Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

HỒNG ÂN DIỆU VỢI

HỒNG ÂN DIỆU VỢI
Bảo Lê 72

Nhân cố Điệp viết đến phần Giáo xứ Song Mỹ, Bảo xin bắt chước anh Ngôn 70 “nói leo” một chút; tựa như anh Ngôn “tức cảnh sinh tình” khi cố Điệp viết đến đoạn về giáo xứ Khiết Tâm, về chuyện anh em linh tông… Cái “nói leo” thật dễ thương khi nhận ra một phần đời của mình trong chuyện đời của anh em…

Bảo có lần giới thiệu sơ về giáo xứ Song Mỹ qua bài viết “Ngày hôm qua” đã được đăng trên TTSB 2009, một giáo xứ thật dễ thương và thấm đẫm tình người đến nỗi đã mấy lần Bảo muốn dứt áo ra đi mà không được! Tháng 8 năm 1979, để tránh chính sách Kinh Tế Mới bắt buộc, song thân của Tuấn – Bảo đã quyết định bán nhà ở Nha Trang lên Song Mỹ sinh sống, như một hình thức Kinh Tế Mới tự túc… Lúc ấy, Bảo cũng có lúc thầm trách bố mẹ quyết định vội vã để con cái đánh mất nhiều cơ hội, vì sau này vài năm về lại Nha Trang thì bạn bè đã “vượt biển” hết, còn hai anh em Tuấn – Bảo vẫn còn vật lộn với cái cuốc, cái cày…

Thế nhưng, sau bao nhiêu thăng trầm, Bảo mới nghiệm ra tất cả đều là Hồng Ân, là Thánh Ý… Bởi mọi việc đến với đời Bảo đều nhiệm mầu như lời kinh Magnificat: “Chúa đã làm cho tôi những điều kỳ diệu…” Giờ đây, Bảo cảm thấy hãnh diện và tự hào với từng ngày sống của mình, không phải vì những gì mình làm được mà vì mình đã từng được sống, được học hỏi, được cộng tác với những con người tuyệt vời: những người đã góp phần làm nên nhân cách của Bảo ngày hôm nay! Cái nhân cách mà – đối với một số người – nó không đáng 2 xu, nhưng Bảo nâng niu và trân trọng nó như đã nâng niu yêu mến chiếc xe đạp trành thời bao cấp, cho dù mọi người có rẻ rúng chê bai; đó vẫn là “món quà” mà những con người tuyệt vời kia trao tặng cho Bảo, dù vô tình hay hữu ý.

Bảo không có khả năng viết trường thiên TÔI ĐI TU như cố Điệp, nên xin ăn ké theo đây như một kẻ quá giang vậy! Vả lại, nếu đặt tựa đề thì phải là TÔI XUẤT TU mới hợp lý!...

Sau Mậu Thân, gia đình Bảo chuyển từ Quy Nhơn vào Nha Trang, để sau này Bảo trở thành một tiểu chủng sinh Sao Biển: đó cũng là một hồng ân. Được là học trò của bố Sùng, bố Láng, bố Tạc.v.v… cũng là một hồng ân! Hè về được tụ quân dưới trướng anh Thư (Ns. Phương Anh) và anh Vinh (cha Vinh 61) cũng là một hồng ân. Được bắt chước hát AVT với anh Minh cời 66, được tập đánh đờn harmonium với anh Tâm 70 cũng là một hồng ân…

Sau 75, với bao nhiêu biến động, nhà anh Vinh là nơi Bảo thường lui tới để tìm chút bình an… Bởi nhà anh Vinh có mấy người em gái đều tham gia giáo lý viên với Bảo ở giáo xứ Vĩnh Phước, nhà Bảo lại toàn anh em trai, nên chi… cũng nằm trong quy luật Âm Dương cả thôi! Sau này, Bảo được biết anh Vinh cũng thuộc hàng ưu tú, nhất là môn La tinh; nhưng hồi đó trông anh chẳng có vẻ gì thông thái, anh có mấy biệt danh cũng không lấy gì làm trí thức như: Vinh đỏ, Vinh bò… Bảo không hiểu tại sao lại là Vinh đỏ, nhưng Vinh bò là vì khi các Thầy về TCV Sao Biển sau biến cố 75, anh Vinh lãnh trách nhiệm chăn mấy con bò trong khuôn viên TCV. Để hội nhập cuộc sống “cơm áo gạo tiền” sau 75, anh là mẫu gương rất sống động đối với Bảo, anh không từ bất cứ việc gì đến tay anh, từ bán cà rem cho đến đạp ba gác hay chăn bò… Có lẽ cho đến giờ phút này, anh vẫn không ngờ rằng nhờ anh mà những yếm thế kiểu “Vũ Hoàng Chương” trong Bảo dần dần tan biến để nhường chỗ cho một “Phan Bội Châu” kiêu hùng: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?”

Cuối năm 1979, Bảo mang theo “hào khí” đó lên đất Song Mỹ. Chuyến dọn nhà có chị Cẩm (chị của anh Ánh 70 & Sáng 73) và An Phong 71 hộ tống, cũng là một hồng ân khi trên mỗi bước đường đời của Bảo không hề vắng bóng AE Sao Biển. Những bỡ ngỡ ban đầu dần tan biến khi anh em Tuấn – Bảo bất ngờ được gặp lại người thầy surveillant năm cuối ở Chủng viện: Thầy Linh. Sau khi GHHV Pio X bị giải tán, thầy về đây sống với mẹ và chị.
Có thể nói, Thầy Linh đã chinh phục được các chú chủng sinh ở TCV niên khóa 1974 -1975 nhờ tài dạy “lấp lỗ” và đạo diễn vở kịch “Đuốc hồng trao tay”. Dạy “lấp lỗ” nghĩa là, lớp nào thiếu giáo sư môn nào là thầy “điền” vào môn đó để… lấp lỗ trống, nghĩa là môn nào Thầy cũng dạy được, Thầy đã dạy lớp anh Tuấn môn La tinh và dạy lớp Bảo môn Giáo dục Công dân. Còn vở kịch “Đuốc hồng trao tay” thì được xây dựng dựa trên tiểu thuyết Sa Mạc Tuổi Trẻ và Điệu Ru Nước Mắt. Các chú bỗng dưng được vào vai những tay du đãng, những kẻ nổi loạn, những chàng trai đa tình và lãng mạn… biểu sao hổng khoái? Chiều Thứ Năm và Chủ Nhật, trong phòng tập kịch (phòng étude chú lớn) luôn có sẵn mấy gói Mélia để mấy chú tập thả khói vòng tròn, tập bật cái zippo sao cho điệu nghệ… Ngoài mấy vai chính như anh Hân, anh Quý, anh Dũng, anh Toản 68, anh Thiện 70; vai “quần chúng” cho mấy chú nhỏ cũng không thiếu! Bảo nghĩ Thầy Linh đã tạo nên một bước đột phá trong văn nghệ TCV lúc bấy giờ. Vở kịch đã để lại ấn tượng cho rất nhiều khách mời, dĩ nhiên không thể thiếu đệ tử Bình Cang và Trinh Vương, vì có màn bắn súng thiệt rất táo bạo! Trên sân khấu, khi anh Quý chĩa khẩu colt vào anh Toản thì sau cánh gà, một phát carbin được bắn qua cửa sổ, anh Toản chụp vào ngực, bịch máu bể ra thấm vào áo và anh ngã sấp xuống một cách rất điệu nghệ (nhờ có luyện Vovinam trên sân basket)… Tiếng la thất thanh “Chết rồi! chết rồi!” vang khắp khán phòng (phòng ngủ chú lớn) và mọi người nhốn nháo tưởng bị… cướp cò. Đến chừng thấy anh Quý vẫn tiếp tục diễn, mọi người mới thở ra và ngồi xuống với chút… tẽn tò!

Được gặp lại một người Thầy như thế ở một nơi tưởng chừng như Babylon thì thật mừng không thể tả! Dạo đó, Bảo thường so sánh Song Mỹ như Babylon nên đêm đêm thường ôm cây đàn guitar ra trước nhà (trước nhà Bảo là một sân banh vắng ngắt) để hát nhớ về một “thành đô” Nha Trang thơ mộng. Nhưng bây giờ, Bảo lại thường ví Song Mỹ như Bethléem: “Há chẳng phải ngươi nhỏ nhất trong các thành trì…”. Vậy đó, biết đâu Rủi, biết đâu May? Chuyện Tái ông mất ngựa vẫn còn đó!

Song Mỹ, Quảng Thuận đã trải qua những ngày tháng rất đen tối như cố Điệp đã kể. May mắn là Bảo có được những bàn tay dìu dắt nên cũng còn hơn sống trong vùng sáng mà cô đơn hiu quạnh một mình! Dấu ấn UT SINT UNUM của Thầy Linh đã rõ nét từ hồi đó. Thầy quy tụ các anh em tu xuất chung quanh mình để dạy dỗ thêm về giáo lý, nhân bản và tu đức. Mỗi anh em xuất thân từ một Dòng tu khác nhau nhưng đều tụ hội lại với nhau dưới trướng của Thầy và được gọi bằng một từ nôm na rất dễ thương: “thầy chú”. Và cho đến giờ này “thầy chú” Song Mỹ vẫn thường ngồi lại với nhau rất thân mật như anh em một nhà, thỉnh thoảng có thêm chai “Đức Cha” thì lại càng… “ấm lòng chiến sĩ”! Thầy Linh còn phụ trách Ca đoàn với cách làm việc nghiêm túc và hiệu quả. Dịp Giáng sinh, Thầy lại tổ chức hoạt cảnh… Nhờ đó, anh em cũng được học hỏi thêm về cách làm Tông Đồ Giáo Dân.
Thầy Linh ơi, Thầy có nhớ hồi đó Thầy kêu gọi ca đoàn thi viết thêm lời cho bản nhạc Tâm Ca Phanxicô và bài của Bảo được Thầy chọn không?

Lại được biết anh Hoàng dạo đó đang nhậm xứ Sông Pha, thỉnh thoảng Thầy Linh cũng tổ chức cho Ca đoàn đi chơi Sông Pha, nhân tiện thăm anh Hoàng cho ảnh đỡ buồn. Bảo thì vẫn thường gặp anh vì anh phải xuống làm rẫy ở khoảng giữa Song Mỹ và Sông Pha để… cải thiện, sát bên rẫy một người bạn của Bảo. Có một dạo, Bảo ở hẳn trên rẫy người bạn này để trốn đi bộ đội. Anh Hoàng ơi, anh vẫn là “bàn tay của Chúa” đối với Bảo và cho dù có chuyện gì xảy ra, Bảo vẫn tự hào có một thời gian được sống gần anh, chia sẻ những băn khoăn trăn trở trước thời cuộc với anh.

Thời gian “underground” của cố Điệp cũng là thời gian thử thách nhất của Thầy Linh, phải lưu lạc gần 3 năm trời để cuối cùng trở về chịu ngồi tù 1 tháng rưỡi, rồi lại bắt đầu từ đầu… Mất bàn tay dìu dắt, Bảo cũng cảm thấy bơ vơ trơ trọi nên lần mò vào Sài Gòn tìm Thầy. Lang thang mấy ngày trời, sau khi hiểu thấu tâm can thằng đệ tử, Thầy phán: “Thôi, về cưới vợ đi kẻo con H. nó trông. Phải biết sống phó thác, chẳng lẽ bao nhiêu đứa lập gia đình đều chết đói cả sao? Nhưng nên nhớ, tình yêu chỉ có một, còn thứ tương tự như tình yêu thì có cả ngàn…” Thôi thì, “Vâng lời Thầy, con thả lưới…” Bảo cưới vợ vào thời gian “underground” của cố Điệp và cố Liệu. Hai đứa chở nhau trên chiếc xe đạp của cố Liệu (chiếc xe đạp danh giá nhất bấy giờ tại Song Mỹ và hai đứa đã chọn làm xe hoa) xuống Quảng Thuận và Cha già Bùi Chung làm phép trong phòng mặc áo, gia đình không được phép đi theo, chỉ có một “chị nhỏ” của cộng đoàn MTG đạp xe chở Bà Nhất xuống tham dự và thêm hai người chứng hôn. Một lễ cưới âm thầm nhưng thật nhiều ân điển!

Sau khi có được hai đứa con, Bảo về lại Nha Trang tìm kiếm cơ hội nhưng cơ hội đã không đến. Năm 1989, trở lại Song Mỹ kịp để tiễn cố Liệu lên Sông Pha và đón cố Điệp về với Song Mỹ. Cái “cô dâu đi cửa sau” đem đến cho Song Mỹ một ấn tượng mới, một nét khôi hài dí dỏm thay cho cái nghiêm túc cố hữu của cố Liệu!

Về lại Song Mỹ, Bảo đã phải ở nhờ vài tháng để chặt cây làm nhà. Dạo đó, làm nhà tranh phải tự đi chặt cây về đẽo cho tương đối thẳng, cắt tranh về đánh để dành cho đủ lợp. Có hai ngày quan trọng là ngày dựng lợp và ngày trét đất, hai ngày này phải huy động công, thường là công giúp không, chỉ phải lo bữa cơm trưa hơi tươm tất. Sau ngày dựng lợp, Bảo phải mất hai tuần để túc tắc cột mầm trĩ chung quanh vách và nhờ người bạn chở đất, chở rơm. Trét đất xong là có thể vào ở ngay nên ngày trét đất cũng coi như là ngày mừng tân gia. Hôm trét đất, cố Điệp mặc quần pyjama áo thun phong phanh cặp hai chai rượu chanh lững thững bước qua mừng nhà mới (vì nhà Bảo gần nhà thờ). Hỏi sao không ấm áp và thân tình?

Rồi cố Điệp xin được cái giấy phép sửa chữa nhà thờ. Nhà thờ Song Mỹ vốn dĩ là một nhà thờ xây chưa xong thì… xảy ra biến cố 75! Chỉ có 4 bức vách chưa tô, trong một cơn giông đầu mùa lớn, gió cuốn phăng mái nhà nguyện cũ quăng xuống hồ, giáo dân vớt lên và dưới sự chỉ đạo của cố Liệu, đem sườn gỗ dựng lên và lợp tạm vào nhà thờ mới xây dang dở, sau đó bổ sung dần thành một nhà thờ có mái nằm lọt bên trong, vách chưa tô và nền chưa có. Được phép sửa chữa nhà thờ, giáo dân mừng lắm! Tiền vật tư thì đã có cố Điệp lo. Ngoài một số công thợ chuyên môn, còn lại những công lao động phổ thông đều do giáo dân đóng góp. Thật là một dịp để Cha-Con chung tay góp sức xây dựng Nhà Chúa, lúc này Thầy Linh đã được “bình thường hóa quan hệ” với Nhà Nước nên cũng “chung lưng đấu cật” với cố Điệp, Bảo lại được dịp học hỏi và ngưỡng mộ các bậc đàn anh Sao Biển… thông kim bác cổ, thứ gì cũng biết!

Ở Song Mỹ còn có gia đình của Cha Khánh (Thi sỹ Trăng Thập Tự), dạo đó ngài đang ở trên Don Bosco Đà Lạt và thỉnh thoảng hay về thăm gia đình. Mỗi lần về, ngài đều vào nhà xứ chơi thân mật như anh em. Ngài có người em ở trong nhóm “thầy chú” nên những anh em còn lại cũng được gọi ké là “anh Ba”. Dạo đó, anh Ba soạn bộ “Tin Mừng cho người muốn nghe”. Mỗi lần về, anh Ba lại tặng em út mỗi đứa một quyển, quay ronéo hơi nhem nhuốc nhưng anh em vẫn thấy quý lắm!

Rồi cố Điệp lên Song Mỹ, trong một dịp chia sẻ gì đó, cố đưa cho Bảo tập thơ dày cộm đóng bìa dày màu đỏ đàng hoàng, lại còn giải thích từ EM trong bài thơ đó là nói về Song Mỹ, chứ không khéo lại sinh… hiểu lầm! Bảo võ vẽ được vài ba câu thơ là nhờ đó, trước tiên là “ông thầy” kêu gọi sáng tác, sau là được kề cận hai cây đa cây đề: Trăng Thập Tự và Sao Vườn Dầu. Sau này, thỉnh thoảng Bảo cũng gửi bài cho báo CG&DT, nhuận bút họ lại chuyển về Cha xứ. Cố Điệp kêu Bảo vào nhận rồi nhân tiện hỏi: “Cậu lấy bút hiệu chi?” Bảo đáp: “Dạ, Mây Đỉnh Sọ!” Cố biết Bảo đùa tếu nên cười kha kha… Giọng cười đặc trưng của Sao Vườn Dầu!

Bảo không rành các thú “chơi” như: câu cá, mồi cu, đuổi heo rừng… như cố Điệp. Nhưng về khoản “ăn” thì bảo thuộc loại “phá mồi”! Vì thế, mỗi khi nhớ đến những “ngày xưa thân ái” đó, Bảo thường liên tưởng đến mùi rạ mới mỗi lần đi cắt nếp quạ. Thứ nếp trỉa đất thổ, mỗi năm một vụ, vỏ màu tím đen mà hột thì trắng nuột, y như cô gái Song Mỹ lấm lem bùn đất mà lòng dạ thủy chung. Nấu nồi xôi trên nhà Thầy Linh, đến dưới nhà Bảo còn nghe thơm! Cọng rạ cũng thơm như thế, cắn cọng rạ để đỡ thèm vì ít ra cũng phải 3 ngày sau nếp mới thành xôi. Cắn cọng rạ để nhắc mình lần trước cắn cọng rạ đã 1 năm rồi. Cắn cọng rạ để bớt núm nuối vì phải 1 năm nữa mới được… cắn cọng rạ mới! Bây giờ, giống nếp quạ đó đã tuyệt chủng, Bảo không còn được cắn cọng rạ cũng như không có được những ngày như thế nữa rồi! Lại còn mấy thứ lúa rẫy như: Muối, Trắng Biển, Cuốc Lùn… Biết bao giờ được ăn lại một chén cơm màu hồng hồng, béo ngậy mà thơm lừng! Chỉ cần chan một muỗng nước muối nhiều hơn mắm vẫn thấy ngon! Mấy món này, chắc gì dân thành phố đã biết?

Tạ ơn Chúa đã cho Bảo biết đến và định cư ở xó xỉnh Song Mỹ này! Nhờ đó, Bảo được biết mùi rạ mới, được ăn lúa nếp rẫy, được gọi Thi sỹ Trăng Thập Tự là Anh Ba, được lội suối với Thi sỹ Sao Vườn Dầu, được tắm sông với một Đức Cha tương lai, được gắn bó với một nhóm nhỏ gọi là “thầy chú”…

Xin cám ơn người và cám ơn cuộc đời!...


Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

CÁNH CHUỒN QUÊ HƯƠNG...


Chuồn ơi ai bảo Chuồn bay!
Đem về giông bão gió mây kín trời

Lúa mùa Mẹ trải sân phơi
Lom khom nhặt hạt nửa vời ủ ê

Chuồn bay Chuồn rủ mưa về
Để cô thôn nữ chân quê lấm bùn

Tranh nghèo gió thổi tro mun
Lấp xa lấp xấp nước ròng như mương

Bắp ngô để cả lên giường
Củi khô Mẹ cất, tóc hong chẳng cần
Mưa nhiều trắng cánh đồng xanh
Mai này không có cái dành để ăn

Rau khoai, đọt đậu nhai dần
Thầy Me nuốt nghẹn... để phần em thơ

Chuồn ơi Chuồn cứ hững hờ
Nhìn Người con gái quê chờ lớn lên

Sợi mây buộc xỏa tóc mềm
Vải thô giản dị, nét duyên ngập ngừng

Tinh mơ quảy gánh lên nương
Đêm về giã gạo thơm nồng thôn trăng

Mưa dầm bắp ngại trổ bông
Thêm đàn Châu Chấu ăn ròng lúa non

Cuối năm bồ đựng chẳng tròn
Đông về khát miếng cơm ngon ấm nồng

Đàn em chân đất, lưng trần
Đạp mưa đội nắng đào Lang, mót Mì

Thế rồi Chuồn cũng bay đi!
Để Cô thôn nữ xuân thì sang sông

Mẹ già em dại giữa dòng
Quê nghèo hiu quạnh long đong tháng ngày

Nương dâu Tằm cửi lắt lay
Hiên trưa vắng giọng ru say ngọt ngào

Vắng nghiêng nghiêng dáng Quai Thao
Vắng đôi guốc Mộc lao xao đầu thềm

Chiều về trên cánh đồng êm
Có đàn Chuồn nhỏ rập rền bên sông

Ngóng Nàng thiếu nữ theo chồng
Xa xăm biền biệt sao không lần về?

Mười hai bến nước lê thê
Dù trong dù đục, bến quê vẫn chờ

Ngoài kia hiu quạnh nương ngô
Trong Thôn trống vắng tựa hồ nhớ nhung

Chuồn xuôi theo gió ngàn trùng
Vẫn mong về chốn cội nguồn yêu thương

Thuyền Nàng ngược bến tha hương
Quên bao kỷ niệm vấn vương đợi chờ

Chuồn ơi! bay... nhắn Nàng mơ
Đường xưa lối cũ bao giờ...về thăm?

Thanh Hương.

(27.8.2010, Mùa Mưa Lũ 2010)

Anh Ngân Visit Sao Biển Seattle








Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Trưởng Lớp SB72 Hải Ngọai, Nhiệm Kỳ 2010-2012

Anh em thân mến:

Sao Biển 72 hải ngọai vừa hòan tất cuộc bầu cử. Xin trân trọng giới thiệu trưởng lớp SB72 hải ngọai nhiệm kỳ 2010-2012: Nguyễn Đức Dũng, tức Dzũng Noir, gốc Ba Làng choa, hiện ngụ tại Seattle.
Email: dzungducnguyen@yahoo.com

Dzũng Noir sẽ bắt đầu nhiệm kỳ ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ mùng 8 tháng 9, năm 2010.

Xin chúc mừng, chúc mừng

Hưng



Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Thăm nhau tại Seattle


Tuần vừa rồi Cường ghé thăm Seattle. Tụi mình lại ăn uống nhậu nhẹt với nhau rất vui. Tiếc là không có mặt Hy, và Khôi cũng đang ở Seattle nhưng không tới.

Nhân dịp này mình muốn anh em cử một trưởng lớp hải ngọai khác, ai cũng đồng ý chuyện này và sẽ cử một trưởng lớp khác cho nhiệm kỳ 2 năm tới. Anh em hải ngọai sẽ bàn thêm, anh em chờ tí nửa sẽ biết thêm tin tức việc này nhé.

Gởi anh em tấm hình coi cho vui :)
mến
h

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Viếng Mẹ Tà Pao

Ngày 13 tháng 8 năm 2010 Chánh Đen và Huấn Ruồi chở nhau lên Tà Pao viếng Đức Mẹ. Hai anh em đều mặc đồng phục SB72 với cung một ý nguyện đưa Mẹ Sao Biển đến với Mẹ Tà Pao.Và hai bạn đã được nhận nhiều ơn lạ từ Mẹ Tà Pao ( Huấn sẽ kể ).
Ngày 14 Thắng Bạch Phiến cũng đi viếng Mẹ Tà Pao ( Trong chương trình Họp Mặt truyền thống của Gia Đình Hùng Tâm Dũng Chí ) may mắn gặp Huấn tại nhà Chánh và cả đoàn (14 người) được đãi một bữa bắp luộc và nướng ngay tại rẩy.Thật vui và ấm áp.
Chiều về Thánh lễ Họp mặt được tổ chức tại nhà thờ Giáo xứ Bảo Định ( Cách nhà Bổ khoảng 3 km; nhà Chánh khoảng 60km. nhà Cảnh khoảng 12km) lại thấy Chánh và Huấn cũng đến tham dự. Thế là sau thánh lễ cả đoàn mời 2 bạn tham dự tiệc luôn. Trong buổi tiệc Chánh nhà mình cũng tham gia văn nghệ giúp vui. Tối đến cả 3 thằng chở nhau trên chiêc xe tàng của Chánh đến nhà Bổ.Mấy thằng nằm bên nhau tâm sự đến 2 giờ sáng.
7 giờ sáng 15, Cảnh chạy qua, 5 anh em làm một cuộc tiểu hội ngộ.Chỉ có ly cà phê và tô phở nhưng thật no và ấm lòng.
Bổng nhiên Dũng Petit gọi điện về , thế là AE lật đật lên mạng.Cảnh cài đặt ooVoo, chỉ có hình, nghe được nhưng nói không được. Thế là Bổ chạy ra Long Khánh tậu ngay cái micro . Anh em tha hồ nói chuyện với Dũng. Hưng và Giang.
Khoảng 9 giờ Thắng phải về đi với đoàn nên chia tay anh em.
Có ít hình ảnh ở nhà Cảnh và Bổ gởi anh em xem cho vui.
Thắng.

http://picasaweb.google.com.vn/bachphien72/BaoInh?authkey=Gv1sRgCJmg0brI_763aQ&feat=email#

"Nông Trại" của Tú

Cuối tuần vừa qua mình lên thăm gia-đình Tú (từ nhà mình lên Tú khoảng 500km) Cách đây mấy tháng Tú có về VN chơi nên rất nhiều chuyện để kể.
 
AE thấy hình sau nhà Tú có giống VN không? Hắn trồng trọt và nuôi đủ thứ cả. Thấy ớt Tú trồng mình lại nhớ đến Dũng petit. Mình phải phục Tú luôn. Rất siêng năng và chịu khó.
Đặc biệt hơn cả, là kỳ vừa rồi trở lại VN, Tú có học cách làm tiết canh vịt theo kiểu Lê-tú-Bổ. Nhưng phải giết hai con vịt mới lấy được máu để làm tiết canh (con thứ cũng xem đông) Vài hàng tham tất cả AE.
 
Mình đang đi làm và phải trở lại công việc.
 
  
Thân,
Đông






  Mời anh em coi thêm hình ở đây:

Thứ Hai, 9 tháng 8, 2010

NHẬT KÝ HỘI NGỘ - Phần 3

( Nương Tử 72 )
 
... Trên xe, các Anh trò chuyện cười vui râm ran, chuyện xưa chuyện nay, chuyện vui vẻ, phiền muộn đều có hết, SB thật muôn màu muôn vẻ. Bên ngoài, trời dịu nắng, gió hai bên đồng ruộng lồng lộng, cảnh vật qua nhanh vun vút ! Bên trong, đã có vài trái sầu dần dần rụng rơi...
Thời gian cũng rơi ở đâu hết rồi!
Chỉ biết trạm dừng đầu tiên là Giáo Xứ Mỹ Đức nơi Cha Láng đang cư ngụ, các Anh xuống xe lục đục kéo vô báo hiếu, Anh Thắng (Béo), tuy nặng ký nhưng nhanh nhẹn, mau mắn, lúc nào cũng tiên phong cảm tử đi trước, cười nói xuề xòa với chất giọng Bắc kì dễ thương.
Chuyến xe TÌNH lại bon bon... lại giật thót mình khi những tiếng reo hò trên xe la lên: Kia, nhà Anh Giang Bay... Đó! là nhà Anh Trùng - Nương tử của Anh Trùng chừng như quá khiếp trước cơn lốc đỏ lửa của mùa hè72 đang lao nhao trên xe , nên không dám mở hết cửa, chỉ he hé rồi len lén gật đầu trước lời mời hội ngộ - "Dạ, mai em sẽ cố sắp xếp để đi, có các Chị đi nhiều không ạ?".
- Có một giọng Anh nào đó cất lên: " Cho tụi Anh nợ lần thắp nhang này nhé! vì đã qua giờ hành chánh rồi, hẹn lần sau nghe"
Xe lại dừng ngay Giáo Xứ Hộ Diêm, nơi Cha Sùng đang ở dưỡng bệnh tại nhà một người cháu. Các Anh lại vào tíu tít báo hiếu, rồi chụp hình, thấy Anh nào cũng hồn nhiên, vui vẻ, quên hết mọi ưu tư đời thường,như được trẻ lại hơn 30 tuổi đời.
Xe rẽ vào ngõ nhà Anh Hà ! lúc ấy Anh Hà cũng đang ngồi trên xe với cặp kính đen (công an chìm) thấy ngầu hết hồn luôn, nhưng thực ra trãi qua mấy ngày hội ngộ mới tỏ tường Anh là người thật hiền lành và ít nói...
Xe cũng dừng lại thăm "tổ ấm" của Anh Định, trước nhà những gốc SI già được gia chủ cắt tỉa thật ngộ nghĩnh, khéo léo, chung quanh nhà trồng cây bóng mát phủ rợp, rười rượi hiu hiu như lạc vào vườn Luxembourg... chỉ thiếu dòng sông Sène nữa là thành nơi tham quan lý tưởng.
Vội vã một chút, lại lên đường, cuộc hành trình tuy ngắn nhưng gieo vãi tình cảm khắp nơi, chỉ mong TÌNH ấy luôn vượt qua mọi biến cố...đầy ắp và bền lâu.


-- Tới Nha Trang - biển đã nhuộm màu hoàng hôn. Từng đợt sóng gợn lăn tăn, óng ánh màu lam chiều, Các Anh ai cũng hướng nhìn về biển...vời vợi, nhung nhớ những buổi tà dương ngồi bên trường xưa...ngày ấy! xa rồi...

Vì ảnh hưởng cơn bão nên Nha Trang cũng có "mưa bay lất phất và mây trắng giăng giăng". Thằng bé con chợt reo lên thích thú khi thấy biển, còn em thầm lo lắng : Mình sẽ tá túc ở đâu đêm nay nhỉ? vì nghe Anh Thủ trưởng Dương nói: - Chưa vào Nhà Xứ Thanh Hải nghỉ được, ngày mai mới hội ngộ chính thức!
Anh Đức Thắng với phong cách " Thầy Giáo" đã mau mắn phân công: "Các Anh em đi độc thân như ( A Việt, A Xuân Thắng, A Định, A Hà..). kéo về nhà Anh Dương, Còn gia đình Thê tử của Cảnh ken về nhà mình nghỉ ngơi, mai tính tiếp"...Thế là gia đình em được mời vào "túp lều lý tưởng" của Thầy Giáo Bạch Phiến, ngôi nhà nhỏ nhưng đầm ấm và hạnh phúc, mọi người còn được Nương Tử Anh Thắng( Chị Tuyết ) đãi một bữa bún bò nóng hổi "vừa thổi vừa... xuýt xoa" thật là quý hóa giữa một chiều hè mưa gió lạnh lẽo.
Một chút sau - hơn 7h, nhận được ĐT của Anh Dương báo, Anh Thắng tốc hành mang áo tơi đội nón lá đi đón hai Cha con Anh Đậu La Lam, đang lang thang bên cổng nhà Xứ Thanh Hải. Thêm gia đình Anh Lam về đây nữa, càng đông vui cho đêm "tiền hội ngộ" (mà sao mỗi người lại một nơi thế này nhỉ?) Chút xíu, lại ĐT của Anh Sinh reng reng báo: - Gia đình Anh đã tới Nha Trang rồi, đang ở ké nhà Chị vợ.

" Tháng bảy rả rích mưa ngâu...
Bến bờ Ô Thước đợi nhau nơi nào? "

Thằng Bé con lúc này cứ lằng nhằng đòi ra dạo thăm biển: "Mẹ cứ dẫn con đi hết nhà này đến nhà khác, mà không cho con tắm biển". Phải dỗ dành một lúc cậu ấm mới chịu chờ đến ngày mai. Còn bây giờ, trong khi các Nam Tử Hán chụm đầu lên mạng trao đổi tin tức hình ảnh cho anh em, thì phe Nữ nhi chuẩn bị ôn dượt phần đàn hát cho Thánh lễ hội ngộ. ( Là vai phụ nên càng phải lo chuẩn bị cho kỹ càng hơn).

Nửa đêm, mưa như thác đổ. Công Chúa Thùy Dương, con Anh Đậu La Lam nằm bên cạnh em phía tả, còn Cậu ấm bé con ở bên hữu. Cứ lâu lâu...kéo mền đắp cho cậu Ấm thì bé Dương lại trống trải, mà đắp cho bé Dương thì cậu Ấm lại chơ vơ, cứ nhùng nhằng như thế vô tình người ở giữa lại ấm áp, thật "áy náy" quá không ngủ được... lạ nhà nữa!
Thế là trong đêm lại có lời âm thầm khấn xin cho ngày mai trời quang mây tạnh, để cuộc hội ngộ được vui vẻ, thành công.

5h sáng 25/7. Mọi người không ngủ được nữa, khoảng khắc hội ngộ gần kề. Các Anh đã lên mạng tâm sự râm ran.
Được các Anh ở xa quê hương luôn hướng lòng, dõi theo từng bước hội ngộ, thật đáng quý biết bao!
6h15 - Đầu cầu truyền hình(hội ngộ) tại điểm nhà Anh Thắng đi điểm tâm sáng và chờ nhận lệnh của Lớp trưởng. Ngủ rồi, ăn xong, vẫn chưa nhận được lệnh của Thủ trưởng và đồng đội ở bên cầu truyền hình ( hội ngộ) phía nhà Anh Dương. Tất cả vẫn ở trong tư thế chờ đợi và sẵn sàng. ( Tội nghiệp cho Anh Lớp trưởng phải bề bộn lo lắng tính toán cho mọi người, nên bù lại mọi người phải chờ đợi Anh trong lo lắng...)
Cuối cùng các hướng cũng tụ hội về quán cafe Hoa Sứ cùng nhâm nhi cà phê sáng. Lần lượt từng Anh được giới thiệu và chat với A Dũng và A Giang ở nước ngoài ...cũng như chờ Anh Dương đến để xuất phát.

9h30 - Tất cả di chuyển về nhà xứ Thanh Hải nhận phòng. Hú hồn, cuối cùng được bắt đầu cuộc Hội Ngộ chính thức.
(Còn tiếp)

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

NHẬT KÝ HỘI NGỘ - Phần 2

NHẬT KÝ HỘI NGỘ - Phần 2

( Nương Tử 72 )

Trời sáng hẳn, mọi người trong nhà đã dậy gần hết, rộn ràng chuẩn bị cho tiệc đám cưới vào lúc 8h30. Chị Khoa (Thủy) cứ mừng rỡ tay cầm tay, tay quàng vai tíu tít hỏi han, nhìn Chị đơn sơ chân tình em bỗng vơi đi cơn say xe và say mưa suốt đêm qua. Đoàn Thê tử được mời ăn món bánh CĂNG đặc sản của miền cát trắng pha xám ( có nơi còn gọi là bánh khọt ). Món ăn dân dã chân quê mà đậm đà tình cảm của chủ nhà.
Các Đấng trượng phu cũng đã xử lý xong phần bao tử và trở về. Em lại được nhận lệnh của các Anh SB nhà mình : - lên đường di chuyển qua nhà Anh Thanh ở gần đó, để nhường chỗ cho họ hàng từ phương xa về dự đám cưới. Như đoàn dân Du mục, chúng em lại khăn gói nhanh nhẹn lên đường, mặc dù chẳng biết Anh Thanh là ai, và nhà ở nơi nào?

7h - Đến trạm dừng chân mới. Một "Lâu đài tình ái" rất gọn gàng sạch sẽ. Anh Thanh đã mến khách rồi, Ái nữ thứ hai của Anh còn quý khách hơn, Nữ chủ nhà ( chị Kiều) bận đi phụ đám cưới nên không có nhà. Hai Cha con cứ bận bận rộn rộn đi theo khách mời mọc ăn, uống, nghỉ ngơi...Mọi người cảm thấy tự nhiên thoải mái, không còn phân biệt được ai là chủ, ai là khách nữa ( một lần gặp gỡ đã như quen thửơ nào...) Anh Thanh có bốn cô Công Chúa : 1 đã lập gia đình, 1 đang ở nhà với ba mẹ, 1 bán thuốc Đông y, 1 đang tu trong dòng Mến Thánh Giá ở Phan Thiết.

Phái đoàn được dẫn đi tham quan dòng sông DINH gần sau nhà, thật khoan khoái với làn gió sông hiu hiu trong lành, nước sông mùa này chỉ trôi nhè nhẹ lững lờ, đủ kịp nhìn bóng những nương bắp xanh trù phú san sát hai bên bờ phù sa, đang trổ cờ ra trái di chuyển dưới mặt nước lung linh. Người dân Phước Thiện may mắn có con chảy sông hiền hòa chảy quanh làng, góp phần làm kinh tế thinh vượng , và làm tâm tính ôn hòa hơn . Con người sống gần sông nước có khác, tình cảm cũng dạt dào, chan chứa thật thà như sông .

8h30 - Sau khi rộn ràng chuẩn bị thiệp mừng cho đôi tân hôn, các Anh đi dự tiệc, em xin phép được ở nhà vì cả hai mẹ con đều cảm thấy hơi choáng váng, sợ nhịp sôi động của trống đàn làm quỵ mất...còn hai ngày hội ngộ nữa cơ mà! Ở lại nhà, thiếp đi một chút, được dùng bữa thanh đạm với nồi cơm gạo trắng lúa mùa quê hương, và trò chuyện cùng Công chúa thứ hai quá chu đáo và hiếu khách của gia chủ, càng bất ngờ hơn về TÌNH SAO BIỂN, đã chan hòa thắm thiết đến cả thế hệ tương lai - Lại ấn tượng !

11h30 - Tiệc tàn, khách mời đã về hết, gia đình 72 , còn nán lại chia sẻ niềm vui thân tình cùng gia đình trước khi chuẩn bị tiếp tục lộ trình. Các Anh bây giờ đã đông hơn, về dư đám cưới có Anh Bảo, A Cảnh, A Dương, A Dung, A Định, A Hà, Anh Đức Thắng, A Xuân Thắng, A Thanh, A Việt. Anh em có dịp gặp nhau, thật đông vui hơn tết.

13 h - ( Chúa nhật 25/7/2010 ) Phái đoàn lên xe tiếp tục rong ruổi về quê Mẹ Nha Trang.



( Còn tiếp)

Xin coi thêm hình ở đây: