở Hố Nai, nơi những người công giáo miền Bắc năm tư sinh sống khá đông đúc, đa số họ là những người đã ở đây từ rất sớm, do đó để chúng tôi kiếm cho mình một cái nghề sống được qua ngày ở đây cũng là điều rất khó, vì nói chung những nghề nào kiếm ăn được thì đã có người làm rồi.

Khó khăn đầu tiên mà tôi và gia đình đương đầu, là phải tìm lấy một nơi để cư trú, lần mò mãi, gia đình tôi cũng được hai ông bà già, tuổi cũng đã gần đất xa trời, thương tình cho ở tạm trong cái chuồng heo ở góc vườn đã lâu lắm không chăn nuôi. Thôi thì có còn hơn không, tôi lân la các nhà hàng xóm, hỏi mua lại các bìa cây mà sau khi đã bóc ra từng phách gỗ, họ chỉ bán để làm củi, để vây lại cái chuồng heo hòng che nắng che gió. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi lúc này, họ chẳng những không bán mà còn cho thêm một ít ván tạp, để về đóng sàn làm chỗ nằm nghĩ. Tạ ơn Trời Phật, thiên hạ cũng còn nhiều lắm những tấm lòng nhân ái.

Chỗ ở đã tạm ổn, giờ đến cái khó khăn thứ hai mà tôi tiếp tục phải đương đầu là tìm lấy một công việc, và để tìm cho mình một công việc thích hợp thì rất khó…Vì tôi chỉ là một cậu học sinh trung học sắp ra trường mà thôi. Cuối cùng thì tôi đã xin được việc ở một xưởng cưa gần nhà.

Một chiều nọ sau khi vừa bước chân ra khỏi xưởng cưa, bất ngờ tôi gặp Thắng. Hỏi thăm mới biết lúc này hắn đang chạy xe ôm, qua tìm hiểu thì cũng chỉ bữa nắng bữa mưa ấy mà. Thắng đưa tôi đến dãy nhà trọ, nơi hắn và gia đình trú ngụ, hắn cho tôi biết là hoàn cảnh hiện tại của gia đình hắn cũng như gia đình tôi, chỉ khác là tôi không mất tiền thuê nhà trọ, thế thôi.

Tuy ở Hố-Nai đã lâu, nhưng tôi cũng chưa có dịp thư thả để ngắm nhìn cảnh sinh hoạt của dân ở đây, vì thường khi xong công việc ở xưởng cưa thì trời cũng đã tối rồi, tắm gội cơm nước qua loa, tôi còn phải đi ngủ đặng lấy sức mai làm sớm. Tôi không biết dân ở đây làm nghề gì, thu nhập bao nhiêu? Nhưng sao tối đến các quán nhậu, quán ăn đều chật kín những người.

Chạy dọc theo hè phố, dưới ánh đèn xanh đỏ vàng, quán ‘cầy thui rơm’ là điểm đến mà chúng tôi dừng chân, cũng may mắn lắm hai thằng tôi còn kiếm được một cái bàn nhỏ, đủ chỗ cho hai đứa ngồi. Những ly rượu đế nồng nàn cùng những đĩa thịt chó luộc, chó nướng thơm lừng…đã làm chúng tôi tạm quên hết mọi vất vả lo toan trong cuộc sống.

- Này này, cậu có để ý gì không? Tớ thấy ở đây mà đi buôn chó về bỏ lại cho họ là hết sẩy à nghen, cứ thấy tình hình đông khách thế này thì chắc họ cần nhiều chó lắm đây. Thắng nhận định với tôi.

- Ừ nhỉ, sao tụi mình không thử xem? Tớ thấy ý kiến của cậu cũng có lý đấy.

Sau đó, lấy cớ gia đình bận việc, tôi xin tạm nghỉ làm ở xưởng cưa, và cùng với Thắng bôn ba khắp mọi nẻo đường tìm mua chó, hy vọng với nghề mới này thu nhập sẽ khá hơn chăng! Chó đã mua được rồi nhưng giờ lại phải lo tìm mối bán. Những ngày đầu các hàng quán tìm đủ mọi lý do để ép giá chúng tôi. Do vậy có hôm thì kiếm lời được kha khá, hôm thì huề vốn, coi như đi mua dùm họ. Thôi thì ‘ vạn sự khởi đầu nan’, Các cụ khi trước thường bảo rằng: ‘Sống lâu lên lão làng’, mà đúng thế thật. Do càng ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm mua bán, nên dần dà họ không còn ép uổng chúng tôi được nữa.

Một ngày nọ tôi quyết định mở rộng địa bàn hoạt động. Với lồng chó phía sau, khi chạy xe ngang qua quán ‘cầy thui rơm’, tôi cố ý rao thật to với hy vọng:

- Chó, chó đây…ai mua chó không?

- Ê…chó, ê…chó!

Tiếng gọi giật đàng sau lưng làm tôi vừa giật mình vừa vui sướng. Một cô gái trẻ đẹp tuổi đời khoảng đôi mươi từ trong quán bước ra mĩm cười hỏi mua chó.

Sau lần đó, khi mọi sinh hoạt trong ngày đã xong xuôi, đêm về, nằm trên giường nghĩ lại, tôi không khỏi buồn cười cho những cái trớ trêu của đời mình…ai đâu mà khi sinh ra, cha mẹ đặt tên đặt họ hẳn hoi, bây giờ thiên hạ gặp mình cứ ‘ê…chó, ê…chó’. Thôi thì chịu vậy, muốn gọi như thế nào cũng mặc, miễn sao có tiền là được rồi.

Rồi ngày qua ngày, cứ mua được chó là tôi lại lân la tới quán ‘cầy thui rơm’để bán, và cũng để được ngắm nhìn cô chủ quán nho nhỏ, có cái răng khễnh xinh xinh mỗi khi cười. phần cô chủ nhỏ, sau một thời gian: ‘ ê…chó, ê…chó’, bỗng dưng tôi thấy cô ta đổi qua cách xưng hô: ‘ anh…gì chó ơi! Anh…gì chó ơi’, lại trò gì nữa đây?

Sự đời nghĩ cũng buồn cười, thiên hạ nên duyên bằng nhiều cách. Còn tôi, tôi thật là vui sướng và hạnh phúc, khi được nên duyên cùng cô chủ nhỏ nhờ mua bán… chó. Nào đâu phải riêng tôi, Thắng, bạn tôi, sau đó đã đưa được một cô nàng về dinh cũng nhờ mua bán…chó.

Thời gian dần trôi, thu nhập cũng ngày càng khấm khá hơn, cuộc sống gia đình tôi vì thế đỡ chật vật hơn trước. Do mãi bộn bề lo toan với cuộc sống mới, nên tôi và Thắng ít có cơ hội gặp nhau. Một ngày nọ tôi tìm tới nhà Thắng, mới hay tin nó đã định cư cùng với gia đình bên vợ ở Cộng Hòa Séc.

Lần về thăm quê hương, Thắng tìm đến nhà tôi, và thế là hai thằng bán chó và hai cô mua chó, có dịp ngồi lại với nhau chuyện trò rôm rã. Thắng xin lỗi vì chuyến đi ra nước ngoài quá bất ngờ nên hắn không kịp báo cho tôi. Hắn tâm sự, ở bên Séc thứ gì cũng có, nhưng lại rất thèm thịt chó, muốn ăn thì phải đi chợ Sapa ở Praha, nơi có đông người Việt định cư sinh sống, nhưng cũng thỉnh thoảng mới có, và chế biến thì không ngon bằng ở quê hương, vả lại ở Âu châu họ cấm ăn thịt chó, nên món ăn đặc sản Việt này không được khuếch trương rộng rãi. Thắng cho biết, khi mới sang Séc, vợ chồng hắn cũng tính kinh doanh quán thịt cầy, nhưng dân bản địa ở đây kêu ca người Việt Nam ăn thịt chó ghê quá, sau đó báo chí cũng lên tiếng, thế là phải tìm nghề khác thôi. Lâu lâu có dịp về thăm quê hương, khi trở qua len lén mang ít thịt chó, đãi anh em tha phương đất Séc, như một món quà nhắc nhau về cái gọi là “ quốc hồn quốc túy”, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.



Không có nhận xét nào: