SAO BIỂN 72 VÀ NHỮNG BIỆT DANH
Thế là 35 năm đã trôi qua kể từ ngày rời mái trường Sao Biển, nhiều thứ đã thay đổi nhưng còn một thứ đã ăn sâu vào bộ nhớ của nhiều người; và đến nay nghe nhắc lại thì cứ y như ngày nào còn bé tý. Theo mình nghĩ, đó có lẽ là biệt danh của từng người! Hầu như anh em SB nào cũng có một hoăc hai biệt danh khi học ở trong Chủng Viện. Lớp SB 72 cũng thế, nếu có ai hỏi thăm Thắng thì người hỏi sẽ bị hỏi lại:
- Thắng nào? Vì trong lớp có đến 3 thằng tên Thắng.
- Ở đây có những Thắng nào vậy?
- À thì có Thắng Chị Béo, Thắng Công Tử Bột và Thắng Bạch Phiến.
- Vậy cho tôi hỏi thăm: Thắng Bạch Phiến, có phải anh này hay mua bán…
------o0o------
Việc được hay bị đặt biệt danh được diễn ra ngay sau khi đặt chân vào lớp đầu tiên ở
Chủng Viện. Có những cái tên rất dễ đặt, chỉ cần 1 hoặc 2 người gọi thì xong ngay, có cái tên thì cả một quá trình lâu mới có hoặc vì buộc phải có biệt danh nên cứ gọi đại chẳng căn cứ vào điều gì cả! Đầu tiên việc đặt biệt danh được căn cứ vào vóc dáng bên ngoài, nước da và những đăc điểm riêng trên khuôn mặt… Những biệt danh ấy được sử dụng ngay, và có anh mãi thời gian sau lại có tên mới vì lúc này đã có nhiều thay đổi về vóc dáng cũng như tính tình. Dù gì đi nữa, việc đặt biệt danh này cũng chỉ thể hiện óc tưởng tượng phong phú của tuổi hoa niên đầy thơ mộng, chứ không hề biểu lộ một ác ý nào!Những năm đó, thanh niên nào chơi xì ke, ma túy thì thường sở hữu một thân hình rất ốm nên lớp mới có những tên như: CẢNH KEN - TÚC KEN - PHONG KEN.
Ngược lại, cũng có những anh được nuôi kỹ nên mập mạp, to béo và có ngay biệt danh kèm theo: ĐÔNG MỠ - THẮNG CHỊ BÉO (Phạm Xuân Thắng) - ĐỊNH MẬP (Sau này Định Mập ốm và đen đến nỗi anh em nhận không ra, nên quyết định vẫn gọi tên là Định Mập để dễ liên tưởng) - HƯNG MẬP (tuy hồi đó chỉ hơi đầy đặn nhưng lại trùng tên với nhân vật Hưng Mập trong truyện của Duyên Anh nên bị ảnh hưởng ngay).
Thấp người, nhỏ con: BẢO CON - QUÝ CON - HÙNG CON (Đỗ Mạnh Hùng) - DŨNG PETIT (Nguyễn Ngọc Dũng). Màu da đặc trưng cũng là một cơ hội để nhận ngay một biệt danh: DŨNG NOIR (Nguyễn Đức Dũng) - CHÁNH ĐEN.
Trong Chủng Viện toàn là đực rựa, mỗi lần văn nghệ cần có vai nữ, thì một anh được thử vai. Thế là 72 cũng xuất hiện được một số “nữ”, anh nào mà được chơi thân với các “nữ” này là oai lắm đó: KHÔI CÔ ĐÀO - LONG CÔ ĐÀO.
Đẹp trai trắng trẻo và làm biếng nên có tên THẮNG CÔNG TỬ BỘT (Lê Quốc Thắng), có dáng đi hơi uyển chuyển là THANH ẺO, có bộ ria tơ xanh từ rất sớm là HÙNG RÂU (Đoàn Xuân Hùng).
Đầu năm vào học chẳng may bị mang bệnh gì đó thì chết cái tên VĂN LẸO hoặc có tật gì đó thì phát sinh những biệt danh như: HIỂN MỘNG DU - VIỆT CẬN – KHOA NHÁY (Trần văn Khoa) – PHƯƠNG NHÁY. Còn có một anh có cặp mắt rất to lại hay trợn lên khi nói chuyện hoặc cãi nhau thì đó là HÙNG BA TRỢN (Nguyễn Xuân Hùng).
Hồi đó học giáo lý, trong sách có minh họa vì thấy một số anh em trông quá giống nên mới đặt tên cho là CHÍ MAISEN – HUY PHILATO. Còn Khoa Nháy trông rất giống Thầy Nhạc dạy Pháp Văn nên đặt thêm là KHOA NHẠC. Phạm Công Tâm do to cao và già dặn nên có biệt danh là ÔNG GIÀ NOEL hoặc TÂM GOLIAT.
Ngày đó trong Chủng Viện có 2 người giúp việc nhà bếp tên là Chi và Hồ, các chú thường gọi là Già Chi và Già Hồ; chỉ vì trùng tên là Chi nên Lê Công Chi được gọi tên là GIÀ CHI, còn Bùi Quang Minh thì quả thực có nét giống Già Hồ nên đến tận bây giờ vẫn còn tên MINH GIÀ HỒ. Bác cả Lễ nhà mình hơi bị oan khi mới nhập học đã bị một chú lớn hỏi: “Mày có phải em của Diện Méo (lớp 66) không? Sao giống quá vậy?”, thế là “chết tên” LỄ DIỆN MÉO. PHÚ GIÀ cũng “oan” như vậy khi trùng tên với một anh lớp 67. Riêng KỈNH BÀ GIÀ thì “oan thật sự” vì chẳng GIÀ mà cũng chẳng BÀ, chỉ vì một lần tranh luận về Máy Bay Bà Già mà anh ta có biệt danh đó!..
Xin quý anh em thứ lỗi, có lẽ hồi đó do thấy vóc dáng hoặc tính cách của anh em giống đặc điểm một con vật nào đó, nên mới sinh ra tên: SƠN BÌM BỊP – PHẦN THẦY RÙA – TUÂN ÔNG BẦU - ANH MỎ VỊT – TÚ MÈO – LAN CHUỘT CHÙ…
Sau một thời gian tương đối dài được học hành, ăn ở và vui chơi cùng nhau nên tính cách và tác phong của một số anh em được nhận định như sau: Hiền lành thánh thiện: THÁNH HY (trước đó là HYNOS, do có tên Hy mà lại đen đen giống anh chàng quảng cáo kem Hynos) – hoặc hay biểu diễn vẻ hiền lành, thánh thiện để tránh “sổ đen” của Cha Giám Luật: DƯƠNG PHARISIÊU. Đúng sai gì cũng cãi văng cả nước miếng: TRUNG LUẬT SƯ. Đá banh rất cộc: THĂNG CUI. Chơi đá banh thích chụp gôn và bay người: GIANG BAY.
Tội nhất là anh Dung, chỉ vì bố ở nhà có tiệm bán tranh tượng Thánh nên bị chết cái tên là: DUNG JUDA. Ở nhà có lò bánh mì nên Nguyễn Công Tâm còn có biệt danh là: TÂM BÁNH MÌ. Còn Phùng Bá Lộc trước khi vào CV đã học ở Lasan Bá Ninh nên được gọi là: LỘC BÁ NINH, sau này chơi bóng rổ thuộc loại giỏi, đặc biệt thích “câu rổ” ngay từ giữa sân nên còn có thêm biệt danh LỘC VOI. Còn Nguyễn Kỳ Khoa có hoang đàng hay không mà có tên là KHOA GIANG HỒ(?) Một số anh em vì chẳng có gì nổi bật hoặc giống một ai đó, một cái gì đó nên đành nhận thêm sau tên mình một chữ nữa để thành một biệt danh: DAO BÚA – SINH GIÒI – HÀ - CƯỜNG HÀO ÁC BÁ… Hoặc đổi chữ lót để có cái tên ĐẬU XE LAM. Sau này thấy bạn Lam mình giống Tàu quá nên có một số anh em gọi là LAM CHỆT!
Ngày mới vào trường, Lê Hồng Bảo rất nhỏ con nên có tên là BẢO CON, nhưng sau đó vì quậy phá trong giờ Pháp Văn của Thầy Nhạc, bị Thầy mắng là Vieux Renard nên từ đó trở về sau Bảo con được gọi lại là BẢO CÁO GIÀ. Còn BỔ TƯ ĐỊT thì mang sẵn biệt danh từ nhà vào, hắn thứ Tư trong gia đình mà lại hay địt nên nghe Lễ (ở cùng xứ) gọi thế, anh em gọi theo. Còn lại HUẤN, TRÙNG, TUYẾN thì mình không sao nhớ nổi, xin anh em nhắc giúp!
Hồi vào học mình chẳng có gì nổi bật, không cao cũng không lùn; không ốm cũng chẳng mập mạp, không đen mà cũng chẳng trắng trẻo gì lắm. Mà trông cũng không giống ai hoặc con gì cả! Một thời gian dài không biệt danh, cho đến một hôm… Hôm đó, Chủng Viện tổ chức buổi văn nghệ nho nhỏ trên sân basket của chú lớn, mỗi lớp phải có một tiết mục tham gia. Không biết vì sao đó mình được cử đi và bài hát tham gia biểu diễn lại là bài tự chế. Nội dung bài hát kể về một anh thanh niên ghiền xì ke hằng ngày tìm mọi cách kiếm tiền mua bạch phiến để hít và lời khuyên nhủ của người thân nên từ bỏ con đường nghiện ngập… Có lẽ bài hát cũng đi vào lòng khán giả nên từ đó mình có tên là: THẮNG BẠCH PHIẾN.
Và cuối cùng kết lại bài này, lớp mình cũng có một biệt danh rất dữ dằn là “MÙA HÈ ĐỎ LỬA”. Chắc chẳng có lớp nào ở Sao Biển có biệt danh như anh em 72. Mong rằng nhiều năm và nhiều năm sau nữa anh em vẫn giữ lại trong tận sâu thẳm con tim mình là có một lớp học, có những anh em bạn học với những cái tên mà mỗi khi nhắc tới hoặc gọi lên là biết chắc nó là SB72.
Thân thương,
Thắng Bạch Phiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét