Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2007

Thương về Hòa Yên nhớ Sao Biển

Trần Thế Huy 72

Múa võ đôi chiêu đã rớt đài
Ngoáy bút vài hàng đã cứng tay
Võ đâu phải tổ, văn chẳng cụ
Thế ra ấm ớ cái gì đây?
Ba mươi năm gác bút dẹp nghiên
Mãi lao đao cơm áo gạo tiền
Moi móc chán còn đôi ba chữ
Thông thứ nhé Tâm Tư Sao Biển

Còn gì nữa đâu mà khóc với cười. Hoà Yên còn đó Sao Biển còn đây. Nhưng những gì của hôm qua hôm nay đâu còn. Hãy cố quên đi để quá khứ không đè nặng tương lai, để hôm qua không trở thành nỗi bất hạnh, sự dày vò của hôm nay. Tôi muốn là người điên để không còn biết nhớ và để xua tan nỗi buồn, tôi phải là thằng say. Vì cả hai thằng điên, thằng say đều dễ cười dễ khóc.

Như đứa trẻ tập đi bước một, bước hai, người mẹ buông tay, con ngã sóng soài. Tôi chập chững bước chân vào Sao Biển, cũng bước một bước hai. Mẹ không buông tay ra nhưng đứng nhìn thời cuộc giành lấy và xô ngã con mình... Có lẽ Mẹ muốn những đứa con của Mẹ cũng sẵn sàng hai tiếng "xin vâng" như Mẹ đã từng. Nhưng Mẹ ơi... Khó quá!
Ngồi buồn, nằm buồn, suy nghĩ buồn: lục lọi trong quá khứ của mình chuyện cổ tích kể lại cho bá tánh nghe chơi.

Tôi có một người cậu mà anh em Sao Biển hay gọi là Bà Điều (Nguyễn Ngọc Điều 67). Trong đầu óc non nớt của tôi ngẫm rằng đã là bà thì tóc phải dài, ngực phải nở. Khi cần "…" thì ngồi. Đằng này hơi rối trí à nghen! Vì thấy cậu mình tóc không dài, ngực không nở, khi "ấy" thì lại đứng. Đích thị là Adam rồi, cớ sao lại gọi là bà? Dù bà hay bóng thì giờ đây cậu mình cũng bỏ cha bỏ mẹ đi làm cha của hai đứa trẻ xứ Kangaroo rồi.
Khi cậu đi tu thì tôi vẫn còn thích chạy rông, thích trần truồng tươi mát. Lớn lên chút nữa, biết ngài ngại trước phe kẹp tóc nên quần nghiêm áo chỉnh. Mỗi dịp hè sang cậu thường bày trò dạy Le Francais élémentaire, nhưng hồi đó tôi hay bực cậu về việc chuyên gia mở cửa "nhà nhỏ", chỉ cần một thanh tre mỏng đưa vào khe cửa là y như rằng "Vừng ơi, hãy mở ra", súng ống, đạn bom có gì mang ra triển lãm hết. Cậu bịt mũi, cháu bịt mồm cùng cười vang. "Chà, dân Sao Biển cũng nghịch gớm!", tôi thầm nghĩ.

Cậu tôi có một anh bạn mang dòng họ Đậu, cùng ở xứ Hoà Yên. Khi anh chàng họ Đậu học tiểu chủng viện Sao Biển thì tôi không để ý lắm, nhưng hình như sau đó thấy vườn Quy Nhơn đất lành, chàng họ Đậu bèn đáp thử. Tuy lúc này tôi còn nhỏ nhưng cũng thích nghe cậu tôi và anh chàng họ Đậu cứ tối đến ôm cây đàn guitar ra bên hông nhà xứ Hoà Yên nghêu ngao hát. Bài hát mà tôi nhớ nhất là bài: "Mal, au fond du coeur…" Có lẽ cung giọng hát quá cao, cộng với tiếng ồ của tuổi dây thì, và do phải lấy hơi nhiều, thế nên dù trời tối tôi vẫn cảm thấy mặt anh họ Đậu đỏ bừng và ở bên dưới cổ gân nổi to bằng ngón tay. Sau này bài hát được dịch sang Việt ngữ tôi mới biết ý nghĩa của nó là: "Đau, từ đáy trái tim...". Chậc, mới đi tu mà đã biết đau, "…ta buồn đau ...Oui j'ai mal". Excusez-moi. Chỉ là vô tình, chỉ là quá khứ, nhưng sao hôm nay nghĩ đến, ta nhớ về người. Ôi, kỉ niệm quá ư là đẹp, phải không anh Đậu Hiệu? Hello.

Năm 1966-70, tôi rất ư là sốt sắng trong việc "nhà cha", từ giúp lễ, dọn bàn thờ, đến quét rác, và ngay cả rình kẻ cắp lấy trộm tiền ở hòm dâng cúng Đức Mẹ v.v… Vì tiếp xúc nhiều với các bậc đàn anh là những kẻ hồi đó tôi thường gọi là "dị ứng với đàn bà", nên ít nhiều quan niệm về đời tu dần được hình thành trong đầu óc non nớt của tôi. Ngặt nỗi cha xứ Hoà Yên hồi đó là bác ruột của Mr. Điều 67 và của thân mẫu tôi. Cha J. B. Nguyễn Quang Minh lại rất ghét tôi… vì đã dám nhốt cha ở chuồng khỉ.
Số là như thế này, đã 4 giờ chiều, cha ra chuồng cho khỉ ăn. Sợ khỉ chạy mất cha vào bên trong và dặn dò tôi ở bên ngoài phải gài chốt chặt cửa lại. Huy tôi thưa vâng và ngồi gác cửa nghiêm chỉnh. Bỗng một thằng bạn học ôm trái banh đi ngang, thấy tôi ngồi một mình, tưởng bạn mình buồn nó bèn huýt gió gọi đi đá banh. Ham vui quên cả nhiệm vụ, mải nghe theo tiếng gọi của trái banh, Huy tôi phóng tót qua hàng rào. Trời đã về chiều, bóng vẫn lăn, chỉ đến khi trọng tài vườn thổi còi miệng "Thôi nghỉ", Huy tôi mới sực nhớ cha đang ở chung với khỉ. Không nói ra nhưng chắc anh em cũng biết sự thể sau đó như thế nào. Những người biết chuyện sợ cha nổi cơn thịnh nộ: xanh máu mặt, riêng tôi thì trốn biệt luôn, miệng "lạy Chúa, con ở dưới vực sâu kêu lên Chúa".
Tuổi dậy thì của tôi đã đến khi tôi còn ở Sao Biển. Tôi không còn trẻ con nghịch ngợm như trước nữa mà trở nên "mơ màng nghe chim hót trên cao"… Tôi cố gắng lột xác ép mình vào khuôn khổ để cha xứ vui vẻ mà quên đi câu chuyện thằng đó to gan nhốt cha trong chuồng khỉ.

Lớp tôi có một thằng bạn ở Hà Dừa, tên nó là Kỉnh, Nguyễn Thành Kỉnh. Nó có ông anh tên là Nguyễn Chí Cần. Nói tới Rev. Nguyễn Chí Cần thì tôi rất nhớ, lại nhớ dai nữa chứ, không thể nào quên. Người ta nói: "miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời". Huy tôi lại lắm chuyện cho anh em nghe: hôm ấy đang giờ học, lớp được bố trí ở trên lầu ngay sau hồ cá Đức Mẹ. Bàn tôi có ba người. Cả lớp đang im lặng, bỗng rầm: tôi tưởng động đất sập nhà rồi. Nhìn sang bên cạnh, cả hai thằng bạn cũng giống như tôi, đều chổng vó lên trời. Anh em biết sao hông? "Ghế bị gãy chân!". Thầy Cần trợn mắt lên sau đôi kiếng trễ, môi miệng vừa bặm vừa nhô ra, cầm cây thiết bản múa máy trước mặt bọn tôi: "Để tay lên đây, không tại gì hết". Bốn ngón tay trên bàn tay phải của tôi run lên sau cú couper nghiêng thước của thầy, không thể cầm bút viết được nữa. Một nỗi oan không nói thành lời, chu choa, miếng đòn đau nhất ở Sao Biển của tôi, cố cười nhưng cứ mếu, muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy ngược vào trong, cổ họng ực ực liên tục. Tức quá tôi thầm rủa "thầy Cần vừa xấu vừa ác như phù thủy, chắc không làm cha được đâu".
Do bị đòn đau vì cái ghế, cho nên từ đó về sau, trước khi an tọa tôi luôn phải quan sát ngâm cứu thật kỹ. Ăn trông nồi, ngồi trông ghế! Cám ơn thầy, vì xưa bị ăn đòn mà đến nay em còn nhớ đến thầy, nhớ bao công lao thầy dạy dỗ chỉ bảo cho chúng em. Ấm ức nhưng đa tạ, còn thầy, thầy còn nhớ chúng em không? Những thằng gãy ghế và gãy gánh giữa đường… tu.

Vịnh dừa Sao Biển
Tiếng gió biển vù vù suốt ngày đêm lay động lao xao những tàu dừa trong sân trường. Hàng dương cũng đua nhau réo rắt liên tục, hoà với tiếng sóng vỗ ầm ì ngoài bãi cát. Tuy phải nghe bao âm thanh hỗn độn rộn rã, nhưng phải nói là trời ban cho bọn nhóc tụi tôi phân biệt rất chính xác mọi thứ âm thanh. Trong đó phải kể đến tiếng động của quả dừa khô rơi xuống đất, không lầm lẫn vào đâu được, chính xác 100%. Quả dừa khô rớt xuống đã nằm yên một chỗ, tuy sốt ruột (vì sợ tiểu quái khác lấy mất) nhưng bọn tôi vẫn phải giả vờ ngủ say, lâu lâu lại hí mắt nhìn xem "lính gác" có còn đi qua đi lại trên phòng ngủ không. Êm rồi, chỉ cần vài phút chớp nhoáng, quả dừa khô đã nằm gọn trong châu thau giặt đồ dưới giường bên trên nguỵ trang bằng vài bộ quần áo bẩn.

Những thằng bạn cùng lớp cùng xứ: Trần Quốc Định, Đậu Đèn (la lam) và tôi là những con sâu dừa. Không biết dừa Sao Biển có xì ke không mà bọn tôi nghiền thế? Giờ ra chơi chỉ cần một quả bóng lăn ra khỏi vòng cấm là y như rằng chỉ trong chớp mắt, cả banh và dừa khô cùng nhau rơi xuống. Lần nào xưng tội cũng "thưa cha, con có tội ăn cắp... dừa khô", nhưng thú thật với anh em, bỏ không được dịp tội nhan nhản khắp cả sân trường Sao Biển.

Vịnh chuối đèo Rù Rì
Bữa cơm nào mà không có chuối, hôm nào trúng độ banh thì tha hồ ăn chuối của anh em bể độ. Thế mà bọn này vẫn thèm chuối, mà chuối ở đây là chuối cúng trong cái miếu nhỏ trên đèo Rù Rì. Đúng là đang tuổi ăn tuổi lớn, cứ tống hết vào bụng những gì xực được. Phần tôi thì tích cực trong việc ăn uống, nên vẫn hồn nhiên "giá mà có càng nhiều miếu càng tốt". Hic, giờ kể lại cho anh em nghe, tôi vẫn thấy ớn lạnh vì sợ các hồn ma bị tai nạn giao thông rờ gáy khi đang chạy xe: đòi chuối.

Kỷ niệm còn nhiều nhưng thời gian học ôn đã hết trang giấy ngày này năm xưa có hạn… xin tạm gác bút. Lời cuối, ngu Huy xin tạ từ và mong ước một điều trong các điều nhỏ nhất: dù có là gì đi nữa, xin hãy đừng đào hố sâu ngăn cách giữa linh mục Sao Biển và giáo dân Sao Biển, giữa giàu và nghèo, giữa ông và thằng, vì nếu không có giáo dân, linh mục sẽ chào "Chúa ở cùng… ai!" Và nếu… Than ôi! Sự thật hay mất lòng, nhưng có cái không thật mà chẳng mất lòng ai bao giờ!
Vì Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, anh em Sao Biển ơi!

Trần Thế Huy 72

Chén nước mắm

Trần Thế Huy 72

Quá khứ có thể là nụ cười của hiện tại và cũng có thể là giọt nước mắt của tương lai…

Hè năm lớp 6, rời Chủng viện Sao Biển, tôi được gia đình cho phép bay ra Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên, nghỉ mát. Thích quá, chưa muốn quay vội về vùng đất cát Cam Ranh chói nắng thuỷ tinh, tôi bèn giả vờ đăng ký ở lại học hè, tuy giả vờ nhưng học thật. Nơi tôi ở là nhà ông cậu, con chú bác với mẹ tôi, lúc này ông ấy đang làm nghề godautre, tuy ít nói nhưng nghiêm nghị.
Thời gian qua nhanh, mấy chốc mà đã hết nửa cái hè rồi, chẳng bao lâu nữa lại phải giã từ những trò vui thú, buồn ghê… Mãi suy nghĩ lo lắng vẩn vơ, tôi không kịp chuẩn bị tinh thần để đối phó với câu nói của thằng con ông cậu: "Mày ở đây ăn cơm chực nhà tao." Tức quá tôi quyết định nhịn đói. Thế là tới bữa ăn sau đó, tôi nằm dài trên giường, rồi đi lang thang ngoài sân không thèm ăn nữa, mặc cho các lời mời mọc réo gọi bên tai (cũng bày đặt tuyệt thực). Nhịn ăn từ sáng đến chiều, tôi đói xanh mặt; cuối cùng không thể chịu được nữa, tôi phải cố đấm ăn cơm. Nhưng lúc này trên mâm chỉ có cơm và chén nước mắm cay, cay ớt và cay nước mắt… Rồi thì cái cay nào cũng hết, như tuổi thơ dễ giận dễ hờn và cũng dễ quên. Nhưng tôi bỗng giật mình vì người lớn không dễ quên! Sau vài ngày xảy ra chuyện ấy, tôi quay về nhà và qua ông già tôi, tôi nghe được câu kết án của ông cậu vốn thủ cựu và cố chấp: "Thằng đó tự ái quá, không đi tu được đâu". Tôi không ngờ những người làm sư phạm lại không hiểu tí gì về tâm lý của từng lớp từng tuổi… Trẻ con mà! Đánh nhau cửa trước, chơi với nhau cửa sau; vừa mới cấu xé nhau xong đã đứng bên nhau… đứa chìa tay, đứa nuốt nước bọt, hau háu chia nhau miếng bánh, nếm vị ngọt của đường trộn lẫn với vị mằn mặn của giọt nước mắt còn đọng lại trên khoé mắt, khoé môi. Chúa Giêsu xưa xuống thế làm người cũng khoái cái ngây thơ hồn nhiên ấy: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Ta", hay: "Nước thiên đàng thuộc về những người như chúng". Nếu mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó thì tôi không có gì nói nữa; nhưng ba tôi hễ cứ mỗi lần bực tức là lại đưa cái tự ái trẻ con của tôi ra làm đề tài, khiến tôi ít nhiều có ác cảm với ông cậu, với ba tôi và với những người lớn.
Đất nước thay đổi làm tan tác mỗi người một phương. Anh em nào may mắn tốt số thì lọt vào phương đẹp, còn tôi thì tứ phương chẳng có phương nào! Xin đi học tiếp: nhà nghèo. Xin đi tu tiếp: tu gì mà tu, nhiều tự ái. Một câu nói lúc bực, một cái nhìn không thấu đáo, không cảm thông… đã làm ảnh hưởng không ít đến một con người; thậm chí hệ quả của nó đã cắt xén, đập tan và giết chết cả đời con người ta nữa (việc quá khứ đè nặng tương lai tôi đã đề cập đến trong TTSB xuân 2005).
Nếu mà hồi đó ai cũng cho rằng "Ối dzào, trẻ con mà!"..., nhưng không, sự nghiêm khắc của Nho, Lão, Khổng đã hình thành nên sự phong kiến, tạo nên một cái khuôn, một cái lề cứng ngắc bắt mọi người phải toa rập và không gì có thể thay thế được! Ngay từ khi còn ở Tiểu chủng viện Sao Biển, một lời phê quen thuộc "Ít cởi mở, ít hoạt động trong giờ chơi" đơn giản thôi, thế mà nó vẫn còn đeo đẵng tôi mãi đến hôm nay… Ngày đó, để xoá tan lời phê không biết là của Cha, của Thầy nào đã vô tình in đậm vào đầu, tôi đã cố gắng lăn xả chơi, chơi hết mình… để cuối cùng lãnh bao nhiêu cái thẹo ở mông, ở đầu gối, mà vẫn không sao lay chuyển được tình thế. Lần sau cũng như lần trước: Ít cởi mở, ít hoạt động trong giờ chơi; và thế là ông già tôi lâu lâu có chuyện lại: các Cha đúng… Ôi thành kiến!
Đối với bổn phận làm con, áo mặc sao qua khỏi đầu, ai mà không có đấng sinh thành. Biết rằng có nói ra cũng chẳng được gì thêm, không cứu vãn được chi nữa…nên lắm lúc để an ủi mình, tôi tự nhủ: thôi, ít nói là bạc, nhưng im lặng là vàng. Rồi cũng đến cái ngày tôi được làm cha. Đã là cha mẹ, ai mà không ước mong cho con cái mình thành đạt? Nhưng tôi dám nói rằng chỉ những người khi nghe con trẻ thỏ thẻ bên tai: Ba ơi, má ơi cho con đi tu, cho con đi học (không phải vì tôi ấm ức chưa đi được đến nơi đến chốn) mới cảm thấy thật không còn gì sung sướng và hạnh phúc cho bằng… Chẳng phải vì tôi háo danh, cũng chẳng phải vì tôi muốn được làm ông Cố để được thiên hạ bẩm thưa. Dù có tu được hay không được tu… thì ở đích điểm cuối cùng, con cái của chúng ta cũng trở thành những người hữu dụng cho xã hội, những người sống với đầy đủ nhân cách. Đó là điều tôi thấy đáng nói nhất và quí nhất, mặc dù vẫn biết rằng đã có một ít sâu tạo nên châm ngữ: nhất quỉ, nhì ma, thứ ba tu ra. Nếu ai nghĩ là "mèo khen mèo dài đuôi" thì sai lầm lớn... Trong số các Thánh của Giáo Hội Công Giáo đâu thiếu những vị Thánh có quá khứ lầm lỗi, xấu xa như Phêrô, Mađalêna, Augustinô… Nếu như bậc sinh thành hoặc bề trên của các Ngài mang nặng thành kiến và cố chấp (có thể hiểu nôm na như bệnh in trí), thì con đường nên Thánh của các Ngài không đơn giản, không dễ dàng. Thánh Phêrô không thể đứng đầu Giáo Hội nếu như Chúa Giêsu cố chấp tội nói dối, tội chối Chúa. Cũng như Mađalêna và Augustinô, nếu xã hội loại trừ, cha mẹ không quan tâm thì… Tuy yếu tố đó không là trở ngại chính (theo tôi, trở ngại chính là thiếu ý chí, không thắng nổi bản thân) nhưng nếu nhìn nhận theo chiều ngược lại, ít nhiều nó cũng là động lực góp phần để hình thành nên một đấng bậc cho xã hội. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đều có cái xấu và điều tốt. Chúng ta không thể ngồi im để cho cái xấu lên ngôi, nhưng chúng ta phải nhìn nhận đâu là điều tốt, điều nên làm, nên giữ lại hoặc phải thay đổi, phải canh tân…với ước mong thế hệ sau sẽ hay hơn, sẽ phong phú hơn.
Rút kinh nghiệm của bản thân, của người không được tu, không được học đến nơi đến chốn và của người làm cha, tôi không dám múa mỏ khoe môi, mà tôi chỉ ước chỉ mong chúng ta quan tâm nhiều hơn nữa khi con trẻ có sở trường, có ước nguyện, nhưng phải là những cái tốt điều hay, những cái hướng thượng... Đừng ngăn cản, đừng vùi dập những lý tưởng cao đẹp và cũng đừng sử dụng hơi quá quyền gia trưởng, kiểu "muốn nói ngoa làm cha mà nói", hoặc cứ tự cho là "phụ mẫu tiểu thiên địa" (cha mẹ là đức chúa trời con ) và thế là mọi cái cứ phải phải… Vẫn biết trong giáo dục: giáo bất nghiêm, sư chi noạ, nhưng cái đó còn tuỳ theo từng trường hợp, từng cá tính của mỗi con người thọ giáo... Như thế vô tình tự anh em mình, những bậc làm cha mẹ đã dựng nên rào cản, đã tự đào hố sâu ngăn cách trong việc giáo dục con cái và tệ hại hơn là mối quan hệ cha con bị sứt mẻ. Trẻ không dám gần cha, luôn tìm cách né tránh gặp mặt, không thích nghe và không muốn hiểu bởi lý do đơn giản: sợ. Đôi lúc tôi cảm nghĩ, trẻ khóc nhiều vì lỗi nó phạm thì ít, nhưng có lẽ…có lẽ vì những người làm cha mẹ phủ đầu chúng, trút cơn giận lên đầu chúng đủ kiểu đủ cách. Khóc vì hối hận sẽ dễ dàng hoán cải hơn là khóc vì bực, vì tức. Trẻ xin đi học, anh em bảo nhà nghèo; trẻ xin đi tu, anh em bảo phải là Thánh mới tu được (đã là Thánh thì ai cần tu nữa). Giật mình... hạt giống tương lai sẽ nảy mầm èo uột nếu người làm vườn hôm nay không chăm nước bón phân. Người bên Công Giáo chúng ta vẫn thường an ủi nhau: Chúa định… Tôi nói thật: không uống rượu thì làm gì có say, có đụng xe, bị chai gan…; không xài dao thì làm sao có đứt tay, có án mạng, bị đi tù; đừng đổ tội cho Chúa quá nhiều. "Nul n'est pas content de soi" có thể đúng với người luôn cố gắng muốn vươn tới phía trước, chưa đạt kết quả chưa hài lòng, và có thể sai với người an phận, tạm chấp nhận, bằng lòng với số phận mình.
Thời gian không ngừng trôi, ngày nào mà chả giống nhau: sáng trưa chiều tối…, nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị ngay từ khi còn có thể thì chắc chắn tương lai không những chính chúng ta hối hận, mà cả một thế hệ con cháu chúng ta sẽ như thạch sùng: tiếc nuối.

Trần Thế Huy 72

Thôi Rồi Trường Xưa!

Trần Thế Huy 72

Ve ơi ca chi bài vĩnh biệt
Để ngàn đời ta hận tiếng ve ngân

Cuộc chơi nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Và nó đã kết thúc thật phũ phàng khi chúng tôi phải miễn cưỡng rời nhà mẹ, vĩnh viễn xa lìa những ước mơ, những lý tưởng cao đẹp… Để đến hôm nay, mai sau, nỗi buồn nhớ nhung tiếc nuối những kỷ niệm của đời chủng sinh mãi ray rứt trong tôi.

Sóng biển xưa bịn rịn bước chân người
Người đi rồi sóng giỡn với ai đây
Thôi nhé sóng đừng buồn đừng khóc nữa
Vỗ càng nhiều càng vỡ nát lòng ta!

Trong tôi vẫn còn ấn tượng mạnh về cuộc thi môn giáo lý ngộ nghĩnh với câu hỏi: "Thiên thần là đàn ông hay đàn bà?" và bài trắc nghiệm trí nhớ gay go về tiểu sử cuộc đời của Đức giám mục F. X. Nguyễn Văn Thuận. Để trở thành chú tiểu, tất cả chúng tôi phải cố gắng làm bài và phải vượt qua vài trăm thí sinh. Cám ơn Chúa, Mẹ, tôi đã được toại nguyện sau khi hoàn thành tốt bài trắc nghiệm trên. Gaudium et Spes. Thế là tôi đi tu.

Bỡ ngỡ ngơ ngác trước cổng trường như bao người khác, bịn rịn chia tay những trò nghịch ngợm của tuổi thơ, biết nói gì đây, vui buồn lẫn lộn. Những ngày đầu sợ các cụ thì ít, nhưng buồn vì xa nhà thì nhiều. Bạn bè tôi không ít đứa đêm nào cũng thút thít, riêng tôi thì không dám nói mình can đảm anh hùng, nhưng có lẽ nước mắt tôi đã khô đi, vì trước khi vào trường tôi đã khóc thương và ngàn đời vĩnh biệt người mẹ hiền yêu quý. Cuộc sống ở Sao Biển tôi không nhắc lại làm chi nữa, vì những ai đã một lần đi qua, đều có những kỷ niệm gần như nhau.

Tháng 5 rợp trời hoa phượng đỏ, chúng tôi thường bảo nhau đây là tết của học trò, cái cảm giác sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết… đời học sinh ai mà không thích thế. Ai không thích dỏng tai nghe ve sầu ngân nga, nhấm trên môi cánh phượng đỏ chua chua.
Nhưng năm nay trường tôi phải đón hè sớm. Khi ve sầu chưa kịp lên tiếng hát, cánh phượng trên cây còn ẩn mình trong áo nụ, kể cả bài thi cuối lớp vẫn chưa xong.
Lần này cũng như bao lần đã qua, nhưng vội vã hơn những lần trước. Tất cả chúng tôi thu xếp bút nghiên hành trang, không ai bảo ai, gương mặt người nào cũng buồn xo. Có lẽ ai nấy đều cảm nhận đây là lần cuối cùng bên nhau dưới mái trường yêu dấu.
Lịch sử sang trang thật rồi, mở mắt ra đã thấy cuộc đời mình đổi khác. Thất vọng, chán nản, buông xuôi.

Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước
Dòng đời còn đó dòng tu đâu còn?

Hụt hẫng chơi vơi giữa dòng đời oan trái, nơi mà mãi đến hôm nay, nó vẫn ngày ngày nhấn chìm tôi thật nghiệt ngã. Ôi ngả rẽ cuộc đời đau đớn quá.
Hai mươi chín năm đã trôi qua, quãng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để làm cho chúng tôi những mái đầu xanh trở thành đầu bạc và cũng không ít bạn bè tôi từ thằng trở thành ông, trong đó có tôi. Nhanh thế đấy: chú tiểu tôi ngày xưa nay đã là ông ngoại.

Người xưa thường nói: "Tu là cõi phúc. Tình là giây oan. Đời là bể khổ". Thấm thía thật, ngày nào cũng có sự khốn khổ của ngày đó… Khổ đến nỗi đêm về tôi vẫn nằm mơ thấy mình đang cuốc đất, giơ lên hạ xuống, cuốc liên tục. Vợ con giật mình thức giấc: "Anh làm gì rộn vậy?" Tôi tỉnh queo trả lời: "Anh đang cuốc". Dụi mắt nhìn kỹ thấy vợ bị tay cuốc vểu môi đang nhăn nhó xuýt xoa. Biết nói gì hơn.

Tôi trở lại thăm trường vào một tối mưa dầm tháng tám. Cảnh cũ đã thay đổi nhiều không như tôi vẫn tưởng. Mẹ Sao Biển không còn đứng đợi để ôm ấp các con yêu vào mỗi chiều thứ bảy nữa. Ngôi nhà nguyện nơi chúng tôi gửi gắm tất cả tâm tình giờ là con đường mà ngày qua ngày những vết xe lăn cùng bao bước chân vô tình đua nhau giẫm đạp, dày xéo. Nơi mà 29 năm về trước, trạm giao hoà giữa đất trời, giữa Thiên Chúa và nhân loại. Sân bóng rổ cạnh nhà nguyện cũng không còn nữa. Cái sân ngày xưa tôi rất ghét, vì tuy ở đấy không nuôi ếch, nhưng đã vào chơi là phải chụp. Giờ đây làm sao tôi quên được khi tắm rửa bất chợt sờ lên những vết sẹo sần sùi, lồi lõm và xấu xí. Thế mà ngày ngày nó vẫn nhắc nhở cho tôi bao kỷ niệm của Sao Biển dấu yêu. Làm sao nói hết Sao Biển ơi!

Mưa biển Nha Trang hoà với những giọt mưa lòng mằn mặn trên môi. Ngoái nhìn dấu cũ trường xưa một lần cuối, nghẹn ngào.
Vĩnh biệt nhé Sao Biển. Thương mãi người ơi!

Ghi lại chút cảm xúc nhân một chuyến về thăm Nhà Mẹ Sao Biển
Trần Thế Huy 72

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2007

Gia Đình Hưng

Tìm mãi mới được tâm hình gia đình chụp chung dịp Giáng Sinh năm ngóai. Chúc các bạn mùa Giáng Sinh vui vẻ nhé.
Hưng, Diễm, Quân, và Linh

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2007

Cọp 72

(Huy ơi, đọc bài cậu viết mới chợt hiểu lịch sử của mấy tấm hình, mình cho nó vô bài viết này nhé. Mong cậu không chấp :) hưng

Cọp 72
Huy Năm Cọp 72

Mấy em tiếp viên nhà hàng phục vụ lớp 72 cười hóm hỉnh. Một em nghe giọng nói như là người Huế, nhẹ nhàng, ngọt ngào kéo ghế ngồi cạnh tôi và thắc mắc hỏi:
- Răng em chộ lớp các eng họp mặt toàn là nam, nỏ có nự?!
Bọn tôi khúc khích trả lời:
- Phại, hồi nớ đi thi nự rớt hết - rứa em hỏi mần chi? mới có nam không mà đã đụ chệt, có nự nựa chắc chệt luôn ! hì hì …


1. Nha Trang đang vào mưa, những cơn mưa áp thấp kéo dài lê thê, ẩm ướt, gây khó chịu và dơ bẩn. Tuy thế nó vẫn không ngăn được những đứa con của Mẹ Sao Biển từ khắp phương xa lũ lượt quay về dưới mái nhà Đại Chủng Viện (ĐCV) hân hoan đón mừng lễ Sinh Nhật Mẹ.
Trong chúng ta, những ai đã từng đi qua trường Tiểu Chủng Viện Sao Biển một lần sẽ không thể nào quên được ngày trọng đại ấy: Ngày mùng tám tháng chín. Cũng vì lẽ đó, dù mưa, dù gió, tôi và một người bạn ở Đồng Nai xa xôi, lặn lội về Nha Trang, cùng với những anh em lớp CSB 72 là lớp học cũ của bọn tôi hồi trước, tề tựu quây quần tại ĐCV tham dự Thánh lễ, trao đổi tâm tình và … nhậu.
Bẵng đi một thời gian rất lâu, kể từ ngày đó, ngày mà con xa Mẹ, Mẹ xa con. Ôi trường xưa đã mất! Tuy thời gian sống với nhau không nhiều, nhưng cũng không nỡ nào đánh mất và bỏ quên những gì của "một thời để nhớ, một thời để thương" ấy được.

Do vậy, vào dịp lễ Sinh nhật Mẹ năm 2000, lớp CSB 72 bắt đầu đi tìm lại những khuôn mặt đã mất đi để hội tựu … và thế là từ đó đến nay đã tròn 6 năm, không năm nào mà lớp CSB 72 không cùng nhau "quậy" tại ĐCV vùng Nha Trang. Đức Giám và các Cha lớp trên nhìn xuống khen ngợi, các Thầy và các chú lớp dưới nhìn lên rằng: " Các anh ngon quá, chịu chơi thiệt" . Cũng bởi vì được khen và được tiếng chịu chơi thiệt (chứ ai lại chơi dỏm), lần hồi lớp CSB 72 đã "quyến rũ" được Cha Minh cời 66 (xin lỗi đàn anh nhé, vì nếu không gọi tên cời ra thì nhiều kẻ không biết và dễ lầm, vì lớp em cũng có một tên Minh nhưng là Minh già hồ), rồi đến Cha Điện 69 và Cha Hoá (mới ra lò). Thế là lớp CSB 72 bọn tôi được tiếng là chơi Cha (thích rủ các Rev. nhậu), còn việc các Cha khoái nhậu chung với lớp CSB 72 thì tôi không được rõ … Mặc kệ, chỉ biết rằng các ảnh chơi tới bến, không chịu thua thằng 72 nào hết là ngon cơm rồi. Lắm lúc vào bàn nhậu, " bần tăng thì ăn cơm Chúa, múa tối ngày" , còn bọn bần tục tụi tôi thì thuộc loại "ma chê quỷ hờn" , do đó vài ly đầu còn khập khiễng so le chưa ăn ý, nhưng khi đã ngà ngà rồi thì tăng với tục, nói theo kiểu của M.C. Long Vũ trong chương trình Chiếc Nón Kỳ Diệu của đài truyền hình VTV3: "chữ T có một chữ T" , cả hai cùng ăn khớp còn hơn là keo con voi. Mà khổ nỗi mấy cái thằng 72 không được làm cha bị trời bắt làm bố, nói toàn chuyện độc, chuyện trời ơi đất hỡi không hà, thật quá xá lắm: "Trẻ không tha, già không thương, dở dở ương ương làm tuốt" , đến nỗi tôi phải nói với anh Minh 66 và anh Điện 69:
"Nếu mấy thằng này mà xưng các loại tội đó, anh cứ buộc lại, đừng tha. Tha càng nhiều, tụi nó phạm càng nhiều! Toàn những tội khoái phạm".
Thế là bị phản phé ngay lập tức: "Không sao cả, nếu giải tội cho bọn em, các anh chỉ cần giải cho một thằng là đủ rồi, bắt nó đền tội bao nhiêu, tụi em cũng sẽ đền tội bấy nhiêu, OK".
Các anh ấy chưa hiểu hết ý, cứ "no, not", tụi CSB 72 liền bộc bạch:
"Dễ hiểu mà cũng đỡ mất thời gian cho các anh, vì tụi em cùng phạm một loại tội giống nhau!"

Thế là cha con, anh em cùng hì hì vang rền. Được cái đi nhậu chung với các cụ không sợ, vì chú ba Hoá (LM mới) tuyên bố rất vui vẻ và cởi mở: "Các anh cứ nhậu thoải mái (có lẽ ý là có thầy đây…) đừng sợ chi cả, vì trước khi đi em đã mang theo …dầu (chắc là dầu gió) có gì đặng xừ ức xức." Lại một trận cười ra nước mắt, khá khen cho kẻ hậu sinh. Xưa kia Thầy chí thánh bảo các con đừng lo chi hết, còn bây chừ thầy cả lo xa quá, hì hì, đức tin con để nơi mô?!

2. Vì Đại Chủng Viện nằm gần biển cho nên năm nào cũng được mừng lễ với cái gu hải sản, do bị bách hại dữ dội nên Thuỷ Tinh mới gào lên: "Trời thương bần tăng nhưng cua cá ghét bần tăng … kệ" . Mồi nhắm đã đầy đủ nhưng khổ nỗi họ đã hết rượu bia rồi! Gặp Cha Mai Hứa, quản lý ĐCV, Huy tôi bèn xin cha làm phép lạ hoá mấy chai bia không thành có, Cha mỉm cười đáo để:
"Đợi các chú say đã, khi đó ta không cần phù phép, nước cũng là bia và bia cũng là nước".
Tiêu rồi, chả trông mong gì được nữa, cứ cũng qua cũng lại thế này, đớ lưỡi luôn… hết ý kiến.
"Nói vậy thôi chứ, nhìn ánh mắt van lơn cầu khẩn của các chú cha không thể làm ngơ được, Chúa Giêsu khi xưa thì: "Ta thương đoàn chiên đói khát không người dẫn dắt, hãy đưa bánh và cá cho ta" , nay quay sang báo Ma Soeur:
- Ta thương các chú hết bia, mau mau mang thêm mấy chai lên đây nữa, đặng ta cho kẻ khát uống.
Cám ơn Chúa Mẹ trước, cám ơn Cha sau cả cám ơn Ma Soeur nữa. Phần tôi nâng ly bia vàng óng lên nhìn thấy ở phía bên kia ly gương mặt tươi cười của Cha Quản lý ĐCV Sao Biển sao mà dễ mến, dễ nhìn, sao mà dễ xinh (bia) thế!
Vừa cạn xong ly bia cuối cùng trên bàn cũng là lúc giờ cơm của ĐCV kết thúc, các Cha, thầy nhanh chóng đứng lên đọc kinh cám ơn, nhanh đến nỗi bọn bần tục tụi tôi chưa kịp nuốt hết thức ăn! Thế là vừa ngồm ngoàm vừa nhìn nhau, vừa cười vừa đọc kinh. Thật quá quắt cho cái lớp CSB 72: chỗ nào cũng vừa cả.

3. Cơm rượu đã no say, cả lớp 72 lừng khừng kéo nhau tìm gặp các ân sư cũ đặng hỏi thăm. Cám ơn Chúa Mẹ đã gìn giữ các ngài không sao cả, vẫn còn nguyên si… Chỉ có một cái khác là thời gian đã phá tan hết những gì của ngày xưa, để hôm nay nhìn lại, chao ôi, đầu tóc các ngài đã bạc phơ, gương mặt các ngài cũng đã mất hết sức trẻ, nhăn nheo thấy thương làm sao.
Gặp lại Cha Phó Giám đốc ĐCV Nguyễn Chí Cần, anh ruột của Nguyễn Thành Kính lớp 72 bạn học cùng bọn tôi, cả bọn láo nháo (khi lớp 72 nhập nhọc, ngài đang còn là thầy giáo):
- Thầy còn nhớ bọn em không? Chắc quên rồi, còn bọn em không thể nào quên được.
Cha mỉm cười: "Cám ơn các em đã nhớ tới tui."

Bọn 72 bắt đầu kể lể: "Phải, bọn em làm sao quên được khi những ngón tay bị thầy couper bằng thước đã hơn 30 năm vẫn chưa hết sưng… giống như "vết hằn trên lưng con ngựa hoang", nhìn vào là thấy nhớ liền, nhớ thầy ghê…"
Cha nhoẻn miệng: "Cứ hễ gặp là mắng vốn: bị chặt… bị chặt…"
- Thầy thông cảm nghen, bọn em thích sống lại kỷ niệm … sợ thầy.
Nói thế chứ ráng giữ mồm giữ miệng nhé lớp 72, chọc phá quá mai mốt các Cha không mở cổng ĐCV cho vào dự lễ … và kể cả cửa nhà ăn cũng không mở luôn … cho dù có gào rát cổ họng: "Vừng ơi… mè ơi, hãy mở ra" … Cũng chả ăn thua gì, đến lúc đó các con chỉ có MO, mau mau nói lời xin lỗi đặng các Cha tha cho bảy mươi lần bảy và còn được các Ngài xoa đầu mà khen rằng thì là mà: "Cái lớp 72 này ngoan gớm!"

4. Giã từ Đại Chủng Viện, lớp CSB 72 lại cùng nhau quây quần, tâm tình. Tưởng chuyện gì quan trọng, hoá ra lại nhậu … nhậu gì?, nhậu ở đâu? Thế là lại vài két bia, vài con khô mực, và đĩa cầy nướng… Mệt quá đi thôi, kẻ dzô thì ít mà ra thì nhiều - lần này nhậu cũng rất vui vì có hai đàn anh nhậu cùng là Cha Minh 66 và Cha Điện 69. Các ảnh uống đã thiệt, cứ on ót… bầy em chịu thua luôn, xin quỳ hai gối chống hai tay mà tâm phục, khẩu phục… Thế mới biết các Cha dài hơi, giảng nhiều thiệt, cứ hết ly này đến ly khác: một … hai … ba… dzô sơn trạch. Nói theo kiểu của đàn anh nhị Bói 58 "dzô sơn trạch" nghĩa là dzô sạch trơn, ha ha… Xíu nữa quên mất, lại còn có hai đàn anh lớp trên thuộc dạng "cha đời đời" tham dự mà lúc đó do xỉn quá nên người viết quên tên mất rồi, tiếc thật… See you again, next year nhé.

Vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ và kể cả không quên lối về … nhà xứ. Gì thì gì chứ anh Minh 66 rất hay, bia sắp hết, nhìn đồng hồ ảnh nói phải về làm lễ giỗ, anh em nằn nì: "Về bên ấy anh làm lễ giỗ có một mình ên buồn chết, thôi ở lại đây anh em mình giỗ đông hơn, vui hơn" . Ảnh lắc đầu nguây nguẩy: "Không chơi, không chơi… đừng cám dỗ ta… khà khà" . Thật khá khen cho các anh đã cầm cày hổng thèm ngoái lại.

5. Tàn tiệc nhậu, anh em lớp CSB 72 kéo nhau về Thanh Hải tìm lại dĩ vãng, nhìn cái bờ đê chắn sóng biển bằng bêtông mà vào năm 1972 anh em cũng được góp phần đổ giọt mồ hôi vào đấy … thấy buồn, thấy tiếc và thấy muốn khóc làm sao ấy! Đưa tay mân mê từng cục đá, nhớ lại vài câu thơ của nhà thơ Hạ Tri Chương mà nghĩ lòng đau dạ nát:
"Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mạo tồi,
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?

Tạm dịch:
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao
Trẻ con nhìn lạ, không chào
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?


Sau đó cả lớp CSB 72 lấy máy ảnh ra đua nhau chụp lại khoảng trời mà trước đây vào những đêm trăng … anh em cứ chạy ra rồi lại chạy vào né tránh từng đợt sóng biển như muốn trào lên níu kéo những bàn chân nhỏ bé.

Trời chiều Nha Trang sắp mưa, nhưng anh em lớp CSB 72 vẫn ngồi đó như để hồi tưởng – như để nghĩ suy. Phần tôi ngước mắt nhìn lên ngọn núi hình cô gái nằm xoã tóc ở phía Ba Làng (Đồng Đế) nhớ lại hai câu tuyệt cú "Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ, Em nằm xoã tóc đợi chờ anh" mà lòng bồi hồi dâng lên niềm cảm xúc: "Chao ôi ! mới đó mà…" Bất chợt nhìn thấy thằng bạn nằm trên bờ đê chắn sóng của Tiểu chủng viện khi xưa, không bỏ lỡ cơ hội, bèn gợi lên chút tâm tình:
"Chú tiểu nằm chờ bên bờ tiểu,
Tìm hoài chẳng biết tiểu nơi mô.



6. Một năm chỉ có và được một lần "mẹ bề trên" cho đi thoải mái vì có lý do chính đáng - thế là lớp CSB 72 tranh thủ họp mặt liền một lúc 3 đến 4 ngày. Phải nói những anh em nào bận công chuyện hoặc làm biếng đi thì lỗ, nhưng đôi lúc đi được cũng quá khổ (!) vì lúc nào cũng phải ăn, phải nhậu, nhậu đến nỗi quắc cần câu. Thế là sợ nước hỏng dám tắm, cứ thế 3, 4 ngày, quần áo bắt đầu lên men. Cũng may tôi có mang theo chai dầu gió, chứ không chắc bị viêm mũi mất. Ngửi dầu xong, tôi bèn quay sang trêu anh em khác: "Mấy hôm nữa về nhà giặt đồ xong, để nước giặt lại bảo bà xã đi chợ mua mớ rau cải về cắt bỏ vào ngâm là chua lòm, ăn được ngay – giòn rụm nhậu hết ý, quá đã … hì hì…


7. Niềm vui nối tiếp niềm vui, ngày 9/9 lại có Nguyễn H. Cường từ Sài Gòn bay ra muộn màng. Kể ra hắn cũng chịu khó cho cái tình bạn cũ thật: vừa bỏ công việc, vừa mệt, lại phải mất khá nhiều tiền đãi ngộ cho cái đám bạn làm ăn độc gặp chị … xui. Cám ơn hắn nhiều.

Nguyễn H. Cường vừa ra tới nơi, anh em lại hò nhau lên Cầu Đà thuê ghe ra Hòn Tằm ngao du. Biển xanh ngắt, lăn tăn vài con sóng nhỏ thật tuyệt. Ra đến nơi, việc đầu tiên là anh em tắm cho bớt … chua cái đã - tiếp theo Dương đầu mục (thời Chúa Giêsu hắn là Pharisiêu đấy) bày bia bọt, thức ăn ra đặng anh em nhậu (trước khi xuất hành Phari Dương đã đi chợ rồi).

Khi đã sừng sừng, anh em CSB 72 rủ nhau đánh bóng chuyền …. Đã hơn 30 năm không chơi nên tay chân ai nấy đều méo mó cả rồi, đánh vào sân không đánh mà cứ nhè vào chỗ các bà đầm, me Mỹ nằm tắm nắng mà đánh! Thế có chết không chứ lị - ma quỉ cám dỗ quá mà thằng cu ơi, tay chân thì ở trong sân còn mắt thì cứ để ở chỗ …đó… đó thì làm sao mà chuyền được, trật hoài à. Thôi chịu thua các bố, cho con xin hai chữ bình an.

Tuy thế, trận cầu này rất là sôi nổi, khán giả ta thì ít nhưng khán giả tây ba lô xem rất đông, lại còn vỗ tay cổ vũ và cười ha hả rầm cả lên cho những đường banh có một không hai, hay nhất thế giới. Đánh bóng chuyền mà ngã lăn lộn, uốn éo, nhìn cứ như là đang nhảy hiphop, đáng được ghi vào sách kỷ lục Ghi-net.


8. Lớp CSB 72 chúng tôi rời Hòn Tằm về lại Nha Trang dưới cơn mưa tầm tã. Vì bị mưa gió hất mạnh nên tất cả đều dồn về một bên, do đó chiếc ghe chạy nghiêng hẳn qua một mé, nhìn cứ như là film hành động … Nam mô bồ tát cứu khổ cứu nạn, chúng con không phải là cascadeur và chúng con cũng chưa muốn nói lời trăng trối với biển.

Ghe cập bến cũng là lúc trời hết mưa, nhìn kỹ lại thấy anh em CSB 72 giống như đoàn quân bại trận bị đánh tan tác chạy về. Thằng thì cà thọt, thằng thì đi hai hàng …nhăn nhăn nhó nhó trông thật buồn cười – À ra là thế, chuyện cũ ấy mà: cứ sau mỗi kỳ nghỉ hè, tựu trường rồi lại xúm vào chơi thể thao, do đó Cha nào, Thầy nào và chú nào cũng đau chạng ba… Chắc lớp 72 cũng đau như rứa … ui dza!!!

Về đến điểm tập kết, anh em tắm rửa giặt giũ xong lại ngồi quây quần với nhau, nhưng lần này không phải để nhậu mà để chuyền nhau chai dầu nóng. Thiệt là tội nghiệp, mới xa nhà mẹ Sao Biển có 30 năm mà đã hết xíu quách rồi, khớp chân, khớp tay khô cứ như là hết nhớt vậy. Đi qua đi lại nghe nó nghiến kẽo kẹt mà nổi gai ốc! Hết thời rồi, xuân xuân ơi, xuân hỡi, xuân ơi…


9. Tôi cùng với hai thằng bạn là Trần Tiến Cảnh và Lê Thanh Trùng giã từ Nha Trang trên chuyến xe đêm lúc 23g trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh, vì trước khi lên xe đã bị uống chia tay rồi. Bị nhà xe lừa, cuối cùng tôi và Trùng phải ngồi ghế súp (ghế thấp để ở hàng giữa xe). Thật tội nghiệp, đã ba ngày không ngủ chút mô, giờ muốn tranh thủ cũng không có chỗ dựa, hai thằng ngồi nói chuyện mặc cho người ngả nghiêng theo nhịp độ lắc lư của chiếc xe. Bên này tôi cố gắng kềm giữ lại, thế mà cũng có lúc tưởng chừng như sắp ngã vào người cô gái ngồi cạnh. Phía bên kia Trùng cũng đang vận dụng nội công để ngồi thiền cho vững, vì nếu không, chẳng may mà ngã vào ông già ngồi bên cạnh, vừa ngủ vừa nghiến răng ken két, lại còn cầm cái gậy thì thế nào cũng được xơi mấy hèo…

Rồi cũng đến lúc ba anh em tôi chia tay ai về nhà nấy, lòng ước hẹn ngày họp mặt năm tới, tuy rằng quá mệt mỏi, quá ngất ngư … nhưng dù có thế nào đi nữa chúng tôi cũng không thể quên được ngày Sinh nhật Mẹ và ngày họp mặt lớp thường niên.

Mong sao "dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Nha Trang…" nơi có nhà Mẹ Sao Biển yêu dấu và có anh em con Mẹ Sao Biển mến thương.

Huy Năm Cọp 72


Lời cuối cho bạn: Khi những dòng chữ trên đây chưa kịp lên mạng Tâm Tư Sao Biển, thì tôi và các bạn lớp CSB 72 nhận được hung tin: Bạn Lê Thanh Trùng đã vĩnh viễn lìa xa cõi thế vào rạng sáng ngày 26/01/2006 (tức ngày 27/12/2005 Âm lịch).
Trùng ơi, nhớ khi xưa tụi mình còn học bên nhau, văng vẳng bên tai lời ngạn ngữ: partir, c'est mourir un peu (đi là chết ở trong lòng một tí). Ngày ấy tụi mình đâu có để ý tới và đâu có đứa nào cảm nhận hết nỗi buồn của kẻ ở người đi, nhưng giờ thì … Rồi đây vẫn còn những ngày lễ Sinh nhật Mẹ, vẫn còn những ngày lớp mình họp mặt, và vẫn còn những chuyến xe đêm… nhưng bạn đâu còn nữa …hết rồi. Than ôi, giây phút bên nhau nay còn đâu! Bạn ra đi để lại trong lòng bạn bè bao nỗi đau chia ly và một cảm giác hụt hẫng vì sự mất mát quá lớn.
Xin được mượn lời một ca khúc để tưởng nhớ bạn: "còn gì buồn hơn nỗi buồn đã mất người bạn (yêu)"


Tin buồn: Nhạc phụ anh Nguyễn Đức Thắng SB 72 vừa từ trần

Cụ ông Echamy Lal, dân tộc Êđê, nhạc phụ của Nguyễn Đức Thắng SB72, vừa từ trần tại Pleiku vào ngày 24/10/2007, hưởng thọ 90 tuổi. Toàn thể anh em lớp 72 xin có lời chia buồn cùng anh chị Thắng và toàn thể gia quyến. Nguyện xin Chúa sớm đón cụ về hưởng nhan Thánh Chúa.

Tin buồn: Cụ ông thân sinh của Vũ Đình Dung SB72 vừa tạ thế

Cụ ông Vincentê Vũ Hữu Huân, thân sinh bạn Vũ Đình Dung SB72, vừa tạ thế ngày 8/11/2007 tại Phước Hải, Nha Trang. Hưởng thọ 87 tuổi. Hình ảnh một cụ ông cao, gầy thường mặc chiếc áo bà ba nâu với tay trái cầm quạt và tay phải cầm xâu chuổi bán ảnh tượng một thời gian dài trên đường Phan Bội Châu có lẽ đã in đậm nét trong tâm tưởng nhiều anh em Sao Biển, nhất là những anh em ở tại thành phố Nha Trang. Xin anh em Cựu Sao Biển góp lời cầu nguyện cho cụ được sớm về bên Chúa. Lớp 72 xin chân thành phân ưu cùng anh Dung và gia đình.  

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

SB72 cừ quá

Bây giờ mới biết các cụ, các bác SB72 quả là tài cao, lại chịu chơi quá xá. Đọc mấy bài viết hay quá. Cười đả luôn :)
Hưng

Lai rai ký... sinh sự

 
Lai rai ký... sinh sự
Trẻ Tui 72

(Một vài cảm nghĩ nhân đọc "Đức Tin bị nhồi sọ hay tựa núi đá" của các bác SB65 trên TTSB 2006)

Đã nói anh em SB mở thêm cái forum "cối xay" cho thêm vui. Ấy thế mà bác Tư Bin cứ lần lữa. Thôi thì Trẻ Tui phát pháo vậy! Thấy các bác 65 đem Đức Tin trở qua trở lại như nướng bánh tráng mà thèm. Không như hai thằng nhóc hàng xóm của Trẻ Tui (xin lỗi các bác trước vì cái bệnh ưa liên tưởng). Nhóc A dân Nam Kỳ "gốc", nhóc B dân Bắc Kỳ… "dòng". Nhóc A cũng láu cá như đám Trẻ Tui hồi mới vô Chủng viện, ngứa miệng chọc: "Bắc Kỳ lấy bố làm cha, Nam Kỳ lấy bố làm khăn lau nhà". Nhóc B lập tức sửng cồ: "Cái này là tông truyền từ thời… Bố Cái Đại Vương, đám Nam kỳ nhà mày là thứ lai tạp nên không biết là phải." Nhóc B thuộc thế hệ học ngoại ngữ từ trong "đầu gối bố" nên cũng không vừa: "Từ BA là từ chung của "tàn" nhân loại từ khi… chưa xây tháp Babel, bằng chứng là tiếng Pháp, Ý, La tinh .v.v… và .v.v…" Trẻ Tui lại liên tưởng đến một câu danh ngôn: "Khi lý trí của bạn bất lực thì hãy để con tim lên tiếng".

May mắn một điều là Trẻ Tui vô sau học ít, ít bị SB "nhồi sọ" nên cũng ít dằn vặt hơn! Trẻ Tui hổng dám nghĩ hai thằng nhóc bị nhồi sọ để gọi BỐ hay BA. Đó là truyền thống gia đình, cũng như cây bắp phải sinh ra trái bắp, nếu nó sinh ra trái sầu riêng thì mặc dù có giá hơn nó vẫn bị xem là quái thai. Lớn lên nó có thể gọi bằng "ông khốt", "bố già" hay "ông kẹ" là tùy nó, miễn là cách gọi ấy diễn tả được tâm tình mà nó dành cho cha nó. Xin lỗi quý đàn anh vì Trẻ Tui ưa liên tưởng và mọi sự so sánh đều khập khiễng, chả là Trẻ Tui bắt chước cái trò cũ rích của Đức Kitô từ cách đây hơn 2000 năm, nói cái gì cũng dùng dụ ngôn. Ờ, mà quả là Đức Kitô thông thiên đạt địa, Ngài dự kiến 2000 năm sau sẽ có đám SB chổi cùn nên Ngài nói bằng dụ ngôn cho chắc ăn. Muốn diễn giải kiểu nào cũng được, không sợ chúng bẻ giò.

Trở lại chuyện lý trí và con tim, Trẻ Tui cảm nhận rằng con tim "siêu" hơn lý trí. Khi nghe nói rằng: "Hãy yêu thương kẻ thù", một tỷ nơ ron thần kinh của Trẻ Tui lập tức vận hành vèo vèo băng tốc độ ánh sáng để đưa ra một "phản biện" rằng: No way! Bị vì, nếu đã yêu thương được kẻ thù thì kẻ thù không phải là kẻ thù nữa, vì thế câu trên trở thành một mệnh đề… vô nghiệm! Còn con tim thì đủng đỉnh: Không yêu thương được ngay thì từ từ rồi sẽ yêu, làm gì dữ vậy? Vậy nên, Trẻ Tui chỉ dùng lý trí để minh định cho con tim chứ không phải để phản biện.Ví dụ, bị một thằng bạn lừa, Trẻ Tui tiếc cái khoản bị lừa hùi hụi nên thử vận dụng lý trí xem sao, ấy thế là nghe "nó" bảo: mất từng ấy để biết rõ về một người bạn là vẫn còn… rẻ! Bèn thở phào, đỡ tiếc. Cũng như Trẻ Tui đã từng bị một Cha Xứ saobienian bịp rằng: Quả địa cầu Atlas trong phòng ngài không phải do ngài mua hay ai tặng, mà tự nhiên nó xuất hiện. Thế là, ngước lên bầu trời lồng lộng, Trẻ Tui nói thầm: "Ông cha sở nói láo, làm gì mà tự nhiên có được, phải có ai đó mua nó về cũng như phải có một Đấng Tạo Hóa dựng nên tất cả những thứ linh tinh phức tạp này". Còn việc ổng dựng nên như thế nào, hô biến một phát hay phải mất sáu ngày thì Trẻ Tui không quan tâm. Ngay cả chuyện thiên hạ đi chứng minh rằng Vườn Địa đàng nằm ở vùng Lưỡng Hà địa (nơi hiện nay đang đổ máu hàng ngày), Trẻ Tui cũng "moi non plus". Nói thì nói vậy, nhưng cái thằng lý trí ưa chen ngang lắm. Ngay như Đức Kitô đã cầu nguyện trong Vườn Dầu rằng: "Xin hãy cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha". Vậy mà, khi thực sự trải nghiệm khổ hình Thập Giá, khi đối diện với cái sướng cái khổ của trần thế cũng phải buột miệng thốt lên: "Lạy Cha, nhơn sao Cha bỏ con?" (hay là Ngài muốn nêu gương cho đám hậu sinh SB rằng: "Tụi bây muốn đặt cả ngàn vấn nạn về Ta cũng được nhưng "cấm" có được mất Đức Tin. Bị vì, tụi bây được giáo dục về Đức Tin nhiều hơn… cả và thiên hạ. Ta xin mở ngoặc, giáo dục nhiều không phải là nhồi sọ. Xì, nói chuyện với tụi SB cứ phải mở ngoặc hoài, mệt quá!") .

Lại théc méc: Ngài biết hết mọi sự thì Trẻ Tui còn gì là tự do? Một tỷ nơ ron lại chạy vèo vèo: "Nhà ngươi cứ đứng trên lầu chú nhỏ Sao Biển mà quan sát mấy thằng huitième tóc húi cua mới chân ướt chân ráo bước qua cánh cổng Chủng viện xem. Biết ngay thế nào bọn hắn cũng tò mò nhìn xuống hồ nước một cái để xem có cá, rùa chi không chứ bọn hắn chẳng hề ngắm nhìn lên Đấng Bổn Mạng một miếng nào. Thế nhưng, cái việc nhà ngươi biết trước đó chẳng hề đụng chạm tí ti nào đến cái gọi là tự do của bọn hắn". Một lần nữa lại cám ơn lý trí, bởi vì rằng thì là mà rồi cái ví dụ kia rất khập khiễng so với sự thông thiên đạt địa của Đấng Sáng Tạo nhưng cũng đủ làm Trẻ Tui an tâm mà… tin tưởng.

Lại băn khoăn chuyện bất khả ngộ của Giáo Hoàng, Đấng Đại Diện Hội Thánh tại trần gian. Thời thơ ấu, Trẻ Tui đã từng nghe câu chuyện "em bé từ bắp cải chui ra", và Trẻ Tui cũng cảm thấy thú vị với câu chuyện ấy. Cho đến khi các nhà giáo dục vận động việc đưa giáo dục giới tính vào trường học, Trẻ Tui cũng thấy hay. Mỗi thời mỗi cách, vậy thôi! Bất khả ngộ có nghĩa không nhầm lẫn trong việc đưa ra điều ấy để thiên hạ sống tốt hơn, tin tưởng hơn chứ không phải để sa đọa hay tuyệt vọng. Còn việc là cớ vấp phạm cho người ta thì Đức Kitô còn không tránh khỏi nữa là. Ngẫm lại, cái điều bất cập "em bé từ bắp cải" trên kia đâu có khiến cho thế hệ Trẻ Tui tăng nhiều kẻ rối loạn giới tính hay sinh lý hơn bây giờ miếng nào. Nhưng dù sao, để có được quyết định đưa giáo dục giới tính vào trường học cũng tốn nhiều meo đàn cỡ Chổi Cùn lắm! Vì thế, muôn năm Chổi Cùn! Chổi Cùn or not to be.

Hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Trẻ Tui có dịp gặp một saobienian đàn anh. Chỉ hơn Trẻ Tui có 2 lớp mà bác ấy có vẻ già dặn hơn Trẻ Tui nhiều lắm, trước ở cùng xứ Vĩnh Phước với Trẻ Tui ngoài Nha Trang nhưng sau 75, theo gia đình vào lập cư ở ngã tư Bảy Hiền. Dân Sài gòn có khác, đầy chất nghiệm sinh, bác "bảo ban" tôi: "Một thằng nghĩ sai và làm theo điều sai đó là… nó đúng! Trừ với trừ bằng cộng." Trời đất, bác "khai trí" cho Trẻ Tui nhiều quá! Hồi còn ở Sao Biển mà bác đem cái công thức đại số khô khan này ứng dụng vào cuộc sống như hiện nay thì có lẽ Trẻ Tui đã giỏi toán từ thời… cố Hồng! Ấy, các bác đừng vội phản biện. Trẻ Tui không giỏi định nghĩa nhưng cái khoản chứng minh thì Trẻ Tui cũng không đến nỗi nào. Ở giáo xứ của Trẻ Tui có một bà già vừa ngọng vừa điếc, cứ đến Thứ Năm là bà ăn chay và Thứ Sáu lại kiêng thịt. Hỏi ra mới biết, đó là luật Hội Thánh… của bà: " Thứ Năm giữ chay những ngày Hội Thánh buộc. Thứ Sáu kiêng thịt ngày Thứ Sáu cùng các ngày Hội Thánh dạy". Hiểu nôm na là Thứ Năm thì giữ chay và Thứ Sáu thì kiêng thịt. Các bà mẹ Công Giáo lăm le "khai trí" cho bà nhưng Cha Sở can: "Cứ để bà yên tâm lên Thiên đàng với thói quen ấy. Đừng đem phức tạp vào chốn giản đơn." Xin các bác Chổi Cùn thông cảm cho Trẻ Tui vì không thuộc nổi một câu kinh Kỳ Na hay Vệ Đà để biện dẫn cho lý luận của mình cũng vì lẽ ấy.

Nói túm lại, cứ Thứ Năm ăn chay, Thứ Sáu kiêng thịt cho dễ lên Thiên Đàng. Còn Thiên Đàng có hay không thì Trẻ Tui đã từng cá độ với một thằng Bôn rằng: Nếu có Thiên Đàng thì tao thắng, còn nếu không có Thiên Đàng tao cũng chẳng mất gì. Ngược lại, nếu không có Thiên Đàng thì mày chẳng đựợc gì, cầm bằng nếu có thì mày thua đậm!

TrẻTui 72

Ngày hôm qua

 
Ngày hôm qua
Piô X Lê Hồng Bảo 72

Gắn bó với mảnh đất Song Mỹ này ngót một phần tư thế kỷ rồi mà tôi cứ ngỡ mọi chuyện như mới hôm qua. Mới hôm qua đây thôi, người gọi tôi bằng cháu nhiều hơn lớp gọi tôi bằng anh. Hôm nay, lớp gọi tôi bằng chú nhiều hơn người gọi tôi là bạn. Dòng đời cứ vô tình trôi trong khi thằng tôi cứ hoài lãng đãng trong cõi vô tình…

Đã hai lần có cái vinh dự là người sưu tập tư liệu về Giáo Xứ: Một lần dịp kỷ niệm 40 năm Giáo Phận Nha Trang, đem triển lãm ngoài Đại Chủng Viện – Một lần kỷ niệm 30 năm Giáo Xứ… Thế mà lần nào tôi cũng thấy mình như người hiện đại đi tìm cổ tích, cảm thấy mình xa lạ quá với câu chuyện của cha anh! Đành rằng tôi chỉ là kẻ đến sau, nhưng chỉ kém vài năm, và lúc ấy tôi cũng đã là một thanh niên 20 tràn đầy sức sống! Hỏi vậy, nếu không ghi chép lại thì mấy ai còn nhớ tới?

Cảm nhận đầu tiên của một chàng trai thành phố về mảnh đất Song Mỹ này thật lạ: Ai nấy dường như rất thản nhiên trước những khó khăn đói kém của thời kỳ quá độ. Mọi người sống như trong một gia đình lớn: Nhà nào thu hoạch trước thì san sẻ cho xóm giềng những trái bắp sún, những mủng khoai còi, những rổ đậu non (bắp, khoai tốt thì để bán chứ chẳng dám ăn)… Làm thì đổi công cho nhau, nhưng cũng chẳng mấy ai so đo hơn kém. Một thanh niên như tôi quanh năm chẳng thấy tờ bạc xanh đỏ thế nào! Có một tật xấu rất dễ thương nơi người Song Mỹ thời ấy là "nói dóc". Hình như người ta cố tình nói dóc để tự bù đắp những thua thiệt cho mình. Ông tổ của "nghề" này tên là Lê Côi, ông có tật ở lỗ tai nên mỗi khi nghe ai đó nói hơi quá đáng thì sẽ bị một người trong bọn đến rờ lỗ tai và nói: "Thôi! "côi" vừa vừa, cha nội!".
Nhà thờ cũng thật lạ, tôi viết thư về cho bạn bè ở Nha Trang như sau: "Ở xứ mới của mình xem lễ kiểu Nhật – tức là ngồi dưới đất. Mái nhà thờ nằm trong lòng nhà thờ …" Vài đứa bạn tò mò đã lên thăm chơi để tận mục sở thị.
Đức Cha Linh (khi ấy còn là thầy), là thầy cũ của tôi khi còn ở Tiểu Chủng Viện, ngài rủ tôi vào Ca đoàn Thanh Niên do ngài phụ trách. Ngày trước ngày sau đã thấy thân nhau như anh em, chọc ghẹo nhau vô tư mà không hề sợ chạm tự ái! Hàng tuần cứ mong cho mau đến thứ Năm và thứ Sáu để được đi tập hát, được chuyện gẫu và chọc ghẹo nhau…

Song Mỹ có chín xóm tất cả, nghĩa trang được mọi người gọi đùa là xóm Mười, cõi chết được đồng hoá với cõi sống! Ba tôi cảm tác làm bài thơ sau:
Song Mỹ ta đây có xóm Mười
Công dân già trẻ độ sáu mươi
Không nói, không ăn, không tranh chấp
Chẳng lo, chẳng nghĩ, chẳng khóc cười
Đất cát chia đều ba thước đủ
Hòm rương một kiểu bốn tấm dư
Ai còn chưa có nơi nhập khẩu
Mau mau đăng ký đến xóm Mười


Mỗi khi nhà ai có tang, cả xóm xúm lại: người lo chặt tàu dừa dựng rạp, kẻ lo xẻ ván đóng hòm, thanh niên tự phân công nhau đi đào huyệt, làm nhà táng, khiêng hòm vì hồi đó chưa có xe tang. Nhà có đám cưới cũng vậy, hồi đó chưa có các dịch vụ cho thuê rạp và bàn ghế đám cưới; thanh niên chúng tôi giúp nhau đi mượn bàn ghế của hàng xóm khiêng về kê cho bằng, dựng rạp, chở nước, trang trí.v.v.., toàn cây nhà lá vườn! Xóm Một (tức giáo họ Phú Hòa) có một dàn trống của anh Phùng Ngọc Quý mà tha đi hết đám cưới nọ đến đám cưới kia! Toàn chơi ủng hộ chứ chẳng phải thuê mướn gì. Anh Hoàng Sử khi ấy phụ trách thanh niên, nên chuyên làm speaker, anh ăn nói lưu loát lắm!

Quản xứ lúc đó là Cha Giuse Đoàn Văn Liệu, dường như chẳng có bổng lễ là bao! Cha cũng phải làm thêm rẫy ruộng kiếm sống. Các sơ cũng vậy! Chúng tôi thỉnh thoảng cũng giúp vài công, chủ yếu là ham vui. Bà Nhất khi ấy là Bà Candide có một câu nói bất hủ: "Xin Chúa trả công…", vì Bà biết chúng tôi không bao giờ "dám" đòi công các sơ. Chúng tôi thường chọc Bà: "Bà ơi, mai nhà con cắt lúa rồi, Bà hỏi Chúa có rảnh không đi cắt giùm con một ngày đi!" Bà cười xuề xoà: "Để bà biểu mấy chị đi cho, nhưng tụi bay không được chọc phá mấy chị nghen!" Chúng tôi chắc lưỡi giả bộ tiếc rẻ: "Không được chọc thì thôi, thà Bà để mấy chị ở nhà còn hơn!"

Các hội đoàn đều gây quỹ bằng trồng khoai, sắn… Dịp Giáng Sinh cũng là mùa thu hoạch khoai lang, chúng tôi đào về đổ ở Nhà xứ rồi tối tập trung lại xắt phơi trên nền ngôi nhà nguyện đã sập (nhà nguyện này nằm ở trước khu nhà ở của các sơ hiện nay). Đây là dịp để một cậu bên Junior làm quen với một cô ở ca đoàn chiều, một chị ca đoàn sáng gặp gỡ một anh ca đoàn thanh niên… Mộc mạc nhưng ấm áp vô chừng! Chúng tôi thường đi làm sớm vì rẫy xa mà lại phải đi bộ, nên Cha Liệu chỉ làm lễ chiều. Lễ xong chúng tôi thường ngóng xuống dốc Huyện xem có chiếu phim không (bãi chiếu bóng nằm dưới Thương nghiệp, nay là trường Cấp III Trường Chinh). Có điện là có chiếu phim. Tuy vé rất rẻ nhưng chúng tôi cũng ít khi đủ tiền mua. Thế là có nạn… lậu vé! Một nhóm 7-8 người chỉ mua khoảng 3 vé, cho mấy cô đi trước, một cậu đi sau cùng giơ mấy cái vé lên cao ra vẻ ta đây có vé. Khi vào đến cổng thì… mọi việc đã rồi! Mấy anh soát vé cũng cười trừ thông cảm. Thật dễ thương!

Hồi đó chưa có nhà hai bên đường, "Trung tâm Thương Mại" nằm cả dưới chợ: lèo tèo vài quán nước mía. Ba đứa cuốc bộ xuống đến chợ uống chung một ly nước mía là "chuyện thường ngày ở huyện". Chủ yếu là được tản bộ tâm sự cùng nhau!
Chiếc cầu gãy ở Sông Ông cũng là một nơi chứa đầy kỷ niệm. Đầu cầu bên này là hai thân cây to nối với nhịp cầu ở giữa, đầu cầu bên kia là đoạn cầu thang bắt xuống… giữa dòng! Mỗi sáng đi làm phải kéo cộ bò qua sông; buổi chiều nếu có chở lúa khoai, lại phải vác qua rồi kéo cộ về. Đây là lúc một chàng trai gánh giùm gánh khoai qua sông cho một cô gái, một thôn nữ giặt hộ anh trai cày chiếc áo đẫm mồ hôi. Những hình ảnh man mác nét chân quê chỉ có trong thơ Nguyễn Bính! Nhiều hôm mưa to nước lớn, có khi kẹt lại bên kia sông ngủ ngoài trời. Những lúc ấy, dòng sông sao mà dữ tợn! Thế mà qua mùa nước lũ, con sông lại hiền hòa thân thiết làm sao! Một người bạn tôi đã từng nói: "Dòng sông Ông giống như một thiếu nữ, mỗi chiều về không ghé xuống tắm một phát lại thấy… nhớ!"

Thấm thoắt mà đã mấy mươi năm, chạnh nhớ một bài hát của nhạc sĩ họ Trịnh: "Ngồi bên dòng sông nhớ đời mình. Một trăm năm sau sẽ còn ai?" Dòng sông Ông vẫn lặng lờ trôi, chúng tôi có đứa đã trở thành ông nội, ông ngoại… Một số người từng đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên mảnh đất này, đã về với đất. Lớp trẻ lớn lên không có những suy nghĩ như chúng tôi ngày xưa bởi xã hội đã đổi khác. Ai cũng lo cân, đong, đo, đếm để được bằng chị bằng anh, để con cái khỏi thua bè kém bạn… Đó cũng là một nét tích cực trong cuộc sống, khiến con người phải nỗ lực hơn để khỏi bị đào thải!

Nhưng nhiều khi, nhìn về dĩ vãng thấm đẫm tình người, thấy mình đang chai cứng đi từng ngày, không khỏi chạnh lòng! Hôm nay ghi lại đôi điều hoài niệm chỉ để nhắc nhau nhớ lại một thời, để con em có chút đồng cảm với lớp cha anh qua lời hát:
"Hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp…!"

Pio X Lê Hồng Bảo SB 72

Thế mới là dân Sao Biển Chứ

 
Thế mới là dân Sao Biển chứ!
Thằng nhóc SB72

Rượu cần của cha Kỳ
Rồi thì cái ngày 15/7/2006 ấy cũng đến, ngày mà bác Kỳ lớp SB65 đặt viên đá đầu tiên cho ngôi thánh đường mới… Ngẫm nghĩ thấy cũng tội nghiệp cho bác ấy, ngôi thánh đường quá to, bác ấy lại quá mỏng! Đúng như người ta nói về bác: "Cha cụ gì mà gầy rứa, có bao nhiêu cái xương sườn đếm đủ bấy nhiêu, không dư không thiếu. Bác ấy vẫn vui cười: "Lo chi cho mệt hầy… nhà Chũa, Chũa lo… hề hề".
Với chút tình con Mẹ Sao Biển, nhận lời mời của bác, ba anh em cựu Sao Biển Biên Hòa lại ngao du sơn cước, trong ba anh em thì có bác Phạm Văn Phương 65 là đồng môn đồng sàng với bác Lưu Thanh Kỳ.
Vận động mãi, ba anh em mới mời được hơn chục vị ân nhân cùng đồng hành đi lễ. Vì phải tranh thủ đi từ 6 giờ sáng nên thằng nhóc chưa kịp bỏ chút gì vô bụng, thôi kệ, tuy có hơi đói một chút nhưng được cái là không khát nước; vì lũ giun ở trong bụng cứ quậy rộn cả lên, làm cổ họng thằng nhóc lúc nào cũng đầy nước dãi, nuốt ực ực liên tục, lấy đâu mà khát nữa… Nghĩ cũng hay hay, nhịn đói mà lại được lợi cả đôi đàng, hì hì…
Vừa chạy vừa hỏi đường, mãi đến gần mười giờ mới tìm được xứ Phước Quả nơi bác Kỳ trụ trì. Trên xe anh em rất hồ hỡi, tuy rằng không còn kịp giờ lễ nữa, thôi thì phần một đành phải thông qua… chuẩn bị bụng dạ để đón phần hai vậy: sau Thánh lễ xin mời ở lại hiệp…
Thánh lễ đặt viên đá đã xong, ai nấy đều lo thu xếp và tìm cho mình một chỗ ngồi đặng… nhậu. Vì cánh Biên Hòa đi tới 14 người, thôi thì nhường cho các ông Trùm và đàn anh ngồi một bàn, còn thằng nhóc đành phải ngồi với hai mẹ bề trên: mẹ Châu 60 và mẹ Huy 72 và ma sơ con của bác Phương 65.
Tưởng rằng ngồi với phe kẹp tóc hổng biết uống rượu, thằng nhóc sung sướng giống như: la sú ri sú ri sú ri (La souris sourit sous riz ), chú chuột mỉm cười dưới gạo. Nhưng rồi đâu phải vậy… mỗi lần đưa ly lên miệng, liếc thầm thấy ánh mắt của các bà "công an tóc dài" là thằng nhóc hơi bị… nấc cụt, bí quá đành phải moi bộ nhớ ra xem có chiêu nào để lừa các mẽ.
- Ái chà chà các bà ơi, rượu này là rượu cần của Cha Kỳ đấy, thật mà. Ngọt ngọt, thơm thơm uống với đá đã lắm, nhanh tay kẻo hết, dễ gì mà xơi được của mấy cha…
Cánh các bà tưởng thật giành nhau uống… và thế là thằng nhóc trúng mánh, rung đùi uống vô tư, đúng là "thánh nhân đãi kẻ khù khờ". Đang ngon trớn bỗng một bà khách ngồi cạnh thằng nhóc thắc mắc:
- Chú ơi ! Mùi rượu này cũng giống rượu cần – nhưng sao tui hổng thấy cái cần đâu? Mần răng mà uống bây chừ hả chú?
Trời ơi! Hỏi cái gì mà lạ vậy bà! Y như là triệt buộc hổng bằng! Bí thế thằng nhóc nói đại:
- À cái cần hả? Thế thì bà chịu khó vào hỏi Cha Kỳ, xem cái cần của Cha ở chỗ mô?
Eo ôi, tình của thằng nhóc thì ngay, mà chắc có lẽ… chắc có lẽ lý của mấy bả gian: nên mấy bả ôm bụng cười ngặt nghẽo… Vui quá phải không hở bác Kỳ?
Thật tình, ở đời bầy em thấy có nhiều thứ tội, nhưng từ nhỏ đến giờ, kể cả trong bảy mối tội đầu, bầy em cũng chưa nghe nói đến cái "tội hiểu lầm", hổng biết đó có phải là cái "tội mới" không? Nếu đúng vậy thì bà nào mà cười cái vụ đó coi chừng bị mắc phải "tội mới" đấy, cúi đầu xin bác rộng lượng tha cho. Cám ơn bác.

Viết đến đây thằng nhóc nhận thấy có lắm cái hiểu lầm dễ mẻ đầu sứt trán, mà lý do của nó chẳng qua là tại vì không biết mà thôi… Bữa nọ tự dưng thấy buồn, thằng nhóc bèn nhấc điện thoại hỏi thăm thằng bạn, nó đi vắng, vợ nó nhấc máy. Chuyện thật 101 phần trăm, thằng nhóc bèn mở đầu lịch sự:
- Á hèm, hau a…rờ dzú?
Đầu bên kia vọng lai:
- Dzú đây, dzú đây!
Ái chà ngon héng, tưởng rằng cô ấy cũng biết đôi tí sinh ngữ - ai ngờ, thằng nhóc chưa kịp đáp lời thì bỗng điếng người khi nghe cô ấy nói tiếp:
- Này này, anh nói cái gì mà rờ dzú… rờ dzú, đồ cà chớn!
Thật đúng là lòng dạ đàn bà mau thay đổi - vừa nắng đã mưa - giống y chang bà tổ phụ Eva khi xưa, vừa mới dụ ông xã mình ăn trái cấm xong, đã đổ tại con rắn, con rắn. Tiếng cắt cụp điện thoại hơi mạnh tay làm thằng nhóc chới với. Điệu này bạn bè nó lại hiểu lầm mình rồi, thật chán ghê. Giá mà thằng bạn chịu khó chỉ cho vợ nó vài câu tiếng Anh thì thằng nhóc này đâu có bị mắc mớ. Chao ôi! dễ mà, nào có khó khăn gì đâu: "… rờ dzú tiếng việt có nghĩa là … rờ em thôi mà, chậc! hì.. hì"

Anh em nào không tin thì cứ hỏi Cha Láng, bác Hoàng 60, bác Đình Huy 65… là những bậc thầy dạy Anh văn, nếu thằng nhóc dịch sai thì xin được chỉ giáo thêm, còn ngược lại thì cho thằng nhóc một tràng pháo tay động viên chứ!
Nhưng anh em nhớ là đừng có hỏi Cha Ngọc quản lý nghen – thằng nhóc chắc mẩm với anh em là Cha sẽ không dịch ra việt ngữ đâu, vì sao?
… Hình như là vào năm lớp 7, giờ Anh văn hôm ấy do Cha Ngọc phụ trách, có lẽ Cha muốn cho các đệ tử của ngài phải khắc cốt ghi tâm, đừng lẫn lộn và đừng quên, nên khi có một cậu học trò đứng lên:
- Thưa Cha, gié-lô là gì?
Cha đỏ mặt nói to:
- Gié-lô là gié-lô.
Cả lớp cười ầm ĩ, thằng nhóc không nhớ là tên nào đã hỏi, nhưng có lẽ nhiều anh em lớp 72 không quên được chuyện này, bởi thế cho nên nếu bây giờ anh em có hỏi Cha:
- Rờ dzú nghĩa là sao, thưa Cha?
Chắc có lẽ cha cũng đỏ mặt nói to rằng thì:
- Rờ dzú là… rờ dzú.
Chính xác là như thế, thằng nhóc nói thật đấy, nhưng nếu Cha bảo là đồ quỉ nói tầm bậy, thì thằng nhóc cũng cúi đầu xin vâng và sẵn sàng chổng mông chịu tội. Nhưng dù sao thì chắc có lẽ khi đọc tới đây, nghĩ lại chuyện cũ, thằng nhóc bảo đảm với anh em thế nào Cha Ngọc cũng phì cười ha… ha… ha… cái đồ "hậu sinh khả ố".

Để tiếp tục câu chuyện về lễ đặt viên đá thì phải nói trong ba anh em CSB Biên Hòa, chỉ có anh Phương là lo xa nhất, không cho mẹ bề trên tháp tùng? Vì nếu có… thì đâu dễ gì mà được tự do thoải mái… Anh Châu nhớ rút kinh nghiệm nghen, cũng may cho anh là hôm nay thằng nhóc lừa được các bà, nào là ngọt ngọt thơm thơm, nào là của Cha Kỳ, nên anh mới được bí tỉ đó… hì… hì… Anh em ngồi nhậu được một lúc thì ô kìa! Một bóng mai gầy xuất hiện, vì quên không mang theo kính cho nên thằng nhóc giống như các tông đồ khi xưa tưởng bóng ấy là ma, mãi khi đến gần, thằng nhóc mới nhận ra bác Kỳ 65. Bắt chước Giuđa trong vườn Giếtsêmani, thằng nhóc ôm chầm bác Kỳ và đặt ngay một cái hôn vào má, quá bất ngờ, bác ấy đứng ngất ngây… Nhưng giây phút này không được lâu, vì bác ấy chợt nhận ra nụ hôn này không phải của yêu quái mà là của thằng nhóc. Đau quá phải không bác Kỳ? Bỏ qua cho em út nha, bầy em chỉ có ý là chúc mừng cho bác với nụ hôn may mắn, không ngờ vì vội quá nên chưa kịp cạo đám ria mới mọc lởm chởm, cứng như bàn chải sắt. Xin Cha tha tội cho thằng nhóc.

Sau khi gặp nhau nâng ly chúc mừng bác Kỳ và trao cho bác: người thì cục gạch, người thì bao xi măng, phải nói là không khí rất vui vẻ và ấm áp tình Chúa, tình Mẹ Sao Biển, chỉ có thằng nhóc hơi buồn…
- Bác Kỳ ơi! Bác giao cho em năm nén, riết rồi chỉ còn lại có một nén hà!
Cũng may là bác ấy quên, chứ nếu mà bác ấy nhớ "hỡi tên đầy tớ siêng ăn, biếng làm…" thì hôm nay đã có RIP cho thằng nhóc trên Web Sao Biển rồi… may quá.
Tiện thể thằng nhóc cũng tấu với bác Kỳ:
- Bác ở cái xứ chi mô mà xa rứa vậy, bị lạc đường, lại còn bị đói, bị mệt… tụi em đang tính kiếm quán nhậu rồi gọi télé cho bác tới quán lấy tiền, không đi tiếp nữa.
Bác ấy khoái chí vỗ tay cười và xoa đầu thằng nhóc mà rằng:
- Hảo hảo, mấy thằng em ni coi rứa mà được việc nì… mà này anh em ơi, kể ra xứ Phước Quả của bác Kỳ xa thật đấy, mèng đéc ơi, xe chạy hoài, chạy hoài, y như là xe dù hổng thấy tới bến…
- Bác Phương ơi, bác chịu khó xem lại bản đồ, sao em thấy cột mốc bên đường báo cách Sài Gòn 50, …rồi 49, …48 Km vậy cà, không khéo lại: "chừ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh" … thì toi mất cả buổi sáng.
Bác Châu thì mắt nhắm mắt mở:
- Anh em ơi, để ý xem có quán thịt cầy nào không, chén cái đã, hì… hì…
- Chán bác thế, chưa đặt viên đá đã lo nhậu.
- Nè… nè… có thực mới vực được đá nghe mầy.
Thấy hai bác ấy nói phải quá, thằng nhóc chịu thua nuốt nước bọt cái ực hết ý kiến.

Rồi cũng đến lúc phải bái bai bác Kỳ và xứ sở đất bazan đỏ quạch, khí thế trên xe lúc này như nóng hơn, như vui hơn vì đã có thêm hơi men. Ông trùm ngồi sau thằng nhóc lên tiếng:
- Nè chú, vậy chú là lớp đàn em của bác Châu, sao tui thấy tóc của chú bạc hơn tóc của bác í?
Ái chà, cái này khó trả lời à nghen, nhưng đây rồi, ha ha… đã có đáp án:
- Dạ thưa, cái này dễ hiểu mà ông trùm, vì anh Châu ảnh đang "hồi xưng", mai mốt em hồi, tóc của em cũng đen vậy, lo chi cho nó mệt…
Ông trùm cười ha hả: - Cao kiến, cao kiến…
Nhưng mà thằng nhóc không biết cái hồi hồi của anh Châu thế nào mà trông chị Châu có vẻ… hãi hùng! Được dịp chị bèn phẫn nộ:
- Chú mày nói nghe thấy ớn, may mà ổng chưa hồi.
- Thì sao hả chị ? Ổng mà hồi thì chết chị!
Thiên trời địa đất… sau câu vừa hỏi vừa trả lời của thằng nhóc, chị Châu không có hồi âm, tắt hết đài. Nhìn mặt chị Châu lúc này đỏ hơn cái màu đỏ đất bazan của xứ bác Kỳ, trông chị ấy tuyệt đẹp, giống gái Đà Lạt thứ thiệt. Trên xe mọi người cũng đỏ mặt cả lên… không phải vì thẹn hay vì say, mà vì phải cười một trận cười quá đã, cười ra nước mắt nước mũi… tưởng rằng dàn kiếng xe tốc hành hôm ấy vỡ tung… may quá trời vẫn còn thương, ha ha ha…
Anh Châu dứ dứ nắm đấm về phía thằng nhóc:
- Nó đầy rượu rồi.
Bà xã nhà nhóc chớp được thời cơ bèn a dua với bác Châu:
- Em nghe nói dân Sao Biển chính cống chỉ biết uống rượu lễ, còn ông xã em chắc là dân sao Biển dỏm... hèn gì thấy ổng uống rượu đế ve kêu.

Thần dược: hoà giải tăng sinh linh
Vài ba mươi năm trước, bỏ Tiểu chủng viện Sao Biển ra đi khi tóc còn tơ… đen kịt. Ngày về của mấy chục năm sau tóc đã thành muối tiêu, da dẻ đồi mồi nhăn nheo… nhìn thấy ghét. Gặp lại nhau như người xa lạ, bạn bè cùng lớp mà nhận hổng ra: - Chào ông, chào bác, chào anh ngọt xớt, chỉ thiếu điều chưa chào cụ, hì…hì…
- M… cái thằng này, mày không nhớ tao hả?! Bìm bịp đây, Cáo già đây, Ong bầu đây, Thầy rùa đây. Lại có cả Giuđa đây, Pharisieu đấy và Philatô kìa…
Chúa tôi, chịu thôi, mau già quá sao mà nhớ nổi, thiệt tình chưa thấy xuân đã tới đông rồi, lấy đâu ra mà "chơi xuân kẻo hết… nữa"
Rảnh, đọc cái bài SB sờ tai của trẻ tui 72 trong TTSB 2006, thằng nhóc vắt óc nghĩ hoài, nghĩ hoài… đứa mô có cái tên chi lạ rứa? cuối cùng rồi thằng nhóc cũng nhận ra cái tên Trẻ tui là ai, nếu thằng nhóc nhớ không lầm, thì cái "nít nem" yêu dấu ngày xửa ngày xưa của hắn là: cái con gì vừa già lại vừa thích ăn gà… hì hì… đố anh em có thưởng.
Nói là Trẻ, nhưng hắn nhiều kinh nghiệm lắm đấy anh em ơi, chớ có lầm. Bởi vậy sau hai mươi mấy năm gặp lại, thấy hắn "mần ăn được mùa", thằng nhóc bèn hỏi thăm hắn:
Mi có cái bí quyết chi mô mà hậu duệ sai rứa?
Hắn mỉm cười bí hiểm:
- Rượu là rượu, mà bia là bia.
Nhưng rồi cuối cùng cũng lòi ra cái bí quyết "hòa giải". Trong bài nớ hắn nói rằng chỉ với ba lần "hòa giải" là ba lần hắn phải chạy tới cầu cứu với bà mụ, nhưng mà đó là khi trước à nghen, còn bây chừ thì đã là… thằng nhóc giơ tay lên đếm, đếm đi đếm lại vài lần cho chắc cú kẻo lộn: 1, 2, 3, 4, 5, 6… ái dà, vợ chồng hắn chịu khó "hòa giải" thật, đến những 6 lần cơ, cũng may mà hắn chưa hòa giải với vợ tới bảy mươi lần bảy… ha ha…
Nói là làm, bắt chước hắn, thằng nhóc cũng dzìa nhà cãi nhau ì xèo với Mẹ bề trên rồi "hòa giải"… cứ thế hoài hoài mà cuối cùng cũng chỉ được hai nếp hai tẻ. Làm vậy riết thấy mệt quá! Giờ có cãi nhau cũng không thèm "hòa giải" nữa, "oắn" cho một trận vều môi phù mỏ rồi ghé tòa Cáo giải là êm rồi - hì… hì… thằng nhóc chịu thua hắn, bèn mạo muội kiến nghị với các chú lớn, thôi thì ở trường mình có nhiều trưởng ban: cầu cống, văn nghệ, thể thao… nhưng chưa có trưởng ban "hòa giải" để tăng dân số… hay là cho hắn nhận chức ấy vậy. Kể cũng ngon chán, ngon hơn chức giữ ngựa của Tôn Ngộ Không rồi, phải không các Chú lớn.
Này Trẻ tui ơi, mau mau rửa ghế đi chứ, hắn lại giả vờ ngây thơ mượn cung giọng của bài hát: "còn thương rau đắng mọc sau hè" để đánh trống lãng: "ai biết mẹ gì đâu"… khì khì…
Bà xã nhà Nhóc biết chuyện khen đáo đễ:
- Thế mới là dân Sao Biển chứ... chỉ thích "hoà giải" thôi.

Xe ưu tiên
Độ rày công an quần dữ quá! Chạy chỗ này: rét… vòng qua bên kia: rét… cứ mỗi cái rét thì con ngựa sắt của thằng nhóc lại "phơi thân cùng tuế nguyệt" mười lăm bữa. Riết riết vậy, thấy xe bị han rỉ hết rồi, chịu hổng nổi, chung qui cũng tại vì thằng nhóc chưa có bằng lái… tức mình! Không thể cứ như vậy mãi, bữa nọ thằng nhóc bèn đi thi bằng lái xe A1 (xe hai bánh).
Trường dạy nghề của Sở Giao Thông vận tải nằm dọc theo bờ sông Đồng Nai, ôi thật là đẹp. Nhìn qua cửa sổ thấy sóng nước dập dờn chẳng khác nào khung cảnh của Tiểu chủng viện khi trước, nhớ trường rồi lại nhớ tới bạn bè.
Bỗng thằng nhóc nghe tiếng bìm bịp kêu báo hiệu con nước lớn, à lớp mình cũng có bìm bịp, đúng rồi, thằng Sơn bìm bịp ở Cây Vông… kỳ nọ gặp hắn, hỏi thăm mới biết vợ chồng hắn lúc này cũng khấm khá, chuyên làm cái nghề hộ sinh. Anh em lớp 72 nhớ cho kỹ nghe, hộ sinh chứ không phải sinh hộ đâu… rồi ra lỡ đụng chuyện, chạy tới nhà thằng Sơn nhờ vợ nó sinh hộ thì coi chừng vừa mất bạn vừa được ăn lưu đạn… lãng xẹt. Ha ha ha…
Lâu lâu mới gặp nhau, thằng nhóc rủ hắn tối đến ở lại tụi mình tâm sự, hắn cáo từ bảo: - "Không được vì phải về trực cấp cứu cho những bà "khó ra" … đặng còn gọi xe chở đi bệnh viện, thông cảm nghe mầy."
- Này cái anh kia! Anh có nghe tôi nói không? Ông thầy dạy luật giao thông chợt phát hiện ra thằng nhóc đang mơ mộng…
- Anh hãy cho biết các loại xe ưu tiên?
Giật nảy người, thằng nhóc lắp bắp:
- Dạ … dạ… dạ xe hộ sinh ạ.
Cả lớp học cười lăn cười bò vì cái xe ưu tiên của thằng nhóc, thôi chết m… chuyện này hỏng rồi, không khéo phải lấy cái mền trùm xe lại vì không được cấp bằng lái, hổng dám vi vu trên xa lộ.
Được một lúc ông thầy vỗ tay ra dấu cho cả lớp im lặng, rồi vừa mỉm cười thầy vừa nói:
- Hay ! một ý tưởng mới: "cứu người như cứu hỏa" tôi cho anh 10 điểm.
Thằng nhóc sướng ve kêu: may quá, hay không bằng hên. Thằng nhóc bèn lục lọi lại bộ nhớ, rà soát các loại xe ưu tiên… rà đi rà lại cũng chỉ có: xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe hộ đê… chứ làm gì có xe hộ sinh, ha ha…
Cám ơn vợ chồng mày nghe Sơn bìm bịp, vì nhớ tới vợ chồng mày tao được đậu. Sung sướng quá! Thôi nghen, chuyến này tao sẽ sắm một con xe và trét lên thùng mấy chữ thật to, thật kêu: "Xe ưu tiên, hộ sinh tốc hành". Có bà nào khó chơi nhớ điện khẩn cho tao nghe: hậu tạ.
Bà xã nhà nhóc le te chạy đi khoe: ô này các chị ơi, thế mới là dân Sao Biển chứ... giỏi thật, thi đâu đậu đấy.

Phỏng vấn
Thuở còn đi học, thằng nhóc đã được nghe bài thơ: "nhớ ai ra ngẩn vào ngơ…" nhớ kiểu vậy chắc sớm muộn gì cũng điên mất anh em ơi! Tuy nhiên thằng nhóc thấy rằng đôi khi nhớ cũng có lợi lắm chứ. Hổng biết anh em còn nhớ bác Hồ phụ trách ở nhà ăn, đầu bác ấy hơi bị hói không? Riêng thằng nhóc thì chả làm sao quên được… hồi ấy bác thường vui đùa và chỉ cho thằng nhóc cùng một số anh em vài câu Pháp ngữ:
Học sinh nhà nước, tiếng bồi đọc là: "lắc léo mè giồng lô" (l'élève, maison, l'eau). Cả bọn khoái trá cười ha hả, vậy mà đến hôm nay, dù đã hơn ba mươi năm xa cách… chữ của Bề Sùng đã quên hết, dù hồi đó có bị chép phạt cả ngàn lần! Chữ của thầy Cần, thầy Tiên, thầy Nhạc… cũng đã trả hết cho người. Chịu, không nhớ gì nữa hết. May thay thằng nhóc còn nhớ được vài câu tiếng bồi của bác ấy… giờ thì thằng nhóc cũng có tí vốn nho nhỏ bỏ túi để trả lời khi được phỏng vấn đi Pháp rằng:
- Này anh kia, anh làm nghề gì? - Nghề lắc léo ạ.
- Tài sản thế chấp của anh là gì? - Là mè giồng ạ.
- Đi xa anh nhớ gì nhất, vợ con hay đất nước? - Dạ nhớ đất lô ạ.
Bà xã nhà nhóc mừng quá cười khành khạch:
- Thế mới là dân Sao Biển chứ... oách thật, nói tiếng Pháp như gió.

Attention! Lũ quét!
Những cái nhéo vào bụng đau đến quặn người, những cú revers vào má nóng cả mặt, những nhát chặt của sống thước lên bàn tay làm các ngón đau buốt run rẩy như gà giẫy chết… và kể cả những cú đá vào mông của những chú lớn nuốt chú bé, đau ơi là đau, đau đến nỗi muốn ị ra quần. Tất cả những… trên, hồi xưa thì hận, hồi này vẫn nhớ và bây giờ tuy đã xưa rồi, xa rồi, ôn lại chút xíu cái mà thằng nhóc tạm gọi là những kỷ niệm của "thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường"…
Lắm cái kỷ niệm kể ra thì người này bảo mày chơi tao, kẻ khác cho là: bôi bác hả? Ồ không phải vậy đâu, vui và nhớ là chính mà…
Câu chuyện cười nho nhỏ thằng nhóc sắp kể sau đây, thiết nghĩ ít nhiều gì rồi nó cũng sẽ được coi là những kỷ niệm vui vui mà có lẽ khi gặp nhau kể lại, nó cũng góp thêm chút tiếng cười trên những bờ môi.
… Tưởng rằng không còn gặp lại, ấy thế mà hắn bỗng trở về, vẫn dáng người cao cao, gầy gầy, chính là hắn, không sai: thằng Túc Ken ở Hà Dừa. Hỏi thăm mới biết lúc này hắn đang làm ở kho của trường Đại học Nông nghiệp Cần Thơ, mà kể ra cũng lạ thật, trong kho chả thiếu gì các loại phân dùng để bón cho cây lớn mạnh, nhiều quả… chắc có lẽ hắn chả hạp với loại phân nào cả nên cây của hắn gầy trơ và quả cũng không sai lắm: chỉ được có hai à, hì hì…
Đã quá lâu và cũng phải chờ đợi quá nhiều rồi, cuối cùng thì trái đất vẫn tròn, bạn bè gặp nhau vui mừng khôn xiết, ôi còn gì vui hơn thế, tay nắm chặt tay, nói cười rôm rả, thằng này kể, thằng kia kể… thằng nào cũng muốn trút cạn nỗi niềm … chả biết nghe ai bây giờ. Rồi căn phòng nhỏ mịt mù khói thuốc, rồi bia khui nghe đôm đốp… uống đi, uống nữa đi uống cho bõ những ngày xa cách. Thế rồi tình bạn thì dạt dào mà tửu lượng thì có hạn… nên cuối cùng tao say, mày say, trời đất cũng lăn quay" chả cần biết chi nữa, mặc kệ, và do đó…
Đã hơn một giờ sáng, bình thường như mọi ngày, giờ này ở nhà thằng nhóc đang vùi đầu vào bếp chiên chả giò mưu sinh, có lẽ vì đã quá quen giấc nên không thể nào ngủ được, cố nhắm mắt một tí cho đỡ mệt đặng ngày mai còn phải dong duỗi mấy trăm cây số trở về nhà. Cái quạt trần trên đầu quay vù vù hết cỡ, nhưng cũng không thể nào xua được đám muỗi Nha Trang đang khát máu… Chợt có tiếng động và sau đó là tiếng người rì rầm, thằng nhóc vội mở mắt, cố nhìn thật kỹ về phía góc nhà, cạnh lối vào phòng ngủ của đôi uyên ương Kỉnh, nơi đây có hai cánh cửa: một mở và một thì bao giờ cũng đóng chặt, vì thế nên nó được kê một cái bàn nhỏ và làm chỗ dựng xe Honda cạnh đấy. Ủa sao lạ vậy cà, hổng lẽ tụi nó đánh nhau?! Qua ánh đèn điện phản chiếu mờ mờ, thằng nhóc thấy Túc Ken thì chui vào trong góc tường nơi đầu bánh xe honda, còn lại hai cu cậu Khoa Nháy và Đinh Mập thì cố tìm cách kéo Túc Ken trong góc ra, sau khi mọi việc đã tạm lắng, thằng nhóc bèn hỏi Định Mập:
- Có chuyện gì vậy, Túc Ken bị làm sao hả?
Định mập vừa cố nhịn cười vừa kể cho thằng nhóc nghe:
- Túc ken nó say quá, cũng may mà tớ và Khoa nháy phát giác kịp, bằng không thì cả bọn mình đã bị lũ quét rồi…
Ha ha ha.. thằng nhóc bèn cười toáng lên:
- Nó không say đâu yên trí đi, nó vẫn còn tỉnh táo để nhận ra góc tường bên này có thằng bạn mình đang nằm ngủ, nếu không thì thằng Lễ trong cơn mơ cứ ngỡ mình đang được tắm bia hơi pha với chút muối, ấm ấm, mằn mặn quá đã, hì hì… nó đâu có ngờ "bia từ trong vòi ấy bia ra"…
Cù Sinh và thằng nhóc thấy vậy sợ có bề gì, vội đắp chăn và xoa dầu gió cho Túc Ken, nghĩ thấy thương và tội nghiệp cho hắn nhưng cũng hết sức buồn cười, vì chỉ chút xíu đây nữa thôi là trời sáng, vợ thằng Kỉnh sẽ phải đeo mặt nạ phòng chống hơi độc rồi vừa lau nhà vừa lẩm bẩm:
- Con mèo đen của ai to dữ vậy anh Kỉnh ơi! Nó đái ngập cả nhà mình rồi, chua ơi là chua, khai quá xá là khai! Còn hơn là nước đái quỉ, em chịu hết nổi rồi, muốn xỉu luôn.
Lúc đầu nghe vợ nói cu cậu Kỉnh cứ tưởng mèo thiệt, nhưng rồi hắn bỗng trầm ngâm:
- Ủa sao mà nghi quá… mèo đâu có biết uống bia, sao mà nước đái của nó độc mùi bia không hà? Hổng lẽ là mèo… mèo… Thôi chết rồi, thì ra là… Hắn chợt hiểu ra vừa lắc đầu vừa giậm chân than trách.
- Ông trời ơi mau ngó xuống mà xem, ông cố nội tui còn chưa dám biến nội cung gia thất nhà tui thành "vê kép xê" vậy mà mấy cái thằng bạn học này, tụi nó dám… dám…
Cả lớp CSB72 chỉ còn biết ôm bụng cười bò:
- Ha ha ha, răng mà họp mặt vui rứa hầy?!
Bà xã nhà Nhóc nghe thấy vậy bèn giơ hai tay hai chân:
- Thế này thì em chịu thua dân Sao Biển rồi... chịu chơi quá! chơi hết mình luôn! hì hì.

Thằng nhóc SB72

Ét Bê Sờ Tai

 
ÉT BÊ SỜ TAI (SB STYLE)
Trẻ Tui 72

Trong lớp Sao Biển 72, có lẽ Trẻ Tui là thằng được nắm trong tay quyển Tâm Tư Sao Biển sớm nhất từ hồi Me xừ Hoàng Nháy (Phước Thiện) cầm quyển 1999 bìa màu vàng photocopy. Ấy thế mà trải qua 6 năm chưa viết được gì để góp mặt. Cũng còn an ủi một điều là có Trần Thế Huy đại diện cho lớp 72. Ờ, mà "ông ngoại" Huy tẩm ngẩm tầm ngầm chuyên nghề "móc… dái" thiên hạ lại viết hay ra phết! Từ đó, Trẻ Tui "ngộ" ra một điều:

1. Dân ÉT BÊ đều có chất "nghệ":

Không kể một vài tay professional như Đỗ nhạc sỹ hay Trần ký giả…, hầu hết dân saobienians sau khi từ giã cơm Chúa chuyển sang ăn cơm… độn đều ít nhiều dính dáng đến arts như: vẽ vời, đàn địch, văn chương…
Có lẽ do khuynh hướng đào tạo chăng? Ngày xưa, giáo dục ở Chủng viện thiên về các môn khoa học xã hội như: Văn, Ngoại ngữ… Ngoại ngữ thì học đến 3 món, mà lại thiên về Văn học sử nữa chứ. Những môn Tự nhiên như Toán, Lý, Hoá… đám Trẻ Tui không giỏi lắm. Còn Sinh vật thì hầu như bỏ qua, đầu năm cũng lãnh một quyển Science Naturelle nhưng chỉ để xem hình vì không có Giáo sư dạy.
Điều đáng nói ở đây là ngay cả những chú có vẻ vai u thịt bắp, chơi thể thao "năm bờ oăn" khi tản mác về các giáo xứ đều giữ các functions quan trọng trong lĩnh vực Ca đoàn (tập hát), Khánh tiết (trang trí nhà thờ), hay Phụng vụ (soạn Hoạt cảnh, Diễn nguyện…). Ngay như Đức vít vồ xứ Thanh hiện nay, sau khi ngậm ngùi chia tay Học viện Pio X về Giáo xứ Song Mỹ, Ngài lãnh rất nhiều trách vụ trong đó có công việc tập hát Ca đoàn Thanh niên của Trẻ Tui, cũng… thành công vang dội! Hồi đó, Trẻ Tui đem chuyện này khoe các bậc trưởng thượng (tất nhiên là saobienians), thậm chí có vị còn tròn mắt ngạc nhiên: "Thằng… mà cũng biết tập hát hử?" Sau này, trên đường thiên lý, Trẻ Tui còn biết nhiều chuyện còn "động trời" hơn, như Bác Tôn Bếp 64 đã từng chế tạo ra cây đờn xylophone bằng các miếng nhôm cắt ra từ tấm "ri" sân bay của Mỹ, chơi bằng 2 cái muỗng cà phê. Hay như bác Trọng Vinh 71 có nhạc đăng trên TTSB Hè 2005 "cạnh tranh" cùng Đỗ nhạc sỹ, ngày xưa là cầu thủ có hạng ở Sao Biển. Bác là một trong số rất ít chú nhỏ được "đá" cùng các chú lớn những dịp thi đấu với các đội bên ngoài (bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá có đủ). Bác còn phụ trách TDTT khối chú nhỏ, chính vì thế trong mắt Trẻ Tui bác là một "siêu sao" về thể loại cơ bắp, và chỉ thế mà thôi! Ấy thế mà, đùng một cái… ngạc nhiên chưa? Viết đến đây, chạnh nhớ chuyện cũ: Khoảng tháng 8/2003, nhân kỷ niệm 30 năm giáo xứ Song Mỹ, Trẻ Tui có viết một bài đăng trên báo Công Giáo & Dân Tộc. Bác Ngọc Tâm 70 tình cờ đọc được liền "phôn" ngay cho Trẻ Tui lại còn "chua" thêm một câu: "Mới đọc qua đã nghe sặc mùi Sao Biển nên nhận ra ngay!" Tự hào quá, mình vẫn còn… Ét Bê Sờ Tai.

2. Dân ÉT BÊ rất tôn trọng truyền thống:

Cái này thì thú thật Trẻ Tui không hiểu do nền giáo dục mang tính bảo thủ hay do định hướng Tông truyền trong cái định chế gọi là "Triều" này (xin các bậc cao niên chỉ giáo thêm) . Chỉ biết rằng, khi đọc các bài của bác Khang Ba Làng, Trẻ Tui cứ ngỡ như các bác cũng cùng lớp với chúng tôi. Cũng lén hút thuốc, cũng nuôi quy, cũng rảy nhiệt kế để được vào anhphiếcmơri nghỉ học, cũng chiều chiều tắm biển tranh thủ bắt ốc bỏ vô lon sữa bò nấu lên cải thiện, cũng bơi qua Hòn Chồng (à, các bác có nhớ chiếc thuyền xanh làm cột mốc không nhỉ?). Ấy thế mà, Trẻ Tui hồi ấy cứ nghĩ rằng mình đang làm một điều gì bí mật và trí tuệ lắm! Niên khoá 73-74, bác Tôn Bếp về làm surveillant mới tiết lộ cho chúng tôi: "Tụi mày giống tụi tao ngày xưa… quá đỗi!" Và chính vì bác thương "ngày xưa" của bác mà đám Trẻ Tui có cơ hội tiếp tục sự nghiệp "tông truyền"… của bác Khang. Còn thầy Cần thì có lẽ không ưa "ngày xưa" nên đám Trẻ Tui thường xuyên lãnh đủ những sống thước bảng lên mu bàn tay. Cu Thăng (Hoà Nghĩa) trong một lần không nhịn được đòn đã trót… phọt "nguyên con" ra cửa miệng, đành… xách va ly lên phòng Bề Trên: cắt đứt sự nghiệp "tông truyền"! Có điều Trẻ Tui không hiểu là một truyền thống lâu đời như vụ "rảy nhiệt kế" mà sao cố Đề vẫn không phát hiện ra. Hay cố cũng "tông truyền" luôn (?)

3. Dân ÉT BÊ rất "quy tê tê" (Quân tử Tàu):

Trẻ Tui xin mạn phép được mở ngoặc một chút: Khái niệm Quân tử Tàu ở đây Trẻ Tui không dám so sánh với những nhân vật lịch sử như: Quan Công, Lưu Bị hay Nhạc Phi, Tống Giang.v.v… Các vị trên đều có thật và có dính dáng chút đỉnh đến chính trị, phân tích cái chất "quy tê tê" của các cụ không khéo gây nhiều tranh cãi, tốn thêm forum trên TTSB. Những "quy tê tê" mà Trẻ Tui muốn đem ra đối chiếu chỉ là những nhân vật huyền sử trong kiếm hiệp Kim Dung, mà ngày xưa ít ra hơn một nửa dân SB đều đã từng "quen biết" trong thời gian lén lút "luyện chưởng". Đây chỉ là những gã "quy tê tê" chuyên bôn tẩu giang hồ để hành hiệp, cố tránh các chuyện "thị phi".
Cái này thì Trẻ Tui không dám cả quyết rằng tất cả, nhưng phần đông anh em Ex mà Trẻ Tui gặp lại đều phảng phất một chút Quách Tỉnh, một chút Hồng Thất Công, một chút Vương Trùng Dương, thậm chí một chút… Độc Cô Cầu Bại! Có phải không, anh em saobienians? Về lĩnh vực này thì Trẻ Tui không dám chứng minh, chỉ xin các bác tự nghiệm thôi. Chỉ biết rằng, thỉnh thoảng Trẻ Tui gặp một vài anh em saobienians, nghe qua một vài tâm sự thì đều được biết cái tâm trạng hoặc hoàn cảnh mà các bác gặp phải đều phát sinh từ cái chất "quy tê tê" này mà ra. "Chấp nhận chịu thua thiệt hoặc an phận, tránh đua chen, ngại va chạm…" Và cũng nhờ cái chất "quy tê tê" mà anh em dễ thông cảm lẫn nhau. Từ thằng business bên trời Tây cho đến lão nông tri điền chưa ra khỏi thời kỳ củ khoai củ sắn, từ vị abbey đạo mạo đến chàng lãng tử như Hư Trúc "xếnh xáng". Vì bị ám thị bởi chất nghiệm sinh này, mà Trẻ Tui có thói quen khi gặp anh em Ét Bê nào thì đều liên tưởng đến một nhân vật Kim Dung (cái này cũng chẳng thể giải thích được, xin các bác xá lỗi trước). Ví dụ, gặp bác Khanh 67, Trẻ Tui không nghĩ đến Hư Trúc đại sư như bác tự nhận mà chỉ liên tưởng đến chàng công tử đất Cô Tô: Mộ Dung Phục. Gặp bác Thiện 70, Trẻ Tui lại liên tưởng đến gã Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký.v.v…
Vậy ai có nhu cầu lấy biệt hiệu từ những nhân vật Kim Dung, xin vui lòng liên hệ email address: luyện chưởng a móc giả nai chấm cơm. Với điều kiện account của các bác không có tiếng Đức, Đan Mạch hoặc tiếng… Lào! Hè.. hè… (Địa cười chè)

4. Dân ÉT BÊ đều có máu "uy mua":

Ai hổng tin điều này thì cứ việc theo dõi TTSB từ đầu đến cuối. Những danh xưng như meo đàn "chổi cùn" của lớp 65 đủ nói lên điều đó. Các bác tranh luận các vấn đề khá là nghiêm túc và mang tính "tàn cầu" mà cũng cứ "uy mua" (nhân đây, Trẻ Tui đề nghị thành lập thêm pho rum "cối xay" để các lớp khác tham dự cho vui). Mà cũng phải, trong điều kiện giáo dục ở petit séminaire ngày xưa, không "uy mua" làm sao tồn tại nổi? Thế là, "uy mua" or not to be! Lãnh một bạt tai của cha Giám Luật ư? "Tao vừa chơi pingpong với ông kẹ, bị cú revers! Hề… hề…" Bị cha Láng vừa dò bài vừa nhéo bụng ư? "Tao vừa siết bù loong trên phòng Bù Loóng!" (có bác nào còn nhớ biệt danh này của cha Láng không?) Bị một "thằng đàn anh" ủi cái đầu như chó gặm ư? Cứ vui vẻ bước vào phòng étude với một biệt danh mới như "chim chóc mào" hay "sư cọ" chẳng hạn! Dần dần, cái chất "uy mua" đi vào cuộc sống như một dấu hiệu để nhận ra nhau.
Có lần Trẻ Tui đang nghe một trưởng lão nói chuyện phiếm: "Tớ nghe bọn Tây chủ trương ngủ "nuy" mới tốt, máu lưu thông dễ dàng, nghe cũng khoa học. Nó còn khuyên, ai bị chứng mất ngủ cứ thử cách này xem, bảo đảm hữu hiệu. Tớ thử ngay, hoá ra nó nói dóc!" "Sao vậy?", Trẻ Tui hỏi ngay. "Tớ thuộc loại dễ ngủ đây. Mà "nuy" thử một bữa đành mất ngủ cả đêm. Nghiêng bên trái "nó" vật sang trái cái "bạch". Trở mình sang phải "nó" vật sang phải cái "bịch". Đang ngủ say còn tỉnh dậy vì… đau nữa là!" "Hề… hề…-Trẻ Tui chặn ngang- Bác đích thị là saobienians rồi!"
Hồi đức cố Nho được tấn phong Giám Mục, gặp bác Hoá 67, một trong những thần tượng của Trẻ Tui ngày xưa, bèn hỏi thăm: "Bữa nay ở đâu, anh Hoá?" Bác tỉnh bơ vuốt mái tóc bạc chải ngược ra sau: "À, đang coi xứ ở Võ Đắc!"
Rev. Ngô Mạnh Điệp cũng thuộc hàng "uy mua trưởng" khi về làm quản xứ Song Mỹ của Trẻ Tui, rất quan tâm đến các gia đình trẻ. Một lần, bác sinh hoạt gia trưởng bèn đặt cho Trẻ Tui một câu hỏi: "Từ khi cưới nhau đến nay, bạn đã xích mích với vợ mấy lần?" Trẻ Tui đáp ngay: "Thưa Cha, đúng 3 lần không hơn!" "Sao bạn nhớ rõ vậy?" " Thưa Cha, vì do 3 lần giải hoà mà con có được 3 nhóc. Vì thế, con xin phép mạo muội khuyên anh em đừng nên xích mích. Một sự nhịn là chín sự kế hoạch! Hễ có xích mích thì phải có giải hoà. Mà hễ có giải hoà là có sự… (đổ) vỡ." Bác Điệp không nhịn được cười và nhận ra tôi là "anh em" ngay sau đó, lúc đã vô trong nhà xứ: "Ê, cậu cũng Sao Biển phải không?"
Cải biên: "Người ta cứ dấu nầy mà nhận ra anh em là Sao Biển nầy, là anh em "uy mua" đi!"


Để Kết: Trẻ Tui còn nhận thấy ÉT BÊ còn nhiều SỜ TAI nữa như "trưởng ấu hữu tự". Cách nhau một lớp đã khôn ngoan hơn rất nhiều, cách nhau hai lớp nhất định phải là "anh em". Ra các trường ngoài, Trẻ Tui thấy không được vậy! Vì vậy, anh em cố gắng "tông truyền" để vài trăm năm sau vẫn còn nhận ra nhau kẻo cụ Tiên Điền nhổm dậy mà rằng:
"Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân tiếu Ét Bê"

Trẻ Tui 72

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2007

Chao Anh Em

Hi anh em,

 

Cho minh tham gia voi.

Minh lap gia dinh nam 96.  Phan Hung lam phu re.

Minh co 2 con (trai 10 tuoi, gai 7 tuoi) o Virginia.

Hien nay minh dang o Saigon.

Neu moi viec tot dep thi 21/11 minh ve toi My, vua kip Thanksgiving.

Mua He 2008, tui minh (vo chong, con cai) du dinh ve HNSB 2008.

Minh nan ni co anh em nao do di cho vui, co dip gap luon vo chong, con cai anh em.

Hop mat lop minh o My thi minh cung hoan nghenh luon (ham vui qua J).

Nhung ma co gang sap xep de khong trung voi dip do nhe.

Lop 72 minh o Vietnam thi nam nao anh em cung hop mat, vao dung Sinh Nhat Duc Me.

 

C.

Thành Kính Phân Ưu


From: Bao Le [mailto:lehongbao@gmail.com]
Sent: Friday, November 09, 2007 2:46 AM
To: VKhoiDNguyen
Cc: Nguyen, Hung P; Hy Pham; antonkinh@yahoo.com; benthanh@yahoo.com; daonguyen261@yahoo.ca; dnnguyen@qualcomm.com; huysb72@yahoo.com; Giang Le; loan253@yahoo.com; ngphlg@yahoo.com.au; BuiHuuDong; TrinhTuyen; Dung Vu; levanduong84ntt@yahoo.com
Subject: Re: Thà nh Kính Phân Ưu

Xin chia buồn cùng Dung và gia đình. Mình rất tiếc không đi Nha trang dự lễ tiễn đưa ông cụ được, Mình có nhờ Dương thay mặt anh em. Hy vọng Dung OK. Ông cụ là một trong số những người đạo đức mà mình được biết, đạo đức theo quan niệm của cụ, và cụ đã sống được tinh thần của chính mình nên đối với người khác ít nhiều có chút lạc lõng. Không sao, Chúa công bằng và nhân ái. Mình tin cụ sớm hưởng nhan Thánh Chúa.
Rất mừng vì hộp thư của anh em mình đang đông vui hẳn lên. Một cái blogsite là rất hợp lý. Bravo Hưng. Very good idea
Thanks,
Bảo
0918.674437


On 11/9/07, VKhoiDNguyen <ngkhd@yahoo.com> wrote:
Xin thành kính phân ưu với Dung và tang
quyến.

Nguyện xin Bình An Chúa luôn chan hoà trên gia
đình luôn mãi, trong những giờ phút đau
buồn này.

Xin hiệp lời cầu nguyện cùng với anh em Sao
Biển 72 cho linh hồn cụ Vincentê được
hưởng Thánh Nhan Chúa.

Hình ảnh ông cụ miệt mài làm việc ở
đường Phan Bội Châu, Nha Trang, những năm
sau 1975, và lòng yêu mến, kính trọng những
người bạn chủng sinh của Dung là những
hình ảnh in đậm trong tâm khảm của mình
cho tới bây giờ.

Thân Kính,
Nguyễn Đ. VănKhôi

Giả - Vờ

GIẢ - VỜ

 

 

Có lúc ta cặm cụi

Làm thơ để dối lòng

Đôi khi ta rong ruổi

Dối cuộc đời long đong

 

Mưa có khi tiêu sái

Giả bong bóng phập phồng

Chiều có khi nắng quái

Giả trời trưa khật khùng

 

Biển nhiều phen dậy sóng

Nên suối giả vờ sông

Mây vờ như phiêu lãng

Núi chập chùng ngóng trông

 

Vỉa hè chân ai bước

Cho phố giả vờ đông

Bụi đường vờ vương vấn

Mắt em còn cay không?

 

Gặp em ta giả tỉnh

Xa rồi mới mỏi mong

Em giả như không biết

Để Trời còn bất công!

 

Quán trưa mùa vắng khách

Khói thuốc vờ mênh mông

Cà phê buông chầm chậm

Vờ đếm giọt hư không

 

Thôi cứ vờ thanh thản

Dù đời đầy bão giông

Một mai ta cát bụi

Biết đâu em thật lòng!